Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




LOANH QUANH ĐÀ LẠT



N hận lời Hai, một người hàng xóm, Thái chịu trách nhiệm chụp ảnh đám tang đứa con trai mười bảy tuổi của bạn, chẳng khác một thợ ảnh chuyên nghiệp. Tưởng dễ ăn, nhưng khi vào việc, Thái mới thấy “ dịch vụ “ này, không đơn giản như vác máy đi săn hình của cánh nghệ sĩ ! Thái còn phải bám theo xe xuống huyện bỡi quan tài được đưa về an táng tại một địa điểm cách xa Thành phố gần 30 cây số để thằng bé được gần nhà ngoại, vì nghĩa trang ở nông thôn còn là nơi rộng rãi, thoáng đẹp, còn được bà con hết lòng giúp đỡ tận tình…

Thái cố gắng bấm đủ các hình ảnh lúc chôn cất nên không tránh được những cảnh đau lòng, nhất là cái cảnh ông nội đứa chết đứng dọc lời cảm tạ trước quan tài trong lúc vợ Ba khóc ngất bên mộ, hoặc lúc mọi người ném từng từng nắm đất xuống huyệt . Không phải vì trời nắng, đường xa mà chính bao nhiêu giọt nước mắt, bao nhiêu tiếng khóc…cứ đập vào mắt, xoáy vào tai làm cho Thái như bị vật gì đè lên ngực, bần thần, muốn xỉu !

Khi Thái rời ngôi mộ mới, đến chỗ bóng mát một cây cổ thụ gần đó, bỗng một chiếc khăn tay đưa ra, và : -Em chào thầy…Thầy có mệt lắm không ạ ? Thái ngạc nhiên vì người chào anh là một thiếu phụ khoảng bốn mươi, hoàn toàn không quen biết . Thái thắc mắc : -Xin lỗi ! Cô là… ? Hình như hiểu ý Thái, người đàn bà sốt sắng : -Em là Tâm, em họ của vợ anh Hai, em ở xã này và đang dạy ở trường cấp 2 ngoài lộ. Thái vẫn chưa nhớ được gì, buột miệng : -Nhưng…? Người đàn bà kể tiếp: -Lâu quá rồi còn gì ! Năm 1975 em ở thành phố, là học trò của cô Mỹ Hương và thầy Hà, thầy nhớ không ? Thái chợt thấy một chút manh mối của sự quen biết, khi Tâm nhắc lại Mỹ Hương và Hà giáo viên từ trước bảy lăm, nhưng trong bộ nhớ của Thái vẫn chẳng có hình ảnh người tên Tâm này, Thái lại dò : -Nhưng tôi gặp cô trong trường hợp nào nhỉ ? Tâm vui vẻ :- Hơn hai mươi năm rồi còn gì. Vừa giải phóng thành phố xong, thầy, thầy Hà, thầy Ngũ, cô Hương…cùng nhau xây dựng một chương trình văn nghệ, thầy nhớ không ? Em không bỏ sót bất cứ buổi tập dượt nào của quý thầy cô nên em nhớ rất kỹ. Thầy Hà hát bài “ Hà nội niềm tin và hy vọng “ cô Mỹ Hương hát bài “ Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” , thầy hát bài “ Đường chúng ta đi “, thầy Ngũ ngâm bài “Bác ơi “ của Tố Hữu…Đó là những bài thơ, bài ca vừa mới lại vừa hay mà chúng em biết được lúc vừa giải phóng, làm sao mà quên ?

Thật ra, ngày xưa Thái thuộc loại học hành dang dở vì ham chơi, đang ghi danh học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt, nhảy về Sài Gòn học Luật. Cuối cùng, thấy con gái Văn khoa đẹp, Thái lại ghi danh học Văn khoa, cho nên khi các bạn anh học xong sư phạm, đi dạy rồi mà anh vẫn chưa xong cái Cử nhân. Nói “ghi danh” vì những nghành học xã hội này không phải thi tuyển, cứ đăng ký với cái bằng Tú Tài là học, học chừng nào có đủ bốn chứng chỉ là được cái cử nhân đàng hoàng. Anh nào không kiếm được một chứng chỉ trong năm học là “tiêu tùng”, được mời đi lính ngay. Thái lêu lổng mãi đến sau Mậu thân, nhận được “ Lệnh gọi “ vào trường Sĩ Quan Thủ Đức. Các cụ nhà Thái ra tay, lo cho Thái chức binh nhì lính địa phương. Thái nhường phần lương cho xếp đồn, thuê người gác cầu mỗi ngày bốn tiếng, thong dong ở thành phố, văn nghệ, văn gừng…Đám bạn thân của Thái hầu hết làm nghề dạy học, trong đó Mỹ Hương, Hà, Ngũ, Viễn…là những tay “văn nghệ bẩm sinh”. Biết nhóm Thái có “ năng khiếu đặc biệt “, nên tháng 8/1975, các vị trong Ủy Ban Quân Quản yêu cầu làm một chương trình Văn nghệ cho …Phường, đóng góp vào đợt hội diễn đầu tiên toàn thành phố.

Đang ngứa nghề đến phải rủ nhau ngâm thơ, đàn hát chui ( vì không được phép tụ tập đông người ! ), bỗng dưng được chính quyền Cách mạng gọi đi làm Văn nghệ, bọn Thái mừng rơn ! Không tìm đâu ra bài vở, họ chia nhau nghe đài phát thanh Hà Nội để chép thơ và nhạc. Ngũ từng làm thơ, viết văn… nên việc sưu tầm văn thơ cách mạng chẳng khó khăn gì. Hà nghe đài phát thanh, chép ca khúc, ký âm đàng hoàng để cung cấp cả nhóm. Cả bọn lăn vào tập dượt bất kể khó nhọc, sớm tối… Hóa ra Tâm là một trong những đứa học trò của các bạn Thái, từng làm khán giả trước khi chương trình được công diễn. Thái chơi với các thầy cô nên thường được các em, trong đó có Tâm hay gọi bằng thầy, lúc đầu Thái còn đính chính, nhưng mãi rồi …mặc kệ!

Nhưng nhóm của Thái chẳng bao giờ công diễn, họ “tan nát” từ đêm phúc khảo ! Dù tập ròng rã hơn nửa tháng, cho đến lúc tập trung vào hội trường trường cấp 2 Văn Hiến, cả bọn còn so giây đàn, lấy giọng sáo, lẩm nhẩm học bài, bừng bừng khí thế, quyết tâm ca ngâm ra trò… Trước khi duyệt chương trình, Ủy viên Thông tin Văn Hóa là một thanh niên lên mở đầu bằng lời chào mừng các đơn vị tham gia hội diễn, về trách nhiệm vinh quang của mỗi văn nghệ sĩ trong Phường…Dĩ nhiên có vỗ tay chúc đêm phúc khảo thành công tốt đẹp ! Tự nhiên Hương, Hà, Ngũ chụm đầu vào nhau rì rầm, cuối cùng “đúng cậu ấy rồi !”. Thì ra Ủy Viên Thông Tin văn hóa là Tường, học trò lớp 11 do Hương chủ nhiệm, đã bỏ học từ học kỳ 2 năm ngoái. Không biết do xúc động vì bất ngờ gặp lại học trò cũ hay là vì lý do nào khác mà bỗng dưng Hương bị “đau cổ”, Hà “tức ngực” , ống sáo của Viễn bị “khô quá” không thổi được ! Cả nhóm chỉ còn được bài hát của Thái và bài thơ của Ngũ…rồi âm thầm rút, không kịp uống nước nước chanh do phụ nữ phường bồi dưỡng!

Hầu như đợt hội diễn nào của Phường, của thành phố, của tỉnh, của ngành… đều có mặt Mỹ Hương. Là cô giáo dạy văn nhưng Mỹ Hương còn có một giọng hát tuyệt vời. Chất giọng nữ cao, Hương có thể “bay” hết những bài hát có âm vực rộng, khó…mà ở thành phố này có ai làm được! Cuôi năm 1985, Mỹ Hương chết vì lao phổi ! Nghĩ đến thân hình gầy gò gần như không có ngực, cuộc sống độc thân, khổ hạnh của Mỹ Hương, Thái đau đớn đến cả năm vì Thái cũng là một người “mê” giọng hát của nàng

Hà dạy ngoại ngữ , thêm sở trường hát những bài tiền chiến, trử tình. Tuy vậy, Hà hát những ca khúc Cách Mạng với một sự diễn cảm độc đáo, dễ mê hoặc lòng người. Đùng một cái, Hà vượt biên sang định cư với người thân ở Pháp khi làn sóng vượt bên mới âm ỉ, bắt đầu…

Ngũ gốc Huế, làm thơ và ngâm thơ từ hồi sinh viên. Tốt nghiệp Đại học sư phạm, Ngũ “ được “ phân công lên cao nguyên vì thành tích tranh đấu, chống chính quyền từ lúc còn đi học…Sau bảy lăm, nhờ quan hệ tốt với những người bạn đồng hương cũ, Ngũ chuyển về Sài Gòn, làm báo, làm thơ, viết văn, bây giờ đã là một “ quan chức văn nghệ “, thu nhập khá, nhà cửa đường hoàng… Còn Viễn, ông đồ nho lãng mạn, dạy tiếng Anh nhưng làm thơ và rành cả Hán Nôm. Cái uyên thâm về Dịch lý của Viễn giúp bạn bè về chuyện cung mạng, tuổi tác, hướng nhà, hướng mộ…, ai cũng quý. Thỉnh thoảng nổi máu khùng, Viễn gom cả bọn lại, mời rượu và đọc thơ! Thương Thái, Viễn đã từng : -Nhà mày đông người, khó khăn hơn tao, cầm lấy mấy chục về cho Hoa và mấy đứa nhỏ ! Thế là Viễn ép Thái cầm gần hết tháng lương về cho vợ. Nghĩ đến những lúc Viễn lệnh cho bạn mua rượu “ uống chống trời mưa “ , hay những những lần đến nhà mình, đòi cơm nửa đêm… Thái phải cầm lấy, vì thấy đồng tiền lúc ấy nó quý giá hơn với tấm lòng bè bạn !

Năm 1985, Viễn được điều về dạy ở một trường cấp 3 cách thành phố khoảng 30 km, sau đó được phong làm Trưởng Phòng giáo dục huyện. Cứ tưởng Viễn có chức quyền, lấy được vợ là “ yên thân nhà ngói cây mít “, đâu ngờ chưa đến hai năm, hắn nhổ neo trở lại thành phố. Thái phản ứng : Mày làm Trưởng phòng, có con dấu, có tài khoản riêng, rồi sẽ bỗng lộc đầy trời, cứ tưởng cái thân mày, vợ con mày được nhờ, đâu ngờ mày lại khùng ! Viễn phân bua đầy chất thơ : -Mày cứ xuống làm ông Trưởng phòng thử được mấy ngày ? Năm rồi, có mấy con bé vừa học Cao đẳng ra, nhiệt tình chất ngất. Khi phân nhiệm sở, bắt buộc tao phải đưa nó về nơi có nhu cầu cao nhất. Nhu cầu cao thì có nơi nào khác vùng sâu, vùng xa. Hơn một học kỳ gặp lại chúng nó, ôi ! tóc mây, môi đỏ, má đào…chẳng còn gì nữa. Sốt rét đã hủy diệt chúng nó, mà tao là tác nhân đầu tiên ! Thái cự : - Nhưng mày còn quyền lợi kinh tế, còn vợ con mày nữa chứ ? Nó chưa chịu : -Tao về dạy Anh văn ở Cao đẳng cũng là một loại “ lương sư hưng quốc “ rồi, có ai xem thường tao nào ? Lương tháng không bị mất một đồng, mày bảo quyền lợi gì nữa ? Chia phần trong xây dựng trường lớp với nhà thầu à ? Hay ngửa tay cầm tiền bạc, quà cáp của giáo viên cấp dưới…Mày làm thơ mà không ngờ suy nghĩ đổ đốn thế !

Rồi Viễn đi nước ngoài. Trước khi đi Viễn gọi Thái đến nhà uống rượu, cùng “đờn ca sáo thổi “ với nhau lần cuối : -Tao ở đây thì được làm thầy thiên hạ, chứ sang Mỹ, có ai thuê mà dạy ! Nhưng gia đình muốn tao đi, tao còn bà xã, cu Bi, bé Na… Bữa nhậu hôm ấy hai thằng đều say và là một kỷ niệm khó quên, chả bù “ thằng cha Hà “ ngày nào, đi lén nhà nước, lén cả bạn bè !

Từ ngày Viễn đi Mỹ, Thái không còn gì dấu tích những người bạn từ thuở thiếu thời, cho đến lúc gặp Tâm. Hai “ thầy trò “ Thái và Tâm trò chuyện, có dịp vẽ lại chân dung những người cũ.

Nghỏang lại đám tang đã vãn, chỉ còn đống lửa đốt những vật dụng người chết trên đầu mộ. Tâm nhìn Thái : -Còn thầy dạo này thế nào ạ ? - Em đừng gọi tôi bằng thầy nữa, bởi vì tôi chưa bao giờ dạy học, và nhất là chưa bao giờ dạy em, cho dù chỉ một tiết, hiểu không ? Tâm phân bua : -Nhưng thầy chơi với các thầy cô của em ! Gặp thầy, em như gặp lại những thầy cô cũ. Em thực sự xem thầy là thầy em khi thầy nói với em về những ca khúc và bài thơ miền bắc, về giá trị thực sự của tác phẩm, không phân biệt chính kiến, nguồn gốc tác giả.... Em biết, ngày ấy có nhiều người gọi các thầy là “ dân 30/4 “ vì chuyện yêu thích thơ ca ấy. Thái bình thường hóa câu chuyện : Chuyện cũ đã lâu, bây giờ còn sống được và sống tốt là mừng rồi. Trước khi chia tay, Tâm còn nói thêm : Thỉnh thoảng em có đọc bài của thầy trên các báo và tạp chí văn nghệ nên biết thầy vẫn còn ở Đà Lạt. Em còn biết thầy có in sách riêng, hôm nào thầy cho em xin vài cuốn nghe thầy ! Thái bắt tay Tâm, vui vẻ : Chuyện nhỏ ! tôi như con chim ngứa cổ hát chơi, chỉ sợ em đọc sẽ “ không tốt cho sức khỏe “ thôi !

Viễn trở về sau gần mười năm xa xứ. Gặp Viễn, Thái mừng rỡ hết biết! Viễn chỉ già hơn chút đỉnh, , mái tóc điểm bạc vẫn bồng bềnh nhưng dáng đẫy đà chứ không còn còi cọc như ngày xưa … Viễn đến thăm Thái còn có Tâm và một người đàn ông trung niên trông bệ vệ với veston và cà vạt đường hoàng. Khi Thái bắt tay Viễn và Tâm xong, người đàn ông hơi cúi người xuống bắt tay Thái : -Em là Tường. Chắc thầy đã quên em ? Thái nghĩ, đây có lẽ là bạn của Tâm, trong đám học trò cũ của Viễn, Hà…, thắc mắc : -Xin lỗi, em là…? -Thầy quên em là phải, hồi cấp 3 em rời trường sớm. Viễn giải thích : Đây là Tường, học trò cũ của tao trước năm bảy lăm, bộ nhớ của mày xuống cấp rồi ! Thái ngơ ngác, quả tình anh không nhớ con người tên Tường này là ai thật. Tâm giới thiệu thêm : -Anh Tường là Ủy Viên Thông Tin Văn Hóa của Ủy Ban Quân Quản Phường, người đã duyệt chương trình văn nghệ của các thầy hồi tháng tám năm bảy lăm, thầy nhớ chưa ? Lúc này Thái chợt nhớ ra :-À…mình xin lỗi ! Lâu quá, bao nhiêu là thay đổi…Cũng đã ba mươi năm rồi còn gì ! Vợ Thái lấy nước và trái cây mời khách, tíu tít hỏi về gia đình Viễn, rồi nhắc lại những ngày xưa…Viễn nói về mình với giọng không vui : -Sang Mỹ chỉ có bà ấy đi làm chứ mình thì thuộc loại “ quá đát “ chẳng làm nên nước nôi gì . Mày tính, cầm cái bằng Đại học Sư Phạm An Nam đi bán xăng, chỉ được ưu tiên ca đêm, cực và nhục lắm ! –Sao không “ qui cố hương ?“, nhiều tay từ Tây ngược về vẫn sống phong lưu thoải mái, có sao đâu ? Viễn nghi ngờ chuyện trở về, nên hỏi :- Nghe nói đất nước đổi mới hà rầm, tao thấy mày vẫn ở căn nhà cũ với cả trang thiết bị…Thái đế thêm :- Và cả bà vợ cũ chứ gì ? Tao hợp những cái đã sẵn có từ lâu. Tao sống thế nào ư? Tao không giàu nhưng vẫn phong lưu, mày khỏi lo !

Tường cũng kịp thời hòa nhập với cả bọn, không khí nhanh chóng trở nên thân tình, vui vẻ. Nhân lúc Thái,Viễn bá cổ, choàng vai… Tâm và Tường đã ra tiệm bê về chai rượu và một mớ đồ ăn, bữa tiệc hội ngộ dù đột xuất, trở nên rôm rả hẳn. Rượu vào, không khí cởi mở hơn và Thái có dịp nhận rõ Tường. Tường theo cha mẹ từ một tỉnh duyên hải miền trung vào Nam tây nguyên từ nhỏ. Gia đình Tường “hoạt động” khá lâu, nên cuối năm học học lớp 11 Tường “ thoát ly “, khi tuổi vừa mười tám. Tường tham gia đánh nhau vài trận, đến ngày giải phóng. Ngày thống nhất, Tường là cán bộ trẻ từ căn cứ về , làm công tác Quân quản cùng với những cán bộ lớn tuổi. Nhờ thành tích và lý lịch tốt, Tường có được những ưu đãi trong công tác, từ phường lên thành phố, rồi thành phố lên tỉnh… Sau khi học xong chương trình cấp ba bổ túc văn hóa, Tường lại hoàn thành cái đại học kinh tế tại chức, hiện là giám đốc một doanh nghiệp nhà nước được đánh giá là “ làm ăn hiệu quả “…Tường thật thà : - Em ngày xưa khó khăn, học hành mất căn bản nên những ngày đi học, chưa bao giờ em đạt học sinh giỏi cả. Sau này ra công tác, hễ có điều kiện đi học là em xin đi ngay. Em nghĩ kiến tha lâu đầy lỗ nên chẳng sợ khó khăn gì. Vừa làm việc vừa học, mà “ học thật “ nó cực lắm, có nhiều người được cử đi học, một mực xin về vì không học nổi khi kiến thức cơ bản không còn, sức khỏe đã yếu kém, ngồi vào lớp chỉ thấy buồn ngủ, muốn bệnh !

Tâm nhìn Thái : -Anh Tường bây giờ có hai bằng Đại học đó thầy! Thái ngạc nhiên :- Vốn liếng Viễn chỉ có một cái bằng Sư phạm, mình mới kiếm được hơn nửa cái, vậy mà Tường có những hai cái, giỏi ! Tường khiêm tốn :- Đại học tại chức mà thầy ! Thái nói như một lời khen : -Tại chức đi nữa mà có hai bằng là em giỏi rồi ! Tường giải thích thêm : -Em chỉ có cái bằng Đại học kinh tế thôi ! còn cái bằng kia…Tâm vội bổ sung : Bằng kia là bằng Cao cấp chính Trị, nó còn có giá hơn cái bằng Đại học chính quy đó ! Viễn ngây thơ : Bây giờ nước mình có trường Đại học chính trị ? Thái phải giảng cho Viễn : Trường chính trị là trường Đảng, trường Nguyễn Ái Quốc, nơi rèn luyện kiến thức và đạo đức cách mạng cho những người là đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam, hiểu chưa ? Viễn đánh khà một tiếng rồi gật gù, không biết có hiểu được gì hay không !

Sau khi tra khảo cậu học trò vốn mang tiếng “ học sinh cá biệt “ tới nơi, Viễn cũng phải thừa nhận rằng Tường có cái “ phẩm chất của người Đà Lạt “ không biến chất như những “ trọc phú mới “ của quê hương . Rồi Viễn bất ngờ nghiêng sang Thái : Tình hình kinh tế chúng mày thế nào ? Thái thành thật : Tụi tao ổn, thằng lớn đi làm rồi, hằng tháng con dâu gởi cho bố mẹ một khoảng lương đủ sống. Viễn tỏ vẻ quan tâm hơn :- Thế thù lao viết lách có sống được không ? Thái ậm ừ : -Viết chưa chắc đã hay, mà hay chưa chắc bán được nếu không có những quan hệ quen biết. Nhuận bút bài thơ được dăm ba chục, cái truyện ngắn được mấy trăm…cũng hẻo lắm ! Viễn ngạc nhiên :-Có mầy tờ báo lớn có số phát hành cao , sao mày không gởi ? Thái phát cáu :-Mày tưởng dễ ăn lắm nhỉ ? Càng béo bở, càng khó chen vào vì nó…béo bở ! Cũng như nếu tao làm biên tập thì tao sẽ ưu tiên cho mày ấy mà ! Viễn tỏ ra thông cảm : - Văn chương bao giờ cũng có một giá trị cao quý của nó, mà đối xử như thế thì… cay nhỉ ! – Tội quái gì phải sân si cho mệt người, mày thử hỏi thằng Tường xem, nó có bao giờ nó bỏ tiền ra mua một tập thơ hay một cuốn sách văn chương chưa? Tường ngượng ngập :- Dạ…thật tình em lu bu công việc quá nên chẳng mấy khi…Như được dịp, Thái “bổ sung” ngay : -Chẳng mấy khi đọc sách văn chương chứ gì ? Đấy…mày thấy không, học trò cũ của mày vừa có chức, có quyền và có tiền mà còn thế, huống gì…! Không muốn không khí trở buồn, Tâm luôn tay tiếp rượu, mời mọi người “ uống cạn ly đầy “ rồi lại “ rót đầy ly cạn”…- Nào ! Xem chuyện lớn như chuyện nhỏ, xem chuyện nhỏ như không có, thơ mày còn tao đọc, thơ tao có mầy nghe, hơi đâu mà ép uổng thiên hạ ! Viễn dốc cạn, lại uống, lại tê mê, và hào sảng cười…!

Nghĩa trang như một thành phố hiện đại, ngôi mộ nào cũng bê tông, sơn phết đủ mầu sắc. Nhiều ngôi mộ to như cái đình làng, có rồng có phụng, có cả Tivi và ô tô đời mới…nhìn hoa cả mắt ! Mộ Mỹ Hương khiêm tốn nằm trong khu đất nhỏ có hàng rào dây thép chung quanh. Tấm ảnh mầu trên bia đá đã bạc trắng vẫn còn rõ nụ cười. Hàng chữ “ Nguyễn Mỹ Hương, sinh 1949-Tử 1985 “ như dao cắt vào lòng Thái ! Ở tuổi 36, Mỹ Hương ra nằm một mình nơi này, gia đình anh trai và chị gái của Hương đã chuyển cả về Sài Gòn, bát hương trên mộ chỉ có vài chân nhang cũ ! Thắp nhang cho Hương xong, Viễn thở dài : -Hình như ngày ấy mày có yêu Hương phải không ? –Tao không phủ nhận điều ấy, nhưng chỉ có một mình tao biết thôi, còn Hương thì không.-Sao mày không nói ?-Ngày ấy tao lông bông, còn trẻ con lắm, hai mấy tuổi đầu mà tỏ tình chỉ sợ Hương từ chối, tình yêu đã không được, có khi mất cả tình bạn ! Viễn trách :-Mày ngu quá ! Ngày xưa tao cũng thấy Hương đáng yêu biết bao nhiêu, nhưng không dám nói vì cứ nghĩ Hương đã có mày…Chỉ vào khoảng đất trống bên mộ Hương, Viễn bảo : -Chỗ này còn chôn được một người nữa đây. Ước gì mai mốt tao chết được về nằm gần Mỹ Hương ! –Mày chỉ lãng mạn tếu, vợ con mày có thả mày về đây để chết không ? – Ở bển, cái khái niệm gia đình nó mong manh lắm, vợ chồng, con cái sống với nhau đôi khi như một loại hình thức cho có với đời, tao có xuống đến chín tầng địa ngục, chúng nó chẳng bận tâm đâu ! “ Trẻ cậy cha, già cậy nhà dưỡng lão! “ là chuyện khá phổ biến ở Mỹ, nhà tao sẽ không là ngoại lệ…

Thấy Thái mấy lần trả lời điện thoại, Viễn thắc mắc : -Ai gọi mà lắm thế? –Bạn ! Viễn truy vấn : -Bạn làm ăn hay bạn chơi bời ? Làm ăn hay chơi bời gì mà chẳng có bạn ! Tao đãi vàng, đãi thiếc một mùa xong thì có bạn đãi vàng. Tao lái xe khách, xe tải một thời gian nên có bạn lái xe. Tao chạy xe ôm ban đêm một thời gian, tao lại có bạn chuyên sống về đêm. Tao làm thơ, viết văn, cho dù thuộc loại vô danh, nhưng cũng có được vài người bạn văn nghệ, chưa kể thời tao làm quản lý thuê cho một doanh nghiệp, tao còn khối bạn nhà giàu… nên dù đã đặt ra tiêu chí : ngồi ở đâu, với ai ? nhưng bạn bè “ tình thương mến thương “ thì đầy ! Không làm sao bỏ nhau được, thế là tao “ ăn chơi kín lịch!”. – Viễn choàng vai Thái : -Mày sống lanh quanh Đà Lạt thế mà hay, giá tao được như mày ! –Mày là quý tộc làm sao sống bụi đời ! Tao phải ra đời, phải ngửi bụi nên mới bị gọi là dân bụi đời, chứ còn mày, mày muốn nhưng làm sao sống như tao được, giày dép còn có số, nữa là…

Loanh quanh Đà Lạt ! Loanh quanh mãi rồi đến một ngày nào đó sẽ nằm một chỗ cô đơn, lặng lẽ như Mỹ Hương ? Bay cao không được, đi xa không được, nào có danh giá gì. Biết thế, nhưng Thái chẳng làm gì được, không làm được cả những “chuyện nhỏ” như Mỹ Hương từng làm : sống ngay thẳng, hết lòng, yêu mến từ con người đến ngọn cỏ, thân ái với mọi người…Thái nghĩ, được như Mỹ Hương, thật chẳng có gì hối tiếc !

Viễn và Thái, hai đứa đi loanh quanh Đà Lạt suốt buổi chiều, vẫn chuyện quê kiểng và bạn bè xưa cũ. Viễn bảo : -Để mai mốt xa, tao còn cái mà nhớ !

Chia tay Viễn về nhà trong trạng thái ngà say vì rượu, nhưng nghe Hoa nói, Thái tỉnh hẳn : - Anh Xuân điện thoại gặp anh mà không gặp đó ! Nghĩ đến Xuân, người biên tập và đạo diễn phát thanh đài Phát thanh truyền hình tỉnh bên, Thái giật mình vì chưa làm xong một việc đã hứa :-Anh Xuân có dặn gì không ? – Anh ấy nhắc làm bài cho tháng 12 đó! Thái lẩm bẩm : –Bây giờ mới tháng mười…Hoa nói thêm : - Dạo này, ở đài có nhiều người biết viết rồi, anh mà trễ thì có bài người khác thay vào ngay, đừng trách ! Vậy là đêm nay Thái sẽ thức, có khi đến sáng để làm bài. Tháng 12 là những chủ đề : Ngày Quân đội Nhân Dân, Ngày khuyết tật thế giới, Ngày Thế giới phòng chống HIV… Một “câu chuyện truyền thanh” để phát trong thời lượng 30 phút, dài khoảng 5.000 chữ, in ra trên dưới 10 trang giấy A4, nhuận bút ba trăm ngàn, là việc Thái làm thường xuyên cho đài tỉnh nhà và đài tỉnh bạn kế bên, chỗ anh Xuân. Khi có điện thoại đặt hàng viết về Mùa tết, hoặc nghỉ hè, tựu trường, mùa báo hiếu…là viết. Tháng nào có chủ đề tháng ấy cũng như cây trái từng mùa vậy. Thái viết từ “ ma túy học đường “,đến “Bóc lột lao động vị thành niên”…khi thì “ An toàn giao thông “, “ sức khỏe sinh sản “, “ baọ hành phụ nữ “… thôi thì đủ thứ chuyện trong xã hội, viết như chương trình “gia đình bác Tám “ ngày trước ! Ngồi bịa ra 5.000 chữ, thù lao í oi cũng phải làm. Thái nghĩ, âu đó cũng là một cách đóng góp với xã hội, và… suy ra vẫn còn có giá hơn công cuốc đất ! Vậy mà bây giờ cái “ khu đất hẹp “ ấy vẫn bị “chen canh“ vì có những nhân tài, trẻ trung, năng động hơn ! Anh Xuân ưu ái Thái vì thấy Thái “ thất nghiệp “, mỗi tháng “ gởi đến cho bà Hoa nửa tạ gạo ! “, nhưng thực ra cái thu nhập ấy có bao giờ dùng để mua gạo đâu, còn bao nhiêu chi phí cho cà phê, cà pháo, nhậu nhẹt…của riêng Thái, nhiều khi vợ Thái phải tài trợ thêm.

Thái vừa uống xong một ly cà phê đậm đặc để thức, chưa “ cày “ được chữ nào thì Viễn đến : -Đem rượu ra uống đi, tao nói cái này hay lắm ! Thái ngạc nhiên :- Tao với mày “ hay “ với nhau cả ngày, còn gì mà đòi “ hay “ nữa ? Tao giải rượu bằng cà phê xong rồi, mày lại xúi dại ! Viễn đổi ý ngay :- Ừ thì cà phê…bà Hoa cho tôi ly cà phê nóng dòn, để tôi tỉnh táo mà bàn chuyện “ dân sinh kinh tế “ với thằng bạn già đi !

Viễn hăm hở kể những dự kiến, những việc “ cần làm ngay “ của mình : -Tao vừa đi một vòng, nghe và nhìn Đà Lạt đêm. Nó hay lắm mày ạ ! Mỹ Hương đã nói với tao, bây giờ Đà Lạt gọi tao…Tao sẽ về, sẽ về để lanh quanh Đà Lạt với mày, Thái à ! – Mày về thế nào được ? – Ai cấm tao nào ? Nhà nước mình sắp ban hành “ luật hai quốc tịch “, tao về Việt Nam là về nhà, cái bằng Sư phạm Việt Nam của tao vẫn còn giá trị, tao sẽ đi dạy tiếng Anh như một giáo viên bản địa từ Mỹ, được chưa ? Ý tưởng của Viễn không phải không khả thi, nhưng Thái thấy đây là tình huống đầu tiên, nên ậm ừ :- Dự kiến của mày nó mới và lạ lắm, tao chưa thấy bao giờ !- Mày chưa thấy, rồi sẽ thấy! Tâm nó bảo, các trung tâm ngoại ngữ ở Sài Gòn còn thuê cả đám Tây ba lô vào dạy tiếng anh, cốt để học nó cách phát âm cho chuẩn, mà cái khoảng này thì tao đầy bụng, biết chưa ? –Nhưng mày có dám bỏ cái thiên đường vật chất bên kia mà về hay không ? – Tao về Đà Lạt vì tao đã từng bị Đà Lạt mê hoặc từ xưa. Tao về, dẫu có phải làm những việc “ hạ tầng cở sở “ như mày trước đây thì đã chết ai đâu nào ? Tao thấy, chính trong tầng lớp thứ dân của Đà Lạt là những người đầy chất Đà Lạt nhất ! Mạc lắm, tao cũng tự nuôi thân được chứ mày ? Dù chỉ uống ly cà phê, hay nghe một bản nhạc thôi, mới thấy trên trái đất này không có chỗ làm mình sung sướng như Đà Lạt ! Mai mốt “qua đời”, tao được chôn xuống đất, rồi tan ra, thấm vào cây cỏ Đà Lạt… còn thiên đường nào nữa, mày ?

Viễn khệnh khạng đi lấy rượu , rót ra hai ly : “ Nào ! “Keng” một cái mừng tao sẽ trở về… Biết bạn đang cao hứng, không ngăn lại được, Thái đành cầm ly : - Ừ thì tao cũng mừng cho ý tưởng của mày, sáu mươi rồi mà không về gấp là muộn đấy ! –Muộn làm sao được khi lòng ta đã quyết… ! Xong ba ly, Viễn bật ngửa ra sa-lông ngáy như lâm tặc cưa gỗ. Cà phê đặc, rồi rượu làm cho Thái dở say, dở tỉnh, cứ ngây ngây ngất ngất…Ừ thì về đi Viễn ! trước khi chính phủ chấp thuận thì tao duyệt cho mày về nước, về Đà Lạt với tao. Tao biết mày là người có lòng, Đà Lạt có một người tốt, tao có lại một thằng bạn hiền để choàng vai… để cùng “ loanh quanh Đà Lạt “ với nhau, sướng !.-./.


ĐaLat-Mùa đông 2008



VVM.23.4.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .