Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



DUYÊN PHÂN TRỜI CHO


                        

V ừa đi theo băng-ca đưa ông Tiến Lâm lên xe cứu thương để về trường đại học Y Dược, cô Bình Phương trở về căn hộ trước đã trống vắng nay thêm vẻ đìu hiu vì ông Tiến Lâm đã đi về cõi vĩnh hằng. Cô Bình Phương cảm thấy cô độc hơn bao giờ hết. Từ nay cho đến ngày đến lượt cô về với ông anh ruột thịt ở bên kia thế giới, cô sẽ phải sống một thân một mình không ai chăm sóc trong khi tuổi cô đang tiến dần đến hàng bẩy rồi. Dù rằng ông Tiến Lâm đã ra đi đột ngột, nhưng cô cũng thấy được đã đến thời điểm ông phải lên đường, và việc lên đường của ông vô cùng thoải mái. Giống như ông đã biết trước nên ông thảo di nguyện cho cô chi tiết tất cả những công việc cô phải làm. Cô thấy ông anh của cô rất chu đáo, trù liệu mọi công việc như một nhà kinh tế kế hoạch vĩ mô. So sánh như vậy nhưng thực ra cô cũng không rành cái kinh tế vĩ mô là gì nhưng cô thấy di nguyện anh cô viết rất rõ ràng, đanh thép bắt buộc cô phải làm đúng theo lời ông căn dặn. Ông muốn hiến xác không chỉ hy vọng được cống hiến tấm thân 55 kí lô của mình cho khoa học, cho việc nghiên cứu tìm ra cách chữa bệnh cho mọi người, mà là ông còn muốn, ông nói như thật, kéo dài thêm khoảng thời gian ở lại trên trần thế này dù ông đang là một xác chết, vô tri vô giác, bất động thay vì phải biến thành tro bụi sau khi ông qua đời vài hôm.

Lúc sinh thời ông rất ghét cái việc tổ chức ma chay ở những nhà có người chết. Ông hay nói người chết sao lại tiếp tục làm phiền người sống khi ông thấy đám tang ở gần nhà ông. Con đường chật hẹp ngày xưa là con đường xe lửa, nay sửa sang lại, tráng nhựa làm thành con đường phẳng phiu cho xe cộ lưu thông, nhưng vì mặt đường được mở hết đến cửa nhà người dân nên không có lề đường và có nhiều nhà người dân có chiều sâu khoảng một mét tới hai mét và bề rộng cũng chừng hai mét. Sau này một số người dân làm ăn khấm khá, bỏ tiền xây dựng lại nhưng vẫn giữ chừng đó mặt bằng. Căn nhà được xây lên hai tấm có sân thượng đàng hoàng. Sách kỷ lục Guiness có lẽ phải đưa những căn nhà này vô hàng “siêu dẹp” trên thế giới. Trong thời gian làm ma chay cho người chết, người ta che rạp ra tận giữa đường, vì chỉ cái hòm thôi cũng đã chiếm hết chiều sâu căn nhà rồi. “Nghĩa tử nghĩa tận”, bà con hàng xóm không ai phiền hà gì vì đời người ai cũng chỉ có một lần, lúc chết rồi gây phiền hà chút đỉnh có sao đâu. Thậm chí suốt ngày suốt đêm giàn nhạc cổ, karaoke đua nhau khoe âm thanh nhức óc. Bây giờ tiếng tụng kinh của mấy ông sư cũng được đưa qua micro để phát ra âm thanh chát chúa vang vọng tới thiên đình. Vào giờ cao điểm, xe kẹt nối đuôi vì cái rạp đám ma này đã cản trở lưu thông, xe hơi xe máy bóp còi inh ỏi, mấy ông dân phòng ra điều khiển cho qua chốt chặn này đến toát mồ hôi trong khi mấy người trong nhà mặc đồ tang cười cười nói nói. Ước gì người chết linh thiêng hóa ra trận cuồng phong thổi bay cái rạp để xe cộ lưu thông thoải mái. Nhưng rồi mấy ông dân phòng cũng điều khiển được xe cộ qua lại thông thoáng. Đến ngày cuối cùng, nếu cảm nhận được chắc là người chết cũng cảm thấy mệt mỏi sau ba ngày trời làm khổ bà con lối xóm.

Nhưng trên đường đi lên nghĩa trang hay tới lò thiêu cũng còn có chuyện khó coi hoặc làm phiền người ta không ít. Đầu tiên là việc khiêng cái hòm ra khỏi nhà. Những đòn ngang đỡ cái hòm bên trên vừa kê lên vai mấy ông đạo tỳ tự nhiên có một âm thanh chói tai như có cái gì đổ vỡ xuống đất. Sau này hỏi ra mới biết là người ta đập một cái siêu bằng đất, thứ dùng để nấu thuốc bắc, gọi là để tiễn người chết lên đường và cũng để hù dọa ma quỷ không được bu theo quậy phá người chết. Rồi cái hòm vừa ra khỏi cửa, các đạo tỳ quay đầu hòm hướng vào nhà hạ đầu hòm xuống ba lần gọi là “bái bai” cái tổ ấm của người chết. Cái thủ tục này của dân nhà đòn sáng chế từ lâu để câu khách. Lúc này thì cái rạp che lấn ra tới giữa đường vừa dẹp xong. Xe cộ qua lại cũng biết cất tiếng thở phào nhẹ nhõm.

Rồi cái hòm cũng được đặt lên xe rồng. Đây là loại xe đặc chế chỉ dùng riêng cho tang sự. Nói là đặc chế nhưng không phải toàn bộ được “ma-ze in Việt Nam” mà người ta lấy cái đầu, “sác-xi” gồm cả giàn bánh của một xe tải cỡ trung bình, rồi đóng lên một cái chuồng sơn son thếp vàng, hai bên gắn hai con rồng bằng gỗ cũng sơn lên màu vàng rực dài ngoằng kéo từ mũi xe tải đến tận sau đít cái chuồng. Không hiểu ngành giao thông vận tải nghĩ sao về loại xe làm công việc vận chuyển theo kiểu này. Một phương tiện vận chuyển hoàn toàn được sáng chế tự do làm mất hẳn hình dáng một chiếc xe tải không còn bảo đảm được an toàn giao thông. Hình như trong luật giao thông vận tải có quy định những phương tiện vận tải bị chế biến thành dị dạng không bảo đảm an toàn giao thông sẽ không được lưu hành như các loại xe công nông chế biến từ máy cày, máy xới…

Những nhà giàu có thường thuê thêm một chiếc xe tải loại “pick-up”(1) chỉ để chở một cái bàn để di ảnh và cái giá triệu, làm mất đi cái hình ảnh câu ca dao đã phân công phân nhiệm cho con cái khi cha mẹ qua đời được kể trong cuốn “Hương rừng Cà mau” của tác giả Sơn Nam xuất bản trong thế kỷ trước:


Một mai ai đứng bên kinh(2),
Ai phò giá triệu ai rinh quan tài.
Bên kinh đã có con trai,
Giá triệu con gái, quan tài nàng dâu…
Hỏi rằng chàng rể ở đâu?
Chàng rể uống rượu đi sau nói xàm”.


Sau khi cái hòm được đặt lên trên xe rồng người ta lục tục đi bộ theo chiếc xe rồng vài trăm thước rồi tất cả mọi người kéo lên chiếc xe buýt rồi cùng với xe rồng tăng tốc nhắm hướng lò thiêu hay nghĩa trang trực chỉ. Trên đường đi xe buýt và xe rồng đua nhau về đích cho kịp giờ hoàng đạo, người ta không quên tung xuống mặt đường vô số các loại giấy tiền vàng bạc bay phất phơ trong gió gây mất vệ sinh công cộng…

Cô Bình Phương thấy việc thực hiện di nguyện của ông anh vô cùng đơn giản. Công việc kế tiếp của cô là quét dọn cái tủ “côm-mốt”, trải lên một tấm vải hoa màu xanh nhạt rồi đặt di ảnh của ông Tiến Lâm cô đã cho tiệm hình làm từ trước, sau đó cô để bát hương trước tấm ảnh, nơi đây hằng ngày cô cắm lên một nén hương cho ấm lại gian phòng. Một công việc nữa mà cô không thể nào dám quên đó là cái hộp nhạc nho nhỏ hình tròn đã cắm sẵn cái USB, trong đó ông Tiến Lâm đã thu âm tất cả các bài nói chuyện của ông tại diễn đàn văn nghệ ông thường đến sinh hoạt. Nội dung các bài nói chuyện của ông thường xoay quanh các vấn đề về tâm lý xã hội. Ông dặn dò cô chỉ phát ra khi nào có khách hay bà con thân thuộc đến thăm. Sau này khi có khách đến thăm cô mở hộp nhạc cho nghe các bài nói chuyện của ông, khách đâm ra sợ sệt:

- Sao mà giống như ông ấy đang ngồi bên cạnh trò chuyện!

- Em cũng nhát lắm. Ở nhà một mình em không bao giờ dám mở máy ra nghe anh ấy nói chuyện.

- Hay là thu mấy bộ kinh Phật về mở cho ông ấy nghe.

- Ô, không được anh ạ. Anh ấy dặn đừng cho anh ấy nghe kinh hay nghe nhạc. Đến ngày giỗ mở cho anh ấy nghe mấy bản nhạc tiền chiến của thời xa xưa. Anh nói nghe nhạc bây giờ anh bị lên tăng-xông.

- Chết rồi còn gì nữa mà lên với xuống tăng-xông?

- Anh nói nếu còn nằm ở trường đại học Y Dược anh ấy sẽ biết.

- Trời! Anh ấy là chúa tưởng tượng. Thế cô tin à?

- Dạ, em biết anh ấy nói đùa.

Khách vừa đứng lên định ra về cô Bình Phương vội với tay tắt ngay hộp nhạc. Khách về rồi cô thả lưng xuống ghế xa-lông nghĩ vơ nghĩ vẩn. Hết nghĩ đến ông anh cuối đời sống cô đơn quạnh quẽ rồi nghĩ đến cô với nỗi niềm đìu hiu, đơn chiếc. Cô nghĩ ông Trời bất công quá, sao lại vận cho cả hai anh em cô cái nỗi buồn da diết cuối đời. Đáng lý ra ông Trời cũng nên dành cho một người có được cuộc sống gia đình đầm ấm đến ngày con cái thành đạt để rồi tạo ra những thế hệ tiếp theo, người ta gọi là nối dòng, nối giống. Với ông anh cô còn có được một thằng con trai nhưng nó lại theo mẹ nó về bên kia trời tây. Giờ này nó đã lớn khôn chắc không còn biết gì đến đất nước, cũng như ông bố già nua lụm khụm này nữa rồi. Như vậy cuối cùng thì giòng dõi nhà cô và ông anh Tiến Lâm coi như tắc tị. Nghĩ đến đây thì cô Bình Phương tặc lưỡi:

- Ừ thì có kéo dài thêm nữa cũng chẳng được gì!

Thực ra, hồi còn trẻ, cô Bình Phương không phải là một thiếu nữ không có nhan sắc, cô cũng có dáng vẻ ưa nhìn, nét mặt cân đối, điềm đạm, nghiêm trang. Nhìn phía sau cô cũng có dáng vẻ của người con gái “em tan trường về” lắm nhưng lại không được một anh chàng tưng tửng nào theo sau.

Rồi đến khi cô tốt nghiệp ra trường đi dạy học. Suốt cuộc đời cầm phấn, đi lòng vòng nhiều trường trung học trong thành phố, đâu đâu cô cũng thấy có nhiều cô giáo còn phòng không chiếc bóng. Không lẽ ông Trời “kỵ tuổi” những bông hoa của ngành nghề cao quý này, mà sao số lượng những cô chậm có đức lang quân hơi bị nhiều.

Cơ hội cũng có lần đến với cô Bình Phương, đó là lần một bà cô họ, tại một tiệc sinh nhật đã giới thiệu cho cô một ông Việt kiều Pháp. Bà cô cho biết ông này là một kỹ sư cơ khí làm việc tại một hãng tàu gì đó ở Mạc-Xây, U60, gốc gác từ thuở “di cư” độc thân chăm phần chăm, đang muốn tìm vợ ở Việt Nam đặc biệt thuộc hàng ngũ giáo chức. Trong suốt bữa tiệc, có lẽ đã có sự sắp xếp trước của bà cô nên hai người được ngồi cạnh nhau trò chuyện thoải mái. Trong suốt buổi nói chuyện, cô Bình Phương thấy anh chàng này kiến thức tổng quát rất rộng. Mọi vấn đề liên quan đến kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội anh ta có vẻ khá thông thạo. Với cung cách nói chuyện, điềm đạm và lưu loát anh ta có phần gây được cảm tình của cô Bình Phương, trong khi phía đối diện có một anh chàng khác cũng xàng xàng tuổi tác và cùng gốc gác với anh chàng Mít-Mạc-Xây này. Hai ông này có vẻ đã quen biết nhau nên ông kia nói chuyện như bắp rang và “nổ” chát chúa. Khi ông này nói chuyện về văn chương thì ông kia “nổ” liền một phát là ông ta có tài làm thơ không cần suy nghĩ. Thấy cảnh nào đẹp ông ta ứng khẩu làm thơ liền, về nhà nhớ lại ghi vào vở.

Về phần ông Mít-Mạc-Xây, cô Bình Phương thấy đây là một người đàn ông tốt và là một người chồng tốt mà cô có thể trao thân gửi phận. Tuy nhiên cô đã nhờ bà cô từ chối bữa hẹn đi ăn đồ hải sản với anh ấy tại nhà hàng “Marino”. Cô thấy phải dứt khoát thôi. Ngoài cái con người trí thức khi nói chuyện làm cho cô ngưỡng mộ đôi chút, còn lại thì rất yếu. Anh ta gầy giơ xương dù rằng anh có dáng dẻo dai cho nên mới còn có thể làm việc ở bên đó. Thứ hai, anh ta hút thuốc như ống khói tàu Titanic, phun khói mù mịt đến nỗi bà cô phải để cây quạt ngay bên cạnh anh để thổi bay làn khói thuốc mỗi khi anh nhả ra. Việc ăn mặc anh ấy không được tươm tất, giống như một nghệ sĩ đường phố. Vấn đề vệ sinh cá nhân của anh chắc không được chú ý nhiều. Cô Bình Phương nghĩ, lấy nhau về chính cô lại là người phải chăm sóc cho anh ấy và nếu như anh ấy đột nhiên ngã bệnh cô sẽ rối lên như cái bòng bong. Có thể lắm chứ. Với một mớ kiến thức có sẵn cô thấy một con người gầy nhom như vậy lại hút thuốc hết điếu này đến điếu khác có ngày dính phải bệnh lao phổi. Quả đúng như vậy vài năm sau đó bà cô cho biết anh ta qua đời vì chứng bệnh ung thư phổi, hũ tro cốt để vào một cái chùa nào đó ở bên Pháp.

Rồi duyên phận lại đến với cô Bình Phương. Một người bạn nào đó giới thiệu cho cô một ông thầy giáo ở một trường đại học. Thực tình mà nói, cô chưa thấy một người đàn ông nào hiền lành như ông này. Cô tự an ủi, đến tuổi này cô có được một người chồng tốt như vậy cũng là hạnh phúc không phải ai cũng có thể có dễ dàng. Một đám cưới đơn sơ đã diễn ra nhanh chóng. Cuộc sống êm đềm đã đến với hai vợ chồng ở vào tuổi trên dưới năm mươi. Buổi sáng chồng chở vợ đến trường xong ông chạy thẳng lên trường đại học để làm nhiệm vụ của mình.

Sau khi về sống chung cô Bình Phương mới tìm ra được cái “bí ẩn” vì sao ông chồng cô sống độc thân từ thời trai trẻ cho đến bây giờ. Theo ông kể, đến nay bạn bè hàng xóm, bà con hối thúc quá nên ông cắn răng thuê một chiếc xe hoa để ngồi chung với cô đến cuối cuộc đời. Thêm vào cái tính hiền lành lại có phần nhút nhát, ông lại còn thiếu cả cái sự “dạn dĩ” trong những giờ phút riêng tư của hai vợ chồng. Cô không hình dung được niềm hạnh phúc của một người phụ nữ ở mức độ nào khi người chồng làm nhiệm vụ của một người đàn ông. Cô cũng không ước lượng được “trách nhiệm” của người đàn ông phải được thực hiện ở một chừng mực nào để đạt tới giới hạn nhứt định.

Tuy nhiên cô Bình Phương cũng phải công nhận việc ông muốn đi với cô đến cuối cuộc đời là chính xác, cho nên cảm tình của cô đối với ông cũng tăng dần theo thời gian, và cô cố gắng vun đắp niềm hạnh phúc chung của hai người. Nhưng một bất hạnh lại đến với cô Bình Phương, cuộc đời của ông chồng cô kết thúc sớm sau một cơn tai biến mạch máu não nhanh chóng đưa ông đi trước cô lên thiên đường… -./.

1. Một loại xe tải cỡ trung bình không có mui phía sau.
2. Người viết đã có hỏi tác giả nhà văn Sơn Nam và chính tác giả trả lời “cũng không rõ luôn”. Người viết đoán “kinh” là cái bàn để di ảnh thường được hai người khiêng đi sau tấm giá triệu (Rất mong chư vị cao nhân chỉ giáo thêm).




VVM.23.4.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .