Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
     


tranh Lương Tín Đức


SÔNG VẪN TÌM RA BIỂN CẢ



1.

     Ông tổ trưởng dân phố đi ăn sáng về, bên mép ông vắt vẻo một cái tăm tre. Về đến đầu ngõ phố, như chợt nhớ ra điều gì, ông sững lại, rồi rẽ vào hàng chữa xe đạp. Người chữa xe đang lúi húi dọn hàng. Giọng ông trưởng phố dõng dạc:
     - Dọn hàng sớm thế, ông Mẫn?
     Người được hỏi giật mình quay lại. Đó là một người đàn ông trạc ngoài năm mươi, nét mặt phong sương, khắc khổ:
     - Chào ông tổ trưởng, ông đi ăn sáng về. Khai trường rồi. Phải dọn hàng sớm xem bọn trẻ đi học xe pháo có non hơi còn bơm vá cho chúng kịp giờ học.
     - Ừ, thế cũng phải. À mà này, tình hình mấy hôm nay thế nào?
     Vừa hỏi, ông tổ trưởng dân phố vừa hất hàm về phía trong ngõ. Ông chữa xe đạp ngớ ra một lát, rồi như chợt hiểu, hạ giọng:
     - Vẫn cái cô áo đen hôm trước, xinh đẹp lắm!
     - Có lâu không?
     - Hai giờ!
     Hai người đàn ông đối đáp, chỉ vừa đủ cho nhau nghe. Câu chuyện có phần bí hiểm, nhưng thực ra, đó là chuyện giữ gìn an ninh cho khu phố thôi.

    2.

     Ngõ phố Quyết Thắng nằm sát đường 6, lại gần bến xe ôtô liên tỉnh, nên tình hình an ninh trật tự luôn được mọi người dân trong phố quan tâm giữ gìn. Ngõ phố Quyết Thắng lại đang phấn đấu trở thành ngõ phố văn minh, với vai trò của mình, ông tổ trưởng dân phố quyết không để cho khu phố có người mắc vào tệ nạn xã hội. Ông có tai mắt ở khắp nơi, nên ông nắm tình hình khu phố khá sát. Cửa hàng chữa xe đạp của ông Mẫn là một “trạm tiền tiêu” của ông. Người lạ vào ngõ phố đều phải đi qua con đường độc đạo này.
     Ngõ phố Quyết Thắng có trên một trăm hộ dân, làm đủ các nghề. Cán bộ về hưu như ông tổ trưởng khu phố có trên chục vị. Bộ đội xuất ngũ như ông chữa xe đạp có hơn hai chục ông. Còn lại là người chạy chợ, buôn bán vặt, thợ may, lái xe, công nhân xây dựng... thôi thì đủ nghề. Dù mỗi người mỗi nghề, nhưng dân phố sống có nền nếp, kỷ cương, mấy năm gần đây chưa xảy ra va chạm gì lớn. Ngõ phố Quyết Thắng được trên phường “chấm”, có nhiều triển vọng trở thành khu phố văn minh.
     Tháng trước, vợ chồng anh Hùng ở số nhà 15 bán nhà, chuyển vào phía Nam làm ăn. Người mua nhà là một ông họa sĩ, sống độc thân. Thoạt nhìn, ông trưởng phố đã không ưa. Người này trông “hầm hố” quá. Trên bốn mươi tuổi rồi, mà suốt ngày quần bò, áo phông. Mà quần thì bạc phếch, áo thì in đủ các hình thù kỳ quái. Đã thế, đầu tóc lại bù xù, râu ria thì tua tủa... Vẫn biết, đánh giá bản chất con người thông qua hình thức bên ngoài, chưa hẳn đã chính xác. Nhưng “cánh” văn nghệ sĩ này thường là phức tạp, lập dị lắm! Cẩn thận vẫn hơn. Ông tổ trưởng dân phố nhủ thầm.
     Sự cẩn trọng của ông trưởng phố không thừa. Qua nguồn tin của ông chữa xe đạp đầu phố, mấy ngày nay, cứ tầm 8 giờ sáng, khi trẻ nhỏ đã đi học, người lớn đi làm, là lại thấy một cô gái trạc ngoài 20 tuổi, dong dỏng cao, đẹp như người mẫu, đạp xe đến số nhà 15, bấm chuông. Gã họa sĩ ló đầu ra, rồi mở cửa, cô gái dắt xe vào nhà, cánh cửa khép lại. Ông chữa xe đạp bấm giờ. Đúng hai giờ sau, cô gái dắt xe ra, cánh cửa khép lại. Đều đặn như thế, đã ba ngày rồi.
     Ông trưởng phố bứt dứt không yên. Liệu gã họa sĩ có làm điều gì ảnh hưởng đến an ninh trật tự của khu phố không nhỉ? Trai chưa vợ, gái chưa chồng, họ có quyền gặp nhau chứ. Nhưng sao cứ phải đóng cửa im ỉm như thế? Liệu có điều gì khuất tất không? Sao họ gặp nhau chỉ đúng hai giờ, không hơn, không kém. Kỳ lạ thật. Ông trưởng phố quyết định ngầm theo dõi thêm hiện tượng này, nếu có dấu hiệu phạm luật thì phải có biện pháp ngăn chặn ngay, quyết không để ảnh hưởng đến phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa của khu phố.
     Ông chưa kịp ra tay, gã họa sĩ đã đến nhà ông trước. Đó là một buổi tối, ông vừa cơm nước xong, đang nằm khểnh xem chương trình thời sự trên ti vi, thì gã họa sĩ ló cái đầu bù xù vào. Ông trưởng phố giật mình, ngồi phắt dậy. Chưa đợi mời, gã “hầm hố” đã bước tới, tay gã ôm một bọc gì gói giấy báo. Ông trưởng phố lịch sự mời khách uống nước. Sau mấy câu chào hỏi xã giao, gã họa sĩ lia mắt khắp nhà ông, với ánh nhìn tò mò:
     - Nhà bác giản dị quá!
     - Thì vợ chồng cán bộ hưu mà anh!
     Ông đáp chiếu lệ, ánh mắt vô tình vẫn đặt vào cái gói giấy báo to như viên gạch mộc mà gã họa sĩ mang theo, đoán già đoán non. Chắc hẳn gã này có điều gì khuất tất, muốn đút lót trưởng phố cho êm chuyện chứ gì, đừng hòng nhé! Quả nhiên, trước khi ra về, gã họa sĩ tỏ ra hơi lúng túng khi đặt gói quà lên bàn:
     - Em mới chuyển về khu phố ta, có chút quà mọn biếu bác và bà con khu phố!
     - Ấy chết, tôi không dám nhận đâu!
     Ông trưởng phố giãy lên như phải bỏng. Ông là một trưởng phố có tiếng gương mẫu, liêm khiết, chưa từng nhận quà biếu của ai bao giờ. Thanh danh của ông quyết không thể để cho cái gã mới nhập khẩu này bôi nhọ được.
     Trong khi ông trưởng phố lúng túng, thì gã họa sĩ lại tỏ ra khá bình tĩnh. Giọng gã ngọt như mía lùi:
     - Em chẳng có vàng bạc châu báu gì biếu bác đâu. Chỉ có... mấy tập thơ mới in thôi, biếu bác và bà con trong phố đọc chơi, cho vui...
     - Thơ à?
     Ông trưởng phố thở hắt ra, thế mà cứ tưởng... Thơ thì tổ hưu của ông có hẳn một... câu lạc bộ - Câu lạc bộ thơ Quyết Thắng, vang tiếng cả tỉnh. Thơ là thú chơi thanh cao, không vụ lợi. Thế thì được!

Gã họa sĩ về rồi, ông trưởng phố sốt sắng “thưởng thơ” của hắn. Chao ôi, thế này mà cũng gọi là thơ ư?, thơ gì mà như cơm nguội, như đá sỏi, cứ lủng cà, lủng củng, vần nọ đá vần kia, như đánh đố, như thôi miên người đọc! Nhưng mà thôi, kệ hắn, mỗi người mỗi tạng, chẳng ai giống ai - có lẽ nhân gian là vậy! Dù sao, đã là con người có tâm hồn thi sĩ, thì chí ít cũng là người lương thiện. Ông tạm yên lòng về gã họa sĩ mà ông vốn không mấy cảm tình.
     Nhưng mà, việc chẳng chiều người. Tối hôm sau, ông Mẫn, tay vẫn chưa sạch dầu mỡ, hớt hải chạy đến nhà ông:
     - Báo cáo bác tổ trưởng dân phố, có chuyện rồi ạ!
     - Chuyện gì, ông cứ bình tĩnh nói nghe xem nào?
     - Mới phát hiện ra... trước cửa nhà tay họa sĩ có mấy cái bơm tiêm!
     - Bơm tiêm, của bọn chích choác à?
     - Hẳn là thế!
     - Thôi chết tôi rồi!
     Ông trưởng phố kêu lên. Ông hơi bị choáng. Khu phố ông vốn là khu phố... sạch. Nay, nảy nòi ra chuyện tiêm chích ma túy, thì còn mong gì là khu phố văn minh nữa! Nhưng, kẻ nào là thủ phạm? Gã họa sĩ và cô nàng xinh đẹp bí ẩn đó chăng? Có thể lắm...
     Ông trưởng phố chợt thấy hoang mang. Ông đang như “gà mắc tóc” thì tối đó ông được mời lên... công an phường. Chưa kịp định thần, ông đã nhìn thấy gã họa sĩ đang ngồi đối diện với trung úy Thành, công an khu vực. Có thế chứ. Ông lầm thế nào được. Lưới trời lồng lộng. Gã “hầm hố” cứ gọi là... lãnh đủ!
     Hóa ra không phải vậy. Sự đời thật hay. Theo như anh công an khu vực thông báo, chính gã họa sĩ đã phát hiện ra bọn chích choác từ bến xe dạt vào ngõ phố này để hành sự, và gọi điện cho công an đến tóm gọn bọn chúng. Ba tên bất hảo đang được lấy lời khai ở phòng trong. Người họa sĩ đến đây với vai trò nhân chứng.
     Ông trưởng phố lại thở hắt ra. Cuộc đời ông từng trải đã nhiều, mà ông vẫn còn gặp lắm bất ngờ. Thế nhưng... còn chuyện cô gái áo đen xinh đẹp kia, ông vẫn chưa tỏ. Ông quyết định sẽ tự mình vén bức màn bí mật.

    3.

     Đúng 9 giờ sáng. Theo nguồn tin của ông Mẫn, cô gái áo đen hiện đang ở trong nhà gã họa sĩ, ông trưởng phố liền ra tay. Ông bê tấm ảnh thờ đã cũ, lấy cớ nhờ họa sĩ phục chế hộ, bấm chuông số nhà 15.
     Tiếng chuông ngân nga như tiếng hát, tiếng tim ông trưởng phố cũng đập thình thịch tựa tiếng trống làng. Lần đầu tiên ông đánh bạo bước chân vào ngôi nhà bí hiểm. Người họa sĩ hơi ngỡ ngàng trước sự hiện diện của người đại diện công quyền. Mặc thái độ miễn cưỡng của chủ nhân, ông trưởng phố cứ đường hoàng bước vào lãnh địa mà ông đang náo nức muốn khám phá, vì sự bình yên của khu phố.
     Một khung cảnh lạ mắt hiện ra. Những tuýp màu, giá vẽ. Những bức tranh còn dang dở. Lủng củng áo quần, chum, vại, lẵng hoa, chậu đựng nước, phông màn, hòm gỗ, chai lọ... hệt như thế giới ảo trong trường quay Hô-ly-út. Nhưng tiêu điểm ông trưởng phố chú tâm đến là một bức tranh lớn đang vẽ dở, và cô gái người mẫu đang ngồi bất động, nhìn ông với ánh mắt xa xăm. Đâu có phải là cô gái áo đen? Cô gái này khăn dây, yếm đào, váy đen, dép quai, ngực tròn, mắt lá dăm, cổ kiêu ba ngấn... hệt như muôn vàn cô gái đẹp ở vùng quê quan họ xa xưa. Cô đã được tái hiện lên tranh. Cô ngồi trước khung cảnh đồng quê, với bến nước, con đò. Dòng sông quê mênh mang chảy và mất hút về phía chân trời...
     Hóa ra, cô gái xinh đẹp đến đây để làm mẫu vẽ. “Còn dòng sông thì phải... bịa ra à?”. Ông trưởng phố hỏi se sẽ, như sợ cô gái giật mình, tan biến mất. Người họa sĩ không trả lời, mà lẳng lặng đưa ra trước mặt ông trưởng phố một đống... phác thảo các dòng sông. Thôi thì đủ kiểu sông to, sông nhỏ, sông thẳng, sông cong, sông rộng, sông hẹp...
     Các dòng sông trên quê hương đất Việt đều mênh mang, trữ tình cả. Và người con gái quê hương ngồi bên bến sông mới đẹp làm sao. Ông trưởng phố cảm thấy ngất ngây như người đang đi trên mây. Ông chợt thấy mình nhỏ bé quá. Gã họa sĩ “hầm hố” và cả cô gái người mẫu bỗng trở nên thanh cao lạ lùng. Rồi ông chợt reo lên se sẽ. Ông vừa phát hiện ra một điều vô cùng thú vị: Các dòng sông, dù muôn hình vạn trạng, vẫn cùng một hướng: Tìm ra biển cả./.




VVM.26.3.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com