Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
     




NGÀY MAI MẸ ĐI LẤY CHỒNG…




Đ êm.

Tiếng những con thạch sùng kêu canh xen giữa tiếng rên não nề của bầy chim lợn ăn đêm đậu trên những nhành sầu đông ngoài ngõ không đủ làm xáo động bầu không gian tĩnh mịch đến đáng sợ đang bao trùm quanh ngôi nhà nhỏ nằm chênh vênh bên bến sông.

Thằng Tý đêm nay không ngủ sớm như mọi ngày ,nó nằm lăn qua lăn lại mãi trên chiếc chõng tre đã bị mối đục gần hết bốn chân giường của mẹ con nó mà cảm thấy trong người khó chịu như có điều gì u uất không thể nói ra được. Nó chờ mãi đến tận khuya rồi mà không thấy mẹ nó đến nằm bên,ôm nó vào lòng rồi nhẹ nhàng kéo chăn đắp lên cho nó như mọi đêm. Thỉnh thoảng nó lại nghe tiếng xì xào khe khẽ của mẹ nói chuyện gì đó với bà nội ngoài sân,chỗ mà mọi hôm mỗi chiều chạng vạng nó vẫn ngồi nghe bà kể chuyện đời xưa mà mắt thì ngóng xuống tít tận bến sông đợi mẹ mang giỏ hái dâu từ dưới nà dâu, nà bắp đi lên. Hôm nay không biết có chuyện gì bí mật mà bà và mẹ không muốn cho nó biết nhỉ? Chiều đi học về không thấy mẹ đi làm mà vẫn ngồi ở nhà đợi nó về ăn cơm, một bữa cơm chiều buồn tẻ thiếu bóng dáng người đàn ông nhưng đối với nó thật là hạnh phúc bởi nó được sống trong vòng tay yêu thương của bà và mẹ . Mỗi ngày nó chỉ mong đợi bữa cơm chiều để được tíu tít nhiều chuyện với bà với mẹ. Mẹ nó đi hái dâu thuê cho những nhà chăn tằm trong làng và cả bên kia sông. Hết mùa dâu thì đi bẻ bắp cho người ta, họa hoằn lắm mới có ngày mẹ nghỉ ở nhà mà khi đó không là ngày giỗ chạp gì thì cũng là do mẹ ốm hay bà trở bệnh. Bố nó mất từ khi nó còn chưa biết gọi bố, gọi mẹ và dĩ nhiên nó chưa nhìn thấy mặt bố bao giờ. Nó chỉ nghe bà nói bố mất ở trong rừng khi đi tìm trầm để kiếm tiền nuôi sống mẹ con nó vì thế nó phải biết hiểu thảo với mẹ và đến kì giỗ bố phải thắp hương lên bàn thờ cho bố rồi kể những thành tích nó đạt được trong học tập và giúp đỡ được gì cho mẹ trong năm qua. Nó thích làm việc ấy lắm bởi nó tưởng như bố đang ngồi trên kia nghe nó nói vậy. Mỗi lần như vậy nó lại thấy mẹ mỉm cười nhưng rồi lại kéo vạt áo lên chấm những dòng nước mắt đang lăn dài trên má…

Được một lát nó nghe tiếng bước chân mẹ nó đi vào, nó nhắm mắt giả vờ như đã ngủ say lắm.Thoảng trong làn gió nhẹ đầu xuân hãy còn se lạnh nó cảm thấy cái mùi mồ hôi quen thuộc nhưng dễ chịu của mẹ ,cảm thấy vòng tay ấm áp và nụ hôn vội vàng pha chút vồ vập mà nó tưởng như sẽ không còn bao giờ mẹ nó được hôn nó như vậy nữa. Nó chợt nghe ươn ướt trên trán và cảm giác như có ai đó nhỏ lên trán ,lên mặt nó những giọt nước ấm áp chứa đựng không biết bao nhiêu tình cảm yêu thương được dồn tụ lại từ lâu bây giờ tràn ra thấm vào da thịt nó nghe mơn man đến kì lạ! Nó khẽ rùng mình! Hình như mẹ nó vừa khóc thì phải? Nó từ từ hé mở đôi mắt đang bị màn đêm bao phủ nhưng chỉ nhìn thấy tấm lưng áo của mẹ đang khuất dần trong đêm. Ngoài màn đêm tiếng những con chim lợn đã nhường chỗ cho những tiếng hú dài ma quái nghe rợn cả người của một con Ó ma đơn độc nào đó trong núi vọng ra đến tận bến sông. Người ta bảo mỗi lần Ó ma về làng là thế nào cũng có chia ly tang tóc xảy ra…

Không nén được tò mò, thằng Tý mon men ra nấp sau miếng phên tre che cái cửa nhà trống hoác một cách tạm bợ mà mẹ nó đổi một ngày công hái dâu của ông Tư tre đầu làng ,cho nhà có cửa có nẻo.Tim thằng nhỏ như run lên khi nghe tiếng mẹ nó thổn thức trong câu nói ngắt đoạn với bà mà hình như mẹ nó đã cố không lớn tiếng để nó khỏi nghe thấy:

-Con lạy mẹ ,mong mẹ tha thứ cho đứa con dâu bất hiếu đã không làm tròn bổn phận với mẹ ,với chồng con con! Con không muốn phải xa mẹ ,xa thằng Tý, không muốn vong linh chồng con nơi chín suối phải buồn tủi. Nhưng nay tấm thân con đã ô nhục vì người khác,nếu cứ ở lại căn nhà này thì con chỉ làm tủi nhục thêm cho mẹ, cho vong hồn ba thằng Tý mà thôi.Vả lại con làm sao có thể ngày ngày nhìn thấy mẹ,thấy con con và cả chồng con trên bàn thờ kia mà không thấy thẹn trong lương tâm cho được hả mẹ! Con cũng muốn trầm mình dưới sông cho rảnh nợ đời, nhưng nghĩ đến mẹ và thằng Tý thì con không thể chết được.Con không thể bất hiếu để mình mẹ tuổi già mà phải chăm lo cho con dại được nên dù thế nào con cũng phải sống để nuôi con, để lo cho mẹ.Mong sau này thác xuống còn được nhìn mặt ba thằng Tý là được! Dù tấm thân con từ nay có chịu bao đắng cay tủi nhục con cũng chịu đựng được, miễn là mẹ và con con được sống bình an là con mừng rồi!

Thằng Tý núp sau cánh cửa nảy giờ bắt đầu lờ mờ hiểu ra mọi chuyện. Hai chân nó run lên như muốn khuỵu xuống, như mỗi lần cô giáo quở phạt vì bị điểm kém hay quên không học bài cũ vậy. Như thế là những lời chọc ghẹo của lũ bạn ở trường rằng mẹ nó sắp bỏ nó đi lấy chồng là không phải tụi nó bịa đặt hay sao? Chưa bao giờ nó nghĩ rằng mình sẽ rời xa mẹ và cũng chưa bao giờ nó nghĩ mẹ nó sẽ bỏ nó để đi đến một nơi xa xôi nào đó!Bây giờ nó biết mẹ nó sắp rời xa nó thật sự nhưng nó vẫn không tin vào điều ấy, không tin rằng mẹ nó sẽ sang bên kia sông và ở luôn bên ấy.Mẹ nó sẽ đi lấy chồng. Lấy một người mà nó gọi bằng dượng.Người đàn ông ấy chính là người mà mẹ nó lâu nay vẫn hái dâu thuê cho trong suốt mùa tằm năm nay, đó lại cũng chính là chồng của dì nó .Dì là chị ruột của mẹ.Thỉnh thoảng dì vẫn thường hay ghé qua căn nhà nhỏ văng sông của nó chơi mỗi dịp dì về làng thăm nhà. Suốt cả tháng nay nó thấy dì và dượng hay ghé qua nhà nó, có khi còn mang cả quà cho bà cháu nó nữa. Dì dượng nó không có con nên thấy nó là đứa trẻ ngoan ngoãn như vậy thì thích vô cùng,lúc nào sang cũng kêu nó đến nựng yêu, hôn hít lên má nó rồi cho tiền mua bánh kẹo. Nhưng nó vẫn không thích dượng bởi ông ta thường hay nói xấu bố nó trước mặt nó rằng bố nó lên rừng trộm cây thuốc quý của người mọi bị người ta giết chết chứ không phải đi kiếm tiền về nuôi nó đâu. Nó không tin đem chuyện kể với bà thì bị bà mắng cho một trận bảo rằng nó không ngoan đi nghe người ta nói xấu bố mình.Bà lại còn không quên chửi vốn dượng nó vài câu như để minh chứng cho nó thấy đó không phải là người tốt khi đi nói xấu bố nó.

Mới chỉ nghĩ đến đó thằng Tý như muốn đẩy tung cánh phên mỏng manh kia để chạy đến nói với mẹ nó rằng mẹ ơi đừng bỏ con mà đi.Nhưng nó cố kiềm lại được, nó không muốn mẹ và bà biết rằng nó đã biết rõ mọi chuyện dù hai người cố tình giấu nó.Bà và mẹ cứ quen nghĩ rằng nó chỉ là đứa trẻ ngây thơ khờ dại chưa biết gì, đâu biết rằng một thằng bé lên chín sớm phải chịu nhiều nỗi cay đắng của cuộc sống như nó cũng đã bắt đầu lớn khôn để hiểu ra nhiều chuyện, dù không nhiều. Nó cũng nghe những lời đàm tiếu của những người hàng xóm về chuyện mẹ nó với dượng. Rằng là mẹ nó bị dượng hãm hiếp ngoài bãi dâu, rằng dì nó cũng đồng lõa bởi dì muốn chiều chồng khi chính dì lại không thể sinh con và cũng không muốn chồng cưới thêm một người xa lạ về làm vợ. Nó nghe được tất cả chuyện đó từ miệng bà Tám số đề khi nó sang nhà bà ta xem ké tivi hôm qua. Giữa câu chuyện đang rôm rả với mấy người trong làng đến mua số đề thỉnh thoảng bà ta lại liếc nhìn trộm nó rồi buôn ra một câu sau tiếng thở dài như để tội nghiệp mẹ nó vậy: “Hai chị em gái mà lấy chung một chồng thì sau này chỉ có nước…” Nó nghe những chuyện ấy mà cứ tưởng người ta đang nói về một người nào khác chứ không phải chuyện mẹ nó vậy. Nhưng đến khi đi học rồi đi chăn trâu ngoài bờ đê lại bị chúng bạn xúm vào chọc ghẹo bằng những câu nói ác nghiệt chúng học của người lớn mà lần đầu tiên trong đời nó nghe thấy ,rằng “mẹ mày đi cướp chòng của chị”, “hai chị em gái lấy chung một chồng” thì trong lòng nó mới vỡ lẽ ra tất cả. Nó bàng hoàng khi nghe những lời nói ấy,và bỏ cả con trâu đang nhỡn nhơ gặm cỏ ngoài bờ đê cho lũ bạn mặt sức hò hụi chạy về ôm lấy bà. Nó đã định hỏi bà nhưng rồi nó lại thôi, nó im lặng trong sự ngạc nhiên của bà nội rồi nó lại tất tả chạy ra bờ đê kiếm trâu bắt mũi dắt về như không hề biết chuyện gì. Nó không dám hỏi bởi nó sợ câu trả lời của nội, nó sợ mẹ nó biết sẽ đau lòng và chính nó cũng không chịu đựng nỗi điều đó. Nhưng rồi thì cuối cùng đêm nay nó cũng nghe được sự thật đó từ chính miệng mẹ nó.Tý rất muốn khóc,muốn khóc thật to lên như hồi còn bé mỗi khi bị lũ bạn chọc ghẹo là Tý không có cha, là đứa con côi mẹ với bà nó thấy tội nghiệp mà lượm trong đống phân trâu về nuôi lớn. Lúc ấy nó khóc có lẽ do nó tin vào điều hoang đường đó, còn bây giờ khi hiểu được tất cả, khi biết rằng nó có bố có mẹ,bố nó đã mất bởi rừng thiêng nước độc sau những năm tháng lăn lộn kiếm miếng cơm cho cả gia đình,bây giờ nó lại sắp mất cả mẹ. Rồi mẹ sẽ bỏ nó sang bên kia sông theo người khác, sẽ không còn có những buổi cơm chiều nó háo hức ngồi nghe bà kể chuyện chờ mẹ về nữa! Nó không khóc nhưng đôi mắt nó đã long lanh hai giọt nước ứa ra từ tận trái tim đang run rẩy,đang uất ức của một đứa trẻ sớm chịu nhiều tổn thương. Hai giọt lệ ấy sáng lấp lánh trong đêm rồi run run nặng nề lăng trên đôi má trẻ thơ của Tý, những giọt nước mắt ấy hòa cùng dòng lệ chưa kịp khô của mẹ rồi rơi xuống vỡ tan ra giữa màn đêm u tịch không một tiếng động mạnh. Không gian vẫn chỉ có tiếng thở dài héo hắt của bà nội. Con Ó ma cô độc kia dường như cũng thấy sợ cái cảnh sầu bi trĩu nặng đang diễn ra trong ngôi nhà nhỏ ngoài bến sông mà lẳng lặng gửi lại một tiếng hú dài hư không trong màn đêm rồi bay đi mất. Đêm ấy Tý thiếp đi trong nỗi đau lớn nhất mà nó thật sự gánh chịu lần đầu tiên trong đời…


Sáng. Một buổi sáng như bao buổi sáng thường ngày. Nhưng đối với Tý đó lại là một buổi sáng trĩu nặng như chưa bao giờ Tý phải đón nhận một buổi sáng như vậy.Con gà trống nhà ai đã gáy um cả xóm nhỏ ven sông, Tý nghe thấy tiếng bà nội nói với mẹ :

- Con đã lo chuẩn bị đồ đạc gì chưa, sang bên ấy chắc nhớ thằng nhỏ lắm, mẹ đã lấy ra thêm mấy bộ đồ hồi bé của nó, con mang theo rủi có nhớ quá thì …Chưa nói hết câu bà lại thở dài, tiếng thở dài quen thuộc của bà như một làn roi vô hình mà thấm thía đến lạ quất vào tim Tý, nó mím chặt môi nhưng vẫn cố nằm im. Bà lại nói:

- Thôi thì sang sông chẳng tránh khỏi lụy đò, con ráng ở nhà người ta cho phải đạo.Đành là ép buộc, là chuyện chẳng may nhưng điều nào thì con cũng đã mang trong mình giọt máu nhà người ta, con hãy cố chăm lo cho bản thân và đối đãi với nhà bên ấy như đã từng sống với mẹ bên này bao nhiêu năm nay.Chỗ chị em chắc người ta cũng không làm khó làm dễ con đâu. Mẹ biết con không có lỗi nên mẹ cũng chẳng trách gì con, chồng con ở dưới kia biết chuyện chắc cũng phải nhỏ nước mắt mà thứ tha cho con. Vả chăng con chấp nhận sang nhà người ta cũng là vì thằng Tý, vì mẹ mà thôi. Con cứ an tâm mà đi ,thỉnh thoảng muốn về thì cứ về mà thăm thằng nhỏ, mẹ chẳng cấm cản gì. Thôi con vào nhìn thằng nhỏ một lần rồi hãy đi…thằng nhỏ dậy mẹ sẽ bảo là con đi qua kia sông bẻ bắp thuê cho nhà người ta mươi ngày rồi sẽ về, để rồi sau mẹ sẽ tìm cách nói cho thằng nhỏ hiểu, con cứ an tâm mà đi…

- Con xin lạy tạ ân tình của mẹ dành cho con, con xin gửi thằng Tý cho mẹ…mong sau này khôn lớn nó sẽ hiểu…Con có để lại nắm xôi gấc với quả trứng gà luộc trong bếp, khi nào thằng Tý dậy mẹ đưa cho nó giúp con, bảo là của con nấu cho nó, nó thích xôi gấc lắm chắc nó sẽ không thắc mắc gì việc con đi lâu mà không về với nó đâu! Thỉnh thoảng con sẽ gửi người ta ít tiền về cho nó, chuyện học hành sách vở của con con trăm phần nhờ mẹ!Thôi lạy mẹ con đi đây!

Tiếng nói nghèn nghẹn của mẹ làm cho Tý muốn bật dậy chạy đến ôm chầm lấy kéo áo mẹ lại mà xin mẹ đừng đi. Nhưng nó đã nghe tiếng bước chân của mẹ nó lại gần, mẹ ghé lại bàn thờ bố nó thắp lên một nén nhan rồi vừa khóc vừa khấn thầm điều gì đó trong miệng . Rồi mẹ bước lại gần nó, vén tóc nó lên đứng đó nhìn nó một hồi, chợt cuối xuống hôn nhẹ lên trán như sợ nó thức giấc rồi lại lẳng lặng quay lưng đi. Nó vẫn nằm im, nó cố không mở mắt, cố ghằn mình xuống chiếc chõng tre tưởng chừng như sắp gãy xụp vì sức nặng đè xuống đó. Nhưng tay chân nó và cả người nó như cố vùng dậy thật mạnh, vùng dậy chạy theo cái dáng hình thân quen của mẹ nó đang khuất xa dần trong làn sương sớm ngoài kia…

Thế là mẹ nó đã đi thật, xa nó mãi mãi. Bà nó ngồi lặng trước hiên nhà trông theo dáng hình đứa con dâu thảo hiền đã sống với bà bao nhiêu năm nay kể từ ngày con trai bà bỏ bà ra đi.

Nắng đã bắt đầu ửng lên phía đằng đông.Những tia nắng không có màu vàng tươi tắn như mọi ngày mà cứ nhàng nhạt âm u rải đều trên sân rồi chạy xa tít tắp ra ngoài bến sông. Nơi ấy dì dượng nó đã đợi sẵn để đón mẹ nó sang bên kia sông làm lẽ nhà người ta. Bà lại thở dài: - Hai chị em gái lấy chung một chồng, rồi sẽ khổ cho nó…

Chợt bà giật mình quay người lại đã thấy thằng Tý đứng đó tự bao giờ. Đôi mắt nó hướng về phía xa xăm nơi bến sông.

-Mẹ đi đâu mà sớm vậy bà? Nó buông ra một câu hỏi mà nó cũng không biết rằng mình đang hỏi.

- À, cháu của bà thức rồi đấy à. Tổ bố mày hôm nay ngủ dữ, mặt trời đã leo cây sào rồi mà thằng chó con của bà còn nằm đo giường hử! Thôi ra đây bà rửa mặt cho rồi bà lấy gói xôi gấc với trứng luộc mẹ mày làm hồi hôm ra cho thằng chó con của bà hử! Mẹ mày đi bẻ bắp thuê cho nhà người ta bên kia sông lận, đến mươi hôm mới về nên mới làm xôi gấc cho thằng chó con của bà ăn đây này! Sướng chưa nhé!

Mọi hôm nghe nựng bằng cái tên riêng mà chỉ bà mới gọi nó “thằng chó con của bà” là nó sướng lắm, vậy mà hôm nay nghe những tiếng ấy nó thấy dường như bà vẫn cho nó là trẻ con nên không biết đến những chuyện vừa xảy dến trong cuộc đời nó vậy. Bà đâu hề nghĩ là nó cũng biết rằng mẹ nó vừa đi lấy chồng . Nắm xôi gấc với quả trứng luộc mà mọi ngày nó vẫn thích ăn nhất kia cũng chính là thứ mẹ nó để lại cho nó như niềm an ủi cuối cùng của tấm lòng người mẹ dành cho đứa con thân yêu đành rứt ruột xa lìa.Bà đâu biết rằng thằng Tý đã lớn, một thằng bé chín tuổi đã thật sự lớn khôn hơn cái tuổi của nó, lớn để đủ hiểu rằng bà nói dối để cho nó khỏi đau lòng.

Cầm nắm xôi màu đỏ tươi có quả trứng luộc trắng ngần ở giữa mà tay thằng Tý cứ run lên, đột nhiên nó vùng chạy trong tiếng gọi thảng thốt của bà. Nó chạy như điên băng qua những bụi gai trinh nữ mọc cao đến đầu gối rải đầy triền đê.Mặc cho lũ bạn chăn trâu đuổi theo trêu chọc rồi lăn ra cười hể hả, “mẹ mày sang sông đi theo chồng bả lâu rồi, mẹ mày bỏ mày không cho mày bú tí nữa rồi mày chạy theo bả cũng không về nữa đâu!”, nó vẫn cứ chạy dù hai bàn chân đã bị gai trinh nữ cào xước đau điếng, máu đã ứa ra theo những vết xước mà nó không hề hay biết. Nó chạy miết qua nà dâu rồi đến bến sông, nhưng mẹ nó đã không còn ở đó nữa, chỉ còn mặt nước lập lờ xao động soi bóng hình nó, một cái bóng nhỏ thó liêu xiêu dưới mặt nước như muốn đổ xuống rồi trôi theo dòng nước đang chảy miên man giữa dòng kia.Nó chợt đưa tay lên miệng làm loa gọi to:

- Mẹ ơi mau về với con!

Tiếng gọi bay đi chới với giữa dòng nước rồi như bị cơn xoáy nước giữa lòng sông kia nhận chìm xuống tận đáy sông. Đáp lại chỉ có tiếng sóng xao động buồn bả của dòng sông xanh thẳm đang lừ lừ trôi xuôi cuốn theo cả những gợn sóng có khi li ti có khi ầm ào dâng cao của cuộc đời, của những số phận con người hai bên bờ sông.

Thằng Tý bổng nhiên quay phắt người lại rồi chạy ngược lại triền đê ban nãy như người mất hồn hay mộng du. Nó đã đánh rơi mất nắm xôi gấc có quả trứng luộc mà mẹ nó đã để lại cho nó trước khi ra đi. Chợt nó đứng khựng lại trước lũ trẻ chăn trâu đang cầm nắm xôi trên tay, đúng là nắm xôi gấc có màu đỏ thắm cùng quả trứng luộc trắng ngần ở giữa mà mẹ nó làm cho nó. Một đứa trong lũ trẻ chăn trâu định vất nắm xôi đã dính đầy đất vô đống phân trâu trước mặt. Thằng Tý thấy tức điên trong người như có lửa đốt liền xông đến đòi thằng kia trả lại nắm xôi cho nó. Nhưng thằng kia lại vươn mình ném mạnh nắm xôi vào giữa đống phân trâu dơ bẩn kia. Không kịp nói nửa lời thằng kia đã bị cả thân người bé nhỏ nhưng đầy giận dữ một cách quyết liệt của thằng Tý đè lên. Trận đấm đá diễn ra trong tiếng reo hò của lũ trẻ. Tý đấm như điên vào mặt vào mũi thằng kia như không còn biết gì, như bao đau đớn uất nghẹn nó đều dồn vào những cú đấm như trời giáng ấy. Cuối cùng thì thằng Tý cũng thắng với những vết thương đầy trên người trong tiếng reo hò của bọn trẻ, nhưng nó không cảm thấy đau chút nào, nó chỉ thấy lòng mình như muốn khóc khi bước đến móc lên từ đống phân dơ bẩn kia nắm xôi với quả trứng luộc của mẹ nó. Cứ thế nó cầm nắm xôi như một chiến lợi phẩm vô cùng quý giá sau trận chiến mà nó không hề vui vì kết quả trận chiến ấy đi về phía bến sông. Nó thả nắm xôi có quả trứng trắng ngần bên trong xuống sông rồi cứ ngồi lặng đó mãi cho đến khi bà nó lọ mọ tìm được nó dẫn về.

Đêm ấy nó lên cơn sốt, nó nằm mơ thấy mẹ đội nón mang giỏ dâu đi từ phía bến sông lên. Nó mừng quá vội chạy đến định ôm chầm lấy mẹ nhưng chợt nó thấy sau lưng mẹ còn có một đứa bé nhỏ xíu đang níu lấy tay mẹ. Nó hờn dỗi bỏ chạy nhưng rồi mẹ nó níu tay nó lại, mẹ nó khóc bảo rất nhớ nó. Những giọt nướt mắt ấm áp rơi nhẹ lên trán nó, nó chợt giật mình tỉnh dậy trong bàn tay lay gọi vì nó nói mê của bà. Trên trán vẫn còn đắp một chiếc khăn ấm để hạ cơn sốt. Bà nó vẫn ngồi đó nhìn nó với đôi mắt già nua đầy yêu thương như vừa hiểu ra một điều gì đấy về đứa cháu nhỏ mà trước đến nay bà không nhận thấy.

Rồi thời gian cứ trôi. Thằng Tý vẫn sống ngoan ngoãn bên cạnh bà cũng như chưa bao giờ nó làm phiền lòng bà và mẹ trước đây. Chỉ có điều bây giờ nó ít cười ít nói hơn khi xưa. Đi học, đi chăn trâu rồi về nhà nó cứ cuối mặt lằm lằm như một ông cụ non. Lũ trẻ chăn trâu chọc nó chán rồi lại thôi. Những người hàng xóm ban đầu vẫn xầm xì chỉ trỏ mỗi khi nhìn thấy nó bây giờ lại tỏ ra thương hại bà cháu nó nhiều hơn mà thỉnh thoảng vẫn ghé qua nói chuyện với bà nó. Có lẽ nhờ vậy mà bà nó đỡ cô đơn hơn ở cái tuổi già chỉ có hai bà cháu nương tựa vào nhau ấy. Thỉnh thoảng nó vẫn thấy có người làng sang bên kia sông có việc là lại mang về cho bà nó một gói nhỏ mà nó đoán là mẹ nó gửi về. Từ ngày mẹ đi vẫn chưa về thăm nó lần nào. Ấy vậy mà chiều nào nó cũng ra trước sân ngồi ngóng xuống dưới bến sông như những ngày ngóng mẹ đi làm về đến tận khi bà nó ra bảo vào ăn cơm nó mới chịu theo bà vào. Nó cảm thấy làm như vậy nó đỡ nhớ mẹ hơn.

Mẹ đi trong những ngày đầu xuân, khi những nhành sầu đông ngoài ngõ đã bắt đầu rụng đầy những cơn mưa màu tím vào mỗi buổi chiều tàn. Bây giờ đã cuối xuân, những quả sầu đông kết thành từng chùm trêu trên cao. Những chùm sầu đông lắc lư theo gió làm Tý nhớ da diết những ngày còn bé mẹ hay đặt Tý lên bàn chân rồi ngồi trên giường lắc lư theo nhịp bài hát đồng dao “xích đu la” đưa cả thân người Tí lên cao rồi hạ xuống như được bay bổng trên một cái xích đu thần tiên vậy.

Chiều nay nó nghe có người nhắn tin cho bà nó là mẹ nó đã sinh em bé. Tý không biết nó đang vui hay buồn vì cái tin đó. Mẹ sinh em bé nghĩa là từ bây giờ tình yêu của mẹ không còn chỉ giành riêng cho nó nữa. Nhưng ngày mẹ sinh em bé cũng sắp đến ngày giỗ của bố nó, chắc chắn mẹ sẽ về. Bà đã nói như vậy, nó đã trông đợi cái ngày gặp lại mẹ bao lâu nay để lại sà vào lòng mẹ mà kể hết bao nhiêu nỗi niềm uất ức khi mẹ nó bỏ ra đi. Nó nhất định sẽ giữ mẹ ở lại nhiều hôm và nói với mẹ rằng nó đã tha thứ cho mẹ nó. Nó sẽ yêu thương em bé như em nó, sẽ để cho em bé ở lại cùng mẹ…Nhưng rồi nó đâu ngờ đó lại là niềm vui đầu tiên mà cũng là cuối cùng mà nó nhận được từ mẹ, từ ngày mẹ nó sang bên kia sông theo chồng…

Một chiều đi học về với những ý nghĩ miên man tràn ngập trong đầu óc nó. Ngày mai là giỗ bố, sáng nay bà đã đi chợ mua đồ cúng như những năm trước. Thế là may ra ngày mai mẹ nó sẽ về, chắc chắn là như vậy, mẹ nó sẽ về để thắp cho ba nó nén hương chứ. Bà nó đã nói với nó như vậy mà. Nhưng sao trong lòng nó vẫn thấy có cái gì làm nó bồn chồn đến lạ, một cảm giác mà nó chưa bao giờ có, cái cảm giác như người ta sắp mất một cái gì lớn lắm. Về đến nhà là nó chạy ngay đến chỗ bà, bà nó vừa thấy nó liền ôm chầm lấy trên đôi mắt già nua của bà còn để tràn ra hai dòng lệ. Tý thấy lạ, chưa bao giờ Tý thấy bà khóc trước mặt nó.Nó biết có điều gì bất thường đã xảy ra với bà và có thể với cả nó. Tâm hồn nhạy cảm của đứa một đứa trẻ mách bảo nó điều ấy.

Bà vừa kéo tà áo thâm đen lên lau nước mắt vừa nói trước ánh mắt đang kinh ngạc mở to của nó:

- Tội nghiệp cháu bà, mồ côi cha chưa đủ giờ ông trời lại cướp đi cả mẹ nó nữa! Sao ông trời không thương mà lại còn để cho bà cháu tôi khổ dữ vậy!

Nó nghe nghững lời ấy mà bàng hoàng cả người, tai nó ù đi, bỗng chốc cả buổi chiều tà nặng nề đổ xụp lên đầu nó. Nó không còn nghe được tiếng than vãn của bà nữa. Tất cả như chìm vào im lặng đối với nó. Thằng Tý hiểu rằng điều gì đó đã xãy ra với mẹ nó…

Đứng trước quan tài của mẹ nó òa lên khóc nức nở. Khóc như chưa bao giờ nó được khóc. Khóc để bù lại sự kiềm nén trong cái ngày mẹ nó bỏ nó đi lấy chồng.Khóc bởi nó biết rằng bây giờ nó đã thật sự xa mẹ nó vĩnh viễn. Nó đã không còn có mẹ ở trên đời! Tiếng khóc của nó xé lòng mọi người, làm tan nát cõi lòng bà nó. Bà ôm nó vào lòng, bà cũng khóc, khóc thương cho số phận dứa con dâu hiếu thảo mà xấu số của bà, khóc như khóc cho chính đứa con ruột của bà khi hay tin người ta về báo là nó đã chết trong rừng. Bà nó cầm tay nó bỏ vào đó một nắm đất rồi thả xuống hố quan tài của mẹ nó, bà cũng làm như vậy khi người ta bắt đầu lấp đất lên chiếc quan tài mang trong nó số phận một con người truân chuyên. Tất cả khép lại trong một buổi chiều cuối xuân, trên bầu trời những hạt mưa bay lất phất như những giọt nước mắt mà ông trời cuối cùng cũng động lòng thương cho số phận ba con người nơi bến sông kia.


Mãi sau này Tý mới nghe bà kể lại rằng mẹ nó dù mang thai sắp sinh nở nhưng vẫn cố đi bẻ bắp thuê cho những nhà trong làng bên ấy để dành dụm tiền gửi về cho bà cháu nó. Đến khi sinh xong thì lại đến mùa tằm ăn rộ, mặc dù đang ở cử mẹ nó vẫn gắng mang giỏ ra nà dâu với người ta. Gặp gió độc tối đó về mẹ nó nói đau đầu muốn đi nằm rồi ra đi không để lại một lời trăn trối. Sáng hôm sau người ta phát hiện thì đã muộn. Nhìn lên bàn thờ có tấm chân dung của mẹ mà bà nhờ người ta họa lại từ tấm hình nhỏ cùng chiếc áo của ba nó bên cạnh nhau, không hiểu sao nó thấy tim mình bỗng nhói đau. Rồi bất chợt sau đó nó thấy tràn ngập trong lòng một cảm giác dễ chịu một cách kì lạ, giống như một niềm hạnh phúc bất thường mà chưa bao giờ nó cảm nhận được. Nó chợt thầm thì như đang nói với chính mình:

- Mẹ đã về với mình rồi!

Lại một buổi chiều kéo đến bao phủ lên ngôi nhà nhỏ bên bến sông một màu đen ảm đạm nhợt nhạt. Thằng Tý chạy ra kéo tay bà nó đang lúi cúi quét sân đến ngồi xuống bên gốc cây sầu đông bắt bà kể cho nó nghe tiếp câu chuyện ngày xửa ngày xưa về một người mẹ đã chết để hóa thành cây vú sữa. Thỉnh thoảng nó lại ngóng xuống tít tận bến sông như trông đợi một điều gì….-./.




VVM.26.3.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com