G
iữa trưa. Nắng như đổ lửa xuống con đường trải nhựa dẫn vào phố huyện. Mặt đường bỏng rộp, lấp lóa trong làn hơi trắng mờ mờ huyền ảo. Trông xa xa,
nó ánh lên như một dòng sông loang loáng hầm hập nắng. Chẳng khó khăn lắm tôi cũng tìm thấy nhà anh trong thị trấn, ngôi nhà năm tầng kiến trúc
hiện đại với chiếc cổng sắt sơn xanh và giàn hoa giấy lòa xòa rủ trước hiên. Tôi bấm chuông rồi hồi hộp chờ đợi. Người ra mở cổng cho tôi là
anh. Đúng rồi anh, anh Đạo! Người đại đội trưởng của tôi năm xưa. Anh không những là thần tượng của cánh lính trẻ chúng tôi ngày ấy mà với
riêng tôi, anh còn là ân nhân, là người anh đáng kính.
Hơn ba mươi năm nay gặp lại, anh hồng hào, đẫy đà hơn, nhưng cái miệng rất duyên lúc nào cũng như muốn cười, đôi mắt sáng,
lanh lợi như biết nói thì không lẫn vào đâu được. Mỗi lần anh gần gũi, trò chuyện với chúng tôi, ánh mắt anh hiền từ đằm thắm,
ẩn chứa bao tình cảm thân thương. Anh nhìn tôi giây lát, đôi mắt chớp
chớp rồi chợt sáng lên, anh chỉ thẳng vào tôi:
- Thằng Hạnh, thằng Hạnh B3 phải không?
Tôi mừng vì anh đã nhận ra, mấy chục năm qua rồi, cỡ lính vô danh tiểu tốt như tôi, hái nắm rau tàu bay cũng nhầm với rau dại, gặp pháo
giặc bắn thì chạy vung tứ túc, chẳng theo cái quy luật thể thống nào mà anh còn nhớ thì tôi hiểu, tình cảm và những kỷ niệm chiến trường
xưa anh vẫn còn trân trọng lắm.
Căn phòng mát lạnh và ly nước ngọt anh đưa làm tôi dịu đi cái nắng hầm hập của trưa hè. Đưa mắt nhìn những đồ vật đắt tiền
được anh sắp đặt cầu kỳ, ngăn nắp trong căn phòng rực rỡ ánh đèn chùm kiểu cách, tôi ngập ngừng hỏi anh:
- Chị và các cháu đi đâu hả anh?
Bóc bao thuốc lá đưa cho tôi, anh nói giọng như kể lể:
- Bà ấy lên tỉnh lo cho thằng thứ hai sang Đức với anh nó. Thằng lớn đã làm ăn ở bên ấy gần chục năm rồi, lo nốt cho thằng út là yên
chuyện - Anh ngửa người trên xa lông, lơ đãng nhìn lên trần nhà, đôi mắt xa xăm như hồi tưởng về những ngày lăn lộn làm giàu.
Ngừng một lát anh chậm rãi - Cậu thấy đấy, để có cái xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và cơ ngơi này, tớ đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt,
thậm chí phải trả giá đắt mới có được. Cậu cũng là anh lính chiến, còn lạ gì, gần chục năm trong chiến trường vào sinh ra tử,
huân chương có đầy một khay trong tủ, bao nhiêu là vinh quang, danh giá, nhưng để làm gì kia chứ? Tớ đã đánh đổi tất cả chỉ
để lấy mấy chuyến hàng gỗ lậu. Đã từng bị bắt, từng ra tòa, có sung sướng gì đâu.
Còn cậu, cuộc sống ra sao?
Tôi kể cho anh nghe về gia đình tôi, một công chức xoàng trong huyện. Lương tháng chỉ đủ cho đứa con gái lớn học ngoài Hà Nội.
Mỗi lần bố chậm lĩnh lương là cô nàng đã có thư ngay về “hỏi thăm sức khỏe”. Vợ thì phải việc theo “cái 176” năm nào.
Cả nhà mấy khẩu ăn chỉ trông vào chõ xôi nóng vợ bán dong từ nhà lên chợ huyện. Được cái vườn nhà rộng, trồng lấy rau ăn
rồi thả thêm mấy chục chú ngan, chú gà, chăm thêm đôi lợn, cuối năm cũng có đôi triệu mà sắm sửa cái này cái nọ, cuộc
sống cũng không eo hẹp lắm. Nghĩ đến anh, người nông dân mặc áo lính năm nào mà thoắt cái đã trở thành ông chủ.
Tôi biết anh phải vất vả và có tài xoay xở lắm mới trụ nổi và giầu lên ở cái phố huyện này. Tôi hỏi anh:
- Anh có nhớ anh Thắng C trưởng C2 không?
Anh vỗ đùi:
- Thắng hâm phải không? Năm ngoái cậu ấy cũng mò lên đây, cậu biết không, cũng nhờ cái hâm của cậu ấy mà tớ được nhường xuất ra Bắc,
còn cậu ta xung phong vào biên giới Tây Nam. Nghe nói cũng đói rách nên tớ cho mấy triệu gọi là để trả ơn. Cuộc đời có vay có trả,
có tiền là xong tất, chú mày thấy có phải không?
Tôi nhìn anh ậm ừ không biết nói thế nào cho phải. Cái ơn, cái nghĩa ở đời thì sống sao cho hết. Đồng tiền đâu đã là quý nhất để
trả cái giá cho một tấm lòng? Tôi thấy anh thay đổi nhiều quá, đến thăm anh hôm nay, liệu anh có tưởng tôi đến để vay mượn,
quấy quả anh không? Những ngày sống với nhau trong chiến trường, tôi còn nợ và mang ơn anh nhiều lắm. Khi tôi bị thương,
đôi mắt không còn nhìn thấy gì, anh đã cõng tôi vượt qua lửa đạn của vòng vây giặc. Một lần tôi lên cơn sốt rét ác tính,
giữa lúc đơn vị có lệnh hành quân, anh cũng cõng tôi như thế suốt mấy km đường rừng đến nơi tập kết. Đối với anh em trong đơn vị,
anh là người chỉ huy nghiêm khắc và cứng rắn nhưng cũng rất thông cả m, xuề xòa, dễ dãi trong sinh hoạt. Anh thương cánh lính trẻ
chúng tôi, dành nhiều tình cảm thương yêu, chăm sóc chúng tôi như những đứa em ruột thịt. Không ít lần anh an ủi, động viên,
dỗ dành khi chúng tôi khóc như những đứa trẻ chỉ vì mấy chuyện hiểu lầm... Lẽ nào hôm nay anh lại nghĩ như thế vì đồng đội?
Mới hôm qua, chúng tôi còn chia ngọt sẻ bùi, cùng ăn một nắm cơm, húp chung bát canh rau rừng, cùng ôm nhau nấp chung một
căn hầm tránh làn pháo giặc! Tôi không tin anh có thể thay đổi nhiều đến thế! Với anh,
thời gian vẫn còn dài để cho tôi nghiệm chứng.
Bỗng anh cắt ngang dòng suy nghĩ miên man trong đầu tôi:
- Cậu làm sao mà trầm ngâm thế? Gặp nhau thì phải vui lên chứ! Lát nữa tớ sẽ đưa cậu lên thị xã xả láng một bữa. Hôm nay tớ sẽ khai
hóa văn minh cho cái đầu của anh cán bộ cấp huyện như cậu.
Vì không muốn gây phiền cho anh, tôi lựa lời:
- Thì anh cứ coi em như người nhà, có gì dùng nấy, với lại ở thị trấn này thiếu gì chỗ mà phải đi xa?
- Cậu vẫn còn “âm lịch” quá. Lên đấy mới có nhiều của lạ, mới có những “bông hoa nhỏ”. Còn ở cái phố quê này bói đâu ra.
Xe nhà có, xa cũng là gần. Lên đấy tớ nhân thể chiêu đãi mấy “xếp” để chuẩn bị cho phi vụ làm ăn mới. - Lát sau, tôi đành
lòng theo anh ra chiếc xe bốn chỗ ngồi láng bóng, lịch lãm đã chờ sẵn từ lúc nào.
Chiều trung du, nắng đã bớt gắt hơn. Những làn gió nhè nhẹ thổi làm dịu đi cái nóng vãn còn oi ả bốc lên từ dưới mặt đường.
Chiếc xe vòng qua mấy dãy nhà rồi ra khỏi thị trấn. Đồng quê đang vào vụ gặt, rải rác những đống lúa bên đường ăm ắp
những hạt vàng tỏa hương thơm ngào ngạt. Con đường trải dài tít tắp, những bóng cây bạch đàn, báng súng tháp thoáng
rồi lần lượt lùi lại phía sau. Tôi say sưa với niềm vui được gặp anh, được rong ruổi cùng anh trên chiếc xe êm ái sực
nức mùi nước hoa, mà với tôi, nó chỉ có trong mơ.
Tôi đang mơ màng thì chiếc xe khựng lại, cùng anh bật cửa rồi lao đến người đàn ông đứng trước mũi xe với nét mặt đầy lo lắng.
Anh sẵng giọng:
- Này ông già, chán sống rồi phải không?
Bất chấp thái độ bực dọc của anh, ông chỉ vào người đàn bà nằm bên vệ đường năn nỉ:
- Đang cắt lúa thì nhà tôi bị cảm nắng, mãi vẫn chưa tỉnh được, nhờ các anh cho nhà tôi lên bệnh viện, trăm sự nhờ các anh...
Anh cau có xua xua đôi bàn tay mũm mĩm:
- Không, không! Chúng tôi còn có công việc gấp, với lại cũng không rẽ vào đường bệnh viện, ông thông cảm!
Anh quay ngoắt lại, giục tôi lên xe. Tôi ái ngại nhìn anh rồi đến bên người đàn bà nằm còng queo, bất tỉnh bên vệ cỏ.
Tôi quay lại bàn với anh nên đưa chị ta vào viện, nhưng những lời nói của tôi chỉ làm cho anh thêm khó chịu.
Anh hằn học lên xe rồi đóng mạnh cửa:
- Cái cậu này, công việc là công việc. Con đường này thiếu gì xe?
Tôi cố động viên, thuyết phục anh:
- Chúng ta làm phúc cứu người anh ạ, chậm lát nữa e không kịp...
- Cứu người! Tôi còn phải lo cho tôi, hỏng phi vụ này thử hỏi ai cứu tôi. Còn cậu, có đi nữa không thì bảo?
Tôi thất vọng nhìn anh, thần tượng của tôi với bao nét đẹp, bao cử chỉ thân thương anh dành cho chúng tôi, những
đồng đội của anh và những người dân bình dị năm nào, giờ đây đã được thay
bằng thái độ nhẫn tâm và trái tim nguội lạnh.
Tôi không bằng lòng với cách xử sự của anh, không thể đành lòng bỏ mặc một người trước cái chết đang để cùng anh
rong ruổi... Tôi biết là không phải với anh nhưng lòng tôi bỗng nhẹ nhàng thanh thản. Hơn 30 năm gặp lại, tôi không ngờ,
chúng tôi lại có cuộc chia tay buồn đến thế. Một cơn lốc bất chợt nổi lên.
Chiếc xe vội vã lao đi, phút chốc, nó đã mất hút trong đám bụi và rác. -./.