Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


BÊN KIA NỖI NHỚ


C ơn váng vất dịu dần. Tôi nằm yên, lắng nghe thân thể rả rời mỏi mệt. Tôi nghe mơ hồ những cành thông reo xào xạc trên mái nhà, và tiếng một cánh cửa sổ của một căn phòng nào đó đập nhiều lần vào vách tường. Cảm thấy cổ họng khô đắng, tôi thèm một ly nước lọc trong mát. Chai nước trên bàn không còn một giọt, tôi lại nằm xuống. Tôi ngại phải đi xuống cầu thang, qua một dãy hàng lang dài hun hút để lấy nước. Giá bây giờ chị Nhẫn mang lên cho mình một chai nước – tôi thầm nghĩ – nhưng chị Nhẫn cũng quên mất tôi , người duy nhất còn ở lại lưu xá. Buổi trưa sau ngày bãi trường khu nội trú vắng tanh. Những người rời trường muộn nhất cũng đã ra về. Buổi sáng Khánh, Nhiên và Hậu đã ra phi trường lúc chín giờ. Tôi định ngủ dậy muộn để khỏi gặp mặt chúng nó, nhưng không hiểu sao tôi lại thay đổi ý định. Khánh gặp tôi ở hành lang phòng ăn, nó hỏi: “ Mầy nhất định ở lại rồi phải không? Hè xong hy vọng tao sẽ vào với mầy sớm nhất, sẽ mang theo quà Cao nguyên cho mầy”. Tôi gật đầu cười. Khánh vừa nhảy chân sáo lên phòng vừa huýt gió như con trai. Thân hình nó cao lêu ngêu trong chiếc áo pull và quần jean. Khánh là cô bạn thân nhất của tôi ở nội trú nầy.

Tôi thích Khánh ở tính tình cởi mở, vui nhộn và thật thà. Gần nó người trầm lặng đến đâu củng phải phì cười trước những câu khôi hài dí dỏm của nó. Khu nội trú nầy có những ba đứa tên Khánh. Để phân biệt chúng tôi đặt cho mỗi đứa một tên đệm sau tên chính. Khánh thân nhất với tôi là Khánh tếu, hai đứa kia là Khánh nhảy và Khánh gầy. Khánh gầy dĩ nhiên là có thân hình thật ốm. Khánh gầy ưa mặc áo len để che bớt thân hình gầy ốm lại nên nó thích mùa lạnh. Sài gòn thì mấy khi có được một ngày mát mẻ, nên mặc dù trời nóng nó cũng đem áo len ra mặc. Nó sắm áo lạnh nhiều quá nên con Bích thường nói đùa: “ Bao giờ con Khánh nó hết gầy thì chắc chắn lúc đó áo lạnh sẽ hạ giá 50%. Khánh nhảy thì lâu lâu lại mở bal trong phòng ngủ. Thường thường nó đợi mấy bà giám thị đi kiểm tra xong là nó bắt đầu hành động. Nó hì hục kéo các giường ngủ về một phía để lấy khoảng trống. Khánh mở nhạc và rủ mấy đứa phòng bên khiêu vũ thật say mê. Thường thường Khánh nhảy với Bích, Bích thấp hơn nó gần một tấc nên Khánh đóng vai con trai. Hai đứa khiêu vũ trông thật đẹp mắt. Khánh tếu thì lâu lâu lại “ chiêu đãi” cả phòng bằng những câu chuyện tiếu lâm khiến cả bọn bò ra giường mà cười. Tôi thân với Khánh từ dạo mới chân ướt chân ráo vào lưu xá. Dạo đó tôi mới ghi danh vào Văn khoa, còn Khánh thì mới học lớp mười hai chương trình Pháp. Bước vào cái thế giới con gái nhao nhao như ong vỡ tổ trên những chiếc giường trải ra trắng như màu vách tường, bỗng dưng tôi thấy rụt rè, sơ Caroline vỗ vai tôi như an ủi và ấn tôi ngồi xuống chiếc giường ở cuối phòng : “ Em đừng buồn, mới vào hơi khó chịu một chút nhưng lâu dần sẽ vui vẻ ngay ấy mà. Anh Trọng có nhờ tôi chăm sóc em hộ. Em có cần gì cứ đến phòng giám đốc tìm tôi ”. Tôi gật đầu nói cảm ơn. Khi sơ Caroline mất hút ở cuối hành lang thì nước mắt tôi tự nhiên ứa ra. Có lẽ tôi không thích chuyện anh Trọng – anh tôi – đã gởi tôi vào đây, anh ấy vốn kỷ tính nên hay tin tưởng ở những nội trú có kỷ luật tốt như nội trú của các bà sơ. Bên tai tôi có nhiều tiếng lao xao: “ Phòng mình có thêm tù binh mới bây ơi !”. Cả năm đôi mắt nhìn chòng chọc vào tôi như nhìn một con búp bê. “ Coi bộ hiền ghê nhỉ, thôi đừng chọc quê người ta bây. Bà Caroline mà chịu khó dẫn “ en ”(1) lên đây thì cưng phải biết”.Tôi mở va ly lấy bộ đổ ngủ rối vào phòng thay quần áo, có tiếng cười khúc khích đuổi theo. Tự nhiên tôi cảm thấy bực mình. Nhưng lòng tôi chợt dịu lại. Chắc họ không có ác ý gì đâu, con gái sống chung thường hay nghịch ngợm, nếu không nghịch thì buồn chết. Mình cũng trẻ con thật, tức họ làm gì. Tôi giơ tay nhìn đồng hồ, sắp đến giờ cơm rồi đây. Tôi chợt nhớ đến những dãy phòng ăn đầy bàn ghế sắp ngay ngắn mà lúc theo sơ Caroline lên đây tôi đã đi qua. Khi đưa tôi lên đây, thấy tôi thấy tôi có vẻ mệt nhọc bước từng nấc thang để lên lầu ba, sơ hơi ái ngại: “ Em có vẻ yếu lắm nhỉ. Thôi được, ở phòng B lầu một có một em sắp xin ra. Khoảng hai tuần nữa thì em có thể chuyển xuống dưới ấy được rồi. Em đi học bằng xe máy phải không? Buổi trưa mười một rưỡi em bãi học mà ở đây mười hai giờ mới dùng cơm trưa. Như thế cũng tiện cho em, tôi nễ anh Trọng lắm mơi nhận em vào đây, vì nguyên tắc nội trú chỉ nhận những em theo học ngay tại trường nầy. Còn những em học trường ngoài như em thì thường là do những chỗ quen biết gởi gắm. Thật tình tôi cũng thấy bất tiện vì như thế rất khó kiểm soát. Anh Trọng đi nước ngoài rồi, khi nào có gì cần cứ tìm tôi, nếu muốn học thêm tiếng Pháp tôi sẽ chỉ cho ”. Thấy sơ Caroline vui vẻ và tận tình giúp đỡ, tôi cũng hơi yên tâm. Khi chưa vào đây tôi thường tưởng tượng cuộc sống nội trú đầy rẫy những kỷ luật khắc khe, và bóng dáng những bà sơ khắc khổ mà tôi đọc trong tiểu thuyết làm tôi lo ngại. Nhưng dù sao tôi cũng đã trải qua những ngày đầu tiên thật cô độc. Sơ Caroline bận nhiều việc nên thỉnh thoảng tôi chỉ gặp sơ vài lần trên hành lang phòng giám đốc hoặc phòng ăn. Những buổi nghỉ học tôi nằm một mình trong căn phòng rộng thênh thang vắng ngắt. Phòng nầy chỉ có mình tôi học trường ngoài nên thời khóa biểu của tôi khác hẳn những người cùng phòng. Những lúc như thế tôi thấy thời gian trôi thật chậm. Tôi ngủ dậy muộn, học bài rồi đọc sách vẫn không hết thời gian. Dầu sao tôi cũng thấy cô độc khi phải ở một mình trong căn phòng rộng như thế mặc dầu với những người cùng phòng tôi chưa hề thân thiết. Một tuần tôi có ba buổi sống một mình trong căn phòng đó. Lâu dần quen với không khí cô độc tôi sinh ra mơ mộng. Có những buổi chiều tôi ngồi bất động bên khung cửa sổ nhìn bao quát khung cảnh trước mặt: nóc giáo đường, rạp ciné, trường học… Từ khung cửa sổ tầng lầu cao nầy tôi có thể nhìn thấy bến tàu xa xa. Không hiểu sao tôi không thích bến tàu mà chỉ thích bến song. Bến của một dòng sông bé nhỏ bên bờ lau lách đìu hiu với những chiếc thuyền nan bé bỏng. Cái hình ảnh đó tự bao giờ đã ăn sâu vào đầu óc tôi, và bỗng dưng tôi muốn ghi lại nó trên khung vải. Lâu lắm rồi tôi không vẽ và khi nghĩ đến một chiếc thuyền, một cái bến, tôi lại nao nức muốn vẽ. Khi bức họa hoàn tất tôi cuốn nó lại đem dấu vào tủ, nhưng tôi đã không dấu được Khánh, và đó là cơ hội để tôi và Khánh quen nhau. Hôm đó là chiều thứ tư tôi được nghỉ học. Khi những người cùng phòng đã kéo nhau đi hết rối tôi mới lôi bức họa ra ngắm nghía. Trên khung vải là hình ảnh một chiếc thuyền dong buồm về bến. Trên nền trời hoàng hôn vàng vọt, chiếc thuyền và cánh buồm màu nâu đen. Từ sau khoảng màu tối đó nổi lên những tia vàng của mặt trời sắp lặn, màu vàng loang trên sóng nước. Tôi vẫn chưa hài long, cảm thấy mình chỉ mới diễn tả được một phần rất nhỏ điều mình muốn diển tả. Thấy ấm ức lạ, sẵn con dao rọc giấy trên bàn tôi định rạch nát bức tranh, thì bỗng nhiên một bàn tay từ phía sau giữ chặt cánh tay tôi lại, và một giọng nói hốt hoảng: “ Đừng, Kim”. Tôi giật mình quay lại, Khánh đã đứng đó tự bao giờ, trên tay còn ôm sách vở. “ Khánh không đi học à ?”.“ Có chứ, tớ có đến lớp, nhưng nhức đầu quá nên xin phép bà Cécile nghỉ học chiều nay. Kim vẽ đẹp quá nhỉ, có tài thế mà cứ dấu nghề hoài. Bữa nay tớ biết rồi, hết dấu nghen. Bức tranh nầy tớ rất thích, sao cậu lại định hủy hoại nó ?”. Tôi thân với Khánh từ hôm ấy. Giường của Khánh cách tôi một khoảng, Khánh xoay xở thế nào mà đổi được giường của Bích, thế là hai đứa được nằm cạnh nhau. Khánh tâm sự rằng Khánh rất thích hội họa mặc dù có khi xem tranh không hiểu gì. Ngành hội họa đối với Khánh có một sức quyến rũ kỳ lạ. Khánh cứ tiếc mãi sao mình không có khiếu vẽ. Tôi ít thấy người con gái nào không có khiếu hội họa mà lại để ý và say mê ngành nầy như Khánh. Tính tình Khánh thật cởi mở. Với Khánh mọi chuyện đều có thể giải quyết dễ dàng. Ba mẹ Khánh ly dị nhau từ khi Khánh mới lên bốn, mẹ Khánh tái giá với một kỹ sư người Pháp rồi theo người nầy về nước, nên mãi đến bây giờ Khánh chỉ còn biết mặt mẹ qua ảnh. Khánh được ba gởi vào nội trú từ khi lên mười tuổi, chỉ về nhà vào những ngày cuối tuần. Khánh sống tám năm trong nội trú, nên với Khánh nội trú có quá nhiều khỷ niệm. Và ở đó Khánh có một đời sống thân mật hơn gia đình. Những ngày nghỉ hè về sống với người cha trong một căn nhà rộng thênh thang ở Pleiku, Khánh vẫn thấy nhớ nội trú, và có khi ở nhà Khánh vẫn chờ tiếng chuông báo giờ cơm ( thói quen ở nội trú ), đến khi người làm lên mời Khánh xuống dùng cơm, Khánh mới chợt nhớ mình đang sống trong gia đình. Với Khánh, gia đình chẳng có gì đáng nhớ. Một người cha ăn chơi phung phí quanh năm vắng nhà. Những dịp hè Khánh về nhà, ông đưa Khánh đi chơi đây đó vài lần rồi tiếp tục cuộc sống riêng tư. Khánh một mình trong ngôi nhà rộng nằm trên một sườn đồi, ăn ngủ, đọc sách. Lâu lâu rủ một vài người bạn đi picnic, cười thật tươi trên một đỉnh đồi, trong một vườn cây xanh …Tôi không thể hiểu tại sao sống trong một hoàn cảnh như thế mà Khánh vẫn giữ được những niềm vui cho mình. Tâm hồn Khánh vẫn trong sang, bình dị, không vẩn đục, không ẩn ức. Sao mình không như Khánh? Hình như từ khi lớn lên rất ít khi tôi có được một niềm vui trọn vẹn, lúc nào cũng dằn vặt mình vì những chuyện không đâu. Đã nhiều lần tôi thấy mình ở trạng thái lơ lửng lừng khừng, nhiều khi tôi chẳng biết mình yêu gì, thích gì, ghét gì. Có lần giáo sư dạy triết của tôi nói người ta chỉ có cá tính khi nào đã trưởng thành, ít nhất là hai lăm tuổi trở lên. Tôi mười chín tuổi, cá tính chưa hình thành nơi tôi, hay chỉ mới bắt đầu manh nha, một manh nha quá mờ nhạt nên chính tôi cũng chưa hề bắt gặp. Có lần Vinh nói: “ Con người Kim có một cái gì không bình thường như những cô con gái khác mà anh đã gặp. Và anh yêu Kim có lẽ cũng vì cái không bình thường đó. Có nhiều lúc anh thấy Kim hiền như con mèo con, nhưng cũng nhiều lúc anh thấy Kim dữ như con hổ, bướng bỉnh và khó hiểu”. Và tôi đã nghĩ – tuy rằng không nói ra với Vinh – “ Anh yêu Kim bằng cái không bình thường đó của Kim thì anh sẽ khổ. Vả lại tâm hồn Kim thường là con hổ dữ hơn là con mèo con. Tâm hồn Kim nổi loạn thường trực, lúc nào cũng muốn đập phá khinh bạc. Ngay cả cái hình ảnh của anh trong tâm hồn Kim cũng chẳng có chỗ ngồi nhất định. Lắm khi anh chẳng là cái gì đối với Kim, gặp anh Kim chỉ thấy chán nản. Những lúc thấy xe anh vào đến đầu ngõ, Kim đã phải hối lộ đứa em gái ra nói với anh là Kim không có nhà. Kim trốn biệt trong phòng ngủ đợi cho đến lúc anh nói xong vài ba câu chuyện vớ vẩn với đứa em gái rồi ra về. Lúc đó Kim thở phào như thoát nợ. Đứa em gái lên giọng rành rỏi: “ Bà một vừa hai phải thôi nghe. Có lúc anh Vinh sẽ chán bà. Bà tưởng bà cao giá lắm đấy. Bác sỹ đẹp trai như anh Vinh thiếu gì cô mê ”. Kim dẩu môi chọc tức cô em gái: “ Nếu mầy mê thì tao biếu mày đấy ”. Và Kim cũng tự hỏi sao mấy con bạn Kim chúng nó lại mê anh đến thế. Có lẽ vì thế mà Kim chấp nhận tình yêu của anh một cách không suy nghĩ cũng vì một chút tự ái. Anh yêu Kim ngay khi gặp Kim giữa đám bạn bè vì Kim bao giờ cũng phớt tỉnh, việc gì phải cố gắng lôi kéo sự chú ý của anh như mấy đứa con gái kia. Kim nhớ trên chuyến xe ngày hôm ấy anh như một thỏi nam châm hút hồn mấy con bạn Kim – trừ Kim ra. Có gì lạ đâu, anh đang là sinh viên y khoa năm cuối, lại đẹp trai, con nhà giàu. Lúc đó anh về nghỉ hè, một hôm cao hứng nhờ tài xế đánh xe nhà chở một đám bạn gái đi Huế chơi. Chắc là anh muốn làm “ gươm lạc giữa rừng hoa !”. Anh nhờ nhỏ Hạnh rủ Kim đi cùng, mặc dù Kim không quen anh. Lẽ ra Kim đã từ chối nhung rồi Kim lại nhận lời đi chơi vì một chút tò mò. Hôm đó Kim thấy ghét thái độ của Thúy. Và vì thế Kim muốn chiếm đoạt trái tim anh cho bõ ghét. Thúy ngồi sát bên anh, giả vờ ngủ dựa hẳn đầu vào vai anh, hàm ý muốn cho các cô gái kia biết mình là người yêu của anh, và anh đã là vật “ bất khả xâm phạm ”. Những khúc cua của con đường đèo Hải Vân làm Thúy càng ngã chúi vào người anh hơn. Theo phản xạ anh đưa tay choàng qua vai Thúy, và nó càng giả bộ ngủ say hơn. Cả bốn đứa con gái trên xe đều biết tỏng điều đó.Trong lúc đó Kim say xe bí tỷ nhiều lần nôn mửa, Kim ngồi bên anh nhưng vẫn cố tình giữ khoảng cách. Anh không choàng tay qua vai Thúy nữa, quay sang chăm sóc Kim. Kim đoán Thúy đang điên tiết lên nhưng vẫn giả vờ ngủ, đầu vẫn ngã vào vai anh. Khi trên xe không còn một bọc ni lông nào nữa anh vẫn giữ khư khư cái túi nôn mửa của Kim như giữ một báu vật, đề phòng Kim còn có thể nôn lần nữa, trong khi xe vẫn chưa qua hết đoạn đường đèo. Sau chuyến đi đó thì anh đã đến với Kim, chắc vì anh cũng thấy Kim có một cái gì đó khác biệt với những cô bạn của anh chứ. Bởi vì Kim không thèm tạo cho mình một cái vẻ nền nếp lố bịch và buồn cười để mong có một tấm chồng xứng đáng như chúng nó hằng mơ ước. Và cũng bởi vì Kim cũng chẳng bao giờ thèm đính chính những nguồn dư luận tỉnh nhỏ xâu xé mình như con rắn độc. Một thằng con trai bị Kim từ chối tình yêu đã ngang nhiên nói với bạn bè rằng chính nó đã ngủ với Kim. Lời nói như một quả bom nổ bùng trong tỉnh nhỏ. Thằng em Kim nổi giận đe: “ Em sẽ đập bể mặt thằng nào dám nói xấu chị”. Và chính Kim là người đầu tiên can thiệp không cho nó thực hành ý định. Kim không cầu mong có người bênh vực mình. Bênh vực, xét cho cùng cũng chỉ là một hình thức thương hại. Mà Kim thì bao giờ cũng thích kiêu hãnh đứng một mình, đối lập với dư luận bằng thái độ khinh bạc. Kim cũng không cần một người nào đó hiểu rằng mình oan. Bởi vì tâm lý con người là luôn luôn thích thú khi biết cái mà họ gọi là hư hỏng của người khác. Để họ có cơ hội thấy mình hơn người. Một vài con bạn Kim nói xa nói gần về chuyện đó, riêng Thúy còn nhìn Kim bằng cặp mắt thương hại rẻ tiền như thể nó biết chắc trước sau gì rồi anh cũng bỏ Kim, và lúc đó thì nó sẽ có cơ hội. Và Kim xin nhắc lại, Kim chấp nhận tình yêu của anh cũng chỉ vì muốn thỏa một chút tự ái – điều nầy Kim đã nói rồi – còn điều thứ hai nầy mới mẻ hơn : Anh là một hiện tượng lạ lùng trong cái tập thể con người sống chung quanh Kim, hay nói rộng ra, trong cái thành phố nhỏ nầy. Anh đến với Kim bằng những bước chân chà đạp lên từng lớp dư luận. Chỉ mình anh thấy được hào quang của một viên ngọc trai nằm trong cái vỏ sần sùi xấu xa của một con sò. Bởi vì anh thường nói với Kim: “ Những dư luận về Kim chỉ làm anh thương Kim nhiều hơn. Trước dư luận Kim vừa có vẻ bé bỏng tội nghiệp, vừa có thái độ kiêu ngạo bất cần. Kim không đính chính, không phủ nhận, anh cũng không cần biết sự thật thế nào. Anh yêu Kim qua thái độ đó. Vả lại anh sợ những con sâu nằm trong lòng quả hơn là sợ những cái cái vỏ xấu xa, mà bên trong lớp vỏ xấu xa nầy không có những con sâu ghê rợn đó.” Những lúc đó Kim nhìn anh như nhìn đức Phật Thích Ca, như nhìn Chúa Giê Su trên thập tự giá. Nhưng thật đáng tiếc – bởi vì sau những giây phút đó , những giây phút Kim thấy yêu anh thật tình – Kim lại thấy đầu óc trống rỗng. Kim lại thấy cô đơn – cũng thật tình, hết sức thật tình.”

Những điều suy nghĩ đó chưa bao giờ tôi nói ra với Vinh, tôi nghĩ lúc nào đó nếu tôi nói ra không biết Vinh sẽ nghĩ gì. Hình như không có một giá trị vĩnh cửu nào nằm trong tầm ngưỡng mộ của tôi, có lẽ tình yêu cũng vậy – và điều nầy khá nguy hiểm. Trong mấy anh em trong gia đình tôi thường tách biệt bởi tính tình khác lạ. Anh Trọng thường nhìn tôi bằng cái nhìn của một thầy tướng số: “ Kim lớn lên chắc sẽ khổ nhiều, con gái mà có tài không sướng đâu em. Con gái ngu chừng nào tốt chừng đó. Bởi nó ngu, bất cứ đứa con trai nào cũng là thần tượng của nó. Vả lại con trai thường thích con gái thua mình một cái đầu về kiến thức. Một người chồng bao giờ cũng muốn hơn hẳn vợ về phương diện nầy.” Không biết suy nghĩ của anh Trọng có chủ quan không, nhưng nó thường ám ảnh tôi. Những đêm trăng nồng thơm mùi hoa bưởi trong vườn, tôi không tài nào ngủ được trong khi mọi người đã ngủ say. Tôi trở dậy ra đứng dưới tàng hoa bưởi và cảm thấy thương hại mọi người sao lại có thể ngủ say một cách uổng phí trong một đêm trăng đẹp như thế nầy!

Lớn lên những người thân của tôi cũng thường hay nói những câu tương tự như lời nói của anh Trọng năm tôi muời lăm tuổi. Và tự những ngày mới lớn, tôi đã mơ hồ cảm thấy những bất an trong đời mình. Xen lẫn nỗi lo sợ đó là một chút kiêu hãnh. Chính những kiêu hãnh đó nuôi lớn những ước mơ, những dự tính tôi phác thảo cho ngày mai của đời. Và tôi nghĩ đơn giản nếu quả thật như thế thì mình sẽ không bao giờ lấy chồng. Mình sẽ sống cho những hoài bão của mình và thực hiện cho kỳ được những hoài bão đó. Lớn lên những va chạm đầu đời đã tạo cho tôi một cái vỏ bọc cứng rắn, bất cần. Tuy nhiên không ai biết được bên trong cái vỏ lạnh lùng đó là những thổn thức âm thầm. Rất nhiều khi tôi ao ước cái bình thường của những người con gái quanh tôi. Hay bi đát hơn, ao ước cái tầm thường của họ. Họ sống thật giản dị: ăn, ngủ, thở… Lớn lên lấy chồng, sinh con đẻ cái, lo nuôi con, lo tích của làm giàu. Thỉnh thoảng tô son đánh phấn cùng chồng đi dạo phố. Cái hạnh phúc ấy giản dị mà sao tôi không có? Những lần đi dạo phố với Vinh – đối với tôi – chỉ có mục đích tỏ cái bất cần thiên hạ của mình không hơn không kém. Lý do thứ hai, để tạo một hình ảnh yêu đương đập vào mắt những đứa như Thúy cho bõ ghét. “ Kể ra thì Kim trẻ con thật phải không Vinh? Những giờ phút đó Kim chính là con mèo con pha lẫn hổ dữ của anh - một con mèo con bé bỏng tội nghiệp và một con hổ độc ác, tàn nhẫn. Cuộc sống thì tầm thường, những kẻ không bình thường như Kim chỉ bị đời xô đẩy đứng bên lề. Sao anh còn tìm đến với Kim làm gì hả Vinh? Kim không quyết định được gì đâu. Tâm hồn Kim có quá nhiều mơ ước. Một là gạt bỏ hết ước mơ để trở thành một con người khác, bóp chết cái tôi đích thực của mình để tìm đến một cái tôi khác, để sống với anh. Hai là vĩnh viễn xa anh để sống cho những mơ ước của mình. Cả hai điều đó đều níu kéo Kim mãnh liệt như nhau. Kim đang chờ một phép lạ nào đó quyết định số mệnh hộ mình. Nếu tình yêu anh có đủ mãnh lực để biến hóa Kim thành một con người khác, sẽ giúp Kim dễ dàng quyết định. Nhưng điều nầy thì chưa có. Và những ngày tháng bây giờ Kim vẫn còn kéo dài tình trạng đó. Kim bỗng yếu đuối lạ lung. Kim sợ sẽ hối hận nếu tự quyết định. Dường như từ nhỏ Kim vẫn thường ngần ngại khi phải tự quyết định một chuyện gì. Kim vẫn thường cứng rắn với người khác nhưng lại yếu đuối với chính mình. Một người bạn của Kim viết thư về góp ý kiến: “ Kim phải hỏi lòng mình một lần – một lần thôi nhưng mà nhất quyết – rằng mình đã yêu Vinh chưa ( yêu với đúng nghĩa của nó ), Kim thử nghĩ nếu vắng Vinh thì mình có vui sống nổi không? Coi vậy chứ tình yêu cũng giản dị lắm. Tình yêu có nhiều trạng thái, nhưng trạng thái tuyệt đỉnh phải đánh giá bằng cuộc đời mình. Sở dĩ mình muốn Kim xác định lòng mình vì mình vẫn cho rằng người ta yêu mình thật dễ, nhưng tình yêu của mình đối với họ mới là quan trọng hơn. Khi yêu ai có lẽ ta không nên đòi hỏi họ yêu mình ra sao, mà ngược lại phải tự hỏi mình yêu như thế nào, có thật vậy không. Cần nhất là đừng để thói quen tai hại lôi cuốn, đừng để những ảo tưởng đánh lạc mình. Tình yêu là gì nếu không phải là sự chấp nhận lẫn nhau. Mỗi người tự hy sinh mình một tí để đi đến một cuộc sống cộng đồng. Không có tình yêu nếu mỗi người chỉ tự nghĩ đến mình. Bởi vì câu nói của Kim nêu ra mình có thể trả lời dễ dàng nếu sau khi Kim xác định được lòng mình. Huống chi, theo mình nghĩ, không phải hôn nhân đem chúng ta trở về với cái bình thường của con người. Thế nào là bình thường? Thật ra không có cái gì tầm thường, hay đúng hơn không có cái gì cao xa, lý tưởng. Bởi mọi dự phóng, mọi hoạt động tinh thần của con người chỉ xoay quanh cái cốt sinh hoạt hằng ngày và nương theo cái bình thường đó. Kim hãy yêu, rồi đây khi bước chân vào hôn nhân, tình yêu sẽ đổi thành nghĩa vợ chồng. Biết đâu trong cái bình thường đó sẽ xuất phát những ý nghĩa mới mẻ hơn. Sinh hoạt tinh thần chỉ có mình tự cấm đoán và bóp chết, nhưng Kim thì có bao giờ cấm đoán mình đâu! Một người bạn đường cùng chí hướng có thể sẽ giúp nhiều cho mình; nhưng một người bạn đường không cùng chí hướng vẫn có thể giúp mình trong những phương diện khác; chẳng hạn sự bình an trong tâm hồn, niềm tin yêu của cuộc sống lứa đôi, và còn nhiều nhiều nữa … Huống chi - mình nhắc lại – tình yêu vẫn là một hy sinh.

Đó là một vài ý nghĩ để đưa đến kết luận nầy: “ Đã yêu thì không còn phải ngại ngùng ”( On n’aime plus dès qu’on aime ). Kim hãy nghĩ kỹ điều đó. Chưa bao giờ câu nói của Marcel Proust lại đúng với trường hợp của Kim bây giờ đây”.

Buổi chiều ở Vũng tàu, tôi ngồi trên một ghềnh đá. Sóng dạt dào dưới chân và ngoài khơi xa mờ mờ một dãy núi màu đen thẩm. Những con còng nhỏ chạy băng qua kẽ đá và gió hất tung từng đám cát mịt mờ. Không biết bây giờ là ngày thứ mấy tôi rời khỏi lưu xá ở Sài gòn để xuống đây, chỉ mang theo một ít hành trang, và người duy nhất tôi giã từ là sơ Caroline. Tôi vẫn thường có thói quen ra đi lặng lẽ như thế, không ai biết càng hay. Biển với tôi là một lời mời gọi quyến rũ lạ lung. Lâu lâu không được nhìn biển tôi thấy như là một sự thiếu thốn không thể kéo dài. Tôi nhớ biển như nhớ một người tình – một người tình bao dung luôn dang rộng vòng tay chở che. Một ước mơ phiêu du mơ hồ nào đó vẫn thường đến với tôi khi tôi ngồi với biển. Nỗi ước mơ réo gọi mơ hồ mà thật mãnh liệt, xa xôi mà gần gũi lạ lung.

Cơn mưa buổi chiều đột ngột đến như một hối thúc. Vùng biển xanh bỗng trắng xóa nhạt nhòa. Một đứa con trai chạy vội vào quán nước đâm sầm vào người tôi. Tôi vừa quay đi thì có tiếng gọi hơi ngạc nhiên, hốt hoảng:

- Cô!

Tôi ngạc nhiên quay lại, đứa con trai đứng trước mặt tôi nhìn tôi đăm đăm như thăm dò một phản ứng. Tôi đang lục lọi trí nhớ để tìm xem hắn ta tên là gì trong đám học trò, thì hắn đã nhanh nhẩu:

- Cô mới xuống Vũng tàu phải không? Em là Tường đây.

Tôi chưa kịp nói gì thì Tường đã tiếp:

- Cô vào trong nầy kẻo ướt hết.

Tường kéo ghế mời tôi ngồi, sành sỏi như một cậu con trai ga lăng chính hiệu. Ý ngĩ đó làm tôi thấy buồn cười. Năm đó khi tôi mới đậu xong bằng tú tài toàn phần, nhân dịp xuống chơi nhà anh chị ở Vũng tàu, ông anh rễ giới thiệu tôi vào dạy ở một trường tư thục ở cái thị xã nầy. Hôm đầu tiên đến nhận việc, ông giám học nhìn tôi với cái nhìn ngạc nhiên rồi nói một câu tiên đoán: “ Cô còn trẻ quá, tôi chắc cô sẽ khóc với đám học trò nghịch như quỷ sứ ở cái trường nầy mất. Tôi đã thấy có những cô giáo hơn cô chừng năm, bảy tuổi cũng phải bỏ dạy ngay từ đầu. Tôi phải nói trước như thế để cô thận trọng”. Trước lời đe dọa cùa ông giám học, bản tính bướng bỉnh khiến tôi không hề nao núng. Vả lại, tôi vẫn đinh ninh mình chỉ thử lửa trong vòng vài tháng để chờ ngày các phân khoa khai giảng. Và quả thật như ông giám học nói, buổi đầu tiên đứng trước một lũ học trò đệ tứ (2) lớn gần bằng mình, tôi bỗng thấy chán nản. Trước cái đám người nhao nhao như ong vỡ tổ trên từng dãy bàn dài, tôi chỉ ngồi yên lặng nghiêm trang.

Không hiểu vì lý do gì, tụi học trò bỗng nễ tôi ra mặt. Những giờ sau đó không khí trong lớp có một vẻ gì khác lạ. Những cái nhìn hỗn xược đã bắt đầu khuất phục. Ông giám học thấy tình hình không như mình tiên đoán đã hỏi tôi áp dụng phương pháp nào mà tài tình đến thế. Tôi chỉ cười mà không nói gì. Bởi cái nguyên nhân của sự thay đổi ấy chỉ nằm trong sự tiên đoán của tôi. Có thể vì họ thấy tôi có vẻ gì khác lạ so với những người đã dạy trước đó. Hay vì một nguyên nhân nào khác mà tôi chưa khám phá ra. Hai tháng sau, khi tôi trở về Sài gòn để đi học lại thì học trò quyến luyến tôi ra mặt. Tôi thấy hình như tình cảm của bọn nam sinh dành cho mình có cái gì không bình thường. Ban đầu tôi nghĩ mình đoán lầm, nhưng chính ánh mắt của họ giúp tôi xác thực điều đó. Tình cảm của họ dành cho cô giáo trẻ thật là một thứ tình cảm thời đại, ảnh hưởng một vài cuốn tiểu thuyết nổi tiếng trong giới trẻ thời ấy. Tường cũng là một trong số đó, Tường hỏi tôi:

- Cô uống gì nhỉ?

- Cho tôi một chai cô ca .

Tường gọi tôi một cô ca và cho mình một cốc cà phê đen. Hắn bật diêm châm thuốc lá, điệu bộ sành sỏi như một gã con trai đàng điếm. Tôi nhìn khuôn mặt Tường đoán tuổi rồi hỏi hắn:

- Tường bao nhiêu tuổi mà hút thuốc lá sớm vậy?

- Em mười tám rồi, nhưng tuổi trong khai sinh còn nhỏ hơn nhiều.

Học để trốn lính mà.

Hắn cười sau câu nói, rồi ném điếu thuốc lá xuống đất, lấy chân di di lên có lẽ vì thấy tôi không chịu được mùi khói thuốc, rồi nói:

- Sau khi cô đi lớp học bỗng buồn chi lạ, tự nhiên em không muốn đến lớp nữa.

Khuôn mặt Tường có vẻ ngậm ngùi khi nói. Tôi suýt bật cười nhưng kịp giữ lại được. Ngày tôi bước chân vào lớp đệ tứ 2, Tường là tên học trò đầu tiên buông một câu lếu láo:

- Còn nhỏ quá, mới ra lò.

Đang cắm cúi trên tấm sổ điểm diện, tôi ngẩng lên nhìn về phía cuối lớp, nơi vừa phát ra câu nói trên, một gã con trai cao lớn, kính cận, tóc bềnh bồng nhìn tôi cười nhăn nhở.

- Anh kia, đứng dậy, tên là gì?

Tường cố tình chậm chạp đứng dậy, cái nhìn vô lễ, bướng bỉnh đáp:

- Thưa cô, tên có trong sổ.

Tôi quắc mắt, nhắc lại:

- Tôi hỏi anh tên là gì?

Lớp học xì xào, mấy gã con trai cuối lớp cười khúc khích thích thú. Mấy nữ sinh ngồi bàn đầu nói nhỏ với tôi:

- Con trai trường nầy mất dạy lắm đấy cô.

Ở cuối lớp, đôi mắt Tường nhìn tôi khiêu khích sau cặp kính trắng. Bỗng nhiên đôi mắt ấy bối rối dịu dần, rồi đôi mắt ấy nhìn xuống vở đáp:

- Nguyễn văn Tường.

Tôi lật cuốn sổ phạt, tìm tên Nguyễn văn Tường. Rồi bỗng nhiên tôi đổi ý, xếp sổ lại, nhìn về phía Tường:

- Anh ngồi xuống.

Từ đầu chí cuối, chưa có một hình phạt nào xảy ra. Khuôn mặt Tường thoáng ngạc nhiên, lớp học bỗng yên lặng lạ lung. Từ đó Tường ngồi yên lặng không nói một câu nào nữa. Những buổi học tiếp theo, tôi thấy Tường hay nhìn tôi bằng cái nhìn lạ lung, những cái nhìn không biết muốn nói lên điều gì nhưng chắc chắn không phải cái nhìn của học trò đối với cô giáo. Một hôm đi dạy về tôi thấy Tường lảng vảng phía sau. Khi tôi về đến nhà tôi còn thấy Tường đi qua đi lại nhiều lần trước cửa nhà. Tôi đem điều đó nói với anh chị , anh chị tôi cười: “ Tại cô giáo còn trẻ quá, học trò thì lớn. Mà học trò bây giờ lại chịu ảnh hưởng tiểu thuyết nữa”. Đến buổi dạy cuối cùng chính Tường là người đứng ra tổ chức tiệc tiễn đưa. Tường hỏi xin địa chỉ của tôi ở Sài gòn rồi hát tặng tôi bản nhạc “ Lá đổ muôn chiều” của Đoàn Chuẩn. Sau đó tôi có nhận được thư của học trò, mà thư của Tường là nhiều nhất. Ban đầu tôi có hồi âm, nhưng sau đó bận quá nên chuyện hồi âm cũng thưa vắng dấn. Bây giờ gặp Tường ở đây, giọng Tường nhuốm vẻ trách móc :

- Hồi đó sao cô lại ít hối âm thư cho em thế nhỉ?

- Bận quá Tường ạ, thông cảm nghe.

Tường nhìn tôi đăm đăm, muốn nói điều gì lại thôi. Tôi yên lặng nhìn ra biển. Mưa đã dứt tự bao giờ. Bầu trời đã xanh, mây đã trắng, và sóng biển vỗ tràn bờ cát ướt. Bỗng tôi nghe tiếng Tường nói như mơ:

- Mắt cô đẹp quá!

Tôi quay lại nhìn Tường chăm chú. Tường bối rối:

- Xin lỗi cô, lẽ ra Tường không nên nói như vậy. Nhưng đã lỡ rồi Tường xin nói luôn, ngay từ hôm đầu tiên cô đã khuất phục Tường bằng mắt. Tường đã trở thành một con người khác cũng chính vì đôi mắt của cô.

Tường nói xong nhìn tôi một lần nữa rồi lầm lũi ra về. Tôi nhìn theo Tường, không biết mình nghĩ gì.

Khi tôi trở lại Sài gòn mùa hè vẫn chưa dứt. Ve còn kêu râm ran trên những cành cây bao quanh lưu xá. Nắng vẫn thắp rực rỡ khoảng sân cát mênh mông im lìm. Chưa có một dấu chân nào trở lại. Khu nội trú vắng tanh. Sơ Caroline trao cho tôi hai bức thư, một của Khánh và một của Vinh. Khánh viết thư từ Pleiku, tuồng chữ nguệch ngoạc như con trai. Vinh viết thư từ Đà nẵng, vẫn màu mực bic đen bình thường. Tôi bóc thư Khánh đọc trước, trong thư Khánh nói về vụ hè của nó ở quê, nó nói nhớ không khí nội trú, rồi rủ tôi lên Pleiku chơi để hai đứa có thể tâm sự nhiều hơn. Tôi cầm thư của Vinh lên, cố tưởng tuợng trước Vinh sẽ nói gì. Trong thư Vinh trách tôi về chuyện không về quê vào dịp hè, rồi nhắc đến chuyện hôn nhân. Vinh nói mười ngày nữa sẽ xin phép bệnh viện nơi anh làm việc nghỉ phép thường niên để vào Sài gòn thăm tôi. Bức thư đi mất bốn ngày, vậy chỉ còn sáu ngày nữa Vinh sẽ có mặt ở đây. Trong thư Vinh nói chỉ cần tôi đồng ý đính hôn xong Vinh sẽ chờ tôi học xong đại học. Bức thư dắt tôi trở về những băn khoăn cũ . “ On n’aime plus dès qu’ on aime ”, câu nói của Marcel Proust lại trở về ám ảnh tôi. “ Đã yêu thì không phải ngại ngùng ”, mà quả thật mình đã yêu chưa?

Ý nghĩ đó làm tôi thấy nhức đầu, ném hai bức thư vào ngăn kéo, tôi khép cửa rồi ra ngoài. Cả một dãy hành lang dài nằm yên lặng thênh thang như nhung nhớ những bước chân đã qua một ngày nào. Từ lan can lầu tôi nhìn thấy sơ Caroline đi về phía giáo đường. Bộ áo nữ tu đen thẩm trong bóng chiều. Một con chim sẻ đậu trên nóc tháp chuông, và khi người lão bộc già nua đến bên chân tháp giật lên mhững tiếng chuông cuối ngày, thì con chim sẻ hốt hoảng bay đi. Những hồi chuông thánh thiện đã vô tình làm nó sợ hãi, nó đã bay thật xa, bay ra khỏi những lùm cây bao quanh lưa xá.

Giờ phút nầy tôi bỗng yêu Vinh thiết tha. Giá những giờ phút như thế cứ kéo dài phủ rợp cả đời tôi thì tôi còn băn khoăn gì nữa. Tôi sẽ lấy Vinh không một chút ngại ngùng. Vinh có cái dễ mến và bao dung trong tính tình, cái nồng nàn ở đôi mắt sâu đen, và cái vóc dáng bảo vệ, chở che. Vinh của tôi chỉ còn lại trong lòng bấy nhiêu hình ảnh đẹp, bấy nhiêu đó đã đủ để tôi đi đến một quyết định nào chưa?

Bỗng nhiên, tôi thấy đau khổ như một đứa con gái thất tình. Tôi gục mặt lên lan can, nhớ Vinh xót xa. Nỗi nhớ chỉ là một biên cương, bên nầy là vòng tay Vinh mời gọi nồng nàn, là cái hình ảnh của Vinh với một tình yêu mà nếu khước từ, tôi sẽ khó gặp lại lần thứ hai ở một người con trai nào khác. Vùng đất bên nầy biên cương của Vinh được thắp lên bằng thứ tình yêu sáng rỡ của chàng. Và bên kia, bên kia nỗi nhớ là vùng đất ước mơ của tôi – không, của Kim đích thực, của Kim lãng mạn từ những ngày bé bỏng xa xưa, của Kim một đêm trăng nào năm mười sáu tuổi ngồi khóc dưới dàn hoa tigôn trước sân nhà, của Kim với những vần thơ mơ mộng đầu đời …Ở vùng đất đó không có một chỗ nào dành cho Vinh, Vinh chỉ còn là một cái bóng ngậm ngùi trong tận cùng tâm thức.

Trong cơn buồn bã tôi bỗng khao khát một đức tin. Âm hưởng bài ca buồn mà Khánh hát cho tôi nghe đêm nào bỗng vang vang như một lời kinh từ cõi nào đưa lại:

“ Oui, devant Dieu, devant les hommes . Oui ! pour l’ amour que tu me donnes …”

(1) En : Elle ( tiếng Pháp ) : ngôi thứ 3 số ít giống cái .
(2) Lớp đệ tứ ( trước 1975 ) : Lớp 9 .



VVM.27.3.2024.