B
óng tối đã ngập tràn trong phòng khách, Thường không muốn đứng dậy bật điện. Anh ngồi trên đi văng lặng lẽ hút thuốc. Chai rượu trên bàn anh
uống đã quá một phân nửa, cảm giác cô đơn, buồn tê tái đang ngấm dần cùng men rượu trong anh. Đã lâu rồi, anh không còn có thời gian để vui buồn.
Những phi vụ làm ăn, những chiêu thức, thủ đoạn để tranh giành hợp đồng kinh tế trong thời buổi kinh tế thị trường đã biến anh thành con người
có “thần kinh thép”. Những rung động trong trái tim của chàng trai yêu văn chương ngày nào, chạy trốn khỏi anh từ bao giờ. Trong anh chỉ
còn lại cảm giác chiến thắng của người làm kinh doanh mỗi khi hạ gục đối phương trên thương trường, để đem lại lợi nhuận về cho mình.
Anh cứ mải ném mình về phía trước để kiếm tiền, mặc dù từ lâu rồi anh không còn thiếu tiền. Nhưng việc làm ăn kinh doanh đã thành nỗi
đam mê trong anh. Ngoài những con số, những điều khoản trong hợp đồng đem lại lợi nhuận là mối quan tâm lớn nhất, anh coi mọi việc
khác đều là ba thứ lẻ tẻ khỏi phải bận tâm. Anh đang mải mê cuốn theo cơn lốc xoáy của thương trường thì bất ngờ bị văng ra và rơi tõm
vào một khoảng lặng đến hãi hùng. Từ đầu năm đến nay, anh đã tạm thời bị loại khỏi “cuộc chơi”. Những hợp đồng kinh tế béo bở đã rơi
vào tay đối phương. Bỗng chốc anh trở thành người nhàn rỗi. Công việc kinh doanh đã ngấm vào máu trong anh. Vậy mà anh lại rơi vào hoàn
cảnh này, thật là chẳng khác gì thằng nghiện đói thuốc. Anh thấy khốn khổ như “giời đày”. Nghiệt ngã thay, đúng lúc anh có thời giờ
để nghĩ về những người sống quanh mình, thì ôi thôi, họ đã rời xa khỏi anh từ khi nào. Ngoài thương trường anh chỉ có đối thủ giành
giật lợi nhuận hoặc những đối tác được gắn kết với nhau bằng sợi dây “hai bên cùng có lợi”. Bây giờ, anh chẳng còn tác dụng gì
với cả đối phương lẫn đối tác liền bị quẳng ra ngoài rìa cuộc chơi. Anh cảm thấy mệt mỏi, muốn trở về nhà tìm sự an ủi trong không
khí yên ấm của gia đình thì bất hạnh thay, anh đã trở thành kẻ cô đơn giữa dòng đời đang ầm ào cuộn chảy. Bây giờ, có thời gian
ngẫm nghĩ, anh lại ước ao được đằm mình trong không khí đầm ấm của những bữa cơm chiều đoàn tụ, dưới ngôi nhà ngày nào của mẹ cha.
Lúc ấy, anh em quây quần bên nhau, vừa ăn cơm vừa nghe cha phân công công việc ngày mai cho từng người. Nghe mẹ thúc giục gắp thức ăn,
nghe bà ca cẩm về cái răng đau, nghe tiếng lanh canh của thằng cháu con anh chị cả nghịch bát đũa. Cuộc sống của một gia đình
“tứ đại đồng đường” sao mà nó yên bình, ấm cúng đến thế. Còn bây giờ, cái gia đình nhỏ bé của anh rời rạc và nhanh chóng tan vỡ
như thứ bèo bọt trên dòng sông cuộc đời đang miệt mài chảy về phía vô cùng. Hình như, sợi dây ràng buộc giữa các thành viên gia
đình anh với nhau chỉ được gắn kết bằng chất keo tiền bạc? Nó chính là chất bôi trơn cho hạnh phúc gia đình nhỏ bé của anh và
khi hết thì nó như một cỗ máy khô dầu...
Thường là con thứ ba trong một gia đình đông con của làng Đại Nghĩa. Bố mẹ anh không giàu có gì, nhưng đủ ăn, sống hiền lành tử tế với
anh em xóm giềng. Các anh chị em của anh cũng là những người ngoan ngoãn, hiếu thảo, biết vâng lời cha mẹ. Họ sống an phận thủ thường
trong cái chòm tre thanh bình ấy. Duy chỉ có Thường, anh không cam phận với con trâu, cái cày. Học xong phổ thông trung học,
anh thi vào Trường Đại học Xây dựng. Ra trường, anh lang thang khắp các công trường. Sau khi có lưng vốn, anh bỏ việc trong cơ quan Nhà nước lập doanh nghiệp tư nhân. Khi đã khá thành đạt trong thương trường, anh mới lấy vợ. Vợ anh là một kế toán trong doanh nghiệp Nhà nước, trẻ trung và xinh đẹp. Lấy nhau vừa tròn một năm thì vợ chồng anh sinh được một cậu con trai bụ bẫm. Chiến hữu làm ăn với anh phải phát ghen mà thốt lên: “Thường là một gã quá may mắn. Công việc thì hanh thông, vợ thì như một công nương đài các”. Thường ha hả cười trong sung sướng. Anh nghĩ phải kiếm thật nhiều tiền để vợ con được sống sung túc. Vậy là anh lao vào các phi vụ làm ăn một cách say mê, cuồng nhiệt. Anh đã lo cho cái gia đình bé nhỏ của mình tiện nghi, hiện đại và đắt tiền. Gia đình anh chẳng còn thiếu một thứ gì, chỉ duy nhất thiếu thời gian vợ chồng con cái dành cho nhau. Mỗi buổi sáng dậy, chỉ kịp đánh răng rửa mặt xong, lái xe đã đón anh đến văn phòng làm việc của mình. Vợ anh cũng hối hả đến cơ quan. Thằng nhỏ nhà anh mở mắt ra đã không thấy cha mẹ ở đâu rồi. Nó được Ôsin đưa đến trường bán trú và ở lại đó đến chiều. Tối đến, khi nó đã học xong, đi ngủ, thì hai vợ chồng anh mới người trước, người sau về. Hiếm hoi lắm, vợ chồng, con cái anh mới có một bữa cơm chung. Đó là ngày tết, anh chị đưa con về quê với ông bà. Tuy vậy, cũng chỉ được một chốc lát ở bên bố, mẹ anh em dưới quê. Anh lại phải lên thành phố để đi chúc tụng chiến hữu, và bàn chuyện làm ăn cho năm mới. Chị cũng phải đến thăm hoặc đi tiếp khách với “sếp”. Mặc cho bố mẹ, anh em trách móc, anh chị đành cười trừ bảo “Chúng con bận quá”; đồng thời tạ lỗi với họ bằng một cục tiền, rồi lại hối hả về thành phố. Gia đình của Thường cứ thế tồn tại mười mấy năm nay. Ai cũng có một khoảng trời riêng của mình. Anh bận công việc kinh doanh, còn chị thì lo phấn đấu lên làm kế toán trưởng và củng cố địa vị của mình trong cơ quan. Thằng nhỏ thì quan tâm đến bạn bè, và những trò chơi của con trẻ. Sợi dây tình cảm của ba người gắn kết với nhau ngày càng lỏng lẻo. Anh hiểu tính nết nhân viên hơn hiểu vợ. Chị đoán ý sếp hơn nắm được tâm tư tình cảm của chồng. Con anh chị chỉ quan tâm đến bố mẹ khi nó cần tiền chơi điện tử và tiêu xài...
Cho đến đầu năm nay, khi công việc làm ăn của anh có phần sa sút, các hợp đồng kinh tế ngày càng ít ỏi, anh nghĩ thôi bỏ qua cái năm sung tháng hạn này về nghỉ ngơi vui vẻ với vợ con để đợi thời. Khi có thời giờ rảnh rỗi để nghĩ đến vợ con, anh mới giật mình phát hiện ra thằng nhỏ nhà anh từ lâu bỏ bê chuyện học hành. Nó mới 15 tuổi, nhưng thường xuyên trốn học để đi du lịch với bạn bè. Giận con, anh quát mắng nó là “đồ ăn hại”. Thằng bé, từ nhỏ đến giờ quen được sống kiểu tự do, lại không hề bị ai trách mắng bao giờ, nên khi bị bố mắng, nó cảm tưởng như bị xúc phạm nặng nề. Nó liền lén mở tủ lấy của anh hơn hai nghìn đô la và bỏ đi hoang cùng bạn bè. Anh đã tìm nó mấy tháng nay mà không thấy. Họa vô đơn chí, khi đi tìm con, anh lại bắt gặp chị đang lả lơi cùng với “sếp” trong khách sạn. Anh nổi cơn thịnh nộ, liền bị chị cự lại: “Bây giờ, anh mới biết ư? “Xưa” rồi “diễm” ạ, tôi cũng chán sống với anh từ lâu rồi”. Anh nổi cáu, đánh chị. Chị liền làm đơn ly dị gửi tòa án và xách va ly đi công du với “sếp” của chị ở nước ngoài...
Thường vẫn ngồi im như pho tượng một mình trong bóng tối. Ngôi biệt thự của anh ở vùng ngoại ô này vốn đã yên tĩnh, bây giờ lại càng vắng lặng đến
lạnh người. Tiếng con thạch sùng chậc lưỡi nghe rõ mồn một. Thường vớ chai rượu uống dở, ngửa cổ tu ừng ực. Một mình ngồi suy nghĩ trong bóng
tối, anh mới cay đắng nhận ra một điều: “Mặt trái của cơ chế thị trường đã len lỏi vào gia đình anh, phá vỡ những quy phạm đạo đức,
chia lìa mối quan hệ vợ chồng, cha con một cách lạnh lùng”. Anh thở dài và muốn hét lên: “Cuộc sống nhiều tiền bạc làm chi khi vợ chồng
con cái không tôn trọng nhau như thế này”. Bất giác, anh nhớ về miền quê xa ngái, nơi đó bố mẹ và anh cả anh vẫn đang sống trong một
đại gia đình có bốn thế hệ sum vầy, ấm êm. -./.