Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

BẾP LỬA XUÂN



                  Kính dâng hương hồn mẹ Trần Thị Ngọc Trai

S áng nay mở cửa đón nắng ban mai, nhìn thấy cây mai vàng bên hòn non bộ đã trổ mấy nụ báo mùa xuân sắp đến, tôi chạnh lòng nhớ cảnh nhà xưa.

Ngày ấy, vào những khoảnh khắc này, nhà tôi đã chộn rộn không khí đón xuân. Trong lúc cha cùng các anh, em trai sơn quét lại bức tường, đánh sáng bộ lư đồng trên bàn thờ…thì mẹ lại quây quần với mấy cô con gái nơi bếp lửa lo chuyện mứt bánh ngày xuân.

Dù chỉ mới trung tuần tháng chạp, nhưng mẹ đã lo xa.Cứ mỗi buổi chợ, lại tha về lúc là bó lạt để chuẩn bị gói bánh tét, lúc cái sàng, cái nia để sậy (sấy bằng than vùi tro) mứt, phơi dưa món…

Rồi thời gian cứ trôi theo tiếng pháo đì đùng thúc giục, lễ cúng ông Táo về trời đã xong là lúc mẹ thật sự cùng bầy nữ chiến binh vào cuộc.

Nhà tôi có đến năm cô con gái. Tùy độ tuổi và bàn tay khéo léo mà mẹ phân công việc rạch ròi.Tôi là gái út nên chỉ làm thành viên “ xớ rớ”. Việc gì cũng bị các chị sai bảo chạy lui chạy tới mệt bở hơi tai nhưng khi miếng ăn ngon đẹp được khách ngợi khen thì …các chị tôi lãnh phần cả. Đã có lúc tôi khóc thầm vì quá tủi thân.

Tôi vẫn nhớ như in chị cả Hoàng Mai do có bàn tay tài hoa thiên phú, được mẹ giao tỉa những củ cà rốt, quả đu đủ.. Tôi ngồi bên, tròn xoe con mắt ngắm chị múa lượn con dao. Chỉ một lúc thôi từ trên tay chị, thả nhẹ nhàng xuống thau nước những đóa hoa hồng, thược dược, cúc đại đóa với những lớp cánh mỏng manh như hoa thật vừa hái trong vườn. Rồi những đóa hoa ấy được ngâm qua đêm trong nước vôi để làm cứng cánh, khi rim trong nước đường sẽ giữ nguyên dạng thành những đóa hoa mứt đẹp tuyệt vời. Đó là món mứt màu hoa mà giờ đây hầu như vắng bóng. Những đóa hoa mứt sau khi sậy khô được đặt vào hộp giấy có nắp là giấy gương trong suốt. Mẹ trịnh trọng dâng lên bàn thờ Phật. Đến ngày đầu năm có khách quí viếng nhà, mẹ kính cẩn cầm ba cây hương lầm bầm khấn vái rồi mới xin hạ xuống mời khách.

Cùng lúc chị Hoàng Mai đang miệt mài tỉa những cánh hoa mứt thì chị hai Hoàng Hoa do tính vốn cần cù nhẫn nại, được mẹ phong giải Á hậu một  lãnh việc ngào mấy thau mứt gừng mà mới thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng thật sự rất kỳ công.

Theo mẹ ra chợ, chị chọn mua củ gừng non trông trên đất rẩy, nhỏ xíu nhưng nhiều mụt như bàn tay năm ngón. Gọt vỏ, bào lát mỏng thanh, luộc xả bớt nước cay rồi ngâm trong thau nước phơi dưới ánh nắng cho trắng dần ra. Khi ngào mứt, chị ngồi bên canh ngọn lửa. Nước đường rim mứt chỉ được phép đun đến độ sủi tăm. Kiên nhẫn từng giờ, từng giờ để làm nên những cánh mứt khô dòn thơm dậy hương gừng, cho vào thẩu thủy tinh trong veo đậy kín. Mâm cỗ đầu năm sẽ dâng cúng ông bà rồi khi khách đến mừng xuân, trong cái giá lạnh tháng giêng, lát mứt gừng cay uống cùng tách trà ướp hương sen, khiến lòng ta thật ấm áp. Cái thau ngào mứt xong, chị luôn ý nhị dành cho riêng tôi. Bạn có biết tôi làm gì không? Từ lòng thau, dùng muỗng, tôi cạo rột rột để lấy ra lớp đường trắng phau thơm dậy hương gừng. Gói kín vào tờ giấy vở học trò đem lên lớp học, cùng năm ba con bạn thân giờ ra chơi chia nhau chấm mút. Ngon thật là ngon. Cay thật là cay. Càng ăn đôi má lũ chúng tôi càng phừng phừng hững đỏ thật đáng yêu.

Hoàng Trang là cô chị thứ ba lại luôn lãnh phần làm những chiếc bánh in nhỏ nhắn gói trong giấy kính ngũ sắc.Tùy hình dạng và chất liệu bột mà bánh có rất nhiều tên gọi khác nhau: bánh in bột nếp, bánh in đậu xanh, bánh phục linh, bánh uyển cao…Kỹ thuật in thì dễ vì đã có sẳn khuôn.Nhưng cách rang bột, sên đường, phơi sương thì lại là một bài học nhiều năm tháng mà mẹ tôi đã dày công vẽ bày cho con gái.

Chị tư Hoàng Lan lại thích ngồi chắn tỉa những con thú, bông hoa nhỏ từ cái khuôn cắt mẹ đặt bác thợ thiếc đầu ngõ làm. Chị phải thức dậy thật sớm để làm cho xong một lố cà rốt, đu đủ, củ cải, su hào.. .rồi đem phơi cho kịp nắng. Đêm ấy, lại tiếp tục bỏ lên nia sậy trên bếp than hoa phủ tro đến độ khô dòn rồi chuyển giao cho thủ trưởng mẹ làm món dưa món.

Có người bảo làm dưa phải có tay. Không có tay dưa không thơm. Bàn tay mẹ tôi làm dưa thì không ai chê được nên việc nấu nước mắm làm dưa món, mẹ phải tự đảm trách. Có hôm mẹ quá mệt mà lại phải nhận thêm khoản này nên làu bàu ca cẩm: “ Chúng mày nhác nên bày đặt.” Miệng nói thế nhưng vẫn hì hục đi nấu nồi nước mắm đường trong veo, thơm ngát vì chính mẹ cũng sợ lỡ cô con gái không thơm tay thì xuân này toi mất thẩu dưa món.

Bé út Hoàng Trúc là tôi, kể từ năm lên cấp hai học trường Đồng Khánh, lãnh về mấy bận điểm mười môn gia chánh với Cô Hoàng Thị Kim Cúc nên được mẹ tin tưởng giao làm món thịt giầm. Tôi vốn mộng mơ nên đặt tên là Nhục trầm thủy ( thịt chìm trong nước).Từng khối thịt bắp bò mẹ đã từng dạy tôi lọc bỏ bạng nhạng, rửa sạch, hấp chín, lau thật ráo rồi ngâm trong thẩu nước mắm nấu với đường độ nước quẹo lại, sắc trong veo. Món này phải làm trước tết ít nhất năm ngày cho thấm vị. Khi ăn, cắt lát thật mỏng tanh như tờ giấy Pơ luya. Trong từng lát thịt nổi lên những thớ gân trong veo. Buổi xuân sang, cha tôi đã trịnh trọng mời mấy tửu khách nhâm nhi cùng củ hành hương ngâm giấm đỏ ong và đồ chua ngọt sắc màu rực rỡ xếp hình bó hoa mùa xuân. Ai ngờ đâu tác phẩm đầu tay ấy đã đưa tôi lên ngay ngôi Á hậu hai khiến các chị tôi xúm lại chúc mừng cô em bé bỏng vừa từ quả thị bước ra thành cô Tấm.

Các món do bàn tay khéo của “ ngũ long công chúa” nhà tôi làm xong thì tết cũng cận kề. Mẹ bê tất cả vào xếp đầy trong tủ thức ăn, ngày ngày ngây người đứng ngắm như kẻ si tình ngắm bóng giai nhân.

Ba mươi tết, cả nhà xúm lại gói bánh tét. Lúc này cha tôi và cả mấy cậu con trai cũng nhập cuộc. Dù mẹ đã gói sẵn một đòn bánh mẫu nhưng mỗi người cứ gói theo ý mình nên kết quả đòn dài ngoằn, đòn mập ù, đòn bé tẻo teo. Nhưng mẹ vẫn luôn động viên tinh thần đồng đội :” Không sao, tốt khoe, xấu che các con ạ!” Những đòn bánh mẹ gói dành cúng tổ tiên và mời khách. Các đòn khác do dung nhan không mấy đẹp, sẽ được cả nhà khai đao ngay sau giờ bánh chín.

Có năm tôi còn bé tí được mẹ cho nguyên liệu thừa gói chiếc bánh đầu tay. Đêm ấy tôi không ngủ, ra ngồi bên bếp lửa háo hức chờ bánh chín. Thời gian sao trôi chậm thế? Đã có lúc tôi buồn ngủ quá ngủ gục ngay bên chiếu mà mẹ đang cùng cha và mấy anh chị ngồi uống trà. Mấy lần cha muốn bế tôi vào phòng ngủ nhưng tôi đã không chịu rời đi vì sợ lỡ ai lấy mất đòn bánh tét của mình thì sao? Lúc bánh được vớt lên, tôi tỉnh ngủ hẳn, đeo tòn ten trên vai cặp bánh méo xẹo, hãnh diện chạy đi khoe khắp cùng. Ôi cái bánh đầu đời sao mà thương đến thế.! Nó đã đem đến niềm hạnh phúc con trẻ mà tuổi thơ tôi đã có được trong những năm tháng ấu thơ sống với gia đình.

Giờ đây, một mùa xuân đang đến. Cuộc sống tất bật đã làm nhiều bếp lửa xuân không bập bùng ánh lửa, vắng luôn cả bóng dáng nữ tướng của gia đình.

Ngoài kia chợ xuân đang bày bán đủ thứ. Chỉ một hai tiếng đi qua các cửa hàng là người ta có thể sắm đủ mọi thứ mà năm xưa ngũ long công chúa nhà tôi phải miệt mài ngày này qua ngày khác. Có kẻ cho thế là hạnh phúc, là người phụ nữ được giải phóng. Nhưng thử hỏi nếu nhà nhà đi mua, người người đi sắm cả thì các thế hệ mai sau sẽ không học được cái hay mà bao đời các cụ truyền lại. Bởi mỗi gia đình luôn có một truyền thống và bí quyết riêng, mỗi vùng miền có bản sắc ăn uống riêng… mà các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện đại không thể thay thế hết cho cả kho kinh nghiệm dân gian qúy gia ấy được.

Riêng với tôi, đó còn là nỗi ngậm ngùi, bởi lũ con trẻ quanh tôi sẽ không có những kỷ niệm đáng yêu như tôi từng tận hưởng nơi bếp lửa ngày xuân.- ./.




VVM.28.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .