C hẳng nhớ tự bao giờ, cứ mỗi độ đón đợi xuân về đầu óc tôi lại bị ám ảnh bởi những câu thơ trong bài thơ "Chợ tết" của cố thi sĩ Đoàn Văn Cừ:
"Người các ấp tưng bừng ra chợ tết
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau ..."
Đúng là một bức tranh tả thực hết sức sinh động về cảnh chợ tết mà tôi đã từng được biết từ thuở ấu thơ. Những năm tháng của cuộc đời đã đưa tôi tới bao miền xuôi ngược, bao cảnh vật núi non sông biển, bao lễ hội đình chùa và danh thắng, trang nghiêm có, tưng bừng có, nhưng rất khó lí giải được là tại sao cái hình ảnh chợ tết quê trong tôi lại được in sâu đậm thế. Tôi dường như mãi thấy lâng lâng!
Tôi sinh ra ở Quảng Bình, một vùng quê nghèo của miền Trung, nơi khoai sắn là mục tiêu phấn đấu quanh năm, "bát cơm không" chỉ có trong "ba ngày tết". Gọi là "cơm không" nghĩa là cơm chỉ nấu toàn bằng gạo mà không độn ngô, khoai, sắn. Xưa kia ở quê tôi hầu như mọi nhà quanh năm toàn ăn khoai, sắn, may mắn lắm thì được bát cơm độn; chỉ trừ "ba ngày tết" là nhà ai cũng cố chắt bóp, dành dụm để có được "bát cơm không". Vì thế hình ảnh "bát cơm không" gần như đồng nghĩa với "ba ngày tết". Nói vậy là ai cũng có thể hình dung được đồng quà tấm bánh, dù chỉ miếng bánh đúc, chiếc bánh đa hay cái kẹo bột cũng là một ước mơ không chỉ riêng trẻ nhỏ, đâu dám nghĩ tới "cao lương mỹ vị" mà ngày nay tết nhất nhiều người đã thường lo mua sắm. Vào cái thuở ngô-khoai-sắn ấy, tôi cứ nhớ như in tới tận bây giờ về lần đầu tiên được đi chợ tết mà mẹ tôi đã dẫn tôi theo. Hồi ấy tôi mới chừng ba tuổi, cái tuổi chỉ thích chạy nhảy lon ton, cái gì cũng xem, cái gì cũng lạ. Một ngày cận kề cái tết, mẹ tôi đi chợ phiên để bán, để mua, để sắm sanh các thứ nhu yếu mà nhà nào cũng cần cho "ba ngày tết". Tôi được mẹ đặt ngồi trong một cái thúng, đầu gánh bên kia là đủ thứ linh tinh mà mẹ mang đi bán. Mới sáng tinh mơ, gió lùa lạnh buốt mà sao con đường như được hun nóng bởi không khí lễ hội tưng bừng. Từ mọi ngõ ngách tiếng gọi nhau í ới, tiếng chó sủa râm ran, người người như cùng ùa ra con đường cái quan và hướng về một phía. Tôi ngồi trong thúng do mẹ gánh đi, có cảm giác bồng bềnh như đi kiệu. Nhà tôi ở đầu làng, chợ Mới ở cuối làng, kề bên mép nước sông Nan. Với tôi, đó là một cái chợ vô cùng to lớn vì tôi không thể đi hết mọi quán, mọi lều xếp hàng san sát. Dưới sông là hàng chục, có lẽ là hàng trăm con thuyền ken đặc. Tiếng ồn ào triền miên nghe đến đinh tai nhức óc, thế mà tôi lại lấy làm khoái trá, phấn khích đến lâng lâng! Cũng như mọi chợ to, chợ nhỏ trên đời, vẫn là
"Chợ gần mẹ bán dì mua
Đấu chè, nải chuối, mớ dưa, mủng cà..."
nhưng với tôi nó như một thế giới vừa được khám phá, rất diệu kỳ. Trẻ con mà! Mẹ tôi kiếm một chỗ ngồi, bày ra mẹt mấy nắm tỏi, rá hành, mớ ớt và vài nải chuối xanh hái ở vườn nhà. Chừng trưa trưa thì những mặt hàng "đặc sản" này cũng bán hết veo. Kết quả là tôi được mẹ mua cho một góc bánh đa phủ lớp cháo kê vàng rộm, vừa thơm vừa bùi vừa béo ngậy. Trên đường về mẹ tôi gánh bao nhiêu "thứ bà rằn" mà tôi không thể nhớ. Chợ chỉ có vậy thôi mà cho tới tận bây giờ trong tôi như còn vọng mãi dư âm. Tôi vẫn cứ mường tượng ra nó như là lễ hội vô cùng hoành tráng. Lớn lên rồi tôi mới biết, chợ Mới chỉ là một chợ bình thường như bao ngôi chợ quê khắp làng trên xả dưới. Chợ lớn nhất quê tôi là chợ Ba Đồn, ở ngay huyện lỵ (Quảng Trạch). Hồi tôi đang học cấp ba ở Hà Nội, một thầy dạy Địa lý đồng thời là người biên soạn cuốn sách giáo khoa Địa lý mà thầy đang dạy có kể cho chúng tôi nghe rằng trước năm 1945 có hai cái chợ phiên thuộc loại lớn nhất Đông Dương là chợ Ba Đồn ở Quảng Bình và chợ Huyện ở Quảng Trị. Chợ Ba Đồn mỗi phiên bình thường có khoảng năm vạn người, phiên chợ tết có thể lên tới chục vạn. Tôi không biết những con số thầy đưa ra có thật chính xác hay không nhưng tôi biết rất rõ chợ Ba Đồn có một quy mô rất lớn. Hồi hòa bình mới lập lại (1954) tôi đã có dịp đôi lần đi chợ Ba Đồn. Từ đầu chợ, khu vực bán trâu bán bò, cho tới cuối chợ, khu vực hàng tôm hàng cá, dài hàng cây số là bát ngát hàng nông, lâm, thổ, hải sản. Người ta kể là ở đây có thể mua đủ thứ thượng vàng hạ cám, không thiếu cái gì. Bây giờ chợ Ba Đồn vẫn là một chợ lớn nhưng quy mô đã giảm rất nhiều. Phiên chợ tết vẫn còn đông hàng vạn. Chợ Ba Đồn còn nổi tiếng về một thổ sản là nón "bài thơ". Nhiều người biết đến chiếc nón bài thơ xứ Huế, nhưng thực sự nón bài thơ Ba Đồn mới thật thanh, thật đẹp, thường được các bà các chị trong nam ngoài bắc rất yêu thích. Trước kia mỗi lần tôi về quê thường mua hàng chồng nón đem ra Hà Nội làm quà, nhiều khi vẫn thiếu. Phiên chợ tết người ta rất hay đi sắm nón. Chiếc nón bài thơ làm tôn lên vẽ đẹp của người con gái Việt, duyên dáng và e lệ dịu dàng. Rất tiếc các cô gái bây giờ chỉ thích áo phông quần bò nên không còn mấy ai đội nón bài thơ!
Nhu cầu và điều kiện giao thương ngày càng rộng mở nên sự tập trung quá mức có lẽ không còn cần thiết như xưa. Tuy vậy, ngoài nhu cầu mua bán đơn thuần, chợ còn là một môi trường sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà các nhà hàng, siêu thị không thể nào thay thế được. Đặc trưng đó càng được thể hiện ở từng phiên chợ tết. Tôi không có điều kiện đi ra nước ngoài để tìm hiểu phong tục tập quán các dân tộc về chợ nói chung và chợ tết nói riêng ở mỗi vùng, mỗi miền trên trái đất. Nhưng qua thực tế mà bước chân tôi từng trải và qua sách báo mà tôi từng đọc, ấn tượng về những ngôi chợ và về phiên chợ tết cứ đầy ắp trong lòng.
Trở lại với "chợ tết quê", tôi muốn cùng bạn lên miền núi "ngao du" một chuyến. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, tôi từng gắn bó với mảnh đất "có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh" tới ba bốn năm liền. Ngày thường đã thích, những ngày giáp tết mà đi chợ Kỳ Lừa thì thật vui, thật ấn tượng. Chợ ở đây không chỉ là nơi bán mua từ cây kim sợi chỉ tới con ngựa, con bò mà còn là nơi giao lưu, là lễ hội của nam thanh nữ tú khắp vùng. Những buổi chiều trước phiên chợ, trai gái từ nương gần bãn xa lũ lượt về đây, đứng ngồi rãi rác khắp ngọn đồi Kỳ Lừa cho tới tận bờ sông Kỳ Cùng, có khi còn vượt cầu qua các con phố nhỏ bên thị xã Lạng Sơn. Họ đi chợ không chỉ để bán, để mua. Họ đi chợ còn để "hát Lượn" cầu may. Chợ là nơi để họ gặp gở bạn bè, là nơi cho họ cơ may tìm kiếm bạn tình. Những điệu hát Sli lượn được các nhóm bạn trai cất lên mời chào rồi các nhóm bạn gái đối đáp cứ tiếp nối kéo dài từ chập tối cho tới tận đêm khuya. Lời trao lời, mắt tìm mắt, những tâm hồn trong vắt như nước suối mùa xuân đi tìm dòng chảy cho mình. Rồi họ lần lượt tách ra, tách ra từng đôi, từng đôi một để dìu nhau tới một góc đồi tĩnh lặng giãi bày tâm sự. Đêm mùa xuân miền núi lạnh buốt thấu xương nhưng với họ không ngọn gió nào át được ngọn lữa tình rực cháy. Là người miền xuôi nên chúng tôi không thể đồng cảm với họ về từng câu hát lượn, được hát bằng tiếng dân tộc, nhưng nhìn cách họ hát, nhìn cách họ trao duyên ai cũng có thể thấy được một nét đẹp văn hóa mà không dễ gì nơi nào cũng có. Chiều hôm sau, "Chợ tan còn lại mưa xuân/ Hoàng hôn nhuộm tím dấu chân người về". Họ đành chia tay ai về bãn nấy và lại hẹn hò nhau chờ phiên chợ tới. Chàng trai đứng thẩn thờ:
"Mình về con dốc thì dài
Mây chen chân ngựa, gió cài vành khăn
Mình về suối chảy tần ngần
Rừng lao xao giọt nắng xuân rối bời
Đường về xa lắm mình ơi...".
Còn cô gái thì ra về với
"Lời yêu trong mắt long lanh
Mùa xuân căng mọng nửa vành áo thêu".
Tôi cũng đã có dịp lên Sa Pa xem "chợ tình". Trai gái nơi đây đi chợ thường phải vượt một quảng đường đèo dốc, gập ghềnh xa lắc.
"Lần đường từ lúc tinh mơ
Đèn khuya ngọn tỏ ngọn mờ tìm nhau..."
Nét đặc trưng của "chợ tình" Sa Pa theo tôi cũng như chợ Kỳ Lừa. Tuy nhiên môi trường du lịch đã làm biến dạng cái mà người ta gọi là"chợ tình" rất đẹp của đồng bào dân tộc. Ngay như cái tên "chợ tình" mà ai đó đã trót gọi để bây giờ trở nên phổ biến, theo tôi cũng đã làm hỏng mất ý nghĩa văn hóa của cái chợ này. Nó chỉ có ý nghĩa gây kích thích tò mò mà thôi. "Chợ tình" Khâu Vai cũng vậy. Đó là một lễ hội, lễ hội của những mối tình dang dỡ, đâu có ý nghiã gì là "chợ"? Cũng một sinh hoạt tương tự như vậy nhưng ở Bắc Giang ngày hội của các cặp yêu nhau trắc trở tìm gặp lại nhau để giải bày tâm sự lại được gọi là "hội"- Hội Chen.
"Nhớ thì về với Hội Chen
Nhập nhèm cái thuở tắt đèn vào khuya
Chen lần ra cánh đồng Mê
Đôi ta nối lại câu thề hồi xưa...".
Để rồi: "Hội Đình chờ nửa kiếp người
Đêm nay đêm lại nối lời giao duyên".
Đây thực sự là những đêm hội rất hay, rất nhiều ý nghĩa.
Từ miền núi ta lại xuống đồng bằng. Chắc chưa có một ai thống kê được trên khắp đất nước chúng ta có bao nhiêu cái chợ. Hàng nghìn hay hàng vạn? Mỗi cái chợ là một cộng đồng, một nét đặc trưng riêng. Chợ trong phố, chợ trong làng, chợ trên đồng, chợ trên núi, chợ trên sông và chợ trên biển... Có chợ họp quanh năm suốt tháng, có chợ họp phiên định kỳ, lại có chợ chỉ họp phiên đặc biệt. Thôi thì những cái chợ thông thường ta tạm bỏ qua vì ai cũng biết. Ta chỉ nên lướt qua một vài cái chợ có nét gì đặc biệt.
Hồi còn đi sơ tán ở Hà Bắc, tôi trọ trong một xóm nhỏ gần kề bên chợ quê. Đó là một chợ nhỏ, chỉ chiếm một khoảng đất bên đồi chừng vài trăm thước vuông, ngày nào cũng họp từ lúc tinh mơ. Phiên chợ tết năm ấy, tôi ra chợ tìm mua một thứ gì đó để đem về Hà Nội "nghênh xuân". Đi một vòng quanh chợ tôi thấy ngoài vài thứ hàng hóa lèo tèo chỉ có một thứ "đặc sản" nổi bật nhất ở đây là ... rượu. Nào rượu Làng Vân, rượu Thổ Hà và bao nhiêu thứ rượu "gia truyền" khó tìm ra xuất xứ. Nếu là người sành rượu hoặc biết nếm rượu thì chỉ cần đi một đoạn ngắn là đã có thể say "quắc cần câu". Có lẽ vì rượu mà chợ càng ồn ào, phấn khích? Hầu như đàn ông đi chợ đều "mặt đỏ phừng phừng", "chân nam đá chân chiêu", tay cầm vò hoặc cầm be ngất nga ngất ngưởng. Ông chủ nhà tôi ở trọ rất nghèo nhưng cận kề ngày tết cũng thấy bày biện tới dăm vò rượu trên bàn thờ trống tuênh trống toác. Hình như rượu là "tiêu chí" hàng đầu của việc sắm tết nơi đây! Còn những ngày sau tết, thậm chí cả một vài ngày trước tết, thì trong tiếng chạm cốc, chạm bát loảng xoảng triền miên là những chầu tổ tôm, xóc đĩa náo nhiệt đến ... "khuynh gia bại sản"! Lâu rồi tôi chưa có dịp trở lại nơi đây nên không biết những tập tục cỗ lỗ ấy nay đã dẹp bớt chưa. Xem ra không phải chợ tết nào cũng hay, cũng đẹp. Tôi cũng đã có dịp quan sát cảnh chợ tết ở miền Tây Nam Bộ. Chợ Bến Lức, chợ Cái Răng, chợ Rạch Sỏi... Mỗi chợ có một nét riêng với những sản vật trong vùng. Chợ nỗi Phụng Hiệp lại là những dãy thuyền san sát trông như một hải cảng náo nhiệt với bao nhiêu sản vật, hoa trái của miền quê sông nước. ở Hà Nội cũng có chơ đêm, như chợ hoa Yên Phụ, chợ rau quả Long Biên, chợ cá Yên Sở, nhưng chợ đêm miền châu thổ Cửu Long mới thật ấn tượng với những chợ đêm Cần Thơ, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Không biết tôi nhận xét có đúng không, nhưng cảm giác của tôi về các chợ ở miền Nam có cái gì đó như phong phú hơn, sôi nỗi hơn, thực dụng hơn chợ ngoài miền Bắc.
Ta tạm xa những cái chợ mua bán hàng hóa đơn thuần để đến với một cái chợ mang nét đặc trưng văn hóa tết. Cũng như chợ hoa xuân trên đường Nguyễn Huệ ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Hà Nội cũng có chợ hoa xuân từ lâu đời trên phố Hàng Lược. Chợ hoa Hàng Lược thường được mở từ ngày 23 tháng chạp – ngày ông Công ông Táo lên trời và kết thúc vào đêm 30 tết, ngay trước lúc giao thừa.
"Mọi loài hoa trên đời
Cùng về đây họp mặt
Đào thắm, đào phai, lay ơn, thược dược
Hớn hở cành mai
Trầm tư khóm trúc
Rực rỡ chào xuân bông cúc, bông hồng..."
Bây giờ Hà Nội mở rất nhiều chợ hoa xuân, nhưng với tôi, chợ hoa Hàng Lược vẫn là nơi hấp dẫn nhất:
"Mỗi xuân đến hoa lại về Hàng Lược
Tôi lại đi như đứa trẻ lên mười
Lòng thư thái giữa ồn ào náo nức
Biển hương màu choáng ngợp cả hồn tôi!..."
Thường thì trong mấy ngày họp chợ hoa tôi không chỉ đi dạo một lần. Hễ rỗi rãi là tôi lại đi dạo một vòng quanh chợ hoa xuân, có khi đi suốt buổi mà không chủ ý mua một thứ gì. Hoa gì cũng đẹp, cây cảnh gì cũng mê. Tôi gần như hoa mắt ù tai trước một đại dương màu sắc và hương thơm. Tôi còn lượn xe lên tận Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân để ngắm những cành đào, chậu quất hay giò lan, khóm trúc. Những ngày này Hà Nội tràn ngập hoa, gặp nhau chào nhau bằng câu cửa miệng: Đã có đào, có quất chưa? Ngay cả những năm chiến tranh ác liệt, ngày tết trong mỗi nhà vẫn không thể thiếu lọ hoa, chậu cảnh. Bên cạnh thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh bao giờ cũng phải có hoa. Thiếu hoa là không tròn cái tết. Đó không chỉ là nét đẹp của riêng người Hà Nội mà là nét văn hóa đặc trưng chung của cả dân tộc chúng ta. Người Việt Nam biết cầm súng đánh giặc ngoại xâm, nhưng cũng biết và cũng thích cắm hoa trong ngày đại hỷ.
Năm nào cũng vậy, sắm tết như một cuộc chạy đua mà đấu trường là... chợ. Các cuộc chạy đua chỉ được kết thúc vào cuối chiều ba mươi tết. Sang ngày mồng một và nhiều ngày tiếp theo các ngôi chợ trở nên trống hoác, vắng tanh. Nhưng không phải nơi nào cũng thế. Có những chợ lại chỉ họp duy nhất vào những ngày này, vẫn là chợ xuân, chợ tết. Đó là chợ Gia Lạc, một cái chợ không phải là chợ thông thường. Chợ Gia Lạc nghĩa là chợ "thêm vui", nằm trên một khoảnh đất mà ngày thường chưa khi nào là chợ, gần bờ nam sông Hương, thành phố Huế. Chợ chỉ họp duy nhất vào ba ngày tết. Chợ rất đông vui tấp nập, có bán đủ mọi hàng hóa thông thường. Nhưng người ta đi chợ Gia Lạc không phải vì mục đích bán mua, mà như là đi hội. Đó là một tập tục, một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng đã trở nên truyền thống. Lại có chợ Viềng ở Nam Định, mỗi năm chỉ họp duy nhất một ngày vào mồng tám tết. "Chợ Viềng mỗi năm một phiên/ Chen nhau mua bán cái riêng nhỡ nhàng". Nơi đây người ta mua bán đủ thứ, từ đồ gia dụng tới hoa quả, thực phẩm, cả đồ mới tinh lẩn đồ đồng nát, nhưng đặc biệt nhất là các loại đồ cổ. Những năm trước, giới buôn đồ cổ Hà thành hầu như không bao giờ vắng mặt ở phiên chợ này. Bây giờ thì mặt hàng này đã cạn, nhiều khi không may còn vớ nhầm đồ giả. Người ta đi chợ Viềng là đi hội: "Hội làng mở giữa ngày phiên chợ/ Bán mua ao ước được điều may...". Cả người bán lẫn kẻ mua đều không quan tâm đến chuyện đắt rẻ, mua bán chỉ để cầu may. Nhiều người đi chợ Viềng còn để kết hợp về lễ đền thờ bà Chúa Liễu Hạnh, một trong "tứ bất tử" mà dân ta tôn thờ. Có lẽ chợ Viềng là phiên chợ xuân - tết cuối cùng trên cả nước vì kể từ sau ngày này mọi chợ đều trở lại là chợ bình thường.
Chợ tết mỗi năm lại họp, người người lại náo nức chờ mong và tất bật. Là một người làm thơ, đôi lúc tôi cũng ao ước giá như mình là anh "thầy khóa" thuở xa xưa, trải manh chiếu ngồi bên cổng chợ:
"Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân"
để rồi được:
"Cụ đồ Nho dừng lại vuốt râu cằm
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ...".
Nhưng thôi,
"Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?"!
Hoa đào, hoa mai đã náo nức chờ xuân! Ngoài đường dòng người đang tấp nập rộn ràng... Xin cho tôi tạm gác lại những dòng văn cuộn chảy
để còn đi chợ tết cầu may. Bà xã tôi đang gọi giục eo xèo!.-./.
1/2007
*Thơ trích trong bài là của các tác giả:
Đoàn Văn Cừ, Vũ Đình Liên, Hoàng Gia Cương,
Dương Thúy Mỹ, Văn Đức Thu, Thân Đức Thi,
Chí Ngọt, Nguyễn Thọ, Nguyễn Thế Vinh.