M
ẩu tin nhắn của anh bạn vong niên đã kích thích cái tính giang hồ, lãng tử của tôi “Về quê tao đi. Chỉ có V.A thôi, không có C.,
nhưng nhà tao tuyệt lắm, phong lan đang ra hoa, ao đầy cá, hai thằng uống rượu trong vườn... Về cái làng quê heo hút đồng
chiêm thời a còng (@) này, cũng có khối cái cho mày viết đấy...”. Lời mời mọc của anh Tín thật hấp dẫn, tôi không cưỡng được.
Vậy là tôi “lên lịch” một chuyến dã ngoại...
Đoạn đường chỉ dài chừng 50 km mà tôi đi mất gần 2 giờ xe máy. Vừa đi vừa ngắm... cảnh, vừa đi vừa hỏi thăm đường.
Khởi hành lúc 6 giờ sáng, 8 giờ kém 15 tôi đã đặt chân tới địa phận làng Vạn.
Anh Tín ra tận cổng làng đón tôi. Nhìn thấy tôi từ xa, anh đã cười rạng rỡ. Đường làng nào bây giờ hình như cũng được “bê tông hóa” cả.
Tôi thích đường lát gạch, nó hợp với cái cảnh quê hơn. Nhưng mà đường gạch mòn, cổ quá rồi. Sẵn xi măng, cát sỏi, đổ thành đường bê
tông tiện lợi, bền hơn chăng? Rồi những ngôi nhà gỗ, lợp ngói cổ truyền hình như cũng đang xuống cấp, lạc hậu, mai một dần.
Ở nông thôn bây giờ, nhà tầng xi măng, mái bằng, mái nhọn, đang là “mốt” thời thượng. Anh Tín cười, chỉ tay vào khu nhà bên đường:
“Sân kho hợp tác đấy. Bây giờ chia đất làm nhà cả rồi, cái sân kho làng mình rộng lắm, hồi còn thanh niên, bọn mình dùng làm sân
đá bóng, vui ra phết. Giá để lại cái sân kho làm kỷ niệm cho cái thời “Dân có ruộng dập dìu hợp tác.
Lúa mượt đồng ấm áp làng quê...” như nhà thơ Tố Hữu đã tả, thì hay biết bao nhiêu. Nhưng bây giờ đất ít,
người đông, chỗ nào tận dụng để xây nhà, mở quán được là họ tận dụng triệt để! Cái sân kho được cắt khoanh chia
cho 6 hộ làm nhà ở, tiền bỏ vào ngân sách xã, vào túi cán bộ xã. Mà chẳng những sân kho, ao làng còn bị lấp dần hết nữa
là...”, vừa đi đường, anh Tín vừa vui chuyện. Là ông giáo trường làng, cộng tác viên của báo tỉnh, lại võ vẽ biết làm thơ,
anh tỏ ra thông thuộc làng quê mình đến từng khóm cây, bụi cỏ... Chúng tôi cùng xuống xe, dắt bộ về phía nhà anh ở cuối làng.
Đi dưới những tán cây xanh rợp mát, không khí trong lành, cảm giác thật dễ chịu. Từ trong ngõ khuất bỗng nhô ra một cái xe đạp.
Người đàn ông trạc 70 tuổi mái tóc bạc trắng, đội mũ cối, áo bộ đội bạc mầu, nét mặt trang nghiêm, lặng lẽ đạp xe.
Đến chỗ chúng tôi, ông dừng xe chào. Anh Tín chào lại, rồi cứ nhìn chăm chắm vào ghi đông xe của người đàn ông.
Ở đó treo toòng teng 3 chai lavie, nhưng đựng thứ nước đen như nước mắm. Như chợt nhớ ra, anh Tín giới thiệu tôi
là khách ở trên tỉnh về chơi và nhìn sang tôi giới thiệu người đàn ông đi xe đạp: “Đây là bác Võ, đại tá quân đội,
đã nghỉ hưu”. Ông đại tá nở nụ cười thật hiền, giơ bàn tay to bè bắt tay tôi, rồi quay sang nói với anh Tín:
- Tôi lại lên huyện đây!
- Biết có nước non gì không? - Anh Tín băn khoăn hỏi.
- Lần này tôi mang hẳn 3 chai lên cho các vị “mục sở thị”, để các phòng, ban tiện nghiên cứu! Chứ mời được các ông ấy về xã
thì đường sá xa xôi, các vị cán bộ lại bận nhiều việc, chắc gì đã về được!
Nói rồi, ông đại tá chào chúng tôi rồi tất tưởi nhảy lên xe, đạp đi. Anh Tín nhìn theo ông, lắc đầu, buông câu vu vơ:
- Giá ông ấy mang lên huyện vài chai bia, có khi còn được việc, chứ mang mấy chai nước bẩn ấy thì...
- Sao lại mang nước bẩn lên huyện? Tôi ngạc nhiên hỏi anh Tín.
Anh Tín giải thích:
- Chả là thế này: Làng mình có con sông Đào chảy qua. Những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước, nước sông trong vắt, bọn mình
còn ra tắm được. Ấy vậy mà chừng mươi năm gần đây dòng sông nhỏ thơ mộng đã trở thành nơi chứa nước thải, chất thải -
mà người ta gọi là chất thải lỏng, chất thải rắn của mấy xưởng máy, mấy làng chế biến nông sản, bệnh xá xã... nước của
nó ngả mầu đen xì, hôi thối như nước cống, không chảy nổi, ô uế cả một vùng. Nó đã trở thành dòng sông chết rồi.
Môi trường ô nhiễm, ai cũng xót xa, lo lắng cho sức khỏe của mình, của thế hệ con cháu mình, nhưng chẳng mấy ai
chịu lên tiếng. Chẳng thấy cơ quan chức năng nào xắn tay áo vào cuộc, để cứu lấy dòng sông, bảo vệ môi trường sống.
Ông đại tá về hưu không chịu nổi cảnh buông trôi ấy. Một mình ông ấy chạy ngược, chạy xuôi, chạy thầy, chạy thuốc để
dòng sông được hồi sinh. Thật đáng khâm phục!
Thì ra thế. Một vùng quê yên ả, thanh bình như thế này mà nguồn nuớc lại bị ô nhiễm thì quả là đáng tiếc thật.
Anh chị Tín thết tôi một bữa cơm quê “cây nhà lá vườn” mà ngon tuyệt. Rau lang luộc chấm nước mắm tỏi. Bát cà pháo trắng phau. Đĩa cá rô
rán giòn. Chén rượu thuốc đưa cay. Bê mâm lên, chị Tín ý tứ rút lui để tôi và anh Tín tự do, ngất ngưởng “chén anh, chén chú”.
Mặt trời đã đứng bóng. Buổi trưa nắng gắt, nhưng vườn cây xanh nhà anh Tín tựa như cái điều hòa nhiệt độ khổng lồ. Tợp một hớp rượu,
nhìn những giỏ phong lan đang ra hoa đung đưa tưng bừng trong gió thật thích mắt, tôi chợt nhớ đến một đúc kết chí lý của Tản Đà
tiên sinh về cái thú uống rượu: Đó là phải hội tụ đủ 3 tiêu chuẩn; “người ngon”, “rượu và thức nhắm ngon”, “chỗ ngồi ngon”.
Anh Tín không uống được rượu. Đến chén thứ hai thì mặt đã ửng đỏ, cặp mắt đã hơi lờ đờ, nhưng anh lại tỏ ra hoạt bát, hăng hái hẳn lên,
nhờ có chất men đưa đà. Anh vỗ vào đùi tôi thân tình:
- Rượu xong, làm giấc ngủ trưa cho sướng, chiều tớ dẫn ra thăm đình làng. Ngôi đình mới được sửa chữa, nhưng vẫn giữ nguyên dáng cổ, quý lắm!
Định chợp mắt một chút, đến hai giờ chiều thì dậy, mà gió vườn mát quá, tôi ngủ say, chẳng còn biết trời đất nào nữa. Khi tôi choàng tỉnh,
nhìn đồng hồ thì đã gần bốn giờ chiều rồi. Trời vẫn còn nắng, nhưng đã dịu hơn. Anh Tín đang ngồi hút thuốc lào sòng sọc, nhả khói khoan khoái.
Thấy tôi dậy, anh cười:
- Thế nào, làm giấc ngủ trưa ở quê có đã không? Rửa mặt mũi cho tỉnh táo, rồi ta ra thăm đình làng một chút.
Ngôi đình làng anh cũng hao hao giống với những ngôi đình ở các làng quê Bắc bộ khác, mà tôi đã từng được biết. Anh Tín thì tỏ ra tâm đắc
với ngôi đình làng mình lắm. Anh cẩn thận giới thiệu với tôi nội dung từng tấm hoành phi, câu đối, từng bức chạm khắc gỗ trên mái đình...
Là người mù mịt về nghệ thuật, nhưng tôi cũng cứ phải luôn gật gù tán thưởng, để giữ phép lịch sự. Trong lúc hai anh em đang mải ngắm nghía,
chỉ trỏ, thì chợt có bóng người sầm sập đi tới. Anh Tín quay ra:
- Ô kìa, ông Trưởng công an xã, ông cũng ra thăm đình làng?
Ông Trưởng công an xã trạc ngoại 40, dáng người chắc nịch, mồm rộng, mắt hơi sếch, lông mày rậm, nét mặt hiền, nhưng hơi tỏ ra căng thẳng.
Chẳng ngại tôi là khách lạ, ông thì thầm với anh Tín:
- Có kẻ nào đã đục xóa tấm bia công đức, ông Tín ạ!
Anh Tín ngạc nhiên hỏi:
- Đục xóa bia công đức, thế là thế nào?
Chẳng nói chẳng rằng, ông Trưởng công an xã kéo anh Tín và tôi ra phía cổng đình, rồi chỉ tay vào phiến đá xanh to dựng ở phía ngoài
Tam quan. Đó là tấm bia đá mới được dựng lên sau khi tu sửa đình, ghi danh những người có lòng hảo tâm ủng hộ tiền của để xây dựng
đình làng. Tôi đếm tất cả được 110 vị. “Đây là danh sách những người cung tiến từ 3 triệu trở lên, còn dưới 3 triệu thì thôi,
ghi sao xuể”. - Anh Tín giải thích. Tấm bia được đục bằng chữ Quốc ngữ, nét đục rất bay bướm, ngoài họ tên, nghề nghiệp còn
có cả số tiền ủng hộ. Tấm bia hoàn hảo như vậy, nhưng tên người ở dòng thứ nhất đã bị ai đó đục khoét bỏ, chỉ còn lờ mờ số
tiền ủng hộ 200 triệu đồng. Chà, số tiền ủng hộ thật cao, gấp đôi người ở vị trí số 2, một bà buôn bán ở tận
chợ Bến Thành, ủng hộ 100 triệu...
- Kẻ nào mà to gan thế nhỉ, nhưng sao chỉ đục bỏ tên có một người?
Anh Tín thốt lên, nhìn trân trân vào ông Trưởng công an xã, đợi câu trả lời. Ông Trưởng công an nhíu mày:
- Tôi vừa được mấy đứa trẻ thông báo. Chắc là họ đục vào buổi tối hôm qua. Sáng qua, tôi đi họp về qua đây, đã thấy thế này đâu?
Còn tại sao họ lại chỉ đục bỏ tên một người, chắc ông hiểu chứ, có khi Thần hoàng làng đục cũng nên?
Ông Trưởng công an xã buông ra câu kết luận thật khó hiểu. Giọng ông không có chút nào là đùa cợt. Rồi ông xoay người, đi thẳng.
Anh Tín chợt à lên một tiếng rõ to, rồi cũng kéo tôi về nốt. Thấy tôi ngơ ngác chẳng hiểu “đầu cua, tai nheo” ra làm sao, anh Tín trầm ngâm
giải thích:
- Cậu có biết người nào bị đục mất tên không? Đó chính là ông Tổng giám đốc một công ty xây dựng. Thôi cậu cũng chẳng cần biết tên thật
của ông ta là gì, tên ông ấy đã bị xóa sổ rồi. Là người làng này, ông ấy hơn tớ 3 tuổi, hồi nhỏ đi học nghịch ngợm như quỷ và “dốt như bò tót”,
nên có tên cúng cơm là cu Mít. Vậy mà, không hiểu sao lúc trưởng thành, ra khỏi làng, ông ấy thay hình đổi dạng thành một con người khác hẳn,
bệ vệ, giàu có, sang trọng có thừa. Mỗi khi về làng, ông ấy cưỡi xe Camry đen bóng, chạy rì rì vào tận giữa làng. Ngôi nhà gỗ cổ cũ kỹ tổ
tiên để lại, ông ấy gọi thợ đập bỏ không thương tiếc, rồi xây lên lừng lững ngôi nhà 5 tầng, kiểu dáng tân kỳ. Bàn thờ tổ tiên, ông ấy
đưa lên tận tầng thượng. Người làng trầm trồ, thán phục, cán bộ xã cũng vị nể, bởi ông ấy vung tiền đóng góp cho làng nhiều lắm.
Sự thành đạt của ông ấy được lớp trẻ trong làng ao ước và tôn ông là “đại gia số 1” trong số những người phương trưởng ngoài lũy tre
làng. Lẽ dĩ nhiên, ông ấy được ghi danh đầu tiên trong tấm bia “công đức” của làng. Vậy mà ai học được chữ ngờ.
Khi các báo rầm rầm đăng tin ông ấy bị công an bắt vì tội tham nhũng, âm mưu “rút ruột” hầu hết các công trình do công
ty ông ấy xây dựng lên thì người làng mới ngã ngửa người ra. Một “thần tượng” của làng đã sụp đổ. Ngôi biệt thự 5
tầng lừng lững giữa làng cũng bị niêm phong rồi. Nay cái tên trên bia đá cũng bị ai đó đục bỏ. Thật ra cũng chẳng trách người
đục, hay thánh đục. Nhắc đến tên ông ấy bây giờ là điều sỉ nhục cho cả làng. Buồn thay cho sự vinh thân phì gia không bằng mồ
hôi nước mắt. Đúng là “của trời, trời lại lấy đi”.
Anh Tín thở dài. Bất giác, tôi và anh cùng ngước nhìn lên bầu trời quê xanh cao đang chìm dần vào hoàng hôn. Ở phía tây, từng đám mây
ửng hồng pha màu da cam, óng ánh như dát bạc đang vần vũ, thay hình đổi dạng. Trời chiều thật đẹp./.