M
ột chiều thứ bảy, mùa xuân, Thùy dẫn tôi đi xem lễ
nhà thờ. Tuy tôi là kẻ ngoại đạo nhưng vì yêu Thùy nên
yêu luôn niềm tin tôn giáo của nàng. Tôi thấy đi nghe những
cuộc thuyết giảng, thường trộn lẫn chuyện đời với
những điều huyền hoặc là vô cùng thi vị. Hôm đó vị
linh mục già, một tiến sĩ thần học giảng về kinh nghiệm
cho trai gái không bị cám dỗ làm chuyện bậy bạ, để
có một mối tình lí tưởng một tâm hồn thanh khiết, một
thân thể không ố vết, hiện diện trước bàn thờ Chúa
trong ngày cưới. Trong bài giảng có một chi tiết khá thú
vị tôi nhớ mãi đến hôm nay. Vị linh mục nói: “
…Mỗi khi trai gái ở riêng với nhau nơi chỗ vắng vẻ,
họ tưởng chỉ có hai người, sự thật luôn luôn có kẻ
thứ ba, đó là con quỉ Sa tăng, nó xuất hiện đúng lúc
để cám dỗ nam nữ làm bậy !…” Tôi chẳng hiểu vị
linh mục lấy tư liệu nầy ở đâu, có thấy con quỉ Sa
Tăng chưa, mà nói giống như thật. Mỗi khi đi dạo chơi
với Thùy những nơi vắng vẻ, tôi mong cho con quỉ Sa tăng,
bớt chút thời gian đi cùng chúng tôi, sao không thấy ? Quỷ
bận gì ? Vì thế cuộc tình của tôi và Thùy, vẫn dẫm
chân tại chỗ, không tiến lên được một bước nào. Cho
tới một hôm sự việc xảy ra bất ngờ khiến cho tôi tin,
quả đã có một con quỉ Sa tăng thật.
Tuy sống trong thời đại mới song cuộc tình chúng tôi
lại trôi theo phong cách cổ điển. Trong khi những đôi trai
gái khác lao tới với nhau theo tốc độ tên lửa, thì cả
hai chúng tôi tiến như kiểu rùa bò. Đã thế khi gần chạm
được trái cấm thì dừng lại, không có cách gì vượt
qua cái phòng tuyến của sự băng giá, rụt rè, nhút nhát.
Nhiều năm qua cứ lặp đi lặp lại cái cảnh: Tôi thăm
Thùy, Thùy thăm tôi. Ngồi với nhau, cắn hạt dưa, uống
nước trà, nói đủ thứ chuyện, trừ chuyện tình yêu.
Thời gian cứ trôi, tuổi tác thì cứ đầy lên, sự kiên
nhẫn vơi dần. Hai chúng tôi đều trên ba mươi, xấp xỉ
bốn mươi rồi còn gì? Chúng tôi không còn trẻ để chơi
đùa trêu ghẹo nhau, rồi thì nhân một cái tích tắc nào
đó, ôm chầm lấy nhau lăn trên cỏ và…hôn nhau và…tỏ
tình!
Chúng tôi lại chưa đủ sự già giặn để mở đầu câu
chuyện kiểu cổ điển như tưởng tượng trong hoạt cảnh
sau đây:
- Anh
đã suy nghĩ nhiều rồi…
- Nghĩ
chi rứa anh Hai?
- Nghĩ
về cuộc sống sau nầy...
- Cuộc
sống mô anh Hai?
- Một
tổ ấm…
- Tổ
ấm mô ?
- ……..
Đại để quanh co một lúc như thế, tôi dâng nàng đóa
hoa cùng với lời cầu hôn. Nàng bẻn lẻn vân vê tà áo.
Lí nhí : “ Để em suy nghĩ cho kĩ cái đã. Chuyện nớ hệ
trọng một đời người, con gái mười hai bến nước…biết
nơi mô đục mô trong? Với lại áo mặc sao qua khỏi đầu…Phải
dọ ý ôn mệ…” Tuy dài dòng văn tự như thế nhưng câu
nói ấy, có thể rút gọn lại thành một từ “OK” hay
theo từ ngữ CS mới là “nhất trí!”. Họat cảnh tôi
vừa tưởng tượng trên đây cũng không có cơ hội biến
thành hiện thực. Chúng lôi lở dở, già không ra già. Trẻ
chẳng ra trẻ. Tình yêu hay tình bạn chưa rõ. Theo tôi cả
hai đã dẫm đạp lên vương quốc thần tình ái từ lâu
rồi, song trên danh nghĩa cứ phải gọi là tình bạn, tiến
thoái lưỡng nan, chưa mở được đột phá khẩu.
Cuộc tình gặp trở ngại thế này, sao Sa tăng chưa chịu
ra tay? Đang khi tôi bắt đầu tuyệt vọng thì xảy ra biển
chuyển. Hôm đó cũng một chiều thứ bảy, mùa xuân, đến
lượt Thùy đến thăm tôi. Một buổi chiều nhạt nhòa hư
thực êm đềm giống như buổi chiều trong tiểu thuyết.
Chúng tôi kéo nhau ra ngồi dưới gốc cây khế ngọt. Chỗ
nầy tôi đặt bộ ghế mây. Bộ bàn ghế nầy cũng có cái
tiểu sử của nó. Ngày mới rước nó về tôi đã thuê
thợ may mấy tấm nệm xanh đỏ rất đẹp, và nơi nó ngự
trị là phòng khách, hàng ngày tôi nâng niu chăm sóc nó.
Bốn mặt ghế đã được bao nhiêu bộ mông trứ danh trên
văn đàn cả nước ngự lên, còn mặt bàn đã qua bao nhiêu
lần tiệc tùng chè chén om sòm. Chiếc bàn đã từng ghi
chứng tích cho bao nỗi thăng trầm, thịnh suy của gia đình
tôi. Rồi thời gian trôi đi, lớp sau là thế hệ của nhựa
tổng hợp, màu sắc rực rỡ, kiểu cách mới lạ, bộ ghế
mây bị thất sũng phải ra vườn nằm nơi gốc khế. Lần
nầy chiếc bàn có cơ hội chứng kiến một lần cuối cùng
phép lạ diễn ngay trên mặt bàn và dưới gầm bàn.
Mọi khi tôi tiếp Thùy ở phòng khách, song hôm nay một buổi
chiều êm như nhung, Thùy lại cao hứng đòi ra vườn ngồi.
Nàng mơ màng nhìn lên mấy chùm khế trong xanh như ngọc
thạch. Hình như sự mơn trớn của làn gió chiều, màu xanh
ngan ngát vòm lá, màu tím bời bời hoa khế rơi, tiếng chim
ảo não cuối vườn làm Thùy mềm lòng. Hôm nay đề tài
chính là văn thơ. Thú thực tôi vốn cục mịch, phàm phu
tục tử không sành thi phú văn chương. Tôi chỉ biết ngồi
yên ngắm nàng, và say sưa uống cạn cái giọng Huế lờ
lợ của Thùy. Nàng ngâm nho nhỏ:
…Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền…
Nhân câu
thơ nàng nói về thôn Vỹ, cái nôi, niềm tự hào cũ kĩ
muộn màng về một thời hoàng kim, của dòng họ hoàng tộc,
đang chơi vơi trên con dốc suy tàn. Thùy kể lại thời nàng
còn học nhị niên Đồng Khánh, mùa mưa, nước sông tràn
qua Đập Đá. Học sinh con gái, áo dài thắt lên cao, xắn
quần, tay cầm guốc mộc vượt qua Đập Đá tới trường,
ướt như chuột lột !
Tôi chẳng chú ý tới Đập Đá, học trò Đồng Khánh, tôi
đang uống từng lời chất giọng của Thùy. Tôi liên tưởng
tới những gánh chè, của mấy o ngồi bán ở Thương Bạc.
Mỗi đầu gánh đặt nhiều cái nia chồng lên nhau. Mỗi
nia gồm nhiều chén chè, như hạt sen, đậu xanh, đậu ván,
trôi nước, đặc biệt hơn cả là món bánh tráng mè đen
nướng xúc chè kê. Tôi nhắc tới món ăn nầy vì chè kê
có vị mằn mặn, ngòn ngọt rất giống chất giọng mấy
o gái Huế. Nghe nàng nói giống như đang ăn chè kê Thương
Bạc. Thùy tưởng tôi đang để hết tâm trí vào câu chuyện
văn thơ, thực ra đầu óc tôi, chảy sang hướng khác thiên
về chuyện ăn uống.
Rồi nàng kể về phủ Tuy Lý ở Vỹ Dạ. Phủ Tuy Lý Vương
còn gọi là phủ Ba Cửa. Ngày nay chiếc cổng ba lối đi
đã bị thời gian, mưa nắng, chiến tranh tàn phá, suy tàn
chẳng khác gì Hòang tộc. Trong phủ có ngôi chùa Phước
Huệ, có ông thầy Ba La, có sen Tịnh Đế, có cá hóa long
và nhất là có những giai nhân, vang bóng một thời. Các
“mệ” Như Nguyện, Như Không, Như Thủy, nổi danh tài
sắc một thời, nay đã thành người thiên cổ, chỉ còn
lại trong mấy câu ca dao :
Bao giờ Như Nguyện có chồng
Như Thủy uống nước
Như Không ăn trầu.
Trong phủ thờ có chiếc tủ đồ sộ, đựng hàng trăm bản
khắc gỗ văn thơ ngài Tuy Lý. Ngòai vườn, nào đâu hoa
đào năm cũ, chỉ thấy cỏ áy bóng tà với khoai sắn tăng
gia sản xuất cứu đói…
Tôi đang hồi tưởng lại một buổi chiều êm ả dưới
bóng tháp chuông giáo đường. Tôi, một kẻ ngoại đạo
vòng tay cung kính lắng nghe vị linh mục uyên bác giảng
giải về cái chết, một đề tài vừa mang tính tôn giáo,
triết học và sinh học rất lí thú. Theo đó, chết không
phải là hết. Cái chết không bất hạnh, chẳng bi thảm.
Chết chỉ là một sự “chuyển pha”, một sự biến thái,
là lúc mà con bướm xinh đẹp thoát ra khỏi cái kén để
bay lên với hương đồng cỏ nội thanh cao. Chết tức là
vức bỏ cái kén, cái xác phàm xấu xí, không dùng được
nữa. Cái chính là chẳng nên coi trọng thân xác…Nhưng
sao “cái kén” có tên Tôn Nữ Diệm Thùy đang hiện diện
trước mắt tôi đây óng ả một màu vàng lụa tơ tằm,
đáng yêu biết bao! Bỏ cái thân xác nầy thì uỗng một
vưu vật của trần thế
Thùy thấy tôi mở to đôi mắt nhìn nàng. Thùy kể tiếp
về thời kì thơ ấu ở đường Nguyễn Hòang gần chợ
Bến Ngự. Buổi sáng có mụ bán cơm hến, gánh đôi vò
nước đục như vôi và khói mù mù trong cái giá rét rất
Huế. Nước hến chan với cơm nguội, với rất nhiều rau
xanh trộn rau thân cây chuối hột còn non xắt mỏng, ướp
chua, một món điểm tâm rẻ tiền ngon tuyệt! Những trưa
hè cùng với mấy đứa em, đem cái mùng tuyn đi bắt cá
dưới cầu Bến Ngự mà nàng thường gọi đùa là “Bến
Ngủ”. Dọc hai bên bờ sông là dinh cơ của những lão
quan về ẩn cư.
Tôi miên man nghĩ về cuộc tình nầy, chỉ tiến được
một đoạn rồi dừng lại. Chẳng lẽ ngày sau tôi có vợ,
nàng có chồng, đầy đàn con cháu, hai người vẫn cứ mãi
là bạn và mỗi chiều thứ bảy lại gặp nhau nói đủ
thứ chuyện trên đời nầy? Ai chấp nhận điều kì quái
đó? Hình như cả hai đã sẳn sàng song chưa có ai chịu
đi bước đầu. Tôi cũng đã tính tới nhiều cách tỏ tình,
song xét thấy cách nào cũng không ổn. Tỏ tình theo kiểu
ôm đại hôn bừa như xi-nê, e cô gái Huế ẻo lả nầy
không kham nổi. Tôi định nhờ người thứ ba đánh tiếng
song thấy vô lí quá. Ai lại một kẻ nam nhi chí khí hơn
ba mươi tuổi rồi lại chẳng dám nói có ba chữ “Anh yêu
em” ? Người như thế sao đáng gọi là đấng trượng phu,
làm cây bách cây tùng cho dây cát đằng nó leo? Lân, bạn
rất thân của tôi góp ý : “Viết thư tỏ tình đi!” Tôi
đáp:“Cảm ơn mầy góp ý hay. Nhưng tao xin bái ! Tao đã
từng có kinh nghiệm chết người cũng vì cái vụ viết
thư tỏ tình. Lúc mới học lớp nhất, đã có lần tao cóp
trong tiểu thuyết, viết cho con Lan một bức thư, lén bỏ
vào cặp nó. Tao chưa kịp hy vọng hay thất vọng thì đã
thấy ba bàn con gái phía trên cùng bắt đầu náo động.
Chúng nó bỏ cả nghe thầy giảng, chụm đầu thì thầm
to nhỏ, rồi cười rúc rích. Ông giáo Khang, một thầy giáo
nổi tiếng hung dữ, đi đâu cũng kè kè cây thước, loại
đặc biệt dài và to như cây thiếc bảng của Tôn Hành
Giả để trị mấy thằng hoang đàng tinh nghịch, mấy thằng
lười. Thầy thấy bọn con gái cười, biết có chuyện,
thầy tịch thu cái tác phẩm văn chương của tao. Trời ơi,
trước khi nổi cơn thịnh nộ, thầy còn vờn tao như mèo
vờn chuột. Thầy lên giọng, xuống giọng, ngâm nga lá thư
tình tuyệt tác của tao xong rồi bình: “ …học thì dốt,
chữ thì xấu, văn thì dở, lại dám viết thư cho gái !…”
Lần đó ngoài mấy chục roi tao còn bị bốn cái cấm túc.
Suốt một tháng bốn cái chủ nhật phải đến trường
học bài. Thế mà lũ bạn còn nói tao có phúc không thì
bị đuổi lâu rồi!”
Cuộc tình chúng tôi đang đến chỗ nút chận như dòng nước
bị chiếc đập ngăn lại, nó dâng cao mãi mà chưa chịu
vỡ bờ. Tới đây thì chuyện lạ xảy ra.
Đang liếng thoắng bỗng Thùy giật mình như chạm phải
điện. Thùy bối rối chẳng biết đặt cái nhìn vào đâu.
Nàng giả vờ chăm chú nhìn mặt bàn rụng đầy hoa khế
tím. Nàng lặng câm, không thốt thêm lời nào. Tôi thấy
cả người nàng rung nhẹ như cánh bướm. Nàng lẫn tránh
đôi mắt tôi, hai gò má nàng ửng hồng lên. Đọc tiểu
thuyết tôi thấy người ta kể các cô gái e thẹn thì ửng
hồng đôi má, tôi thường không tin tiểu thuyết, song lần
nầy tôi thấy đúng. Tôi không biết điều gì đã xảy
ra với cô gái nầy? Chắc là một cái gì ghê gớm lắm
mới khiến nàng bối rối, lại còn có vẻ hốt hỏang.
Cô ta khó ở hay tôi vô tình làm điều gì xúc phạm nàng?
Ngay trong lúc tôi còn hoang mang thì trời ơi! Đến lượt
tôi giật thót mình ! Điều tôi chờ đợi và không ngờ
lại xảy ra. Ghê gớm và bạo dạn thật ! Dưới gầm chiếc
bàn mây cũ kĩ, bàn chân mềm và ấm áp của Thùy lướt
qua chân tôi. Tôi sung sướng cứng cả người, và tôi cũng
bối rối giống hệt như Thùy một phút trước đây.
Lại một lần nữa tôi thấy Thùy giật nẩy mình, nhưng
lần nầy nàng không còn kinh ngạc cuống quít nữa. Thùy
nhìn tôi, nhìn đăm đăm, cái nhìn giống như một nghi vấn,
lại giống như hồi còi thúc quân xung trận, hãy hành động
nữa đi! Và rồi bàn chân êm dịu của nàng một lần nữa
lại lướt qua chân tôi, rõ ràng là da thịt người, âm
ấm, và mềm mại, chẳng phải dép hay guốc đụng chạn
vô tình. Lúc trước tôi rất thích truyện ngắn “ Mối
tình chân” Của Nhất Linh, nhưng đó là tình “chân”,
Tôi tưởng truyện chỉ có trong tưởng tượng, ai dè ngoài
đời vẫn có thật. Song phải nói “Mối tình chân” chỉ
được cái hài, song thật quá, thô sơ quá không thể sánh
với “Tỏ tình mùa xuân” viết sau mấy mươi năm nầy.
Thời cơ đã điểm, cái nhìn của nàng như khuyến khích
tôi mạnh dạn lên. Và tôi mạnh dạn thật, tôi đặt tay
lên tay nàng, Thùy kháng cự lấy lệ rồi để yên, sau đó
chính nàng nắm tay tôi nắn bóp nhè nhẹ với tất cả sự
trìu mến. Ôi sự việc dễ như thế nầy sao mấy năm qua
tôi chẳng làm? Rồi thì một cái hôn. Phóng đại và tiểu
thuyết hóa một chút có thể nói ấy là một chiếc hôn
huyền nhiệm. Thực tế không phải như thế. Nếu chúng
tôi đóng phim thế nào đạo diễn cũng cúp ngay tức thì,
bắt làm lại vì đó là cái hôn quá tệ hại, diễn xuất
đầu tiên của cặp diễn viên hạng bét và chưa được
tập dượt lần nào. Đến nỗi chính tôi không còn nhớ
đã chạm vào đâu? Môi, má, mũi, hay cằm của người mình
hôn? Về kĩ thuật kém cỏi là thế song chiếc hôn nầy
lại mang ý nghĩa vô cùng trọng đại. Nó là nhát búa đầu
tiên và cuối cùng đập tan lớp băng giá bao bọc cuộc
tình nhiều năm. Cái mặt bàn già nua một lần nữa được
dịp chứng kiến bước ngoặt trong đời người chủ của
nó.
Hình như trong hạnh phúc con người thích cô đơn. Đã rõ
lòng nhau, nên Thùy về tôi không giữ lại. Chén hạnh phúc
chúng tôi đã nốc no nê rồi. Tôi ngồi yên, đắm mình
trong niềm hoan lạc, hạnh phúc lấp lánh xanh đỏ, tuyệt
vời.
Tôi thả hồn lang thang vào mộng. Lúc đó trông tôi giống
như con bò u của lão Hịch, buổi trưa nằm trong bóng mát
nhai lại mớ cỏ nuốt vội hồi sáng. Tôi cũng đang nhai
lại, gặm nhấm cảm giác bàn chân Thùy lướt qua chân tôi.
Ôi cảm giá da thịt người trinh nữ êm đềm thánh thần.
Bỗng, lại một cảm giác khác lướt qua chân tôi. Cũng
vẫn cảm giác ấy, nó mềm, ấm và ẩm ướt. Thùy đi rồi
kia mà, vậy chân ai đây? Hay cái ấy chỉ là ảo giác? Hay
là cảm giác lúc trước quá mạnh mẽ đã hồi sinh một
lần nữa? Hay ma quỉ trêu ghẹo chăng? Người ta đồn có
cô gái thất tình treo cổ trên cành khế, hôm nay cô hiện
về trêu ghẹo kẻ đa tình.
Thêm một lần động chạm nữa! Lần nầy quả thực rồi
chứ không phải ảo giác hay ma quỉ gì cả. Tôi cúi nhìn
dưới gầm bàn. Trời ơi ! Con chó vện, một con chó ta trăm
phần trăm lại có cái tên rất kêu và rất Tây là con Rắc-ki.
Nó nằm ngủ gà ngủ gật, thỉnh thoảng thức dậy thè
cái lưỡi dài ra liếm chân chủ bên cạnh một cái để
tỏ lòng thân ái.
Con Răc-ki khi còn ở quê ngoài việc giữ nhà đảm nhiệm
công tác vệ sinh, dọn dẹp môi trường do tụi bé con làm
bậy ra. Gốc của nó hoàn toàn dân dã, cha vàng, mẹ mực,
sinh ra nó tòan vện. Cậu tôi ngày trước đi lính Pháp,
rất sính Tây, đặt cái tên Tây cho oai. Khi về với tôi
sống ở phố nó chẳng còn công việc gi làm nữa. Nhưng
vì tuổi già, đêm thao thức, ngày thường ngủ gật, mỗi
lần sực tỉnh thè cái lưỡi dài màu hồng có cái bớt
đen quí tướng liếm chân để tỏ sự hiện hữu và trung
thành của nó. Tôi chắc cái cô tôn nữ đài trang xứ Huế
nầy sướng đến tê người mỗi khi cái lưỡi dài rất
dài màu hồng ẩm ướt nầy chạm vào da thịt !
Tôi nghĩ Sa Tăng đôi khi cũng có ích. Chúng tôi không rơi
vào hư đốn mà lại rơi đúng cái tổ hạnh phúc êm như
bông.-./.