Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

CON ĐIẾM



Đ ã hơn 8 giờ tối mà tôi vẫn chưa chạy được cuốc xe nào. Không khéo thì đêm nay bị “bloc” rồi. Tôi nhìn điếu thuốc cháy hững hờ trên hai ngón tay của anh Tùng, người đồng nghiệp chạy xe ôm, rồi đưa mắt sang bầu trời lác đác sao. Cũng là ánh sáng, sao ánh sáng từ điếu thuốc lập lòe trông man mác buồn, còn những ánh sao kia tràn đầy hy vọng. Nhiều lúc nhìn những ánh sao này, nhất là những ánh sao treo trên chiếc cầu vượt trước chợ Văn Thánh, bấc giác tôi thốt lên: “Một bức tranh đầy chất thơ!” rồi loay hoay tìm bút và giấy vẽ trong chiếc túi bạc màu đã theo tôi từ lúc tôi bắt đầu học vẽ. Mỗi lần thấy tôi loay hoay với đồ vẽ, anh Tùng liền trêu: “Vẽ là mất tài ráng chịu nghen, chú mày! Đã không chịu chở gái, chạy xe ôm khan, mà còn mê vẽ nữa, sao kiếm đủ sở hụi.”

“Vẽ xong một bức tranh là em thấy no rồi, đâu cần ăn nữa, mà phải kiếm tiền. Hì hì.”

“Anh pó tay chú mày luôn. Nhưng khi nào hẻo quá, thì anh nhường cho mày mối chở gái một đêm.”

Tôi chỉ cười. Chợt tôi đưa mắt nhìn những cô gái giấu mặt sau lớp phấn dày, trên những chiếc xe ôm, lượn lờ từ chân cầu Sài Gòn đến đầu cầu Văn Thánh. Lớp phấn dày như phản bội lại cái thân phận mà các cô gái đang cố giấu đi. Lớp phấn ấy như nhấn thêm vẻ bất cần đời trong từng thân phận mà cuộc đời này có cần đến đâu, ngoài những gã đàn ông cần đến trong phút chốc. Lớp phấn không che nỗi nét ngây thơ và cũng không che khuất được bóng chiều. Tôi đưa mắt lên bầu trời, tự hỏi biết vì sao nào mang thân phận của cô gái nào? Ánh mắt tôi chợt dừng giữa thân cầu vượt, nơi đang vướng một dáng hình bé nhỏ, tĩnh lặng giữa dòng người đang trôi đi. Song dáng hình nhỏ bé của em chưa kịp bước vào bức tranh của tôi thì thân cầu vượt chỉ còn lại một mình trơ trọi.

Cây bút vẽ chợt hẫng người trên trang giấy khi một câu hỏi ngập ngừng đến bên tôi.

“Anh có thể chở em không?”

“Đi đâu?”

“Đi lòng vòng như các chiếc xe kia?”

Ngón tay em hướng về những cánh áo đủ màu sau những vòng bay đã khoác vào một lớp bụi đường.

“Nhưng đi lòng vòng đến đâu?”

“Đến một người khách để dừng chân. Em đang cần tiền. Cần rất nhiều tiền”

Tôi không dám nhìn vào đôi mắt đầy cương quyết của em. Tôi đã thoáng mất em trong bức vẽ, và tôi không muốn em bước ra khỏi bức tranh tôi một lần nũa. Chỉ có làm tài xế cho em, thì tôi mới có thể đưa em trở lại bức tranh còn dỡ.

“Nhưng nghề này đầy nước mắt.”

“Anh sẽ không bao giờ thấy một giọt nước mắt trên khuôn mặt em. Giúp em chứ?”

Em đang kìm dòng nước mắt vào trong với đôi môi mím chặt. Tôi đã nhờ anh Tùng nói với đại ca khu Tân Cảng cho tôi lên tài đưa em tìm khách đêm nay. Anh Tùng như muốn giúp tôi hơn nữa:

“Để anh gọi cho mấy chiến hữu giới thiệu khách đàng hoàng cho cô bé.”

Đêm ấy, tiếp đến người khách thứ ba, dáng em như chực rơi đi. Đôi bàn tay em như không còn giữ nỗi chiếc càng yên xe. Cánh tay em thoảng lúc chạm vào người tôi buốt lạnh.

“Lạnh lắm không?”

“Cuộc đời em đã dưới 0O rồi, đâu còn thấy lạnh!”

“Em về chưa?”

“Anh muốn em về với anh không?”

“Em đã mệt rồi, anh đưa em về nhà nhé?”

“Vậy em trả tiền tài cho anh như thế nào? Chia 7/3 hả anh?”

“Chỉ trả anh tiền xe ôm đêm nay thôi?”

“Sao anh lại vì em, vì một con điếm hả anh?”

“Không. Em không là thế. Em là cô người mẫu trong bức tranh của anh.”

“Anh vẽ em sao?”

“Lúc em đứng trên cầu vượt.”

“Vậy em lên đó đứng cho anh vẽ tiếp nhé?”

“Em mệt rồi.”

“Em không mệt đâu. Với lại trên đó mát lắm.”

Em đứng đó, giữa thân cầu vượt, như một thiên thần giữa các vì sao. Chiếc bút vẽ lướt đi trên trang giấy và em dần hiện ra trong bức tranh của tôi. Thoáng chốc, chiếc bút ấy ngừng lại, bởi chủ nhân của nó mãi dán mắt vào bóng hình em như sợ không còn dịp ngắm nhìn em như thế nữa. Em là con điếm chỉ đêm nay, hay sẽ là con điếm qua bao ngày tháng nữa. Ước gì tôi mãi được đóng vai kẻ ma cô đưa em đi ngày nào em hãy còn là cô gái chào mời khách trên đường. Cây bút vẽ ngày càng chậm nét, bởi đêm nay, tôi không hề muốn hoàn tất bức tranh này. Tiếng em chợt trôi đến bên tôi:

“Cây bút vẽ lạnh cóng rồi kìa.”

“Cây bút này cứng đầu quá.” Kẻ tội đồ trong tôi đang cố chống chế.

“Anh nợ em một bức tranh đấy? Tối mai em lại làm mẫu cho anh vẽ nhé?”

“Em sẽ làm tiếp nghề này?”

“Em đã là con điếm rồi. Biết về đâu?”

“Đêm nay em về đâu?”

“Về căn phòng trọ của em và mẹ.”

Tôi đưa em về con hẻm nhỏ vào căn phòng trọ đó. Em chia tay tôi nơi đầu hẻm. Bởi em muốn thế. Dáng em khuất dần trong bóng tối của con hẻm. Một bức tranh mộc mạc của cuộc đời tôi đã không kịp vẽ. Con đường về đến con hẻm này là một phần cuộc đời em em đã kể tôi nghe. Bước chân em đang hối hả trong con hẻm để về bên người mẹ chỉ còn cử động được đôi tay. Ai tin được câu chuyện của một cô gái điếm, nhưng tôi tin, tin vào ánh mắt của người con gái bên thành cầu, mênh mang như dãy ngân hà, tin vào tiếng bước chân của người con mong mau về với mẹ.

Người mẹ mà em từng nũng nịu, từng bỏ mẹ đi mấy ngày liền vì không vòi được một chiếc Attila. Thiếu vắng vòng tay cha từ lúc em 7 tuổi, vòng tay mẹ như chặt hơn đối với em, nhưng qua kẻ hở của vòng tay ấy, em như trượt dài trong đỏng đảnh.

“Mẹ không thương cô bác sĩ tương lai của mẹ rồi. Mẹ đâu biết con phải cúi mặt đi mỗi khi dắt chiếc xe Chaly vào ra cổng trường.”

Ba đêm liền em ở lại bệnh viện không về nhà, không trả lời bất kỳ cuộc điện thoại nào của mẹ cho đến khi một tin nhắn của mẹ hiện ra trên màn hình di động: “Mẹ đang đứng trước cổng bệnh viện cùng với Attila của con. Ra với mẹ đi, con nhé!”

“Mẹ mang về đi, nếu mẹ mua bằng tiền của ông ấy.” Dòng tin nhắn của em gửi lại.

“Của mẹ. Của mẹ dành cho con.”

Em đã chiến tranh lạnh với mẹ mấy tuần khi biết mẹ có một người đàn ông. Không phải em không muốn mẹ phải ở mãi bên em, nhưng em không thích người đàn ông đó. Và em không thích bất cứ thứ gì được mua bằng tiền của ông ta. Em đã đưa mẹ về trên chiếc Attila nhưng chỉ ậm ừ với những câu hỏi yêu thương của mẹ. Thương yêu và hờn giận như đang tuôn tràn từ van động mạch chủ trong em. Em chạy trên đường mà tâm trí miên man. Mẹ và em bật khỏi chiếc Attila. Em không biết em đã đâm vào đâu, chỉ biết rằng khi mở mắt ra thì mẹ đã nằm bất động trên đường.

Mẹ không còn đứng dậy được nữa vì chấn thương cột sống. Người bác sĩ điều trị biết em cũng học nghề y nên chăm sóc mẹ em rất tận tình. Anh giúp em đưa mẹ về nhà, và cứ hai ngày một lần đến tiêm thuốc cho mẹ.

“Mẹ em có thể hồi phục không anh?”

Anh suỵt một tiếng, ra hiệu cho em đi ra phòng ngoài.

“Mình qua phòng em nói chuyện nhé.”

Em theo anh bác sĩ sang phòng em.

“Em cần mạnh mẽ. Mẹ em không thể hồi phục được.”

“Mẹ, mẹ ơi ...” Những tiếng “mẹ” của em bị tắc nghẹn trong hoảng hốt vì anh bác sĩ đã ôm chặt lấy em và lướt đôi môi anh ta khắp khuôn mặt em.

“Buông tôi ra ... Mẹ ơi ...”

“Hình như em kêu còn nhỏ. Mẹ em đã ngủ sâu sau mũi thuốc của tôi, và không biết gì chắc cũng vài giờ.”

Em bị ném lên chiếc giường của em. Em bị lật qua lật lại đủ mọi chiều, và cứ mỗi chiều thay đổi, tên quỷ dữ mở rộng thêm phần da thịt của em, cho đến cú lật sấp cuối cùng hắn đã chiếm đoạt trọn vẹn cơ thể người con gái.

Nước mắt em rơi, rơi mãi khi gối đầu bên mẹ cả chiều hôm đó. Em chỉ còn có mẹ. Em sợ mẹ không chịu nổi câu chuyện của em.

Em tưởng người đàn ông của mẹ sẽ bỏ rơi mẹ khi biết mẹ em đã thành người tàn tật. Nhưng ông ta đã xuất hiện, nhưng là một người khác lạ..

“Cô xem tờ giấy này.”

Đó là tờ giấy nợ mà ông ta đã bắt mẹ em ký mỗi khi nhận tiền của ông ta để lo cho em. Mẹ em vừa là tình nhân, vừa là con nợ của ông ta. Số nợ 400 triệu đồng. Giờ ông ta muốn mẹ con em phải trả.

“Tôi cần tiền gấp. Mẹ con cô lo gấp cho tôi.”

“Nhưng bác thấy mẹ con đang bị bệnh.”

“Nhưng tiền tôi không bị bệnh. Không thì mẹ con cô phải rời khỏi ngôi nhà này.”

“Nhưng mẹ con con sẽ sống ở đâu?” Mắt em ràn rụa.

“Nếu cô có thể làm được những chuyện mẹ cô thường phải làm với tôi, thì cô có thể ở đây, và tôi sẽ trừ nợ dần mỗi khi cô làm cho tôi chuyện ấy.”

Em đã đưa mẹ em đến căn phòng trọ trong con hẻm tăm tối ấy. Tôi đã chờ em cả buổi chiều ngày hôm sau và đã với gọi em khi thấy bóng em xuất hiện từ xa.

“Linh, Linh ơi!”

“Anh chờ em?”

“Anh chỉ biết chờ em.”

Tôi đã làm tài xế xe ôm cho em đã hơn một tháng, nhưng bức tranh vẽ em trên cầu hôm nào vẫn còn dang dỡ. Em đã không cho tôi vẽ tiếp như lời hứa ban đầu.

“Nếu bức tranh hoàn thành, anh sẽ không làm tài xế cho em nữa thì sao?”

Tôi chỉ im lặng, bởi bên em trên những con đường, bức tranh em tôi họa trong lòng như đã xong nét cuối. Em đã bớt nét buồn. Em đã trở lại giảng đường dẫu bóng đêm vẫn hằn những dấu nhuốc nhơ trên người em mỗi tối. Tôi không biết đến bao giờ tôi sẽ đưa em đi quanh phố mà không phải chuyển em sang yên xe người đàn ông khác. Anh Tùng đồng nghiệp xe ôm trêu tôi rằng trái tim tôi đã lấp đầy hình bóng em rồi.

“Anh biết là chú mày muốn ôm tấm thân cô bé.” Anh Tùng lại trêu tôi.

Đúng là tôi bắt đầu ích kỷ. Tôi muốn được sở hữu thân hình mảnh dẻ của em. Tôi đã để dành tiền cho đêm ấy.

“Linh à, có một người khách mối của anh Tùng muốn đi tiếng với em. Anh đưa em qua khách sạn nhé?”

“Anh và anh Tùng tốt với em quá.”

Em vào khách sạn lên số phòng tôi đã đặt. Tôi gửi xe ở một quán nước gần khách sạn, rồi lên một phòng khác và gọi điện thoại cho em: “Khách đổi phòng rồi Linh ơi”. Tôi quấn mình trong chăn, lặng lẽ trong bóng tối của căn phòng. Cánh cửa vừa bật mở, em đã giật mình bởi giọng tôi giả giọng khô khan: “Đừng mở đèn.”

Tôi đã được ôm em trong vòng tay. Môi tôi đã được chạm vào môi em. Ngực tôi đã được chạm vào ngực em. Và tôi đã nhẹ nhàng khám phá từng ngõ ngách trên cơ thể mượt mà của người con gái tôi mơ tưởng.

“Anh không hỏi em tên là gì à? Cũng không muốn cho em biết tên anh?”

Tôi đâu thể mở miệng với em. Chỉ có thể ôm tấm thân em thật chặt, bởi tôi sợ rồi một ngày tôi sẽ mất em. Em dịu dàng, và để tôi gắn chặt vào em thật lâu dẫu chúng tôi đã trèo qua khỏi đỉnh ái ân. Tôi đã đưa em hết số tiền tôi mang theo. Em không đếm, như em không bao giờ đếm, như em đã từng nói với tôi: “Cuộc đời về đêm của em còn gì để đếm, phải không anh?” Đêm ấy, trên đường về con hẻm nhà em, em đã kể với tôi: “Người khách của anh Tùng lạ lắm, thích bóng tối, anh à. Anh ấy nói bóng tối là màu của thánh thiện, là của những gì chân thật nhất. Không biết còn gặp lại anh ấy không?”

Tôi cũng không biết tôi có dám gặp em như thế nữa không. Em sẽ nghĩ gì nếu biết tôi đã xếp đặt để được bên em. Em sẽ căm ghét tôi, và nhét tôi vào giữa đám đàn ông vẫn bỏ tiền ra để ép em một nụ hôn, để gỡ bỏ những thứ trên người em, để bắt em cười, để làm em khóc. Tôi bối rối khi gặp em những ngày sau đó. Có lúc thờ thẫn khi ôm chiếc xe ôm chờ em ngoài khách sạn.

“Anh Nam, anh đang nghĩ gì thế? Em ra nãy giờ, đứng sau anh mà anh không biết. Có hình bóng nào đang lắng đọng trong anh?”

Giọng em man mác buồn. Em đâu biết rằng tôi chỉ nghĩ về em. Dẫu vẫn chở em, nhưng tôi ước gì được chở em đến những rạp chiếu phim hay một bờ kè, mà không phải đưa em vào ra các khách sạn.

Điện thoại tôi nhận một tin nhắn mới của anh Tùng. Một người khách cũ của anh muốn một cô bé lên phòng 202 khách sạn Phòng Thành. Tôi lại phải đưa em đến cho một người đàn ông khác. Tôi quay xe đi tìm mua vài chiếc bánh tiêu mà em thích, thì điện thoại reo dập dồn hiện số của em: “Anh Nam ơi, đến chở em, nhanh lên anh ơi, …” Tiếng em nức nở qua điện thoại. Em rúm người sau lưng tôi, nước mắt em vẫn tuôn trào trên lưng áo tôi.

“Con Linh bị sao vậy? Sao bỏ chạy? Ông khách nói ông sẽ trả gấp đôi tiền đi tiếng. Ổng thích con Linh.” Anh Tùng gọi cho tôi, giọng bực bội qua điện thoại.

“Anh Tùng ơi, đó là kẻ đã từng cưỡng hiếp em Linh.”

“Thằng khốn nạn, tao sẽ đến đó. Đồ trí thức mất dạy.”

“Đừng anh ...” Tôi đưa em vào quán nước chị Năm, rồi quay trở lại khách sạn để ngăn anh Tùng. Trước phòng 202 là một sự hỗn loạn. Anh Tùng lại vuột khỏi tay hai người bảo vệ khách sạn, và kẻ đốn mạt nhận thêm một nắm đắm nữa của anh Tùng. Tôi nắm giữ tay anh: “Thôi về đi anh.”

“Mày hãy nhớ mặt anh mày. Mặt mày sẽ không còn nguyên vẹn nếu anh mày thấy bóng mày ở Tân Cảng. Đồ bác sĩ hèn hạ.”

Phải mất mấy ngày em mới trở lại bình thường. Một tháng đã trôi qua từ cái đêm tôi được bên em. Em đi khách ít đi, và muốn tôi đưa đến những nơi tĩnh lặng, và chiếc bút chì trên túi áo tôi đã không ngừng hý hoáy trên trang giấy. Dẫu vậy, bức tranh đầu tiên em vẫn không cho tôi hoàn tất.

“Anh có thể tặng em bức họa đầu tiên không?”

“Nhưng nó chưa hoàn thành?”

“Tặng cho em, anh nhé!”

Tôi đã tặng em bức họa đầu tiên. Cầm bức họa trong tay, em nhìn rất lâu dáng cô gái nhỏ thó trên cầu.

“Em mong anh trở lại trường Mỹ thuật. Từ ngày mai, em cũng sẽ không làm nghề này nữa. Em sẽ làm phụ tá cho giáo sư của em. Em sẽ rất nhớ anh, nhớ anh Tùng, nhớ những người bạn gái đồng cảnh ngộ ở đây. Nhớ mãi chiếc cầu vượt này và cả con đường đầy bụi.”

Tôi đứng lặng người. Vậy là từ ngày mai, tôi không còn được nghe giọng nói của em sau lưng: “Ông khách này trông dữ quá, anh ơi, anh đừng bắt mối, anh nhé!”, không còn được nghe em nhai bánh tiêu sau lưng tôi, và những tiếng mưa trong lòng người con gái. Em mời tôi và anh Tùng đến quán ốc của cô Ba vào tối hôm sau để chia tay, nhưng em không đến. Cô Ba đưa tôi một mảnh giấy của em để lại:

“Anh Tùng ơi, anh Nam ơi, xin lỗi vì bé Linh của hai anh lỗi hẹn. Em đã đặt cô Ba làm những món mà hai anh thích nhất. Món ốc nhảy cho anh Tùng và món sò huyết cháy tỏi cho anh Nam. Đừng quên bé Linh, hai anh nhé! Em vẫn mong anh Nam sẽ trở thành họa sĩ.”

Hai anh em chúng tôi nhìn nhau, nhìn những món ăn thơm phức của cô Ba, mà thấy nghẹn ngào.

“Cầu Trời đừng thách đố cuộc đời em thêm.” Anh Tùng trầm ngâm. “Chú mày hãy học thành họa sĩ, còn anh ... cũng từ bỏ nghề dắt mối này.”

Điện thoại em không còn reng nữa. Tôi đã chờ trước con hẻm nhỏ mấy ngày, nhưng hình bóng quen thuộc của em vẫn biền biệt. Em đã chuyển đi rồi.

Năm năm sau, tôi tốt nghiệp trường Mỹ thuật hạng ưu, với tác phẩm sơn dầu “Con điếm” với ánh mắt đọng vẻ lạnh lùng, vẻ ngỡ ngàng trước số phận, những giọt nước mắt không được trào ra, lãng đãng dấu vết của căn bệnh AIDS, song vẫn ẩn tàng một lời tha thứ cho mọi sự nhẫn tâm. Trong tác phẩm của tôi có em, và có những người con gái khác như em. Có lần em đã hỏi tôi: “Nếu trở thành họa sĩ, anh sẽ làm gì?” “Thì anh sẽ vẽ và dạy vẽ. Anh sẽ vẽ những mảnh vỡ trong cuộc đời. Anh sẽ dạy cho các cô bé, cậu bé vẽ nên những ước mơ.” Tôi đã đến với các em ở Nhà Thiếu Nhi như những hoài bão tôi đã bộc bạch với em.

Hoàng hôn đang lướt dần trên bức tranh sơn dầu tôi gần hoàn thành bên chiếc ghế đá quen thuộc trong khuôn viên Nhà Thiếu nhi. Một bức tranh tôi vẽ từ ký ức: hình dáng em trên thành cầu ngày đầu tôi gặp.

“Khi nào con có thể vẽ được như Thầy?”

Tôi như choàng người khỏi giấc mơ về một ký ức xa xăm. Bé Lam Ninh, cô học trò nhỏ của tôi đang lém lỉnh, nghiêng nghiêng mái đầu bên giá vẽ.

“Khi nào con tìm thấy được tình yêu ... tình yêu trong hội họa.”

Không biết cô bé Lam Ninh có hiểu điều tôi nói không, nhưng cô bé ra chiều suy nghĩ rất lâu. Tôi đã tìm thấy em, tình yêu của tôi, và tình yêu trong hội họa.

“Cô gái trong bức tranh giống con không Thầy? Thầy vẽ con à?” Cô bé tiến về bức tranh.

Hình như cô bé phảng phất giống cô gái trong tranh.

“Không, không,” Cô bé lắc đầu “Giống mẹ con hơn.”

Tôi như chợt khám phá ra điều gì. Cô gái trong tranh giống Lam Ninh hay chỉ là ảo ảnh.

“Ninh, con phá Thầy phải không?”

Giọng nói như vang lên từ ảo giác. Giọng nói mà tôi tìm kiếm bao lâu nay giờ đang rất gần bên tôi. Giọng nói của em. Tôi xoay người, và em đang đứng đó: em Linh của tôi ngày nào.

“Linh …”

“Anh Nam, … chắc anh trách em nhiều lắm phải không?”

Ký ức đưa hai chúng tôi trở về cái đêm chúng tôi bên nhau. Em đã biết người khách đêm ấy là tôi. Em quen thuộc những đường nét trên khuôn mặt tôi dù giữa bóng tối căn phòng. Em quen thuộc mùi mồ hôi của tôi, quen thuộc những vết sẹo, những vết chai trên bàn tay tôi. Tôi đã thắc mắc tại sao đêm ấy em không bảo tôi đi bao, để sau đó tôi luôn phải xa gần dặn em phải cẩn thận bảo vệ mình khi cùng với khách. Hình như lúc đó em đã cười hiền hậu và có chút gì nghịch ngợm. Em muốn tặng tôi một tình yêu chân thật, không qua bất kỳ cái màng chắn nào của thế giới nhân tạo này.

“Nhưng sao em rời bỏ anh khi biết em đã có bé Lam Ninh?”

“Vì lúc ấy cả anh và em đều chưa xứng đáng với bé Lam Ninh. Anh chưa là họa sĩ, còn em là con điếm. Anh có thích tên Lam Ninh em đặt cho con không?”

Đó là tên của em và tôi đi bên nhau trong trật tự đảo chiều. Em đã rời xa tôi, để nuôi trong tôi ý chí. Tôi không cần phải họa bức tranh sơn dầu từ ký ức, bởi lẽ nét cọ cuối cùng nơi ánh mắt người con gái, tôi đã vẽ từ em, chân thật trong đời.

Sài Gòn, 11/01/2009




VVM.07.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .