N hà văn Trần Hữu Lục vừa từ bỏ gia đình, bạn bè ra đi ngày hôm qua, 30.8 .3021, mà sáng nay tôi mới được biết, khi nhà báo Vĩnh Thắng nhắn tin qua điện thoại.
Thương tiếc bạn, và được bạn thân Trần Minh Thảo (Trần Hồng Quang, Hồng Hữu), từ Bảo Lộc (Lâm Đồng) nhắn tôi gửi vòng hoa tang, nhưng tôi đã hỏi nhiều nơi mà đều bị từ chối, vì giữa mùa đại dịch, trong những ngày TP.HCM giãn cách triệt để này, chẳng nơi nào còn có hoa nữa; ngay cả rau tươi để ăn mà gia đình tôi cũng không mua được, nói gì đến hoa !
Nhà văn Trần Hữu Lục sinh ngày 14.3.1944, tại Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Anh học Quốc Học trước tôi hai năm, đỗ Tú tài 2 năm 1963. Sau đó, anh học Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm Huế, ra trường trước tôi một năm (1968).
Tôi quen và sau đó trở thành bạn với anh khi được mời đến trường Đại học Sư phạm Huế để dự buổi tổng kết của nhóm sinh viên thực hiện đặc san Đỉnh Triều, vào một ngày giáp Tết Bính Ngọ, tháng 1. 1966. Lúc ấy, tôi vừa vào Lớp Dự bị Văn khoa Huế; được mời vì đã có thơ đăng trên nhiều tạp chí ở Sài Gòn. Nhóm thực hiện tập san Đỉnh Triều, thực chất là những sinh viên thuộc Hội Hồng Sơn, tập hợp sinh viên của nhiều trường Đại học ở Huế, có xu hướng tiến bộ, yêu nước.
Tên gọi Hồng Sơn là muốn nhắc đến ngọn núi Hồng Lĩnh, ở quê hương của đại thi hào Nguyễn Du. Nhưng thực ra, bên trong còn cả một nỗi niềm tâm sự, một khát vọng cháy bỏng, xuất phát từ hai câu thơ u uẩn của Tiên Điền tiên sinh trong bài "My trung mạn hứng":
Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ
Hồng Sơn sơn hạ Quế giang thâm
(Ta có một tấm lòng chẳng biết tỏ cùng ai. Dưới chân núi Hồng, dòng Quế giang sâu thẳm).
Về sau, Hội Hồng Sơn do không hoạt động được, nên đến tháng 8 năm 1968, xuất bản Tạp chí Việt, và trở thành nhóm Việt. Tạp chí Việt là "Tờ báo vận động văn học nghệ thuật về nguồn". Hai chữ "Về nguồn" được giải thích ở ngay trang bìa 4 của Tạp chí Việt, số ra mắt tháng 8.1968: "Chúng tôi hô hào về nguồn bởi vì dân tộc đang bị đe dọa trước đủ thứ tai ương, có nguy cơ hủy diệt giống nòi. Và chúng tôi gọi là về nguồn trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, bởi vì thấy rằng văn học nghệ thuật bây giờ đã tách xa yếu tính và chức năng của nó".
Gần 20 năm sau khi Hội Hồng Sơn, rồi Tạp chí Việt và nhóm Việt ra đời, trên Tạp chí Sông Hương, số 15, tháng 9 và 10 năm 1985, hai nhà giáo Trần Thức và Hoàng Dũng của Trường Đại học Sư phạm Huế, trong bài "Những chặng đường của nhóm Việt", đã có một tổng kết: "1965 - 1975, từ Hồng Sơn đến Việt là một chặng đường biết bao gian lao thử thách....Chỉ tính từ khi Tạp chí Việt ra đời (tháng 8,1968) đến ngày thống nhất đất nước, nhóm Việt đã đóng góp hàng trăm truyện ngắn, hàng nghìn bài thơ, chưa kể các bài phê bình, lý luận, biên khảo. các tác phẩm thuộc các thể loại khác như nhạc, họa...".
Trần Hữu Lục gần như không tham gia vào những hoạt động cụ thể của nhóm Việt, ngoải việc góp bài tham dự rất thường xuyên, đều đặn, hầu hết là truyện ngắn. Và ngay từ năm 1968, khi Trần Duy Phiên, Trần Minh Thảo, Ngô Văn Ban, Trần Văn Hòa (Hoàng Hòa) và tôi thực hiện số Tạp chí Việt đầu tiên (từ Việt số 3 thì chỉ còn Ngô Văn Ban và tôi lo mọi công đoạn cho tờ báo ra đời), Trần Hữu Lục đã có truyện ngắn được chọn đăng trên Tạp chí Văn ở Sài Gòn.
Sau khi tốt nghiệp Ban Việt Hán, Đại học Sư phạm Huế, Trần Hữu Lục chọn về dạy ở Trường Trung học Bùi Thị Xuân, Đà Lạt. Đây là thời gian mà Trần Hữu Lục và Trần Minh Thảo (dạy ở Trường Trung học Bảo Lộc), do gần Sài Gòn (về mặt địa lý), nên đại diện cho nhóm Việt để mang bài vở về tòa soạn Tạp chí Đối Diện (Đứng Dậy), đặt văn phòng tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng; vì từ năm 1969, nhóm Việt được LM Nguyễn Ngọc Lan, Chủ bút Tạp chí Đối Diện mời giữ chuyên mục Văn nghệ (chủ yếu là văn học) trên tờ báo thường xuyên bị kiểm duyệt, tịch thu này.
Sau năm 1975, nhà văn Trần Hữu Lục chuyển về làm việc ở Xưởng phim Giáo khoa của Bộ Giáo dục, tại đường Trần Bình Trọng, Quận 5, TP.HCM. Rồi lại chuyển sang làm báo Tuổi Trẻ, Tạp chí Du lịch TP.HCM
Năm 1999, nhà văn Trần Hữu Lục được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Trần Hữu Lục đã xuất bản nhiều tác phẩm, thuộc nhiều thể loại, như Cách một dòng sông (tập truyện ngắn, Đối Diện xuất bản, 1971), Chiếc bóng (truyện ngắn, 1989), Đưa đò (tản văn, bình văn, 2002), Thu phương xa (thơ, 2003), Chuyện Huế ít người biết (biên soạn,2004), Mẹ và con (truyện ngắn, bút ký,2006)....;trong đó, được bạn đọc yêu thích nhất vẫn là những truyện ngắn giàu tinh thần yêu nước của anh trong tác phẩm đầu tay "Cách một dòng sông" (1971).
Trần Hữu Lục đã từng tâm sự : "Tôi viết văn dấn thân và đã xuất bản tác phẩm đầu tay "Cách một dòng sông" khi còn trẻ. Từ đó đến nay tôi vẫn tiếp tục viết văn, làm thơ...Tôi vẫn nuôi dưỡng ngọn lửa sáng tạo dù hiện thực cuộc sống và thẩm mỹ văn chương ngày nay đã đổi khác. Tôi vẫn chọn nghề văn dù biết rằng viết được những gì mình mong ước chẳng phải dễ dàng gì....(trích từ "Nhà văn Việt Nam hiện đại", In lần thứ IV, Kỷ yếu của Hội Nhà văn Việt Nam, 2010, tr. 1024).
Ngày 30.8.2021, nhà văn Trần Hữu Lục đã từ bỏ gia đình và bằng hữu vì bị nhiễm Covid-19.
Hoàn toàn không thể đi ra đường, ngay cả một vòng hoa viếng tang cũng không thể có trong trường hợp toàn thành phố giãn cách triệt để "ai ở đâu ở yên đó", chúng tôi chỉ còn biết viết mấy dòng này tưởng nhớ và tiễn đưa bạn xưa về bên kia thế giới.
Mong bạn sớm tìm thấy sự thanh bình nơi cõi vĩnh hằng.
Xin chân thành chia buồn cùng toàn thể gia đình nhà văn TRẦN HỮU LỤC.
VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC !
TẦN HOÀI DẠ VŨ
Viết thêm: Theo Cáo phó của gia đinh Nhà văn TRẦN HỮU LỤC, ông mất lúc 8 giờ 35 ngày 30.8.2021 (nhằm ngày 23.7 Âm lịch năm Tân Sửu), tại BV Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM. Không thể thực hiện tang lễ nên gia đình chờ tro cốt được đưa về từ nơi hỏa táng
Hình ảnh: (từ bên phải): Trần Hữu Lục, Tần Hoài Dạ Vũ, Huỳnh Ngọc Sơn, Võ Trường Chinh (Võ Văn Điểm).
(Ảnh do VÕ TRƯỜNG CHINH (Võ Văn Điểm) chụp, tại nhà riêng của Võ Văn Điểm, Thị Nghè, TP.HCM).