Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

PHAN CHÍNH
BƯỚC CHÂN RONG RUỔI QUÊ NHÀ




P han Chính, cây bút gắn bó lâu dài với hoạt động văn học nghệ thuật Bình Thuận cả 2 thể loại: thơ và văn xuôi. Thể văn xuôi là những bài lược khảo, bút ký, nghiên cứu, sưu tầm, gồm 5 tập, nhiều hơn thể loại thơ – thơ 4 tập, không tính đầu sách thơ in chung. Phan Chính sinh năm 1943, còn có bút danh Đông Thùy, viết báo, làm thơ từ trước năm 1975. Đạt giải thưởng Văn nghệ Dục Thanh năm 2018 với tập thơ bảng lảng gió giêng.

1.Cảm hứng thơ Phan Chính Từ 4 tập thơ: Giọt sương (1993), giữa truông đời (1997), biển trắng như lòng ta thức đợi (2006), bảng lảng gió giêng (2016), An nhiên hạt bụi (2021) tôi bắt gặp ở đó một Phan Chính với những trang đời đầy trải nghiệm thiết tha và một tâm hồn rộng mở yêu thương cùng năm tháng đi qua.

Biển sóng bóng quê

Phan Chính sống trên miền duyên hải bốn mùa đắm vào sóng gió biển xanh, chứng ngộ không gian tàu thuyền ngư dân ngày đêm tấp nập ra vào trên bến, tận hưởng hương vị của nền kinh tế và bản sắc văn hóa biển, nó tạc vào cảm thức đến thân quen như dáng hình bóng mẹ. Anh đã tự giới thiệu: “chừng ấy năm đủ dạm đầy sức trẻ/ sóng dìm mùa bấc lộng biển mênh mông/ cửa tấn Maly rủ xanh bờ dương liễu/ huyền thoại Tam Tân đá ngảnh đến chạnh lòng […]/ thuyền gối ngực lên vai trần cát lặng/ mới thương bầy cá lội giữa vầng trăng”. (La Gi – biển trắng như lòng ta thức đợi). Cảm nhận nét đẹp quê hương vừa riêng biệt thân quen vừa thăng hoa mới lạ: “Trong đôi mắt chàng trai xứ biển/ Tựa hồ có riêng một mảnh trời […]/ Mùa mưa tưởng biển mùa hoa nở/ Thoảng hương bay làm ai ngẩn ngơ” (Mưa biển – Giọt sương). Hình ảnh cùng âm thanh sóng biển đã đi vào đậm nét trong cảm hứng thơ anh: “ở quê tôi mùa này/ sóng dập đầu tóc rối bù trắng xóa/ giọt nắng cũng cay xè bóng muối mặn tung tăng”. (biển trắng như lòng ta thức đợi – tập thơ cùng tên). Nơi ấy với sinh hoạt thường ngày của những ngư chài theo vòng quay bủa lưới, thiên nhiên ở đây hiền hòa và hào phóng ban tặng sản vật cho cuộc sống con người: “Mặt trời buổi sớm nghiêng nghiêng nắng/ Mắt lưới long lanh giọt nắng hồng/ Bãi cát ngỡ ngàng bao nỗi lạ/ Cá say mùa mới của quê hương […]/ Xóm xưa như trở mình thức dậy/ Bến đón thuyền vui khoang cá đầy” (Về với biển – Giọt sương).

Biển là nguồn dưỡng khí cung cấp cho con người – trong đó có nhà thơ, hít thở trong mọi sinh hoạt. Cảm hứng về tình yêu lứa đôi, Phan Chính cũng tựa vào biển để bộc lộ nỗi niềm: “Anh thương quá cát mềm cuối bãi/ Dấu chân em như cuộc tình sầu/ Anh yêu quá, phải rồi. Tất cả/ Với một đời ta đã xanh xao” (Khi gần em ngồi nghe sóng biển – 1973, Giọt sương).

Những gì gần gũi thân thương nhất của quê hương với anh là biển. Biển ghi nhận, lưu giữ mọi chuyển động làng quê với cả tấm lòng từ bao đời nay của một miền xứ sở: “Thương hoài tuổi đá phong rêu/ Đảo xưa thôi vắng tiếng kêu chim về/ Năm cùng tháng tận biển ơi/ Mà sao vẫn mặn mòi lời ru thương” (biển cuối đông – Giữa truông đời). Trong suốt 4 tập thơ của Phan Chính, hình ảnh con thuyền, bãi cát, bến bờ, đặc biệt là biển sóng cứ luôn dạt dào, chòng chành, đong đưa theo từng cảm hứng, gần như nhìn đâu cũng thấy sóng: “Để dài tóc sóng buồn trôi” (biển cuối đông), ngay cả trong nỗi niềm chia tay mà sóng cũng chùng chình bồng bênh – bồng bênh trong nhớ mong xa cách: “Ngày em đi biển thầm thì/ Để cho ngọn sóng lạc bầy giữa trăng” (nhớ mong – Giữa truông đời).

Mẹ

Có người ví mẹ như không khí hít thở hằng ngày, nó quen thuộc đến mức người ta không còn thấy, nên không ít người lại quên khuấy nó đi, đến khi ngộp thở mới biết giá trị của không khí nó cần thiết cho sự sống đến dường nào. Không có nó sự sống xem như chấm dứt, quý giá không gì so sánh nổi. Từ nghìn xưa đến giờ, loài người trên trái đất luôn nhận thức mẹ là nguồn sống như không khí trong mỗi kiếp người, hình thành và nuôi dưỡng từ thể xác đến tinh thần. Không gì đẹp bằng, như Bersot đã nói: “Trong vũ trụ có lắm kì quan, nhưng kì quan đẹp nhất là trái tim người mẹ”. Từ văn chương truyền khẩu đến văn học viết từ xưa đến nay luôn có những lời thiết tha thiêng liêng nặng tình ân nghĩa về mẹ, nhưng mỗi người có mỗi cảm xúc khác nhau.

Mẹ trong thơ Phan Chính là người mẹ lao động nghèo tần tảo, chịu thương chịu khó với bao vất vả sớm hôm: “mẹ ngồi bên chiếc thúng câu tròn như vầng trăng muộn/ rớt trên bờ cát hoang sơ […]/ thời mẹ tôi đến mùa thu hoạch/ cắp thúng lang thang trên cánh đồng/ chén cơm chiều chưa bao giờ ngon như thế”. Chuyện áo cơm nhọc nhằn và nỗi lòng của mẹ dành cho con như chạm đến đất trời: “chừng như giọt mồ hôi của mẹ/ mà biển cũng động lòng/ dẫu đã vào đông” (biển trắng như lòng ta thức đợi – Giữa truông đời). Sự cảm thương đến nao lòng là những nhọc nhằn đè nặng đôi vai mà mẹ gánh suốt cuộc đời đi qua năm tháng từ tuổi thanh xuân đến lúc về chiều vẫn không thực hiện được ước mơ dù đơn giản nhất: “tóc mẹ thắm màu biển mặn/ đếm từng con sóng nhấp nhô/ suốt đời giản đơn ước vọng/ mà không với đến bến bờ” (làng biển - Giữa truông đời). Và cứ thế, năm tháng trôi đi, nỗi khổ lại chất chồng: “gạo mỗi ngày hóa tấm/ chiếc thúng nan lại đong đầy tuổi mẹ” (hạt gạo – Bảng lảng gió giêng)

Nỗi khổ của mẹ đâu chỉ dừng lại ở chuyện áo cơm ghì sát đất mà còn cả nỗi đau lớn hơn gấp vạn lần thế nữa khi nghe “Tin chiến thắng cùng với tin con mất” để rồi thơ thẩn, biết là vô vọng, nhưng vẫn mải mê trông đợi với hư không, cảm thương đến tận cùng nước mắt: “Nhón bước chân như ngóng chờ cuối bãi/ Tiếng con về. Mẹ vẫn biết là mơ […]/ Ngày hòa bình mẹ lần ra cuối bãi/ Lắng tai nghe. Gió hiu hắt. Nhớ con” (Nỗi lòng của mẹ - Giọt sương). Thế rồi chuyện đến sẽ đến theo quy luật ở cõi ta bà, tất cả đều trôi về quá khứ, trả lại đất trời, chỉ còn trong hồi ức tha thiết tiếc thương của người ở lại – đứa con hiếu nghĩa chạnh lòng đến rơi nước mắt: “Lá trầu têm đã sang trưa/ Nén nhang quằn cánh tàn đưa khói mờ […]/ Thưa mẹ, cõi đất hoang sơ/ Hoa sương đẫm lạnh trăng chờ lời ru […]/ Một đời rồi đến thiên thu/ Cây vẫn xanh gió vẫn đu đưa buồn” (thưa mẹ - Giữa truông đời). Hình ảnh mẹ không còn ở cõi nhân gian, nhưng lại tỏa bóng mênh mang với bóng hình xứ sở: “mẹ quê tóc búi sương rêu/ đếm từng hạt lúa liêu xiêu bóng đời” (bóng quê – Bảng lảng gió giêng). Hình ảnh mẹ tạc vào khắp nẻo quê hương: “con sóng rùng mình khơi xa/ hạt cát bờ hoang khắc khoải/ có dáng mẹ xưa quê nhà” (chợt nhớ cuối năm – Bảng lảng gió giêng). Hình ảnh mẹ luôn đong đầy trong nỗi nhớ, xưa kia, dẫu con đã lớn bước chân rong rủi khắp nẻo đường đời, mẹ vẫn ngày ngày đau đáu hướng về con, thương sao cảnh tình những chiều mẹ ngồi nhìn ra trông con những chuyến đi xa chưa về, có thể nào phai trong ký ức của đứa con đã từng phiêu bạt phương trời, bây giờ hồi tưởng: “ngùi nhớ mông lung soi dòng suối lạnh/ thấy mình phiêu dạt dưới trời quê/ lủi thủi ngựa thồ dốc cao vó mỏi/ có còn ai ngóng đợi ta về/ tóc mẹ xưa nhuốm màu trăng cổ tích/ lây lất đời thôi mấy bận đơm bông/ ngọn gió mãn khai sáng nay nở rộ/ đằng xa kia mây núi bềnh bồng” (bóng núi mẹ quê – Bảng lảng gió giêng).

Lãng tử cô đơn

Cảm xúc trong thơ Phan Chính nhiều khi bộc lộ cõi lòng trống vắng, rơi vào không gian mênh mông chừng như không bến đỗ: “Ngồi nghe tim vỗ nhịp đời/ Cõi nhân gian rộng biết nơi nào về” (một mình – Giữa truông đời). Tập thơ thứ hai của anh xuất bản giai đoạn sau năm 1975 nhan đề giữa truông đời (1997). Theo tự điển Đại Nam quốc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của – Sài Gòn, 1895: Truông là đàng (đường) đi qua rừng núi, đàng nham hiểm. Còn Từ điển tiếng Việt – Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992: Vùng đất hoang, rộng, có nhiều cây cỏ. Từ điển Anh Việt của Bùi Phụng – Đại học tổng hợp Hà Nội – 1986: path in the foret or in the moutain (con đường trong rừng hoặc trong núi); Việt Pháp tân từ điển của Đào Đăng Vỹ – Nhà in Hồng Phát, Chợ Lớn, 1957: truông là brousse (bụi rậm). Nhưng dân gian cũng thường nói truông cát, truông cỏ, nên chưa hẳn chỉ có bụi rậm. Ca dao có câu: “Thương anh, em cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”. Có thể hiểu, truông là con đường đi qua vùng thiên nhiên hoang vu, hành khách đi qua có thể không chừng gặp chuyện bất trắc xảy ra. Còn cách dùng từ của Phan Chính lại nói giữa truông đời gợi cho người đọc liên tưởng đến những khoảng dài nốt lặng trống vắng trong tâm hồn ở giữa cõi trần gian. Ở đề từ tập thơ anh viết: “Gõ tay đếm nhịp tuổi tôi/ Thương dòng sông những truông đời nắng mưa”. Có khi hoài niệm nỗi niềm giữa cõi không gian tịnh lặng một mình: “Nửa đêm thức với truông đời/ Theo em nỗi nhớ đầy vơi cõi người” (nỗi nhớ – Giữa truông đời).

Hầu như tâm trạng cô đơn đứng giữa dòng đời bàng bạc trong thơ Phan Chính, nhiều lần anh nhắc đến cô đơn: “Khuya xanh nẫu dạ bồi hồi/ Tiếc vầng trăng lẻ cút côi giữa trời […]/ Tiếng chim ri rớt giọt buồn/ Ngói rêu phong ngủ cô đơn giấc chiều” (cuối mùa – giữa truông đời). Cảnh vật của thế giới vật lý khách quan là sự tồn tại tự nhiên, vầng trăng, tiếng chim, rêu ngói cũng vậy, nhìn thấy cút côi vui hay buồn là do tâm trạng của con người gán lên cho nó – “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du). Đến nỗi nắng mà cũng thấy cút côi đơn chiếc: “mở lòng một thoáng trời thu biếc/ lẻ loi giọt nắng rớt bên thềm” (lặng lẽ sông xưa – Bảng lảng gió giêng). Nhìn cảnh ngẫm chuyện dòng đời mà tâm tư khắc khoải: “Mạn thuyền nhịp phách ly tan/ Cồn xưa cỏ úa gió ngàn đìu hiu/ Trong anh vàng vọt nắng chiều/ Đọng thành nỗi nhớ trôi theo dòng đời” (chiều thu – Giữa truông đời).

Với tâm trạng ấy, nhất là khi chiều tối, dễ gợi lên cảm xúc buồn thương. Bởi bóng chiều sắp tắt là ranh giới khoảnh khắc giữa ngày và đêm, giữa ánh sáng và bóng tối. Ánh sáng làm cho mọi sự tỏ tường, minh bạch, còn bóng tối là không gian u ám, không an toàn, chứa đựng những gì đáng ngại, đáng lo… nên thường không gian chuyển tiếp ấy gợi lên trong lòng người biết bao nỗi niềm, nhất là những người sống với nội tâm, nặng nợ với đời. Trong thơ Phan Chính, ta gặp rất nhiều cảnh chiều, hoàng hôn trong cảm xúc: “Rượu hoàng hôn uống đã say/ Mênh mông cõi nhớ bóng dài người đi” (mộng – Giữa truông đời); “Một đời núi quấn khăn tang/ Thương mây cố xứ tóc hoàng hôn xa” (phác thảo tôi – Giữa truông đời). Có khi tự ngẫm lại với chính mình trong khoảnh khắc thời gian giao thoa sáng tối: “tôi thầm hỏi với mình như chiếc bóng/ nắng cuối trời dọn mây đón hoàng hôn” (một ngày một đời – biển trắng như lòng ta thức đợi). Khi nghĩ về em cũng không thoát khỏi sự ám ảnh mất còn nuối tiếc: “em của hoàng hôn từ thuở đó/ giải mộng trên đồi bay bơ vơ” (lưng chừng bóng mây xưa – Bảng lảng gió giêng).

Đọc thơ Phan Chính thấy in đậm nỗi buồn. Đó là những biểu hiện bộc lộ cảm xúc để cho tâm hồn lắng đọng, nỗi buồn làm cho con người không hời hợt trong suy tư mà trở nên chín chắn, sâu sắc khi nhìn nhận vấn đề, sự vật, buồn cho lòng người thêm trải nghiệm với bao biến động cuộc đời, để qua quá trình nếm trải làm cho tâm trí càng tỉnh táo, trong sáng hơn. Trong biểu đạt, Phan Chính nhiều lần nhắc đến từ “buồn”, nhưng cái buồn không bi lụy, mà đó là khi nhìn ngắm, chiêm nghiệm hình ảnh vật lý khách quan bên ngoài mà ngẫm dòng đời đang trôi qua dốc xế với những mất còn được không rồi cảm xúc, “dốc phố buồn nghiêng nắng cuối đồi” (Đà Lạt chờ thu); là cảnh trễ tràng khi ngày sắp tắt, “cuối chiều thổ mộ gõ đời buồn hiu” (uống rượu một mình); là khi liên tưởng hồi ức “tóc mây phiêu lãng sợi buồn hồ xưa” (ngỡ ngàng). Ngay cả trong hạnh phúc mà nỗi buồn cũng xen kẽ với nụ hôn: “Này em anh cứ tin ngày đó/ Em vẫn là em của bây giờ/ Của nụ hôn buồn nhưng chín đỏ/ Thơm ngát ru anh ngủ dật dờ” (Cảm ơn hạnh phúc – 1974). Khi người ta yêu nhau, dạt dào niềm vui, hạnh phúc mới đắm đuối hôn nhau, ở đây Phan Chính lại nói “nụ hôn buồn”, nghe trong yêu thương có lời cảnh báo. Ở đời cũng không ít trường hợp xảy ra như thế, gợi ta nhớ đến tình cảnh của đôi nhân tình trong thơ TTKH: “Người ấy thường hay vuốt tóc tôi/ Thở dài những lúc thấy tôi vui” (Hai sắc hoa ty gôn). Ngồi sát cạnh nhau để âu yếm “vuốt tóc” em tình tứ đến thế, vậy mà thấy em vui anh lại thở dài, bởi dự đoán trước được cảnh chia ly, thương cho sự hồn nhiên trong sáng vô tư của người yêu bé nhỏ. Chẳng biết Phan Chính lúc ấy có vậy hay không mà câu thơ cứ lăn tăn gợn sóng với bao nỗi niềm “Của nụ hôn buồn nhưng chín đỏ”. Cái gì chín đỏ, nụ hôn hay nỗi buồn? Có lẽ cả hai.

Khi tuổi đời đã đi qua bao trải nghiệm, với những lắng đọng suy tư, đôi khi anh triết luận để nghe giọt đời huyền nhiệm rơi vào tịnh không: “Từng giọt nến vô hồi đêm cùng tận/ Gõ vào hồn xao xác tiếng trăng xa/ Đánh thức dậy trái tim buồn của đất/ Lại quay vòng cùng tinh tú bao la” (tịnh độ – Biển trắng như lòng ta thức đợi). Từ đó lại thấy “thương hạt cát một đời hong quạnh quẽ/ để xui chiều mang gió núi về khơi” (bóng đời); “thân du mục xót thương mình/ nhìn non cao cũng thôi đành lãng quên” (lời tạ ơn đầu năm).

Hồn nhiên xưa

Đời người ai không có những khoảnh trời riêng mơ mộng yêu thương, huống chi nhà thơ. Đọc thơ Phan Chính ta bắt gặp con tim một thời khép mở trước những nét đẹp hồn nhiên của tuổi đời mới lớn: “Tự nhiên mưa lúc tan trường/ Để em khép nép áo vương gió chiều”, để rồi bối rối trước tình cảm bất chợt của mình: “Rơi rơi từng giọt hững hờ/ Đợi mưa hay đợi ai?- Giờ hỏi ta.” (Đợi – Giọt sương). Khi con tim thật sự rung động với nàng thơ thì nhìn cái gì cũng đẹp, dễ mến, đáng yêu: “Nắng vui nên giọt nắng dài/ Theo vòng xe bé tròn quay nốt đời” (Hồn nhiên – Giọt sương). Nhưng rồi không khỏi bâng khuâng, âm thầm tự nhủ: “Mai sau em đến nơi này/ Thì thầm với cỏ có hay anh về […]/ Như thuở xưa ấy, chiều chiều/ Tóc vai em rối anh điêu đứng lòng” (Mai sau – Giọt sương).

2. Những trang văn xuôi

Phan Chính là một trong những cây bút đáng ghi nhận nhất ở lĩnh vực sưu tầm, lược khảo, ghi chép về các bình diện địa lý, lịch sử, văn hóa của quê hương Bình Thuận, nhất là vùng La Gi – Hàm Tân, được tập hợp in lại trong các tập: Hàm Tân, chuyện thuở đầu (1988), Huyền thoại xứ biển (2007), Đất xưa Bình Thuận (2014), La Gi đất xưa diện hải bối lâm(*) (2017), Bình Thuận tìm lại dấu xưa (2020).

Đường về xứ sở

Phan Chính đã sưu tầm ghi lại khá công phu các đặc điểm địa lý, địa danh hành chính trên quê hương mình. Viết về La Gi, anh tìm hiểu, so sánh, đối chiếu tên gọi của vùng đất, ngay cả trong cách phát âm, La Di hay La Gi. “La Gi xuất phát từ vùng đất gồm các làng nằm ở cửa sông La Di (còn gọi sông Dinh). Qua sách xưa, trong “Doanh điền văn biểu” của Nguyễn Thông năm 1877 và Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán nhà Nguyễn biên soạn xong năm 1882 đã từng đề cập đến địa danh La Di gắn liền với vị trí địa lý tự nhiên ngày nay. Như vậy địa danh La Gi từ khá lâu đã có trước làng Hàm Tân và sau đó là huyện Hàm Tân được thành lập vào năm 1916. Tuy nhiên, dưới thời Pháp thuộc bản đồ tỉnh Bình Thuận trích trong “Annuaire général de L’Indochine 1910” và các văn bản hành chính của tòa công sứ Bình Thuận đều viết “Ladi” thành “Lagi” tồn tại đến bây giờ”. (Âm và ngữ nghĩa về địa danh La Gi – La Gi đất xưa diện hải bối lâm – 2017). Tác giả liên hệ tham khảo thêm các tỉnh lân cận tìm hiểu cách phát âm từ “Di” sang “Gi” để thấy sự tồn tại và thừa nhận từ “Gi” như ở Ninh Thuận có sông Pha (Krông Pha), gọi sông La Gi. Ở Phù Cát tỉnh Bình Định có một làng biển gọi là Đề Gi, thuộc huyện Phù Ly xưa. (theo Tên gọi đất xưa – Huyền thoại xứ biển, đất phương Nam Bình Thuận, 2007). Rồi giới thiệu về vị trí và đặc điểm địa lý, khí hậu, thủy văn, diện tích, nông sản, thủy sản, ranh giới hành chính trải qua các thời kỳ, cho đến “cuối năm 2005, thị trấn La Gi và một số xã lân cận tách ra khỏi huyện Hàm Tân (cũ) trở thành thị xã trực thuộc tỉnh. Một đô thị mới ra đời với nhiều triển vọng” (Lai lịch một vùng đất – La Gi đất xưa diện hải bối lâm).

Nếu ai đó muốn tìm hiểu về vùng đất La Gi – Hàm Tân không thể không tìm đọc tập sưu khảo La Gi đất xưa diện hải bối lâm của Phan Chính. Đây là tập sách có nhiều công sức sưu tầm, nghiên cứu từ sự hình thành ranh giới hành chính đến tên gọi địa danh, giới thiệu từng đặc điểm địa lý đến lịch sử, văn hóa, cư dân… trong các bài La Gi đất của người tứ xứ, Đập Đá Dựng với vườn hoa anh đào, Rừng dầu Tân Lý, Dấu tích thời mở đất, Xứ đạo Tân Lý đã 130 năm, La Gi thời thảo muội, Dấu xưa trên ngảnh Tam Tân, Sông Dinh dòng sông muôn thuở, Hòn Bà dấu chấm than huyền thoại, Thuyền thúng trên bờ biển La Gi, Trường lớp ngày xưa, Di tích dốc Ông Bằng, Phước Hội xưa, Chuyện xưa mùa lễ hội, Động Trắng bên cửa biển Ba Đăng, Đặc trưng tính cách con người La Gi, Lý lộ và dịch trạm ngày xưa, Báo chí tỉnh lẻ trước năm 1975, Bình Tuy tháng 4.1975, Đi tìm địa danh Bình Tuy, Từ núi Cẩm Kê đến mũi Kê Gà… Cách viết của Phan Chính vừa ghi chép tỉ mỉ tôn trọng yếu tố lịch sử, vừa tự sự, lại vừa miêu tả xen lẫn cảm hứng trữ tình: “Phía hữu ngạn sông Dinh có một vườn hoa rợp bóng trên diện tích rộng khoảng 4ha với những bồn hoa trang trí đan xen phượng đỏ và cây cảnh. Đặc biệt là hoa đào, khác với loài mai anh đào ở Đà Lạt hay hoa anh đào Nhật Bản có thân cây nhiều nhánh và chỉ thích hợp với xứ lạnh. Còn đào ở đây, thân cây suôn, xốp và lá mềm mại, những đóa hoa đóng chuỗi dài trên thân cây có màu hồng phấn và mùi hương ngào ngạt. Hoa nở mùa nào cũng có và rộ lên khi tiết trời vào xuân. Người dân địa phương gọi đó là hoa anh đào”.(Đập Đá Dựng với vườn hoa anh đào). Hay trong bài Dấu xưa trên ngảnh Tâm Tân tường thuật về cuộc vượt biển của những người tù Côn Đảo: “Đã đến ngày thứ sáu, chiếc bè lênh đênh trên sóng biển, trời nước mênh mông, những người tù nhịn khát, không còn gì để ăn và gần như tuyệt vọng. Trời vào đêm, tất cả đều ngủ thiếp vì mệt và đói. Đến khi chiếc bè dội vào bãi cát cũng vừa lúc bung ra nhiều mảnh tre mới biết đã đến đất liền. Bờ biển vắng lặng, lờ mờ ngọn đồi cao, um tùm bóng cây. Như có bàn tay mầu nhiệm khi gặp được khe nước ngọt từ động cát chảy ra biển, vừa thỏa khát vừa tắm rửa để tìm đường trốn thoát. Băng qua động cát có một bàu nước (Bàu Dòi), nếu đi thêm nữa là đến Núi Đất, cũng vừa gặp xóm nhà dân vài nóc để hỏi thăm đường vào làng Tam Tân. Đến sáng dân đi làm biển dọc ngảnh Tam Tân truyền miệng nhau là có những người bị chìm ghe sống sót và được giúp đỡ cho ăn. Không lâu ban hội tề hay tin đến nơi dò hỏi, may có người còn giữ được một tờ giấy chữ Tây in con dấu tham biện nên nhà làng chưa bắt giữ. Ngay sau đó, hương sư Nguyễn Hữu Hoàn, người quê Hà Tĩnh có vợ ở làng Tân Thuận dự đoán đây có thể là những người tù chính trị vượt ngục. Gặp Nguyễn Đình Kiên nhận ra người đồng hương và có cùng chí hướng nên dặn nhau là giả dạng dân đi buôn bị chìm ghe. Giáo Hoàn thuyết phục thầy đội kiểm lâm vốn dòng Tôn thất, cả hai đến nhà việc đứng ra nhận chỗ quen biết để bảo lãnh. Sáu người tù được Giáo Hoàn đưa về tạm trú ở nhà của một học trò rồi đưa ngay vào rừng sâu hướng dinh Thầy Thím để tránh sự tò mò dễ lộ tông tích. Sau đó Giáo Hoàn giao cho người thân tín cắt rừng lên ga Sông Phan để thoát nạn. [...] Cũng cần nói thêm về ông Giáo Hoàn, là một nhà Nho uyên thâm, gốc quê Hà Tĩnh. Tham gia phong trào cách mạng ở địa phương bị bại lộ rồi vào làng Tam Tân ẩn thân, sống nghề bốc thuốc chữa bệnh và dạy học. Ông là thân sinh của nhà văn, nhà báo Nguiễn Ngu Í (tên thật Nguyễn Hữu Ngư) […] Ngôi mộ của Giáo Hoàn và vợ, nằm cạnh ngôi mộ cải táng của Nguiễn Ngu Í trên triền động cát khu vực ngảnh Tam Tân”. Đoạn ký sự với giọng văn tường thuật khá hấp dẫn về diễn tiến sự việc, đọc qua thấy phảng phất ít nhiều cách kể như văn phong tiểu thuyết chương hồi thời kỳ văn học trung đại.

Những trang văn xuôi của Phan Chính trong 5 đầu sách sưu tầm, nghiên cứu, ngòi bút của anh điểm khắp những nơi anh đã đi qua, đã từng chứng kiến trên vùng đất quê nhà – nơi cả một đời anh đã từng gắn bó sinh sống. Trong Đất xưa Bình Thuận với những bài: Đất Bình Thuận thuở đầu; Đồi trăng phế tích Phú Hài; Phú Quý đảo xanh biển ngọc; La Gi, đất của người tứ xứ; Chùa cổ Bình Thuận; Tín ngưỡng người Hoa ở Phan Thiết; Nghề đi biển; Dáng đá Cù Lao Câu; Hòn Bà nỗi buồn xanh; Bàu Trắng lung linh sắc nắng; Cảnh thiền Cổ Thạch Tự; Tế thu lễ hội; Cung đường nối biển với đại ngàn; Hoài niệm sông Dinh; Thức với hải đăng Khe Gà; Nói về một địa danh; Hồn biển Tuy Phong; Lễ vật vùng biển; Cao sơn cổ tự Tà Cú; Cá và mắm; Phan Thiết - Đà Lạt, qua mấy ngã đường. Thủ pháp những trang ghi chép thường xen lẫn thể ký với tùy bút, nên nhiều đoạn viết về cảnh vật hay tường thuật sự việc biểu đạt khá phóng túng và đậm chất trữ tình, đặc biệt là cảm hứng miêu tả về nét đẹp quê hương.

“Chưa có quần thể đá nơi nào đủ hình dạng sắc màu đem lại nhiều cảm xúc như ở đây. Nào tượng nữ thần sừng sững trông về dãy núi xa, nào cái nhìn đăm đắm vọng phu giữa bốn bề âm vang sóng biển. Đứng ở đâu cũng có thể nhận ra đàn chim hải âu ngoi đầu đón gió, rồi con hải cẩu, cá heo, sơn dương đang dáo dác tìm bầy. Nhưng đó là những khối đá im lìm muôn thuở trên đảo đá này. Khắp đảo không thể tìm ra bóng một cây lớn nhưng lại rất nhiều thảm xanh lùm bụi, cỏ dại đan xen vào tận ngõ ngách khe đá tốt tươi. Rau muống biển nở hoa sắc tím trên bãi cát mịn màng đang ấp yêu những mảnh vỏ sò, vỏ ốc còn lấp lánh bọt sóng nghe rào rạo bước chân. Trên đảo phô diễn tài tình từ sự ngẫu hứng của thiên nhiên khá thú vị đó là những bãi Tắm Tiên, bãi San Hô, bãi Cá Suốt, bãi Cấy, bãi Miếu. Như tấm lụa mềm bằng cát trắng trải dưới chân, những tảng đá lớn chụm đầu vào nhau có thể che được nắng mưa. Đường vào hang Tình Yêu, hang Ba Hòn không mang vẻ bí ẩn ly kỳ nhưng lần theo vách đá sẽ cảm nhận được những bức tranh huyền ảo bởi nét đẹp phong rêu”. (Dáng đá Cù Lao Câu).

Có khi ghi chép lại những sự kiện khá trung thực và cụ thể để các thế hệ nối tiếp ghi nhận về những họat động văn hóa tín ngưỡng của một thời, sau này những lễ hội ấy có thể tiếp tục hoạt động nhưng sẽ biến tướng, nhiều tình tiết có thể đổi thay: “Trước năm 1975, tứ bang Hoa kiều tại Phan Thiết: Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam, Triều Châu, cứ 3 năm một lần tổ chức đại lễ nghinh Ông, tức rước Quan Công tuần du qua các đường phố chính của thị xã. Sau này là 2 năm một lần vào tháng 7 âm lịch của năm chẵn. Lễ hội rất linh đình, hàng chục chiếc cộ hình tháp chất đầy bánh trái tiền bạc đặt trên giàn gỗ cao. Xong lễ, cộ được xô xuống tạo ra cảnh giành giật, chen lấn nhau cùng với tiếng reo mừng náo nhiệt. Ở các bang người Hoa cũng tổ chức hát bội diễn tuồng sự tích ba Ông. Nhưng ngày thỉnh Ông tuần du thì đều tập trung về Chùa Ông, coi đây là đại lễ. Đoàn của mỗi bang có hình thức, cờ xí đại kỳ trung kỳ, xiêm y, nhạc múa riêng. Đoàn này có kiệu hoa, thiếu nữ gánh lễ vật thì đoàn kia có Tam Tạng cùng Tề Thiên, Bát Giới thỉnh kinh, đoàn khác thì mua võ, trống chiêng trong tiếng pháo nổ liên hồi. Hai bên đường phố lớn nhà nào cũng dọn sẵn bàn hương án có bình hoa, bánh trái, thắp nhang đèn nghênh đón.” (Tín ngưỡng người Hoa ở Phan Thiết).

Có những trang ghi chép, tường thuật về những trải nghiệm nghề nghiệp của những người lao động biển cũng như những dấu tích còn để lại: “Những cuộc hải hành của ngư dân ngày xưa chịu lệ thuộc rất lớn vào thời tiết, thiên nhiên. Dự báo cơn bão sắp đến, hướng ghe vào bờ giữa biển khơi mù tít chỉ thấy chân trời và sao đêm. Nhưng bằng kinh nghiệm cha truyền con nối, họ lặn sâu dưới nước cũng xác định được luồng cá ở đâu, thấy chớp biển biết được mưa nguồn, nhìn sao cày sao mai đủ để định hướng cho ghe vào bờ. Không phải nghe đài dự báo thời tiết hay có trong tay chiếc hải bàn, máy tầm ngư như bây giờ, ngư dân đi biển hoặc lái ghe bầu với hành trình lênh đênh vượt sóng đều thuộc nằm lòng bài vè làm kim chỉ nam. Bài vè thủy trình xuất xứ từ đất Quảng nơi sản sinh những câu hò đối đố, nghe rất điệu đồng và dễ nhớ. Bài vè thủy trình dọc dài các địa danh cửa sông, bến đậu, làng chài, rạn ngầm ... ven biển từ Nam Định vào đến Sài Gòn, gồm 332 câu theo thể lục bát. […] Những người làm nghề lái ghe bầu được gọi là “các lái”. Do nghề nghiệp, nhiều ghe bầu bị bão đánh chìm, xác người biệt tăm, cho nên các vạn, đình có một bàn thờ “các lái” để vong linh có nơi nương tựa.” (Nghề đi biển). Đọc những trang ghi chép này, tôi nhớ đến những người thủy thủ trong Biển đêm của Victor Hugo mới thấy sự nghiệt ngã dữ dội của người đi biển khi gặp nguy nan trong phong ba bão tố: “Ôi! Biết bao thuyền viên, thuyền trưởng/ Buổi ra đi, vui sướng đường xa”, nhưng chẳng bao lâu trước mắt mọi người bóng các anh biến mất, ở “Cuối chân trời u ám đã thành ma”, để niềm đau thương sửng sốt cho người ở lại đất liền. Thời gian trôi qua, thỉnh thoảng trong những cuộc vui hội ngộ mới có người nhắc đến tên các anh, thoáng rồi tất cả cũng chìm vào quá khứ lãng quên, “Chẳng ai nhớ dáng hình anh nữa/ Người người lo thuyền lưới, đi cày”. Duy nhất “Chỉ đêm đêm, giông bão gào lay/ Những người vợ bơ phờ mỏi mắt/ Kể về anh, khêu lớp tro tàn/ Của lòng đau và của lò than”(2). Hình ảnh người vợ hiện lên ở cuối bài thơ nghe nẫu cả ruột gan, đau thắt phận người. Những người đi biển, hoặc những ai có người thân đi biển mới cảm hết sự sâu xa về hình ảnh cái “bàn thờ “các lái” để vong linh có nơi nương tựa” trong các vạn, các đình mà Phan Chính nhắc đến.

Tìm hiểu tên gọi những địa danh, trong sự xáo trộn tên gọi qua các thời kỳ, để đưa ra cách nhìn và thừa nhận trên cơ sở hợp lý, như Mương Mán hay Mường Mán. Từ đó mở rộng ra các địa danh khác, như Phan Thiết, Cà Ty. “Liên hệ với địa danh Phan Thiết chỉ có từ khoảng cuối thế kỷ XIX, nhưng trước đó với người Chăm gọi là Hamu Lithit (ruộng gần biển) nhưng sau người Việt đọc trại từ Mang ra Phan kết hợp với Thiết (trại âm của Thit) thành Phan Thiết. Trại âm từ Mang ra Phan có hệ thống như Mang Lang, Mang Lý, Mang Thit tức Phan Rang, Phan Lý, Phan Thiết. Thường gọi Tam Phan là chỉ 3 địa danh đó. Tìm hiểu qua nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Kinh Duy Trịnh (Tuy Phong), với tên sông Cà Ty (Kati) được coi đây là âm ngữ Chăm, có 2 âm tiết. Nếu không có từ sông (tiếng người miền núi sông là Krông, người Chăm sông là Kraung hay Krôn) thì riêng chữ Kati có nghĩa là cân bằng và rộng hơn là dòng sông hiền hòa bởi chảy qua khu vực bình địa nên lưu lượng nước sông không chảy xiết. Cho nên đoạn sông này luôn có hai dòng nước từ nguồn đổ xuống (ngọt) pha trộn với nước thủy triều (mặn) dâng lên tạo thành làn nước lợ cũng là phù hợp với ngữ nghĩa Kati và người Việt đọc trại thành Cà Ty”. (Địa danh về Mường Mán hay Mương Mán – Bình Thuận tìm lại dấu xưa).

Đọng một tấm lòng

Từ những trang thơ của Phan Chính, bắt gặp ở đó một tâm hồn rộng mở đa tình của chàng lãng tử, lắm khi chẳng quản cửa thiền: “Buồn sao đôi mắt ni cô/ Dường như có bóng trăng mờ xa xăm/ Lời kinh ru gió thì thầm/ Phải chăng nỗi nhớ tháng năm lăn tròn” (mùng một đi chùa – giữa truông đời). Cũng có lúc phiêu bồng rồi dừng lại lo toan, sợ cách chia lạnh lẽo, muốn nối lại những điều dở dang, bù đắp những gì còn đang rạn nứt: “bầy sẻ tha cọng rạ đồng/ vá đêm lót ổ xao lòng tội nhau/ tôi về vá giấc chiêm bao/ vẫn rêu thềm cũ xanh xao bến này.” (vá – bảng lảng gió giêng). Nhưng cảm xúc bao trùm ở thơ Phan Chính là niềm tha thiết tình đời, thắm đượm nồng ấm tình quê.

Những bài biên khảo, bút ký của anh là những trang viết công phu, nghiêm túc, tôn trọng yếu tố khách quan, đầy trách nhiệm công dân với quê hương, với cộng đồng, là tài liệu tham khảo đáng tin cậy cho những ai tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu về địa phương tỉnh nhà. Ta lại gặp nơi đây – những trang văn xuôi, một trái tim ấm áp yêu thương với người, với đất – nơi sinh ra và lớn lên của một đời người vui buồn sẻ chia gắn bó.

(1)-“Diện hải bối lâm”: trích từ câu “La Gi bình nguyên chi địa diện hải bối lâm” (La Gi là bình nguyên mặt giáp biển lưng tựa rừng) của Tri huyện Hàm Tân Lương Trọng Hối (1930)
(2)-Biển đêm (Oceano nox) của Victor Hugo – Pháp, phần trích dẫn dựa theo bản dịch của Tố Hữu. Bài thơ này có thời đưa vào sách giáo khoa Văn học lớp 11, phần văn học nước ngoài – khi thay sách lần thứ 2, giai đoạn 1990 – 2006, đến thay sách lần 3 (2007) thì bài thơ đưa ra khỏi chương trình và thay bằng trích giảng tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo.




VVM.07.1.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com