Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


ĐIỆP VÀ ĐỐI

TRONG THƠ TRẦN NHUẬN MINH







 

1. Dẫn nhập

1.1. Thơ là nghệ thuật ngôn từ hết sức đặc biệt. Đặc trưng ngôn ngữ thơ chủ yếu được thể hiện ở các bình diện ngữ âm, từ vựng - ngữ nghĩa, ngữ pháp, trong đó, bình diện ngữ âm là hết sức quan trọng. Cố nhiên, cùng với việc sử dụng các bình diện ngôn ngữ trên, ngôn ngữ thơ còn khai thác phép tu từ trong ngôn ngữ. Trong nhiều trường hợp, tính cá thể hoá ngôn ngữ, tức là ngôn ngữ mang rõ nét dấu ấn cá tính sáng tạo của nhà thơ được thể hiện ở việc sử dụng các biện pháp tu từ trong thơ. Thực tế ngôn ngữ thơ của các nhà thơ Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử,... và một số nhà thơ đương đại chứng tỏ điều đó.

1.2. Trần Nhuận Minh là nhà thơ sở trường về các thể thơ truyền thống, đặc biệt là thơ năm chữ. Ngôn ngữ thơ Trần Nhuận Minh có hàm lượng thông tin thẩm mĩ cao nên có sức cuốn hút người đọc. Trần Nhuận Minh đã tạo lập ngữ nghĩa cho thơ bằng nhiều biện pháp tu từ đặc sắc nhưng nổi trội là biện pháp điệp và đối, qua đó, đem đến cho người đọc những thông điệp thẩm mĩ, thể hiện những cung bậc cảm xúc tinh tế, những chiêm nghiệm suy tư về cuộc sống, về phận người. Có thể nói, sức mạnh chủ yếu của thơ Trần Nhuận Minh là ở mối quan hệ con âm, con chữ với từ ngữ trong thơ thông qua biện pháp điệp và đối, tạo nên những liên tưởng bất ngờ, thú vị. Bài viết này, chúng tôi góp phần làm nổi rõ hiệu quả thẩm mĩ của biện pháp điệp và đối trong thơ Trần Nhuận Minh.

2. Cách tổ chức điệp và đối trong thơ Trần Nhuận Minh

2.1. Biện pháp điệp

2.1.1. Điệp, còn gọi điệp ngữ (redete) là sự lặp lại một yếu tố ngôn từ (âm thanh, từ, cụm từ, câu, đoạn thơ văn) với dụng ý nhấn mạnh hoặc gây ấn tượng cho người đọc, người nghe. Điệp (ngữ) được sử dụng rất đa dạng trong văn chương, khó có thể quy về các kiểu nhóm hạn định, nhưng lâu nay, các nhà nghiên cứu thường nói đến điệp âm, điệp từ ngữ, điệp cú pháp (câu), điệp khúc (khổ thơ, đoạn văn),... Điệp âm là biện pháp tu từ ngữ âm, lặp lại các yếu tố ngữ âm như lặp âm đầu, lặp vần, lặp thanh điệu, v.v.. Điệp âm là cách cộng hưởng ý nghĩa, do đó, nếu âm và nghĩa tách rời thì điệp âm không có giá trị. Trong ngôn ngữ tự nhiên, giữa âm (cbđ) và nghĩa (cđbđ) là võ đoán, nghĩa là có tính tự trị của ngôn ngữ, còn trong ngôn ngữ thơ, quan hệ giữa âm và nghĩa không hoàn toàn võ đoán mà là quan yếu. Các nhà hình thức Nga, sau này là các nhà cấu trúc - chức năng luận mà người đại diện là R.Jakobson giải quyết tương đối sáng rõ về tính võ đoán giữa cbđ và cđbđ của kí hiệu trong mối quan hệ giữa âm và nghĩa trong thi ca. Khi thi ca lấy nguyên lí song hành (lặp lại hình thức âm thanh và ngữ pháp), xét đến cùng là tạo ra sự tương đồng để nối kết cái dị biệt, biến sự đối lập thành hài hoà. Có thể hình dung một bài thơ như là sự triển khai tiếp nối và liên tục giữa các âm, các ngữ đoạn nhưng hiển thị trong tưởng tượng, liên tưởng của người đọc lại là sự đồng hiện các hình ảnh âm thanh, cái này gắn kết và tương tác với cái kia và nhờ thế, nghĩa xuất hiện. R. Jakobson cả quyết: Không nghi ngờ gì nữa, rằng thơ trước hết là hình ảnh âm thanh được lặp lại. Âm thanh đến lượt nó không phải đơn giản chỉ là âm thanh (...) Sự chiếu nguyên tắc tương đương lên chuỗi tiếp nối có ý nghĩa rộng lớn hơn. P.Valery nói về thơ là sự phân vân giữa âm và nghĩa. Cái nhìn này còn chân thực và khoa học hơn mọi quan niệm thiên về chủ nghĩa ngữ âm học biệt lập /Dẫn theo [2, 130]/. R.Jakobson còn đề ra nguyên tắc: Những từ tương đồng về âm thanh sẽ xích lại gần nhau về ý nghĩa /nt, 138/. Còn Pope cũng từng kêu gọi các nhà thơ: Âm thanh còn phải là tiếng vang của nghĩa /nt, 138/. Xuống dưới, chúng tôi tập trung tìm hiểu biện pháp điệp âm trong thơ Trần Nhuận Minh.

2.1.2. Điệp âm, trước hết là điệp âm đầu, là biện pháp tu từ ngữ âm, khi người viết cố gắng đặt những từ có âm đầu chung cạnh nhau. Trần Nhuận Minh có nhiều câu thơ dùng biện pháp điệp âm đầu thành công. Chẳng hạn: Em vẫn vầy vậy thôi (Gửi bác Vương Liên), câu thơ 5 từ nhưng có đến 3 từ chung âm đầu /v/. Trong ngôn ngữ hàng ngày, các từ vẫn, vầy, vậy là hư từ trống nghĩa nhưng trong cách kết hợp của Trần Nhuận Minh, các từ này có một đời sống khác. Hình thức điệp âm đầu /v/ trong vẫn, vầy, vậy tạo thành một trùng điệp âm thanh thể hiện một bản lĩnh, một thái độ sống bình thản chấp nhận những gì mình có trong phận người dâu bể.           

  Có khi, điệp âm đầu được tổ chức trong khổ thơ kết hợp với điệp vần để tạo nên một từ trường âm thanh sinh động. Chẳng hạn: Mặt mũi triệu ngôi sao mờ trong hơi rượu trời/ Máu ta chảy qua địa tầng đen thẳm/ Lá non toả màu em biêng biếc sáng/ Da thịt cười bốn phía sáng long lanh/ Hạt mưa mơ hồ nhuốm làn mây long lanh/ Làm ngào ngạt bao nỗi niềm dưới đất (Bừng thức). Ta có, âm đầu /m/ được lặp lại trong mặt, mũi, mờ, máu, màu, mưa, mơ, mây kết hợp với điệp vần ui/ ôi (mũi, ngôi), vần ơi (hơi, trời), vần a (ta, qua, lá, toả, da), vần ang/ ăng (sáng, trắng) trong những câu thơ trên khơi gợi một không gian vừa hư vừa thực, vừa mơ hồ tĩnh lặng vừa tràn đầy dư vị ngọt ngào của trần gian, như sự bừng thức của người thơ trước vô cùng còn, mất.

2.1.3. Điệp âm còn có điệp vần, là biện pháp tu từ ngữ âm, láy lại vần trong một câu, một khổ (thơ) để gia tăng gợi tả, là phép cộng hưởng ngữ nghĩa; nó nhân lên bội phần một nét nghĩa nào đó chứ bản thân một vần đơn độc chưa có ý nghĩa gì. Biện pháp điệp vần được Trần Nhuận Minh sử dụng dày đặc trong thơ. Chẳng hạn: Những quả núi đá xanh nhúng xuống lưng chừng nước/ Màu nước mộng mơ xanh dâng lên đến tận trời (Chơi thuyền trên vịnh Hạ Long). Theo luật thơ thì hai câu thơ không có phép hiệp vần, nhưng bù vào đó, các âm tiết những, lưng, chừng, các âm tiết nhúng, xuống, các âm tiết quả, đá, của trong từng dòng thơ hiệp vần với nhau. Phép điệp vần trong câu thơ là cách tổ chức âm thanh xô đẩy nhau, lúc nhẹ nhàng, dào dạt, lúc mạnh mẽ, dứt khoát, gợi lên một không gian Hạ Long bao la giao hoà trời nước như một khoảng ngập ngừng của vũ trụ, qua đó, ngợi ca thắng cảnh Hạ Long là thơ mộng, đẹp đẽ. Hay, đoản khúc Đêm khuya trong bài thơ Ngẫu hứng, hai câu thơ là hai ngữ đoạn âm thanh nhưng cũng gần như là một hợp âm nhờ phép điệp vần: Con chó cậy có chủ sủa ầm ĩ trong làng/ Còn vầng trăng thì im lặng sáng. Các âm tiết chó, có, chủ, sủa và vầng, trăng, lặng, sáng tự chúng gắn kết vào nhau thành cái biểu đạt mang nghĩa. Phép điệp các vần o, u, ua trong chó, có, chủ, sủa chồng lên nhau những âm trầm gợi âm thanh trầm đục, thô của tiếng thở dài trước sự phù du của thế sự; đến các vần âng, ăng, ang trong vầng, trăng, lặng, sáng với các nguyên âm rộng, phụ âm kết vần vang - mũi /-η/ (ng) tạo thành chuỗi âm vang, sáng chất chứa những liên tưởng và âm hưởng của thơ cổ. Như vậy, chính âm điệu trầm đục ở câu thơ thứ nhất cùng tiết tấu buông lơi ở câu thơ thứ hai tự chúng biểu đạt một cái nhìn bình thản, mang tính triết lí sâu sắc trước sự tồn tại của muôn mặt cuộc đời.

2.1.4. Trần Nhuận Minh cũng đã sự dụng biện pháp điệp thanh (điệu) trong nhiều câu thơ. Điệp thanh (điệu) là biện pháp tu từ ngữ âm, dùng cách láy lại một thanh điệu (bằng hay trắc) để gợi ra một ấn tượng, một cảm xúc đặc biệt. Chẳng hạn, câu thơ của Trần Nhuận Minh: Bá bán cua khắp ngõ huyện, chợ đình (Bá Kim) có 6/8 âm tiết trắc. Đường nét âm điệu không bằng phẳng của các thanh trắc bá, bán, khắp, ngõ, huyện, chợ cùng với sự chuyển đổi âm điệu từ âm vực cao (thanh sắc trong bá, bán, khắp) xuống âm vực thấp (thanh ngã, thanh nặng trong ngõ, huyện, chợ) tạo nên độ căng của dòng chảy âm thanh gợi lên cái tất bật, lam lũ, nhọc nhằn của người đàn bà tên Kim.            

Trong bài Màu xưa, Trần Nhuận Minh thực hiện biện pháp điệp thanh trong toàn bài thơ mà chủ âm là thanh bằng. Bài thơ viết theo thể 8 chữ, 3 khổ, 12 câu nhưng có 83/96 âm tiết bằng; có nhiều câu thơ toàn thanh bằng: Em như vầng trăng sang bên kia trời, Long lanh tìm ai cho gai lòng nhau, Lòng chăng hương xuân trong đôi hoa gầy,... Các thanh bằng là chủ âm cùng với việc nhại âm hưởng của thể hát nói tạo nên một âm hưởng nhẹ nhàng, bâng khuâng; cộng hưởng âm thanh dẫn đến cộng hưởng ý nghĩa: hương vị và màu sắc được nhất thể hoá nhằm biểu đạt thời gian quá vãng, thời gian hoài niệm. Ở bài Chiều Yên Tử, tác giả lại thực hiện một kiểu điệp thanh hết sức độc đáo: Tiếng chuông lừng lững tắt/ Rừng già chìm âm u/ Những mảnh hồn thao thức/ Bơ vơ trong sương mù. Ở đây, luật bằng trắc trong nội bộ câu thơ bị bỏ qua nhưng thế quân bình giai điệu lại được thực hiện theo một chủ ý. Đó là, giai điệu được xác lập theo hướng nghịch âm vận động trong một cấu trúc tổng thể: một câu thơ dồn nhiều thanh trắc (câu 1) xen kẽ với một câu thơ toàn thanh bằng (câu 2), và chu kì được lặp lại. Lối hài âm được tổ chức theo thế đối lập này còn có sự hỗ trợ của các từ láy âm (đầu) lững thững, âm u, thao thức và từ láy vần bơ vơ, cách hiệp vần chân cách quãng tắt/thức (vần trắc), u/mù (vần bằng) tạo nên sự đứt đoạn của dòng chảy âm thanh, chênh vênh giữa cao và thấp, mạnh và nhẹ, bổng và trầm nhưng lại tập trung biểu đạt sự khắc khoải của phận người, cõi người từ một không gian huyền ảo, cao sâu Yên Tử.

2.2. Biện pháp đối

2.2.1. Đối, còn gọi là đối ngẫu (parallélisme) là biện pháp tổ chức lời văn bằng cách điệp cú pháp nhằm tạo ra hai vế, mỗi vế là một câu hoàn chỉnh, sóng đôi với nhau. Đối có nhiều loại, vì có thể phân loại theo những cách khác nhau. Căn cứ vào sự thuận chiều hay tương phản của ý và lời, có thể chia đối thành hai loại đối cân và đối chọi. Trong thơ, người ta thường hay sử dụng phép đối vì nếu sử dụng thành công nó sẽ mang lại vẻ đẹp độc đáo cho câu thơ, bài thơ.

2.2.2. Đọc thơ Trần Nhuận Minh, dễ dàng nhận thấy từ ngữ trong thơ ông giản dị nhưng chắt lọc, cân nhắc đến mức điêu luyện. Ông rất có ý thức sử dụng từ ngữ bằng cách mở thêm cho nó những chiều, bề khác với nghĩa từ vựng thông thường, làm cho ngôn ngữ thơ vượt lên cái tuyến tính đơn giản và đạt tới đa nghĩa. Một trong những biểu hiện của phép dùng từ đó là đặt các từ ngữ trong thế đối lập và biến sự đối lập thành hài hoà, nhờ thế, nghĩa xuất hiện. Chẳng hạn, trong bài Tạ ơn dân, có đoạn: Chí nhỏ mưu việc lớn/ Tài thấp ở ngôi cao/ Thời trước ắt mang vạ/ Thời này thì chả sao/ Đất thì cao muôn thẳm/ Trời thì sâu vạn trùng. Các từ ngữ xuất hiện trong chuỗi tiếp nối được đặt trong thế vừa đối xứng, vừa phi đối xứng. Đường nét âm điệu đối xứng ở mô hình tổng thể của các câu thơ nhưng trong nội bộ từng câu thơ, các từ ngữ lại được đặt trong thế đối lập: nhỏ/lớn, thấp/cao, thời trước/thời nay, mang vạ/chả sao, cao/sâu (đối chọi), chí/tài, đất/trời, muôn thẳm/vạn trùng (đối cân) làm bật lên tiếng thở dài ngao ngán trước cái nhố nhăng, lộn sòng, vô lối của thế sự thời nay. Đọc những câu thơ này, ta hiểu thêm tấm lòng nhà thơ, sự quan tâm của nhà thơ trước những vấn đề thời sự nhức nhối.        

     Có thể nói, Trần Nhuận Minh đã ý thức được một từ khi kết hợp với một từ khác trong chuỗi âm thanh đặc biệt của thi ca, nó không còn là nó nữa khi nhà thơ viết: Sống úp mặt xuống đất/ Chết ngửa mặt lên trời/ Giàu nghèo hay vinh nhục/ Cũng trong vòng ấy thôi (Người ta). Các từ tương đương và đối lập: đất/trời, sống/chết, úp/ngửa (mặt), xuống/lên, giàu nghèo/vinh nhục tạo nên sự cộng hưởng âm thanh dồn nén và lan toả, gấp gáp và ngập ngừng như chính cái nhịp điệu khả biến của thời gian. Và sự cộng hưởng âm thanh được tạo nên qua sự đối lập của các từ ngữ, dẫn đến sự cộng hưởng ngữ nghĩa: vòng đời của một người quá ngắn ngủi nhưng lại phải chấp nhận nhiều nỗi truân chuyên.            

Trần Nhuận Minh có nhiều câu thơ dùng từ rất điêu luyện. Chẳng hạn: Thế sự ngàn năm còn tập lẫy/ Nhân tình một phút đã buông xơ (Thoáng hiện). Câu thơ của Trần Nhuận Minh có âm hưởng của câu thơ cổ, nhìn bề ngoài tưởng phục cổ nhưng thực chất là nhại cổ. Câu thơ được tổ chức như câu đối, ý đối ý, lời đối lời nhưng âm hưởng, tình điệu câu thơ rất hiện đại. Các từ ngữ này đặt trong thế tương đương và đối lập: thế sự/nhân tình, ngàn năm/một phút, còn/đã, tập lẫy/buông xơ, sự luân phiên đối lập bằng/trắc của các âm tiết TT/ BB, BB/ TT, B/ T, TT/ BB, sự sóng đôi cú pháp và sự tương đồng về nhịp 2/2/3 giữa hai câu thơ tạo thành một dòng chảy âm thanh hài hoà (trên cơ sở đối lập) thể hiện dòng tâm tư của tác giả, thoáng hiện cách nhìn nhận về thế sự, về nhân tình của nhà thơ. Câu thơ tràn ngập nỗi ưu tư đối với cuộc đời.        

     Có nhiều trường hợp, Trần Nhuận Minh sử dụng kết hợp phép đối và điệp rất tài tình. Tâm sự với bác Vương Liên, ông viết: Em vẫn vầy vậy thôi/ Bụng khi no khi đói/ Tiền lúc có lúc không/ Vợ chợt mừng chợt dỗi (Gửi bác Vương Liên). Các từ ngữ này vừa được đặt trong thế vừa tương đương, vừa đối lập: em (nhân vật trữ tình)/vợ, bụng/tiền, no/đói, có/không, mừng/dỗi, vừa được tổ chức theo phép lặp (điệp): vẫn, vầy, vậy (điệp âm đầu v), khi/khi, lúc/lúc, chợt/chợt (điệp từ) tạo nên một phức điệu mà âm chủ là nhẹ nhàng. Rõ ràng, cái bề nổi của dòng chảy âm thanh của khổ thơ đã xuất hiện dòng chảy ngầm về nghĩa theo cách nói của Pope: cái nhìn bình thản đối với cuộc đời, một tư thế ung dung tự tại trong cuộc sống.

3. Kết luận            

Đọc thơ Trần Nhuận Minh, chúng ta dễ nhận ra một tâm hồn thành thực, chân quê nhưng lại tích hợp trong mình nhiều tầng văn hoá truyền thống và hiện đại. Thơ ông là nỗi niềm nhân thế trong nỗi niềm riêng của nhà thơ. Ngôn ngữ thơ Trần Nhuận Minh vừa giản dị vừa tinh tế, phức điệu, khơi gợi nhiều tầng nghĩa sâu sắc. Nhiều biện pháp tu từ được nhà thơ sử dụng, trong đó, thành công hơn cả là biện pháp điệp và đối đã mang đến cho người đọc những khoái cảm thẩm mĩ cùng với nhiều lượng thông tin và giá trị nhận thức cao. Qua cách sử dụng biện pháp điệp và đối, Trần Nhuận Minh đã kiến tạo được cõi thơ cho riêng mình với một ngôn ngữ thơ giàu cá tính.

     
  TÀI LIỆU THAM KHẢO

 [1] Nguyễn Phan Cảnh (2001), Ngôn ngữ thơ, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.
[2] Trịnh Bá Đĩnh (2002), Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb Văn học, Hà Nội.
[3] Nguyễn Thái Hoà (2005), Từ điển tu từ - phong cách, thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[4] Đinh Trọng Lạc (1995), 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[5] Trần Nhuận Minh (2004), Nhà thơ và hoa cỏ, Nxb Văn học - Trung tâm nghiên cứu quốc học, Hà Nội.
  (Bài đã in trong sách Văn học và ngôn ngữ - những góc nhìn mới, Nhiều tác giả, Nxb Đại học Vinh, tháng 10/2014, tr.323-329)


. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ HàNội .