Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


"HOÀNG MỘC HƯƠNG",

vẻ đẹp từ nỗi đau từng trải








  
     Không ồn ào truyền thông, chẳng cầu kỳ tô vẽ, chị cứ cống hiến âm thầm mà bền bỉ, vắt kiệt mình cho những trang viết đau đáu phận người bằng thứ văn đẹp và đau mà “Hoàng mộc hương” là dấu ấn khá đậm nét giữa gia tài hàng vài chục đầu sách của Võ Thị Xuân Hà...


V ài thập niên trở lại đây, bàn về những gương mặt tiêu biểu của văn chương nữ đương đại nước ta, không thể không nhắc tới nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Gần như đều đặn năm nào, chị cũng trình làng một đứa con tinh thần mới, minh chứng cho những nỗ lực không ngừng trên hành trình sáng tác nhiều trầm luân, khổ hạnh. Tiếp nối phong độ ổn định ấy, “Hoàng mộc hương” - tập truyện ngắn mới nhất của chị hẳn sẽ mang đến cho độc giả một khoảng lặng đầy chiêm nghiệm giữa cuộc sống xô bồ, vội vã.

Thiên nhiên ám gợi

“Hoàng mộc hương” là tập hợp những truyện ngắn được nhà văn Võ Thị Xuân Hà viết trong thời gian gần đây tạo nên cuốn sách dày gần 250 trang, đa dạng về đề tài, bút pháp, giọng điệu, mở ra trước mắt độc giả những mảnh ghép hài hòa, sống động về bao thăng trầm dâu bể đời người, về cõi nhân sinh muôn hình, vạn trạng.

Ở đó không chỉ có làng quê thanh bình, núi rừng ngút ngát, biển cả bao la... mà còn thấp thoáng ẩn hiện một thế giới tâm linh huyền hồ, lãng đãng. Và hình ảnh con người, dù xuất hiện trong bối cảnh nào, với những phác gợi thoáng qua hay những khắc họa công phu, trau chuốt thì vẫn đủ hình thành nên những số phận đặc biệt, lạ kỳ và đầy suy tư, ám ảnh.

“Hoàng mộc hương nở hoa”, truyện ngắn mở đầu cuốn sách có cốt truyện tối giản nhưng không hề đơn giản khi cắt nghĩa. Không gian mang mang, huyền hoặc với “sương mù bảng lảng khắp triền núi” cuốn độc giả vào câu chuyện về cô gái bị chồng ruồng bỏ gặp lại người yêu trong tiền kiếp hiện đang là thầy thuốc dân tộc nhờ một căn duyên éo le, ngang trái khi cô đang tìm cách chữa hiếm muộn.

Nàng đã nhận ra anh bởi “tiếng gõ vu hồi vào tiềm thức”. Anh vẫn mải miết đi tìm hoàng mộc hương, loài hoa đọng những giọt lưu thủy tinh chữa bệnh quáng gà, mờ mắt là ẩn dụ kín đáo cho sự vỡ vạc, giác ngộ, chiếu soi. Nhưng liệu rằng khi sở hữu được hoàng mộc hương, anh có nhìn thấy và cảm thấu được trái tim nàng giữa “tầng tầng, lớp lớp” những kiếp người biến thiên, luân hoán?

Không gian núi rừng ngút ngát, u linh là thứ phông nền “tuyệt đẹp và buồn” liên tục xuất hiện trong các truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà. Dường như nhà văn luôn bị trăn trở với những cuộc hành trình hoặc buông bỏ và trốn chạy, hoặc kiếm tìm và giải mã. “Muôn ngàn hạt châu” để lại nhiều dư vị ngậm ngùi, đa mang bởi một thứ tình cảm “không đơn thuần là tình yêu”, vô cùng khó định nghĩa, nắm níu, khi gần thật gần, lúc xa thật xa tựa như mùi thơm hoàng mộc hương mê hồn, ám gợi.

Hay với “Đoạn trường thảo kiêu hãnh”, tác giả đã xoáy ngòi bút vào đến tận đáy bi kịch đớn đau của những cô gái “hồng nhan bạc phận” mà cảm giác thứ mực để nhà văn viết ra câu chuyện này là sự kết tinh của máu tươi và nước mắt.

Cái tài của Võ Thị Xuân Hà là khả năng xây dựng không khí truyện đa chiều, đa khối, khi chân thực sắc nét, lúc ảo ảnh mơ hồ, với bút pháp giàu chất thơ tài hoa, điêu luyện mà dù bối cảnh rừng núi, non cao có điệp lại trong các truyện ngắn nối tiếp nhau vẫn tạo ra những điểm nhìn riêng biệt.

Ở “Biên ải”, thiên nhiên hiểm trở, ngút ngàn phóng chiếu thứ “ánh sáng thiên lương” để những kẻ buôn người xuyên quốc gia tìm được chút - lương - thiện - còn - sót - lại khi cứu một con khỉ mắc kẹt dưới khe đá sâu thì đến với “Đỉnh Tuấn Mã”, thiên nhiên u huyền, mê mị lại giúp nhân vật chính ngộ ra “hạnh phúc đã từng nhỏ những giọt nước mắt dịu dàng gần kề bên tôi”.

Thiên nhiên trong văn chị không đơn thuần chỉ có những miêu tả mĩ miều bề mặt mà còn mang nhiều gợi ý, kết nối sâu xa, như nhà văn Trần Nhã Thụy từng nhận xét “nếu đọc vội, chúng ta có nguy cơ bỏ qua những dấu chỉ hay để thất lạc những mảnh hoa văn tâm hồn để có thể ráp nối vào nhau”.

Nỗi đau ở lại

Mảng đề tài nổi bật khác trong cuốn sách này là những trang viết về hậu chiến. “Bên thềm gạch cũ”, truyện ngắn đoạt giải B Hội Liên hiệp VHNT thành phố Hà Nội năm 2019 là câu chuyện giản dị và xúc động về bà mẹ già có những người con trai là liệt sĩ, vẫn lặng thầm sống với những hoài niệm hình nỗi đau âm ỉ. Bà đã quyết định làm đám cưới âm cho cậu con Út như nỗ lực thể hiện trách nhiệm của một người mẹ hết lòng thương con vào một ngày “mưa xuân bay bay ngoài bầu trời bấy giờ bất chợt hồng lên một màu hoa đào tinh khiết”.

Khai thác từ một điểm nhìn ngược lại,“Những bức thư gửi từ biển” là những tâm sự thiết tha của linh hồn anh lính đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, luôn hướng trái tim về phía gia đình nơi quê nhà với tình yêu cồn cào, khắc khoải. Hòa chung văn mạch này, “Đêm dài” khiến thế hệ hôm nay lắng lại trong suy nghiệm về vết thương chiến tranh và câu hỏi làm cách nào để xoa dịu những cơn đau nội tâm nhức nhối?

Viết về những nỗi đau sau chiến tranh, nhà văn Võ Thị Xuân Hà không hướng ngòi bút đến sự trần trụi, thảm khốc, bi thương như nhiều cây bút cùng thời. Chị chọn cho mình cách nhìn sâu vào những góc khuất khiêm nhu, bình lặng với những chi tiết dung dị, đời thường bằng cách kể chậm rãi và thấm thía mà “Mảnh đất cho Tô-ni” là dẫn chứng cụ thể cho điều đó.

Đây là một truyện ngắn đặc biệt kể về một thân phận đặc biệt được lấy cảm hứng từ nguyên mẫu có thật ngoài đời - cậu bé Tô-ni, con lai của một người phụ nữ Huế và một tên lính Mỹ từng tham chiến ở nước ta. Cậu lớn lên trong sự săm soi, khinh bỉ của người đời. Trải qua những thiệt thòi lặng lẽ, Tô-ni được bảo lãnh sang Mỹ. Nhưng sự ra đi ấy vẫn khiến nhân vật tôi, bạn của Tô-ni không khỏi mủi lòng thương cảm: “Mỗi con người khi sinh ra đều có con đường định mệnh, trên con đường riêng khác đó, ý chí con người cũng góp phần quyết định số phận của mình”. Ấy cũng chính là thông điệp “Tình yêu thương lớn lao đã giúp con người đi qua mọi mất mát và hận thù” (Lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều) mà tác giả truyện ngắn này muốn gửi gắm, lan tỏa.

Giản dị cuộc sống hôm nay

Góp một phần quan trọng vào sự đa dạng cho tập “Hoàng mộc hương”, phải kể đến những truyện ngắn mô tả nét đẹp con người lao động và cuộc sống thường nhật hôm nay. Từng giành ngôi vị quán quân cuộc thi viết về Người chiến sĩ Công an thủ đô vì Tổ quốc bình yên, vì nhân dân phục vụ, trở lại lần này với “Lính cứu hỏa”, thêm một lần nữa, Võ Thị Xuân Hà đã tô đậm những phẩm chất cao quý của những cán bộ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã đánh đổi sức khỏe, tình yêu và thanh xuân tươi đẹp của mình xả thân vào ngọn lửa hung tàn, nguy hiểm để thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ, bằng một câu chuyện nhiều bất ngờ, day dứt.

Truyện ngắn “Những nét đào mong manh” là điểm xuyết nhẹ nhàng, mềm mại về những con người vùng cao bảo vệ môi trường và gìn giữ nét đẹp truyền thống của những vườn đào quê hương “mỏng manh bay bay theo gió trên sườn núi”.

Điều thú vị trong mảng đề tài con người lao động và cuộc sống thường nhật hôm nay là tác giả luôn khéo léo gieo trồng những hạt mầm thông điệp dịu dàng, ý nhị. Cá tính, quan điểm của mỗi con người giống như những đường ánh sáng chạy dài mải miết. Khi gặp một thấu kính hội tụ mang tên tình yêu, hai đường ánh sáng song song sẽ quy về một điểm.  

Hạ và Bình trong truyện ngắn “Thiên Hạ Thái Bình” là hai đường sáng song song như thế. Sau nhiều những bất đồng lỗi nhịp, họ đã đến với nhau bằng niềm thấu hiểu chân thành. Hạt mầm thông điệp tiếp tục được ấp ủ trong “Ẩn sĩ và người đàn bà giấu mặt”, một truyện ngắn vừa nóng hổi tính thời sự, vừa thấm đẫm triết lý Phật pháp.

Tinh xảo đẹp và thấu suốt đau

Cuốn sách kết thúc bằng một truyện ngắn độc đáo đậm chất huyền ảo và không khí liêu trai mang tên “Câu chuyện của Nàng Thê”. Từ tầng Tàng Sinh nhìn về những kiếp luân hồi đầy đắng cay, vô hạnh, Nàng Thê kể lại câu chuyện về những cõi đời ngắn ngủi mình đã trải qua với đầy đủ những biến cố khốc liệt tận cùng, khô kiệt giọt sống bằng thứ văn tinh xảo đẹp như lên men vân gốm và thấu suốt đau như “kiếm sắc xuyên tâm”. Đây là truyện ngắn xuất sắc đan cài ngồn ngộn nhiều tầng nghĩa ẩn sâu thăm thẳm như vỉa quặng dưới đáy biển khơi mà mỗi lần đọc lại, có thể sẽ khai mở một cách nhìn đầy giật mình, lạnh gáy.

Những truyện ngắn như thế đã góp phần định hình phong cách văn xuôi Võ Thị Xuân Hà không thể nào hòa lẫn. Như có ý kiến cho rằng, tác phẩm của nữ văn sĩ tài năng này, dù ẩn tên tác giả vẫn có thể nhận ra rất rõ. Không ồn ào truyền thông, chẳng cầu kỳ tô vẽ, chị cứ cống hiến âm thầm mà bền bỉ, vắt kiệt mình cho những trang viết đau đáu phận người bằng thứ văn đẹp và đau mà “Hoàng mộc hương” là dấu ấn khá đậm nét giữa gia tài hàng vài chục đầu sách của chị.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả từ HàNội .