ANH CHIỂU ƠI!
Nhà văn TRẦN CHIỂU Sinh năm 1938 tại làng Quỳnh Biểu, tổng Hà Nam, xã Liên Hoà, Huyện Yên hưng, Tỉnh Quảng Ninh đã vĩnh biệt chúng ta vào hồi 14h ngày 30/11 năm 2014 (tức là ngày 09 tháng 10 năm Giáp Ngọ). Ông mất đi là một tổn thất lớn cho nền văn học Quảng Ninh và bà con, anh chị em thân thiết, bạn đọc gần xa. Vô cùng thương tiếc ông, tôi viết bài này thay một nén nhang thắp trước mồ ông.
Đ ang ăn cơm chiều, tôi sững sờ nghe con ông Trần Chiểu thoại báo tin bố mất. Qua một vài câu trao đổi, tôi mới biết ông bị tai nạn xe máy. Ngắt thoại rồi, tôi còn không tin ở tai mình. Ông Trần Chiểu, một người hăng hái đi, hăng hái viết, viết nhanh viết khỏe, có trách nhiệm với gia đình, nhiệt tình với công việc và nồng hậu với anh em bè bạn lại ra đi bất ngờ, đau xót đến thế sao?
Tôi biết Trần Chiểu ngót bốn mươi năm. Thời ông còn làm ở Đài phát thanh Quảng Ninh. Biết thì biết vậy, gặp nhau qua một vài câu xã giao rồi lại mỗi người một ngả, một việc. Lúc đó, ông đã sáng tác nhưng còn thưa thoáng cho mãi đến năm 1999 mới ra được tập thơ Chân đất và tập truyện ngắn Lễ rước cụ Thượng. Tôi biết anh là con trai út một gia đình khá giả tại làng Quỳnh Biểu thuộc tổng Hà Nam huyện Yên Hưng. Gia cảnh bắt đầu sa sút khi cha mất năm ông bảy tuổi. Hai anh trai tích cực tham gia kháng chiến chống Pháp lần lượt hi sinh. Người mất ở làng; người mất tít tận Cao Bằng. Gánh nặng gia đình trút cả vào ông. Ông phải lấy vợ sớm để cùng nhau san sẻ lo toan vất vả. Cô gái cùng thôn ngoan lành, đảm đang đã đi theo ông đến tận bây giờ.
Sau ngày miền bắc hoàn toàn giải phóng, khắp nơi bước vào xây dựng đời sống mới. Ông tham gia tích cực công tác thông tin tuyên truyền và dạy học. Ông năng động cho ra tờ Tin nông thôn ở cái làng quê Quỳnh Biểu thời bấy giờ. Ông vừa làm tổng biên tập vừa tích cực viết tin tức, vẽ tranh minh họa các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước. Ông viết bài cho báo Vùng mỏ. Một vài truyện ngắn của ông đã được đăng. Năm 1959, ông được mời lên làm phóng viên bắt đầu cuộc đời làm báo chuyên nghiệp kéo dài hơn bốn chục năm với bao thăng trầm trong cuộc đời người. Năm 1998, ông Trưởng phòng nội chính - Văn xã và chủ tịch công đoàn nhà đài Trần Chiểu được nghỉ hưu, yên ấm cùng vợ con trong căn nhà riêng xây trên triền đồi phường Cao Xanh khi tuổi đời đủ 60 với 40 năm công tác.
Ông đã về nghỉ nhưng không chịu sống trong yên ổn. Cái nghiệp viết, sáng tác đeo bám ông từ bé đến giờ được dịp vươn dậy. Chúng tôi thân nhau từ đấy. Vóc dáng cao to, vững chãi, gương mặt đầy đặn, tiếng cười nói vô tư thoải mái với điệu bộ bằng bàn tay to chắc đã tạo thành hình ảnh quen thuộc với mọi người mỗi khi gặp ông. Ông đi khỏe, viết khỏe, viết nhanh. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã cho ra đời chục cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ. Người đọc thấy lôi cuốn bởi những tình tiết, sự kiện ào ào tuôn chảy. Những chi tiết đời sống lạ và thú vị được thể hiện bằng giọng kể nhiệt thành thể hiện cái tâm của tác giả. Ông có thể ngồi hàng chục giờ, miệng nói tay chỉ khi nhẹ nhàng khi băm bổ kể về những nhân vật được ông nhắc tới. Tôi và nhà văn Hoàng Tuấn Dương đã được ông đọc cho nghe từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều và chỉ được nghỉ nửa tiếng vào lúc ăn trưa ngay tại nhà ông. Ông thuộc chi tiết từng nhân vật hay nhân vật đã sống trong ông. Cả những nhân vật đã hoặc sắp sinh ra cũng được ông mang ra kể không sai sót. Cử chỉ và lời nói, hướng đi của nhân vật, của mạch chuyện, chi tiết ngồn ngộn có được bởi vốn sống phong phú và khổ công ghi chép, tìm hiểu ở nhiều nơi. Mỗi người một số phận với những hành động riêng, rành rẽ, khó lẫn. Những trang viết hầm hập hơi thở của người thợ. Nếu nói đến người viết nhanh viết khỏe ở Quảng Ninh, chắc chắn số đông bạn viết bỏ phiếu cho ông.
Ông chân tình ưu ái bạn bè đến hết mức. Cầm trên tay cuốn sách bề thế chững chạc ngót ngàn trang in khổ 14,5. 20,5 Sỹ Hồng - Tác Phẩm Chọn Lọc gồm 25 truyện ngắn và hai tiểu thuyết thật sự tiêu biểu của nhà văn Sỹ Hồng, tôi thực sự kinh ngạc và tâm phục, khẩu phục ông. Trong thời kỳ bạn đọc quay lưng với sách như thế này mà ông dám vì bạn tự chọn, tự xuất bản và phát hành, đương đầu với gian nan khó khăn như thế trên đời thực khó gặp. Trần Chiểu còn Một đời tri kỷ là tập bút ký viết về bè bạn do Hội văn học nghệ thuật Quảng Ninh xuất bản năm 2006. Phải mất biết bao công sức tìm hiểu, thăm dò, tham khảo mới viết được chân dung các văn nghệ sĩ lại còn tiền bạc để có một tập sách ra đời mà cho tặng là chủ yếu. Âu cũng là cái nghiệp bắt ông phải đeo mang.
Tôi là người được cùng ông tham gia nhiều trại sáng tác, nhiều chuyến đi thực tế. Với vóc dáng cao to, cử chỉ dứt khoát, động tác mạnh mẽ và sức khỏe, ông đã để lại ấn tượng rất mạnh với anh chị em văn nghệ sĩ và bạn đọc mọi nơi. Lúc nào gặp ông cũng thấy ông nói về những dự định sáng tác đầy ắp chi tiết sống động. Khi leo Vạn lý trường thành, khi trong đêm lành lạnh của xứ Đà Lạt mộng mơ, lúc tranh luận với nhau trong trại viết do Bộ Công an tổ chức tại Bãi Cháy, lúc trên đường tác nghiệp tại Lào Cai. Với giọng nói to tát, ông cứ thản nhiên thể hiện hết mình nhiều khi lấn át những ý kiến nhòe nhoẹt của người chung quanh. Nói chung ông là người chu đáo, tận tâm với công việc với anh em bè bạn.
Mới đây, ông vừa viết xong cuốn tiểu thuyết Án tử. Không biết có gì đã vận vào người ông không? Ông gửi cho tôi qua mạng sau khi hoàn thành cuốn Găm trong đá viết ngày dự trại sáng tác của Bộ Công an cùng với tôi tháng 3 năm 2013. Ông nói Án tử là tác phẩm ông viết trả nợ Công an nhân dân Quảng Ninh nơi đã cung cấp tin tức, tư liệu cho ông trong đợt đi sáng tác năm 2014.
- Chú xem thế nào? Cho anh biết ý kiến!
Tôi đang bận tối mắt với tiểu thuyết Miền nắng đỏ của mình vừa ra nên chưa đọc hết. Tặng ông cuốn sách mới, tôi thú thật với ông vừa đọc vài chương ông gửi và mất thời gian vì phải sửa chữa lỗi nhiều. Ông cởi mở:
- Tôi cũng đã sửa và chuyển bản thảo cho mấy người. Chú cứ nhẩn nha đọc, góp ý giúp tôi. Ý kiến mọi người, tôi sẽ xem xét kỹ càng rồi lại tiếp tục thay, tiếp tục chữa. Chú yên chí!
Hôm cùng nhau nhận Giải thưởng của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, hôm tham dự Đại hội văn học nghệ thuật Quảng Ninh lần thứ X, ông còn năng nổ, vui vẻ khuyến khích mọi người hăng hái sáng tác. Bao nhiêu dự định, bao nhiêu mơ ước còn rừng rực, hừng hực trong con người ông. Không một ai có thể tin con người mạnh mẽ ấy đã ra đi chỉ sau mấy ngày. Tôi biết ông còn quá nhiều việc phải làm, cần làm nhưng Trần Chiểu ơi! Hơn một chục cuốn tiểu thuyết, hai tập thơ, hai tập truyện ngắn và hàng loạt bút ký, ký sự của ông để lại đã là một gia sản lớn mà không phải một người viết nào cũng đạt được. Gia sản văn học mà Hội văn học nghệ thuật Quảng Ninh có được không thể thiếu ông. Chúng tôi thắp hương kính viếng ông, ông mãi mãi vẫn là một tấm gương lao động bền bỉ, nhọc nhằn. Đó là một phẩm chất mà những người viết phải luôn luôn nhớ và noi theo đến tận khi xuôi tay nhắm mắt.