Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


Bờ Sông Vẫn Gió

Trúc Thông






                              Lá ngô lay ở bờ sông
                                     Bờ sông vẫn gió
                                     Người không thấy về
                                     Xin người hãy trở về quê
                                     Một lần cuối…. một lần về cuối thôi
                                     Về thương lại bến sông trôi
                                     Về buồn lại đã một thời tóc xanh
                                     Lệ xin giọt cuối để dành
                                     Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha
                                     Cây cau cũ, giại hiên nhà
                                     Còn nghe gió thổi sông xa một lần

                                     Con xin ngắn lại đường gần
                                     Một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi.

Lời bình của Nguyễn Thị Lan

1. Nhà thơ Trúc Thông (tên khai sinh là Đào Mạnh Thông), sinh năm 1940 tại Bình Lục, Hà Nam, tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp. Trưởng thành từ những năm chống Mỹ cứu nước, Trúc Thông là một gương mặt thơ khá đặc biệt và có nhiều đóng góp đáng ghi nhận cho nền thơ Việt Nam đương đại. Cuối năm 2016, anh được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Suốt đời tận tụy với thơ ca và coi thơ ca như một tôn giáo đặc biệt, Trúc Thông mang khát vọng cách tân thơ. Xoay xở đủ cách nhưng thành công nhất của anh lại là những bài thơ cổ điển, trong đó tiêu biểu là bài “Bờ sông vẫn gió”, kính dâng hương hồn mẹ anh sau khi bà qua đời. Đây là bài thơ hay nhất của đời thơ Trúc Thông, đã góp phần làm nên tên tuổi nhà thơ.

2. “Bờ sông vẫn gió” là bài thơ khóc mẹ. Thành công của bài thơ không chỉ vì nó chứa đựng tình mẫu tử sâu nặng, chạm đến trái tim người đọc, mà còn ở sự tinh luyện của tác giả trong việc thể hiện nó bằng thể thơ lục bát, một thể thơ dân tộc.

Trúc Thông bắt đầu bài thơ bằng sự ngóng đợi:

                         “Lá ngô lay ở bờ sông
                                     Bờ sông vẫn gió
                                     Người không thấy về”

Đứa con một lần trở về quê, đi đến nơi mang hình bóng mẹ và anh nhớ mẹ. Đó là một bờ sông nơi mẹ anh vẫn thường đi về. Nay, vẫn ở bờ sông ấy, vẫn bãi ngô ấy, vẫn gió thổi, sông trôi, chỉ thiếu vắng mẹ. Trong sự ngóng đợi của người con có rất nhiều nỗi buồn và hoài niệm. Ở hai câu thơ đầu này, đáng chú ý nhất là từ “lay”, một động từ đầy biểu cảm. “Nó chạm đến sự mong manh, chạm đến sự thảng thốt, chạm đến sự se thắt trong lòng chủ thể trữ tình và cả trong lòng người đọc”. Trần Vũ Long đã nhận xét một cách tinh tế như vậy. Đứa con mong mẹ về và phải chăng mẹ đã về, mẹ thấp thoáng sau làn gió lay động lá ngô kia ? Ngọn gió ấy đâu phải chỉ của thiên nhiên, nó còn của hồn người. Chính vì thế, có nhà phê bình đã cho rằng: Đây là bài thơ nhiều… gió nhất trong thơ Việt Nam.

Cũng ở hai câu đầu, tác giả lặp lại hai lần hình ảnh của “gió” và “bờ sông”: “Lá ngô lay ở bờ sông” “Bờ sông vẫn gió”, nhưng sự lặp lại không thừa mà càng làm tăng thêm sức biểu cảm của câu thơ. Người con ấy đã ngóng đợi mẹ trong sự nôn nao, hoài vọng.

Đoạn giữa gồm tám câu, được cấu tứ thành bốn cặp thơ là khổ chính của bài, đã khái quát tình cảm của con với mẹ và cuộc đời tần tảo của mẹ.

                        “Xin người hãy trở về quê
                         Một lần cuối… một lần về cuối thôi”

Từ hai câu thơ này, tình cảm của người con đối với người mẹ ở thế giới bên kia tăng dần. Anh van xin mẹ trở về quê để anh được gặp mẹ lần cuối. Chữ “xin” được nhà thơ dùng đến ba lần suốt cả bài thơ như lời khẩn khoản van nài, đã chạm đến cõi lòng rưng rưng của người đọc:

                         “Xin người hãy trở về quê”
                                     “Lệ xin giọt cuối để dành”
                                     “Con xin ngắn lại đường gần”

Câu “Một lần cuối…một lần về cuối thôi” với cách ngắt nhịp bất thường 3/3/2 và điệp khúc “một lần” với hơi thơ dồn dập đã diễn tả nỗi lòng mong mỏi, khắc khoải của người con. Cầu xin mẹ trở về lần cuối để mẹ “thương lại”, “buồn lại”, ngắm lại, nghe lại:

                         “Về thương lại bến sông trôi
                         Về buồn lại đã một thời tóc xanh”
                         …“Cây cau cũ, giại hiên nhà
                         Còn nghe gió thổi sông xa một lần”

Bức tranh quê thanh bình- một không gian thuần Việt - mà người con vẽ ra đã gắn bó với cả cuộc đời tần tảo nắng mưa suốt “một thời tóc xanh” của mẹ. Dáng hình và hồn vía mẹ cứ thấp thoáng, lấp lánh sau thiên nhiên, cây cỏ, sông nước quê nhà. Những ký ức về mẹ càng làm cho người con thêm phấp phỏng, day dứt, xót xa:

                 “Lệ xin giọt cuối để dành
                         Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha”

Nhà thơ nói là “giọt cuối” nhưng thực ra cả bài thơ đã chan hòa nước mắt thương nhớ rồi.

Hai câu kết: “Con xin ngắn lại đường gần/ Một lần rồi mẹ hãy dần dần đi” như một tiếng khóc thăm thẳm của người con với mẹ. Biết là mẹ không bao giờ trở lại nữa mà vẫn cầu xin, van nài, ngóng đợi mẹ sẽ trở lại, dù chỉ “một lần”.

3. Có thể dễ dàng nhận thấy bài thơ còn một số khiếm khuyết về ngôn từ. Những hạt sạn như chữ “ở” trong câu; “Lá ngô lay bờ sông” mà một số nhà thơ đã tìm cách ứng cứu bằng những từ khác nhưng vẫn không ổn. hoặc chữ “về” lặp lại ở chỗ bắt vần của câu thứ hai (Bờ sông vẫn gió người không thấy về) và câu thứ tư (Một lần cuối… một lần về cuối thôi) mà người sành thơ cho là “quẩn vần”.

Nhưng người ta sẵn sàng quên đi bởi cái TÌNH sâu nặng. Bởi sự chân thành (sự chân thành bao giờ cũng làm cho người ta cảm động, thương mến). Bởi sự giản dị tự nhiên (giản dị đến mức đơn giản ). Bởi sự xuất thần của các câu thơ. Bởi ngôn ngữ tinh tế gợi cảm. Bởi thể thơ lục bát được sử dụng một cách thanh thoát, nền nã, tự nhiên. Và sau hết, bởi cái “âm nhạc bên trong” của thơ cứ ngân vang trong lòng người đọc, tạo nên một âm hưởng trầm, xa vắng, thao thiết…

Về một bài được coi là hay, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: đó phải là bài thơ “giản dị, xúc động, ám ảnh”, phải chăng “Bờ sông vẫn gió” là một bài thơ như vậy ? Đây là bài thơ lạ, hay, hiếm hoi (có người cho là Trúc Thông được “trời cho”) trong “khu vườn” thơ Trúc Thông.

Trong cuộc đời sáng tác của một tác giả, nếu viết được một bài thơ được nhiều người biết đến, có khă năng neo đậu trong lòng độc giả, đã là điều vô cùng hạnh phúc. Nhà thơ Trúc Thông với bài thơ “Bờ sông vẫn gió” đã làm được điều đó. Thi phẩm xứng đáng được xem là một trong những bài thơ khóc mẹ hay nhất trong thơ ca Việt Nam hiện đại.

Hải Dương, tháng Năm, 2020