Tặng bạn Văn
Nào ta cạn chén đi anh
Đời người mấy chốc mà thành cỏ hoa
Biết bao thành luỹ quanh ta
Nhắp đi, ngoảnh lại đã là khói sương
Nói gì đến chuyện văn chương
Cánh chim trong bão. Con đường không ga…
Cái thời ríu rít đã qua
Ngày mai còn lại biết là mấy ai?
Nhấp nhô toàn những thiên tài
Cuối cùng thơ vẫn ở ngoài tầm tay
Giữ gìn những gió cùng mây
Đã là mây gió thì bay về trời
Viết sao cho hết niềm người
Uống sao cho cạn nỗi đời đắng cay
Thì thôi còn một chén này
Rồi ra mỗi đứa lưu đày mỗi phương...
Matxcơva 2.1992
L ý giải vì sao những bài thơ Trần Đăng Khoa viết trong thời gian sang Liên Xô sau đó là Nga học đã có những đột biến. Thơ ông đẫm chất triết lí về nhân loại về xã hội bắt ta phải đào sâu suy ngẫm. Thơ ông nhiều phơi trải, nói đúng hơn là dám phơi trải. Những câu thơ như nhà thơ Trần Nhuận Minh đã viết:
“Câu thơ như gan ruột
Phơi ra giữa trời mây”
“ Trái đất mỏng manh và đáng thương biết mấy
Trước những mưu mô toan tính của con người”
Tôi rất trân trọng những bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa viết khi ông đang học trường đại học Gorki. Trong đó bài thơ VỚI BẠN
Bài thơ VỚI BẠN theo tôi là một bài thơ mang tính cảnh báo và dự báo rất cao. Những gì mà Trần Đăng Khoa đã viết từ năm 1992 ở Matscova giờ đã trở thành hiện thực. Chỉ là ngồi uống rượu với những người bạn mà theo lời đề tặng đó là: “Tặng bạn văn ” mà tất cả những đa đoan dâu bể của cõi người hiện nguyên trạng trên từng câu từng chữ của bài thơ lục bát, một thể loại để dễ bày tỏ tâm tình. Mở đầu bằng một cặp lục bát:
Đời người mấy chốc mà thành cỏ hoa”
Câu thơ như muối xát lòng ta, nhiều người khen nó hay vì nó dội mạnh vào tâm hồn ta, lan tỏa trong ta bao điều suy ngẫm. Vâng rất hay và cũng rất đau. Câu thơ mang tính cảnh báo cái ngắn ngủi, cái mong manh của kiếp người. Thì bạn ơi hãy cùng nhau cạn chén, kẻo mai rồi không còn dịp được ngồi bên nhau để dốc bầu tâm sự. Trong cuộc rượu có thể tỉnh , có thể say nhưng tất cả đều rất thật, thật từ thẳm sâu lòng mình thật ra ngoài đời. Vâng chẳng mấy chốc mà ta đã thành cỏ hoa. Sự chuyển đổi từ kiếp người sang kiếp cỏ hoa không phải là sự chuyển đổi từ kiếp này sang kiếp khác. Nhà thơ nói cho văn hoa vậy thôi để tự an ủi mình và an ủi bạn. Thực chất xác thịt của chúng ta đã trở thành phân bón cho hoa cỏ. Vâng thế vẫn còn có ích, vẫn còn hữu dụng. Sau chén rượu ấy nhà thơ đã dốc bầu tâm sự thấm đẫm đắng cay ngang trái và cũng rất nhiều triết lý:
Nhắp đi, ngoảnh lại đã là khói sương
Nói gì đến chuyện văn chương
Cánh chim trong bão. Con đường không ga…”
Đây chắc là một cuộc rượu của những người bạn cùng học tại trường đại học Gorki để nói chuyện văn chương. Vì có lẽ sau sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô sự sụp đổ của phe Xã hội chủ nghĩa, mọi chương trình dạy văn học của trường đã thay đổi. Nền văn học được gọi là Hiện thực Xã hội chủ nghĩa đã không còn. Để giải tỏa những ẩn ức trăn trở cho mình cho bạn Trần Đăng Khoa đã đưa ra một so sánh rất hiện thực. Vâng những thành lũy được dựng xây kiên cố đã bị thời gian và con người tàn phá thì chuyện văn chương là hư ảo thì tính làm gì. Từ khi nhân loại sinh ra và theo đó nền văn học đã hình thành phát triển hết trường phái này đến trường phái kia, hết chủ nghĩa nọ đến chủ nghĩa kia nào đã chịu dừng lại. Văn chương mà được ví von so sánh với cánh chim trong bão táp, ví với một con đường tàu không ga neo đậu thì quả thật quá hãi hùng. Cánh chim sẽ bị bão giông quăng quật tả tơi, còn đoàn tàu chẳng biết đi đâu về đâu. Câu thơ viết từ năm 1992 như một linh cảm một sự dự đoán cho nền văn học vẫn được gọi là nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa đã ứng nghiệm. Thì chúng ta tài hèn phận mỏng lo nghĩ làm gì hãy cùng nhau cạn chén để biết ngày hôm nay chúng ta đang tồn tại. Rồi nhà thơ chợt nhớ lại về một thời ríu rít. Nhớ laị thôi và không hề tiếc nuối và còn ẩn chứa một niềm vui vì rất may nó đã qua rồi. Thời mà cứ xúm nhau lại tụng ca, thời chỉ biết tụng ca đã không còn nữa. “Ngày mai còn lại biết là mấy ai”, câu thơ ẩn chứa bao điều bắt ta phải suy ngẫm. Cũng có thể nói rằng đó là quy luật tử sinh của con tạo. Cũng có thể hiểu rằng trong thế giới văn chương này liệu ai rồi sẽ mất, ai rồi sẽ còn mãi với thời gian ? Một câu hỏi không dễ trả lời. Câu hỏi thuộc về sự phán xét khắc nghiệt của thời gian.
Ngày mai còn lại biết là mấy ai?
Nhấp nhô toàn những thiên tài
Cuối cùng thơ vẫn ở ngoài tầm tay”
Một câu thơ nữa cũng thật mỉa mai. Ôi thiên tài mà nhấp nhô thì nhiều lắm. Suy cho cùng ở Việt Nam từ khi có nền văn học chỉ có cụ Nguyễn Du là được nhân dân tụng ca là một thiên tài. Còn biết bao thiên tài được phong, ép phong và tự phong trong một thời giờ đã bị quên lãng. Thế giới văn chương rộng dài vô tận mà bàn tay và trí tuệ của những thiên tài ấy lại ngắn ngủn và cạn hẹp thì tất cả thơ cũng chỉ ngoài tầm tay là điều chắc chắn không cần bàn cãi. Vâng ! không thể với tới, không thể nắm bắt. Đến đây chắc cuộc rượu đã dần tàn và nhà thơ như đang dốc cạn bầu tâm sự nhiều xót xa đắng chát:
“Giữ gìn nào những gió mây
Đã là mây gió thì bay về trời
Viết sao cho hết niềm người
Uống sao cho cạn nỗi đời đắng cay”
Thi ca chỉ là những gió cùng mây, đã là mây gió sao có thể nắm bắt lưu giữ được rồi gió sẽ đi đằng gió, mây sẽ bay đằng mây. Kẻ về trời , kẻ đi vào mông lung vô hạn...không một thế lực nào ngăn giữ được. Rồi nhà thơ như gửi vào đây một lời nhắc nhở chúng ta hãy viết về Niềm người mênh mông bể khổ. Uống cả nỗi đời ngàn vạn đắng cay. Nhưng thứ thì không thể viết, thứ thì không thể uống vì niềm người vì nỗi đắng cay của nhân loại thuộc về vô tận mà kiếp người của chúng ta thì nhỏ bé mong manh và hữu hạn...Đành lòng vậy, cầm lòng vậy:
“ THÌ THÔI CÒN MỘT CHÉN NÀY
RỒI RA MỖI ĐỨA LƯU ĐÀY MỖI PHƯƠNG”
Cuộc rượu của những bạn văn chương đã tàn và ta đã thấy giờ đây họ đang vất vưởng trong cõi lưu đày của thế gian.
Bài thơ thấm đẫm nỗi buồn đau nhân thế, nỗi buồn đau văn chương. Ai đọc nó mà không thấy lòng mình xa xót ...
.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ BắcNinh .