Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



      

SỰ KHỦNG HOẢNG
TÂM LÝ XÃ HỘI THEO CÁCH NHÌN S. FREUD




     (Thưa các bạn, bài này tôi viết năm 2019, dựa vào trí nhớ và những trải nghiệm cá nhân. Nay đọc cuốn “FREUD trong 60 phút”,
     được nhà Tâm lý học Hoàng Lan Anh, ở Đức, dịch giả của cuốn sách này tặng, thấy có đôi chỗ cần chính xác hoá, bổ sung.
     Vậy xin đăng lại).


T ừ vụ người đàn ông Nguyễn Văn Đông ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng (Hà Nội), sáng ngày 01/9/2019, dùng dao chém chết 05 người trong gia đình người em ruột (1), đã dấy lên nhiều câu hỏi và cũng đã có những bài viết phân tích nguyên nhân từ các góc độ khác nhau (2). Bài viết này góp thêm góc nhìn Tâm lý học theo S. Freud, để thấy tình trạng chung của xã hội, mà vụ án trên chỉ là một trường hợp điển hình.

I. SƠ LƯỢC VỀ TÂM LÝ HỌC FREUD (Phân tâm học)

Sigmund Freud, nhà Tâm lý học nổi tiếng người Áo (1856 – 1939) quan niệm rằng, tâm lý con người được cấu trúc bởi một số yếu tố và có cơ chế chi phối lẫn nhau, đồng thời luôn chịu tác động từ xã hội, nếu không giữ được cân bằng sẽ làm rối loạn cơ cấu bên trong và dẫn đến những lời nói, hành động sai lệch, bệnh hoạn, thậm chí điên loạn...

Theo Freud tầng sâu thẳm của tâm lý con người là VÔ THỨC, trong đó bao gồm những BẢN NĂNG (sinh tồn, dục năng, khoái cảm, ước muốn, sợ hãi, hung hãn...) và nhiều cái HỮU THỨC bị chìm vào vô thức (những thèm muốn, mong ước, đau khổ, hận thù, tội lỗi, mặc cảm, thành kiến, định kiến, niềm tin ...), những trải nghiệm đó tưởng đã quên đi, đã dẹp bỏ... nhưng thực ra nó lẩn vào vô thức, hoà trộn vào nhau trong “cái thùng vô thức hỗn độn” và sẽ bùng lên trong những tình huống nhất định. Chính cái “vạc táp pí lù” những Bản năng sôi sục cùng với những cái “chốt cắm” trong Tiềm thức mới là động lực chính, thúc đẩy người ta nói năng, hành động hăng nhất...

Trong Phật pháp thì gọi cái “thùng” vô thức này là những Tham, Sân, Si, Ngã chấp...thúc đẩy người ta hành động VÔ MINH (Có cả Vô thức, Vô minh tập thể). Khác với các Triết học Duy lý (trong đó có chủ nghĩa Mac – Lê) Freud coi thế giới Vô thức mới thực sự chi phối một cách tự nhiên, thường xuyên, bền vững, cấp thiết nhất đối với đời sống Tâm lý mỗi cá nhân và xã hội. Nhưng để biện minh cho những hành động vô thức đó, người ta nguỵ biện bằng duy lý…

Để có thể hình dung hoạt động tâm lý của con người, Freud đã đưa ra một cấu trúc và cơ chế tâm lý như sau:

Tâm lý trong con người ta có 3 khối: Cái NÓ (bản năng, vô thức), Cái TÔI (tự ý thức) và Cái SIÊU TÔI (lương tri). Ba khối này hoạt động theo những Nguyên tắc khác nhau:

- Cái NÓ đòi hỏi Thoả mãn những nhu cầu đem lại Khoái lạc, mà lòng ham muốn những khoái lạc là vô cùng tận (ăn, uống, tình dục, của cải, quyền lực, lạc thú, ham sống, ích kỷ ...); được thỏa mãn thì khoái chí, càng thèm khát, muốn duy trì, tận hưởng; bị ngăn chặn thì bức xúc, uất hận, muốn tiêu diệt kẻ cản phá... Cái NÓ có sẵn trong con người từ lúc lọt lòng (bú mẹ ngon lành thì thỏa mãn, miệng cười, mắt lim dim; bú không đủ sữa thì cằn nhằn, hờn dỗi, ...). Cứ thế cái NÓ ngày càng nẩy nở, sinh sôi thành con ngựa bất kham trong người mình... Freud còn cho rằng hạt nhân của Cái NÓ là Libido (Dâm năng/Dục năng); Libido là tổng thể năng lượng dục tính của cái NÓ, là nguồn năng lượng sôi sục thúc đẩy mãnh liệt nhất, cấp thiết nhất những ước muốn, khát khao của con người.

- Cái SIÊU TÔI lại có chức năng Kiểm duyệt, Cấm đoán Cái NÓ. Đó là những phong tục, tập quán, chuẩn mực đạo đức, tôn giáo, pháp luật, kỷ luật, tín điều, lý tưởng ... được tiếp thu từ giáo dục gia đình, nhà trường, cộng đồng, đoàn thể xã hội, trở thành Niềm tin, thành Giá trị, LƯƠNG TRI của cá nhân. Cái Siêu Tôi càng rõ ràng, bền vững bao nhiêu thì khả năng kiểm duyệt Cái NÓ càng hiệu quả bấy nhiêu.

- Cái TÔI ở giữa có chức năng điều chỉnh, cân bằng đời sống tâm lý của cá nhân. Cái TÔI luôn bị Cái NÓ thúc giục đòi thỏa mãn, tận hưởng; nhưng lại bị Cái SIÊU Tôi soi xét, kiểm duyệt, cấm đoán ... nên Cái TÔI phải hoạt động theo nguyên tắc Thực tế. Nghĩa là nó phải tỉnh táo, tự ý thức, xem xét tình hình thực tế để thỏa mãn Cái NÓ sao cho chừng mực, hợp thời, hợp cảnh, phù hợp với yêu cầu của Cái Siêu Tôi và con mắt Xã hội nhìn vào. Vì vậy Cái TÔI nhiều khi rất khốn khổ trước ba sức ép của Cái NÓ, Cái SIÊU Tôi và Áp lực Xã hội, mà Freud gọi là “ba bạo chúa”.

Freud cho rằng, khi Cái TÔI chịu sức ép quá căng thẳng giữa Cái NÓ, Cái SIÊU Tôi và áp lực Xã hội, sẽ có những xung đột dẫn đến bị rối nhiễu tâm lý, sinh ra BỆNH TÂM THẦN (Ảo giác, Bi quan, Lo âu, sợ hãi, hay tức giận, Đa nghi, Hung hăng, Khó tập trung tâm trí, Hoang tưởng, Xa lánh mọi người, Ý nghĩ kỳ lạ, Kích động, Nghiện ngập, Trầm cảm, Lãnh cảm, Tuyệt vọng, Tự sát ...), hay BỆNH THẦN KINH (Căng thẳng mãn tính, Đau đầu kéo dài, Giảm trí nhớ, Lú lẫn, Mất ngủ, Cuồng loạn (Hysteri), Sa sút trí tuệ, ...).

Nhưng trước sức ép, Cái NÓ không được thỏa mãn trong thực tế, sẽ có thể thỏa mãn trong Giấc Mơ hay dồn năng lượng vào THĂNG HOA trong hoạt động Tôn giáo, nghiên cứu Khoa học, sáng tạo Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao... đem lại nhiều thành tựu, mà tác giả gửi những niềm đam mê, khát vọng của mình vào trong đó.

Người nào chiều theo Cái NÓ để thỏa mãn, tận hưởng, bất chấp cái SIÊU Tôi và Thực tế xã hội, sẽ tha hóa nhân tính (Vua cũng thành “Vua Quỷ”, “Vua Lợn”...).

Người nào Cái TÔI quá yếu, bị bóp nghẹt quy phục Cái Siêu Tôi tuyệt đối (hoặc tự nguyện đi theo) có thể dẫn đến “Diệt dục”, hoặc phải che đậy, dối trá thoả mãn Cái NÓ một cách lén lút, vụng trộm, trá hình...

Tóm lại, khi các giá trị Văn hóa, Đạo đức, Pháp luật của Xã hội bị đảo lộn sẽ khiến Cái Siêu Tôi trong mỗi con người rối nhiễu, mất hiệu lực kiểm soát; Cái TÔI tự ý thức vốn nhỏ bé không điều khiển nổi Cái NÓ khi trở thành “Con ngựa bất kham”; hành động theo Bản năng và những cái “Chốt” từ Tiềm thức bị dồn nén, bùng lên trong những tình huống không còn sợ sự kiểm soát, thì con người sẽ rất hoang dã, đầy thú tính...

Khi cái SIÊU TÔI (lương tri) tan rã thì Cái TÔI nhỏ nhoi chỉ còn đồng loã, nguỵ biện cho cái NÓ thoả mãn tối đa lòng tham muốn; nhất là khi Ap lực xã hội bất lực, mà lại có những thế lực khuyến khích, bảo kê cho Cái NÓ được tác oai, tác quái thì thật khủng khiếp.

2. THỬ PHÂN TÍCH THỰC TẾ

Vận dụng quan điểm của Freud nhìn vào thực tế xã hội ta, sẽ có thể cắt nghĩa nguyên nhân của nhiều hiện tượng...

2.1. Tại sao có nhiều người sống ung dung, tự tại?

Trong cái xã hội tuy hỗn tạp hiện nay, nhưng nhiều người đã tạm ổn về cái ăn, mặc, ở…, mà những người này giữ được cân bằng tâm lý giữa ba khối nói trên thì sẽ khỏe mạnh, thân tâm an lạc. Đó là Cái TÔI Tự ý thức trưởng thành, chủ động điều tiết thỏa mãn Cái NÓ hợp lý và hòa hợp với Cái SIÊU Tôi vững vàng, ổn định, không chịu ảnh hưởng nhiều bởi các Tác động Xã hội...

Có nhiều người sống cân bằng tâm lý như vậy thì cộng đồng xã hội sẽ an bình, lành mạnh…

2.2. Sao Nhà văn Nguyễn Khải lại “đi tìm Cái Tôi đã mất”?

Những chiến sĩ cách mạng trước 1945 là những người Phi thường, Cái SIÊU Tôi (lý tưởng, niềm tin, chủ nghĩa) lớn đến mức cái TÔI bị nhập luôn vào đó; Cái NÓ bị kiểm soát đến mức không sợ tù đày, tra tấn, cả cái chết… Bài “Con cá, chột nưa” của Tố Hữu cho thấy điều đó.

Khi những người cách mạng giành được chính quyền, quyết tâm xây dựng đất nước theo những cái SIÊU Tôi mà họ nung nấu, và muốn tất cả những người đồng đảng thậm chí cả toàn dân phải như họ!

Những người tham gia cuộc Cách mạng 1945 như thế hệ Nguyễn Khải hình thành nên Cái SIÊU Tôi rất to lớn, mạnh mẽ (đó là Lý tưởng, Chủ nghĩa Mac – Lê, Điều lệ Đảng, Lập trường giai cấp, Kỷ luật của tập thể...) những cái đó tràn ngập vào ngự trị trong Cái SIÊU Tôi), nó trở thành cái “Vòng kim cô” xiết chặt lấy Cái TÔI. Cái TÔI trở nên nhỏ bé, yếu đuối, chỉ biết phục tùng Cái SIÊU Tôi và Áp lực tập thể, để bóp nghẹt Cái NÓ...

Thời kháng chiến Chín năm, Nguyễn Đình Thi có câu thơ “Hành quân những đêm dài nung nấu/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”... cũng bị kiểm điểm; Hữu Loan có bài thơ “Màu Tím hoa sim” xót thương người vợ trẻ chết ở hậu phương, đã bị kỷ luật nặng nề... Ai có biểu hiện muốn ăn ngon, mặc đẹp, muốn yêu đương lãng mạn, sống có cá tính... lập tức bị phê phán là “lối sống Tiểu tư sản”, “Cá nhân chủ nghĩa”, “cầu an, hưởng lạc”, “Ham sống, sợ chết” ... Cái TÔI phải “thành khẩn tự phê”, tự kết tội mình, tự phủ định mình trước áp lực tập thể.

Sau 1954, một số Văn nghệ sĩ đòi cho Cái TÔI được Tự do suy nghĩ, Tự do biểu đạt, Tự do sáng tạo, Cá tính được tôn trọng ...liền bị quy theo nhóm Nhân Văn - Giai phẩm, là “Thoái hoá, biến chất”, “phản động”, bị đấu tố đánh “dập đầu” những Cái TÔI dám vượt ra ngoài “Cái Siêu TÔI tập thể”… Nỗi sợ hãi làm Cái TÔI đã teo tóp, giờ càng co rúm lại, tội nghiệp!

Đến Cải cách ruộng đất, các cuộc đấu tố càng tiêu diệt những ai dám lên án cái ác, bênh vực người oan sai... Cái TÔI của con người càng bẹp dí, nhỏ nhoi, hèn hạ, chỉ biết phục tùng và lén lút cho Cái Nó (vốn cũng bị dồn ép teo tóp) được thỏa mãn ngụy trang, vụng trộm... Cũng cần nói rằng, những trải nghiệm sợ hãi, ẳn ức, oan nghiệt, những định kiến, niềm tin Hữu thức … không mất đi mà chìm vào vô thức, vẫn ám ảnh, đe dọa Cái TÔI tội nghiệp (có người đêm ngủ còn nằm mê bị đấu tố, sợ hãi toát mồ hôi)...

Cho nên nhà văn Nguyễn Tuân vốn nổi tiếng có cá tính cũng phải nói “Tớ còn sống là do biết SỢ”!; Nhạc sĩ Tô Hải sau này viết hồi ký, gọi mình là “Một thằng hèn”; Nguyễn Khải thì viết “Đi tìm Cái Tôi đã mất”!... Nhiều lắm, cả một thế hệ chịu đựng Cái Tôi khốn khổ, khốn nạn trước sự kiểm duyệt khốc liệt của Cái SIÊU Tôi tập thể và Áp lực “phong trào quần chúng”... Còn “quần chúng nhân dân” thì Cái TÔI càng nhỏ bé, tội nghiệp chỉ biết phục tùng Cái SIÊU Tôi mơ hồ và thỏa mãn Cái NÓ nhờ bao cấp ban phát của Nhà nước, hoặc trong sự vụng trộm, lén lút, che đậy bằng sự dối trá của Cái TÔI hèn hạ…

Mãi sau này, Nguyễn Khải (và rất nhiều người thế hệ của ông) mới “ngộ ra”, đau đớn, xót xa, đi tìm lại Cái TÔI của mình đã mất!

2.3. Tại sao tầng lớp đặc quyền đặc lợi ngày nay lại tham nhũng, ăn chơi sa đọa đến thế?

Sau “Đổi mới”, 1986, khi TBT Nguyễn Văn Linh tuyên bố “Hãy tự cứu mình, trước khi Trời cứu”, tức là thú nhận Đảng đã bất lực, mất thiêng... Tiếp đó Liên xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ thì toàn bộ các thứ Chủ nghĩa, Lý tưởng, lập trường, Điều lệ Đảng... bị tan rã trong Cái SIÊU Tôi; pháp luật lại bị kẻ có quyền, có tiền thao túng; các giá trị Đạo đức, Văn hóa của Gia đình, Nhà trường, Nhà chùa, Cộng đồng, Xã hội bị đảo lộn, “bung”, “toang” hết... Cái SIÊU TÔI phân hoá, rối lọan, mong manh; Cái TÔI được “cởi trói” khỏi cái SIÊU Tôi, được “tự do” muốn làm gì thì làm! Ta thấy xuất hiện rất nhiều “Chí phèo”!… Áp lực từ Xã hội chỉ còn SỢ mỗi Công An. “Mua” được CA nữa là hết sợ....

Vậy là Cái NÓ bị o ép, dồn nén bao tháng ngày, chưa bao giờ có cơ hội bung hết ra để thỏa mãn sự thèm khát bấy lâu, như thời nay! Cái NÓ tha hồ sôi sục, ham hố, tranh thủ thỏa mãn, tận hưởng tối đa (ăn, ngủ, đụ cho thật đã, vơ vét càng nhiều càng tốt, “ăn không chừa thứ gì”)!...

Thực ra những lý luận Cộng sản cao siêu chỉ dành cho các Triết gia, Trí thức kinh viện, còn những người thừa hành chủ yếu bị thúc đẩy bởi “Bao nhiêu Lợi quyền ắt qua tay mình” (Quốc tế ca) bởi “quyền lợi giai cấp”, “Thoả mãn bần cố nông”, hay mơ ước “Hưởng theo nhu cầu”... Tất cả những cái đó xét cho cùng, đối với người thường, đều nhằm vào thỏa mãn CÁI NÓ. Bao nhiêu lời rao giảng đạo đức, lý tưởng cách mạng, “Học tập, làm theo”... chỉ như nước đổ đầu vịt. Cái chủ yếu thúc đẩy họ suy nghĩ, hành động là cái “thùng Vô Thức sôi sục ngày đêm”, là Libido được buông thả, thỏa mãn tối đa.

Nhìn vào xe hơi, nhà lầu, những bữa nhậu hàng tỉ đồng hay lối sống sa đoạ của hàng ngũ quan chức tha hoá thì biết. Thực ra Cái TÔI của họ rất nhỏ bé, khi được Cái SIÊU tôi thả lỏng thì bị nhập vào Cái Nó đang sôi sục thúc đẩy, sai khiến, mới phát tác ra kinh khủng như vậy.

Ngay một Đại tá, Giảng viên cao cấp, cũng giảng bài cho Trí thức rằng, bảo vệ chế độ là bảo vệ Cái Sổ hưu của các đồng chí! (Tức bảo vệ cái dạ dầy, cái phần NÓ, chứ có Lý tưởng gì đâu)!

Cái NÓ trong họ được kích thích, khuếch đại lớn đến mức kỳ lạ, Bản năng ham sống, sợ chết, sợ mất của cải và tất cả những gì thuộc về mình, đã khiến họ “Hèn với giặc, ác với Dân”. Họ hèn với giặc vì muốn được sống, được bảo toàn mọi thứ. Họ ác với Dân vì thói ich kỷ và Bản năng xâm kích, muốn tiêu diệt những gì cản trở sự thỏa mãn đang hiện hữu của họ và sợ mất những gì họ đã có. Họ hành động chủ yếu không phải vì Cái TÔI tự ý thức mà chỉ vị nỗi SỢ: Sợ giặc, Sợ “vào lò” khi phe nhóm mình yếu thế; Sợ Sự thật bị phanh phui, sợ Dân nổi giận, lên án, trừng phạt... Cái TÔI trong họ thực ra rất “khốn khổ, khốn nạn”, phải diễn kịch, dối trá, đeo nhiều mặt nạ; phải gồng mình lên hù dọa, phải che giấu sự thật (mãi có dám công khai tài sản đâu), nên nói năng, hành động bất nhất ... Chắc có nhiều người trong đó bị rối nhiễu tâm lý, bị bệnh Tâm thần... Thì đấy, nhiều người nói nhảm nhí, khối anh vào bệnh viện Tâm thần, Tự tử hoặc sát hại nhau bằng “cái chết đúng quy trình” ...

Đáng chú ý là bệnh Hoang tưởng, khi cái TÔI nhập vào cái SIÊU Tôi với những “lý tưởng”, “ước vọng” viển vông, sinh ra bệnh “Vĩ cuồng”, suy nghĩ, nói năng, hành động không theo thực tế mà theo tưởng tượng chủ quan…

Lại có những người chỉ biết “ăn mày dĩ vãng”, sống với những định kiến, thành kiến đã “cắm chốt” trong Tiềm thức, nên mở mồm nói ra như cụ Khôt-ta-bit. Những người đó sống mà như đã chết từ quá khứ! Thật đáng thương. Nguy hiểm nhất là đám gian manh, tàn ác do Bản năng xâm kích được kích hoạt mà súng trong tay họ, lại được bảo kê, không sợ bị trừng phạt...

2.4. Tại sao Đạo đức xã hội xuống cấp, Cái ác hoành hành?

Đến đây ta thấy rõ thực trạng xã hội hiện nay: Các thiết chế xã hội đều biến dạng, tha hóa, xa rời bản chất, chức năng vốn có của nó (từ Gia đình, Nhà trường, nhà Chùa, các cơ quan Lập pháp, Tư pháp, Hành pháp...) đều ít hiệu lực để hình thành nên Cái SIÊU Tôi đúng đắn, mạnh mẽ, ổn định; trong khi đó Cái TÔI tự ý thức của dân ta vốn đã ấu trĩ (“Dân hai nhăm triệu, ai người lớn”..., Tản Đà, 1926), lại bao lâu nay bị kiểm duyệt, dồn nén làm cho teo tóp, co rúm lại ngay từ trẻ Mẫu giáo, học sinh, sinh viên đến giáo sư, tiến sĩ, quan chức… nên Cái NÓ được dịp thả cửa hoành hành. Lại thêm đua theo bầy đàn: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, “Cả làng cùng toét (mắt) chứ mình gì tôi”... Ở đâu cũng đầy rẫy những hành vi “tiêu cực”: gian dối, hang giả, đưa “phong bì”, nhận “phong bì”, chửi bậy, làm bậy, đua nhau ăn nhậu vô độ, “Nhà nghỉ” như nấm, các ổ mại dâm trá hình, các điểm xài ma túy ở khắp nơi... Tất cả cho thấy xã hội này đang kích hoạt và không kiểm soát được (bắt cóc bỏ đĩa) các hiện tương “tiêu cực”, nên Cái NÓ tha hồ hoành hành. Bản năng Sex trỗi dậy khiến những vụ loạn luân, ấu dâm, xâm hại tình dục... diễn ra đáng sợ; Bản năng xâm kích được kích hoạt ở các băng nhóm xã hội đen bởi được thuê tiền; ở các nhân viên công lực vì được bảo kê; ở giới trẻ vì hiếu thắng, trả thù... Đặc biệt những hành vi giết người thân như trường hợp Nguyễn Văn Đông ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng là do nhiều ẩn ức bị dồn nén trong Vô thức có khi từ thơ bé, tích tụ lại và bị kích hoạt, bùng phát trong tình cảnh Cái TÔI ý thức biến dạng, Cái SIÊU Tôi hoàn toàn tan rã, cái Sợ Áp lực xã hội cũng hết...

Nên nhớ “thông báo tại Viện Sức khỏe tâm Thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%”...(3). Nhưng mỗi cá nhân và toàn xã hội hầu như không quan tâm đến vấn đề Sức khỏe tâm thần. Đây là một nguy cơ xã hội đáng lo ngại.

2.5. Tại sao người Việt ít có công trình Nghiên cứu, Sáng tạo lớn?

Không kể hơn 40 năm chiến tranh liên miên (1945 – 1989) bao nhiêu nguồn lực dồn vào đấy hết, còn sức đâu mà Nghiên cứu, Sáng tạo ra những giá trị lớn lao đáng kể.

Những năm hòa bình, toàn dân cũng chỉ tập trung vào vật lộn kiếm miếng ăn, cái mặc, làm cái nhà, lo cho con ăn học, chạy chữa bệnh tật và đặc biệt dồn tâm trí vào chống chọi với đủ loại Thiên tai và Nhân tai để tồn tại, còn đâu nguồn lực cho nghiên cứu, sáng tạo... Lại còn cái “Vòng kim cô” luôn siết chặt. Những trường hợp có công trình Nghiên cứu khoa học hay sáng tạo nghệ thuật có giá trị lớn là của hiếm.

Mặt khác lối sống của đa số người Việt hiện nay có lẽ không còn chỗ cho Libido thăng hoa! Quanh năm, suốt tháng, họ làm việc hối hả tối ngày, nhậu nhẹt, ăn chơi lu bù, họp hành liên miên đến đờ đẫn, còn đâu Libido tích tụ, dồn nén năng lượng để Thăng hoa? Sinh viên ở nội trú, vào những năm 1980 đã tổng kết: “Ăn ở như Tù, nói như Lãnh tụ”! Nói như Lãnh tụ là Cái TÔI ý thức không có tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt, mà nói theo áp đặt của cái SIÊU Tôi mà thôi.

Có chăng chỉ các Cầu thủ, Vận động viên, trước những giải đấu quan trọng, họ mới bị “cấm trại”, để tích tụ năng lượng cho Libido thăng hoa khi vào trận đấu...

2.6. Làm sao cho Con người lành mạnh, Xã hội văn minh?

Lý tưởng nhất, là tất cả các Thiết chế Xã hội phải trở về đúng với bản chất, chức năng của nó và mỗi một con người có được Cái TÔI khỏe mạnh, ý thức rõ Tự do và Trách nhiệm. Đó là:

- Đảng cầm quyền hoạt động công khai, minh bạch, được kiểm soát theo pháp luật, bình đẳng với các tổ chức xã hội khác, cấm độc tài, toàn trị, siêu quyền lực, để không áp đặt Cái SIÊU Tôi tập thể lên toàn xã hội (ai vượt ra cái “Vòng kim cô” thì bị quy là “Tự diễn biến”, “suy thoái”, “bất hảo’, “phản động”...). Bắt cả trẻ em ngay từ thơ bé không được là chính mình, mà phải phấn đấu theo một mẫu hình “siêu nhân” là tội ác!

- Các cơ quan Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp phải độc lập để Pháp luật được thượng tôn, Công lý được hiện hữu, để khi gặp vấn đề bất công, xung đột, người dân sẽ đi khiếu kiện và tin vào Công lý... chứ không đem gậy gộc, dao kiếm, súng đạn ra giải quyết với nhau;

- Chính quyền làm đúng chức năng của nó, sinh ra là để phục vụ Dân chứ không phải để cai trị Dân, hành Dân, “ăn của Dân không chừa thứ gì”;

- Gia đình, nhà Trường, nhà Chùa.... trở về đúng Bản chất của mình. Đó là nơi giáo dục những giá trị Nhân bản, Đạo đức truyền thống, Giá trị phổ quát, gieo những Niềm tin Chân, Thiện, Mỹ nơi con người ngay từ thơ bé cho tới khi trưởng thành...;

- Các Hội, Đoàn, tố chức xã hội... phải là nơi Tự nguyện tham gia của những người cùng Chí hướng, cùng Sở thích, Hứng thú; kích thích, hỗ trợ nhau Thăng hoa trong các hoạt động vui thích và sáng tạo (chứ không phải là nhóm lợi ích ăn chia, hay công cụ để bóp nghẹt Cái Tôi của các thành viên...);

- Các Cá nhân được tôn trọng, ngay từ trẻ Vườn trẻ, Mẫu giáo trở lên, được quyền Tự do suy nghĩ, Tự do biểu đạt, Tự do hành động trên cơ sở những chuẩn mực xã hội công minh. Ngay từ gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội, khi con người được Tự do như vậy, Cái TÔI sẽ lớn mạnh, Tự ý thức phát triển, biết LÀM CHỦ BẢN THÂN thì trách nhiệm xã hội sẽ cao và năng lực tự điều chỉnh hành vi, kiểm soát Cái NÓ một cách hợp lý, hiệu quả, đời sống tâm lý sẽ cân bằng hơn...Freud gọi là “Cái NÓ trở thành Cái TÔI”, nghĩa là hệ thống nhu cầu được nằm trong Cái TÔI ý thức…

- Cái TÔI tự ý thứ trưởng thành thì trong xã hội, Tự do của người này không cản trở Tự do của những người khác, xã hội sẽ lành mạnh, mới thực sự ổn định, phát triển bền vững, hướng đến Dân chủ, Văn minh...

- Xã hội nào cũng có một tỉ lệ những người rối nhiễu tâm lý, bệnh hoạn, trộm cướp, bạo hành, xả súng giết người … nhưng xã hội đó không bị rối loạn các giá trị Đạo đức, Pháp luật… thì sẽ không bị xuống cấp như xã hội ta hiện nay.

Thưa các bạn, đây là tôi dùng quan điểm của S. Freud để phân tích một số hiện tượng ở xã hội ta, nó có thể méo mó, nhưng là để góp thêm vào cách nhìn xã hội đa chiều. Rất mong các bạn có cái nhìn theo quan điểm khác (chẳng hạn Mac- Lê), tranh luận, phê phán một cách xây dựng, giúp cho vấn đề được sáng tỏ hơn, nhằm góp phần nâng cao nhận thức xã hội.
Chú thích :
1. (https://tintuconline.com.vn/thoi-su/loi-khai-lanh-lung-cua-anh-ruot-truy-sat-ca-nha-em-trai-khien-4-nguoi-chet-muc-dich-cua-toi-la-giet-thang-hiep-va-ba-viet-n-407).
2. ttps://www.facebook.com/thongdongoc
3. https://www.google.com/search?q=Tỉ+lệ+bệnh+tâm+thần+ở+Việt+Nam&oq=Tỉ+lệ+bệnh+tâm+thần+ở+Việt+Nam&aqs=chrome..69i57j0.15879j0j8&sourceid=chrom
06/9/2019 – 26/6/2021





VVM.01.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com