BÙI ĐÌNH LAN:
NGƯỜI CÔNG NHÂN VẼ -
VẼ VỀ NGƯỜI CÔNG NHÂN
S inh năm 1936 tại Thạch Việt, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp phổ thông hệ 9/9 do hoàn cảnh gia đình, năm 1957, Bùi Đình Lan ra làm công nhân, lao động trực tiếp tại Cẩm Phả, Quảng Ninh. Từ đó, vùng than trở thành quê hương ông cả trong cuộc sống và trong sáng tác. Năm1960, các công trường được tách ra thành lập mỏ mới. Qua một thời gian thử thách, từ một người lao động thủ công, ông được bố trí học thợ rèn tại Đèo Nai.
Thời gian rảnh rỗi, ông ham vẽ đến mức say mê. Mặc dù lúc đó, ông đang được bố trí dạy bổ túc văn hóa cho anh chị em công nhân. Giai đoạn này, phong trào mỹ thuật của Vùng mỏ phát triển mạnh mẽ. Nhiều hoạ sỹ trung ương đã về đây làm công nhân và thực tế sáng tác. Họ thực sự cùng ăn cùng ở cùng trực tiếp làm việc với người thợ mỏ . Nhờ đó, ông được tiếp xúc nhiều với môi trường mỹ thuật và tham gia các lớp dạy vẽ. Vào năm 1959, lớp học đầu tiên do nhiều họa sĩ gạo cội nước nhà về Cẩm Phả dạy cho anh chị em công nhân mỏ. Các họa sĩ nổi tiếng như: Trần Văn Cẩn, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái... tận tình chỉ bảo, hướng dẫn ông. Khá nhiều thày tham gia giảng dạy như: Lưu Yên, Nguyễn Yên… rồi sau này là thày Nguyễn Anh Thường, Hoàng Công Luận trực tiếp đứng lớp. Năm 1959, khi các hoạ sỹ vẽ bức tranh tường Hai chế độ nổi tiếng ở Cẩm Phả, Bùi Đình Lan được cử đi giúp việc cho các hoạ sỹ. Ông vui thích, vinh dự, tự hào lắm!
Chính nhờ những cuộc gặp gỡ đó đã làm thay đổi cuộc đời ông. Từ một người công nhân lao động chân tay thuần túy rồi cầm búa rèn choòng, ông trở thành một họa sĩ. Ông tâm niệm: - Có được một tác phẩm hoàn chỉnh không khó nhưng vẽ cho ra vẽ, để tranh gây được ấn tượng cho người yêu thích chẳng dễ dàng gì. Một tác phẩm nghệ thuật đúng như tên gọi của nó thì trước hết người nghệ sĩ phải sống, phải hiểu và phải yêu cuộc sống. Chỉ có thế qua tác phẩm, anh ta mới chuyển tải được cái tâm của mình đến với mọi người.
Lớp ông học ngày ấy khá nhiều lứa tuổi. Họ có cùng niềm đam mê hội họa. Nhiều người sau này đã có điều kiện phát triển trở thành nhưng cây cọ có tiếng tại Quảng Ninh: Đó là Lê Văn Hải, Đoàn Đạt, Đinh Sơn Hải, Hoàng Ngọc Châu…
Những năm ấy, phong trào hội họa vùng mỏ Cẩm Phả nói riêng và Quảng Ninh nói chung phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Cùng với bạn bè, tranh thủ thời gian rỗi rãi, ông còn đến nhiều nơi ngoài phạm vi mỏ rèn luyện tay nghề. Tranh về sản xuất, tranh về công việc, về con người lao động đều được ông thể hiện. Ông rất ham vẽ. Nhiều lúc chúng tôi tới nhà vẫn thấy ông cặm cụi vẽ cả ngày cả tối. Hễ có thời gian là ông cầm cọ. Sau này, ông còn đề nghị Mỏ than Đèo Nai mở lớp dạy cho các con em công nhân trẻ, những người yêu thích hội họa do chính ông và một số họa sỹ trong thị xã hướng dẫn. Nhiều người sau này đã trở thành những họa sỹ cứng cáp là hạt nhân thúc đẩy phong trào. Ông tích cực vẽ, vẽ khá nhiều tranh nhưng quyết tâm không lặp lại mình và lấy đó làm tiêu chí để giảng dạy cho đàn em lớp sau.
Năm 1982, Phân hội VHNT Mỏ than Đèo Nai được thành lập, ông tham gia trong ban lãnh đạo và tích cực cống hiến
công sức mình nuôi cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ sau. Từ một phân hội gồm bảy người, tập trung ở hai bộ môn Hội họa và Văn học,
sau hơn chục năm đã trưởng thành mạnh mẽ. Các bộ môn sân khấu, nhiếp ảnh, ca nhạc được thành lập và đã có mười sáu người
là hội viên Hội VHNT Quảng Ninh.
Hai vợ chồng ông sinh sống giản dị trong căn nhà chân Dốc Thông (thuộc phường Cẩm Tây. Cẩm Phả). Nơi xưa kia, Quan Đại lý VaVát xơ đã ở. Thông mọc thành rừng, đến bây giờ vẫn còn dù nó bị con người một thời tàn phá. Dãy phố sau ngày Vùng mỏ giải phóng được sửa sang, làm mới lại thành dãy nhà ở cho các gia đình công nhân. Gia đình ông được nhà nước cấp cho quyền sở hữu một căn nhà như thế. Bà Phạm Thị Bang cũng trưởng thành từ một công nhân thợ điện. Hai người cùng làm một mỏ, quen biết nhau rồi nên duyên thành chồng thành vợ. Lấy ông, bà cũng nhận được nhiều tình cảm chân thành mà ông dành cho. Hai người sống khá hạnh phúc với đủ đầy con trai con gái. Bà cũng là nguồn cảm hứng cho các sáng tác của ông.
Ông vẽ bằng tâm hồn trong sáng, tình cảm chân thành với người thợ mỏ và đã nhiều bức rất thành công như: Đón choòng, Đường lên mỏ, Cuộc đình công của thợ mỏ Cẩm Phả năm 1936, Công hội đỏ, Xưởng đóng tàu Tiên Yên, Bữa cơm chiến dịch, Khai thác than, Chuyển than, Chiều Hạ Long, Ca đêm, Nữ công nhân, Bác Hồ thăm mỏ Đèo Nai...
Không chỉ vẽ về đề tài lao động sản xuất, ông còn thử sức trong một số đề tài khác. Rồi nhận ra mình xử lý màu còn yếu, chưa có được sự thơ thới, bay bổng, lãng mạn. Thành công chủ yếu của ông tập trung vào mảng hiện thực xã hội và tranh ông bám sát đời sống hiện thực. Nhiều bức tranh vẽ bối cảnh, sự việc xảy ra ở Vùng mỏ trong quá khứ và hiện tại. Vẽ về bất cứ đề tài gì, ông cũng đến tận nơi tìm hiểu kỹ lưỡng, hỏi han cặn kẽ, sống cùng họ. Vì thế, đời sống người công nhân mỏ, đời sống người thợ đi vào tranh ông tự nhiên, gần gũi vô cùng. Ông đã có nhiều tác phẩm xuất sắc được triển lãm toàn quốc, được một số bảo tàng quốc gia sưu tập. Các tác phẩm của ông còn được in trong các tuyển tập: Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX, Tuyển các tác phẩm mỹ thuật một thời, Mỹ thuật Quảng Ninh (1964 - 2014).
Ông đã có tranh tham gia triển lãm mỹ thuật ở Quảng Ninh vào năm 1960 và có tranh ở hầu hết các triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng, toàn quốc và cả nước ngoài trong suốt nhiều năm sau đó. Năm 1969, tranh của nhóm thợ mỏ Đèo Nai do ông cùng các họa sĩ Vũ Minh Huy, Nguyễn Hữu Viện được dự triển lãm tại Cộng hòa dân chủ Đức. Năm 1972, ông vẽ bức Đội xung kích cầu 20 được triển lãm tại Hà Nội và được Tổng Công đoàn Lao động Việt Nam mua. Năm 1985, ông được tặng huy chương đồng trong triển lãm Mỹ thuật toàn quốc với Cuộc đình công công nhân mỏ năm 1936. Năm 1978, ông được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Với gương mặt gồ ghề xương xương, râu tóc bạc trắng, ông có cách tiếp cận cuộc sống thông qua cảnh vật, thông qua con người và thông qua sách vở. Đã ngoài cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông vẫn chinh phục người nghe bằng giọng nói xứ Nghệ hào sảng, có sức cuốn hút. Người đối thoại với ông thấy cách nhìn lạc quan về cuộc sống còn vất vả khó khăn, tự nhiên cảm thấy ông thật gần gũi, dễ chia sẻ những buồn vui. Ông luôn luôn tìm tòi cái mới, không hề giấu diếm việc mình tự học, tự trao dồi kiến thức. Ông là hoạ sỹ có gia tài mỹ thuật đáng nể mà vẫn khiêm nhường, chịu khó tìm tòi học hỏi trong mọi lĩnh vực. Hình như qua câu chuyện và trong cuộc đời, ông muốn hướng lớp đàn em yêu thích VHNT đến những bài học thành công.
Ông quan niệm, tranh nào thì cũng chỉ loanh quanh năm bảy màu sắc quen thuộc . Vì thế, để tranh của mình thuyết phục công chúng, người họa sỹ phải vật vã, trăn trở, dằn vặt... Muốn tranh có sức sống có hồn, họa sỹ trong sáng tác phải luôn học hỏi, tìm tòi cái mới từ cuộc sống, từ anh em bạn nghề, tranh thủ việc học thêm từ sách vở và đồng nghiệp. Nhờ vậy, mỗi tác phẩm của ông là sự kết tinh từ nhiều trường phái hội họa đa dạng rồi chuyển hóa, tạo ra cho mình một lối đi riêng. Tranh ông vẽ đã tái hiện đời sống người thợ bằng nét vẽ khoẻ khoắn, chân thực, sinh động. Mỗi bức tranh đều thể hiện tình cảm và sự am hiểu đời sống công nhân mỏ. Vì thế mà đời sống công nhân đi vào tranh ông tự nhiên và gần gũi. Lối đi riêng ấy còn được tạo ra nhờ mảng màu tươi mát, êm dịu, nhịp điệu trong tranh khoan thai, nhân vật của ông cũng thường từ tốn, hiền lành như tính cách, con người ông.
Sau mấy năm bị tai biến, sức khỏe, trí nhớ cũng như việc diễn đạt ngôn ngữ của họa sĩ Bùi Đình Lan đều suy giảm đến mức thấp nhất. Bà Bang lại thêm vất vả trong lúc tuổi cao sức yếu. Thôi đã lấy nhau thì trông cậy vào nhau, bà coi việc phục vụ mọi nhu cầu của ông bây giờ là nghĩa vụ và trách nhiệm. Tuy nhiên đau ốm, sức lực suy kiệt, niềm đam mê hội họa trong ông thì chưa hề vơi bớt khi có người thân hoặc bạn bầu đến thăm. Hình như trong con người ông, không có sự buông xuôi trong cuộc sống cũng như trong sáng tác.