Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



MẠN LỤC VỀ DAO THỚT



  
        

T ừ khi còn là một đứa trẻ con ngây thơ trong trắng, cách nay hơn nửa thế kỷ, người viết những dòng này đã thuộc nằm lòng câu hát ru của bà nội:

“Yêu nhau như mỡ gặp kèn Như dao gặp thớt như đèn gặp giăng…

Não trạng non nớt hồi ấy, khiến tôi không thể hiểu được những điều sâu sắc trong lời ru của bà.Theo thời gian, được học hành, nghiệm sinh đời sống, tôi mới dần vỡ ra những điều sâu sắc ký thác trong lời ru của nội tôi. Cái thơ ngây (vừa có chất thơ, vừa cái có ngu ngơ ngây dại) của tôi được khai sáng .

Sự học cho biết: trong tiếng Việt, dao, thớt vốn là hai danh từ đơn, khi ghép lại tạo thành một từ ghép đẳng lập dùng biểu vật. Nhưng trong cách nói: ngửi thấy mùi dao thớt, đã động dao thớt, tay/gã/lão ấy cực kỳ dao thớt… thì dao thớt lại chuyển thành tính từ.

Nghiệm sinh đời sống cho hay: hoá ra đây là câu hát ru theo lối nói ngược. Mỡ mà bôi vào kèn thì ông thổi kèn phường bát âm trong các đám hiếu không thể thổi được. Nói như giới trẻ đương đại là ông ta chỉ còn nước “tắt điện”, “bó tay chấm com” mà thôi. Dao mà gặp thớt thì chặt, thái, băm, vằm vào cái mặt thớt, thớt chịu trận với sự lỳ lợm “đáng sợ”. Dao băm, thái, chặt, vằm trên mặt thớt là chức phận của dao, thớt chịu để dao băm, thái, chặt, vằm là thân phận của thớt. Đó là quan hệ “tình yêu” kỳ cục của cặp bài trùng dao thớt. Kết quả của những lần tương tác này góp phần tạo nên những đĩa thức ngon mắt mọi người. Thậm chí, có khi còn tạo thành những tuyệt tác trong nghệ thuật ẩm thực kỳ khu, thoả mãn nhỡn quan thẩm mỹ của những tâm hồn ăn uống. Tôi nói cực nghiêm túc đấy. Các bạn hãy đọc Nghệ thuật băm thịt gà của nhà văn hiện thực phê phán Ngô Tất Tố sẽ thấu tỏ. Hủ tục ăn uống một miếng giữa làng… ở làng xã Việt Nam từ lâu đã tạo nghề cho những người chuyên kiếm sống bằng dao thớt. Nghề ấy tưởng thất truyền. Không. Nó vẫn sống dai dẳng. Chu Văn Quyềnh, nhân vật trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, (được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập Đất và người do Nguyến Hữu Phần đạo diễn, (phát trên VTV làm xôn xao dư luận một thời), từng tự hào là người “ăn công điểm gián tiếp” của ban quản trị hợp tác xã nông nghiệp. Nhân vật này thực thụ là tay dao thớt, chuyên phục vụ các cuộc đánh chén của lũ người hư hỏng thoái hoá biến chất trong ban quản trị các hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam một thời đó sao? Hợp tác xã quê tôi, những năm chống Mĩ cứu nước nuôi lợn tập thể trong chùa làng. Lợn nhiều và to béo, nhưng không được mổ vì Tất cả cho tiền tuyến, mấy ông quản trị thèm thịt lợn bèn cho gọi thợ hoạn lợn vào hoạn một số lợn không biết cái hay đực, hoạn hay chưa? Tạ sự ra nuôi lợn trỗn mà lại hạch (động đực). Họ nhấm nháy tay hoạn lợn phải làm sao cho một con lợn phải chết sau khi hoạn, để mấy bố quản trị có cớ đánh chén. Dân làng biết tổ con chuồn chuồn. Một nhà thơ dân gian của làng liền làm bài mỉa như sau:

Lợn hợp tác ăn no ở sạch
Vẫn tốt đều có hạch gì đâu?
Thế mà quản trị bảo nhau
Đè lợn ra hoạn, lợn đau trăm bề,
Rồi chú lợn không hề ăn uống.
Cứ đứng lên nằm xuống liên miên
Chỉ vì đã bị dao xiên.
Thế rồi đến tối tự nhiên kểnh chồng (chổng kềnh)
Rồi quản trị khiêng đi đâu mất,
Không biết rằng cất dấu đẩu ơ? (ở đâu)
Hỏi các ông quản trị.

Hay bài mỉa về việc nhân chuyện cấy thi của thanh niên hợp tác, ban quản trị lại tạ sự ra để gắp rót đánh chén sau:

Hợp tác xã ta rực cờ hồng,
Người cấy thao diễn, kẻ đứng trông.
Trống thúc loa dồn vang đồng ruộng,
Khiến người thao diễn thật nhanh tay.
Nghĩ ra thì thật là hay.
Bởi vì thao diễn chọn ra người tài.
Nhưng một điểm có sai trong đó,
Mua lợn chui với giá ba đồng, (3 đồng một cân lợn hơi)
Của người nghĩa vụ chưa xong,
Đem về giết thịt động viên người làm.
Lợn đã vậy lại còn rượu nữa,
Những khoản này biết tính vào đâu?
Hở các ông quản trị?

Dân làng tôi còn lưu truyền câu ca:

Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe.
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân.

Một tay chủ nhiệm hợp tác là rể của làng có tên là Đinh Văn Chứa, dân làng tôi đổi họ và tên lót thành Hốc Văn Chứa.

Một người bạn thuở bắt cua với tôi, lớn lên làm lái xe cho một vị quan chức đầu tỉnh nọ, kể rằng:

Một hôm, anh ta chở sếp và thuộc hạ của ông ta vào nhà hàng ăn trưa. Mấy ông nông dân đi cày vừa tháo ách trâu, nhìn thấy, cố ý nói thật to cho những người vào nhà hàng nghe:

- Mấy thằng kia vào liếm một phát là mất mấy sào ngô.

- Không phải mấy sào ngô mà hàng chục tấn thóc ông ơi!

Tôi góp lời.

Đánh chén xong, đã có người của sở tại trả tiền, thầy tớ lên xe thẳng tiến.

Một Giám đốc sở ở tỉnh Yên Bái mấy năm trước giải trình sở dĩ có biệt phủ to vật vã vì “nấu rượu, nuôi lợn, làm chổi đót đến thối cả móng tay”. Lời trình giải, nói như dân quê tôi là: chó nó cũng không nghe được. Trịnh Xuân Thanh trước khi vướng lao lý vì tham nhũng, từng xài đồng hồ cỡ 27 tỉ VND, biệt phủ lớn ở Tam Đảo… ông ta không “Lỗ Đình Khoét”, không “Hốc Ăn Chứa” của công quĩ thì đào đâu ra số tiền khổng lồ ấy?...còn nhiều, nhiều lắm… Hạng người này, dường như có liên quan chặt chẽ với dao thớt? đồng hành cùng dao thớt cực bự?

Ở nước Tàu, Lỗ Tấn trong Nhật Ký người điên kể rằng: người bị cho là điên, nhân vật chính của thiên truyện thấy lịch sử Trung Quốc mấy nghìn năm chỉ có mấy chữ nhân nghĩa đạo đức viết linh tinh tí mẹt, bèn tra cứu sử sách chỉ thấy hiện lên từ khoảng trống giữa các dòng là ba chữ ĂN THỊT NGƯỜI. Sách Trang Tử còn có câu chuyện về một tay mổ bò thượng thừa là Bao Đinh. Đinh mổ bò cho vua Văn Huệ, mổ xong, con bò cũng không biết nó đã chết. Tài mổ bò của Bao Đinh, nói như ngôn ngữ hiện nay là nắm được giải phẫu cơ thể học của bò nên lách dao vào đâu là thịt ra thịt xương ra xương. Người đời gọi những người kiếm ăn, kiếm lợi bằng mổ trâu, bò, lợn, dê, chó… là đồ tể. Nghề này theo cái nhìn tâm linh truyền thống phương Đông là hại âm đức lắm, vì chuyên sát sinh.. Rồi Điêu Thụ giết con nhỏ làm cỗ dâng Tề Hoàn Công mong được trở thành đầu bếp của ông vua này. Dịch Nha tự hoạn để được vào cung hầu hạ Tề Hoàn Công… Quản Trọng, tướng quốc can gián Tề Hoàn Công không nên tin dùng hạng người con không thương, thân không thiết. Hoàn công không nghe lời, cuối cùng bị Điêu Thụ, Dịch Nha để chết thối trong cung. Lỗ Tấn viết rằng ở Trung Quốc cổ lai, việc ăn thịt người thường lắm, từ xưa đã có câu dịch tử nhi thực, thực nhục tẩm bì. Đến đời Thanh, một người tên là Lý Tôn Ngô sau khi từ quan đã viết cuốn sách có tên: Hậu hắc học, rồi bỏ đi mất tích. Tên sách ấy dịch ra tiếng Việt là: Khoa học về mặt dầy tâm đen. Theo thiển ý cá nhân, nội dung cuốn sách cũng liên quan mật thiết đến vấn đề DAO THỚT hiểu theo nghĩa đen thì ít mà nghĩa bóng thì nhiều. Thậm chí chủ yếu, cơ bản là nghĩa bóng. Thác lời Lỗ Tấn, cũng có thể viết: xưa nay, việc dao thớt thường lắm, thường lắm. Những vụ đại án tham nhũng chấn động dư luận thời gian qua (Vinaline, Vinasin, Thủ Thiêm, Gang thép Thái Nguyên, vụ nâng giá thiết bị y tế khi dịch cúm Vũ Hán xảy ra ở một số tỉnh thành…) khiến công quỹ nhà nước thiệt hại nhiều tỉ, nhiều ngàn tỷ đồng, nhiều triệu, nhiều tỉ chục tỉ USD. Bị can những vụ án ấy là những cán bộ cấp cao, cấp thấp “thoái hoá biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống” từ trung ương đến địa phương. Theo tôi, xét cho cùng, chúng cũng là những tay dao thớt cộm cán có hạng hiểu theo nghĩa bóng của từ dao thớt này. Lũ chúng đích thực còn là những tay dao thớt kinh hoàng. Một cán bộ cao cấp khi về hưu đã nhận xét rằng: “Họ ăn của dân không từ thứ gì”. Những vụ Khánh Trắng, Phúc Bồ, Dung Hà, Nam Cam…, gần đây nhất là vụ Đường Nhuệ Thái Bình… chẳng phải cũng là những vụ án sặc mùi giao thớt hay sao?

Lại nữa, nhân gian mà mắng ai đó là đồ mặt thớt, loại mặt thớt… thì đích thị là loại người mặt dầy, lì lợm, không biết xấu hổ, loại vô liêm sỉ. Thời bao cấp trên một chuyến tàu khách từ ga Hàng Cỏ xuôi về phía nam, tôi đã chứng kiến một cảnh tượng dở khóc dở cười. Một cô gái xinh xắn ưa nhìn, ngồi cạnh một chàng trai ăn mặc cực mốt. Quần bò, áo bay, kính cơn, mũ cối, tông lỳ, đồng hồ SK thuỷ quân lục chiến là sự thể hiện đẳng cấp vượt trội của những tay chơi thời ấy. Anh ta tán tỉnh cô gái một cách băm bổ, quần quật, thô bỉ bằng một thứ “thơ” rất hợp với cái bên trong của con người anh ta. Đại khái có những câu:

Cần xe đi đâu là có xe ngay
Đèo dốc vượt qua lòng tôi vẫn hăng say.
Cà phê thuốc lá cô nhờ,
Cô hẹn đúng giờ, tôi sẽ đón tận nơi.
Còi xe tôi bấm pim ..pim…
Mỗi khi nghe thấy
Trái tim cô rộn ràng.
… Một hôm tôi đến thăm cô
Thấy tay tôi đếm nhiều tiền cô mê,
Tiền đây em lấy anh đưa,
Lấy anh sung sướng
Sớm trưa như lợn… sề.

Hành khách ai cũng thấy chướng mắt. Cô gái im lặng, đợi cho chàng trai dứt lời, nhìn thẳng vào mặt chàng trai, cô buông ra một câu:

- Xin lỗi anh! Anh có phải là người phố Hàng Thớt không ạ? Chàng trai mặt chín dừ, vội thu xếp hành lý đi tìm chỗ “cư trú” ở toa khác. Anh ta vẫn còn biết xấu hổ. Cô gái kể ra cũng hơi bị… thiếu tế nhị.

Trương Minh Tuấn khi còn đương chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, viết sách dạy đời chống tự diễn biến, tự chuyển hoá, chống suy thoái đạo đức, lối sống… cuối cùng vào tù vì tham nhũng. Nói một đằng làm một nẻo. Còn nhiều, nhiều lắm, những kẻ bị tê liệt dây thần kinh xấu hổ.

Mấy ngày qua, dư luận xã hội, nhất là cộng đồng mạng nóng lên vì phiên toà giám đốc thẩm vụ án tử hình Hồ Duy Hải đã bị kết án từ 12 năm trước.

Trước tiên, tôi xin cầu mong hương hồn hai nữ nạn nhân xấu số bị kẻ ác sát hại mau chóng được siêu thoát. Tôi cũng xin gửi lời chia buồn chân thành sâu sắc tới đại gia đình hai nữ nạn nhân trước mất mát quá lớn, quá đau thương mà các vị phải chịu đựng.

Tôi cũng chia sẻ sự đồng cảm sâu sắc tới bà mẹ của Hồ Duy Hải. Bà là người mẹ có tình thương con vô bờ. Tôi vô cùng kính trọng bà. Vật chứng, tang chứng, hung khí của vụ giết người ở Cầu Voi Long An, lại cũng có DAO THỚT. Dao, thớt, ghế là vật gây án đã bị những người có trách nhiệm thực thi điều tra vụ trọng án bỏ qua. Họ đã cho dọn dẹp đốt đi, huỷ đi tang vật. Họ cho người mua DAO, THỚT ở chợ về thay cho tang vật, hung khí của trọng án. Hết phim (!) Người điều tra trả lời Toà Giám đốc thẩm :

- Có lẽ người nhặt phế liệu đã lấy mang đi ? Hết phim (!)


Tôi không lạm bàn về việc Hồ Duy Hải có phạm trọng tội hay không phạm trọng tội. Đó là nghĩa vụ trách nhiệm pháp luật của công chức, công dân của người điều tra xét hỏi, khởi tố, kết tội trong vụ trọng án. Đó cũng là nghĩa vụ trách nhiệm đạo đức của những người thực thi pháp luật. Đó cũng là trách nhiệm trước lương tri, lương năng, trước toà án lương tâm của cá nhân mỗi người tham gia vào quá trình tiến hành vụ án này. Đó còn là trách nhiệm đạo đức của họ trước tổ tiên, ông bà, bố mẹ và con cháu mình.

Tôi biết: ở bất cứ quốc gia văn minh, nhân bản, nhân đạo, nhân văn nào, khi tiến hành hoạt động thực thi pháp luật về tố tụng hình sự cũng đều phải theo nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung, suy đoán vô tội.

Các luật sư giỏi, các nhà nghiên cứu về luật pháp có tâm và có tầm hãy giúp tôi trả lời câu hỏi: kết luận “vụ án này đã có những sai sót về tố tụng”, những sai sót này “không thay đổi bản chất vụ án” có hợp lôgic không? có đúng luật pháp không? Việc biểu quyết bằng giơ tay chứ không bỏ phiếu kín có vi hiến không? Việc một người đã từng bác đơn kháng cáo, nay trong vai trò Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, nay lại làm chủ toạ phiên toà Giám đốc thẩm của Toà án Nhân dân Tối cao xét xử chính vụ án mà mình bác đơn kháng cáo có vi hiến không?...

Theo tôi, một thảo dân, một người có não trạng bình thường thì xem ra vụ án độc lạ này, hình như cũng có mùi DAO THỚT thì phải?. Biết đâu, trong một ngày xấu trời nào đó, DAO THỚT lại bị/được lấy làm biểu tượng về một cái gì đó, cho một cái gì đó? Về một ai đó?

         

  Ngày 9-10/5/2020.

                                                  


. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ Ninh Bình .