Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Hải Như và Trần Xuân Bách




TÌNH BẠN GIỮA
CHÍNH KHÁCH TRẦN XUÂN BÁCH
VÀ NHÀ THƠ HẢI NHƯ


  
        “Làm văn học với tôi là một lựa chọn “dấn thân”. Quan niệm của tôi: Nhà thơ không chỉ là pháp sư ngôn ngữ mà phải là nhà tư tưởng.             Người làm thơ phải ý thức được quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ... Ngồi trước trang giấy nhà thơ không được quên đối tượng cần được thức tỉnh của mình bao gồm cả nhà cầm quyền”.
            Với nhận thức vị trí nhà thơ trong nền văn học cách mạng, nhà thơ Hải Như ghi trong kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại như thế.
            Mùa thu 2012 nhà thơ Hải Như từ Sài Gòn ra thăm quê Nam Định. Chúng tôi đã đến thăm và đề nghị nhà thơ cung cấp tư liệu, xin phép được công bố về tình bạn của nhà thơ với ông Trần Xuân Bách cùng một số bài thơ chưa công bố... Được nhà thơ cho phép, chúng tôi xin gởi tới bạn đọc bài viết dưới đây.

L ịch sử văn học Việt Nam sau này, tôi nghĩ, không thể không ghi nhận giai thoại về tình bạn cao đẹp của một nhà chính trị với một nhà thơ thời Cách mạng nước ta đang bước vào đổi mới những năm 90 của thế kỷ 20. Đó là tình bạn tâm giao của chính khách Trần Xuân Bách và nhà thơ Hải Như.

          Trong sáng tác văn học, nhà thơ Hải Như chủ trương “có bài sáng tác rồi nhưng chưa công bố rộng rãi vội”. Theo nhà thơ, “trong kho dự trữ người cầm bút luôn nhớ cần có sáng tác chưa công bố (inédit)”. Lần này, chúng tôi giới thiệu một số bài chưa công bố của nhà thơ Hải Như về chủ đề Bảo tàng Hồ Chí Minh và tình bạn với ông Trần Xuân Bách.

          Theo nhà thơ Hải Như thì sinh thời Hồ Chí Minh là người chống tệ sùng bái cá nhân. Người không muốn các địa phương dựng tượng Người tràn lan như hiện nay khiến thế hệ sau có thể hiểu không đúng về Người. Chúng ta không được quên trong di chúc Người căn dặn Đảng, nhân dân trước lúc đi xa:

...“Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân.

          Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là "hỏa táng". Tôi mong rằng cách "hỏa táng" sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì "điện táng" càng tốt hơn.

          Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.

          Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ để nghỉ ngơi.

          Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão...” (Trích Di chúc của Hồ Chí Minh)

          Nhưng khi Người ra đi, theo nhà thơ Hải Như, chúng ta đã không làm theo Di chúc của Người. Chúng ta đã dựng lăng Người, sau đó lại xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh nguy nga đồ sộ.

          Năm 1988 từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ Hải Như qua báo chí thấy công trường xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh trong khi đào móng, dàn búa máy đã làm nghiêng có nguy cơ đổ Chùa Một Cột. Báo chí đã lên tiếng nhưng vô vọng. Nhà thơ đã viết một bản kiến nghị gửi Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quốc hội, đề nghị ngừng công trường xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh do “không hợp với tâm nguyện của Người”, dành số tiền xây dựng bảo tàng cho một công trình phúc lợi toàn dân như mạng máy nước thành phố Hà Nội năm đó đang bị hư hỏng nặng. Kiến nghị của Nhà thơ Hải Như kèm theo bài thơ có tựa đề “Bài thơ chưa in báo”.

          Bảo tàng Hồ Chí Minh từ ngày thành lập đến nay đã “lộ rõ” sự không cần thiết phải đồ sộ như vậy. Hiện vật chưng bày không nhiều và không hấp dẫn khách đến thăm. Hội trường chỉ dùng cho thuê các hội nghị và tổ chức lễ cưới. Sân rộng lớn thành bãi cho thuê đỗ xe. Không chỉ Bảo tàng Hồ Chí Minh mà các bảo tàng ở thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trên cả nước có kế hoạch xây dựng bằng công quỹ quốc gia cũng trong tình trạng tương tự. Nhà thơ Hải Như, ngay từ năm 1988 của thế kỷ trước đã “báo động” về sự lãng phí công quỹ nhà nước của các bảo tàng cả nước hôm nay...

          Nguyên văn bài thơ về Bảo tàng Hồ Chí Minh của Hải Như như sau:

                    BÀI THƠ CHƯA IN BÁO
          Hải Như
“Chúng ta đã lỡ làm lăng Bác...”
H. NH.

Ra Hà Nội mùa xuân này anh không dám vào nhà sàn thăm Bác
Nghe nói Người đang rất buồn – vầng trán trĩu ưu tư
Có ai báo với Người: chùa Một Cột do ảnh hưởng địa chấn – bị hư!

***

HỒ CHÍ MINH. Nhiều chúng ta tưởng hiểu hết Người hóa ra chưa hiểu
Người từ chối mọi huân chương. Ta đi xây dựng bảo tàng
Khi ra khỏi chiến tranh Bác Hồ dặn lại dân sẽ gặp nghìn cái thiếu
Không gia đình nào Bắc cũng như Nam lại không gánh chịu một vành tang...

***

Ý Bác tức lòng dân. Người vắng mặt đi xa. Lòng dân ta chưa hỏi
Xây dựng công trình ngoài ý Bác đồng nghĩa với xúc phạm lòng dân
Đừng vin cớ vì Bác Hồ, Người dân hiểu hơn hết Bác Hồ nhưng không nói
Dân tộc ta giờ này thiếu Bác Hồ dân thấm thía nghìn năm!

***

Nhà sàn Bác Hồ được tôn thêm nhờ đứng cạnh đóa sen hồng: chùa Một Cột
Hành trình Việt Nam vượt qua bao ghềnh thác xuyên suốt 4000 năm
Chúng ta sẽ sai lầm nếu xếp Bác Hồ đứng trên và đứng trước.
Chẳng phải ngẫu nhiên trước ngày về giải phóng Thủ đô 54 – Người xin gặp các vua Hùng...

***

Hồ Chí Minh không bao giờ nhận mình mới đâu. Và thật ra không mới!
Lẽ làm người từ NGUYỄN TRÃI (luôn luôn Bác Hồ nhắc ta) đã có tự cha ông
“Chở thuyền là dân lật thuyền cũng là dân” nhân loại năm 2000 càng thấy mới
Chúng ta vui có HỒ CHÍ MINH góp với tinh hoa nhân loại giống Tiên Rồng.

***

Bảo tàng HỒ CHÍ MINH cần không! Chắc em muốn hỏi anh. Lịch sử ngày mai cần lắm chứ!
Nhưng bảo tàng HỒ CHÍ MINH quyết không giống mọi bảo tàng
Ngoài hiện vật duy nhất huyền thoại “đôi dép lốp hành quân” mỗi người dân sẽ trở thành hiện vật.
Bảo tàng nằm trong lòng dân – tết vòng nguyệt quế Nhân Quần...

                             (Sài Gòn, ngày 2 tháng 3 năm 1988).

Bài thơ đã trở thành “gạch nối” của quan hệ tình bạn giữa tác giả và Ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách – vị lãnh đạo thời đó đang nổi như cồn về thái độ trọng thị các sĩ phu hai miền qua các diễn đàn.

Ba tháng sau, trong chuyến ra Hà Nội nhà thơ Hải Như đã được đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Trần Xuân Bách tìm gặp. Đồng chí Trần Xuân Bách nhận được bài thơ đã không trả lời nhà thơ qua Văn phòng Trung ương Đảng mà trực tiếp “vi hành” vào ngõ Hòa Bình 5 đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng – Hà Nội khi nhà thơ vừa từ Sài Gòn ra, bởi – ông nói vui khi gặp Hải Như ở nhà con trai nhà thơ – nhà báo Vũ Kỳ Anh: “Tôi muốn trực tiếp gặp một “cái đầu”của xã Bái Dương. Tôi muốn diện kiến người cùng huyện làm thơ”. (Nhà thơ Hải Như và chính khách Trần Xuân Bách đều quê ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, nhưng chưa gặp nhau bao giờ). Đồng chí Trần Xuân Bách thông báo với Hải Như là Bộ Chính trị hoan nghênh ý kiến đóng góp của nhà thơ Hải Như, nhưng không thể ngừng công trình vì đã vào kế hoạch được Nhà nước phê duyệt. Trong suốt một giờ đồng hồ gặp gỡ trao đổi cởi mở, ông Trần Xuân Bách tỏ ra rất vui và bảo là ông đã gặp được một nhà thơ có tính trung thực thẳng thắn đòi hỏi cần có ở người cầm bút chân chính mọi thời.

Trong buổi gặp gỡ lần đầu giữa chính khách Trần Xuân Bách và nhà thơ Hải Như có một kỷ niệm khó quên. Nhà thơ Hải Như hôm nay nhớ lại:

“Khi Ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách tới, tôi mời lên gác nhà con mình ngồi chờ để mình pha nước đem lên mời khách. Sau khi nghe Trần Xuân Bách tự giới thiệu thân mật, tôi nghĩ thầm: Mình từng được tiếp xúc các vị lãnh tụ như đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng... nhưng do các đồng chí đó cho thư ký riêng đến nhà mời. Với Trần Xuân Bách, từ lâu tôi đã ngưỡng mộ. Giới trí thức ngày ấy coi anh như một ngôi sao sáng trong bầu trời chính trị bắt đầu cởi mở qua thái độ trân trọng các trí thức của anh.

Tỏ ra cởi mở ngay phút đầu gặp gỡ, tôi chủ động nói:

- Tôi thật sự bất ngờ! Xin cảm ơn Ủy viên Bộ Chính trị đã “vi hành” vào ngõ hẻm khi được tin tôi ở thành phố Hồ Chí Minh mới ra. Vừa rồi cháu gái nội tôi năm nay lên 9 tuổi khi nghe tôi nói có ông khách Trung ương đến nhà, cháu hồn nhiên hỏi: “Ông ơi! Ông ấy ở Trung ương sao lại không béo ạ? Con thấy trên ti vi ông nào ở Trung ương cũng bệ vệ cũng béo mà!” Tôi xin phép được nói lại với anh ý nghĩ của trẻ thơ.

Trần Xuân Bách rất vui đáp lại:

- Mình không béo à?

 Tôi hỏi:

- Anh có biết giai thoại về nhà điêu khắc Thorwaldsen người Đan Mạch và nhà thơ Lord Byron người Anh không?

Trần Xuân Bách lắc đầu. Tôi xin phép được kể:

- Nhà điêu khắc Thorwaldsen người Đan Mạch và nhà thơ Lord Byron người Anh là những danh nhân nổi tiếng thế kỷ 19. Khi nhà thơ Lord Byron đến thăm xưởng của nhà điêu khắc Thorwaldsen, nhà điêu khắc xin được tạc tượng nhà thơ danh tiếng nước Anh để thể hiện ý tưởng và tư duy của nhà thơ mà ông khâm phục. Sau một giờ say sưa tạc tượng bán thân của thi hào Lord Byron, Thorwaldsen dừng tay xin nhà thơ cho biết cảm nhận về tác phẩm của mình. Nhà thơ Lord Byron nói: “Bạn không tạc tôi mà tạc một anh chàng yên ổn. Tôi không hề giống bức tượng này!”. Thorwaldsen phản ứng: “Có gì xấu nếu người ta sung sướng!”. Thi hào Lord Byron tái mặt đi vì tức giận: “Hạnh phúc và sự yên ổn khác nhau như đá hoa và đất sét. Chỉ những kẻ ngu và những người tâm hồn thấp kém mới tìm sự yên ổn trong thế kỷ còn nhiều bất công xã hội mà chúng ta đang sống này! Chẳng lẽ trên khuôn mặt tôi lại không có nét nào nói lên sự đắng cay, lòng can đảm và đau khổ của suy nghĩ ư?”. Thorwaldsen cúi đầu trả lời: “Ngài nói rất đúng! Con dao khắc đã phản tôi. Được gặp thi hào tôi vui quá nên con mắt tôi đã sai lệch.”

Nghe tôi kể xong câu chuyện, ông Trần Xuân Bách ôm lấy vai tôi:

- Hải Như, anh đã “minh họa” lời nhận xét của cháu nội anh về tôi một cách khá thú vị!

 Trước khi ra về, ông Trần Xuân Bách ôm chặt tôi một lần nữa, xúc động nói:

- Hải Như ơi! Chúng ta bắt đầu trở thành tri kỷ!”

Sau buổi gặp gỡ này, không một lần nào vào Sài Gòn mà Trần Xuân Bách không cùng phu nhân đến thăm nhà thơ Hải Như tại nhà riêng ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, Quận 1. Hai người đàm đạo tâm đầu ý hợp, cùng trăn trở về Di chúc của Bác Hồ không được thực hiện, cùng chia sẻ về nhận thức xã hội, về văn học Cách mạng hiện trong tình trạng như Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nhận xét là “Văn học phải đạo”.

Trước khi bị kỷ luật Đảng, vào ngày Rằm tháng Giêng âm lịch (sau Tết Nguyên Đán) 1990, đồng chí Trần Xuân Bách vào Sài Gòn họp Bộ Chính trị đã tới số nhà 27H đường Nguyễn Hữu Cảnh, Quận 1 thăm Nhà thơ Hải Như. Tại đây, nhà chính khách đã đọc cho nhà thơ nghe bài thơ của mình làm và nhờ góp ý. Bài thơ như sau:

          BÀI THƠ KHAI BÚT 1990

Bách Xuân

Ngày xuân nhớ cụ Tú Xương
Cố nhân chính trực đồng hương nghĩa tình.
Lẳng lặng mà nghe tiếng nói dân
Lấy dân làm gốc phải nghe dân
Trí khôn thiên hạ không hề thiếu
Chỉ sợ người ngu thích kẻ đần!

Ngay ngày hôm sau, nhà thơ Hải Như đã đến Nhà khách thành ủy T78 nơi nghỉ của đồng chí Trần Xuân Bách góp ý với tác giả nên thay từ “người” ở câu “Chỉ sợ người ngu thích kẻ đần!” bằng từ “mình”. Nhà chính khách Trần Xuân Bách tiếp thu ngay nhưng lấy làm tiếc vì đã đọc cho nhiều trí thức ở Hà Nội và Sài Gòn chép cả rồi.     

Đồng chí Trần Xuân Bách nhận thức sâu sắc rằng cuộc sống vốn đa nguyên, cách mạng muốn thắng lợi phải đi con đường hợp quy luật. Ông từng nói: “Chúng ta đã thực hiện đa nguyên kinh tế, vậy phải thực hiện đa nguyên chinh trị, bước tới bằng hai chân mới cân bằng, không bị vấp váp”. (Trích Hồi ký Làm báo của Tống Văn Công). Chính tư tưởng đi trước thời đại này đã khiến ông “lâm nạn”. Ngày 27 – 3 - 1990 Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa 6 đã quyết định cách chức Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng đối với đồng chí Trần Xuân Bách. “Chỉ có hai ủy viên Bộ chính trị, Nguyễn Cơ Thạch và Võ Văn Kiệt (thiểu số) cho rằng, từ quan điểm “lấy dân làm gốc”, Trần Xuân Bách muốn công cuộc đổi mới phải “đi hai chân” thì đất nước mới phát triển...” (Trích Hồi ký Làm báo của Tống Văn Công).  

Nhiều người không dám tiếp xúc với đồng chí Trần Xuân Bách khi ông lâm nạn vì sợ liên quan. Nhưng với nhà thơ Hải Như, tình bạn giữa hai người – nhà làm chính trị và nhà làm văn học coi như không có chuyện “cắt đứt”. Bạn bè can ngăn đừng đến Trần Xuân Bách vội nhưng nhà thơ Hải Như vẫn cứ đến thăm bạn đang gặp hoạn nạn. Trong Hồi ký Làm báo của Tống Văn Công có đoạn viết: “Mình biết, rất nhiều anh nhờ anh Bách mà leo lên “quyền cao chức trọng”, nhưng sau khi anh bị kỷ luật, suốt bao năm có anh nào dám đến thăm ông thày cũ của họ đâu! Cũng đừng trách họ hèn, bởi chúng ta phải sống “một thời vô luân” mà!”  

     

Nhà thơ Hải Như kể: “Ngày 20 tháng 5 năm 2002 tôi viết bài thơ ngắn biểu dương người bạn đời của ông Trần Xuân Bách những năm dài sóng gió đã làm điểm tựa cho chồng...”.  Nguyên văn bài thơ như sau:  

              TRẦN XUÂN BÁCH  

    Chắc chắn lịch sử sau này sẽ giành một trang về anh - khách quan phán xử
Tôi chỉ xin lưu ý nhỏ mai đời:
Cái Trần Xuân Bách mất rõ rồi nhưng còn cái được tuyệt vời sao!
Chia sẻ tiếng sét giáng xuống đời anh
Có một người đàn bà nguyện làm ngọn thu lôi vượt qua giông bão
(Chúng ta từng sống một thời vô luân để hai chữ “liên quan” đè lên cơm áo)
Trần Xuân Bách. Anh là nạn nhân và cũng là tác giả tội ác. Đúng không nào?
Trên chục năm dài lê thê con chim bằng gậm nhấm nỗi cô đơn
Tâm hồn vẫn sáng trong không rũ buồn vì khép cánh
Từ Sài Gòn mỗi lần ra ghé thăm – tôi vui làm nhân chứng Một tình yêu...

          Hà Nội – Trung Tự, ngày 20 tháng 5 năm 2002     

Ông Trần Xuân Bách không viết hồi ký mà làm thơ. Xin giới thiệu một bài thơ của Bách Xuân Trần Xuân Bách do tác giả đọc cho nhà thơ Hải Như ghi:

TRONG MƠ GẶP CỤ NGUYỄN DU

Một cơn giông chiều
Một đêm mưa đá
Có lạnh những tình yêu?
Có chân nào trượt ngã?
Bạn hỏi tôi vì sao
Nguồn thơ vẫn dạt dào
Khi tiếng sóng ồn ào
Khi trời giông sấm động
Vì lòng tôi không trống một niềm tin!
Trong một giác mơ
Được tiếp chuyện nhà thơ
Cùng Nguyễn Du bất tử...!
Bên lành bên dữ
Phải chăng phân giới bởi quyền uy?
Biết nói năng chi
Sau câu hỏi bất ngờ
Của nhà thơ
Thay cho câu trả lời
Tôi xin phép nhà thơ
Được sửa đôi dòng bất hủ:
“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ QUYỀN”
Cụ Nguyễn Du mỉm cười rơi nước mắt
Ngâm câu kiều “lẩy”:
“Nợ đời chưa trả cho ai
Khối tình giữ trọn cho đời chưa tan
Nỗi riêng không chút bàng hoàng
Tình dân nghĩa nước vẹn toàn trước sau
Thiện căn ràng buộc lấy nhau
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi!”
Ôi giấc mơ thần kỳ
Một đêm mưa đá
Giữa bầu trời Thủ Đô...

(Hà Nội đêm 29 tháng 03 năm 1990)        

   Ngày 01 tháng 01 năm 2006 chính khách Trần Xuân Bách qua đời. Trên báo Nhân Dân có bài đánh giá những cống hiến của Trần Xuân Bách trong hoạt động cách mạng. Cuối cùng thì Trần Xuân Bách đã được nằm trong nghĩa trang Mai Dịch, nơi chỉ dành riêng cho các vị đại công thần của chế độ… Chưa phải là tất cả, nhưng như vậy, người ta đã phải thừa nhận tư tưởng đổi mới đi trước của Trần Xuân Bách.       

          Từ thành phố Sài Gòn, nhà thơ Hải Như đã viết bài thơ vĩnh biệt nhà chính trị lỗi lạc của Cách mạng Việt Nam, một nhân cách lớn được giới sĩ phu mến mộ tài năng. Bài thơ này ghi trong sổ tay của nhà thơ. Được nhà thơ nhân chuyến mùa thu (2012) về thăm quê Nam Định cho phép, nay xin công bố rộng rãi:       

          VĨNH BIỆT NGƯỜI BẠN CÙNG QUÊ      
Hải Như
(Thay một nén nhang tưởng niệm Bách Xuân – Trần Xuân Bách)       

Ngồi trên ghế quyền lực cao nhất Anh tìm đến ngõ Hòa Bình 5 đường Minh Khai gặp nhà thơ
Anh và tôi cùng huyện nhưng 2 vị trí khoảng cách xa nhau – chưa giáp mặt bao giờ
Tôi ngạc nhiên khi thấy Anh lẫn trong đám đông và... không có 2 cằm(?)
Nghe tôi từ Sài Gòn ra Anh tới thăm ngay để trả lời bài thơ gởi Trung Ương tôi kiến nghị
Ngừng xây dựng Bảo Tàng Hồ Chí Minh nhường cho công trình phúc lợi Người dân
Có cả một văn phòng – có thư ký riêng nhưng Anh đích thân “vi hành” vào ngõ hẻm
Tôi nhớ tới câu thơ hôm nào Anh ghi tặng tôi:
“Bác Hồ là chúng ta khi chúng ta thật sự là chúng ta...”
Ngày Anh đi xa trên báo Nhân Dân bạn đọc thấy Những – gì – thuộc – về - Anh đều được trả lại
Tôi bỗng liên hệ đến có kẻ nhất định đòi “treo cổ” Anh ngày ấy
Chẳng biết sẽ nghĩ gì khi cầm tờ báo sáng xuân nay TRẦN XUÂN BÁCH. Tôi biết Anh “dám tin riêng mình đúng số đông sai” như câu thơ tôi viết về Kim Ngọc
Chúng ta từng nói với nhau: Chân lý nằm trên mặt phẳng
Nhưng nhiều khi đến được Chân lý con người bị “loạn thị” đã đi vòng...

                                                (Sài Gòn, ngày 6/1/2006)

 

                                                         H. NH

          Tình bạn tâm giao giữa chính khách Trần Xuân Bách với Nhà thơ Hải Như đã trở thành giai thoại của một thời Cách mạng gặp khúc quanh.
                              

 Thành Nam, 01 - 12 – 2012

                                                  


. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ Nam Định .