Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





THƠ KIÊM THÊM





T ừ những ngày còn theo học triết lý tại đại học Sorbonne tôi đã mơ hồ nghĩ mỗi dân tộc bao giờ cũng có một nền triết học riêng. Bởi vì, triết học, trên mọi bình diện nào đó, rút lại, chính là ý thức được hệ thống hóa và thuấn túy hóa, là một tổng hợp nhân sinh quan và vũ trụ quan. Tôi cũng nghĩ, từ cái nhìn dựa lưng vào dân tộc đó, nén thật mạnh thật sâu xuống từng sợi rễ chằng chịt trong lòng đất, tôi nghĩ mỗi tập thể nằm trong lòng dân tộc cũng có một triết lý riêng. Phải có, có chứ, một triết lý rất Huế, phải có một triết lý của tình yêu, cũng như có triết lý thi ca, triết lý âm nhạc.

Thơ của Kiêm Thêm, đọc suốt một đêm qua, bỗng nhiên mang lại cho tôi cảm tưởng ấm áp. Trong đêm, thật kỳ lạ, những dòng chữ viết tay rất đẹp của Thêm giống như những dòng cổ ngữ bị che phủ bởi rêu phong bỗng hiện ra dần dần rõ nét. Thơ đó hiện ra như chứng liệu chứng minh cho tôi thấy có một triết lý của thi ca, có một triết lý của Huế tất cả cô đọng lại, kết tinh lại thành một quan niệm triết học rất nhân bản, rất người.

Người đọc sẽ tự hỏi cái phong thái nghiễm nhiên, cái thái độ rộng lượng bao la, cái nhìn soi thấu đời như có như không, như hữu thể mà cũng vẫn hư vô, không mà có ở trước mặt, là nhân sinh quan của thi sĩ, là triết học Phật giáo, là triết lý của Huế hay của thơ? Cái tâm hồn tình tự riêng tư mà đầy ắp dân tộc, cơn đam mê nồng nàn đầy thể xác mà rất đỗi tinh thần đó là thơ, là Huế, là Kiêm Thêm hay là Việt Nam? Kiêm Thêm là “gã lưu dân” hay là “Tôi phượng hoàng bay” “Hạt bụi của trời” hay là “những nhánh sông chia biệt”, là “vô thường”, là“ấn kiếm xin trả lại cho đời” hay chính là những cơn mơ của “thời hạnh phúc”, là đôi mắt buồn đứng “dưới mái tam quan”.

Thơ Kiêm Thêm là tất cả những thứ đó. Bởi vì chính Kiêm Thêm là tất cả những thứ đó. Là trí tưởng phượng hoàng bay. Là Huế trong những tế bào ký ức thẫm sâu đó. Thơ Kiêm Thêm có triết lý Huế, rung động Huế, tình yêu Huế. Đam mê Huế. Thơ đó có cả cuộc đời lẫn vô thường, tình yêu và tuyệt vọng, hân hoan và thống khổ. Có Việt Nam. Có kiếp người? Huế nào không Việt Nam? Người nào không tình tự? Đam mê nào không đớn đau? Hữu thể nào không vô thường? Và hư vô nào không là khởi nguồn của một sinh động mới?

Những người đã gặp Kiêm Thêm, những bằng hữu của Thêm, như Nguyễn Anh Tuấn, như Du Tử Lê, như Du Miên nhìn thấy ngay trong thơ Kiêm Thêm, Huế mà rất Việt Nam, Việt Nam không bao giờ quên Huế, có ngao ngán lẫn khuất trong đam mê, nhìn thấy định mệnh, thấy hư vô mỗi lần dần bước vào đời. Nhưng những bằng hữu của Kiêm Thêm còn nhìn ngoài Kiêm Thêm đa dạng mà đơn thuần, mâu thuẫn mà thuần lý, đúng thế, những bằng hữu của Thêm còn nhìn thấy một Kiêm Thêm khác nữa:

“Ta lẫm liệt đi trên ngàn giông bão
Tay vung gươm chém nát những ươn hèn
Chẳng bao giờ là một kẻ tham lam
Chân ngạo mạn bước đi cười nửa miệng
Đời tặng ta với muôn ngàn quỷ quyệt
Ta khước từ làm kẻ lạ không quen
Để suốt đời cùng bằng hữu anh em
Nhấp chén rượu ngang tàng như đá núi…”

Cái triết lý bằng hữu, triết lý huynh đệ, triết lý ngang tàng chính là một trong những triết lý lâu đời và sâu sắc nhất tiềm ẩn trong triết học Đông phương, Nó chính là cái triết lý mà từ lâu chúng ta mong nhớ. Từ mấy chục năm nay. Càng mong nhớ hơn kể từ mười năm nay, trên con đường lưu lạc...