Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





“GIÓ TỪ TAY MẸ”, ĐÔI BÀN TAY YÊU THƯƠNG

MẦU NHIỆM CỦA MẸ CÒN THEO MÃI BÊN ĐỜI




"G ió Từ Tay Mẹ” là tập thơ thứ 4 của nhà thơ Đinh Hồi Tưởng, gồm 56 bài thơ đủ thể loại; sách dày 97 trang, tác giả trình bày bìa và phụ bản, Nhà xuất bản Hải Phòng - 1997.

“Gió trời” lồng lộng có khi còn ngừng nghỉ; nhưng “gió từ tay mẹ” luôn dạt dào, dịu mát, miên viễn, đưa con vào giấc ngủ từ chiếc nôi đầy yêu thương, êm ái của thuở chào đời. Đôi bàn tay mẹ, đã bế bồng, chăm sóc, nuôi nấng, che chở để con lớn khôn từng ngày. “Cơm con ăn tay mẹ nấu. Nước con uống tay mẹ đun. Trời nóng bức gió từ tay mẹ con ngủ ngon. Trời giá rét cũng từ tay mẹ ủ ấm con. Bàn tay mẹ vì chúng con. Bàn tay mẹ con lớn khôn” (lời bài hát Bàn Tay Mẹ của Bùi Đinh Thảo).

Ngọn gió trong lành, tươi mát từ “đôi bàn tay yêu thương mầu nhiệm của mẹ luôn còn mãi bên đời” của mỗi chúng ta. Muốn có “ngọn gió” tươi mát, mẹ đã phải “chắt chiu”, gom góp từng ngày khổ đau, cơ cực, nên con cảm thấy trong lòng “niềm hân hoan dậy” - sự cảm thấy tuy không lớn, nhưng là tấm lòng thấu hiểu cảm thông sâu đậm:

“Gió từ tay mẹ chắt chiu
Niềm hân hoan dậy muôn chiều lời ru
Đem tình thương lại… cho dù
Chân trời góc biển tàn thu cũng đành”.

(Gió Từ Tay Mẹ - trang 37)

Là một vị tu sĩ, có tâm hồn nhạy cảm với đời sống quanh mình, lại có “thiên tính” yêu thơ văn và nghệ thuật; nhà thơ Đình Hồi Tưởng đã bày tỏ Tình Quê qua những vần thơ thật sâu lắng, gần gũi, thiết tha. Ông luôn hướng lòng về quê nhà, với cây đa, bến nước. Hình ảnh “chiếc cầu tre” lắc lẻo, như khúc hát ru nằm nôi thuở nào, lắng đọng trong tâm hồn của mỗi chúng ta; để ai cũng có thể nhìn thấy mình trong ấy. Và “khúc dân ca” mộc mạc mãi réo rắc theo bước chân nhà thơ trên mọi nẻo đường.

“Nặng tình nặng nghĩa với cây đa
-Bến nước cầu tre mẹ dắt qua
Phía trước sáng bừng bao ước vọng
-Lưu truyền nhau mãi khúc dân ca”.

(Khúc Dân Ca - trang 47)

Hình bóng người mẹ thương yêu nơi quê nhà, với lời hát ru, với khói bếp lam chiều êm ả, những lần mẹ cầm tay dắt qua cầu tre (…) đã luôn khơi gợi trong tâm hồn nhà thơ nỗi nhớ thương ray rức. “Ngày nay con dõi trông theo/Khi hình bóng mẹ khuất đèo non xa”, dù mẹ đã đi xa, nhưng nhà thơ thấy mẹ thật gần gũi, thật ấm áp; và ông ví mẹ như “vần thơ, nốt nhạc, khúc ca thanh bình”. Nhà thơ mong ước được đón nhận ngọn gió trong mát từ đôi bàn tay của mẹ, như thuở ấu thơ; và có lẽ làn gió đầy yêu thương, mầu nhiệm ấy, đã len lỏi theo từng bước chân ông trên con đường tu học.

“Đi tìm… trăn trở trắng tay
Thăng trầm chọi với những ngày tháng qua
Xưa nay mẹ vẫn như là
Vần thơ, nốt nhạc, khúc ca thanh bình
Khói chiều bếp lửa lung linh
Nửa đêm nghe tiếng chày kình gọi sương!”.

(Lời Cầu Nguyện - trang 7)

Một lần, nhà thơ tiễn bạn ra về dưới cơn mưa, bị thấm ướt lạnh, nhưng ông cảm thấy ấm lòng vì bạn đến thăm mình, không quản ngại đường xa. Ông tự nhủ với chính mình, ông bước vào con đường đạo như một định số, một nhân duyên lành đã có từ muôn kiếp trước “số mình xin ở lại đây giữ chùa”. Tất cả đều theo dòng nhân duyên đã định sẵn; và ông nguyện sẽ hiến dâng cả cuộc đời cho đạo pháp; cố gắng tu học, luyện tâm, không xao động trước những hơn/ thua, được/mất của cuộc đời.

“Nỗi niềm chôn chặt hơn thua
Những xao động gió sang mùa tịnh tâm
Trớ trêu đá cũng lặng thầm
Đường dài chẳng được hồi âm đến cùng

Lần dò nghiền ngẫm từng chương
Trỗi lên khúc nhạc diệu thường thẳm sâu
Dù cho xuân sắc phai màu
Vẫn còn đây mộng ban đầu, tri âm”.

(Dưới Mưa Tiễn Bạn - trang 30)

Trong một lúc tỉnh giác, nhà thơ bỗng nhìn rõ mình từ nguyên thủy, như một sự bừng tỉnh, thoát khỏi vòng mê chướng đã đeo đẳng từ bao đời. Ông cảm thấy nhẹ hều, thong dong đi giữa trần gian mà ngắm nhìn, mà rung cảm dạt dào “Câu hò ấm lại hằng mong/ Quê hương mười ngón tay hong phiếm đàn”. “Quê hương” với nhà thơ, còn là nơi chốn trở về, là “bản lai diện mục” mà người tu tự nguyện phải đạt đến. Nhà thơ đã cảm nhận được sự an vui, tịnh nhiên, muốn “mời gọi” chúng ta hãy cùng nhau trở về với niềm an lạc vĩnh cửu, chân chính ấy:

“Rủ nhau về Đại Tòng Lâm
Rõ mình từng bước thăng trầm mặc nhiên
Máu xương trang trải lời nguyền
Với muôn vật cũng nhân duyên kiếp nào
….
Xé trời chim sững bay ngang
Cây cùng sỏi đá trần gian nhẹ hều”.

(Thức Dậy Hằng Mong - trang 21)

“Hạt mưa” (hay pháp nhũ) ân phước, mầu nhiệm rớt xuống chạm vào tâm hồn nhà thơ rạng ngời như đang được hồi sinh một cuộc đời mới; để ông hân hoan, lắng nghe “khúc nhạc trời” réo rắc, vời vợi. Nhà thơ thấy mình đang trên đường trở về “mái nhà xưa” (quê cũ/bổn lai diện mục), ngày một gần hơn, rõ ràng hơn.

“Hạt mưa rớt xuống vô tình
Chạm tia nắng đất hồi sinh rạng ngời
Ấm lòng một mảnh trăng khơi
Lắng nghe điệp khúc xa vời vợi xa
Xua mây đuổi gió ta bà
Đường về tuyệt đích tôi và bóng em”.

(Nói Với Thơ - trang 46).

Đôi khi nhà thơ lại “nghe bước thời gian” như ngưng nghỉ, lắng đọng cùng nỗi nhớ thương Quê nhà tha thiết. Nỗi nhớ như chùng xuống, da diết trong lòng ông; rồi ông héo hắt lòng đau, không ai hương khói mẹ, không ai thăm viếng mộ phần cha. Dù vậy, ông “vẫn thèm rong ruổi cõi mù sa”; để nỗi nhớ lặng lẽ như núi rừng trầm mặc, như sông biển rì rầm thiết tha, réo gọi. Chuyến “rong ruỗi cõi mù sa” của một chân tu là cuộc hành trình dài, có thể trong nhiều kiếp.

“Vẫn thèm rong ruổi cõi mù sa
Bấm đốt loay hoay tính tuổi già
Đất khách nhớ ơi, hương khói mẹ
Quê người thương lắm mộ phần cha
Núi rừng lặng lẽ nghe hời hợt
Sông biển rì rầm dậy thiết tha
Ngoái lại đằng sau trăng vụn vỡ
Bồi hồi dõi bóng tháng ngày qua”.

(Nghe Bước Thời Gian - trang 54)

Ngoái đầu nhìn lại, “Yêu thương vẫn chảy nồng nàn”, bềnh bồng cùng nỗi niềm tiếc thương; rồi bật ra như tiếng kêu, tiếng than thở “đáp đền ơn chẳng kịp cùng mẹ ơi!” vì đã chưa kịp đáp đền công sinh thành dưỡng dục, bao la trời biển, thì người đã ra đi.

“Bềnh bồng quẩy gánh riêng chung
Đáp đền ơn chẳng kịp cùng mẹ ơi!
Xưa nay tâm sự vạn lời
Giật mình trắng ngỡ chơi vơi nỗi niềm”.

(Nỗi Niềm - trang 40).

“Gánh riêng chung” trên đôi vai người tu sĩ trẻ là rất nặng. Việc riêng phải “tự độ. tự giác”, mới lo việc chung “giác tha - độ tha” được!

Nhà thơ biết rằng, dầu có thương cha, nhớ mẹ, cũng chỉ tưởng nhớ trong lòng; bởi con đường ông đã chọn, là cứu cánh giải thoát. Đạo hiếu đâu chỉ là chăm sóc, áo cơm (phần thân) mà chính là, đời sống tâm linh (phần tâm), đời này và đời sau. Chữ hiếu ở người xuất gia cao đẹp là vậy. Cho nên, dù “thương khúc ruột nỗi niềm đau khôn cùng”, ông vẫn phải đi hết con đường đã chọn; để có thể hồi hướng công đức cho ông bà, mẹ cha và những người thân yêu được trọn vẹn, theo đúng lời Phật dã dạy.

“Ven đường trắng ngút bông lau
Thương khúc ruột nỗi niềm đau khôn cùng
Vầng trăng một niệm viên dung
Lại chờ đợi để nhớ nhung tìm về.

Mẹ là nước, cha là non
Là trang thơ viết mỏi mòn chưa xong
Nên chi gói trọn tấm lòng
Đền ơn đáp nghĩa ước mong được nào?”.

(Khúc Tâm Tình - trang 71-72).

Trong một thoáng tịnh tâm, nhà thơ chợt ngộ ra, như “nghe thấy” mùi thơm ngát của đóa hoa Ưu Đàm từ thinh không dội về. “Giọt mưa thiền thất Bồ Đề” tưới thấm đẫm, như suối nguồn yêu thương dạt dào tuôn chảy.

“Bỗng dưng một sớm mai hồng
Cánh hoa đàm nở thinh không dội về
Giọt mưa thiền thất Bồ Đề
Bước đi ngừng ngập bên lề trần gian

Từ vô thủy đến vô chung
Vai mang nhật nguyệt ung dung lên đường
Sắc màu xanh tự quê hương
Nguồn trôi nước chảy tình thương dạt dào”.

(Tri Ân Những Tấm Lòng - trang 79).

Với lời thơ nhẹ nhàng, đôi lúc rất đơn giản, nhưng sâu lắng, nhà thơ Đinh Hồi Tưởng đã chia sẻ cho người đọc cảm nhận về tình yêu thương ông dành cho mẹ như biển rộng mênh mông, lắng đọng. Hình ảnh người mẹ thân yêu đã luôn có mặt trong từng suy nghĩ, trong những giấc chiêm bao; cho ta thấy, ông là một người con chí hiếu, nặng nghĩa.“Ráng chiều bên mẹ thờ ơ/ Dửng dưng trôi mất ai ngờ chiêm bao”.

Những lời hát ru xa xưa êm đềm, ngọt ngào của mẹ, như chợt trỗi lên trong lòng, đôi khi khiến ông chao đảo, ray rức, nhớ thương. Thế nhưng, nỗi nhớ thương ấy không hề làm chùng lòng, mà là lời nhắc nhở, khiến ông vững vàng hơn, đi về phía trước “Hiến dâng trọn kiếp tang bồng khói sương”. Ông xin “tùy duyên”, không nghĩ bàn, chỉ một lòng tin son sắc - “tình yêu thương” là tất cả.

“Tùy duyên trên vạn nẻo đường
Mà không hề mắc chẳng vương vấn gì
Nằm trên chiếc võng đến đi
Thế thôi, bất khả tư nghì, thương yêu.

… Chim bay còn trở lại nguồn
Bởi vì giọng hát nghe cuồn cuộn rung
Xuống đây trời, đất thưa cùng
Mẹ thì vô thủy vô chung mới là…”.

(Thưa Cùng Trời Đất - trang 52 - 53).

Trong quá trình tu học kham khổ, nhà thơ đã dần thấy được con đường đi của mình ngày một rõ ràng - “Hoa sen mọc ở bụi hồng/Đêm khua mù mịt nhưng không mịt mù/cội nguồn bỗng hóa thiên thu”. Giữa thâm sơn cùng cốc, vệt nắng cuối ngày như ngưng đọng lại, để chiều ngừng trôi; và “đóa hoa thiền” nở giữa mộng và thực bất ngờ; nhà thơ an trú trong cõi tịnh nhiên, an lạc. Thật kỳ diệu!

“…Đường mòn
Chợt nhớ rẽ vào lối thơ
Hoàng y thanh thoát ngồi chờ
Giữa đời mộng thực bất ngờ
Thiền sư!”

(Đóa Hoa Thiền - trang 81)

Với tâm hồn rỗng rang, an tịnh ấy, nhà thơ hát khúc “vô thường ca” thật bi tráng:

“Dù cho dâu biển vô thường
Chẳng còn chẳng mất ngàn phương viễn hành
Vui cùng ước nguyện ngày xanh
Người về quên cả an lành tịch nhiên”

(Vô Thường Ca - trang 43)

Ông vẫn luôn thầm nghĩ, mẹ “là di sản, là tinh hoa, là mạch nguồn của sự sống”. Đôi bàn tay mẹ đã dẫn dắt, đưa con đến sự an vui, giải thoát. Ngọn gió trong lành, tươi mát từ đôi tay nhiệm mầu của mẹ đã nuôi nấng, yêu thương, xoa dịu, che chở, an ủi con, luôn còn mãi bên đời.

“Mẹ theo con sống ngày qua ngày không ngờ giữa đêm dài bi kịch, thoáng chốc gió bay vèo tơi tả lá nhiễu nhương, tình khúc buồn hồn đầy ắp nhớ thương: Mẹ là di sản - là tinh hoa - là mạch nguồn của sự sống!”
(Mẹ Là Tất Cả - trang 76)

“Gió Từ Tay Mẹ” là những khúc ca thấm đẫm tình Quê, tình Cha Mẹ, tình Đạo, tình Đời. Với lời thơ trong sáng, giản dị, chân thành, dễ đồng cảm - với lòng cảm thông chia sẻ cùng đời sống; nhà thơ Đinh Hồi Tưởng đã tạo được cảm xúc nhanh chóng, sâu sắc cho người đọc, như những ngọn gió nồm dạt dào từ biển khơi của tình yêu thương, từ đôi bàn tay mẹ yêu quý, nhiệm mầu!.

Tháng 7.2019


TIỂU SỬ NHÀ THƠ ĐINH HỒI TƯỞNG

-Tên thật Đinh Văn Thanh, pháp danh Thích Tấn Tuệ.

-Ủy viên Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện đang trụ trì chùa Đây, Suối Đó, tại thị xã La Gi, Hàm Tân, Bình Thuận.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:

- Đóa Hoa Thiền (Thích Tấn Tuệ) - Chùa Một Cột (Thích Tấn Tuệ) -Một Thoáng Bâng Khuâng (1992) - Cánh Nhạn Đường Mây (1994) -Lời Trong Hoa (1997) - Gió Từ Tay Mẹ (1997) -Ẩn hiện (2000) -Hát giữa rừng chiều (2003) - Vịn Bình Minh Đứng Dậy (2016)
Ông đã có thơ đăng trên các báo, tạp chí: Giác Ngộ, Văn Nghệ Bình Thuận, Đại Đoàn Kết, Thời Văn, Việt kiều Hải Phòng, Giáo Dục và Thời Đại.