TRÁI TIM TÔI
ĐANG ĐẬP TRÊN TAY BẠN
T
hư gửi Bạn Đọc Pháp
Thưa các Bạn,
Tôi sinh năm 1944, lớn lên trong lòng nước Việt Nam mới. Cùng với văn chương Nga và văn chương Trung Hoa, trong tâm khảm tôi, tôi rất ngưỡng mộ văn chương Pháp và văn hóa Pháp, mà tinh hoa của nó, tôi nghĩ là khởi điểm cho rất nhiều khởi điểm các giá trị tinh thần của cả nhân loại.
Tôi đã mua được hầu hết các tác phẩm văn chương, nghệ thuật và văn hóa Pháp, dịch sang tiếng Việt, lúc ấy còn in với số lượng rất hạn chế tại Hà Nội. Trong Thư viện TRẦN NHUẬN MINH của tôi, hầu hết là các tác phẩm rất nổi tiếng của Pháp, và của các nước khác ở Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, từ cổ đại đến đương đại. Những tác phẩm này đã ảnh hưởng rất sâu sắc đến tôi và Trần Đăng Khoa sau này. Tôi nhờ một tài xế xe tải quen, chở sách về quê, xe đổ sách cạnh đường quốc gia, rồi mẹ và em gái tôi mang quang thúng ra đường, gánh sách về nhà như gánh thóc vậy.
Vậy mà, các Bạn ơi, mãi đến năm 1990, với tư cách là một nhà thơ đã thành danh, tôi mới đặt chân được đến Matxcơva, và cũng năm ấy, thơ tôi được dịch sang tiếng Nga, xuất bản ở Matxcơva; mãi đến năm 1999, 9 năm sau, tôi mới đặt chân được đến Bắc Kinh và năm 2014, tuyển tập thơ của tôi 163 bài, mới được dịch sang tiếng Trung, xuất bản tại Bắc Kinh. Và cuối cùng, năm 2018, cũng 9 năm sau, niềm mong mỏi lớn nhất của tôi mới được thực hiện. Tôi đã đến Paris, lòng vô cùng xúc động khi ngắm ánh bình minh trên Cung điện Versailles và buổi chiều ngắm làn mây trắng bay thanh thản trên đỉnh Tháp Eiffel, trên Nhà thờ Đức Bà, thả hồn theo cánh chim bồ câu trắng bay ngang, bay dọc sông Seine… Thực tình là những lúc đó, tôi nhớ đến nao lòng các tác phẩm của Đại văn hào Victor Hugo, của Đại danh họa Pablo Picasso, của Thi hào Louis Aragon và nhiều tên tuổi rất lớn khác của văn chương Pháp, đã thấm đẫm trong tâm trí tôi không biết tự thuở nào. Thơ L. Aragon rất hay, nhưng tôi nghĩ, nếu ông còn sống đến bây giờ, chắc ông sẽ viết khác về nước Pháp vĩ đại của mình, cường tráng hơn và cũng hào hoa hơn. Tôi có hơn 10 bài thơ viết ở Pháp, trong đó có câu: “ Aragon ơi, thơ Người giờ đã cũ / Dù nước Pháp đến bây giờ, vẫn là nước Pháp mắt bồ câu”.
Từ năm 1962, tôi dạy học rồi sau đó chuyên sáng tác ở Khu mỏ Hồng Quảng, bên bờ Vịnh Hạ Long, mà chắc có nhiều Bạn đã từng đến. Năm 1966, em trai tôi, chú bé Trần Đăng Khoa, 8 tuổi, làm thơ và năm 1968, 10 tuổi, thơ Khoa đã được nhà văn Pháp Madeleine Riffaud, một nhà văn rất nổi tiếng và rất quen thuộc ở Việt Nam, giới thiệu ở Pháp. Cuối năm đó, đoàn làm phim Pháp gồm nhiều tên tuổi nổi tiếng do đạo diễn - nhà thơ Gérard Guillaume dẫn đầu, đã về nhà tôi 1 tuần, về ngôi nhà lá, vách đất, sân đất, ở Hải Dương, quay những thước phim đầu tiên về Trần Đăng Khoa, do nhà thơ lớn của chúng tôi là Xuân Diệu dịch và đọc thơ Khoa bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy phảng phất đâu đây, trong căn nhà lá của bố mẹ tôi, những bóng hình thân yêu và những tiếng nói ấm áp của các nhà văn nhà thơ và nghệ sĩ Pháp. Trong nhiều bài thơ hay của các nhà thơ Pháp viết về Khoa và làng quê tôi ngày ấy, tôi rất nhớ bài “Gửi em Khoa” của nhà thơ Claude Paris ( Vũ Tú Nam dịch) và bài “ Ở xã Quốc Tuấn bươm bướm lựợn bay” của Gérard Guillaume ( Xuân Diệu dịch ) lấy ý từ thơ Khoa.
Như vậy, các bạn đã hiểu nước Pháp, nhân dân Pháp và văn chương văn hóa Pháp, thêm một lần nữa, đã tác động trực tiếp vào tôi và gia đình tôi sâu sắc như thế nào.
Trong số các nhà văn, nhà giáo, nhà báo Việt Nam đã qua lại nhiều lần ngôi nhà lá của gia đình tôi, viết về bố mẹ tôi và chú bé Khoa, từ những năm chiến tranh xa xưa, có bà Đạm Thư, mà mãi đến gần đây, tôi mới biết, bà nguyên là sinh viên trường Đại học Sorbonne, Pháp, về nước từ năm 1956, dạy học cho con em nông dân ở trường Nông Lâm nghiệp. Chính bà Đạm Thư, năm nay đã 85 tuổi, hiện ở TP Hồ Chí Minh, đã giới thiệu tập thơ xuất bản Anh ngữ của tôi với bà Dominique de Miscault…. một họa sĩ và một nhà thơ Pháp rất quen thuộc với Việt Nam, đã đi về Việt Nam nhiều lần. Bà Dominique là một trong những biểu hiện rất cao đẹp của tình hữu nghị Pháp Việt và mối bang giao văn hóa Pháp Việt. Bà đã đọc thơ tôi, dành rất nhiều tâm huyết và công phu, để tập thơ 107 bài này, đến được tay các Bạn.
Tôi có câu thơ “Tôi đã tự đánh mất mình tất cả / Trong một câu thơ hờ hững Bạn cầm”. Vì sao? Vì tôi đã đánh cược cả cuộc đời mình vào thơ, với nhiều may mắn, nhưng cũng không ít rủi ro… Vì thơ là sự sống của chính bản thân tôi. Tôi hi vọng các Bạn sẽ không hờ hững với những câu thơ này, là nhờ tâm huyết và sự sáng tạo trở lại cuả họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh – nhà thơ - dịch giả Domminique. Tôi rất cảm ơn bà và các cộng sự của bà. Và như thế, vinh dự biết bao, tôi đã có mặt cùng các Bạn và trái tim tôi vẫn đang đập trầm tĩnh, khắc khoải và bâng khuâng trong những câu thơ của tôi, hiện đang có trên tay Bạn.
Bạn ơi, Bạn ơi, xin Bạn hãy nhận ở tôi, lòng biết ơn rất sâu sắc và chân
thành với tất cả lòng mình.
Vịnh Hạ Long, mùa thu 2020