THẾ GIỚI CỦA NHỮNG THIÊN THẦN
T rong hành trang đi Việt Nam lần này của tôi có hai quyển sách: “Trò Chuyện Với Thiên Thần” của anh Trương Văn Dân và “Gia Đình” của cháu Phan Thúy Hà. Tôi dự định sẽ viết về hai tác phẩm này. Cả hai tác giả đều từ bạn ảo Facebook thành bạn thật của tôi. Có nhiều điều chúng tôi tâm đắc với nhau hơn cả bạn bè chơi từ bé.
Anh Dân cùng lứa tuổi, cùng quê Bình Định như tôi, nhưng anh lớn lên ở Miền Nam rồi sang Ý học, lấy vợ Ý, coi nước Ý là quê hương mới. Chị Elena Pucillo Trương, vợ anh, lại coi Việt Nam, quê chồng là quê hương mới. Từ nhiều năm nay, anh chị về Việt Nam sống và viết về Việt Nam. Tình yêu của Elena đối với quê chồng cũng đã thể hiện qua những tác phẩm của chị.
“Trò Chuyện Với Thiên Thần” (TCVTT) không nhắm viết riêng về Việt Nam, dù nó được viết bằng tiếng Việt, dành cho người Việt. Tên quyển sách khiến nhiều người nghĩ rằng đó là một cuốn tiểu thuyết. Không, đó là một kho kiến thức về quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, giữa cuộc sống tinh thần và vật chất.
Những kiến thức này được tích lũy từ cuộc sống của một trí thức từng trải, bôn ba bốn phương, từ kỹ sư công nghệ hóa sang viết văn, thấm sâu cả hai nền văn hóa Á-Âu.
Trong một đất nước mà kẻ thì hối hả, kẻ thì lúng túng, kẻ thì bất cần trong việc lựa chọn con đường tương lai, thì “Trò Chuyện Với Thiên Thần” cung cấp nhiều điều bổ ích. Tuy tác giả viết dưới dạng cha tâm sự với những người con mà ông coi là thiên thần, nhưng thực ra anh đang nói chuyện với người đọc.
Anh mở đầu cuốn sách bằng câu chuyện về Ngọc, người thân của anh để nêu bật tương phản về quan niệm sống. Trong khi tác giả coi hạnh phúc là sự an bình, sự đơn sơ của niềm vui sống, là đọc sách, thở không khí lành, vui với bè bạn thì đối với Ngọc “điều quan trọng nhất là thành công về kinh tế... tiền bạc, danh tiếng và lợi nhuận đã trở thành tư duy chủ đạo. Cô ấy biết cách kiếm sống, nhưng không biết sống! Toàn bộ thời gian của cô chỉ nhằm để có thêm phương tiện sống chứ không phải để hưởng niềm vui được ở cạnh người mình thương yêu, hưởng niềm vui thú về đời sống tinh thần, văn chương, âm nhạc, hội họa... Cô nghĩ rằng mọi thứ đều có giá và đánh giá con người về những gì họ có hay không, phán xét sự việc theo chiều có lợi chứ không phải vì đúng hay sai” .
Cái kết của Ngọc thật buồn.
An ủi còn lại của những người như Ngọc là lo cho con được hưởng nền giáo dục và văn hóa phương Tây. Nhưng phương Tây không nhất thiết là miền đất hứa của người Việt. Tuy đi trước Việt Nam cả thế kỷ, nhưng phương Tây cũng chứa đựng những bất công và bất lực của một xã hội bị áp lực công nghiệp hóa. Nạn tự sát vì mất phương hướng ở Nhật, Nam Hàn, nạn người già cô đơn giữa một xã hội chỉ còn biết vật chất và tự do cá nhân, nạn tôn sùng bạo lưc, nạn kỳ thị chủng tộc ở Mỹ v.v. khiến nhiều cháu du học mất phương hướng.
Cuốn sách đúng là một kho kiến thức mà bố mẹ cần có để chuẩn bị cho con cái trước khi đẩy chúng xuống nước, bơi ra biển lớn.
Loài người đang chứng kiến một hiện tượng chưa từng có “Toàn cầu hóa” (Globalizing). Tác giả đã tóm tắt Globalizing trong mấy câu:
“Bản chất thật sự của toàn cầu hóa nên bị xem là tàn ác một cách thông minh và thông minh một cách tàn ác vượt mọi thời đại, cổ kim chưa từng thấy. Tuy dùng những ngôn từ hoa mỹ nhưng trên thực tế tiến trình “toàn cầu hóa” là tiến trình làm giàu cho đám đã có sẵn tiền, đã gạt người dân toàn thế giới sang bên lề. Từ nhiều năm nay giới học giả phương Tây đã cảnh cáo “Tất cả chúng ta đều là kẻ bóc lột, phồn vinh của chúng ta chính là nỗi khổ của kẻ khác”. (trang 124)
“ Toàn cầu hóa thật “tuyệt vời”! Nhờ nó tất cả mọi thứ đều được tự do lưu hành: vũ khí, hóa chất, thuốc lắc, rác thải độc hại, đĩ điếm, ấu dâm, mua bán nội tạng, tiền bẩn... tất cả, mọi thứ, trừ quyền sống của con người... ”
“Chỉ trong vòng 2 thế kỷ mà sự bạo tàn, ô nhiễm và hủy diệt của con người vượt qua hơn 40 thế kỷ trước cộng lại! Sắp tới, biển sẽ chứa nhiều nhựa hơn cá. Và hiện nay không có con chim nào mà không từng ăn nhựa ít nhất một lần. ” (Trang 125).
Toàn cầu hóa đã đảo lộn trật tự xã hội. “Chủ nghĩa cộng sản và đấu tranh giai cấp biến mất, thay vào đó là chủ nghĩa tư bản hoang dã: Giai cấp công nhân” tưởng làm thay đổi thế giới ngày nào…đã tự biến thành một “giai cấp tiêu thụ”, phục vụ cho giới chủ nhân mới. Chính kẻ thù giai cấp ngày xưa, giới chủ, đã hiểu sâu sắc là chỉ cần mang chiếc tủ lạnh vào nhà, hay hiện đại hơn, đút chiếc điện thoại thông minh vào túi họ, để lôi kéo họ vào cuộc chơi tiêu thụ thì cuộc tranh đấu kia liền bị dập tắt. Kết quả là sự chạy đua mua sắm đã kéo theo sự tàn phá môi trường và có sự tiếp tay của hàng triệu kẻ cam tâm phục vụ giới chủ. ” (Trang 226)
Trải qua hơn 5000 năm khai sáng, loài người vẫn giữ nguyên sự man rợ của giống ăn thịt như thuở lông lá:
“ Các thương gia Đài Loan ở Quảng Đông loan truyền một trào lưu bồi bổ rợn tóc gáy: Canh thai nhi 6-7 tháng tuổi, được chế biến với một số vị Đông y được ví như thuốc “tráng dương thượng phẩm”: Thai nhi được rửa bằng rượu cho khỏi tanh mùi máu. Sau đó là xẻ, chặt, cắt để nấu thành món ăn…Các món ăn đều làm từ thai nhi nữ. Đây phải chăng là tác hại của chính sách một con, hay là do tập tục của người Trung Quốc? ”. …Mới đây ở Hàn Quốc người ta phát hiện những viên nang nhập từ Trung Quốc làm bằng bột thịt hài nhi …! (Trang 65)
Xin đừng nghĩ chỉ người Hoa mới man rợ. Người Việt chúng ta cũng không kém. Đã có người kể cho tôi về thú ăn óc khỉ sống ở Hà Nội.
TCVTT khiến tôi nhớ đến tác phẩm “ Những Tâm Hồn Cao Thượng” của nhà văn Ý Edmondo De Amicis được nghe qua đài phát thanh trong những năm 1980.
Những câu chuyện cảm về tình người, về sự lương thiện luôn xuất hiện trong cuốn sách.
“…Một đứa bé vào một cửa hàng bán chó. Nó không mua những con chó xinh xắn, kháu khỉnh mà chọn một con chó tàn tật.
Ông chủ tiệm bật cười. “Cháu mua làm gì con đó. Suốt đời nó đâu có thể chạy nhảy như những con chó khác. Nếu cháu muốn thì bác sẽ cho cháu”.
“Cháu không muốn được tặng không. Cháu nghĩ rằng nó cũng có giá trị như những con chó khác nên sẽ trả tiền cho bác bằng giá với những con kia. Bây giờ cháu chỉ có 20 nghìn, nhưng hàng tháng cháu sẽ trả bác 4 nghìn cho đến khi hết nợ”.
Nói xong nó kéo ống quần lên. Ông chủ tiệm thấy có một ống chân giả, trên đó có những chỗ bắt vít bằng kim loại. “Bác xem đấy. Cháu cũng không thể chạy nhảy. Nên cháu muốn là con chó tàn tật kia có được một người hiểu và thông cảm nó”.
Ông chủ tiệm cắn mạnh vào môi dưới. Nước mắt ông ngấn ra. “Ôi cháu ơi, bác chỉ mong và cầu nguyện là mỗi con chó đều có một ông chủ như con”. (Trang 152)
TCVTT là một kho năng lượng với những mẩu chuyện như trên. Đây không phải là cuốn sách dễ đọc dành cho các độc giả thích mua vui. Nhưng nó rất đáng đọc cho những ai muốn hiểu thêm ý nghĩa của cuộc đời.
Mỗi người đọc đều sẽ là một thiên thần mà tác giả nhắm tới.
Những thiên thần trong một thế giới đầy rẫy cạm bẫy.
Tân Quy 3.2.2021