DỌN MÌNH ƯỚP LẠI MÙI SEN BAN ĐẦU
(Đọc Khói mỏng nhẹ bay- tập thơ Lệ Thu, NXB HNV 2020)
C hặng đường thơ Lệ Thu kết nối trước tháng 5. 1975 và hai mươi năm đầu thế kỉ XXI đã có trên mười tập thơ cùng với Nhật ký Nữ Nhà báo chiến trường. Cả những Giải thưởng được vinh danh trên thi đàn Văn học Việt Nam. Nhưng với chị đâu chỉ tự dặn lòng còn muốn sẻ chia: “Tháng ngày lấm bụi bon chen/ Dọn mình ướp lại mùi sen ban đầu(Tơ sen)*. Nếu ở tập văn xuôi trong gian khổ chiến trường giàu chất trữ tình bao nhiêu thì tập thơ Khói mỏng nhẹ bay lại đậm chất triết lí nhân sinh bấy nhiêu. Đó là lẽ thường bậc cao niên nữ sĩ Việt Nam.
Từ điều Suy ngẫm* đầu tiên... đến ba bài cuối: Tơ sen*, Hành trang*và Khói mỏng nhẹ bay* kết thúc gửi đến bạn đọc gần xa khơi dòng hừng đông mặt biển hay lặng lẽ ánh tà dịu êm, cũng phải trải qua hai mươi bốn giờ trong ngày cộng hưởng. Tất bật, vội vã để rồi thong thả ung dung vẫn là cốt cách Nhà thơ rất Điềm đạm Việt Nam ** không thể thiếu của người Tuy Phước như Nguyễn Diêu, Đào Tấn, Xuân Diệu,...
Phận người và nỗi cô đơn trong Khói mỏng nhẹ bay không hề tách bạch. Chẳng là thỉnh cầu, hay an phận thủ thường, nhưng với thi nhân yêu lắm sự tại của mình. Thanh lọc tâm hồn. Buông. Lại vô cùng lắng đọng. Bởi dòng sông quê hương luôn là bên bồi bên lở, nước dẫn từ nguồn ra bể, cũng luân lưu hòa mình thẩm thấu cùng biển mặn kia: “Ta là giọt nước biển khơi/ Chết đi muối vẫn mặn mòi ngàn năm”(Muối)*. Chỉ ra điều Ngộ*(tr.92) trong bài lục bát tứ tuyệt:
“Đã xong nghĩa trọng với người
Chẳng cần ràng buộc những lời vu vơ
Thôi mong đợi, hết nghi ngờ...
Ta thanh thản với với vần thơ một mình”
Với vần thơ một mình, với thanh thản ấy được bao lâu. Ừ nhỉ. Khởi sinh từ Một đời* qua Cầu vồng bảy sắc*, như Giọt đêm* dễ gì tan vỡ, là sự Biện hộ cho người nói dối*. Để bạn đọc hiểu thêm lời muốn nói (Lý lịch trích ngang)*, không riêng mình cần thấu đáo hơn nhịp đập mỗi phận người hiển hiện bên cạnh ta (Dáng em bơi đứng, Suất cơm thiện nguyện,..)*. Sự mở khóa để bước vào đời sống tâm hồn người bằng những việc làm nho nhỏ mà vô cùng lớn lao. Vô cùng trân trọng sự tỉ mỉ quan tâm, không thể phớt lờ, vô cảm. Rồi cố nén dấu lòng, trăn trở phẫn nộ bởi những nhập nhòa trước mắt kẻ mưu cầu lợi ích riêng tư, vụ lợi hay là sự nhẫn tâm vơ vét “máu xương” của đồng bào đã trải qua bao cuộc kháng chiến, bảo vệ chủ quyền dân tộc, lời thơ đầy uất ức:
“Đau đến tận cùng không còn chỗ để đau
Hụt hẫng vô biên sau bao lần hụt hẫng
Từng chân thực trọn mình cho và nhận
Chẳng phân vân tính toán nghi ngờ
Mãi mê vượt sóng tìm bờ
Bão ở trong tim, bão từ ruột đất
Cái còn cũng chẳng còn, cái mất thì đã mất
Đau đến tận cùng không còn chỗ để đau”
(Hụt hẫng)
Xét về bình diện cấu trúc một tứ thơ. Thì Hụt hẫng* mở đầu và kết thúc đều lặp lại: Đau đến tận cùng không còn chỗ để đau” là sự phẫn nộ của một trái tim đã từng cống hiến vào sinh ra tử nơi chiến trường đẫm máu trên quê hương Bình Định ruột rà mình trước đây.
Một Chấp chới mùa xa* đong đầy: “Trời vẫn mưa to và nhiều gió lạnh/ Nghiêng bên nào cũng lốc xoáy dòng đau!”. Rồi có lúc lãng đãng những khát khao, đoái hoài: “...Ru nắng mai đến tận trăng tàn/ Cất giấu mãi chờ mong, ao ước/ Trái tim buồn run rẩy chốn nhân gian”(Kiếp khác)*cũng đành vậy thôi những mưa nắng đắng cay bên đời, những ngụp lặn nông sâu trớ trêu gợi nhớ (Một thời trăng tỏ, Trăng khuyết, Hương tự mùa xa,...)*.
Khói mỏng nhẹ bay hòa mênh mông giữa hoài niệm và thực tại trong trái tim thi nhân. Không là phân cách, nhưng lại là song hành vẻ đẹp về một thời đã trải nghiệm. Cái thực tại của quá khứ, là thực tại mang tính nhân sinh, một trái tim nhân từ, vị tha luôn được bảo hành nhân rộng và sẻ chia từ mọi kích cỡ tâm hồn. Lúc thì tựa như một châm ngôn trong thể tứ tuyệt: “Biển cứ ngỡ lòng mình đủ rộng/ Hóa giải bao nhỏ mọn bọt bèo/ Biển cứ ngỡ hào hùng ngọn sóng/ Dưới muôn trùng rác rưởi vẫn trong veo”(Biển)*. Lúc thì phân trần dè dặt chỉ bốn câu: “Lan man cùng gió chiêm bao/ Ôm con sóng nhỏ thả vào đắm say/ Vùi trong đêm mọi chua cay/ Cho mặn ngọt giữa ban ngày vinh danh”(Vị đời)*. Lúc thì san sẻ mở lòng:
“Chợ chiều nhiều khế ế chanh”
Em gom hết đắng cho anh ngọt ngào
Những gì thương, những gì đau
Chất lên chật cả khoang tàu thiêng liêng
Em từ góc khuất an nhiên
Cầu cho “khế”của trăm miền đừng chua”
(Thương bấy ca dao)
Cầu thang lên bậc tình yêu thăng hoa trong cảm xúc của nữ sĩ. Và tôi cho rằng không còn là sự hiếm hoi khi đọc hết những bài thơ trong Khói mỏng nhẹ bay. Ta học được thêm những gì ở chị để đủ đầy Hành trang*:
“Mỗi ngày sống như một ngày áp chót
Xin nhẹ lòng buông hết mọi sân si
Chỉ yêu thương và làm điều có ích
Chút hành trang gom góp tự xuân thì”
Cách lối vào tâm hồn tỏa hương hòa nhập sự sống “... Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui cùng với anh em tìm đến mọi người... Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống, vì đất nước cần một trái tim”(TCS). Và thực tại trong suốt chiều dài đại dịch Covid-19 hôm nay, cả nước ra quân dập dịch. Đó là trái tim Những ngọn đèn đức hạnh*(tr.119): “Chưa phải Phật- chỉ là Người/ Không ngự ở Tòa sen/ nhưng có thể chia cho đời chút nắng/ bằng trí tuệ sau nụ cười thầm lặng/ bằng tài năng sau giọng nói khiêm nhường/ bằng trái tim tràn ngập yêu thương/ bằng cử chỉ dịu dàng/ bằng “quyền uy”lễ phép/...” rất thiết thực ngời sáng Thương quá, Việt Nam ơi!*, hay lệnh từ Công hàm của sóng* đóng dấu đỏ trong thơ Lệ Thu.
Khoảng lặng Khói mỏng nhẹ bay được lan tỏa mái ấm gia đình thoáng Phảng phất mỗi mùa xuân sang* dặn lòng về một Tình yêu cứu rỗi*: “Nếu không có tình yêu chân thật của anh/ Những tán tỉnh vu vơ có thể làm em nghiêng ngả/ Lời chót lưỡi đầu môi trả giá/ Vũng nước trâu đằm vờ thăm thẳm giếng thơi/...”. Nên lời nhắc nhở (Nỗi buồn không gọi được tên, Yêu cho cây lúa lên đòng, Trái tim lưu lạc, Can đảm,...)*. Có những lúc Nỗi niềm thơ* bật dậy, chị... thao thức Cùng mẹ canh khuya, Mùa Vu lan* cứu rỗi. Rồi Người Mẹ- Nhà thơ bức xúc từ một Cành đào thơm thảo*: “Con vất vả mang cành đào từ Hà Nội/ Về Quy Nhơn... cho Tết má đỡ buồn/... Cảm ơn các con/ với cành hoa và tiếng cười con trẻ/ rộn ngày Xuân.../ khỏa lấp những đau buồn!”. Và nỗi buồn ấy lại là cánh cửa mở rộng bầu trời nhắn nhủ yêu thương: “...Sáo vi vút nhạc trời xuân đồng vọng/ Cứ bay cao cho thỏa sức cánh diều” (Viết cho con tuổi năm mươi)*. Và chính bàn tay chị- Người Mẹ, Thi nhân thôi thúc, sẵn sàng khi Khói mỏng nhẹ bay*:
“Dặm dài vạn đóa hoa tươi
Thắm trong vạn trái tim người khát yêu
Bay lên! Gió giục cánh diều
Sợi dây nối đất cuối chiều mỏng manh”
Khói mỏng nhẹ bay có cần ướp lại mùi sen ban đầu!...
Tự tên những bài thơ trong tập lúc dìu dịu hương sen theo làn gió phảng phất đâu đây, lúc thì lan tỏa cả bờ hồ,
đọng vào cỏ cây hoa lá mở rộng không gian xanh vời vợi Bay lên!
Gió giục cánh diều ngang tầm thời đại. Khói mỏng nhẹ bay là hình tượng thơ của Lệ Thu. Mỗi tứ thơ trong bài,
mỗi bài trong tập đều bộc lộ cảm xúc chân tình, khát vọng, còn là sự bảy tỏ chính kiến, là sự trải nghiệm gian lao,
va vấp chông gai tình đời, tình người nhẹ nhàng mà sâu lắng, đôi khi cũng kiên quyết không khoan nhượng dẫu là một người
phụ nữ, là sự đánh đổi hạnh phúc không dễ gì có được, nếu ta không thực sự hòa mình cùng cuộc sống với nhân dân ở mọi lúc,
mọi nơi. Xin cảm ơn chị về những dòng chữ kí trang đầu tập thơ như điều ước bàn giao: Thương tặng em ./.
15.09.2020
*Tên các bài thơ trong tập
**Tên tập thơ của Nhà thơ Lệ Thu.