Việt Văn Mới
Việt Văn Mới













NHÀ THƠ CAO XUÂN SƠN

VỊN VÀO NƯỚC MẮT MÀ QUA PHẬN MÌNH


(Đọc tập thơ Bấm chân qua tuổi dại khờ, NXB Hội Nhà văn, 2019)








T ôi biết Cao Xuân Sơn qua nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi. Được Sơn gửi tặng tập thơ, tôi rất ngạc nhiên. Một tập thơ đẹp, trình bày trang nhã, dày 148 trang, với 101 bài thơ viết nhiều thể loại, phần lớn là thể thơ tự do… Tôi thích. Đọc mấy lời của nhà văn Trần Đức Tiến in ở bìa cuối, tôi nhận ra chân dung của Sơn, một người văn chương tôi biết, tôi quý:

… “Bấm chân qua tuổi dại khờ” bỗng trở thành bức chân dung trung thực của Sơn. Đọc thơ như nhìn thấy Sơn. Vừa hồn nhiên trẻ thơ, vừa thâm trầm già dặn. Nghiêm trang ẩn dấu nét hài hước. Tỉnh táo mà vẫn dại khờ… Và thấp thoáng sau những câu thơ là cái bóng ngất ngưỡng của thi sĩ ngang tàng”

Một lời nhận xét khái quát cả chân dung, tính cách nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi này lại rất thơ. Bước tới tuổi chạm cửa sáu mươi, Sơn viết “Bấm chân qua tuổi dại khờ”. Rất thú vị đây. Tôi đọc ngay và thích câu thơ “Vịn vào nước mắt mà qua phận mình”, chọn làm cái tiêu đề bài viết của mình vì nó độc đáo, nó lạ, nó rất đời. Nhà thơ Phùng Quán viết: “Có những phút ngã lòng/ tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”, còn nhà thơ với trái tim ưu ái dành cho các em lại:

“Đường gần hun hút nẻo xa
Vịn vào nước mắt mà qua phận mình”


(Vịn, tr. 25)

Nhà thơ muốn nói điều gì trong từ “đường gần” lại “nẻo xa”? “Nước mắt”, “phận mình”, ý thơ như “có một cõi riêng, sâu lắng, kín đáo, trong sáng và gợi một triết lý tính-không” của thơ thiền (Võ Công Liêm). Mỗi con người là một số phận. Cao Xuân Sơn có lẽ đã trải qua một cuộc hành trình quá nửa đời người với mồ hôi, nước mắt, với hạnh phúc bất hạnh của cuộc đời, anh đúc kết lại bằng thuyết nhân sinh trong cõi ta bà để hé lộ ra điều anh trần tình cùng bạn yêu thơ:

“Chiếc nhẫn xoay những vòng xoay số phận
ta có nhau ngày gió có hình hài
đường Tây Trúc bao người giờ viên mãn
mình vẫn gập ghềnh hoa cỏ trần ai

Thì còn biết ước ao gì hơn thế
chuyến lữ hành không mỏi tới niềm vui
có thể vực, có thể đèo, gió mưa…có thể
dấu chân ta về ấm những chân trời”


(Dấu chân ta về ấm những chân trời – tr. 8)

Nhà thơ nói nhiều về phận, về kiếp người: “Kiếp người lóa nắng trắng sương/ tử sinh hun hút đoạn trường giá băng/ yêu là tự mất thăng bằng/ là dang díu cái vĩnh hằng chung chiêng” (Một mình một dáng Pisa – tr.9). Những câu thơ mang cho tôi một cảm giác rất lạnh, rất u tịch, nhưng đọc khổ thơ cuối, tôi lại thấy ấm áp, tự tin. Thơ tiếp cho tôi nghị lực bước qua nỗi buồn, nỗi buồn chán thường trực mà ai cũng có, nhất là những người dan díu với văn chương thi phú, khi có tên, khi không tên, nó quay quắt, trống rỗng, bi quan tuyệt vọng… Độc đáo của tác giả là đấy! Nhà thơ băn khoăn, hoài nghi… hay chính tôi, chính các bạn, lớp trẻ bây giờ… đang băn khoăn đang tự hỏi:

“Một ngàn ngày nữa cho anh, anh sẽ làm gì
một trăm ngày nữa cho anh, anh sẽ làm gì?
một đôi ngày nữa?...”

Có cho cả cuộc đời ngắn hay dài của kiếp người thì cứ mặc kệ thôi: “Miền đất thì rộng, miền trời thì cao/ xứ mộng… ừ, xa/ cõi yêu… ừ thẳm/ một giây là dài, ngàn năm cũng ngắn…” (Anh hót đây này – tr.10). Nhà thơ nói với chúng ta hãy trân trọng nâng niu, trân trọng cái hiện tại gần gũi ta, xung quanh ta, người thân, bạn bè ta… lo chi cái xa vời ảo ảnh kia rồi băn khoăn trăn trở mà chẳng làm được gì! Cứ như chàng thi sĩ ngang tàng này:

“Mình tự vỗ vai mình
tự ban thêm sức mạnh
hoa sứ rụng vào đêm
vẫn thơm mùi đức hạnh”


(Đêm hoa sứ - tr.12).

Trước những thay đổi đột ngột của làng quê, ruộng thành phố, làng không còn, người trẻ “đua nhau xập xình”, may có những người già còn hoài niệm hương đất, hương quê, còn nhớ con trâu , miếng ruộng… “Chập chờn hương thị mùa thu/ chùa làng chưa kịp trùng, may mà…”. Từ “may mà…” như một tiếng thở phào, ánh nhìn của nhà thơ vừa cười đau xót, vừa chạnh lòng tự hỏi: “làng vô tư, cớ chi mình ưu tư?” (Về làng – tr. 13). Bởi sức con người có hạn, ta không thể xoay cả vũ trụ này, không thể cứu vớt cả nhân loại, trái tim anh đau, lòng anh xót ư? Thì sao? “Đêm đêm anh như cây nến/giật mình/ tự thắp” (Tự thắp – tr.16). Cao Xuân Sơn có những cái nhìn hóm hỉnh khi đi “Cáp treo ngược núi Bà Đen”: “Cửa thiền quá tải chúng sinh/ nén hương đặt vé phiêu linh cõi nào?”. Bài thơ “Ngủ đi, con gái”, nhà thơ đã vẽ nên một bức tranh đời rất nhỏ của gia đình mình nhưng theo tôi, đó là bức tranh xã hội những năm 80: “ngoảnh thời gạo chạy từng lon…”. Cái thời này với tuổi đời quá nửa thế kỷ khó quên được, nhưng hiện tại thì sao? Cuộc sống gạo tiền cơm áo bắt con người cũng phải luôn chịu đựng: “Chợ đời đảo vận thay câu/ thị trường thị nở thị mầu thị phi/ rối tai tiếng bấc giọng chì/ ba hồi ngọt mật, bốn khi cay đường”. Bạn yêu thơ cay mắt không, rưng rưng không, hình như bắt gặp bóng dáng gia đình nhỏ của mình…, thôi thì cứ như tác giả: “sục bùn mà chắt sen hương”. Con người cứ phải còng lưng cày vì cuộc sống như một cửu vạn:

“Nắng và mưa
Ngày và đêm
Xa xỉ những khái niệm rỗng toác
Cửu vạn là nghiến răng gồng mình
Là bốc, vác, thồ, gùi…
Suốt đời hộc tốc

Manh áo miếng cơm bây giờ… ồ, nhẹ hều
Nhẹ hều với ai kia

…… Hành trình mỗi cuộc người
Vui nhỉ
Bở hơi tai…”


(Cửu vạn – tr. 27)

Vui sao cười ra nước mắt vậy!

Tôi thích từ “cuộc người”, nó đắc địa. Hình như tôi lại nhớ đến câu thơ của bậc tiên hiền xưa: “Kiếp sau xin chớ làm người/ làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Thông ngày nay cũng bị càn quét không thương tiếc rồi, để mọc lên những chiếc lều trắng phốp tiếp cận kinh tế thị trường… Tôi nghĩ khi nhìn thấy cảnh này, chắc cụ Nguyễn Công Trứ cũng phải thốt lên: kiếp sau tiếp tục làm người, vì “Em thấy đấy/ trần đời ngộ vậy/ may mà bất quá cũng trăm năm” (Mượn – tr.43). Cứ thử tưởng như Bùi Giáng đã tưởng, để vui, để làm thơ: “Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật/ Thế cho nên tất bật đến bây giờ/Ta cứ ngỡ chỉ xuống trần một chốc/ Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay…” (Lái đò người), nhà thơ Cao Xuân Sơn đã nói “Trước sau muôn vạn kiếp người/ vẫn loay hoay khóc với cười, ngộ không?” thì làm người để xem cho hết cái ngộ cũng thỏa lòng, mặc nó là cõi tạm, cát bụi, ngắn ngủi… Nguyễn Du (Độc tiểu thanh ký) đã từng viết: “Cổ kim hận sự thiên nan vấn/ Phong vận kỳ oan ngã tự cư” (Kim cổ hận đau, trời khó hỏi/ Tài tình oan kiếp, khác gì ta). Các đại thi hào, văn hào… còn phải chịu, chúng ta chỉ là hạt bụi, hạt mưa… nhỏ nhoi, than chi bất hạnh, u khuất? Có lẽ vì thế mà nhà thơ “thiếu nhi” nguyện làm con dế hay như con sóc nhỏ hoặc một cơn mộng du nhẹ nhàng trong “một ngày/ hay một đời? mặc kệ!”. Nhà thơ đã mở ra cánh cửa nhân sinh quan cuộc sống có vui, có buồn, có hạnh phúc, có bất hạnh… dù có trăm ngàn lần hỏi: “Ta nhỉ, là ai kiếp trước/ để ai là ta kiếp này?”. Thì cũng có sao đâu: “Ta là ai, ai là ta… măc kệ”, cứ theo con thuyền thơ mà trôi: “Đừng bao giờ nhé buông tay/ dẫu là cỏ/ dẫu là cây/ dẫu là…”.

Còn nhiều bài, nhiều câu với quan niệm định mệnh, số phận theo triết lý Phật pháp tùy duyên, một chuyến chờ ở sân bay, nhà thơ cũng ngộ ra rằng:

“Những chuyến bay số phận
bay qua nghìn tai ương
Phật dạy: Tùy duyên cả
may rủi thảy vô thường…”


(Chờ bay ở Nội Bài – tr. 86)

Bằng lối thơ tự do phóng khoáng không gò ép vần điệu, câu chữ; cách sử dụng từ giàu tầng nghĩa, giàu suy tưởng, nhà thơ không chỉ vẽ ra bức tranh cõi người lung linh trong cõi đời mà còn hướng con người đến ý thức, đến lý tưởng về cuộc sống. Tập thơ ấm áp tình yêu, tình người, tình đời, dù nó không lãng mạn, không bay bổng, nhưng sâu sắc, có tính chiêm nghiệm, gợi mở… để cho bạn yêu thơ, các bạn trẻ mở ra cho chính mình một đường bay mà cất cánh. Với nhà thơ Cao Xuân Sơn, có lẽ anh không bao giờ quên cái cảm giác “hãi hùng thơ bố xanh rờn nỗi rau”, vẫn nhận ra “Càng mơ tưởng rạch ròi sòng phẳng/ càng nợ nần chồng chất lạ lùng ơi!” (Mê khúc – tr.73). Nhà thơ: “biết thế mà cứ thế/ buông thơ, hồn ai nuôi?”. Với tuyên ngôn “Ví còn mộng mị gió trăng/ thề cho kiếp nữa nhọc nhằn với thơ”, phải chăng, “niềm vui của nhà thơ chân chính là niềm vui của người mở đường vào cái đẹp, của người biết đi tới tương lai”(Pautôpxki)? Cao Xuân Sơn đã đem đến cho các bạn trẻ một con đường tự chọn để bay qua số phận, rót cho bạn yêu thơ một cốc rượu ngon đầy hương để say.

Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần tập thơ, khi đọc hết bài thơ cuối cùng có tên mà Sơn chọn làm tên của tập thơ “Bấm chân qua tuổi dại khờ”, tôi nghĩ Sơn không chỉ vừa “vịn vào nước mắt mà qua phận mình”, Sơn còn vịn vào thơ để đứng dậy. Tôi mới hiểu vì sao nhà văn Trần Đức Tiến viết: “Hóa ra suốt hai mươi năm. Sơn không làm thơ. Mà chính thơ đã làm ra Sơn”.

3.1.2020


TRÚC LINH LAN

Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ Hậu Giang .
Trang Trước