Việt Văn Mới
Việt Văn Mới










NHÀ VĂN NGUIỄN NGU Í

Giai Thoại Từ Những Cơn Điên





V ậy là ông đã rời cõi trần và trang văn từ 42 năm ở tuổi vừa kịp đến 60… Nguyễn Hữu Ngư sinh năm 1921 tại làng Tam Tân, huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Thân sinh ông là Nguyễn Hữu Hoàn (tên thật Nguyễn Hữu Sanh, còn gọi là Giáo Hoàn), một nhân vật lịch sử của địa phương, được nhắc đến là một nhà Nho uyên thâm và cũng là một nhà cách mạng từ quê Hà Tĩnh vào ẩn dật ở làng biển Tam Tân sống nghề dạy quốc ngữ và bốc thuốc bắc. Thân mẫu Nguyễn Hữu Ngư là bà Nghê Thị Mỹ quê làng Phong Điền (xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam). Năm 1927, ông Giáo Hoàn bị Pháp kết án 3 năm tù và lưu đày tận Lao Bảo do đứng ra che chở vụ 6 người tù Côn Đảo vượt ngục sau một tuần lênh đênh trên biển, tắp vào ngảnh Tam Tân. Trong số này có nhà cách mạng Hy Cao Nguyễn Đình Kiên (Tú Kiên), hoạt động trong phong trào Đông Du, sau này là Bí thư Kỳ bộ Tân Việt Nam kỳ, có những hoạt động tích cực đến phong trào cách mạng Bình Thuận.

Nguyễn Hữu Ngư nằm trong số hiếm hoi được coi là người có ý chí, thông minh, học hành sáng dạ nhất ở vùng đất quê Hàm Tân- La Gi lúc bấy giờ. Nhờ học giỏi, được học bổng trường Pétrus Ký cùng thời với Trần Văn Khê, Huỳnh Văn Tiểng học ban Tú tài, rồi thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn. Có năng khiếu và đam mê văn học từ trẻ. Năm 1942- 1944, ông bắt đầu vào nghiệp văn, cộng tác với Nam Kỳ tuần báo của Hồ Biểu Chánh, rồi làm phụ tá thư ký tòa soạn tuần báo Thanh Niên do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm chủ nhiệm. Nhưng do căn bệnh rối loạn tâm thần đành phải dang dở hoài bảo, quay về quê nhà chữa bệnh. Ngay từ ngày đầu khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945, ông là Tổng thư ký Ủy ban hành chính xã Tam Tân thuộc huyện Hàm Tân (Bình Thuận).

Nguyễn Hữu Ngư rời quê tham gia cao trào kháng chiến chống Pháp, theo đoàn kịch Liên khu V, rồi Đài tiếng nói Nam bộ. Cũng từ đây mới có cơ hội gặp cô y tá Nguyễn Thoại Dung đang làm tại bệnh viện Phước Lộc (Quảng Ngãi). Qua mai mối từ vợ chồng nhà văn Tùng Long mà nên duyên chồng vợ đến cuối đời. Không bao lâu ông Ngư lại trở bệnh cũ ngày càng nặng hơn, cho nên năm 1952, hai vợ chồng xin tổ chức về Sài Gòn. May sao được bà Bút Trà chủ nhiệm nhật báo Sài Gòn Mới giúp đỡ… Ông Ngư tìm lại các bạn học chí thân ở trường Pétrus Ký ngày xưa, giới thiệu xin dạy giờ các trường tư thục Lê Bá Cang, Tân Thanh…và viết báo, còn vợ ông chuyển qua nghề dạy học. Cuộc sống tuy tạm ổn nhưng lại phải đối mặt với những cơn điên bất chợt đến với ông. Dưỡng trí viện Biên Hòa (thường gọi Nhà Thương Điên) quen dần với nhà văn Ngu Í trong sự yêu mến của bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh và bác sĩ Tô Dương Hiệp (con trai của nhà văn Bình Nguyên Lộc) coi đây là chứng “Văn chương tâm bệnh” nên rất nuông chiều tính khí của ông.

Đây cũng là những tháng ngày ông thật sự sống với nghề dạy học, làm báo, viết văn…đang có tên tuổi ở đất Sài Gòn. Bút danh Nguiễn Ngu Í, người đọc thấy lạ về cách viết và hiểu nghĩa của từ Ngu Í khác nhau. Ngu Í ở đây là sự khiêm nhường về ý kiến của mình và cũng từ đây ông khởi xướng cách viết quốc ngữ dựa trên phát âm, “mỗi dấu hiệu cho một âm, mỗi âm có một dấu hiệu”, Chẳng hạn chữ i/y ở đầu (y sĩ/i sĩ, yêu/iêu, khuya/khuia, nguyệt/nguiệt…), với phụ âm g (đọc gơ) ráp với cả nguyên âm như ghe/ge, ghê/gê.v.v…Tên vợ ông là Nguyễn Thoại Dung, ông viết Nguiễn Thoại Yung… Nhiều từ trùng hợp với cách viết mà Giáo sư Bùi Hiền ở Hà Nội mấy năm trước đây gây bão trong giới học thuật. Nhưng với chữ viết mới do Ngu Í công bố chỉ riêng cho trang viết của mình. Khổ nỗi nhiều báo cứ nhầm tưởng tác giả viết sai chính tả, nên tự tiện sửa lại không phải là ý của ông đã viết.

Nhà văn Võ Đắc Danh có bài viết về Nhà thương điên Biên Hòa với hai nhân vật nổi tiếng (Thế giới Người điên) là Nguyễn Ngu Í và Bùi Giáng…Thật thú vị với tôi, khi trong tủ sách còn lưu giữ tập Thơ Điên (…Thứ Thiệt) đã cũ kỹ, do giám đốc Dưỡng trí viện Biên Hòa (nay là Bệnh Viện Tâm thần Trung ương 2) -Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài và Bác sĩ Tô Dương Hiệp, tập họp thơ của những bệnh nhân có duyên nợ với thơ ca, xuất bản năm 1970. Những trang thơ có hai hình thức chữ viết với chữ in quốc ngữ hiện hành và theo chữ mới của Ngu I nhóm “Thái Bình Điên Quấc”. Đặc biệt với Bùi Giáng và Nguiễn Ngu Í thì chất điên trong thơ đậm nét hơn, làm cho người đọc phải xúc động và giật mình tỉnh táo…Trong tập “Ngu Í- Nguyễn Hữu Ngư, qua ký ức những người thân” do bà Nguyễn Thoại Dung sưu tập năm 1998, gồm nhiều bài viết của những người gần gũi, thân thiết với Ngu Í như Huỳnh Văn Tiểng, nhà văn Tùng Long, Nhạc sư Trần Văn Khê, nhà báo Lê Ngộ Châu (tạp chí Bách Khoa), nhà văn Trần Huiền Ân, nữ sĩ Hoàng Hương Trang, nhà văn Hồ Trường An… Trong đó còn có bài của những người viết văn, làm báo là đồng hương với Ngu Í là Lê Phương Chi, Đỗ Đơn Chiếu, Đỗ Nghê, Đông Thùy... Cái còn lại của ông chỉ gói ghém những tác phẩm đáng nhớ là bộ sách Việt sử, Hồ Thơm Nguyễn Huệ, Hồ Quí Li, Suối Bùn Reo, Khi người chết có mặt, Có những bài thơ, Hạnh phúc chính nơi bạn… và loạt bài phỏng vấn “Sống và Viết” rất hấp dẫn trên tạp chí Bách Khoa, với nghệ thuật khai thác cái riêng, cá biệt của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng ở miền Nam trước 1975. Ngu Í viết rất nhiều thể loại dưới các bút danh Ngê Bá Lí, Tân Fong Hiệb... Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc gọi Ngu Í là cậu, bởi mẹ của anh là bà Nghê Thị Như gọi bà Nghê Thị Mỹ (mẹ của Ngu Í) là cô ruột. Cũng từ mối quan hệ này mà từ sau tập thơ đầu tay Tình Thương (xuất bản năm 1967), dưới tên Đỗ Hồng Ngọc khi còn là sinh viên Y khoa Sài Gòn, thì các tập thơ sau đều dùng bút danh bằng hai họ nội- ngoại thành Đỗ Nghê là vậy. Cũng xin nói thêm về Bs Đỗ Hồng Ngọc là tác giả khoảng 30 đầu sách về Y học, Tản văn, Thơ, Thiền học, Phật học…đã thừa nhận từ bước đầu con đường sự nghiệp và đến với văn chương có sự ảnh hưởng rất lớn của người cậu Nguyễn Hữu Ngư và học giả Nguyễn Hiến Lê.

Cái khác biệt giữa hai nhà thơ Bùi Giáng với Ngu Í ở chỗ, nói theo Vũ Đức Sao Biển thì Bùi Giáng đặc trưng của “Cuộc đùa với ngôn ngữ”, còn với Ngu Í- theo Trần Văn Khê kể lại khi thăm ông “bị nhốt” ở Dưỡng trí viện thường phá phách, vô tư tiểu vào song sắt, được ông nhắc chuyện Le Comte de Monte Cristo của Alexandre Duma, dùng nước tiểu làm mục song sắt cửa sổ là kế giả dại qua ải. Thế rồi tuần sau, Ngu Í tỉnh táo khoe mấy câu thơ: “Bên ngoài chim hót vang cây/ Mà trong cửa sắt Ngư này lặng thinh/ Trách ai hay lại trách mình?”. Với Ngu Í, thật khó biết thế nào giữa điên và tỉnh…Như ở những câu thơ mang nỗi bất bình về thời cuộc, về khói lửa chiến tranh hay bày tỏ tấm lòng trước sự tận tụy của hiền thê: “Ai người yểu điệu dám theo Ngu ?/Ai người thục nữ dám nâng…”. Thật hết biết, nhưng với những câu thơ như thế này ai nói Ngu Í là nhà thơ điên sao?: “Bão dông sắp sửa hãi hùng/ Con ra đời lúc chập chùng âu lo/ Má con phiền sự ấm no/ Ba con thì một chuyến đò dở dang” (Ngày con ra đời- 1963). Trong thơ thì không thể đem ra so sánh nhau sẽ dễ thành khập khễnh. Nhưng từ thơ qua hình ảnh quen thuộc của Bùi Giáng xuống phố Sài Gòn múa may và những bóng hồng thường gặp trong thơ ông nào Hà Thanh, Kim Cương, mẫu thân Phùng Khánh và cả Brigitte Bordot ở trời Tây… để có những câu thơ bất hủ “Bây giờ riêng đối diện tôi/ Còn hai con mắt khóc người một con” (Mắt buồn). Với Ngu Í thì mối tình si trong cơn điên- tỉnh, những bóng dáng nhà văn nữ như Nguyễn Thị Hoàng, Thụy Vũ, Nguyễn Thị Vinh, Trùng Dương, Vân Trang, Túy Hồng… lại nức nở hết lời khen chưa ai đẹp bằng! Nghe vậy, mà không có ai trách Ngu Í cả vì đó là trạng thái yêu lung tung, những đắm đuối đơn phương…Theo lời kể của nhà báo Lê Ngộ Châu, anh Ngư có tài văn thơ, viết báo nhanh nên trong giới ai cũng quý trọng, nhưng khi nổi bệnh thường hay nghịch phá bạn bè. Nhà thơ Nguyên Sa có viết trên Bách Khoa, anh Ngư có lần “nhất bộ nhất bái” trước cổng nhà mình khiến nhà thơ phải quỳ xuống đất bùn mà vái đáp lễ mới thôi. Nhà văn Nguyễn Thị Vinh có một kỷ niệm, Ngu Í cũng mỗi bước mỗi bái bất kể đường đất lầy lội, với mỗi yêu cầu chị phải “xưng em” buộc chị phải làm theo mới dừng. Theo Hồ Trường An kể, có một thời gian Ngu Í si mê nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ (chị của Hồ Trường An) chỉ qua hình ảnh, thư từ nhưng khi diện kiến đang trong tình trạng ốm o bệnh tật, vừa mổ xương hốc mũi, Ngu Í hoảng hốt tháo lui, miệng hét “Anh chúc em chóng bình phục”. Vậy mà Thụy Vũ không giận và cười khi đọc câu thơ ông viết tặng “Ai thương giùm tôi cô giáo nhỏ/ Mà phấn son chưa đày đọa mặt nghiêng nghiêng”…

Sẽ kể không hết những câu chuyện điên của Ngu Í trong giới nhà văn, nhà báo và kể cả náo loạn ở đường phố, công sở Sài Gòn. Bao lượt bị đẩy vào đồn Cảnh sát, không ai nghĩ ông là người điên vì đáp trả tỉnh bơ, chửi bới bất cứ ai dù cấp nào…Người chịu đựng, đau khổ nhất vẫn là vợ ông, bà Nguyễn Thoại Dung. Những mối tình trong cơn điên tỉnh của ông, bà Dung biết đó chỉ là tình ảo mộng, tình điên của nghệ sĩ để rồi thành những giai thoại vui và thương cảm. Ngu Í lúc tỉnh cũng nhận ra lòng bao dung của vợ, đã thốt:” Làm vợ Tú Xương dễ, làm vợ Sào Nam cũng dễ, làm vợ Ngu Í mới thật khó…”. Dường như câu thơ “Nằm đây mà ngó lên trời/ Lá cây dứa đã mấy đời đong đưa” của Ngu Í, mãi lãng đãng bên ngôi mộ cải táng của ông trong khu mộ cha mẹ và đứa em gái, trên ngọn đồi ở ngảnh Tam Tân hiện giờ.

La Gi, 1/2021



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ BìnhThuận ngày 09.01.2021 .