Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



Mai Đình

“NHỮNG GƯƠNG MẶT TIÊU BIỂU THI CA VIỆT NAM”

NHỮNG BÀI THƠ RA ĐỜI TỪ
MỐI TÌNH HÀN MẶC TỬ – MAI ĐÌNH




M ột trong những đề tài chính yếu của thơ Hàn Mặc Tử là Tình yêu – nhân bản mạnh mẽ nhất của con người.

Nhiều người đẹp đã đi qua đời Hàn Mặc Tử (trong thực tế và cả trong mộng), và đều đã đi vào thơ Hàn Mặc Tử: Hoàng Thị Kim Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình, Ngọc Sương, Thương Thương. Điều ấy là minh chứng cho câu nói nổi tiếng của Lamartine:  “Đằng sau các công trình vĩ đại của các bậc vĩ nhân bao giờ cũng thấp thoáng hình bóng của một người đàn bà”.

Riêng mối tình Hàn Mặc Tử – Mai Đình là một giai thoại đặc sắc trong làng thơ Việt Nam hiện đại.

Khi còn là một thanh nữ chưa đầy hai mươi tuổi, nàng Lê Thị Ngọc Mai (tức Mai Đình) làm việc trong một xưởng nữ công (ngành may) ở Sài Gòn. Nàng đặc biệt yêu thơ văn và có tài thơ bẩm sinh. Nhờ khối óc sáng láng và mẫn cảm, nàng đã sớm phát hiện giữa làng thơ Việt Nam khá đông đúc đương thời (những năm 1930 – 1935) một thi sĩ lỗi lạc: Lệ Thanh (tức Hàn Mặc Tử). Phát hiện ấy của nàng tỏ ra chẳng hề thua kém phát hiện tương tự về tài thơ Hàn Mặc Tử của nhà chí sĩ Phan Bội Châu và các bạn tri âm của nhà thơ như Bích Khê, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan… Nàng thú nhận:

Chưa có bao giờ ta thấy say
Cho lòng ngây ngất tuổi thơ ngây
Mà sao nay bỗng như điên dại
Bởi khúc đàn người gảy quá hay…

(Điệu đàn êm ái)

Thế rồi cái logic tất yếu của trái tim một cô gái, nhất lá một cô gái mẫn tuệ, đã được thể hiện: Mai Đình đã từ cảm phục đến “trộm dấu thầm yêu” Hàn Mặc Tử. Vào năm 1937 nàng đã một mình tìm đến nhà thơ lúc ấy đang nằm bệnh tại gia đình ở Qui Nhơn.

Là người thuộc về hàng ngũ những phụ nữ tiên phong của thời đại văn minh, sớm giác ngộ về nhân quyền nữ giới, Mai Đình đã vượt xa dạng phụ nữ thời phong kiến chỉ biết khuất phục số mệnh, mang cuộc đời gìm trong biển nước mắt hoặc thậm chí đem… chôn! Nàng đã quyết định sống theo chỉ thị của trái tim khối óc mình.

Tuy nhiên, khác xa nhiều phụ nữ văn minh khác, tâm hồn và trí tuệ Mai Đình đã chấp nhận và vượt qua một thử thách vô cùng lớn lao: bằng lòng hiến dâng cuộc sống cho người mình thờ phụng mặc dù chàng đang mắc phải một chứng bệnh khủng khiếp. Tình yêu trong lòng nàng nảy nở cùng một lúc với đức hi sinh cao cả khó tưởng tượng nổi. Phải, nàng yêu không phải chỉ để hưởng thụ, chiếm đoạt, mà còn để chia sẻ bất hạnh, để giúp người yêu trong cơn hoạn nạn, để hi vọng cùng “chàng” thoát hiểm, tiến vào một kỉ nguyên hoàn toàn hạnh phúc! Trong cái lốt của một người con gái đang yêu có một vị Bồ Tát cứu khổ cứu nạn và ban phát ân phúc. Tình yêu của Mai Đình lấy sự hoà hợp về tinh thần, lấy sự cao thượng của tâm hồn làm cứu cánh: đó chính là mẫu mực của tình yêu thánh thiện.

Chấp nhận tình yêu trong nghịch cảnh, Hàn Mặc Tử và Mai Đình cũng như những con người xuất chúng khác, vẫn cố gắng hái lấy những bông hoa hạnh phúc, đồng thời ra sức sáng tạo nên một điều gì đó tuyệt diệu. Đó chính là tình yêu của hai người thơ, là tác phẩm thơ chung mang tên ĐÔI HỒN1.


Sự hiện hữu của Mai Đình và tình yêu của nàng là mạch nguồn cảm hứng quí báu để Hàn Mặc Tử viết nên những bài thơ tình tuyệt diệu. Chùm thơ ấy (khoảng 15 bài cả thảy) phơi bày một tình yêu cuồng nhiệt, nhiều lần mơ tưởng đến hôn nhân, biểu đạt đầy đủ mọi góc cạnh của một tâm hồn đang sống, đang làm chủ và đang tận hưởng một tình yêu “bằng xương bằng thịt”.

Những cảm nhận đầu tiên về nàng:

Thơ em cũng giống lòng em vậy,
Nghĩa là thơm tho như ánh trăng
Mềm mại như là tơ liễu rủ…

(Lưu luyến)

Sự thăng hoa của tình yêu lên cõi cao vời thanh khiết:

Chúng ta biến, em ơi, thành thanh khí,
Cho tan ra hoà hợp với tinh anh
Của trời đất, của muôn vàn ý nhị
Và tình ta sáng láng như trăng thanh.

(Sáng láng)

Tuy nhiên, sau cùng đôi cánh lãng mạn vẫn không quên vươn tới một thời khắc tương lai tràn trề hạnh phúc: đêm tân hôn.

Đàn ngọc đã rít lên chiều nả nớt
Tôi kêu rêu van khóc lạy nàng thôi
Hãy uống đi cốc rượu ngấm đầy hơi
Chan chứa vị nồng say đêm hiệp cẩn.

(Đàn ngọc)

Những cuộc du chơi giữa thiên nhiên hoang dã sao mà kì thú:

Trăng bay lả tả ngã trên cành vàng
Tới đây là nơi tôi gặp được nàng
Rủ rê, rủ rê hai đứa đi vào rừng hoang
Tôi lượm lá trăng làm chiếu trải
Chúng tôi kề đầu lên khối sao băng
Chúng tôi nói chuyện bằng hơi thở…

(Rượt trăng)

Cả hai đã đồng tình với phương cách sống “tất cả cho hiện tại” bởi lẽ… tương lai là chuyện quá đỗi mịt mù:

Cứ nhắm mắt, cứ yêu nhau như chết
Cứ sảng sốt, tê mê và rũ liệt
Đừng nghe chi âm hưởng địa cầu đang
Vỡ toang ra từng mảnh, cả không gian
Cả thời gian từ tạo thiên lập địa
Đều trộn trạo, điều hoà và xí xoá
Thành hư không như tình ái đôi ta.

(Đôi ta)

Trong tình yêu mãnh liệt, nhà thơ đã có những giây phút cảm xúc ở cung bực tột đỉnh với người yêu – nữ thánh của ông:

Anh nhìn Mai chua xót cả tấm lòng
Không biết nói làm sao cho da diết
Trắng như tinh và rất nên thanh bạch
Cốt cách đều rất mực đồng trinh…
Đây Mai Đình, tiên nữ ở Vu Sơn
Đem mộng xuống gieo vào muôn sóng mắt
Nàng! Ôm nàng! Hai tay ta ghì chặt
Cả bài thơ êm mát lạ lùng thay!

(Thắm thiết)

Còn một điều không sao tránh được trong tình yêu, cho dù là một tình yêu “thánh thiện” hay tình yêu ở trên tầng “thượng thanh khí” gì gì đi nữa: đó là những phút ghen tuông, hờn giận. Vâng, thật là thú vị: Hàn Mặc Tử đã để lại trong kho văn của mối tình với Mai Đình một bài thơ “ghen” khá là dữ dội khi nhà thơ ngờ nàng… có tình ý với ai:

Mai tiên nữ! Đọc hồn ta cho rõ
Đau không rên, chết cũng mặc mình thôi!
Mối tình si đã lỡ vỡ tan rồi
Ta chỉ biết lặng nhìn thiên hạ khóc.
Được diễm phúc yên vui nơi điện ngọc
Tiên nữ đừng sa xuống chốn trần gian
Tìm hồn ta quằn quại giữa lầm than
Để đổi lấy những ngày đầy huyết lệ!

(Thầm lặng)

Lòng tri ân chân thành với người yêu - tri kỉ Mai Đình đã nói lên thứ tình cảm hoà làm một với đức hạnh phương Đông trong lòng Hàn Mặc Tử, phân biệt nhà thơ với tất cả những kẻ sống một cách thực dụng trong tình yêu mà người ta thấy nhan nhản trong xã hội văn minh hiện đại:

Anh chỉ thẹn không còn son trẻ nữa
Để cho tình âu yếm mặn nồng hơn
Và chỉ sợ đời em còn măng sữa
Một ngày kia trĩu nặng nuốt căm hờn…

(Lòng anh)

Hàn Mặc Tử nào biết rằng những nỗi lo âu của ông không bao lâu sau đã trở thành hiện thực: ông sớm phải xa rời thế giới này, khiến Mai Đình thật sự phải “trĩu nặng nuốt căm hờn” suốt gần 60 năm trời cho đến phút trái tim bà ngừng đập!

Sau chót chính là lời trăn trối bi thương của nhà thơ đang ở trong “một vũng cô liêu cũ vạn đời” với người yêu phương xa:

Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
Còn em sao chẳng hay gì cả
Hãy để tang anh đến vạn ngày!

(Trút linh hồn)

Bản đàn tình yêu với ngần ấy cung bậc bi hoan, không đủ để tạo nên hình khối, bản sắc và phong cách của một tình yêu đích thực và thánh thiện hay sao? Không còn nghi ngờ gì nữa: người yêu hiện hữu Mai Đình là linh hồn của một mảng thơ đặc sắc trong sự nghiệp thi ca của Hàn Mặc Tử.


Mai Đình là một nữ sĩ có tài năng bẩm sinh. Bà có thể viết một cách nhuần nhuyễn cả thơ Đường luật lẫn “thơ mới”, có khả năng “hoạ thơ” và viết những bài thơ trường thiên hàng trăm câu. Tuy nhiên, nếu những nhà thơ phái nam đôi khi có thể viết được một bài thơ hay về “người khác” (không có quan hệ trực tiếp với mình) thì Mai Đình, cũng như tất cả các nhà thơ phái nữ khác, thường “chịu” không viết được về những gì mà bản thân mình không có gì gắn bó với nó.

Chúng tôi đã từng viết: “Chỉ trong tình yêu, người đàn bà mới bộc lộ toàn bộ bản sắc tuyệt diệu của mình” (Những dòng tâm tưởng). Thật vậy, không ở đâu thơ Mai Đình réo rắt và tuyệt diệu cho bằng thơ bà viết trong mối tình với Hàn Mặc Tử, trong đó có nhiều bài “huyết lệ”. Rõ ràng tình yêu với một thi nhân kiệt xuất đã chắp cánh cho thơ Mai Đình bay cao:

Lệ Thanh ơi, vắng anh trong hai tháng,
Sáu mươi ngày dằng dặc nỗi nhớ nhung.
Những đêm thâu em sẽ nấp dưới bóng tùng
Để hấp thụ lấy hồn anh đương chới với…

(Đợi chờ)

Cũng như Hàn Mặc Tử, trong thơ Mai Đình, những khát vọng yêu đương hoà quyện với tính chất đạo lí rất sắc nét của con người Việt Nam. Thứ tình yêu như Mai Đình quan niệm, như thơ bà đã lột tả, là thứ tình yêu thuộc về những con người cao quí nhất trong loài người. Đó là tình yêu được đặt trên cơ sở sự hoà hợp về tinh thần, vượt lên trên những vật dục tầm thường, và đầy đức hi sinh cao thượng:

Tôi chẳng sợ cảnh nghèo hèn đói khó,
Tôi không kiêng thứ da thịt khác người
Vì lòng tôi tôi chỉ biết yêu thôi
Và thân thể có phải đâu châu ngọc?
Tôi yêu chàng đã khắc sâu vào tim óc,
Tôi thờ chàng như một vị thần linh…

(Tuyên bố)
Lần này em đã quyết tâm
Về đây ở một hai năm mới đành
Để em theo dõi bệnh tình
Bữa ăn, giấc ngủ cho anh đỡ sầu…

(Em vẫn bên anh)

Có những câu thơ mang nữ tính cao độ: người ta có cảm tưởng Mai Đình thương xót người yêu đến điên cuồng, đến độ “tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên”:

Em muốn phá tan cả đất trời
Cho lòng nhẹ bớt nỗi bi ai
Thương anh càng thấy căm trời đất
Gieo bệnh nan y để hại người!

(Căm giận)

Tình yêu ở Mai Đình, ở phụ nữ nói chung, khi đã đến đỉnh cao, đến độ “chín muồi” sẽ biến thành sự dâng hiến, dâng hiến để “đền đáp” cho người tình và cũng là để tận hưởng lạc thú tình yêu:

Ta ở, lòng chàng sẽ ngất ngây
Khi đàn nắn phím, lúc lên dây.
Ta như cô bé đầy ngoan ngoãn
Tuỳ cái tay chàng điểm đắm say…

(Điệu đàn êm ái)

Đủ biết những cô gái Việt Nam ưu tú nhất của “thời đại văn minh” cách đây hơn 60 năm đã “giác ngộ nhân quyền nữ giới”, đã vươn mạnh về phía tự do, giải phóng, nhất là trong lĩnh vực tình yêu như thế nào!

Tất nhiên những “căn bệnh tình” như nghi ngờ, ghen tuông… thỉnh thoảng cũng xen vào một chút cho cuộc tình thêm ý vị:

Em muốn mỗi lần anh với em
Cùng đi dạo phố hoặc đi xem
Thì bao thiếu nữ, em xin mượn
Đôi mắt long lanh để hết nhìn.

(Ghen)

Và còn một điều khá “ý vị”: đó là sự… “giả vờ lên mặt kiêu” của Mai Đình để kích thích cho chàng thi sĩ vốn đã điên phải phát điên nhiều hơn nữa vì yêu:

Đã biết bao lần em nhận thấy
Lòng anh mở cả một trời yêu,
Mong em đem lại bao tươi sáng
Kẻo tội đời anh khổ đã nhiều.
Em đang sung sướng bởi say sưa
Những phút nhìn anh dáng sững sờ
Những lúc chuyện trò đầy ngượng nghịu
Những lời chết sững cả hồn thơ.
Đã biết bao lần em lẳng lặng
Hững hờ như kẻ chẳng buồn yêu.
Đố ai đọc được lòng thi sĩ
Những buổi chiều đông gió lạnh nhiều?
Cứ để cho em giễu cợt tình
Hững hờ trong ý vị tươi xinh
Để anh sống với bao mơ ước
Tô điểm cho tim một bóng hình.

(Lơ là trong ý vị)

Nhưng có lẽ điều nổi bật ở tình yêu này chính là “nỗi tương tư” gay gắt, bởi vì những khoảng thời gian hai người gặp gỡ nhau rất ít ỏi, do hoàn cảnh khe khắt gây nên. Nỗi nhớ nhung tràn ngập trong thơ Mai Đình:

Anh hỡi, sao hôm nay xa lạ
Tận chân trời che lấp bóng hình anh.
Em cố tìm trên dãy núi xa xanh
Như vương vấn trong muôn ngàn dây lụa.
Tìm kiếm mãi mà lòng em vẫn khổ
Bởi nhớ thương mong mỏi những gì đâu.
Chết lòng đi trong những buổi chiều sầu
Trên bờ ruộng ngồi nhìn ra chân núi…

(Thương nhớ)

Bởi vì Mai Đình quyết dấn thân vào một tình yêu “không bình thường”, một tình yêu trong nghịch cảnh, nên con đường của tình yêu ấy tất nhiên sẽ đầy dẫy bất bằng và tính chất bi kịch. Một phần lớn thơ Mai Đình dành để nói về tình yêu bi kịch ấy:

Hôm ấy em đi lắm nỗi buồn
Bên ngoài mưa gió cảnh tang thương
Anh trên giường bệnh khôn ngăn lệ
Chẳng tiễn đưa em một tấc đường.

(Nhớ mãi)

Bệnh “tình” hoành hành làm nổi lên những thảng thốt lo âu:

Sao cả tin thơ cũng vắng dần?
Lạnh lùng ta tiếc chuỗi ngày xuân
Tiếc bao mộng đẹp khi gần gũi
Tiếc buổi ban đầu dưới ánh trăng…

(Hờn thương)

Thậm chí Mai Đình đã than van trong một tâm trạng bẽ bàng:

Ta đã chết rồi bởi ước mơ
Từ đây chàng đã cướp hồn ta
Mà sao chàng chẳng cho ta được
Gần gũi bên chàng để thiết tha?

Mai Đình đã không biết được sự thật này: là người có lương tâm, Hàn Mặc Tử đã phải dằn lòng giữ khoảng cách với người yêu, kiên quyết không để nàng bị lây căn bệnh khủng khiếp của mình, và trong ý chí, nhà thơ không có ý định bắt Mai Đình hi sinh cả cuộc đời cho mình. Trong khi đó thì Mai Đình chịu một cơn đau kịch phát trong tuyệt vọng:

Mơ tan mơ, mơ tan theo mây gió,
Tình tan tình, tình ghẹo khách tình chi?
Đuổi mơ đi, tình ta thôi gắn bó.
Phá mộng vàng, đoạn tuyệt bạn tình si.
Lệ Thanh ơi, từ đây thôi chẳng gặp,
Biển rừng phân xa cách lắm chàng ơi.
Em chết thôi bởi tiếc công bồi đắp,
Mộng yêu đương ai nỡ phá tan rồi?
Trời lạnh lẽo, gió đưa sầu vô hạn,
Buồng tim ta tan vỡ bởi đau thương.
Muốn nhắn gửi gió mây đưa tới bạn
Những giọng sầu hấp hối cháy tâm can.
Nhưng giờ ấy ta đang trong ý chết,
Bạn phương trời đang đẫm cuộc say sưa.
Xác rã rời, thân ta đà lỡ mất,
Óc điên cuồng nuối tiếc mối tình xưa.

(Ý chết)

Nhưng rồi tất cả những “cơn bệnh tình yêu” quái ác ấy đều đột ngột chấm dứt khi Hàn Mặc Tử qua đời. Thiên tình sử bước ngoặt sang một hướng khác: những kẻ yêu nhau không chỉ đối diện với nhau và đối diện với cuộc đời nữa, mà đối diện với vô cùng.

Xưa nay đều thế: chỉ những gì trác việt phi thường mới có đủ sức mạnh để “đối thoại” với vô cùng sau khi cuộc “sống gửi” ở trần gian kết thúc. Diệu kì thay, Mai Đình đã bằng linh cảm của mình mà nhận diện được rằng có những cái không những đã tồn tại mà còn tồn tại vĩnh viễn sau khi chủ nhân của nó đã vắng bặt trên cõi thế gian. Chính vì thế, nữ sĩ đã thấy rất rõ công việc mình phải tiếp tục làm sau khi Hàn Mặc Tử đã ra đi: phải viết thêm một chương mới của thiên diễm tình đó với những chất liệu hoàn toàn mới mà trước kia chưa từng có. Đó là nỗi lòng của một goá phụ, nỗi lo sợ về sự lãng quên và sự phản bội, sự băn khoăn day dứt khi “cuộc đời thường” đầy tươi đẹp của thực tại có vẻ đang lấn át ảnh hưởng của tình yêu cao vời trong quá khứ, cách xử trí của một người đàn bà cô đơn đối với cuộc sống phiền tạp của thực tại cũng như đối với mối tình xưa mà mỗi ngày lại càng chứng tỏ tính bất diệt của nó, và sau cùng là giấc mơ tái ngộ ở thế giới bên kia.

Chúng ta không khỏi bàng hoàng khi được chiêm ngưỡng một thứ tình yêu kì lạ xảy ra giữa một người còn đang ở cõi dương và một người ở cõi âm (hoặc đang ở một vùng thượng thanh khí nào đó)! Việc đi sâu mô tả một tình yêu kì lạ như vậy, đối với văn học là một hiện tượng đáng giá. Mai Đình đã một mình sống tiếp với tình yêu và viết tiếp phần sau của tập thơ ĐÔI HỒN gồm khoảng 15 bài thơ đặc sắc, bài cuối cùng mang tên “Mộng chửa tàn” viết năm 1995, khi nữ sĩ đã 78 tuổi (trước khi mất 4 năm).

Mở đầu cho chương mới của thiên tình sử, Mai Đình – lúc này đã có sự thay đổi về chất, không còn là một cô gái si tình nữa mà là một quả phụ với tâm hồn rất mực trầm sâu – bắt đầu đĩnh đạc gióng lên lời thề nguyện trăm năm:

Tôi chẳng yêu ai, tôi chỉ yêu
Một người đau khổ giữa cô liêu,
Một mồ trên bãi tha ma ấy
Và một hồn thơ đã xế chiều.
Tôi yêu một kẻ không hình xác
Đã chết từ muôn thế kỉ rồi
Nhưng vẫn còn đây trong mộng tưởng,
Trong hồn, trong trí, não cân tôi.
Những mộng năm xưa tôi đã ghi
Vào tim vào phổi của hồn si
Thì dù chàng vắng hay không vắng
Đối với tình tôi, có nghĩa gì?
Em yêu anh quá, Lệ Thanh ơi!
Khóc chẳng nên câu, nói nghẹn lời.
Yêu anh mà chẳng gần anh được,
Nguyện để tang anh suốt một đời!

(Tôi yêu)

Chúng ta nên biết lúc này Mai Đình mới có 23 tuổi, hoàn toàn trinh trắng. Lời tuyên bố quá “nặng cân” như trên, không một cô gái bình thường hoặc còn một chút “tỉnh táo, khôn ngoan” nào lại có thể dại dột làm. Rõ ràng đối với Mai Đình, không gì nữa cả ở trên đời này - kể cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai - có thể đặt nổi lên đĩa cân so sánh với tình yêu của nàng và Hàn Mặc Tử. Nói như Nguyễn Du, Mai Đình đã “mang lấy một chữ tình, Khư khư mình buộc lấy mình vào trong”. Quyết định ấy của Mai Đình đã được bà thực hiện bằng cả cuộc đời sau này của bà: có thể nói, bà đã “thả nổi” cuộc đời cho bàn tay số phận, không hề tính toán, mưu toan gì nữa về tình yêu. Trọn đời, bà chỉ có một tình yêu đích thực duy nhất với Hàn Mặc Tử mà thôi. Quan hệ với những người đàn ông khác chỉ tựa như những “công việc đời thường” chứ tuyệt nhiên không có cao vọng về một tình yêu lí tưởng trong đó!

Thì ra giữa vẻ đẹp tuyệt vời của một người con gái đang say đắm trong yêu đương so với vẻ đẹp thánh thiện của một goá phụ cô đơn trong sự thờ phụng, chưa chắc vẻ đẹp nào trội hơn vẻ đẹp nào! Phải chăng Thượng Đế đã ban cho đàn bà đủ cả hai đặc tính ấy để họ trở thành “kiệt tác của vũ trụ”, điều mà toàn thể nhân loại đã thừa nhận?

Trong trọn thời gian còn lại của cuộc đời Mai Đình, tình yêu xưa cũ vẫn chiếm ngự trái tim bà, vẫn khiến bà thổn thức không phút nào nguôi:

Thiếp nhớ chàng, thiếp nhớ chàng khôn tả
Dẫu muôn ngày thiếp còn ở thế gian
Không phút nào thiếp quên chàng được cả
Một thiên tài đã yên giấc Vu San.

(Tìm kiếm)

Tuy nhiên, trên thực tế, có lúc bà đã cảm thấy “sự can thiệp của thời gian” không phải không đáng sợ:

Tôi muốn gặp chàng những tối mơ
Để cùng nhau nối những đường tơ
Nhưng hồn chàng bị hồn ai chiếm
Nên với tình tôi đã hững hờ…

(Mơ)

Thậm chí Mai Đình đã có những lúc rũ mình ra khỏi tất cả những giáo điều, kể cả giáo điều về tình yêu thánh thiện, và thẳng thắn thừa nhận giá trị của cuộc sống thực đang diễn ra không kém phần hấp dẫn và thi vị:

Tôi tưởng hồn tôi đã chết rồi,
Cuộc đời cô độc mãi theo tôi
Nhưng thời gian giúp tôi mờ xoá
Trong trái tim đau bóng một người.
Chồng tôi đem lại bao tươi đẹp,
Những đứa con thơ gọi Mẹ, Thầy.
Chồng biết yêu thương, con trìu mến,
Lòng tôi mờ xoá bóng hình ai…
Tôi biết: tình tôi trong giấc mơ
Đâu bằng sự thật chứa chan thơ?
Một trời tình ái trong tư tưởng
Một phút kề vai cũng đủ mờ.
Con tôi có lúc ôm tôi hỏi:
– Này mẹ yêu ai nhất, mẹ nào?
– Mẹ chỉ yêu ba cùng Hương, Yến
Và còn… nhưng biết nói làm sao?
Sức mạnh thời gian vẫn cứ trôi,
Gia đình hạnh phúc chiếm tim tôi
Tôi vì bổn phận quên lời hứa,
Quên cả trong tim một bóng người…

(Quên)

Ôi! Có lẽ cái lớn của Mai Đình, cái lớn khiến chúng ta tin tất cả những gì bà nói, chính là sự chân thành của bà thể hiện không giấu giếm, hệt như trong cuốn nhật kí riêng tư! Sự chân thành ấy là động lực lôi kéo bà tránh xa vũng lầy của tất cả các thứ tư tưởng giáo điều và đưa bà về trọn vẹn với chủ nghĩa nhân bản! Bà nói về tình yêu cao cả, thánh thiện, về sự hi sinh tuyệt đối, về lòng chung thuỷ, và bà cũng nói đầy đủ về bản chất của cuộc sống trần gian “không bao giờ đáng chán”, điều mà chính Hàn Mặc Tử đã nhìn thấy rõ và đã tin tưởng tuyệt đối. Không phải bằng tư duy triết học mà chỉ bằng trực giác của đàn bà, Mai Đình đã miêu tả được một chân lí vĩ đại: vũ trụ này tồn tại với tính đa dạng vô cùng tận của nó. Cái Đẹp cũng vậy, có thiên hình vạn trạng. Vì vậy, người ta chỉ có thể so sánh tương đối những Cái Đẹp với nhau để chọn ra Cái Đẹp nào ưu tú hơn chứ tuyệt đối không được phép tuỳ tiện cắt xén, thủ tiêu những Cái Đẹp này để phục vụ cho sự độc tôn của Cái Đẹp khác. Những sự cắt xén như vậy là chống lại qui luật về tính đa dạng của thiên nhiên.

Cho đến khi cái “hạnh phúc trần gian” với chồng con kia hoàn toàn đổ sụp (phải chăng những kẻ đã từng đạt tới đỉnh cao tình ái thì không thể nào còn hái lượm được hạnh phúc đích thực trong những cuộc tình tầm thường?) thì một lần nữa Mai Đình lại rơi trọn vẹn vào “mối tình bất diệt” thuở xưa. Bà đã nhiều lần mường tượng đến cuộc “tái hồi Kim Trọng” với Hàn Mặc Tử:

Anh ơi, xin hãy chờ em với!
Hết nợ rồi em sẽ trở về
Chắp lại đôi hồn cho trọn nghĩa…

(Chắp lại đôi hồn)

Có một điều dường như là một qui luật: những người phụ nữ đã xuất sắc về tình cảm thì cũng thường xuất sắc cả về lí trí và nhân cách. Khác hẳn với những tiểu thư khuê các đương thời mà ngoài những chuyện tình cảm riêng tư, họ không còn biết đến cái gì khác, Mai Đình là nhân vật nữ lưu có chí khí và tinh thần công dân sâu sắc. Nét khá “mới lạ” ở Mai Đình là trong thơ bà, chúng ta bắt gặp được sự hoà quyện nhuần nhuyễn giữa tình yêu và tình nước. Điều đó giúp cho chúng ta được thấy toàn diện bức chân dung của bà: bà vừa là một người tình đắm đuối vừa mang dòng máu “cân quắc anh hùng” truyền thống của Bà Trưng Bà Triệu thuở trước. Nữ sĩ Ngân Giang đã phát hiện chính xác cả hai đặc tính nổi trội như nhau và bổ trợ cho nhau đó ở Trưng Vương, ở những người phụ nữ Việt Nam toàn hảo nói chung – yêu đương vô cùng thắm thiết, đồng thời cũng cực kì anh hùng:

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng, khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi…

(Trưng nữ vương)

Mạnh mẽ tham gia vào công cuộc kháng chiến cứu nước, Mai Đình giãi bày với người yêu ở bên kia thế giới như sau:

Sắt son đã chẳng cùng nhau trọn,
Em phải đem mình gửi núi sông.
Em đã là dân của nước nhà
Khi quân thù địch dấy can qua
Máu hồng đang nhuốm trang hùng sử
Em lẽ nào quên lẽ quốc gia?
Hăng hái say sưa giữa cuộc đời
Tấm lòng tranh đấu phút nào nguôi?
Bao giờ tổ quốc ca toàn thắng
Là lúc tìm anh giữa cõi trời.

(Trăng cũ)

Rồi nhân ngày giỗ thứ 50 của Hàn Mặc Tử, bà lại viết:

Năm mươi năm xa vắng
Lòng em vẫn tấc gang…
Không có gì linh thiêng
Giữa cõi đời tạm bợ,
Em đi tìm linh thiêng
Dâng mình cho Đất Tổ.
Em tin anh đã hiểu
Tâm hồn em thuở nào
Sống cuộc đời nô lệ
Sóng gió đưa về đâu?
… Ngày thống nhất hai miền
Thơ anh bay khắp nẻo
Thơ ta thêm trong trẻo,
Lời nhạc say tình người
Chung thuỷ luôn sáng ngời
ĐÔI HỒN ghi trang sử.

(Sắt son. 11-11-1990)

Những vần thơ chân thực, trang trọng nhưng ngọt ngào và giàu nữ tính làm sao! Người ta không ngửi thấy có một chút mùi giáo điều, lên gân nào khi Mai Đình hoà trộn những tình cảm cao quí nhưng rất khác biệt về chất đó trong một bài thơ. Theo chúng tôi, những bài thơ như vậy, nếu đem vào tập “Thơ tình cách mạng” sẽ xứng đáng có thứ hạng cao hơn hẳn những thứ thơ minh hoạ “hét ra lửa” mà ngày nay không ai còn đọc nổi nữa.

Và đây, những khúc nhạc chiều (sérénade) gợi nhớ khôn nguôi mối tình xa xưa, khi bóng hoàng hôn đang phủ dần xuống cuộc đời Mai Đình:

… Chiều nay gợi nhớ Gò Bồi
Nơi anh chữa bệnh hẹn tôi đợi chờ
Niềm vui cửa biển bây giờ
Là nơi chín đợi mười chờ năm nao.
Người thơ nay đã bạc đầu
Mà hồn thơ vẫn dạt dào thuỷ chung.
Người đi hơn bốn mươi năm,
Bốn mươi năm ấy trăng rằm lẻ loi.
Hồn chàng cùng với hồn tôi
Quyện trong làn sóng sánh đôi sớm chiều.
Người tôi yêu, biển tôi yêu,
Trăng Qui Hoà giữ bao điều khó quên…

(Niềm vui cửa biển)

Rồi bất chợt, những khát vọng chưa được thoả mãn từ thời hoa niên lại loé lên một lần cuối cùng khi nữ sĩ đã ở vào tuổi 75:

Nụ hôn em đã sẵn sàng,
Hôn anh cho thật nồng nàn say sưa.
Bao nhiêu tháng đợi năm chờ
Nụ hôn hẹn đến bao giờ anh ơi?…
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Hôn anh em gửi gió mây hôn giùm!

(Nụ hôn không thành)

Cuối cùng, ở tuổi 78, bà viết bài thơ sau chót (hoạ bài “Thức khuya” của Hàn Mặc Tử), là minh chứng hùng hồn cho sự hiện diện của tình yêu bất diệt:

Em biết yêu anh đã muộn màng
Nỗi niềm thương nhớ dễ gì tan?
Ngâm thơ cảm động thương hình ảnh,
Dệt tứ âm thầm tủi chiếu chăn.
Thổn thức bao đêm vương mối chỉ
Mỏi mòn năm tháng lạnh cung đàn.
Ghì trăng ôm gió tìm hương cũ,
Tóc trắng tình xanh mộng chửa tàn.

(Mộng chửa tàn)

Và trong màn chót của mối tình đã từng hiện diện trên trần thế, của cuộc đời một người đàn bà yêu đương, “giấc mơ tái hợp” đã ứng vào phút nữ sĩ lâm chung ở tuổi 82:

Còn có khi nào nhớ đến em
Hồn anh hãy kiếm buổi ban đêm
Giữa dòng sóng bạc, trên cồn cát
Dưới ánh trăng ngà, anh đón em!

(Nghẹn ngào)
Dồn thương nhớ vào tận cùng cân não
Để đêm nay xây đắp mộng luân hồi.
Anh hãy cùng em về căn nhà nhỏ
Túp lều tranh muôn thuở đã chung đôi!

(Em đã về đây)

Trở lên, chúng ta đã du lãm vào khu rừng bí mật của tình yêu Hàn Mặc Tử – Mai Đình. Phương Tây có câu “Tất cả là tốt đẹp với những gì kết thúc tốt đẹp” (Tout est bien qui finit bien). Theo dõi toàn bộ mối tình ấy trong cả hai giai đoạn – trước và sau khi Hàn Mặc Tử mất – chúng ta thấy chính Mai Đình có công rất lớn làm nên cái “kết thúc tốt đẹp” ấy, điều mà dân tộc ta thường dùng thành ngữ “có hậu” để diễn đạt. Bà đã thực hiện được một kì tích: bằng tình yêu mà chiến thắng cả cuộc đời lẫn cái chết. Bà đã làm cho thiên tình sử với Hàn Mặc Tử có được một chương “vĩ thanh” thật là hoàn hảo. Chúng ta nhận chân được tất cả những gì là thực chất nhất, sâu xa nhất, huyết lệ nhất của một tình yêu hiếm có giữa hai con người ưu tú. Đồng thời, chúng ta chiêm ngưỡng những đoá hoa thi ca thần kì nở ra từ tình yêu đặc sắc ấy. -./.




VVM.19.5.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .