Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



“CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC”- CHỢ TÌNH KHAU VAI
& CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU
ĐỒNG VĂN- HÀ GIANG.

  


“Con đường Hạnh Phúc” TP. Hà Giang

Thuộc Quốc lộ 4C đoạn từ thành phố Hà Giang đi 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang là các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc với chiều dài gần 200 km.

Tuyến đường được khởi công vào ngày 10/9/1959, đến đích huyện Mèo Vạc vào ngày 20/3/1965. Sau 6 năm thi công với hơn 2 triệu ngày công, 14 thanh niên xung phong đã phải vĩnh viễn nằm lại “miền đá lạnh”.

Những năm 1960 trở về trước, để đến được 4 huyện vùng cao của Hà Giang, chỉ có đường mòn đủ để người và ngựa men theo sườn vách núi đá. Đây là con đường có ý nghĩa về chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng ở vùng địa đầu của Tổ quốc. Con đường được Hồ Chí Minh đặt tên là Hạnh Phúc bởi nó mang lại no ấm cho đồng bào các dân tộc vùng địa đầu của Tổ quốc, đặc biệt là Hà Giang.

Ngày nay, trước sự đổi thay của đồng bào bốn huyện vùng cao, khó ai có thể tin rằng những dụng cụ thô sơ khi xưa mà lớp lớp thanh niên xung phong năm xưa có thể làm nên con đường huyền thoại.

-Tự hào hơn khi Cao nguyên đá Đồng Văn được tổ chức UNESCO công nhận, gia nhập vào mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu vào cuối năm 2010. Những năm gần đây, lượng khách đến với Hà Giang ngày càng tăng, chỉ riêng năm 2018, lượng khách đến Hà Giang đã đạt trên 1 triệu lượt người; nguồn thu từ du lịch và dịch vụ du lịch đạt gần 1.000 tỷ đồng./.

Đường Hạnh Phúc- Con đường huyền thoại nhất của t.kỷ 20

Trên khắp nẻo đường Tổ quốc Việt Nam, có một con đường vắt vẻo chạy dài cheo leo trên đỉnh núi. Cái “độc, lạ” của con đường này không chỉ nằm phía “cổng trời” sương mù bao phủ, mà còn là tuyến đường xanh bởi ngút ngàn rừng xanh, núi cao bao phủ. Và đó cũng là tuyến đường độc đạo giao thương kinh tế giữa bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của Hà Giang, là điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất của vùng cực Bắc Tổ quốc. Đó là con đường mang tên Hạnh Phúc- con đường của hơn 8 vạn thanh niên xung phong miền Bắc làm nên. .

Lên Hà Giang, dù đi bất kể phương tiện gì cũng phải đi trên con đường Hạnh Phúc. ô Cột cờ Lũng Cú, điểm cuối của cung đường Hạnh Phúc mà ai cũng dừng chân nếu đến Hà Giang

Cũng chỉ là con đường độc đạo gắn với những câu chuyện kể xúc động đẫm đầy nước mắt, mà còn là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang. Đặt tên “Con đường hạnh phúc” bởi nó đem lại ánh sáng văn minh, giao thương phát triển kinh tế, phát triển văn hóa xã hội cho đồng bào các dân tộc anh em người bản xứ vùng Tây bắc nơi đầu nguồn biên giới.

Khởi công ngày 10-9-1959. Từ hàng ngàn quả đồi núi trập trùng dựng đứng, hàng trăm vực sâu dốc thẳm, sau gần 6 năm vạt núi, xẻ đồi, san khe đá của hơn 8 vạn thanh niên xung phong, công nhân, bộ đội, giáo viên từ 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) và 2 tỉnh đồng bằng (Nam Định, Hải Dương) đã sát cánh cùng hơn 1.000 dân công của 16 dân tộc trên cao nguyên đá, ngày 15-3-1965 con đường mang tên Hạnh phúc chính thức hoàn thành đưa vào sử dụng. Không thể kể hết được những khó khăn gian khổ trong suốt gần 6 năm xẻ núi mở đường của 8 vạn người; không thể nói hết được những nhọc nhằn, sự hi sinh thầm lặng của nhưng anh chị thanh niên, công nhân quyết tâm xây dựng con đường cho người dân đã bao đời “sống trong đá chết vùi trong đá”.  Không thể quên 14 thanh niên nam nữ đã vùi lấp thân thể nơi trập trùng đá xám. Chỉ biết, hơn 8 vạn người, là hơn 8 vạn cung bậc cảm xúc khác nhau và cùng chung một niềm vui sướng là đã góp phần công sức mồ hôi, thậm chí cả máu và nước mắt của mình cho con đường.

Cho đến bây giờ sau 55 năm kể từ ngày con đường dài hơn 200 km nối liền nối liền bốn huyện vùng cao của Hà Giang là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, người dân bản xứ nơi đây không nhớ chính xác ngày khánh thành con đường, chỉ biết con đường Hạnh phúc đã trở thành con đường huyết mạch đưa khách du lịch từ thành phố Hà Giang lên Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Cột cờ Lũng Cú, Dinh “Vua Mèo”, Phố cổ Đồng Văn, Đèo Mã Pí Lèng, Chợ tình Khau Vai…Và chính con đường này đã nối liền khoảng cách giữa miền núi với miền xuội, đưa nền văn hóa văn minh lên đồng bào người Mông, Tày, Nùng nơi biên cương Tổ quốc.

Hơn 200 km chạy dài xuyên rừng, vượt núi, có hàng trăm đoạn đường khúc khuỷu, cua tay áo, đó là biểu hiện sức mạnh của con người trước thiên nhiên, là niềm tự hào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Đi trên những cung đường ngoằn nghèo, đứng giữa thung lũng ngô xanh mướt trải ngút ngàn như tấm thảm, hoặc đứng trên đỉnh núi Mã Pí Lèng nhìn xuống dòng sông Nho Quế uốn lượn như giải lụa mềm dưới vực sâu- một cảm giác thiêng liêng, yêu người dân bản xứ,  yêu Tổ quốc Việt Nam đến vô cùng. Đỉnh Mã pí lèng luôn có mây bao phủ Núi non trùng điệp & Dưới thung lũng con đường Hạnh phúc là bản làng người Mông sinh sống

Kỷ niệm 55 năm Ngày ra đời Cung đường Hạnh phúc, xin ghi lại những hình ảnh thật nhất, xúc động về địa danh “sống trong đá chết vùi trong đá” để thay lời tri ân với những người “lính không quân hàm” đã đồng hành cùng con đường gian khổ độc, lạ nhất của thế kỷ 20.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO: Cao nguyên đá Đồng Văn

. Cao nguyên đá Đồng Văn có niên đại từ kỷ Cambrian, là nơi lưu giữ những vết tích phản ánh hai trong số năm sự kiện lớn trong lịch sử sinh giới Trái đất, những ranh giới tuyệt chủng sinh giới hàng loạt.

Việt Nam từ lâu đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch bởi những cảnh quan địa lý - địa chất đặc sắc, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển trái đất, những hiện tượng tự nhiên, tính đa dạng sinh học cao, với những dân tộc trong các bộ trang phục màu sắc rực rỡ, những truyền thống văn hoá lâu đời của cộng đồng dân cư bản địa và cả những sản vật địa phương đa dạng.

Tất cả những điểm đặc sắc ấy, bạn đều có thể tìm thấy được ở ba công viên địa chất toàn cầu của Việt Nam. Ngày 3/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành công viên địa chất UNESCO đầu tiên của Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á.

Năm 2014 và năm 2019, UNESCO đã tái công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO giai đoạn 2015-2018 và giai đoạn 2019-2022.

Đánh giá cao giá trị của cao nguyên đá, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn 2030.

Đặc sắc địa lý-địa chất

“Tsi muaj lub roob siab dua koj lub hauv caug” “Không có ngọn núi nào cao hơn đầu gối” - câu thành ngữ này của người Mông nghe tự hào biết mấy. Bạn sẽ càng thấy câu nói này tuyệt đẹp khi tới Cao nguyên đá Đồng Văn, đặt chân lên một vùng núi đá vôi hùng vĩ có độ cao trên 1.000m.

Công viên địa chất này gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc với tổng diện tích tự nhiên là 2.356km2, nằm ở miền Bắc VN có trên 70% diện tích đá vôi lộ diện.

Vùng đất này là sự kết hợp ngoạn mục và độc đáo giữa những đỉnh núi cao vun vút và hẻm vực sâu thăm thẳm tại phần kéo dài của dãy núi phía Đông rặng Himalaya, với đỉnh cao nhất - Mạc Vạc (1.971m) và hẻm sâu nhất - Tu Sản, cũng là hẻm vực sâu nhất của Đông Nam Á, với chiều sâu vách đá lên tới hơn 700m.

Có niên đại từ kỷ Cambrian (khoảng 550 triệu năm trước), đến nay, Cao nguyên đá Đồng Văn đã trải qua 7 thời kỳ địa chất khác nhau. Du khách đến đây, có thể nhìn tận mắt những dấu vết còn lưu lại trong các di chỉ cổ sinh vật học, địa tầng, địa mạo, kiến tạo, karst, hang động và đứt gãy quan trọng.

Những "vết tích" này còn phản ánh hai trong số năm sự kiện lớn trong lịch sử sinh giới của Trái đất là những ranh giới tuyệt chủng sinh giới hàng loạt. Cụ thể là Biến cố sinh học Devon muộn xảy ra ở ranh giới Frasnian-Famennian, khoảng 364 triệu năm trước, làm cho 19% số họ và 50% số giống cổ sinh bị tuyệt diệt và Biến cố sinh học Permi-Trias xảy ra cách đây 251 triệu năm trước, là sự kiện lớn nhất trong 5 biến cố của sinh giới, làm tuyệt diệt khoảng 90% số giống và loài sinh vật biển.

Nếu bạn quan tâm đến địa chất học, bạn hẳn sẽ thấy rất thú vị được quan sát 3 nhóm đá trầm tích, đá lửa và đá biến chất, cũng như các đặc trưng địa tầng, thạch địa tầng và sinh địa tầng.

Đối với những người nghiên cứu cổ sinh vật học, từng vách đá vôi hãy còn ghi lại hóa thạch của 19 nhóm sinh vật cổ có giá trị như cá cổ, hệ thực vật cổ đại, động vật tay cuộn (eurispirifer tonkinesis), hai mảnh vỏ, foraminifera, san hô, conodonta, crinoidea và động vật thân mềm. Tất cả tái hiện lại một câu chuyện cổ về một thời kỳ xa xưa của trái đất.

Đa dạng sinh học

Không chỉ đa dạng về cổ sinh vật, Cao nguyên đá Đồng Văn còn có hai khu bảo tồn thiên nhiên là Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Khau Ca. Hai khu bảo tồn này phong phú về các loài động, thực vật như cây lá kim, sơn dương phương Nam (một loài dê núi đơn độc) và nhiều loài chim bản địa.

Do đó, nơi này có hệ động thực vật rất phong phú, bao gồm 289 loài thực vật bậc cao, thuộc 83 họ; hệ động vật trên núi đá vôi với 171 loài trong 73 họ và 24 bộ. Có 27 loài gồm 17 loài thú, 2 loài chim và 8 loài bò sát là những động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.

Nổi tiếng nhất nơi này là loài voọc mũi hếch. Voọc mũi hếch, còn được gọi là voọc lông tuyết (Rhinopithecus avunculus) thuộc họ Khỉ Cựu, là một trong năm loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam. Loài vật này còn được phát hiện ở vùng núi châu Á, phía Nam Trung Quốc, thường sống ở những khu vực núi cao hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt.

Đây là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, được xếp vào mức độ nguy cấp cao nhất trong Sách đỏ về các loài động vật bị đe dọa của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới và Việt Nam. Loài voọc mũi hếch đã từng được coi cho là đã tuyệt chủng cho đến khi được phát hiện lại vào đầu những năm 1990, chỉ được tìm thấy ở tỉnh Hà Giang với 200 cá thể.

Phát triển bền vững

Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi sinh sống của hơn 250.000 người dân thuộc 17 dân tộc anh em Mông, Na Chí, Pu Péo, Lô Lô, Nùng, Hoa, Giấy… của dải đất Việt. Mỗi dân tộc có một nét sinh hoạt và tập tục lễ hội riêng tạo nên di sản văn hóa độc đáo và phong phú của khu vực này với những “Chợ tình Khau Vai”, Lễ hội “Gầu Tào” của người Mông, Lễ hội “Cúng thần rừng” của người Pu Péo, Lễ ấp sắc của người Dao...

Kể từ khi cao nguyên đá Đồng Văn được trao danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, lượng khách du lịch đến đây liên tục tăng, người dân cũng được hưởng lợi hơn nhờ du lịch. Đến nay 100% thôn bản, trường học trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn được tuyên truyền giáo dục về công tác bảo vệ, giữ gìn di sản.

Tại Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, bạn sẽ được đích thân các chàng trai, cô gái người dân tộc hướng dẫn tham quan các di chỉ địa chất, di tích lịch sử và đến từng gia đình tham quan đời sống thường ngày và văn hóa của người dân bản xứ.

Vào tháng 1-2, du khách sẽ đến với mùa hoa đào, hoa mận nở rộ khắp các triền núi, tháng 3-4 là mùa hoa gạo đỏ rực rỡ cổng trời, tháng 4-5 là mùa nước đổ, những thửa ruộng bậc thang tấp nập rộn ràng, tháng 6-8 là mùa trồng trọt, tháng 9-10 bạn sẽ đến với mùa lúa chín vàng no ấm, đặc biệt được quan tâm là tháng 10-12 với mùa hoa Tam Giác Mạch cánh mỏng manh chuyển từ trắng sang phớt hồng, ánh tím và đỏ sậm rất đặc trưng, tháng 12 về lại là mùa cải vàng rộ nở….

Đến vùng đất này, là đến thăm vùng đất địa đầu Tổ Quốc với cột cờ Lũng Cú đánh dấu điểm cực Bắc của đất nước, cùng nhau vượt qua đèo Mã Pí Lèng, cung đường đèo hiểm trở dài 20km, cao 1.200m, nằm trên con đường mang tên Hạnh Phúc, nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc, ngắm nhìn những cô gái Mông ngồi dệt bên khung cửi, những nếp nhà trình tường đơn sơ, giản dị, những bờ rào đá bền bỉ, vững vàng…

Đến với Đồng Văn, đến với vùng đất “cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời” này, bạn không chỉ có được những trải nghiệm vô cùng phong phú. Đến nơi đây là bạn sẽ góp phần vào công cuộc phát triển du lịch, đem lại cho người dân và Công viên địa chất toàn cầu nơi đây một sinh kế phát triển kinh tế bền vững, chú trọng tới việc nâng cao đời sống cho người dân, bằng cách khai thác văn hóa bản địa, trong sự hòa hợp với thiên nhiên.

Chợ Phong Lưu Khâu Vai: Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Chợ tình Khau Vai (Chợ Phong Lưu Khau Vai) là chợ lễ hội ở bản Khau Vai xã Khâu Vai huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang.

Tên gọi "Khau Vai" theo tiếng Tày - Nùng có nghĩa là "đèo gai", tuy nhiên nhiều văn liệu đã ghi thành "Khâu Vai". Du khách có khi gọi chợ là chợ Phong Lưu. Hàng năm chợ chỉ họp một lần vào ngày 27/3 ÂL. Chợ đã có từ gần 100 năm nay, trong đó có nguồn nói là từ năm 1919.

Lúc đầu chợ gần như không có người bán, người mua hàng hóa đúng nghĩa mà chỉ có một số người bán đồ ăn uống phục vụ cho những người về đây họp chợ. Vì đây là địa điểm để người ta tìm đến nhau, sau một năm (cũng có thể là nhiều năm) xa cách, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, yêu thương nhau thực sự, nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau, nay mỗi người đều có duyên phận riêng của mình. Đúng ngày này, họ hẹn nhau về đây để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm xưa. Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ; đến nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng, họ không ghen tuông, không bực bội, mà tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình; họ coi đó là sự linh thiêng, là bổn phận và trách nhiệm trước cuộc sống tinh thần của người bạn đời.

Hiện nay, chợ tình Khau Vai đang bị thương mại hóa khiến nó mất dần đi vẻ mộc mạc vốn có và trở thành nơi bày bán đủ loại hàng hóa.

Sự tích Chợ tình Khau Vai

Bắt nguồn từ truyền thuyết về chàng Ba, cô Út. Chàng Ba người dân tộc Nùng, nhà ở Khau Vai, khôi ngô tuấn tú, hát hay, thổi sáo giỏi nhưng nhà nghèo. Cô Út xinh đẹp là con một tộc trưởng người Giáy. Hai người yêu nhau nhưng gia đình cô Út không đồng ý vì chàng nghèo và khác dân tộc không cùng con ma, không cùng phong tục tập quán; con trai người Nùng không thể lấy con gái người Giáy làm vợ.

Chàng và nàng trốn nhà đưa nhau lên hang núi Khau Vai sống. Gia đình, họ tộc cô gái vác súng kíp, cung nỏ sang nhà trai chửi mắng chàng Út phá lệ đưa cô gái ra rừng. Gia đình chàng trai cũng mang gậy gộc, súng, dao ra chửi bới nhà gái. Từ hang núi nhìn xuống cảnh máu chảy, đâm chém nhau giữa hai họ. Thương cha, thương mẹ, thương dân bản hai làng bỗng trở nên thù hận nhau chỉ vì tình yêu của mình nên chàng trai và cô gái chia tay nhau về làng, thề kiếp sau sẽ thành vợ thành chồng. Ngày họ chia tay là ngày 27/3, người dân trong vùng lấy ngày đó làm ngày họp chợ.

Khi đôi trai gái chia tay nhau, họ đã cắt máu thề: Dù không lấy được nhau nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 27/3 họ lại lên Khau Vai hát cho nhau nghe, kể với nhau những thầm kín ấp ủ trong lòng trong suốt một năm xa nhau. Họ tâm tình, ca hát hết đêm rồi đến hết đêm hôm sau rồi lại trở về với cuộc sống ngày thường. Ngày cuối cùng của cuộc đời, họ lại đến với nhau. Họ tìm đến gốc cây rừng và ngồi bên hòn đá thề năm xưa, ôm chặt nhau cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Họ ra đi cũng đúng vào ngày 27/3- ngày mà năm nào họ quyết định chia tay. Dân làng đã dựng hai miếu thờ là "miếu Bà" và "miếu Ông" ngay chính nơi họ mất để tưởng nhớ về mối tình trai gái.

Chợ Phong Lưu Khâu Vai trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia (01/07/2021)

Bộ Văn hóa, TT-DL ban hành Quyết định số 1952/QĐ-BVHTTDL đưa "Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu Khâu Vai", xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chợ Phong Lưu Khâu Vai (Chợ tình Khâu Vai) từ khi hình thành đến nay đã hơn 100 năm. Đây là chợ phiên đặc sắc nhất ở Hà Giang. Chợ không phải là nơi giao thương, buôn bán các mặt hàng nông sản hay nhu yếu phẩm mà là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian, mỗi năm chỉ họp duy nhất một ngày. Theo thông lệ cứ vào ngày 27/3 âm lịch, những đôi trai gái lại vượt núi, băng rừng về hò hẹn, gặp lại người yêu cũ, cùng nhau uống rượu và tâm sự, ôn lại chuyện tình xưa.

-Nhạc sỹ Thanh Phúc (1933 – 2020) tên thật lá Nguyễn Thanh Phúc, quê ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, nguyên công tác tại Đài Phát thanh Tiếng nói VN. Tác giả của ca khúc nổi tiếng “Hà Giang quê tôi”.

Bài hát: Hà Giang Quê Tôi – Thanh Phúc

Ai về thăm quê hương tôi, nơi biên cương là đây
Có rừng cây thiên nhiên xanh biếc một màu
Đây Hà Giang, đây Hà Giang quê chúng tôi
Gỗ vùng cao về xuôi xây đời mới
Thắm tình giữa miền xuôi với miền ngược
Có ai về khơi thêm nguồn hàng
Mời lên thăm đây Hà Giang.
[ĐK:] Ôi đẹp sao, đây vùng cao quê tôi đang đổi mới.
Này quà vùng cao đem tới miền xuôi
Đây chè quê tôi vui những ai hẹn hò
Hà Giang mến yêu ơi, Hà Giang mến yêu ơi.

Ai về thăm quê hương tôi, nơi biên cương là đây
Có đường đi trên mây lên tới cổng trời
Đây Hà Giang, đây Hà Giang quê chúng tôi
Khắp vùng cao giờ đang thay đổi mới
Những nhà máy lại vang tiếng còi tầm
Tiếng nhạc ngựa đi theo nguồn hàng
Về Yên Biên cho phiên chợ vui.

(Tham khảo: Sách báo – Internet)




VVM.19.5.2027.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .