Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



        

DIỀU CÁNH PHẢN, DIỀU BẠT
HAY DIỀU SÁO MỘT THỜI ĐỂ NHỚ




                 Cầm dây cho chắc
                 Lúc lắc cho đều
                 Để bố đâm diều
                 Kiếm gạo con ăn
                    
(Ca dao)

T hả diều là một môn thể thao, một thú vui, một nét văn hóa không chỉ giới hạn tại một địa phương, một quốc gia mà còn mang tính quốc tế.

Tháng 9/1992, giải vô địch thả diều châu Âu được tổ chức tại Middelburg (Hà Lan). Giữa tháng 8/1992 giải vô địch thả diều được tổ chức tại Nhật Bản. Sau đó giải lại được tổ chức ở Montpellier Dieppe (Pháp) từ ngày 10 đến 18/09/1994. Dịp này Câu lạc bộ Thả Diều Huế (Việt Nam) đã tham gia, các cánh diều nghệ thuật nhiều mầu sắc của nước ta đã tung bay trên bầu trời nước Pháp, dân chúng châu Âu và cả các châu lục khác đã hết lời khen ngợi diều Việt Nam qua mẫu hình các con vật như chim, bướm, rồng hoặc các nhân vật lịch sử, huyền thoại như Hai Bà Trưng, Sơn Tinh Thủy Tinh hoặc các nhân vật trong các truyện ký như Đôrêmon, Nôbita, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới…

Để cuộc chơi thêm hào hứng, dân chơi diều còn tổ chức những cuộc chọi diều, tương tự chọi trâu, chọi gà… với những điều lệ, quy định khắt khe để phân thắng bại. Diều nào thắng cuộc nghĩa là đâm thủng diều đối thủ, bắt nó phải hạ cánh trước thì chủ nhân được vinh danh và được phần thưởng giá trị. Họ cũng quyết tâm bảo vệ chức vô địch ở kỳ thi năm sau - còn chủ nhân của diều bại trận thì cũng quyết tâm trổ hết ngón nghề để phục thù, nhờ vậy cuộc đua mỗi ngày thêm náo nức, phấn khởi.

Tìm về cội nguồn của thú chơi diều, chúng ta thấy diều đã được nói tới trong sách "Tiềm xác thư" mà nhà bác học Lê Quý Đôn đã ghi lại trong sách "Vân Đài Loại Ngữ" (1773), theo đó thì diều đầu tiên do ông Hàn Tín người nước Sở làm ra (khoảng thế kỷ II trước Công nguyên). Như vậy cho tới nay diều đã có hơn 2.200 năm tuổi. Ngay từ thời thượng cổ, ngưởi ta đã khẳng định ích lợi của thú thả diều. Sách "Tục Bác Vật Chí" nói: "Người ta thả diều giấy lên cao cho trẻ con ngửa mặt lên trời để cho nhiệt hóa trong người trẻ tiết ra hơi thở". Nhà bác học Lê Quý Đôn thì nói: "Xem đó ta đủ thấy cổ nhân làm đồ chơi nhỏ mọn như thế cũng có ý nghĩa lắm".

Giữa thế kỷ 15 đời vua Lê Nhân Tông (1443 - 1459), ông tổ toán học nước ta là Lương Thế Vinh đã chế ra diều văng hay diều đeo màng, tức là diều có phát ra âm thanh, đây là thủy tổ của diều sáo hay diều bạt. Ông đã dùng 1 sợi mép mỏng của bẹ chuối, cạo phần thịt đi rồi căng thẳng giữa 2 đầu hình cung của diều, tùy gió thổi mạnh hay nhẹ mà dây bẹ chuối rung phát ra âm thanh. Dây văng sau này được thu hẹp thành hình bán nguyệt cột chặt vào phía trên bụng diều. Dây văng hay màng diều phát ra âm thanh "ve ve ve ve" đơn điệu, không được hay cho lắm, thường chỉ có trẻ con mới chơi, do đó người ta chế ra sáo đơn rồi sáo bộ có hòa âm nghe đầy đặn và phong phú hơn, tiếng sáo lại có âm sắc đặc biệt quyến rũ, đi vào thi ca âm nhạc nhẹ nhàng thắm thiết như những lời ru của mẹ bên nôi con yêu: nhạc sỹ Phó Đức Phương trong bài "Về quê" đã diễn tả "Đưa nhau ta thì về nơi mẹ đưa nôi, nơi sáo diều chơi vơi dòng sông bên lở bên bồi", còn nhạc sỹ Y Vân trong bài "Lòng mẹ" (1967), sau này nhạc sỹ Hải Linh hòa âm thành ba bè hợp xướng thì diễn tả: "Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu. Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ. Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ. Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ". Nhạc sỹ Nguyễn Hiền trong bài "Tiếng Sáo Diều", 1958, thì diễn tả: "Ù ú tiếng sáo mơ màng, ù ú tiếng sáo êm đềm … chập chờn hình bóng thôn làng cũ, phất phơ cánh diều trắng, tiếng sáo đưa lắng trầm. Tôi yêu tiếng sáo mơ màng, êm như câu hát ru lòng, chiều nao bên thôn xóm vắng, say sưa tình lúa gió trăng. Vi vu tiếng sáo mơ hồ đuổi theo mây trắng lững lờ, hàng cau nghiêng, nghiêng trước gió, tơ lòng hòa khúc ngây thơ… Tôi yêu tiếng sáo ban chiều, yêu sao tha thiết yêu nhiều, thời gian ơi ngưng đôi cánh quay về mộng thắm ngày xanh".

Tiếng sáo trúc cùng âm sắc với sáo diều và đại phong cầm (Orgue cổ) cùng chất liệu là ống tre, ống trúc, cùng cách vận hành là làn khí rung trong ống tre, ống trúc có khác chăng là ở chỗ sáo diều chỉ có 1 cung, nếu muốn phong phú thì phải thêm chùm 3, chùm 5, chùm 7. Còn sáo trúc thì có thể phát ra nhiều cung bậc do sự điều chỉnh của ngón tay trên các lỗ, tiếng sáo đó đã được thiêng hóa trong cõi thần tiên qua bài "Tiếng sáo thiên thai", 1972 của nhạc sỹ Phạm Duy phổ thơ của Thế Lữ: "Xuân tươi êm êm ánh xuân nồng, nâng niu sáo bên rừng, dăm ba chú kim đồng… hò xang xế tiếng sáo nhẹ nhàng lướt cỏ nắng, nhạc lòng đưa hiu hắt và buồn xa buồn vắng mênh mông là buồn. Tiên nga buông lơi tóc bên nguồn, hiu hiu lũ cây tùng, ru ru tiếng trên cồn… hò ơi làn mây ơi ngập ngừng sau đèo vắng, nhìn mình cây nhuộm nắng và chiều như chìm lắng bóng chiều không đi… Đôi chim ơi lên khơi sáo theo vời hay theo đến bên người, tiên nga tắm sau đồi… tình tang ôi tiếng sáo khi cao cao mờ vút cùng làn mây lờ lững, rồi về bên bờ suối cây xanh mờ mờ. Êm êm ôi tiếng sáo tơ tình, xinh như bóng xiêm đình, trên không uốn thân mình… Đường lên lên thiên thai lọt vài cung nhạc gió thoảng về mơ mộng quá, nàng Ngọc Chân tưởng nhớ tiếng lòng bay xa".

Có một điều rất đáng tiếc là từ thập niên 50 - 60 của thế kỷ 20 đến nay, một bộ phận diều kỳ vĩ với tiếng sáo tuyệt vời như đã nói ở trên, đã bị tuyệt chủng, không còn ai thấy diều cánh phản hay diều bạt, diều sáo như thế nào. Chẳng còn ai nghe được tiếng sáo diều tuyệt diệu nữa, có chăng chỉ còn hình ảnh trong ký ức những cụ già gần đất xa trời thôi, lớp trẻ ngày nay tuyệt nhiên không biết, khi đưa một chiếc sáo diều hiếm hoi còn sót lại hỏi đám thanh niên thiếu nữ thế hệ 7x, 8x và cả mấy người trung niên nữa, họ trả lời đó là cái mõ! Thật đáng buồn, một nét văn hóa đẹp như thế mà chỉ qua nửa thế kỷ đã biến mất.

Trong cuộc thi quốc tế cũng như hàng năm trong lễ hội thả diều ở Huế, ta chỉ thấy những cánh diều hiện đại: diều hình cá mực, diều hình bướm, chim, rồng, hình người, hình các nhân vật huyền thoại và lịch sử như Hai Bà Trưng, Sơn Tinh Thủy Tinh, các nhân vật trong truyện ký như Đôrêmon, Nôbita, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới… vật liệu sáng tạo vẫn dùng khung tre nhưng giấy phất đã được thay thế bằng chất liệu nilông mỏng với những gam mầu lumineux chói chang, rực rỡ, dây diều thì dùng dây dù, dây cước… hoàn toàn thiếu vắng mảng diều truyền thống phất bằng giấy bản nhuộm mầu nâu của đất bằng những trái cậy như diều cánh cốc, diều cánh phản hay diều bạt, diều sáo, dây thả diều là dây gai hay dây đay cho diều cánh cốc và các diều nhỏ và dây tre cho diều sáo, hay diều bạt, diều cánh phản cỡ lớn đeo những bộ sáo 3, sáo 5, sáo 7.

Do đó người viết cảm thấy cần phải viết lại những gì mình đã chứng kiến thời thơ ấu, cộng với lời kể của các lão ông lão bà về diều sáo, diều cánh phản hay diều bạt như những sự kiện văn hóa, lịch sử "một thời để nhớ hay vang bóng một thời".

1. Lý do của sự thiếu vắng đến tuyệt chủng của diều sáo như thế nào ?

1.1 Tính phổ biến: diều sáo cần không gian rộng, lộng gió nên đồng bằng sông Hồng Hà là thích hợp, không gian thích hợp cho diều sáo tồn tại và phát triển là những vùng đồng bằng thuộc các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định. Từ Ninh Bình trở vào miền Nam không thích hợp vì đồng bằng hạn hẹp, nhiều đồi núi, nhiều vùng ngập nước quanh năm gọi là vùng chiêm trũng nên diều bạt không phổ biến. Đồng bằng sông Cửu Long thì bao la nhưng lại quá xá vùng diều sáo phổ cập tại miền Bắc nên hoàn toàn không biết gì về diều sáo mà "vô tri thì bất mộ" nên không lạ gì chuyện chả ai biết diều sáo như thế nào. Năm 1955 - 1960 tại trại di cư Cống Đôi, Đại Hải, một số cụ già cũng chơi diều sáo nhưng với tầm cỡ nhỏ, bộ sáo cái to nhất cũng chỉ bằng ngón chân cái gọi là "bộ sáo tít", vì những sáo nhỏ bằng ngón tay âm vực rất cao nghe chói tai. Rồi các cụ khuất đi, đám con cháu chỉ mãi mê làm ăn ổn định cuộc sống, lo lập nghiệp, phần giải trí đã có xinêma, cải lương, hát bội… nên chẳng ai khơi lại thú thả diều cổ điển nữa. Còn ở đồng bằng Bắc bộ thì sao? Thưa phần vì chiến tranh, cuộc sống khó khăn khiến mọi người cật lực lao động, thanh niên thì nhập ngũ, ruộng đồng thì công nghiệp hóa, điện về nông thôn để dùng cho các trạm bơm, cột điện và dây diện xuất hiện càng ngày càng nhiều trên các cánh đồng, nhiều nơi ngay cả diều nhỏ con nít chơi cũng bị cấm. Mọi người vùi đầu vào lao động sản xuất, diều sáo trở thành món chơi tốn kém, thuộc tầng lớp cường hào ác bá, cho nên chẳng ai dám chơi diều sáo, ai còn thì treo làm kỷ niệm rồi mưa bão, mối mọt làm hư đi, cuối cùng là cho vào bếp, thế là hết đời diều sáo. Đầu thập niên 50 của thế kỷ 20, người viết còn lon ton theo các cụ ra cánh đồng thả diều, còn được nghe tiếng sáo ru suốt ngày suốt đêm có khi liên tục cả tuần. Nhưng đến thập niên 60 của thế kỷ 20 thì ngay tại cái nôi của diều sáo cũng không còn người chơi nữa.

1.2 Một lý do nữa của sự tuyệt chủng diều sáo đó là kỹ thuật chế tác, người ta vẫn nói "nghề chơi cũng lắm công phu". Chế tác diều sáo quả rất công phu.

a. Liên quan tới ngành họa: hình dáng phải cân đối, mầu sắc phải là mầu nâu của đất - do trái cậy ngâm và giã ra, phết lên nhiều lần để cho ra mầu sắc đồng thời chất nhựa của trái cậy phơi khô nó như một thứ keo bảo vệ diều không bị ướt khi gặp trời mưa, mà tất cả đất đai dồn cho công nghiệp và nông nghiệp, ngày nay bói cũng chẳng ra 1 cây cậy, lấy đâu ra trái để mà phất diều.

b. Liên quan tới kỹ thuật: khung diều phải bằng tre "bánh tẻ hay bánh mật", tre già quá hay cụt ngọn thì rất dòn, dễ gẫy - tre non quá thì khung yếu sẽ sụm khi chịu sức gió lớn. Khung phải được tính toán cân bằng 2 cánh, nặng nhẹ khác nhau diều sẽ chao đảo có khi quay tròn rồi rớt xuống. Độ cong của 2 đầu cánh tạo khoảng lõm ở giữa cánh phù hợp với nguyên tắc khí động học, để làn gió bốc diều lên y như 2 cánh may bay có phần cong úp xuống để vận hành theo khí động học, các dây chằng kiểu mạng nhện ở cánh diều phải bằng dây đay vừa chắc vừa nhẹ vừa ăn hồ, đồng thời phải đủ dầy để bảo vệ giấy phất không bị gió làm thủng. Tiếp đó một lớp vải màn được căng theo cánh diều, dùng kim chỉ kết vào các dây chằng và vào khung diều. Sau cùng lấy giấy bản phất lên 2 mặt trong ngoài con diều, lấy trái cậy giã ra ngâm rồi dùng cọ phết trên lớp giấy phất, phơi khô rồi phết lại nhiều lần cho tới khi mầu nâu quánh lại, lớp giấy phất với lớp vải màn và các dây chằng dính chắc vào nhau như 1 lớp bạt dầy. Cả 2 bánh lái tròn phía dưới con diều cũng được chằng và phất như vậy, bản thân con diều đã hoàn chỉnh. Một bộ phận khác cũng rất quan trọng trong môn thả diều đó là dây diều. Ngày xưa không có dây dù cỡ lớn, chỉ có dây thừng nhưng dây thừng thì nặng quá không dùng được, các cụ xưa đã nghĩ ra kỹ thuật dùng dây tre vừa nhẹ vừa bền. Chất liệu chế dây tre phải là tre bánh tẻ còn đủ ngọn, tre mất ngọn hoặc tre già quá sẽ dòn không xài được, một cây tre dài từ 8 đến 10 thước, bổ ra bỏ 2 bên mấu, chỉ sử dụng 2 mảnh nạc, chẻ nhỏ vót tròn để cả cật, thiết diện lớn hơn cây đũa, cuộn tròn cho vào nồi lớn luộc lâu giờ với muối cho tre mềm dẻo. Sau đó vớt ra, phơi ráo rồi đập dập đầu nối lại với nhau theo nút dây câu, càng kéo càng xiết chặt, rồi cuốn lại thành cuộn tròn đường kính bằng miệng thúng. Khi nối vào diều cần 1 đoạn dây đay chừng 5 - 8m cột vào lèo diều và nối vào dây tre cũng như ở cuối khúc dây tre cần 5m dây đay bện chắc để cột diều vào gốc cây cho có sự linh động khi diều chao đảo. Toàn bộ dây tre có thể dài hơn 100m. Bộ phận cuối cùng để trang bị cho con diều là sáo diều, quá trình chế tác rất công phu, và phải là những bàn tay lành nghề mới làm được, không phải ai muốn làm thì làm. Trước hết thân sáo phải là những ống tre bương già phơi khô, chẻ bớt phần cật, chỉ để phần ruột mỏng chà nhẵn rồi lấy sơn ta quét trong ngoài. Chính giữa khoét 1 lỗ vuông thông qua ống tre, phía trong 2 bên lỗ lấy tre hay gỗ nhẹ, mỏng bít lại bằng sơn ta. 2 đầu gắn 2 miệng sáo thường làm bằng gỗ cây vông rất nhẹ, xốp, mềm dễ đẽo gọt giống như cây bông gòn của miền Nam. Miệng sáo khoét 1 lỗ dài bằng 2/3 đường kính của miệng sáo (xem hình miệng sáo) nơi đây gió sẽ lọt vào, rung trong ống sáo rồi thoát ra cùng với âm thanh. Cái khó là làm sao cho 2 bên cân bằng và phát ra cùng 1 thanh. Nếu là sáo bộ thì bao giờ cũng xếp từ to tới nhỏ, bộ 3 thường theo hợp âm đô trưởng hay pha trưởng. Bộ 5 thường theo hợp đô 7 hay pha 7. Đây là những cung điệu vui tươi và đầy đặn. Chuyện chế tác từng chiếc sáo cho đúng cung bậc là cả một kỹ thuật về âm nhạc. Khi đã hoàn chỉnh bộ sáo (dĩ nhiên phải cân đối với sức tải của diều) thì lấy 1 thanh tre dầy xâu các sáo lại, cột chắc thành 1 khối với nhau rồi cắm xiên vào 1 đế cột ở phía trên bụng diều, miệng sáo hướng về phía lưng diều, lấy dây chằng chắc vào 2 cánh diều, thế là diều sáo hoàn chỉnh, chỉ chờ gió đưa lên trời cao. Đáng tiếc là nguyên liệu tre không còn nhiều, ngày xưa làng nào cũng có lũy tre xanh bao bọc, nay tre pheo bị chặt làm nhà, làm công trình, chẳng còn thấy lũy tre xanh như xưa.

c. Kỹ thuật thả diều: không gian phải là cánh đồng lộng gió thường vào trước mùa hè khoảng gần tết sau khi đã thu hoạch nông vụ, chuẩn bị ruộng cấy, các cụ ông chủ nhân của những cánh diều bạt, áo quần chỉnh tề, động viên lớp thanh niên trai tráng trong dòng họ, khiêng diều và dây ra cánh đồng, lớp cầm dây ra dây khoảng 50m, lớp đâm diều (đẩy diều lên cao) từ 5 - 10 người tùy diều to hay vừa, thường diều sáo nhỏ cũng 3m, lớn có thể tới 6 - 10m, dưới diều cột một tràng pháo dài, những người đâm diều giơ cao chờ gió mạnh. Khi có hiệu lệnh của chủ nhân diều, những người đâm diều đốt pháo rồi đẩy hết sức cho diều lên cao, những người cầm dây kéo ghì lại cho diều bốc lên rồi từ từ buông dây cho đến phần cuối đã cột vào cọc hay gốc cây nào đó, người lớn, trẻ con, có khi cả các bà các cô cũng ra ủng hộ, mọi người reo hò, ngửa mặt lên trời xem cánh diều lừ đừ chuyển động theo làn gió, vểnh tai nghe tiếng sáo du dương, rồi tán thưởng diều này, bình phẩm diều nọ… cuối cùng là việc tìm đường dắt diều về nhà, cột ở tường hoa hay gốc mít, gốc xoài lớn nào đó và thưởng thức cả ngày cả đêm, có khi gió đều thì cả tuần diều vẫn vận hành trên bầu trời xanh biếc. Các cụ thì ghé chơi nhà nhau, uống rượu, uống trà, nhắm nháp có khi đánh tổ tôm rồi bình luận về những cánh diều của làng, của tổng, con cháu thì thế nào cũng có bữa thịt cầy chén bí tỷ. Thú vui thả diều là như vậy.

2. Những giai thoại về diều sáo.

Trên đây là những gì có thật 100% người viết đã chứng kiến, đã theo các cụ đi vỗ tay, reo hò, rồi được "trả công" bằng trái chuối, nắm xôi. Còn những chuyện về diều sáo thì nhiều lắm

2.1 Theo ký ức của cụ Nguyễn Ngọc Oánh, 75 tuổi, gốc xứ Kẻ Non huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam (gần Hà Nội) - một tay nghiện diều, hiện cụ đang ở xứ Nam Thái, gần chợ Ông Tạ, cụ còn giữ được 1 chiếc sáo diều đường kính gần 20cm, dài khoảng 6 tấc làm bằng các thanh tre bỏ cật ghép lại rồi quấn lụa, dùng sơn ta gắn kết theo kỹ thuật sơn mài (xem hình), và 1 cuộn dây tre lâu đời nhưng đáng tiếc cuộn dây tre bị mối ăn, con cháu đã đem đốt đi. Cụ say sưa kể chuyện những con diều bạt cỡ lớn, bay trên trời cả tuần lễ, mang những bộ sáo lớn 3 chiếc hay 5 chiếc, tiếng chuyên môn gọi là bộ chiêng già, những bộ nhỏ hơn gọi là chiêng non, những bộ cồng già cồng non, bộ sáo, bộ tít (nhỏ nhất, chiếc sáo cuối cùng chỉ bằng ngón tay, âm thanh rất cao, rít như còi), có những chiếc diều dài tới 12m, rộng 3m, phải phất 2 lần vải màn - Ông còn kể chuyện về ông Lý Ba xứ Kẻ Non, người cùng quê với ông, do vô ý để chân vào vòng dây diều, tới khi diều gặp gió kéo ông đi cả chục thước, chân bị dây tre cứa tét bét nhiều chỗ, đứt cả gân phải đi nhà thương cấp cứu khâu lại, ông than thở: "Không ai già đầu mà dại như tôi". Có những con diều khi hạ cánh bổ xuống vườn chè làm gẫy cả mấy cây.

2.2 Còn chuyện kể của các cụ thâm niên ở quê tôi (huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương) đã quá cố, làm cho tôi vô cùng thích thú. Một Cha già cố của Giáo xứ cũng rất mê thả diều, ngài đã cho làm chiếc diều " đại cồ việt" lớn nhất làng, hơn cả diều của Chánh tổng và Lý trưởng. Không đo được bao nhiêu mét, chỉ biết chiếc sáo cồng to bằng cột lim nhà thờ, phải cuốn bằng cót bọc lụa, trét sơn ta trong ngoài, lỗ của miệng sáo lớn đến nỗi mèo chui vào đẻ con trong đó! Mỗi lần thả diều phải huy động trai tráng cả làng và khi diều đã tung bay trên trời, đám thanh niên kéo về sân nhà thờ ngả cả chục con cầy ăn mừng như lễ hội. Khi hết mùa thả diều, phải dành 1 ngôi nhà 3 gian hai chái để treo diều.

2.3 Theo nhà nghiên cứu Toan Ánh trong sách "Các Thú Tiêu Khiển Việt Nam", nhà xuất bản Mũi Cà Mau năm 1993, trang 248-269, thì diều được chia làm 2 loại:

a. Diều trẻ em gồm các tên gọi sau đây:

- Diều cánh cốc (giống con cồng cộc)

- Diều cánh bầu (do cánh diều uốn bầu)

- Diều cánh cắt (do cánh diều nhọn cánh cắt)

- Diều cánh phản (cánh không uốn cong)

- Diều én (hình diều khi bay trên cao trông như con én)

- Diều mặt trăng (hình tròn như mặt trăng)

- Diều ống (giống như cái ống, có nơi còn thắp đèn giống như chiếc đèn lồng).

b. Diều người lớn tầm vóc lớn hơn gấp 5, gấp 10 lần diều trẻ em, có khi còn bằng 1 nhà 3 gian. Diều người lớn không có đuôi và luôn đeo sáo. Thông thường nhất là diều cánh cốc (lớn) và diều cánh cắt, ngoài ra còn diều cô tiên (hiếm), ông Nguyễn Hữu Hoan, người cùng quê với tác giả ở làng Thị Cầu, huyện Võ Giang, tỉnh Bắc Ninh có 1 cái.

c. Các loại sáo diều, tác giả phân biệt tùy âm thanh sáo phát ra:

- Sáo chim

- Sáo còi

- Sáo đẩu

- Sáo cồng

Diều sáo luôn phải có 3 loại sáo: còi, đẩu và sáo cồng, xâu vào cọc tre từ lớn tới nhỏ (tác giả không nói tới bộ sáo 5, bộ sáo 7).

· Dây diều: tác giả cũng nói tới dây tre nhỏ thì hơn cây tăm, lớn thì hơn chiếc đũa. Ngoài ra còn có dây mây, quá trình chế tác cũng như dây tre, nhưng không nói tới yếu tố muối trong nước luộc dây.

· Thả diều thi có hội làng Trì, đó là làng Võ Vương, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh, Hà Bắc, vào ngày 19/02 âm lịch. Thả diều thi cũng có những quy định, luật lệ… nhưng dường như đơn giản hơn chọi diều, cụ thể ở Tổng Hà Nam, tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh), kéo dài từ sau tết cho đến hết tháng tư âm lịch.

· Sau cùng, tác giả nói tới thú vui, lợi ích của việc thả diều, đồng thời còn nhắc tới truyền thuyết về Cao Biền cưỡi diều để tìm đất tốt theo phong thủy, yểm huyệt hầu khống chế phương bắc xâm lược.

Người viết xin ghi lại những gì đã chứng kiến, những gì được trực tiếp nghe kể lại để thế hệ sau này có 1 chút ý niệm về 1 loại diều truyền thống ở đồng bằng Bắc bộ, nay đã biến mất, chỉ còn sót lại dăm ba chiếc sáo xưa như kỷ vật của một thời để nhớ hay như nét văn hóa vang bóng 1 thời. Ngày nay trong ngành điện ảnh hằng năm có giải "Cánh diều vàng", tôi nghĩ rằng giới nghệ sỹ của nghệ thuật thứ bảy muốn nhắc mọi người nhớ về những cánh diều sáo, diều bạt hay diều cánh phản bay tít tầng trời xanh, với những bộ sáo du dương làm ngây ngất lòng người, chứ không phải những diều cá mực, diều bướm, diều hình nộm, Đôrêmon, Tôn Ngộ Không, phất bằng nilông mầu sắc lumineux lòe loẹt, tầm cao không quá 40m, câm lặng không một âm thanh, một tiếng nói cho loài người. không biết có đúng như vậy không?  -./.

Tân Sa Châu, ngày 15 tháng 12 năm 2009
Bài viết có tham khảo bài "Nghệ Thuật Thả Diều Và Trò Chơi Chọi Diều" của Nguyễn Hữu Hiệp, đăng trên nguyệt san Xưa & Nay số 43B tháng 9/1997
- Và sách "
Các Thú Vui Tiêu Khiển" của tác giả Toan Ánh, nhà xuất bản Mũi Cà Mau năm 1993, trang 248-269.




VVM.16.5.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .