V ấn đề Quang Trung muốn lấy lại đất Lưỡng Quảng là một vấn đề đã quá nổi tiếng đối với những người Việt quan tâm tới lịch sử, văn hóa dân tộc, những tranh luận về vấn đề này đã chia rẽ quan điểm của người Việt thành nhiều hướng, có những người thì ủng hộ, ca ngợi bản lĩnh của vua Quang Trung, nhưng cũng có những người phản đối gay gắt, cho rằng đây là một chi tiết ngụy tạo, cũng như họ cho rằng việc đòi lại Lưỡng Quảng là thiếu thực tế.
Đây là một vấn đề thuộc về lịch sử, để làm rõ về nó, chúng ta cần phải khảo cứu chi tiết các ghi chép lịch sử, để xem liệu có đúng là vua Quang Trung Từng có ý định đó hay không. Thêm vào đó, cũng cần phải làm rõ về vấn đề lãnh thổ của người Việt trong thời kỳ cổ đại, trước thời Nam Việt và thời Hán thuộc, để thực sự biết được Lưỡng Quảng có bao giờ thuộc về Việt Nam trong lịch sử hay không, đó sẽ là một cơ sở rất quan trọng để đánh giá về vấn đề Quang Trung muốn đòi lại Lưỡng Quảng.
Cũng cần nói thêm, việc tìm hiểu về lịch sử không đồng nghĩa tư tưởng hiện đại cũng phải như vậy. Tìm hiểu về lịch sử để biết về nguồn gốc, lịch sử, văn hóa của dân tộc, từ đó có thể hiểu chính mình hơn. Tìm hiểu về lãnh thổ quốc gia thời cổ đại, không phải là cơ sở để tuyên bố chủ quyền với các vùng lãnh thổ nay đã thuộc về người khác. Lãnh thổ có được, có mất, đó là một sự thật trong dòng lịch sử của nhân loại, có những vùng lãnh thổ người Việt đã mất đi, nhưng đồng thời, cũng có những vùng lãnh thổ người Việt đã có được từ các quốc gia khác để có được dải đất hình chữ S như hiện nay. Vậy nên, cần phải tách bạch rõ về lịch sử và nhận thức về lãnh thổ trong thời hiện đại, bàn về lịch sử, không có nghĩa chúng ta đang chủ trương đòi lại những vùng đất đã mất đó.
Ở bài viết này, chúng tôi sẽ từng bước làm rõ về nguồn gốc quốc gia của người Việt, về ý tưởng muốn lấy lại Lưỡng Quảng của Quang Trung, cũng như các ý tưởng tương tự đã có trong lịch sử, chúng tôi cũng sẽ bàn thêm về vấn đề tính thực tế cả ý tưởng này ở phần cuối, mong rằng, bài viết này sẽ góp phần giúp mọi người nhận thức rõ hơn về nguồn gốc và lịch sử văn hóa của dân tộc Việt.
1. Lưỡng Quảng từng là lãnh thổ của người Việt trong lịch sử:
Trong lịch sử, quốc gia thời kỳ cổ đại của người Việt là quốc gia Văn Lang, do Hùng Vương làm chủ, những ghi chép về quốc gia Văn Lang, Hùng Vương không chỉ xuất hiện trong sách sử Việt Nam, mà còn xuất hiện trong các ghi chép lịch sử của Trung Quốc.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai, là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam, phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua, đóng đô ở Phong Châu. Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam).” [1]
Truyện họ Hồng Bàng trong sách Lĩnh Nam chích quái chép: “Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giã mà đi. Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu – (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang; về bờ cõi của nước thì Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Động Đình hồ, Nam đến nước Hồ Tôn Tinh (bây giờ là nước Chiêm Thành).” [2]
Theo các ghi chép này, Hùng Vương làm chủ nước Văn Lang, có bờ cõi “Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Động Đình hồ, Nam đến nước Hồ Tôn Tinh“, vậy thì lãnh thổ của nước Văn Lang bao gồm cả vùng Lưỡng Quảng. Không ít người nghi ngờ về nước Văn Lang, buộc tội các sử gia trung đại đã sáng tạo nên họ Hồng Bàng và quốc gia này, nhưng thực tế, cả Hùng Vương lẫn Văn Lang đều được chép lại trong các sách sử Trung Quốc, và được chép sớm hơn ở Việt Nam rất lâu. Những ghi chép của người Việt đều là những lưu truyền trong dân gian, sau đó mới được chép thành văn vào thời Trần-Lê.
Nước Văn Lang được chép lại trong các sách Thông Điển, Thái Bình Hoàn Vũ Ký và Thái Bình Ngự Lãm, dưới hai cái tên Văn Lang và Văn Lãng, đây đều là các chữ ký âm.
Thông Điển 通典 của Đỗ Hữu, đời nhà Đường chép:” “峰州今理嘉寧縣.古文朗國,有文朗水.亦陸梁地.秦屬象郡.二漢屬交趾郡.吳分置新興郡.晉武改為新昌郡,宋齊因之.陳兼置興卅.隋平陳,郡廢,改為峰州;煬帝初州廢,併入交趾郡.大唐復置峰州,或為承化郡.領縣五:嘉寧,承化,新昌並漢麊泠縣地,麊音麋.嵩山,珠綠.” -” Phong châu, nay trị ở huyện Gia Ninh. Là nước Văn Lãng xưa, có sông Văn Lãng. Cũng là đất Lục Lương. Thời Tần thuộc Tượng Quận. Thời Nhị Hán (tức nhà Tây Hán và nhà Đông Hán) thuộc quận Giao Chỉ. Nhà Ngô chia đặt ra quận Tân Hưng. Thời vua Tấn Vũ đổi tên là quận Tân Xương, nhà Tống-Tề đều noi theo như thế. Thời nhà Trần đặt thành Hưng châu. Nhà Tùy bình nhà Trần, bỏ quận ấy, đổi thành Phong châu. Đầu thời vua Dạng Đế thì bỏ châu ấy, cho gộp vào quận Giao Chỉ. Nhà Đại Đường đặt lại Phong châu, có khi đổi gọi là quận Thừa Hóa. Lĩnh năm huyện: – Huyện Gia Ninh, huyện Thừa Hóa, huyện Tân Xương, đều là đất của huyện Mê Linh thời nhà Hán. Mê (麊), đọc là mi (麋); – Huyện Tung Sơn, huyện Châu Lục.” (Bản dịch của Quyển Tích)
Thái Bình Hoàn Vũ Ký được viết vào thời nhà Tống chép: “峯州,承化郡,理嘉寜縣.古文狼國,有文狼水.亦陸梁地.秦屬象郡.二漢屬交趾郡.吳分置新興郡.晉武乃為新昌郡.宋齊因之.陳兼置興州.隋平陳,郡廢,改為峯州.煬帝初州廢,并入交趾郡.唐武徳四年復置峯州,領嘉寜新昌安仁竹輅石隄封溪六縣.貞觀元年廢石隄封溪入嘉寜,竹輅入新昌.天寳元年改為承化郡.乾元元年復為峯州.元領縣五:嘉寧,新昌,承化,嵩山,珠緑.” – “Phong châu, có thời gọi là quận Thừa Hóa, trị ở huyện Gia Ninh. Là nước Văn Lang thời xưa, có sông Văn Lang. Cũng là đất Lục Lương. Thời nhà Tần thuộc Tượng Quận. Thời nhà Nhị Hán thuộc quận Giao Chỉ. Nhà Ngô chia đặt ra quận Tân Hưng. Thời vua Tấn Vũ lại đổi tên là quận Tân Xương. Các nhà Tông-Tề noi theo đó. Nhà Trần đặt ra Hưng châu. Nhà Tùy bình nhà Trần, bỏ quận ấy, đổi thành Phong châu. Đầu thời vua Dạng Đế bỏ châu ấy, gộp vào quận Giao Chỉ. Thời nhà Đường năm Vũ Đức thứ tư đặt lại Phong châu, quản lĩnh sáu huyện là Gia Ninh, Tân Xương, An Nhân, Trúc Lộ, Thạch Đê, Phong Khê. Năm Trinh Quan nguyên niên bỏ hai huyện Thạch Đê-Phong Khê gộp vào huyện Gia Ninh, bỏ huyện Trúc Lộ gộp vào huyện Tân Xương. Năm Thiên Bảo nguyên niên đổi gọi là quận Thừa Hóa. Năm Càn Nguyên nguyên niên gọi lại là Phong châu. Lúc đầu quản hạt năm huyện là Gia Ninh, Tân Xương, Thừa Hóa, Tung Sơn, Châu Lục.” (Bản dịch của Quyển Tích)
Thái Bình Ngự Lãm, được viết vào thời nhà Tống, dẫn Phương Dư Chí 方輿志 chép: “《方輿志》曰:峰州,承化郡.古文郎國,〈有文郎水.〉亦陸梁地.秦屬象郡.二漢屬交趾郡.吳分置新興郡.晉改爲新昌.陳置興州.隋平陳,改爲峰州;煬帝初,廢.唐復置峰州.” – “Phương dư chí chép: Phong Châu có thời gọi là quận Thừa Hóa. Là nước Văn Lang thời xưa, có sông Văn Lang. Cũng là đất Lục Lương. Thời nhà Tần thuộc Tượng Quận. Thời nhà Nhị Hán thuộc quận Giao Chỉ. Nhà Ngô chia đặt ra quận Tân Hưng. Nhà Tấn đổi gọi là quận Tân Xương. Nhà Trần đặt ra Hưng châu. Nhà Tùy bình nhà Trần, đổi gọi là Phong châu. Đầu đời vua Dạng Đế bỏ châu ấy. Nhà Đường đặt lại Phong châu.” (Bản dịch của Quyển Tích)
Hùng Vương cũng được ghi chép dưới 4 sách khác nhau, dưới hai cái tên là Hùng Vương và Lạc Vương, Hùng 雄 và 雒 Lạc là hai chữ rất giống nhau, tên các sách Thủy Kinh chú và Sử Ký sách ẩn đã chép nhầm.
Cựu Đường thư, (Hậu Tấn – Lưu Hú soạn, 945 SCN), quyển 41, Chí 21, Địa lí 4, dẫn Nam Việt chí (Lưu Tống 420 – 479) chép: “交趾之地,最為膏腴。舊有君長曰雄王,其佐曰雄侯。後蜀王將兵三萬討雄王,滅之。蜀以其子為安陽王,治交趾。其國地,在今平道縣東。其城九重,周九里,士庶蕃阜。尉佗在番禺,遣兵攻之。王有神弩,一發殺越軍萬人,趙佗乃與之和,仍以其子始為質。安陽王以媚珠妻之,子始得弩毀之。越兵至,乃殺安陽王,兼其地。” – “Đất Giao Chỉ rất là màu mỡ, ngày xưa có quân trưởng gọi là Hùng Vương, phụ tá là Hùng Hầu. Sau có vua Thục đem ba vạn lính đánh diệt Hùng Vương đi. Vua Thục nhân đó cho con mình làm An Dương Vương, trị đất Giao Chỉ. Đất nước ấy ở phía đông huyện Bình Đạo ngày nay. Thành nước ấy có chín vòng, chu vi chín dặm, dân chúng đông đúc. Úy Đà đóng đô ở thành Phiên Ngung phát binh sang đánh. Vương có nỏ thần bắn một phát giết một vạn quân Việt. Triệu Đà bèn hòa với vương, rồi sai con mình tên là Thủy làm con tin. An Dương Vương đem con gái tên là Mị Châu gả cho Thủy, Thủy thấy được nỏ thần bèn hủy đi. Kịp khi quân Việt đến liền giết An Dương Vương, chiếm cả nước ấy.” (Bản dịch của Tích Dã)
Sách Thái Bình quảng ký, thời Tống, dẫn Nam Việt chí (Lưu Tống, 420 – 479) khoảng thế kỷ V cũng có chép về các vị vua Hùng: ““交趾之地,頗為膏腴,從民居之,始知播植。厥土惟黑壤。厥氣惟雄。故今稱其田為雄田,其民為雄民。有君長,亦曰雄王;有輔佐焉,亦曰雄侯。分其地以為雄將。” – “Đất Giao Chỉ vốn màu mỡ, di dân tới sống ở đó, (dân) mới bắt đầu biết gieo trồng, đất vùng ấy đen xốp, khí đất hùng mạnh, cho nên gọi ruộng ấy là Hùng Điền, dân vùng ấy gọi là Hùng Dân. Quân trưởng gọi là Hùng Vương. Có phụ tá là Hùng Hầu, chia đất cho các Hùng Tướng.”
Thủy kinh chú, quyển 37, Diệp Du hà (Bắc Ngụy – Lịch Đạo Nguyên soạn) dẫn Giao châu ngoại vực kí chép: “交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其田,因名為雒民,設雒王、雒侯,主諸郡縣。” – “Đất Giao Chỉ ngày xưa khi chưa đặt thành quận huyện, đất đai có ruộng Lạc, dân làm ăn ở ruộng ấy theo nước thủy triều lên xuống, nhân đó có tên là dân Lạc, đặt ra Lạc Vương – Lạc Hầu để làm chủ các quận huyện, huyện phần nhiều có chức Lạc tướng, Lạc tướng đeo ấn đồng thao xanh.” (Bản dịch của Tích Dã)
Sử kí, quyển 113, Nam Việt liệt truyện, 53, Sách ẩn (Đường – Tư Mã Trinh soạn) dẫn Quảng châu kí chép: “《史記》卷百一十三南越列傳第五十三索隱引《廣州記》云:交趾有駱田,仰潮水上下,人食其田,名為駱人。有駱王、駱侯。諸縣自名為駱將,銅印青綬,即今之令長也。後蜀王子將兵討駱侯,自稱為安陽王,治封溪縣。後南越王尉他攻破安陽王,令二使典主交阯、九真二郡人。” – “Giao Chỉ có ruộng Lạc, dân trông nước thủy triều lên xuống mà làm ăn ở ruộng ấy nên đặt tên là người Lạc. Có các chức Lạc Vương – Lạc hầu, các huyện tự đặt chức Lạc tướng đeo ấn đồng dải xanh, tức là chức Lệnh-Trưởng ngày nay vậy. Sau đó con vua Thục đem quân đánh Lạc Hầu, tự xưng là An Dương Vương, trị ở huyện Phong Khê. Sau nữa vua Nam Việt là Úy Tha đánh phá An Dương Vương, sai hai sứ giả điển chủ người hai quận Giao Chỉ-Cửu Chân.” (Bản dịch của Tích Dã)
Trong các ghi chép trên, có thể thấy toàn bộ các sách đều chép rằng Hùng Vương làm chủ đất Giao Chỉ, các ghi chép này đều không chép rõ là “quận”, Thủy Kinh chú còn chép “Đất Giao Chỉ ngày xưa khi chưa đặt thành quận huyện“, cho thấy Giao Chỉ ở đây là một vùng đất rộng lớn, tương đương và có thể lớn hơn Giao Chỉ bộ. Thực tế, trong lịch sử, đất Giao Chỉ có địa bàn từ vùng Dương Tử về phía Nam, chứ không chỉ ở Việt Nam hay trong địa bàn của Giao Chỉ bộ (Lưỡng Quảng, Việt Nam, Hải Nam).
Lã Thị Xuân Thu, thiên Thận Hành Luận chép về lãnh thổ vua Vũ của nhà Hạ: “南至交阯孫樸續樠之國丹粟漆樹沸水漂漂九陽之山羽人裸民之處” -“Phía Nam tới các nước Giao Chỉ, Tốn Bốc, Tục Man, tới các núi Đơn Túc, Thế Thọ, Phí Thủy, Phiêu Phiêu, Cửu Dương, xứ Vũ Nhân (người đeo lông vũ), Khỏa Dân, hương Bất Tử.” (Bản dịch của Quốc Bảo)
Hàn Phi Tử thiên Thập Quá chép: “臣聞昔者堯有天下,飯於土簋,飲於土鉶,其地南至交趾,北至幽都,東西至日月之所出入者,莫不賓服.” – “Ngày xưa vua Nghiêu có thiên hạ, ăn bằng bát đất (quỷ), uống bằng liễn đất (hình), địa giới phương Nam đến đất Giao Chỉ, phương Bắc đến đất U Đô, phương Đông, phương Tây đến tận nơi mặt trời lặn mọc, thảy đều phục tùng.” (Bản dịch của Trần Kinh Nghị)
Hoài Nam Tử do Lưu An thời Tây Hán soạn, thiên Thái Tộc Huấn chép: “紂之地,左東海,右流沙,前交趾,後幽都” – “Đất của Trụ, trái giáp Đông Hải, phải có sông Lưu Sa, phía trước Giao Chỉ, phía sau U Đô.“
Các ghi chép này đều cho thấy Giao Chỉ nằm ngay phía Nam lãnh thổ của triều Hạ và triều Thương, khi ấy mới chỉ nằm ở vùng phía Bắc sông Dương Tử. Lã Thị Xuân Thu còn chép rõ về “nước Giao Chỉ”, cho thấy khái niệm Giao Chỉ tương ứng với một nước, như các tư liệu chúng tôi đã dẫn, thì nó chính là nước Văn Lang. Nước Văn Lang hay đất Giao Chỉ là nơi sinh sống của người Dương Việt hay Bách Việt, có chung phong tục và nguồn gốc.
Thông Điển của Đỗ Hữu 杜佑 thời Đường (801), phần Châu quận chép: “自嶺而南,當唐、虞、三代為蠻夷之國,是百越之地” – “Từ dải núi Ngũ Lĩnh về phía nam, vào thời Đường – Ngu, Tam đại là nước của người Man Di, là đất của người Bách Việt .”
Sử ký, Hóa thực liệt truyện, Tư Mã Thiên viết: “九疑、蒼梧以南至儋耳者,與江南大同俗,而楊越多焉。- ”Từ Cửu Nghi, Thương Ngô về phía nam tới Đam Nhĩ, phong tục đại để giống vùng Giang Nam, mà đa số là dân Dương Việt”.
Ghi chép trong Thông Điển của Đỗ Hữu thời Đường chép rõ người Bách Việt có một nước đương thời với thời Hạ-Thương-Chu, lãnh thổ của người Việt như các ghi chép về Hùng Vương, Văn Lang, Giao Chỉ cho thấy trong giai đoạn cực thịnh, nó nằm từ vùng Dương Tử trở về phía Nam. Nó cũng khẳng định rằng Việt Nam và vùng Lưỡng Quảng đã từng cùng nằm trong một quốc gia chung.
Cư dân Lưỡng Quảng và Hải Nam tới nay về di truyền vẫn rất gần với người Việt hiện đại [3][4][5]. Về văn hóa, toàn bộ các vùng thuộc quốc gia Văn Lang đều có chung phong tục: búi tóc (cắt tóc), mặc áo vạt trái, xăm mình [6]. Về ngôn ngữ, các bằng chứng về ngôn ngữ, di truyền cho thấy các dân tộc nói ngôn ngữ Tai-Kadai ngày nay từng là những nhóm dân cư nói ngôn ngữ Nam Á bị Nam Đảo hóa [7][8], cộng đồng Việt nhiều khả năng nhất là một cộng đồng nói ngôn ngữ Nam Á [9][10], do đó, ngôn ngữ của vùng Quảng Đông, Quảng Tây thời kỳ Văn Lang là một ngôn ngữ rất gần với người Việt hiện đại, nhiều khả năng thuộc chi Vietic của ngữ hệ Nam Á.
Di truyền của người Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam rất gần với người Việt và có khoảng cách xa với người Hán các vùng khác. [3][4][5]
Từ chính các ghi chép lịch sử của Trung Quốc, có thể thấy sự tồn tại của nước Văn Lang, thời kỳ Hùng Vương, Hùng Vương làm chủ đất Giao Chỉ, tương ứng với địa bàn từ Dương Tử về phía Nam. Như vậy, thì Việt Nam và vùng Lưỡng Quảng từng nằm trong một quốc gia chung do Hùng Vương làm chủ, ý tưởng lấy lại Lưỡng Quảng của Quang Trung là có cơ sở về mặt lịch sử.
2. Các sử liệu về việc Quang Trung đòi lại Lưỡng Quảng:
Sử liệu thời Tây Sơn, dưới những mối thù sâu nặng với với Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh ngay sau khi lên ngôi, đã ra lệnh tiêu hủy toàn bộ những di sản của thời Tây Sơn, bao gồm cả sách vở, do đó, sách vở thời Tây Sơn đã bị tiêu hủy phần lớn, các sách được dân thường lưu giữ, cũng không còn lại bao nhiêu, do đó, chúng ta chỉ có thể dựa vào những gì còn sót lại để tìm hiểu về vấn đề Quang Trung muốn đòi lại Lưỡng Quảng. Sách chép sớm nhất về việc Quang Trung muốn lấy lại Lưỡng Quảng là Hoàng Lê nhất thống chí.
Hoàng Lê nhất thống chí chép: “Lại nói, vua Quang Trung, sau khi quyết định việc đánh Trung Quốc, bèn sai bề tôi là Chiêu viễn Vũ Văn Dũng sang nhà Thanh, dâng biểu cầu hôn và đòi lại đất hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Điều đó không phải là bản tâm của vua Quang Trung, chẳng qua chỉ muốn thử xem ý nhà Thanh ra sao mà thôi. Nhưng vừa lúc ấy thì vua Quang Trung bị bệnh rồi mất.” [11]
Hoàng Lê nhất thống chí là một bộ tiểu thuyết lịch sử được viết theo dạng “chí” (lối văn ghi chép lại sự vật, sự việc), được hoàn thành vào năm 1804, 2 năm sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế. Nó được chấp bút bởi những người đương thời, tường thuật lại lịch sử, sự kiện thời kỳ Lê mạt, Tây Sơn và cuộc chiến Nguyễn Huệ – Nguyễn Ánh, nên những tư liệu được chép trong sách này cũng có thể xem là một nguồn tham khảo lịch sử về giai đoạn đầy biến động này.
Đại Nam liệt truyện, bộ sử do nhà Nguyễn biên soạn có chép nhiều chi tiết về vấn đề Quang Trung muốn đòi lại Lưỡng Quảng. Những thông tin trong sách này cũng tương tự như trong Hoàng Lê nhất thống chí và mở rộng, bổ sung thêm một số thông tin quan trọng. Có một số người cho rằng sử nhà Nguyễn bịa đặt về triều Tây Sơn, nhưng câu hỏi tại sao họ phải bịa ra những thông tin này, khi chúng còn tốt cho hình ảnh của Quang Trung? Những ghi chép trong Đại Nam liệt truyện còn thể hiện tinh thần ca ngợi Nguyễn Huệ, nó đã cho thấy các sử quan nhà Nguyễn đã phần nào đó khách quan khi nhận định, viết về Nguyễn Huệ và triều Tây Sơn. Vì vậy, những thông tin trong Đại Nam liệt truyện có cơ sở để khảo cứu về Quang Trung và nhà Tây Sơn.
Đại Nam liệt truyện, phần Ngụy Tây liệt truyện chép: “Trước kia, 6 châu ở Hưng Hoá, 3 động ở Tuyên Quang, cuối nhà Lê bị thổ ty nước Thanh xâm chiếm, nhiều lần biện bạch mà không thể lấy lại được. Huệ đưa thư cho Tổng đốc Lưỡng Quảng xin định rõ về cương giới cũ. Tổng đốc Lưỡng Quảng cho là cương giới đã định, trả lại thư. Huệ bởi thế hơi không bằng lòng, luyện tập quân lính, làm các hạng thuyền, ngầm có ý dòm ngó Lưỡng Quảng. Từng bảo với tướng hiệu rằng: Để cho ta sống vài năm nữa, chứa uy thể, nuôi khí mạnh, thì ta có sợ gì kẻ kia.” [12]
Như vậy, Quang Trung đã có những ý định khá rõ ràng, chuẩn bị lính, thuyền để phục vụ ý đồ dòm ngó Lưỡng Quảng. Ông cũng tuyên bố rằng: “Để cho ta sống vài năm nữa, chứa uy thể, nuôi khí mạnh, thì ta có sợ gì kẻ kia.“, điều này thể hiện quyết tâm thực hiện việc lấy lại Lưỡng Quảng của ông. Mưu đồ của ông có thể nằm ở cả việc thu phục giặc biển Tàu ô, có lẽ để xây dựng lực lượng thực hiện ý định đòi lại Lưỡng Quảng.
Đại Nam liệt truyện, Ngụy Tây liệt truyện chép: “Khi ấy, giặc biển tàu ô ở Lưỡng Quảng bị bọn quan nước Thanh đuổi bắt, thế bách phải chạy đến quy phục. Huệ thu nhận những kẻ đầu mục cho làm Tổng binh. Lại dung nạp bọn giặc “Thiên đ̔ội”, nhân lúc sơ hở, lén lút ra vào, đường biển vì thế không thông. Khổn thần nước Thanh cũng sợ là mạnh không hỏi đến gì cả.” [12]
Đại Nam liệt truyện, Ngụy Tây liệt truyện chép tiếp: “Năm Nhâm Tý (1792), Huệ sai làm tờ biểu đưa sang nước Thanh, xin cầu hôn, để do thám ý vua Thanh, cũng muốn mượn cớ ấy để gây mối đao binh nhưng gặp khi bị ốm không đi được.” [12]
Sau đó, để hiện thực ý tưởng của mình, ông đã sai người thân cận đưa sắc mệnh tới Vũ Văn Dũng vào tháng Tư Âm lịch, năm 1791. Tờ sắc mệnh này được chép lại trong gia phả họ Vũ, do ông Vũ Vĩnh Thứ, cháu ba đời của Vũ Văn Dũng soạn năm Bính Ngọ, niên hiệu Tự Ðức 22 (1869), được đăng tải năm 1913 trên báo “Trung Bắc Chủ Nhật”, số Tết Quí Mùi, trang 20, 21, 28 dưới tựa bài: “Phải chăng vua Càn Long nhà Thanh đã bằng lòng trả lại cho vua Quang Trung tỉnh Quảng Tây để làm nơi đóng đô, và gả Công chúa”. [13]
“Sắc,
Hải Dương Chiêu Viễn Ðại Ðô đốc Ðại Tướng quân Dực vận công thần Vũ Quốc Công được tiên phong làm Chánh Sứ đi Trung Quốc, kiêm lãnh toàn quyền trong việc tâu thưa để xin lại đất hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây để dò ý và cầu hôn với một công chúa để khiêu khích tự ái.
Cẩn thận đấy! Cẩn thận đấy!
Hình thế dụng binh là ở chuyến nầy cả.
Ngày kia làm tiên phong chính là khanh đấy.
Sắc mệnh nhà vua.
Quang Trung năm thứ tư, tháng tư ngày mười lăm.”
Cũng thông tin từ gia phả họ Vũ, chép rằng nhà Thanh đã đồng ý trả lại Quảng Tây, nhưng chi tiết này chúng tôi cho rằng chưa đủ cơ sở, Trung Quốc rất khó chấp nhận mất đi một phần lớn lãnh thổ của mình dễ dàng như vậy, trong khi những phần đất nhỏ khác qua bao năm họ vẫn không chấp nhận trả cho người Việt. Nếu nhà Thanh thực chấp nhận trao trả Quảng Tây cho Việt Nam, chắc chắn họ đang mưu tính điều gì đó đằng sau hành động này, không đơn giản như những gì chúng ta có thể thấy được.
Biểu cầu hôn của vua Quang Trung được thực hiện bởi cận thần của vua là Ngô Thì Nhậm, biểu cầu hôn này vẫn giữ được tới nay, được chép lại Hán văn cùng bản dịch trong sách Ngô Thì Nhậm toàn tập [14].
“Thần là kẻ áo vải, được nhờ ơn cả, lạm giữ cõi Nam. Từ khi vào triều cận nơi cung khuyết (Phạm Công Trị giả vua Quang Trung vào chầu Càn Long năm 1790) đã được đặc cách làm lễ bảo kiến vấn an. Lại được ban thưởng trọng hậu, ân sủng dồi dào. Phàm là việc mà cõi phương Nam từ xưa nay chưa ai từng được ưu hậu như thần cả.
Ðến khi thần về nước, lại được đặc ân mọi bề, cấp ban thánh chỉ, ơn cao lồng lộng của nhà vua thật không sao kể ra cho xiết! Thần là kẻ nhỏ nhoi ở nơi hẻo lánh xa xôi chẳng ngờ lại được hưởng ân lộc đến thế! Tấm lòng canh cánh ngày đêm mong sao sớm được đền đáp. Song thần chưa có dịp để thực hiện.
Chỉ mong được thường gõ cửa trời, gần nhìn bóng nhật, nhưng ở phương xa, núi sông cách trở. Sức muốn làm nhưng không được như ý. Hễ qua khỏi cửa ải Nam Quan thì thân cũng hóa thành sơ.
Thần những mơ tưởng khúc nhạc quân thiều, ngóng trông vân hán, hằng e mình rồi cũng đến như hạng tầm thường, bị liệt ra ở ngoài vòng thanh giáo làm phụ lòng công ơn trời bể của Thánh từ!
Trộm nghĩ, thánh nhân tỏ lòng giúp đỡ phiên thần để nối lại chỗ sơ thành ra thân thiết, phần việc đều cư xử như đạo xưa.
Nước thần ban đầu, vua Kinh Dương Vương chịu mệnh nơi Viêm Ðế, bà Âu Cơ kết duyên cùng vua Lạc Long. Tổ nước Văn Lang mở cõi Giao Chỉ, trăm trai nối dõi, từng làm phên dậu phía Nam, may nhờ phúc ở Trung Hoa, được nổi danh là văn hiến thế đại, dẫu đã xa nhưng sử sách còn đủ để khảo xét.
Từ khi nhà Tống dấy lên, ràng buộc nước thần, nên mới ra ngoài vòng đức hóa, không liệt vào hạng minh đường, chỉ để như hạng hành bộc khác mà thôi.
Nhà Thanh ta được trời quyết cố, rộng đến muôn phương, chỗ nào có bóng mặt trời soi đến đều coi muôn dân như chung một bọc, như con một nhà.
Kính nghĩ, Ðại Hoàng đế Bệ Hạ đức ngang với trời đất, đạo cao hơn vua Hiên vua Nghiêu, vỗ về cho chư hầu mến phục, dịu dàng cho người xa hướng về không phải là kiểu tầm thường như các triều đại gần đây. Thần lạm được thánh thượng coi như con ruột, liệt vào hạng thân vương. Phận này, dù tận nơi xa khuất, nhưng tình ấy vẫn kể như vô cùng.
Thiết nghĩ, muôn vật đều không giấu mình được với trời đất. Con cái không thể giấu được tính với mẹ cha, thì chuyện riêng của gia đình cũng không dám che dấu được với bậc chí tôn. Mới đây, nhà thần gặp việc không may (Mẹ vua Nguyễn Thị Ðồng mất năm 1790, Chánh cung họ Phạm mất năm 1791), thiếu người giữ việc chăm lo hương khói. Trên nền xây dựng phong hóa cũng thiếu người đỡ đần. Vậy muốn núp dưới bóng cây ngọc để bám vững vào gốc dân.
Ngưỡng trông thánh triều phát tích từ nơi Trường Bạch, mang đến phúc lành cho con cháu hàng ngàn hàng ức, nối đời phồn thịnh. Lâu nay cứ việc là vua thì chọn những nơi quí hiếm để gả Công chúa chứ không có lệ lập hôn đến các phiên thần ở cõi phương xa. Phép luật đã nghiêm nhặt như thế, thì làm sao có thể vươn tới cành ngọc cho được, chỉ vì một nỗi niềm riêng tư trông ngóng, việc cứ trăn trở mãi không thôi.
Ngẫm mong cành ngọc nhà trời lan rộng đến mọi chốn mọi nơi, ngõ hầu thần được hưởng phúc lành theo dấu gót lân, đem phong hóa quan thư ban ra cho mọi lẽ, những việc tề gia thuận thảo ở chốn gia đình sẽ là mẫu mực để dân trong nước học theo. Tập làm quen với nề nếp chốn Trung Hạ, gạt bỏ thói cũ, khiến thần dân trong nước thỏa niềm ước mong của vòng đức, hóa, cao sang. Mong sao dòng dõi của thần, đời đời được giữ mãi làm phiên phong, hưởng mọi sự tốt lành! Ðó là điều mong lớn nhất của thần!
Do ở phương xa lại có việc xảy ra bất trắc nên thần đã bàn với bầy tôi, ai cũng không dám, nhưng vì thần mà họ đề nghị phải làm. Cửa vua muôn dặm, trông ngắm đăm đăm. Nay đành đánh bạo mà làm, tự nghĩ cũng cần nên cân nhắc, nhưng vì tỏ lòng thành kính, sai kẻ bồi thần sang xin triều kiến thay mặt thần, họ sẽ nói lên nỗi lòng thần muốn bày tỏ.
Mong sao cho được đấng anh minh rủ thương, xét cho thần vì tấm lòng chân thành, trìu mến, tha thứ cho thần những lời mạo muội, táo bạo trong việc xin cầu hôn.
Thần ở biển Nam, ngóng trông sao Bắc xin kính chúc thánh thiên tử sống lâu muôn tuổi, mãi mãi là cha mẹ của dân vạn nước.
Thần xiết bao lo lắng, ngóng mong!” [14]
Biểu cầu hôn này có một chi tiết rất đáng chú ý: “Nước thần ban đầu, vua Kinh Dương Vương chịu mệnh nơi Viêm Ðế, bà Âu Cơ kết duyên cùng vua Lạc Long. Tổ nước Văn Lang mở cõi Giao Chỉ, trăm trai nối dõi, từng làm phên dậu phía Nam, may nhờ phúc ở Trung Hoa, được nổi danh là văn hiến thế đại, dẫu đã xa nhưng sử sách còn đủ để khảo xét.“, như vậy, ngay trong chính biểu cầu hôn nay, nhà Tây Sơn đã công nhận và nhắc về nước Văn Lang, vốn được cổ sử chép lại từng có lãnh thổ bao gồm cả vùng Lưỡng Quảng ngày nay, thêm nữa, đoạn này còn nói rõ “Văn Lang mở cõi Giao Chỉ”, cho thấy Ngô Thì Nhậm hiểu rất rõ về Văn Lang tương ứng với lãnh thổ của Giao Chỉ được ghi chép trong sử sách, việc đưa Văn Lang, Giao Chỉ vào rất giống với một hành động khiêu khích ngầm nhà Thanh.
Ghi chép này cho thấy nhà Tây Sơn biết về lãnh thổ nước Văn Lang và ý định đòi lại Lưỡng Quảng có lẽ một phần cũng dựa vào đây, nhưng nếu nhắc về Lưỡng Quảng, sẽ rất dễ liên tưởng tới nước Nam Việt của Triệu Đà, theo đó, nhiều người cho rằng Lưỡng Quảng chỉ thuộc Nam Việt, muốn đòi Lưỡng Quảng phải công nhận Nam Việt của Triệu Đà, nhưng nếu các triều đại Việt Nam dựa vào đó thực, thì đây có lẽ cũng là một cái cớ để “hợp lý hóa”, vì nước Nam Việt được lịch sử ghi chép lại rõ ràng hơn nước Văn Lang, nước Nam Việt trong giai đoạn đầu đã xưng đế và chống lại nhà Hán, nên có cơ sở hơn trong việc đòi lại Lưỡng Quảng. Nhưng từ ghi chép trên, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng Quang Trung nghĩ về lãnh thổ cũ của Văn Lang hơn là nước Nam Việt.
Sử cũ về nhà Tây Sơn không còn nhiều, nhưng những tư liệu này đã xác minh thông tin về việc vua Quang Trung muốn đòi lại Lưỡng Quảng là có thực, không phải bịa đặt như những thông tin phản đối đã đưa ra. Các ghi chép cho thấy đây là một ý tưởng nghiêm túc của Quang Trung, vấn đề thành hay bại không quan trọng bằng chí khí và tham vọng lớn mà Quang Trung đã thể hiện.
3. Các sự kiện và tư tưởng muốn đòi lại Lưỡng Quảng trong lịch sử:
Không chỉ Quang Trung, mà trước đó, chúa Trịnh Tráng cũng có ý tưởng tương tự, ông đã điều quân sang Quảng Đông, nhằm chiếm lấy vùng này khi quân Mãn Thanh xâm lược Trung Quốc. Nhưng tiếc là quân Thanh đã nhanh chân hơn, chiếm được vùng Quảng Đông trước khi quân của chúa Trịnh tới nơi.
Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, quyển XLIX, phần Bang Giao Chí chép: “Chân Tông, năm Phúc Thái thứ 5 [1647] (ngang với năm Vĩnh Lịch thứ 1 nhà Minh, năm Thuận Thiên thứ 4 nhà Thanh), tháng 6, Thanh vương [Trịnh Tráng] vì nước Minh có loạn to, có ý muốn lấy tỉnh Quảng Đông, liền sai Thiếu bảo Tuấn quận công Trịnh Lãm, Lại khoa Cấp sự trung Lý Hải bá Ngô Sĩ Vinh đem 300 chiến thuyền vượt sang cướp đất. Bọn Trịnh Lãm đi qua ba thôn Tây Động, đến Liêm Châu. Nhà Thanh đã sai Mã đô đốc đến làm tổng trấn. Mã tổng trấn sai người đưa tờ dụ nói rằng : “Nước Đại Thanh trời cho người theo; Trung Quốc và ngoại di đều là một cõi. Nghe nói Giao vương hiền minh, tất biết thuận theo ý trời, đều giữ đất đai, yên phận giữ phép, nước Đại Thanh không có ý tham cầu. Từ Sa Châu trỏ ra ngoài đến Phân Mao Đồng trụ là đất của quý quốc cày cấy chăn nuôi từ lâu, nên cho về nước An Nam. Nếu kẻ nào mượn tiếng mà xâm lấn một bước, tức thì bắt giải để đem chính pháp, chớ nên nghe lời phao đồn mà sinh lòng khác”. Trịnh Lãm đem việc ấy tâu lên, sai làm thư đáp lại rằng : “Bờ cõi cũ của bản quốc từ Phân Mao Đồng trụ đến các phủ châu huyện Ngô Châu, Nam Ninh, Thái Bình, Trấn An, Tư Minh, Tư Ân, đã sai quân tuần hành giữ đất xin phiền phát cho cái bài để giữ lấy làm bằng, cho khỏi quân thiên triều xâm lấn đến và xin nhờ tâu cho nước tôi vẫn được giữ bờ cõi cũ lâu dài”. Mã đô đốc không trả lời. Quân bèn rút về.” [15]
Như vậy, ý tưởng về việc muốn đòi lại Lưỡng Quảng đã có từ trước thời vua Quang Trung, có lẽ không chỉ chúa Trịnh Tráng và Quang Trung, mà các triều đại trước đó đều có ý tưởng tương tự, nhưng không gặp được thời thế thuận lợi, sức nước yếu nên đã không thể biến nó thành hiện thực.
Trong Đại Nam thực lục có chép một chi tiết rất thú vị về việc một dân thường dâng thư xin quân đem đánh đất Lưỡng Quảng. Nó cho thấy, ý tưởng muốn đòi lại Lưỡng Quảng không chỉ tồn tại ở tầng lớp vua chúa, mà còn có trong suy nghĩ của những người dân thường.
Đại Nam thực lục chép: “Người xã An Lỗ phủ Thừa Thiên là Nguyễn Xuân Chấn đón xa giá dâng thư, xin đem quân đánh lấy đất Lưỡng Quảng, phần nhiều là nói ngông cuồng. Vua liền sai đốt thư đi, nghĩ Chấn đã già, không nỡ làm tội, giao cho phủ Thừa Thiên đóng gông 1 tháng rồi tha. Nhân dụ rằng : “Từ nay nếu còn bày tâu ngông cuồng nữa thì sẽ lấy luật trị tội, không tha nữa, để răn thói khinh bạc”.” [16]
Không giống như các triều đại trước ngay gần thời mình, Minh Mạng đã bác bỏ điều này, cho rằng đây là một ý tưởng “ngông cuồng”, “khinh bạc”, trừng phạt người đã đưa ra ý tưởng đó. Tư tưởng thời Minh Mạng có vẻ khác biệt so với thời Gia Long, khi Gia Long đã lấy tên Nam Việt để đặt cho quốc gia mới của mình, ý tưởng này cũng khá “khiêu khích” với nhà Thanh, do nó nhắc về nước Nam Việt của Triệu Đà, mà phần lớn lãnh thổ đã nằm ở đất Trung Quốc, cũng vì lý do đó, nên nhà Thanh không chấp nhận và đổi sang Việt Nam.
4. Tính thực tế của ý tưởng đòi lại Lưỡng Quảng của các triều đại Việt Nam:
Với những tư liệu đã được chúng tôi dẫn ra trong bài viết này, thì việc vua Quang Trung muốn đòi lại đất Lưỡng Quảng là có thực, ông cũng đã thực hiện những bước khởi động cho ý định này của mình, việc đòi lại Lưỡng Quảng của vua Quang Trung cũng có cơ sở từ lịch sử, Lưỡng Quảng từng thuộc nước Văn Lang hay đất Giao Chỉ do Hùng Vương làm chủ. Tuy vậy, ý tưởng và việc thực hiện thành công là hai vấn đề rất khác nhau.
Ý tưởng muốn chiếm lại Lưỡng Quảng đã có ít nhất từ thời chúa Trịnh, có lẽ các vua trước đều có ý tưởng tương tự, nhưng đất đai, lãnh thổ Việt Nam khi ấy quá nhỏ bé, lực nước không đủ mạnh, cũng không gặp thời vận để có thể thực hiện ý tưởng này. Những khi Trung Quốc yếu, họ vẫn quá mạnh so với ta, những khi họ bị chia cắt, chúng ta cũng không đủ lực và may mắn để chiếm được các vùng ấy. Nên các vị vua Việt Nam mới hướng tới mở rộng lãnh thổ về vùng phía Nam.
Việc chiếm lại vùng Lưỡng Quảng, nếu thành công, người Việt sẽ phải đối mặt với hai vấn đề: thứ nhất là vấn đề Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận mất đi một vùng lãnh thổ rộng lớn như vậy, thứ hai, đó là vấn đề cai quản, đồng hóa những người có nguồn gốc gần với người Việt nhưng đã bị Hán hóa. Đây sẽ là hai vấn đề rất lớn và phức tạp, nếu chúng ta chiếm lại được vùng này.
Về vấn đề thứ nhất, như chúng ta đều biết, Trung Quốc rất tham lam và không bao giờ từ bỏ tham vọng về vấn đề lãnh thổ, nên việc người Việt chiếm vùng Lưỡng Quảng, sẽ là một mối nguy thường trực đối với người Việt, Trung Quốc luôn rất mạnh trong chiến tranh, nội lực của họ cũng luôn mạnh hơn ta rất nhiều, vì đã có được một vùng lãnh thổ rất rộng lớn, người Việt với phần lãnh thổ nhỏ hẹp có được, chỉ riêng việc bảo vệ lãnh thổ đã rất vất vả, thì việc bảo vệ một vùng lãnh thổ mới chiếm được trong khi áp lực từ phía Bắc là liên tục lại càng khó hơn. Trong lúc đó, thì người Việt trong thời kỳ Trịnh-Tây Sơn, đây là hai thời kỳ mà đất nước đang còn bị chia cắt, chưa thực sự thống nhất, lực nước đang còn yếu, nên việc chiếm được đã khó, giữ được còn khó hơn nhiều lần.
Về vấn đề thứ hai, thì người bản địa khi ấy đã bị Hán hóa rất mạnh, gần như hoàn toàn, nên nếu như chúng ta chiếm được, việc đồng hóa nếu may mắn được thực hiện yên bình trong thời gian dài, thì mới có cơ hội để thay đổi, nhưng nhà Thanh chắc chắn sẽ đánh xuống phía Nam, gây áp lực liên tục, rất khó để người Việt có thể vừa chống trả nhà Thanh, vừa quản lý dân Hán bản địa khi ấy đã bị đồng hóa, trong quá trình đó chắc chắn sẽ xảy ra những cuộc nổi dậy và những mâu thuẫn với dân cư ở đó, khó khăn chồng khó khăn.
Vậy nên, các triều đại của Việt Nam rất bản lĩnh, có chí khí lớn khi muốn đòi lại Lưỡng Quảng, vùng đất đã từng thuộc về người Việt trong thời Văn Lang, nhưng đây thực sự là một vấn đề phức tạp, không chỉ nằm ở ý chí của riêng người Việt, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, chỉ khi có được đầy đủ thiên thời địa lợi nhân hòa, thì lúc ấy người Việt mới có thể hiện thực hóa tham vọng của mình.
Cũng vì vậy, nên dù rất quyết tâm và có tham vọng, nhưng việc suy nghĩ rằng nếu vua Quang Trung còn sống, lãnh thổ Việt Nam sẽ rộng hơn hiện nay nhiều lần, có thể nói là thiếu tính thực tế, bởi những khó khăn mà như chúng tôi đã chỉ ra, thì việc lấy được lại vùng Lưỡng Quảng trước quân đội rất mạnh của nhà Thanh đã là một điều khó khăn, giữ được nó lại càng khó khăn hơn nữa, khi nội bộ đất nước vẫn đang bất ổn, thì việc chiếm Lưỡng Quảng có nhiều nguy hiểm cho đất nước hơn là những hứa hẹn.
5. Kết luận:
Qua việc khảo cứu các tài liệu lịch sử, có thể thấy được sự kiện vua Quang Trung muốn lấy lại Lưỡng Quảng là một sự thực, tư tưởng này đã có muộn nhất là thời chúa Trịnh, và nó cũng tồn tại trong tư tưởng của dân thường. Cũng theo các ghi chép lịch sử của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc, thì ý tưởng này của tiền nhân người Việt hoàn toàn có cơ sở, Lưỡng Quảng từng là đất đai của người Việt trong thời kỳ Hùng Vương.
Nhưng đây là một vấn đề lịch sử, hậu nhân chúng ta ngày nay nên chỉ tiếp cận với vấn đề này như một sự
thực lịch sử, không nên từ đây quy chụp về tư tưởng hiện đại, bàn về sự thực lịch sử đó không đồng nghĩa rằng người Việt ngày nay có tư tưởng
muốn xâm chiếm Trung Quốc để đòi lại Lưỡng Quảng, vốn là một ý tưởng thiếu thực tế trong thế giới vốn đã định hình như ngày nay, tìm hiểu,
bàn về nó đơn thuần chỉ để hiểu, biết về những gì tiền nhân mình đã từng làm, từng suy nghĩ, từ đó nhận thức, rút ra những bài học cho tương
lai của dân tộc, của đất nước.
Tài liệu tham khảo:
[1] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Quyển I – Kỷ Hồng Bàng thị, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1993.
[2] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).
[3] Wang, CC., Yeh, HY., Popov, A.N. et al. Genomic insights into the formation of human populations in East Asia. Nature 591, 413–419 (2021). https://doi.org/10.1038/s41586-021-03336-2
[4] Charleston W K Chiang, Serghei Mangul, Christopher Robles, Sriram Sankararaman, A Comprehensive Map of Genetic Variation in the World’s Largest Ethnic Group—Han Chinese, Molecular Biology and Evolution, Volume 35, Issue 11, November 2018, Pages 2736–2750, https://doi.org/10.1093/molbev/msy170
[5] Yu-Chun Li, Wei-Jian Ye, Chuan-Gui Jiang, Zhen Zeng, Jiao-Yang Tian, Li-Qin Yang, Kai-Jun Liu, Qing-Peng Kong, River Valleys Shaped the Maternal Genetic Landscape of Han Chinese, Molecular Biology and Evolution, Volume 36, Issue 8, August 2019, Pages 1643–1652, https://doi.org/10.1093/molbev/msz072
[6] Lang Linh (2022), Phong tục áo vạt trái của người Việt thời cổ đại.
https://luocsutocviet.com/2022/11/15/599-phong-tuc-ao-vat-trai-cua-nguoi-viet-thoi-co-dai/
[7] Li, H., Wen, B., Chen, S., Su, B., Pramoonjago, P., Liu, Y., Pan, S., Qin, Z., Liu, W., Cheng, X., Yang, N., Li, X., Tran, D., Lu, D., Hsu, M., Deka, R., Marzuki, S., Tan, C. and Jin, L., 2008. Paternal genetic affinity between western Austronesians and Daic populations. BMC Evolutionary Biology, 8(1), p.146.
[8] Sagart, L. (2008). The expansion of Setaria farmers in East Asia: A linguistic and archaeological model. Past Human Migrations in East Asia: Matching Archaeology, Linguistics and Genetics, 133–157.
[9] Meacham, W., 1996. Defining the hundred Yue. Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association, 15(0).
[10] Jerry Norman & Tsu-Lin Mei (1976) The Austroasiatics in Ancient South China: Some Lexical Evidence, Monumenta Serica, 32:1, 274-301, DOI: 10.1080/02549948.1976.11731121
[11] Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn Học (2005), tr. 381, 392.
[12] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 2: Chính biên – Sơ tập. Huế: Nhà Xuất Bản Thuận Hóa (2006).
[13] Hồ Văn Quang, Vua Quang Trung cầu hôn công chúa Đại Thanh.
https://kilopad.com/Ton-giao-Tu-tuong-c40/13-bien-khao-ve-nha-tay-son-b3091/chuong-12-vua-quang-trung-cau-hon-cong-chua-dai-thanh
[14] Viện nghiên cứu Hán-Nôm, Ngô Thì Nhậm toàn tập (Tập 3), Bang giao hảo thoại, Thỉnh hôn biểu (Biểu cầu hôn). Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, tr. 716-720.
[15] Phan Huy Chú, Viện Sử Học (dịch) Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (Tập 2). Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo Dục, 2006, tr. 662.
[16] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Tập 2). Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo Dục, tr. 386.