Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        



(1921–1988)

QUANG DŨNG,
THI SĨ TÀI HOA, LÃNG MẠN

  


Q uang Dũng, nhà thơ Tây tiến, nhà thơ của xứ Đoài mây trắng, đã có một đời thơ không ít thăng trầm. Hai câu thơ :

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

trong bài thơ Tây tiến mà ngày nay chúng ta rất mực mến yêu đã khiến ông bị phê phán nặng nề.

Quang Dũng là nhà thơ tài hoa, điều ấy đã hẳn.  Không tài hoa làm sao viết được những bài thơ Tây tiến, Đôi bờ, Mắt người Sơn Tây, thật tuyệt vời mà mấy chục năm qua vẫn còn in sâu trong lòng người đọc.

Quang Dũng lại còn lãng mạn nữa. Có người nói rằng đã là trí thức tiểu tư sản thì không thể không lãng mạn. Điều ấy rất đúng với Quang Dũng Nhưng cái lãng mạn của Quang Dũng không giống với cái lãng mạn đầy nước mắt và thở than, ủy mị và sướt mướt như Musset, Lamartine bên trời Tây hay như Giọt lệ thu của Tương Phố, Tuyết Hồng lệ sử và Vân Lan nhật ký của Từ Trẩm Á ở phương Đông.

Cái lãng mạn của Quang Dũng mang sắc thái mới mẻ, hào hùng và độc đáo, phản ánh cái không khí hăng say của tuổi trẻ khi dấn thân vào cuộc chiến, đó là sự lãng mạn tích cực, hiện thực cuộc sống đang vùng lên của dân tộc. Tuy nhiên, tùy từng thời kỳ và hoàn cảnh, sự lãng mạn ấy có khi nhuốm màu sắc trữ tình, có khi trở thành lãng mạn cách mạng.

Tính chất lãng mạn trữ tình của Quang Dũng trước ngày lên đường kháng chiến đã thể hiện trong bài thơ Đêm Việt Trì, cảm hứng làm tặng một đào nương tên Huệ :

Em là con hát ở bên sông,
Hát mãi từ khi mới bỏ chồng.
Chiều đến, em ngồi trên bến vắng,
Gửi người bốn xứ mảnh tình không.

…. Em là con hát ở bên sông,
Lạnh với trường giang kiếp má hồng.
Chiều đến em bừng son phấn mộng,
Rẻ người, không tiếc mảnh hồn trong (*).

Ngay từ buổi thiếu thời, lúc mới 16 tuổi, Quang Dũng đã làm thơ thương tiếc Chiêu Quân, một cung phi tài sắc của Hán Nguyên Đế phải cống sang Phiên :

Đây Nhạn môn quan, đường ải vắng,
Trường thành xa lắm Hán vương ôi !
Chiêu Quân che khép mền chiên bạch,
Gió bấc trời Phiên thấm lạnh rồi.
Ngó lại xanh xanh triều Hán đế,
Từng hàng châu lệ thấm chăn nhung.
Quân vương chắc cũng say và khóc :
- Ái khanh ! Ái khanh ! Lời nghẹn ngùng.
(Chiêu Quân – 1937)

Khi phải xa cố hương, ông vẫn luôn luôn hướng về quê cũ, nơi xứ Đoài mây trắng, lòng tràn ngập nhớ thương :

Tịch mịch sầu vơi bèo râm ran,
Chuối vườn khuya lọt ánh trăng tàn.
Người ơi quê cũ đèn hoe ngọn,
Tóc bạc trông chừng cổng héo hon.
Ngõ trúc quanh quanh sâu bóng lá,
Trăng vàng rơi rắc cảnh nào xưa.
Ngõ cũ không mong người trở lại,
Mà mùi hoa mộc vẫn thơm đưa.
(Cố quận – 1940)

Trên đây là ba bài thơ thuộc vào loại sớm nhất của Quang Dũng trước ngày cướp chính quyền (1945) và kháng chiến chống Pháp (1946).

Cái tài hoa của Quang Dũng bàng bạc trong các bài thơ của ông. Quang Dũng làm thơ mà như không làm thơ, không có một chút kỳ công tô vẽ nào cho thơ cả, thích thì làm, không thích thì thôi, khác nào áng mây trắng lang thang, chợt gặp nơi nào ưng ý thì dừng lại, chán thì bay đi đến một phương trời vô định :

Mây ở đầu ô mây lang thang,
Ôi chật làm sao
Góc phố phường
Hẹn những chân trời xa lạ
Ta mê xanh thẳm
Như cánh chim trời…
(Mây đầu ô – 1970)

Ấy thế mà thơ ông hay tuyệt, tình trong thơ bao giờ cũng chứa chan, cũng sâu thẳm, cũng dạt dào khiến người đọc xúc động, bâng khuâng tưởng như có mình trong đó :

Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự,
Bên này em có nhớ bên kia?
Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến,
Quạnh vắng chiều sông lạnh bến tề.
…Xa quá rồi em người mỗi ngả,
Bên này đất nước nhớ thương nhau.
Em đi áo mỏng buông hờn tủi,
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
(Đôi bờ – 1948)

Thế rồi Quang Dũng hăng hái lên đường, đi theo tiếng gọi của non sông với tâm hồn phơi phới của tuổi đôi mươi vốn nặng lòng vì quê hương đất nước :

Thôi nhé miền xuôi ! Thôi tạm biệt,
Thôi chào Hà Nội lửa ngang trời.
Ta đi
Ngõ Gạch – tường đang đục,
Gạn từng giọt nước, đánh, cầm hơi.
(Những làng đi qua – 1947)

Nhưng có ai ra đi mà lòng không vấn vương hình ảnh người xưa cảnh cũ vốn đã in sâu trong tiềm thức :

Bến vắng chiều xuân hoa gạo rơi,
Sông xanh hiền triết lặng trôi xuôi.
Đò ngang một chuyến qua mưa bụi,
Nhớ mãi người đi… bóng dáng người.

Từ khi đi theo kháng chiến, thơ Quang Dũng có chuyển hướng : tư tưởng lãng mạn trong thơ ông cộng với lòng yêu nước và thực tiễn chiến đấu đã trở thành lãng mạn cách mạng. Đây là thời kỳ đặc biệt để thơ ông tung hoành trên mọi nẻo đường đất nước và trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Bài thơ Tây tiến bừng bừng khí thế đã đánh dấu một bước ngoặt trong thơ Quang Dũng và làm ông nổi tiếng vì những nét khắc họa đặc sắc, những ý tưởng mới lạ, độc đáo mà không nhà thơ nào viết được :

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
… Tây tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Phù Lưu Chanh 1948

Trong kháng chiến, thơ Quang Dũng rất khởi sắc, vẽ lên nhiều cảnh sống động, nhiều hình ảnh nên thơ làm xao xuyến lòng người :

Những làng trung đoàn ta đi qua,
Tiếng quát dân quân đầu vọng gác
Vàng vọt trăng non đêm tháng chạp,
Nùn rơm – khói thuốc – bạch đầu quân.
(Những làng đi qua – 1947)

Những người lính đi qua làng, hàng hàng lớp lớp, vui nhộn biết bao, đến khi họ đi hết, chỉ còn lại chiếc thuyền cô độc trên sông dưới ánh trăng khuya quạnh vắng, lạnh lùng :

Là những người quân qua bến làng,
Hoa nhài thơm ngõ đượm quân trang.
Lớp này lớp khác người sang hết,
Thuyền lại nằm phơi dưới nguyệt vàng.
(Đường trăng – 1957)

 Tình yêu quê hương nồng nhiệt bàng bạc trong thơ Quang Dũng. Quê ông ở Sơn Tây nên ông có bài thơ Mắt người Sơn Tây rất dịu dàng tha thiết, trong đó ông nhắc đến những địa danh mà nay đã đi vào văn học : Bất Bạt, Ba Vì, Bương Cấn, Sài Sơn, Phủ Quốc…

Em ở thành Sơn chạy giặc về,
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt,
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.
… Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn,
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng.
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc,
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.
(Mắt Người Sơn Tây – 1949)

Ông yêu quê hương tha thiết nên bao hình ảnh của quê hương đã in sâu vào tâm khảm :

Nhớ Sơn Tây hơn một mối tình
Tỉnh nhỏ
Cây bàng thắp búp xanh
Những mùa hè ra lộc.
(Gửi Sơn Tây – 1967)

Khi xa quê, một trưa hè nóng bức, ông bỗng nhớ đến cái mát mẻ của dòng sông quê hương và nhớ người đã từng soi bóng :

Trưa hè bỗng nhớ sông quê,
Nước xa không bóng thuyền đi đôi dòng.
Thóc nhà ai có phơi không?
Chói chang lửa thóc, sân trông bóng người.
Vại mưa in dáng mây trời,
Em soi bóng, có nhớ người xa em?
(Trưa hè – 1960)

Khi những sôi động bên ngoài lắng xuống, Quang Dũng lại trở về với chính mình, “làm thơ mình lại tặng riêng mình” và khôn nguôi lòng trắc ẩn :

Chưa gặp sao đành thương nhớ nhau?
Đòi phen số mệnh cũng cơ cầu.
Người đi mang nửa hồn đơn lẻ,
Tôi về hoài vọng một đôi câu.
… Chiều ấy em về thương nhớ ai?
Tôi chắc đường đi đã rất dài.
Tim tím chiều hôn lên bóng núi,
Dọc đường mờ những cánh hoa phai.
(Trắc ẩn – 1949)

để rồi xót xa cho một linh hồn nhỏ :

Một chút linh hồn nhỏ
Đi về chân núi xanh.
Màu tím chiều chầm chậm
Hoàng hôn nghe một mình.
Giáo đường chuông rời rạc,
Tan vỡ nhiều âm thanh…
(Trắc ẩn )

oOo

Ngoài vẻ tài hoa và lãng mạn, thơ Quang Dũng còn có một nét đặc trưng độc đáo, không giống ai mà cũng không ai mô phỏng được. Thơ ông bềnh bồng giữa mộng và thực, giữa tình yêu và lý tưởng, giữa cảm hứng và nghệ thuật, tạo nên một vẻ riêng lung linh kỳ diệu, thiết tha mà say đắm, hào hùng mà bi thương, vừa thi sĩ vừa tráng sĩ. Nếu bảo Quang Dũng là một thiên tài, thiết tưởng cũng không có gì là quá đáng.

(*) Theo Hoàng Thu Đông (Hoàng Trọng Miên).

PHỤ LỤC :

TÂY TIẾN

Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi !
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Anh bạn dãi dầu không bước nữa,

Gục lên súng mũ bỏ quên đời !

Chiều chiều oai linh thác gầm thét,

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói,

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,

Kìa em xiêm áo tự bao giờ.

Khèn lên man điệu nàng e ấp,

Nhạc về Viên Chân xây hồn thơ.

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

Áo bào thay chiếu anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Tây tiến người đi không hẹn ước,

Đường lên thăm thẳm một chia phôi.

Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy,

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Phù Lưu Chanh 1948

QUANG DŨNG




VVM.01.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com