T ruyện Nôm của ta vốn gần gũi với quần chúng lao động, được phổ biến rộng rãi trong nhiều thế kỉ trước khi có sự xâm nhập của văn hóa phương Tây. Số lượng truyện Nôm không nhỏ: có khoảng 40 truyện viết bằng chữ Hán hoặc kết hợp Hán+ Nôm; lại có khoảng 50 truyện thuần Nôm. Ngoại trừ các truyện do các Nho sĩ sáng tác, ghi rõ tên tác giả như Truyện Kiều, Hoa tiên truyện, truyện Lục Vân Tiên…thuộc phần văn học viết, phần lớn còn lại là truyện thơ khuyết danh, đa số viết theo thể lục bát, dễ thâm nhập đời sống văn hóa quần chúng. Hình thức diễn đạt dân dã mà nội dung lại gần với nếp sống, tình cảm người lao động nên truyện Nôm là những bài học giản dị mà sâu sắc giúp giữ gìn được giềng mối luân lí gia đình, xã hội qua mấy nghìn năm.
Số lượng lớn, chất sống văn hóa mạnh mẽ lại mang tính giáo dục đạo đức luân lí… mà đến nay xem ra có được mấy phần trăm người chú ý đọc truyện Nôm? Truyện Nôm dân gian là những tác phẩm quý mà cả mấy chục năm nay ít được đề cập. Không hiểu vì lí do gì, khi bàn đến mảng này, các giáo trình Văn học dân gian đa phần tập trung khai thác, ca ngợi trường ca hoặc truyện thơ của Ê Đê, Thái, Tày Nùng, Mường, H'Mông... mà quên rằng truyện thơ Nôm ta vốn đã dày công trong văn hóa. Đơn cử Chương trình Ngữ văn Trung học hiện hành (tập trung ở lớp 10): cả thảy có 17 tiết học về Văn học dân gian - trừ đi 3 tiết khái quát và ôn tập, còn lại 14 tiết học về tác phẩm dân gian và giảng văn trích đoạn… nhưng không có một tiết nào học truyện thơ Nôm của người Kinh – trong khi đó có đến 2 tiết để học trường ca Đăm San của người Ê Đê và truyện thơ Xống chụ xon xao của người Thái…lại có thêm 2 tiết học về sử thi Ô đi xê của Hi Lạp và 2 tiết học sử thi Ramayana của Ấn Độ!
. XUẤT XỨ và GIÁ TRỊ TRUYỆN NÔM
Chữ Nôm là chữ của người Việt. Một số người thiểu số có thể có chữ viết riêng song không nên gọi chữ này là chữ Nôm vì dễ gây nhầm lẫn. Tuy Nôm là Nam - chữ Nôm là chữ của người phương Nam - vậy nhưng người Việt (Kinh) tạo chữ Nôm cách đây cả chục thế kỉ để kí âm tiếng Việt - còn chữ của dân tộc ít người thì đến nay vẫn chưa ai biết hình thể ra sao… không thể gọi là chữ Nôm được.
Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (1889-1947) cho rằng chữ Nôm có từ thế kỷ thứ 8 do dân ta đã suy tôn Phùng Hưng là "Bố Cái đại vương". "Bố cái" là tiếng Nôm. Đến đời Lý thì có chứng cứ rõ về sự xuất hiện của chữ Nôm: Báo Tổ Quốc, số 3/1963 có đăng việc Ông Trần Huy Bá giới thiệu cái chuông đồng của chùa Vân Bản, Ðồ-sơn có lẽ được đúc vào đời Lý Nhân Tông (1072-1127). Chuông được vớt dưới biển lên vào năm 1958, trên có khắc hai chữ “ông Hà” bằng chữ Nôm. Lại có 2 tấm bia: Bia mộ Lê Phụng Thánh, khắc năm 1173 ở chùa Hương Nộn, Tam Nông, Phú Thọ, có 6 chữ Nôm: “đầu đình, cửa ngõ, bến sông”, bia chùa Tháp Miếu ở Yên Lãng, Phúc Yên, Vĩnh Phú, khắc năm 1210, có 13 chữ Nôm: “bơi, đồng, đường, dậu, chài, nhe, chạy, phướn, thằng, phao…” và một số câu chữ Hán viết theo cách nói tiếng Việt. Đến đời Trần thì chữ Nôm rõ ràng đã có vị trí vững chãi: chính vua Trần Nhân Tông đã có 2 bài phú Nôm là Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca … Chữ Nôm là di sản văn hóa riêng của dân tộc Việt gắn liền với lịch sử dựng nước mấy ngàn năm vì vậy văn Nôm, truyện thơ Nôm có vị trí khác hẳn truyện thơ, trường ca của dân tộc thiểu số.
1- Truyện Nôm của Văn học viết:
Truyện Nôm Văn học viết có ghi tên tác giả và thường có cốt truyện giống truyện, kinh kịch, hí khúc Trung Hoa; phương thức sáng tác thường giống với tiểu thuyết cổ của Trung Hoa xưa. Tuy vậy xem ra chỉ có khoảng hơn 20 truyện như Truyện Kiều, Nhị độ mai diễn ca, Hoa tiên ký diễn âm, Tây sương truyện, Ngọc Kiều Lê tân truyện, Tì bà quốc âm tân truyện, Phù dung tân truyện, Hảo cầu tân truyện diễn âm, Bình Sơn lãnh yến diễn âm … Loại truyện này ít nhiều có đưa vào phần Văn học viết của chương trình Văn, đặc biệt là Truyện Kiều của Nguyễn Du.
2- Truyện Nôm dân gian: Chiếm đa số trong truyện dân gian. Đây là các truyện khuyết danh được in đi in lại nhiều lần, rất phổ biến trong đại chúng ở các thế kỉ trước kể cả thời thuộc Pháp: Các truyện Hoàng Trừu, Phạm Công Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Phương Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Bạch Viên Tôn Các, Phan Trần, Bích Câu kì ngộ, Lâm tuyền kỳ ngộ , Tô công phụng sứ, Vương Tường, Bần nữ thán, Truyện Lý công, Nữ Tú tài, Thạch Sanh Lý Thông, Trê Cóc, Lục súc tranh công… được các nhà in Phúc Chi, Hồng Thịnh, Tam Hữu, Ngày Mai, Bình Dân thư quán, Tân Việt… chuyển thể sang quốc ngữ, in với số lượng lớn bán khắp ở các hàng sách, các chợ từ quê lên tỉnh.
Điều đáng tiếc là món ăn tinh thần quen thuộc của người lao động từ thành thị đến thôn quê suốt bao thế kỉ, nay ít được nhắc tới. Học Văn học dân gian, ngoài các truyện cổ văn xuôi, ca dao tục ngữ…nhà trường thường nói về truyện thơ, trường ca dân gian của dân tộc thiểu số mà quên rằng chính các truyện Nôm dân dã của người Việt mới là quan trọng bởi là truyền thống dân tộc đã góp phần làm nên ý thức đạo đức, khuynh hướng làm lành tránh dữ của đại đa số dân ta qua hàng ngàn năm.
. “BÍCH CÂU KÌ NGỘ” - TRUYỆN NÔM THUẦN VIỆT GẮN LIỀN VỚI LỊCH SỬ THĂNG LONG - NAY BỊ LÃNG QUÊN.
Chương trình học của ta ở bậc Trung học hiện nay không bàn đến truyện thơ Bích Câu kì ngộ - trong khi đây là tác phẩm văn học có giá trị.
1- Bích Câu kì ngộ gắn liền với lịch sử dân tộc:
Xuất xứ của truyện thơ Bích Câu kì ngộ là các sự tích, đầu tiên là truyền thuyết Vua Lý Thái Tổ nằm mộng được Phật Quan Âm ban cho 8 cành sen trắng. Khi tỉnh dậy hỏi quần thần thì được các cao tăng trong triều tâu lên rằng ở hồ Tảo Liên, phường Bích Câu, cửa thành Nam có loại sen trắng hương thơm nức mà rất đẹp. Vua liền cho xây chùa Đắc Quốc thờ Quan Âm tại Bích Câu. Lại có sự tích vua Lê Thánh Tông gặp tiên nữ ở chùa Ngọc Hồ (nơi Tú Uyên gặp Giáng Kiều - nay ở số 128 phố Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu, Hà Nội). Vua hỏi chuyện và muốn cùng nàng xướng họa. Vua xướng bài thơ: “Ngẫm sự trần duyên khéo nực cười / Sắc không, tuy Bụt, ấy lòng người / Chày kình một tiếng tan niềm tục / Hồn bướm năm canh lẩn sự đời / Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn / Nguồn ân muôn trượng chửa khơi vơi. / Nào nào cực lạc là đâu tá? / Cực lạc là đây chín rõ mười!”. Nàng liền nhận xét bài thơ: “Hai câu thực và luận còn thiếu ý, lại chưa thanh, nên sửa là: Gió thông đưa kệ tan niềm tục / Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời”. Vua phục quá, mời nàng lên kiệu về cung, nhưng đến cửa Đại Hưng thì mất. Vua cho là tiên giáng trần, dựng lầu Vọng Tiên ở đó để tưởng nhớ.
Cũng ở đời Lê có chàng thư sinh nghèo, tên Tú Uyên, một lần đến gò Kim Quy, Bích Câu, thấy phong cảnh đẹp bèn dựng lều học ở đấy. Một hôm nhân tiết xuân, đi chơi hội chùa Ngọc Hồ, nhặt được một chiếc lá có đề thơ. Đang xem chợt thấy một thiếu nữ nhan sắc tuyệt trần đi qua, vội rảo bước theo đến đình Quảng Văn thì không thấy đâu nữa.
Ngơ ngẩn mấy ngày, chàng tìm đến đền Bạch Mã cầu mộng thì được thần nhân thác mộng cho biết cứ ra chợ Cầu Đông (Hàng Đường) thì có thể gặp được người mơ ước.
Đến nơi, thơ thẩn mãi đến xế chiều, chẳng thấy đâu… buồn rầu dạo bước, chợt thấy một cụ già bán tranh tố nữ, tranh có vẽ cô gái giống hệt người hôm nọ đã gặp ở Ngọc Hồ, bèn mua về treo ngay ở phòng học, đến bữa cơm lại dọn thêm chén đũa, mời mọc, chuyện trò với người trong tranh như người thật.
Một hôm Tú Uyên ở trường về muộn, đến nhà đã thấy cơm nước bày sẵn. Lòng nghi hoặc, hôm sau, chàng giả cách đến trường, đi một quãng liền quay lại, nấp vào một chỗ. Lát sau thấy thiếu nữ từ trong tranh bước ra quét dọn, lo bếp núc. Mừng rỡ vô cùng, Tú Uyên bước ra vái chào. Thiếu nữ không biến đi đâu được, thú thực mình là Giáng Kiều, người tiên vốn có tiền duyên với chàng. Tú Uyên tha thiết xin phối ngẫu. Giáng kiều bằng lòng rồi hóa phép biến nhà thành lâu đài nguy nga với đủ người phục dịch. Đám cưới được tổ chức, yến tiệc linh đình với bao nhiêu khách tiên đến dự… Vợ chồng sống hạnh phúc được ba năm. Dần dà, có vợ đẹp lại trong cảnh giàu sang, Tú Uyên sinh tật rượu chè, bê trễ học hành. Không khuyên can được, Giáng Kiều buồn rầu bỏ đi. Bấy giờ Tú Uyên ăn năn hối hận thì đã lỡ. Tìm khắp nơi chẳng thấy người xưa, toan tự tử thì Giáng Kiều lại hiện đến. Nghe lời thống hối, nàng tha lỗi cho chồng, nối lại tình xưa. Giáng Kiều khuyên chồng chăm chỉ học rồi truyền cho nghề thuốc cứu nhân độ thế. Nàng lại sinh được một trai là Chân Nhi. Mấy năm sau theo lời khuyên của Giáng Kiều, hai vợ chồng cùng cỡi hạc lên tiên.
Trên đây là truyền thuyết. Để tưởng nhớ, 7 dòng họ làng An Trạch huyện Vĩnh Thuận, ngoại thành Thăng Long (nay thuộc phường Quốc Tử Giám) đã dựng nên Bích Câu Đạo quán và chùa An Quốc; hàng năm mở hội tế vào ngày 4/2 âm lịch là ngày đắc đạo của Tú Uyên và ngày 3/6 là ngày Tú Uyên cùng Giáng Kiều lên tiên.
Truyện Tú Uyên-Giáng Kiều có thể xếp vào loại truyền thuyết vì gắn liền các chứng tích lịch sử, nhiều năm sau được cải biên thành truyện thơ.
2- Bích Câu kì ngộ nên có vị trí quan trọng trong Văn học Việt Nam-vì 2 lẽ:
- Một là Bích Câu kì ngộ là truyện Nôm thuần Việt. Nếu các truyện nước ta ít nhiều có liên quan đến nhân vật, cốt truyện của truyện, tích xưa Trung Hoa thì Bích Câu kì ngộ là ngoại lệ. Truyện viết bằng thể thơ lục bát diễn lại một sự tích lịch sử lưu truyền trong dân gian nước Việt. Theo Dương Quảng Hàm và GS. Thanh Lãng thì Bích Câu kì ngộ là truyện thơ Nôm khuyết danh(1).
- Hai là phải đọc, phải học Bích Câu kì ngộ để biết một địa chỉ Văn hóa Việt Nam.
GS. Vũ Ngọc Khánh cho rằng: “…Chữ Bích Câu đã có từ lâu, nhưng chính thức được xem như là một sự kiện (một thời đại) thì có lẽ phải tính từ năm 1788, năm mà nhà học giả Bùi Huy Bích (1744 - 1848) chính thức cho ra đời cuốn Bích Câu thi tập. Có thể nói với sách này, Bùi Huy Bích chính thức thừa nhận phường Bích Câu ở Hà Nội là một địa chỉ văn hóa Việt Nam […] Hình như văn hóa Thăng Long có một sự kiện đẹp, mà lại ít được chú ý, đó là hiện tượng Bích Câu. Bích Câu là một vị trí đẹp của Hà Nội đã từng có chùa, có quán. Quán ấy là quán Đạo giáo thuộc thôn An Thạch, phường Bích Câu (nay là phố Cát Linh - Hà Nội). Xưa kia ở đây có con ngòi. Các vua chúa đời Lê Trịnh, thường đi thuyền ra đây chơi câu cá, nên cũng có tên là Ngự câu […]. Do có những đặc điểm như vậy mà Bích Câu từ sau thế kỷ XV (sau chuyện vua Lê Thánh Tông gặp tiên nữ) đã trở thành một vùng đất tiếng tăm, tập trung được nhiều gia đình quan lại, nhiều sinh hoạt học thuật sôi nổi: chung quanh Văn Miếu có nhiều văn nhân sĩ tử hội họp, các nhà trường danh tiếng hồi thế kỷ 17 đã được thành lập: trường Nguyệt Áng của Nguyễn Quốc Trịnh, trường Hào Nam của Vũ Thạnh. […] Nhiều nhà ngôn luận, nhà tư tưởng cũng góp tiếng nói, góp khuôn mặt rực rỡ của mình trong không khí đàm luận văn chương, chính trị này. Bích Câu vào lúc đó (thế kỷ 17, 18) chắc chắn được thành một cái tên có ý nghĩa văn hóa mà các nhà thức giả phải nhắc đến. Sau này Bùi Huy Bích đã viết hẳn một cuốn sách lấy tên là Bích Câu thi tập chuyên về chủ đề Thăng Long. Hiện tượng Bích Câu đã rõ ràng là một hiện tượng văn hóa đáng chú ý, nhưng từ trước đến nay, các tác giả nghiên cứu văn học sử, và sưu tầm văn học thường không nhắc đến.
- Bích Câu quả thực là nơi đào tạo (hoặc gây tác dụng sâu sắc đến các tài năng của hai họ Nguyễn Tiên Điền, họ Nguyễn Trường Lưu. Hai bà vợ của Nguyễn Huy Tự (là cháu của Nguyễn Du) đều có tài văn thơ. Con của bà Nguyễn Thị Đài đã sinh ra Nguyễn Huy Hổ là tác giả Mai Đình Mộng ký. Em của các bà lại cũng là danh sĩ. Nguyễn Thiện đã nhuận sắc lại cuốn Hoa Tiên. Hình như các họ Phan (của Phan Huy Ích), họ Ngô (của Ngô Thì Nhậm), họ Lê (của Lê Hữu Trác) đều lui tới khu vực Bích Câu này của Nguyễn Khản. Nguyễn Hành đã tự xưng mình là công tử Bích Câu (trong bài viết về phường Đồng Xuân). Rõ ràng ở Bích Câu có đủ những gì mà cuộc sống đài các (xã hội phong kiến) cuộc sống thị dân và cuộc sống nghệ thuật để bồi dưỡng cho một tài năng như tài năng Nguyễn Du sau này (2) .
. NÊN ĐƯA “BÍCH CÂU KÌ NGỘ” VÀO CHƯƠNG TRÌNH TRUNG HỌC
Cách đây hơn 50 năm, tôi bắt đầu học lên trung học. Những năm đầu của cấp trung học thứ nhất (Trung học đệ nhất cấp - tương tự Trung học cơ sở hiện nay), những thiếu niên mới lớn ngỡ ngàng và thích thú khi được đọc - rồi thầy bắt học thuộc lòng - những trích đoạn Bích Câu kì ngộ trong sách Giảng văn:
“Thành tây có cảnh Bích Câu,
Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao,
Đua chen thu cúc, xuân đào,
Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông,
Xanh xanh dãy liễu, ngàn thông,
Cỏ đan lối mục, rêu phong dấu tiều.
Một vùng non nước đìu hiu,
Phất phơ gió trúc, dặt dìu mưa hoa.
Triều Lê đương hội thái hòa,
Có Trần công tử tên là Tú Uyên…”
Chúng tôi mơ màng cảnh cố đô Thăng Long tuyệt đẹp với “triều Lê đương hội thái hòa…”. Câu thơ lục bát đậm màu sắc Việt, khác những áng thơ cổ như Chinh Phụ Ngâm: “…Đoái trông theo đã cách ngăn/ Tuôn màu mây biếc trải ngần núi xanh/ Chốn Hàm Dương chàng còn ngảnh lại / Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang/ Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương / Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng” … Cả như Truyện Kiều cũng thường tả cảnh xa vời đâu bên Trung Quốc: “Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san/ Dặm hồng bụi cuốn chinh an,/ Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh” hay “ Thú quê thuần hức bén mùi,/ Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô.” . Việt Nam ta tìm đâu ra Tiêu Tương với Hàm Dương, tìm đâu ra rừng phong thu lá đỏ với giếng vàng, lá ngô đồng rụng…?
Bích Câu kì ngộ thì không như thế. Vì tính thuần Việt hiếm có ấy, tác phẩm nên được chọn đưa vào nhà trường trung học cấp cơ sở - truyện truyền thuyết phù hợp với lứa tuổi. Mối tình Tú Uyên–Giáng kiều tuy diễm tình nhưng trong sáng lại đậm tình nghĩa gia đình. Truyện tiên mà lại thực, góp phần giáo dục và làm tươi mát tâm hồn niên thiếu.
____________________
CHÚ THÍCH:
(1) Từ điển Văn học năm 2003 do Đỗ Đức Hiểu chủ biên cho rằng tác giả truyện thơ này là Vũ Quốc Trân (? - ?). Tuy vậy điều này nay vẫn còn nghi vấn. Nếu đúng là Vũ Quốc Trân đã viết nên Bích Câu kì ngộ thì tại sao bao nhiêu bản nôm bao thế kỉ nay thu tập được đến đầu thế kỉ XX nhiều nhà sách ở Hà Nội chuyển quốc ngữ in bán khắp nơi lại không hề ghi tên tác giả? Việc bản Nôm tìm được gần đây ghi tên Vũ Quốc Trân có thể là mạo tác chăng? Vì lí do này ta có thể xem Bích Câu kì ngộ là một truyện thơ dân gian đúng nghĩa.
(2) GS.VŨ NGỌC KHÁNH; Văn phái Hồng Sơn và thời điểm Bích Câu; http://www.vanhoanghean.com.vn
VVM.19.10.2021