Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


THẦY GIÁO TÔI



N ằm trên giường bệnh, thầy Hải cố nở nụ cười thật tươi và đưa tay ra cho tôi nắm. Bàn tay với những ngón dài gầy guộc, nổi đầy những vết nám, nằm gọn lỏm, lành lạnh trong tay tôi. Gương mặt thầy hốc hác nhưng đôi má trái thầy giật giật…

- Linh đến đấy à?

- Vâng, em Linh đây ạ. Thầy thấy trong người thế nào?

- Cảm ơn em. Thầy khá nhiều rồi! Em có đưa Việt Anh về không?

- Thưa thầy, Việt Anh mới nhập học, chưa về được ạ.

- Ừ, thế là tốt rồi…

Nói đến đây, thầy rút tay lại, ôm ngực ho, cơn ho dai dẳng kéo dài làm thầy như nghẹt thở. Tôi líu ríu chạy đi gọi bác sĩ.

…Năm đó, lớp Văn chúng tôi có 40 học trò thì chỉ “độc đinh” có 4 đứa con trai, còn lại là “đặc” con gái. Thầy Hải được phân công làm giáo viên chủ nhiệm và dạy lớp tôi. Thầy giảng Văn hay nhất trường, giọng thầy sang sảng, đầy truyền cảm. Cứ đến giờ học của thầy là cả lớp im phăng phắc, tịnh không một tiếng nói chuyện, không một tiếng sột soạt xé giấy viết thư trêu trọc nhau như lũ con gái vẫn thường làm trong các giờ học khác. Chỉ có tiếng thầy giảng bài sang sảng trước sự chú ý lắng nghe thật sự chăm chú của đám học trò. Những bài văn, những câu thơ từ tim thầy truyền đến chúng tôi đầy sáng tạo, mê say. Thầy giảng bài như người ta nói về kinh thánh hay như những nhà sư uyên thâm giảng đạo cho các phật tử nghe. Thầy vốn là thương binh, nếu ai tinh ý, sẽ thấy bước chân thầy đi không đều. Nhưng, với chúng tôi, thầy vẫn cứ là thần tượng. Cứ thỉnh thoảng tôi và nhóm bạn thích học văn lại tới nhà thầy để học thêm, những buổi được nghe thầy giảng dưới tán chùm cây roi rợp mát, chúng tôi thấy vui lắm. Có lúc thầy còn tự tay hái những quả roi chín, căng mọng, ngọt lừ đãi những lũ học trò bọn tôi. Năm ấy, Phòng Giáo dục tổ chức thi học sinh giỏi Văn cấp huyện Yên Hưng. Tôi được chọn cùng với ba bạn khác đi thi. Thầy Hải làm trưởng đoàn. Năm thầy trò chúng tôi mỗi người một xe đạp, khởi hành từ sáng sớm, từ trường chúng tôi đi men theo con đường đê quanh co rợp bóng cây xoan đâu qua Nam Hòa, tiến thẳng về Quảng Yên. Trên đường đi, thầy trò ríu rít kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện làm cho quãng đường xa như ngắn lại. Trưa, chúng tôi dừng chân bên vạt rừng thông, ngả cơm nắm muối vừng mà gia đình đã chuẩn bị ra để ăn trưa. Vừa ăn, thầy vừa dặn dò cách thức làm bài và chỉnh trang những yếu điểm khi làm bài ở lớp cho từng đứa. Hôm sau, vào phòng thi, dù mỗi đứa một phòng khác nhau nhưng chúng tôi đều rất vững dạ, vì biết thầy đang nóng lòng ngóng đợi bên nhà Hội đồng thi.Chúng tôi say sưa phân tích và chứng minh câu nói nổi tiếng của Các Mác nói với con gái mình: “ Hạnh phúc là đấu tranh!”. Với loại đề này, chúng tôi đã được thầy Hải cho làm bài tập dượt rất kỹ càng từ kì II của năm học.

Hôm sau nữa, thầy lại dẫn đầu đoàn xe đạp, thầy trò đưa nhau về quê. Tâm trạng ai cũng phán khởi. Vừa nhẩn nha đạp xe, thầy vừa phân tích cho chúng tôi hiểu rõ hơn về đề tài của bài thi hôm trước. Chuyện trò, tranh luận vang đường. Qúa phấn kích, tôi nhấn mạnh bàn đạp, băng lên phía trước. Thầy phải gọi với theo:

-Linh, đi chậm thôi em, đợi thầy và các bạn nữa chứ! Tôi nhe răng cười. Mồ hôi túa ra ướt đầy lưng áo. Đến quãng đường ven rừng thông hôm trước, thầy bảo dừng xe nghỉ. Thầy tháo chiếc bao tải buộc ở phooc ba ga xe đạp ra, cẩn thận lấy ra từng khúc mía. Mắt chúng tôi sáng lên. Mỗi đứa vớ lấy một tấm, mặc thầy loay hoay chưa biết làm cách nào để róc mía thì chúng tôi đã ngoạm ngon lành. Nhìn lũ học trò chúng tôi vừa ăn mía vừa tước vỏ mía ném nhau, thầy cười. Nụ cười thật độ lượng, bao dung. Nghỉ ngơi khá lâu, chúng tôi tiếp tục hành quân. Chỉ còn hơn chục km đường rừng nữa thôi là thầy trò chúng tôi sẽ ra đến đường quốc lộ. Ra đến đó, thầy sẽ cho nghỉ để ăn cơm. Niềm vui phơi phới trong lòng khiến chúng tôi không biết đói, mệt là gì. Vượt qua con suối cạn, tiến lên đỉnh dốc Xạ, từng làn gió thổi vào người mát rượi. Mặt mũi chúng tôi bừng đỏ dưới ánh mặt trời. Tóc đứa nào cũng bết mồ hôi mà miệng thì không thôi cười nói. Đang xuống dốc thì bất ngờ xe của tôi bị đứt phanh, lao vù vù. Thầy vội nhả phanh đuổi theo xe tôi. Vừa lao theo, thầy vừa gọi với:

- Linh! Dùng chân đạp vào chắn bùn. Giữ chắc vào…

Tiếng thầy lào phào bên tai. Tôi dùng chân trái ấn mạnh vào chắn bùn nhưng cũng chỉ giảm tốc được một chút. Vừa đến khúc cua, tôi đánh tay lái vào ven đường cũng là lúc xe thầy đuổi kịp xe tôi. Thầy vươn người băng ra khỏi xe, với tay sang xe tôi. Hai thầy trò ngã văng xuống vạ đất bên đường, hai chiếc xe lăn long lóc thêm một đoạn nữa mới chịu dừng lại, đổ kềnh. Mở mắt ra, tôi thấy mình nằm gọn trong tay thầy. Mắt thầy thiêm thiếp. Má bên trái thầy đang rỉ máu. Tay, chân thầy đầy vết trầy xước. Còn tôi, chỉ thiệt hại mỗi cái gót dép quai hậu mẹ mới mua cho…

… Tôi đi Đại học, bốn năm, năm nào tôi cũng viết thư, thăm hỏi thầy. Ra trường nhận công tác xa nhà. Thỉnh thoảng mới có dịp về quê thăm thầy. Thầy vẫn lên lớp nhưng sức khỏe bắt đầu yếu dần đi bởi chứng lao phổi. Cứ nhìn vào má bên trái của thầy là nước mắt tôi rưng rưng. Hồi ấy, tôi còn trẻ con làm sao. Lòng càng ân hận mỗi khi nhớ lại câu nói của mình năm xưa khi thầy tìm đến nhà, nói với mẹ tôi động viên tôi nên thi vào Đại học Sư phạm. Tôi đã ngạo mạn trả lời thầy rằng: “ Em thích làm nhà báo chứ em không làm nghề gõ đầu trẻ như thầy đâu!”. Lần ấy, cũng là lần duy nhất tôi làm thầy buồn. Thầy nhìn tôi với ánh mắt đầy thảng thốt. Bắt gặp cái nhìn ấy, tôi vội vã quay đi không dám nói thêm một câu gì, cũng không dám ngẩng đầu lên nhìn vào mắt thầy. Tôi biết, thầy không giận, nhưng thầy buồn vì tôi nhiều lắm. Mãi sau này khi con cái đã lớn, công việc ổn định, tôi mới có nhiều thời gian quay lại thăm thầy. Năm ngoái, con trai Việt Anh của tôi bị bệnh viêm gan phải nhập viện. Và tôi đã gặp thầy ở đó. Chứng lao phổi hành hạ thầy ngày đêm. Lúc đỡ bệnh, thầy chống gậy sang thăm Việt Anh, kể cho Việt Anh nghe rất nhiều chuyện về các thế hệ học trò của thầy nhưng tuyệt nhiên, không bao giờ thầy nhắc tới kỷ niệm đặc biệt đối với tôi. Nói đến học trò, thầy vui lắm, cái nhìn của thầy với người đối diện mới ấm áp làm sao. Thầy hỏi Việt Anh thích làm nghề gì, cháu nói: “ Cháu muốn học Công nghệ thông tin ông ạ!”. Thầy khuyến khích Việt Anh hãy thi Đại học Bách Khoa, ở đó cu cậu sẽ có điều kiện để đảm bảo lực học của mình. Đêm ấy, Việt Anh lên cơn sốt cao. Tôi đứng chết chân tại chỗ nhìn cu cậu co giật tím tái hết cả người. Thầy nghe tin lò dò chống gậy qua thăm. Thấy các bác sĩ tất bật lo cho Việt Anh, thầy thừ người ra bảo : Tôi già rồi, chẳng giúp được gì cho em cả! Việt Anh phải chuyển lên tuyến trên cấp cứu thầy lại cuống cuồng về phòng ôm cái chăn sang đưa cho tôi, bảo mang lên xe đắp cho Việt Anh kẻo đi đêm bị lạnh. Còn thầy, thầy ít ngủ nên tạm thời không cần chăn. Tôi ái ngại nhìn thầy. Thầy Hải đẩy tôi ra phía xe: - Em đi lên xe ngay đi, em đi lên với con đi, đừng lo cho thầy. Thầy còn khỏe, phải lo cho Việt Anh đi đã. Có chuyện gì em nhớ điện cho thầy đỡ lo nhé! Xe chạy chầm chậm, thầy còn đứng vẫy mãi. Bóng thầy lờ mờ dưới ánh trăng khuya. Rồi thầy đưa tay ôm lấy ngực. Lần này, về thăm thầy, tôi thấy thầy yếu lắm rồi. Bà giáo Thủy – vợ thầy kể, đêm nào thầy cũng thức gần như trắng đêm. Mỗi đêm như vậy, thầy lại cặm cụi chong đèn viết đến khia nào buồn ngủ mới thôi. Thầy soạn lại giáo án, bài vở theo chương trình mới cho đứa cháu ngoại làm quà kỷ niệm nhân dịp nó sắp tốt nghiệp ngành sư phạm, chuẩn bị đi làm cô giáo trung học phổ thông. Đêm nào, bày Thủy cũng thức cùng ông đọc sách, cùng ông tra cứu tài liệu và rà soát lỗi giúp ông.

Đận này, thì bệnh thầy nặng quá, mỗi cơn ho kéo dài làm thầy khó thở, ngực buốt nhói như có hàng vạn chiếc kim châm. Thầy vào viện dễ đến nửa tháng rồi mà nay tôi mới về thăm thầy được… Tôi bóc cam mời thầy, thầy lim dim đôi mắt, ngâm nga mấy câu Kiều. Giọng thầy nhỏ, nhưng vẫn đủ để tôi nghe. Vẫn trầm ấm, ngọt ngào như khi thầy đứng trước bục giảng. Rồi thầy mỉm cười đón múi cam từ tay tôi. Đôi mắt thầy long lanh trong nắng chiều. Hai gò má nhăn nheo giãn ra và hơi ửng hồng. Thầy như trẻ lại với rất nhiều kỷ niệm mà tôi đoán không nhầm thầy đang nhớ tới cái lần thầy trò tôi đi thi về bị ngã. Chiếc thẹo trên má thầy lại giật giật. Mỗi khi thầy phấn khởi hoặc lo lắng vì một điều gì đó thì tự dưng vết thẹo lại co giãn, đàn hồi trên gương mặt thầy. Cứ nhìn vào ánh mắt là đủ biết thầy Hải đang vui hay buồn. Thầy bảo thầy rất tự hào về lứa học trò chúng tôi ngày ấy, ai cũng có ăn việc làm đàng hoàng, thành đạt. Chỉ tiếc thầy không còn nhiều thời gian để cùng chúng tôi làm một chuyến du lịch về nơi ngày xưa thầy đã dẫn đầu đoàn đua xe đạp , mang chiến thắng trở về cho nhà trường, với giải ba đồng đội và giải nhì của tôi. Nói đến sự học, thầy Hải cao hứng như đang đứng trước đám học trò ngày ấy. Thầy không thể biết, chỉ ngày mai thôi là lũ nhóc hồi ấy sẽ có gần như đông đủ trong căn phòng này để chúc mừng sinh nhật lần thứ 70 của thầy. Ngày mai, cả bọn sẽ mang hoa và một chiếc xe lăn tới tặng thầy. Chúng tôi sẽ đón thầy trở về nhà. Tôi lặng lẽ nắm chặt bàn tay thầy như muốn tìm lại màu bụi phấn và chút hơi ấm của thầy sau bao năm đi xa. Không chỉ tôi mà cả lũ học trò cũ đều muốn dành cho thầy một sự bất ngờ. Ngày mai, hẳn là thầy sẽ vui lắm!. -./.




VVM.15.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .