Thằng Cò làm cả hai việc này trong cùng một thời gian. Cá cắn câu thì mặc cá cắn câu, càng vẫy vùng thì lưỡi câu càng cắm sâu vào thêm nhưng không để cá quẫy lâu quá, cá khác nghe động sẽ đi hết. Người ta bảo thằng Cò có tay sát cá bởi không câu thì thôi, còn câu thì giỏ đựng cá của nó lúc nào cũng đầy. Cá ăn không hết thì kho keo. Kho keo để được lâu lại càng ngon bởi thấm lửa và gia vị. Khi trúng cá lớn quá hay nhiều quá thì xẻ ra phơi khô hay làm mắm. Ở quê nhà nào cũng có vài ba tĩn mắm như thế. Khi không có gì đưa cơm thì người ta lấy mắm trộn với ớt tỏi chanh đường đã giã nhuyễn, thêm ít đọt cóc, đọt xoài hay vài lá đinh lăng non nữa thì càng ngon.
Thấy nó siêng năng, cần mẫn lại chất phác, thật thà, người ta giao cho nó một vuông ruộng khá lớn từ ruộng làng. Chẳng phải đặc ân gì bởi ông bà ngoại nó đã khá già và sẽ là vất vả cho xóm giềng nếu phải hoạn nạn, ốm đau. Vuông ruộng ấy không phải là lời khước từ giúp đỡ mà là sự động viên có chủ đích để thằng Cò chí thú làm ăn.
Vốn là tay sát cá và cũng vì rất mê cá, thằng Cò đào cái ao nho nhỏ trên vuông ruộng ấy để nuôi những con cá câu được nhưng còn khỏe mạnh. Lũ cá ấy sinh sôi nhanh lắm bởi chúng thường mang những bọc trứng to nên rất phàm ăn. Cá con cũng thế, rất năng nổ, nhanh ăn chóng lớn nên cái ao của thằng Cò luôn đầy ắp lời khen.
Lăn lộn với đời từ nhỏ nên những trò nghịch ngợm, quậy phá của trẻ con, thằng Cò đều đã trải qua. Đến như bắt rắn, cua đinh nó cũng hơn người, rất gan lì và thiện nghệ. Nó biết đó là năng khiếu trời cho chứ có ai chỉ vẽ gì đâu. Không lém lỉnh mà thành lém lỉnh bởi cái gì nó cũng có thể nghĩ tới và có thể làm được. Thấy ở đây nhiều thân cây chuối bị vứt lăn lóc bởi người quê giờ cũng không mấy mặn mà với việc nuôi heo, chăn trâu, thằng Cò gom nhặt những thân cây còn non về thả góc ao để lươn sinh sống nên ngoài bó cần câu, những ống trúm được nó khệ nệ mang vác sau lưng.
- Ủa, anh Cò. Bữa nay đổi nghề rồi hả?
- Thêm chớ không đổi.
- Anh giống “thợ đụng” quá. - Út cười hóm hỉnh.
- Là sao, hoa “hôi” của “nàng”?
- Là đụng gì làm đó chứ sao.
Thằng Cò khoái chí cười phá lên.
- Mai mốt tui nấu cháo lươn mời cô Hai qua ăn nghe.
- Em là Út mà, anh Cò.
- Vậy thì mời Út.
- Em sợ ông bà ngoại anh lắm.
- Ổng bả hiền khô mà. Có ngày chẳng mất tiếng nói nào.
- Tiết kiệm dữ nha.
- Không phải vậy đâu, tánh ngoại thế.
Thấy vui vui, Út hỏi nó về chuyện tình duyên.
- Thích thì cũng thích nhưng chưa dám thử bởi tui lúc nào cũng làm thiệt không hà. Chưa có gì thì đừng làm khổ người ta.
- Sao chưa có? Nội cái giỏi giang, hiền từ của anh cũng đủ làm cho người ta mê tít rồi.
- Không phải tui thiếu thiện chí nhưng nói đến duyên thì phải “có duyên” mới gặp được phải không Út?
- Hình như vậy, nhưng chờ để gặp được duyên thì biết đến bao giờ.
Mặt trời đã ngả về tây, vạt nắng yếu ớt như còn luyến tiếc cố ôm lấy mấy đọt cau già. Qua mắt thằng Cò đó là những ông gác cửa trời, từ rất xa cũng có thể nhìn thấy các ông ấy. Không có các ông ấy thì làm sao có mai mối, có chuyện dựng vợ gả chồng bởi miếng trầu là đầu câu chuyện mà. Không có trầu cau trà rượu thì không thành được lễ. Xưa bày nay vẽ dẫu đây đó không còn phù hợp nhưng ở cái làng thủ cựu này thì chắc chắn nó mãi lưu tồn. Cũng bởi cây nhà lá vườn nên chẳng phải tốn kém gì, và nó có hủ hóa đâu mà phải vứt bỏ.
Nắng không còn tô hồng lên má Út nhưng sao nó vẫn cứ hồng hồng. Bỗng dưng tia mắt lại chạm vào nhau, con Út cúi mặt mân mê tà áo. Thằng Cò cũng thấy thẹn, hai tai nóng ran nhưng nó nào biết phải làm gì.
- Về thôi Út, rảnh qua chơi nghen.
- Còn sớm mà anh Cò.
- Không thấy bó trúm và mớ cần câu đang đợi kia sao? Tui còn phải hái ít rau dại về làm canh. Nhà hết rau rồi. Không có canh ngoại không nuốt nổi.
- Em cũng đi hái rau cho nhà em đây nhưng gặp anh và thấy còn sớm nên chẳng vội vàng gì. Đi anh, em hái cho anh luôn thể.
- Vậy là tui gặp “duyên” rồi phải không Út?
- Em làm sao biết gặp hay chưa.
- Cứ cho là gặp đi, để sống vui chứ Út.
Út nghĩ miên man về lời nói úp úp mở mở của thằng Cò nhưng ngẫm lại cô cười mình bởi đã yêu đâu mà tơ với tưởng. Không thể sóng bước trên bờ ruộng nhỏ hẹp, Út đành đi trước. Với Út, những cánh đồng lúa xanh ngăn ngắt là vậy nhưng ẩn giấu trong mình bao điều lo lắng, suy tư. Nếu chỉ để ăn thôi thì đâu cần toan tính gì nhưng phên thưa mái lá, cái mặc, cái học, cái phải trái với đời thì mình cây lúa làm sao cáng đáng.
Vừa đi vừa hái những đọt rau non mơn mởn, chiếc nón lá trên tay cô không còn vẻ duyên dáng, yếu mềm nữa rồi, nó nặng và méo mó làm sao ấy. Thằng Cò nhanh nhảu trao cho cô cái giỏ đựng cá.
- Ở quê vật nào cũng có vài công năng nhưng tui thấy chiếc nón lá là có nhiều hơn cả. Che nắng mưa, múc nước, đựng rau đậu hoa quả lặt vặt, quạt mát, làm cho thiếu nữ đẹp hơn lên thì chẳng có gì dám so bì.
- Em chưa nghĩ ra nhưng chắc chắn sẽ có cái hơn.
Thằng Cò không nói gì, nó nghĩ đến bao giờ nó mới có tình yêu, có nỗi nhớ để nhớ nhưng nếu không tìm thì làm sao có. Nó không dám “cướp vợ” như lũ trai vùng cao. Nghĩ đến cảnh bế xốc người tình rồi chạy đi giữa thanh thiên bạch nhật thì xấu hổ lắm. Lỡ người ta không chịu thì càng xấu hơn. Nó do dự lần chần, lòng tuy thích mà chân chẳng nhúc nhích thì cũng chẳng tới đâu nhưng tay còn trắng quá thì làm gì mà chẳng vụng. Nó buông xuôi.
Chờ lâu đất cũng hóa quen, con Út canh tầm chiều là cắp nón qua chỗ thằng Cò. Khác với thương nhau thương cả đường đi, mấy đêm qua nó nằm kín đáo đếm những vết xước trong lòng mà vu vơ giận hờn. Nghĩ thằng Cò cố tình hay vô ý mà không biết tình cảm chân thành của nó. Thằng Cò đâu biết nó chẳng cần giàu sang gì, dẫu phải sống trong căn nhà tuềnh toàng lộng gió, mối đục rỗng ruột cột kèo của ngoại thằng Cò, nó vẫn cam lòng. Trời sinh voi sinh cỏ, trái tim còn đập thì còn có lửa, với bản chất nhân từ thấy cám cảnh thì đâu thể không đoái hoài. Nghĩ đến đâu tình cảm dâng lên đến đó, chạy rần rần qua tim qua phổi mở toang cảm xúc chỉ để chờ lời yêu thương ngọt ngào. Nếu hôm nay lời yêu thương không đến thì con Út cũng không đến chỗ thằng Cò chi nữa. Trâu đi tìm cọc chứ cọc không đi tìm trâu bao giờ. Thiên hạ biết chê cười cho tím mặt.