Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



HẦM TĂNG XÊ 




N gười ta cứ gọi là cái "tăng xê" vì bây giờ là thời hòa bình. Chớ hồi thời chiến tranh còn chưa hồi kết họ vẫn gọi là hầm "tăng xê". Từ "tăng xê" theo tiếng Pháp thì gọi và viết là Tranchée ( Tranchée Abris).

Tôi sinh ra và lớn lên vào những năm cuối chiến tranh gần kết thúc. Nhà tôi cũng có xây một cái hầm "tăng xê" trong nhà. Mặc dù gia đình không khấm khá gì nhưng đó là hầm trú ẩn bình an nhất cho cả gia đình. 

Rồi hòa bình đến. Rồi bom đạn đâu còn.

Hòa bình là vậy. Bình an là vậy.

Nhưng cuộc sống của người dân lại trải qua những khó khăn khác. Khôi phục kinh tế, văn hóa, chất lượng cuộc sống...khi nơi thị trấn xa xôi của miền quê còn chưa có điện, chưa có nước ngọt dẫn vào. Người dân nơi đây cũng như gia đình tôi luôn sống trong cảnh nửa năm ( mùa mưa) thì có nước mưa hứng vào lu, hũ, khạp, thùng phuy, bể chứa cũng như tất cả những thứ gì đựng được nước ...tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình. Còn nửa năm còn lại ( mùa nắng) thì các hộ dân sử dụng nước mưa còn dự trữ hoặc phải mua nước ngọt và gánh nước về của những hộ khoan giếng ( gọi là giếng hộc) nước ngọt trong và mát rượi. Nhưng cũng có nhiều nơi giếng khoan nhằm mạch nước phèn và nhiều tạp chất khác. Nên khi mua về phải lọc lại qua bình lọc nhiều tầng để dùng cho việc nấu ăn uống hằng ngày. 

Trong tình hình đó. Ba tôi đã nghĩ ra cái ý tưởng: quét dọn rửa sạch cái "tăng xê" để làm hồ chứa nước( để không lảng phí xây cái "tăng xê" này ) và để cho cái "tăng xê" chứa được nhiều nước Ba tôi xây miệng hầm cao lên chừa một lối nhỏ để tiện cho việc ra vào vệ sinh sạch sẽ để mùa mưa năm sau lại dự trữ nước cho mùa nắng. Vậy là cả nhà tôi có nước ngọt sử dụng quanh năm. 

Tôi là người gắn bó nhiều kỷ niệm với cái "tăng xê" này lắm lắm. Vì chị Hai tôi to con nên không vào cửa miệng hầm mới xây thêm. Nên tôi: thân người cứ ốm ốm, gầy gầy được chọn làm ứng cử viên lợi hại nhất vào trong "tăng xê " làm công tác dọn vệ sinh, múc nước, tát nước, lau khô "tăng xê " cho sạch sẽ...

Ba tôi tự chế ống dẫn nước từ máng xối gắn vào ruột xe rồi gắn vào ống nhôm dài dẫn nước vào cái " tăng xê ". Nhiệm vụ của chị Hai tôi là mưa thì gác ống cho nước mưa vào. Vậy mà tôi bị dụ vì những câu chuyện kể hay những cái bánh, cái kẹo hay quyển truyện tranh chị Hai cho tôi với điều kiện: nhiệm vụ đó thuộc về tôi. Thế là tôi lại tận tụy gắn bó với cái "tăng xê" và những vui buồn vì sự cố: vuột ruột xe gắn vào ống nhôm nước rơi ra bắn tung tóe nước , ...mấy chị em vờ ướt để xin Má cho tắm mưa. Có hôm thì loay hoay cho cái ống nhôm vỗ vào đầu, hôm thì tự ló đầu vào nhìn mực nước trong cái " tăng xê " đã được bao nhiêu để cho cái trán vốn đã dồ còn u thêm một cục... Những kỷ niệm dễ thương, ngây thơ quá đỗi. Chúng tôi đâu biết cuộc sống thời ấy chật vật cơm áo gạo tiền của Ba Má.

Trong xóm tôi. Có rất nhiều hộ khá giả, nhưng cũng không ít hộ cơm không đủ ăn. Áo không đủ mặc. Nhà tôi tuy khó khăn, nhưng Ba Má tôi cố gồng gánh cho các con ăn học đủ đầy không thiếu thứ gì, nhưng phải biết tiết kiệm và ý thức mọi việc. 

Những năm trời khô hạn dài hơn dự tính của con người. Nước sông sinh hoạt thì ngập mặn. Nước mưa trong cái " tăng xê " nhà chúng tôi lại càng quý hơn. Và Ba Má tôi lại san sẻ cho bà con xóm giềng có nước ngọt cầm cự chờ mưa.  Những năm tháng khắc khoải ấy in sâu vào lòng tôi. Thương người dân miền quê không đủ nước ngọt sinh hoạt. Dù sống cạnh bên dòng sông ngập mặn. Nước mặn đến nỗi những đêm trời tối chỉ cần lấy tay khua nước hoặc lấy gàu tát nước sẽ thấy được lấp lánh muôn ngàn ánh sao tóe lên...

Tôi đã có một tuổi thơ trong veo như nước trong cái " tăng xê " của gia đình tôi. Cho đến khi Ba Má quyết định đưa chúng tôi về Sài Gòn để an cư lập nghiệp.  Tôi chia tay ngôi nhà và chia tay cái " tăng xê " huyền thoại có một không hai đó. Rồi thời gian trôi. 

Tôi đã trưởng thành và ký ức cũng mờ dần theo tỉ lệ nghịch với tuổi đời tôi có.  Thị trấn miền quê xưa đã trở mình vươn lên và bây giờ là thành phố. Thành phố trẻ nhộn nhịp rộn ràng. Thành phố trẻ ấy cũng xa hoa rực rỡ với những thành tựu nhất định. Và tất nhiên là điện đã thắp sáng từ nhiều năm trước. Đường nước máy dẫn nước về cho nhà nhà, cho người người. Cuộc sống đã khác xưa. Những công trình liên tục phát triển...

Hôm nay, tôi lại về thăm quê. 

Tôi về thăm quê xưa giữa ngày mưa trắng xóa đất trời. Mưa làm tôi nhớ da diết kỷ niệm năm nào. Nhưng dường như giờ nước ngọt không còn thiếu. Cái "tăng xê " năm xưa cũng đã được chủ nhà mới đập ra cho căn bếp rộng hơn và mới lại.  Sau bao năm tháng nhà xưa đã được xây lại cao tầng, trang hoàng đẹp mắt.  Mưa càng lúc càng to hơn. Như ngày xưa là mọi người hân hoan lắm. Nhưng giờ đây thì mọi người lại lo lắng vì nước mưa tràn trên đường...nước mưa cuồn cuộn, ngập nhanh như thác lũ...Ôi, còn đâu đường vào xóm xưa. Nước ngập mênh mông không lối thoát vì cống thoát nước cũng đã tắt nghẽn rồi. 

Bâng khuâng ngậm ngùi ngắm mưa và nhớ một thời tuổi thơ đã qua. Cho đến khi mưa tạnh, nước từ từ cũng trôi ra sông theo nhiều ngõ ngách. Sau cơn mưa trời quang đãng, gió mát nhẹ êm ái qua ngang đầu. Lòng tôi thơ thới lạ. 

Tôi mỉm cười và bước tiếp. Phía trước ánh sáng mặt trời cuối ngày vừa hắt lên những tia sáng. Tôi thầm mong sao cho đất nước mình ngày càng phát triển thịnh vượng , cũng như sẽ dần cải thiện được những khó khăn để mọi người mọi nơi đều được an hòa hạnh phúc.  ./.


 


VVM.31.5.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .