Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


TẢN MẠN ĐẦU XUÂN



C ó lẽ chỉ những người ở miền Nam ở lứa tuổi trên 50 mới thấy được hết không khí của Phút Giao Thừa thời còn cho đốt pháo ngày Tết. Việc đốt pháo chỉ có tuổi trẻ thích, vì nó quá ồn, nhưng chuỗi âm thanh dòn dã của nó cũng góp phần không nhỏ làm cho không khí của ngày Tết thêm tưng bừng, rộn rã.

Trước Tết là người thích pháo sẽ tùy theo túi tiền mà chọn mua những xâu pháo dài, ngắn, treo sẵn trước nhà. Đúng 12 giờ khuya, lúc chuông Chùa, chuông Nhà Thờ đồng loạt đổ, là họ cũng châm ngòi cho pháo cùng rầm rộ nổ từng tràng dài, kết thúc bằng mấy tiếng pháo đại rời rạc. Lúc đó những đứa trẻ còn thức để canh sẽ tranh nhau nhặt những viên pháo điếc, tức là những viên pháo không nổ kịp mà rớt xuống đất, rồi tiếp tục đốt thành những tiếng pháo lẻ tẻ. Sau những tràng chuông, pháo, là không khí trầm lắng hẳn xuống. Đám trẻ cũng đã mệt mỏi bỏ đi ngủ, chỉ còn những người nhiều tuổi, sau khi thắp những nén hương trên bàn thờ bày sẵn hoa, trái, tiếp tục ngồi trầm ngâm bên những tách trà nóng hổi vừa châm.

Phải nói cảm ơn ông bà xa xưa nào đó đã nghĩ ra cái Tết như một sự kết thúc cho một năm nhọc nhằn đã trôi qua, để trông mong một năm mới đến sẽ mang lại nhiều niềm vui hơn. Trước đó cả tháng, những công nhân, những người con làm ăn xa nhà, xa xứ cũng đã chuẩn bị mua sắm và háo hức mang, xách lùm đùm theo những chuyến tàu, xe về xứ. Những nỗi nhọc nhằn của họ sẽ tan biến khi thấy ông bà, cha mẹ, anh, chị, em, hài lòng với những gì được tặng.

Trong khi đó, những người ở nhà cũng đã chuẩn bị sẵn. Nhà nào cũng làm một nồi thịt kho trứng to đùng. Món này thường ăn kèm với dưa giá và bánh tráng, vì ngày Tết nhiều người thích gói ăn cho đỡ ngán, nên hai thứ này không thể thiếu. Bánh Tét thì nhà nào ít ra cũng có mươi đòn treo lủng lẳng trong bếp. Với người miền Bắc thì là Bánh Chưng. Đó là những món nhất định phải có. Nếu là ở quê miền Nam có khi còn quết bánh Phồng, làm mứt dừa, mứt bí. Để nhâm nhi, ngoài tôm khô, họ còn làm dưa kiệu, dưa hành, dưa tỏi, Lỗ Tai heo ngâm chua, cho một ngày Tết thật phong phú. Người ở thành thị không có thì giờ để làm Mứt thì ra chợ hay các Siêu Thị mà khuân về. Từ mứt hạt sen cho tới mứt gừng, mứt bí, mứt khoai, mứt dừa, mứt thơm, mức tắc... được cho vô hộp trình bày rất là hấp dẫn. Về sau này, những tiểu thương nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của người sắm Tết, nên họ làm sẵn những giỏ quà để biếu Tết, từ vài trăm cho đến vài triệu đều được đóng gói, trang trí rất đẹp mắt. Tha hồ chọn lựa để tỏ lòng thành. Theo mọi người, ngày Tết càng dồi dào thức ăn thì cả năm mới sẽ sung túc, cho nên có thể ngày thường họ ăn tiêu dè sẻn, tính toán từng đồng, nhưng với ngày Tết thì họ không tiếc tiền để sắm sửa, từ thức ăn cho đến trái cây, bông hoa chưng bày.

Ngày Tết, đến nhà nào cũng thấy rực rỡ hoa trái. Nào là mâm Ngũ Quả với: Cầu, Dừa, Đủ, Xoài, Thơm hay Thanh Long, và Bưởi, Quýt, Hạnh hay Quất... là những loại trái cây mang tên đẹp hoặc có mùi hương. Thêm vào đó, nhà nào cũng không thể thiếu cặp dưa hấu to trên bàn thờ có dán mẩu giấy đỏ mang chữ Phúc. Mọi người tin rằng dưa hấu chưng Tết, khi xẻ ra có màu càng đỏ chừng nào thì năm đó càng hên chừng đó. Đặc biệt, ngày Tết không ai dám để Chuối ở trong nhà, vì tên gọi gần giống như “chúi”, có nghĩa là đi xuống, không cất đầu lên được! Có nhà còn cữ ăn Hạt Tiêu. Vì Tiêu có nghĩa là tiêu điều, tiêu diêu, mà mọi người hay dùng hai tiếng “tiêu rồi” có nghĩa là chẳng còn gì nữa, hết hy vọng vào cái gì đó rồi! Khổ Qua là trái đắng nhưng nhiều người thích dồn thịt và hầm để ăn dần trong mấy ngày Tết, vì tên của nó có nghĩa là cái KHỔ đã QUA rồi. Ngoài ra thì nó còn giữ được lâu. Cứ hâm lại là để cả tuần không sao.

Khỏi nói thì Hoa Mai cũng là chủ đạo, ngày Tết nhất định không thể thiếu đối với người miền Nam. Nó thường được chưng ở bàn thờ hoặc giữa nhà. Nhiều nhà giàu còn sắm cây Mai khổng lồ cả chục triệu để giữa sân lấy hên. Với người miền Bắc thì nhất định phải có Hoa Đào. Trước 75 thì hai miền chia cắt, nên miền Nam không có Hoa Đào. Sau này thì những ngày gần cuối năm, Hoa Đào từ miền Bắc được mang vào đủ thứ, từ nguyên gốc cho đến cành lẻ, bày bán tràn lan. Người Bắc sinh sống ở Nam cũng khỏi lo thiếu. Ngoài ra, Mãn Đình Hồng cũng rất được ưa chuộng, vì cái tên quá đẹp. Rồi thì Cúc Vạn Thọ, Cúc Mâm Xôi, Hướng Dương cũng được ái mộ, vì có màu vàng tươi tắn. Hoa ngoại như Glaieul cũng được chọn để chưng, vì giống như bó đuốc đỏ rực. Lyly thì ngoài hương thơm thoang thoảng còn cả 2 tuần mới tàn. Nhà càng chưng nhiều hoa, nhiều sắc vàng, sắc đỏ càng tốt, bày trong những bình hay chậu có dán giấy đỏ bên ngoài, tượng trưng cho tài lộc.

Nhiều người có vẻ khó hiểu chẳng biết Tết có gì đâu mà phải chen chúc nhau về quê để tàu xe mặc tình lên giá chặt chém, lại còn phải ép mình ngồi chật như nêm, vì sợ lỡ chuyến, không có xe để về kịp đón Giao Thừa? Đó là những người trẻ, chưa hiểu hết mối liên hệ thiêng liêng tiềm ẩn sâu xa trong máu, thịt của mỗi người từ lúc chào đời. Ngày thường thì mạnh ai nấy tất bật với công việc đồng áng hay làm ăn, không có thì giờ để nghĩ đến nhau. Nhưng ngày Tết thì mọi việc đều ngưng nghỉ, là lúc mà mọi người cảm thấy cần ở bên nhau hơn bao giờ hết, nên nghèo gì cũng ráng để dành tiền mà đi về quê ăn Tết sum vầy với gia đình, với họ hàng. Người không đủ tiền để về thì thấy rất lẻ loi, buồn tủi nơi xứ người, khi thấy Thành Phố nhộn nhịp trước đây những ngày Tết lại vắng vẻ hẳn!

Những ngày cuối năm, mọi người tống tiễn năm cũ, tống tiễn những gì xúi quẩy đi, mong năm mới sẽ mang lại những điều tốt lành. Ngày đó, khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, từ trong nhà ra tới ngoài sân, đều bày la liệt những chậu hoa. Tất cả đều khoác lên một hình ảnh mới mẻ, tinh tươm, khác hẳn ngày thường. Mọi người ăn mặc lịch sự đến nhà để chúc Tết nhau. Câu chúc bao giờ cũng là cầu mong những điều an lành, thịnh vượng, làm ăn thuận lợi, gặp nhiều may mắn, tốt lành, hanh thông cho một năm mới. Trẻ con còn được nhận những phong bao lì xì tượng trưng cho chút lộc đầu năm.

Mừng tuổi ông bà, cha mẹ xong thì đám trẻ thì tìm những thú vui. Sẵn tiền lì xì, chúng túm tụm đánh bài ăn thua nho nhỏ, hay lắc bầu cua. Chán chê rồi thì rủ nhau đi Chùa hay đi đến những tụ điểm có nhiều trò vui chơi. Lứa lớn hơn một chút thì họp bạn, kiếm chút gì đó ăn uống với nhau. Thức ăn thì nhà nào cũng đầy ắp, chỉ cần xuống bếp lôi ra. Họ cụng ly để chào đón mùa Xuân cho có khí thế. Chỉ riêng những người lớn tuổi, vui thì có vui, nhưng có vẻ trầm ngâm hơn mọi ngày, khi nhìn hình ảnh đàn con cháu ngày càng lớn, người thân ngày càng vắng mà lại xuất hiện đông đảo hơn qua khói hương lung linh. Những cuộc đời lần lượt đi qua mà chính họ đã chứng kiến, có khi chỉ là những chuỗi ngày mưu sinh vất vả. Lớn lên, lập gia đình, sinh con, đẻ cháu, tất bật với cuộc sống để rồi ngày nào đó mọi vui buồn cũng kết thúc, phủi tay lên ngồi chễm chệ trên bàn thờ, hờ hững nhìn thời gian trôi đi một cách vô nghĩa!

Nếu Mùa Xuân hào phóng với thiên nhiên và giới trẻ. Với cỏ cây thì ban cho lộc non, chồi biếc, hoa đủ các màu đua chen khoe sắc. Trẻ con thì ngày càng thêm phổng phao, đáng yêu. Tô hồng lên má các thiếu nữ đang xuân, cho thêm đẹp, thêm mặn mà, duyên dáng bao nhiêu… thì đối với tuổi già lại cay nghiệt bấy nhiêu! Mỗi Mùa Xuân đến lại lấy bớt đi của họ một phần sức sống. Mới năm trước thôi, quý ông vẫn còn phong độ, lịch lãm, đi đứng còn hiên ngang, hùng dũng. Quý bà vẫn còn chút nét xuân muộn màng, nụ cười vẫn còn lấp lánh sau khóe mắt, dù làn da đã bắt đầu nhăn… Nhưng năm nay thì ai nấy có vẻ đang trên đà “xuống cấp”! Đi đứng chẳng còn mạnh dạn, vì tim mạch, khớp, huyết áp... bắt đầu tấn công. Tần suất bệnh coi bộ tăng lên dày hơn. Bệnh này chưa chữa xong đã xuất hiện bệnh mới. Tủ thuốc cứ tăng chủng loại, số lượng. Cách vài tiếng là phải uống một loại để khỏi bị xung khắc. Có lúc quên còn bỏ sót cữ! Răng cỏ thì xệu xạo. Có khi thấy đều trân như hạt bắp đó mà chỉ là hàng dỏm, có tác dụng trang trí nhiều hơn, khi ăn thì cố mà trệu trạo nuốt cho khỏi đói. Vì vậy, dù có cao lương, mỹ vị đi nữa cũng chưa chắc hấp dẫn được người già.

Chẳng lẽ đợi tới lúc đó mới thấy mình không còn trẻ nữa? Sự thật thì tuổi trẻ đã xa rời chúng ta từ lâu lắm rồi, may ra còn giữ được tâm hồn trẻ trung đã là quá hiếm giữa thời buổi nhìn đâu, đọc báo nào cũng thấy con người hoặc quá hung dữ, chỉ cần chút chuyện nhỏ là sẵn sàng ăn thua đủ với nhau, bất kể là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, anh em ruột thịt với nhau! Hoặc sống giả dối, nói một đường, làm một nẻo, từ những vị khoác áo tu hành đạo mạo, trang nghiêm, cho tới quan chức cao cấp được mọi người nể trọng, hét ra lửa một thời. Báo chí đã lên tiếng là đạo đức con người xuống cấp một cách trầm trọng, không biết những vị có trách nhiệm đã nghĩ ra biện pháp nào chưa?

Gạt hết mọi rắc rối phức tạp của cuộc đời, khắp nơi, nhà nhà quây quần đoàn tụ với nhau trong mấy ngày Tết. Chính sự sum vầy của gia đình cũng là điều nhắc nhở đến những người đã đi xa. Tuổi trẻ thì buồn đó rồi quên đó, nhưng người già thì đâu dễ dàng quên. Chỉ cần một chút gì đó cũng gợi nhớ. Một món ăn, một màu áo, một thói quen, một chậu cây, một con vật… liên quan đến người quá cố cũng làm cho họ rưng rưng nhớ đến người đã ra đi, để cứ ray rứt, tiếc nuối mãi không thôi. Nhưng nhớ để rồi làm được gì? Mang vàng hương đến Chùa nhờ Cầu Siêu chăng? Nếu tin Đạo Phật là Nhân Quả thì nên biết rằng không thể do Cầu mà Siêu. Những việc làm đó chỉ có giá trị là làm an lòng của người ở lại mà thôi. Mọi người vẫn làm thế để kể như là đã gởi gấm người thân cho bề trên, còn họ có Siêu hay không chỉ có trời mới biết! Chính những người khởi xướng còn chưa biết, nói chi là ta. Bằng chứng là năm nào việc đó cũng được nhắc nhở lập lại! Một Họa Sĩ, bạn của tôi đã qua đời. Lúc sống ông rất khôi hài. Ông đã nêu ra một vấn đề xem ra không phải là không có lý. Ông nói: “Ông bà tôi chết lâu lắm rồi mà năm nào Chùa cũng nhắc cúng cầu Siêu cho họ. Không biết bao giờ mới Siêu đây? Nếu những năm qua Cầu mà đã Siêu rồi thì cần gì cầu tiếp? Còn nếu cứ tiếp tục thì chứng tỏ lời Cầu không linh ứng!”. Ông bạn đó đã “tiêu diêu nơi miền Cực Lạc” mấy năm rồi, chắc đã có cơ hội kiểm chứng, tiếc một điều là không thể nói cho ai biết kết quả thế nào!

Do vậy, theo tôi, nếu ta muốn tích phước hồi hướng cho người quá cố thì hay nhất là nên mang tiền giúp đỡ cho những người thật sự cần, vì Kinh dạy họ cũng là những vị “Phật sẽ thành” nhưng còn đang trả nghiệp. Giúp cho họ cũng không khác gì giúp cho Phật. Việc Phóng Sinh cũng tốt, dạy cho ta biết yêu thương loài vật, cứu đi một mạng cho chúng. Nhưng tốt nhất cũng đừng tự biến mình thành nạn nhân ngây thơ của những người bán chim để Phóng Sinh chuyên nghiệp.

Thật sự ra, việc PHÓNG SINH, BỐ THÍ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. BỐ THÍ và PHÓNG SINH mà Đạo Phật muốn dạy cho ta làm, đó là XẢ ĐI LÒNG THAM LAM, SÂN HẬN, SI MÊ, ĐỐ KỴ, GANH GHÉT, GIẬN HỜN. Đạo Phật cho là chúng ta đã nuôi dưỡng, giam hãm chúng từ biết bao đời rồi. THẢ chúng đi, XẢ những thứ đó đi, là ta đã PHÓNG SINH hay là “ĐỘ SINH”. Qua đó, cái Tâm ta cũng sẽ được nhẹ nhàng, được Giải Thoát khỏi phiền não. Rõ ràng nếu ta giận hờn, oán ghét, căm thù ai không thôi, thì tâm của ta đâu có được yên. Rốt cuộc là chẳng những không làm gì được họ mà bản thân mình thì tự đày đọa mình bởi cay đắng, tức tối, đôi khi còn lên máu vì nó! Rồi thì có người không đủ kiên nhẫn để chờ pháp luật xử lý, tự mang hung khí đi trả thù, muốn đòi mạng kẻ thù ngay lập tức, để rồi đôi khi vì đó mà đưa thân vào tù! Hậu quả là sau đó, không chỉ riêng người hành động lỗ mãng, mà người thân của họ cũng bị họa lây. Vừa phải nuôi con cho họ, vừa phải đi thăm nuôi họ! Khổ chồng chất Khổ! Suy ra thì bị người hại còn chưa đủ, chính ta còn tiếp tay để tự hại thêm! Đợi đến khi nhận ra thì hối hận cũng đã muộn! Do đó, Đạo Phật cho người nuôi dưỡng Sân Hận là tạo một cái Địa Ngục trong tâm, lúc nào cũng sùng sục, nung đốt chính người chứa nó. Đàng nào quá khứ cũng đã qua, đâu thể quay lại được. Nhưng mấy ai thấy được để tìm cách dập tắt Sân Hận đi cho cái tâm được nhẹ nhàng! Chính vì vậy mà Đạo Phật đặt nặng về Tư Duy. Kinh Đại Bát Niết Bàn viết: “Dù có người trải qua vô lượng vô số kiếp chuyên tâm thính Pháp. Nhưng nếu không Tư Duy thì không thể đạt Vô Thượng Bồ Đề”. Đúng thế, năm năm, tháng tháng siêng năng đi Chùa, nghe pháp, không bằng một giờ ta lắng lòng tư duy.

Nói Tư Duy cho nó cao cấp, thật ra chỉ là chịu khó suy nghĩ về vấn đề nào đó. Mọi người đã quá quen với thời biểu thường ngày đã trở thành nếp. Làm việc, ngủ nghỉ, giải trí. Ít ai chịu nghĩ rằng hiện giờ chúng ta đang tồn tại đây, có vẻ mạnh khỏe là vậy, nhưng chỉ cần một tai nạn bất ngờ, hay bệnh tật nào đó ập đến là cái Thân mong manh này có thể dễ dàng đổ gục. Do vậy, ngày xưa Đức Thích Ca phải dẫn Đệ Tử tới những chỗ bỏ thây người chết, cho nhìn những cái xác đang chương sình, hôi thối, ruồi nhặng bu quanh để dạy cho họ Quán Vô Thường mà rời bỏ sự đắm nhiễm vào cái Thân. Nhưng thật ra cũng chẳng cần nhọc sức đến như vậy, chỉ cần hình ảnh người thân đã lên bàn thờ thôi. Nếu phút nào đó, chịu khó lắng lòng, ta sẽ thấy ra biết bao nhiêu điều cần thấy. Nào xinh đẹp, tài hoa, giỏi giang, giàu sang, địa vị, chức quyền, vinh hoa phú quý, lầu đài, dinh thự, ruộng đất bao la, xe cộ đời mới… giờ còn lại gì đâu? Một bài vị, một nắm mồ, hay chút tro cốt nằm trong hũ lạnh lẽo! Chỉ có bấy nhiêu đó thôi! Sang, hèn, giàu, nghèo, giỏi, dở… đều bình đẳng như nhau. Sắm được một mộ phần trong khu đất vàng. Tốn tỷ nọ sang tỷ kia, trần thiết rồng chầu, phụng múa để báo hiếu cho ông bà, cha mẹ, thì nắm xương tàn nằm trong đó cũng có ngắm được đâu! Con cháu về sau biết có thì giờ để tới đó mà vãng cảnh, hay mỗi năm một lần, sắm chút hương hoa, đến thăm rồi chưa tàn cây hương đã vội vàng quay về, vì người chết thì đã yên phần với mồ yên mả đẹp rồi, người sống còn bao nhiêu việc phải giải quyết!

Một người bạn vừa gởi cho tôi một ký sự bằng hình ảnh về chuyến du lịch hành hương ở Miến Điện, nơi được gọi là Đất Phật với 90% dân số theo Đạo Phật và những ngôi Chùa lộng lẫy được đánh giá thuộc bậc nhất thế giới. Cảm giác của tôi sau khi xem là thấy bùi ngùi! Thật vậy, theo người thuyết minh và hình ảnh được quay trong đó thì đất nước Miến Điện còn nghèo. Xe hơi lưu thông trên đường đa số là đời cũ, những chiếc từ đời 50 và thập niên 80. Thành phố thì không có nhà cao tầng nhiều, và nổi bật nhất là những ngôi Chùa. Chùa Tháp Vàng thì được đúc từ thế kỷ thứ 6, bằng cả 60 tấn vàng. Vương miện của Phật được đính kim cương và các loại đá quý. Có cái được gắn cả 84.900 viên ngọc quý, có cái là 1.600 viên hồng ngọc, viên to nhất đến 76 ca ra. Chùa nào cũng lấp lánh ánh vàng. Hoàng cung so ra quá nhỏ bé đối với các Chùa! Tóm lại thì những gì quý nhất, sang nhất, đẹp nhất đều tập trung nơi các ngôi Chùa. Trong khi đó, đường lên Chùa Đá khúc khuỷu, quanh co cả 4, 5 cây số đường dốc, mà xe đưa khách tham quan lên Chùa là loại xe tải cổ lỗ xĩ, băng để ngồi được đóng bằng những thanh gỗ. Khách nhiều tuổi hoặc thiếu sức khỏe, đi bộ không nổi thì trả tiền thuê 4 thanh niên khiêng trên những chiếc kiệu làm bằng hai cây tre dài, trên đó là chiếc ghế ngồi rất thô sơ, như vật dụng của từ thế kỷ trước! Ở Miến Điện vẫn tồn tại một số ngôi làng rất nghèo, người dân làm thuê kiếm ăn từng bữa. Nhà cửa thì trống hoác, xơ xác, trong nhà không có vật gì đáng giá!

Có lẽ nhận xét của tôi trái với những người sùng bái Đạo Phật một cách mù quáng. Nhưng không riêng gì tôi mà có lẽ ai cũng thấy: Đối với một đất nước mến mộ Đạo Phật đến dồn hết mọi thứ quý giá nhất cho Chùa như thế, chứng tỏ lòng thành của họ rất cao. Chùa cất cũng đã trên ngàn năm. Người dân xứ đó vẫn thành khẩn cầu xin và tiếp tục dùng vàng dát mỏng để thường xuyên tôn tạo Chùa, Tháp. Nếu cứu độ được hẳn Phật đã không thể làm ngơ rồi! Nhưng đến thời này rồi mà dân ở đó cũng vẫn còn lạc hậu, đói nghèo, chứng tỏ Đạo Phật chân chính nói đúng: Không thể dựa vào lời cầu xin, mà chỉ nên tin vào Nhân Quả. Chỉ có bằng những kế hoạch, hành động thực tiễn mới đưa dân nước đi lên. Bởi so với các nước không sùng bái Đạo Phật như Châu Âu, không hề biết đến Phật, không mong chờ sự cứu độ của Phật, mọi người chỉ tin vào thành quả của việc lao động bằng tay chân hay trí óc của bản thân. Họ nâng cao trình độ dân trí, không ngừng phát huy khoa học, kỹ thuật, thì người dân của họ lại có mức sống rất cao. Vô tình họ đi đúng đường hướng của Đạo Phật là chỉ tin vào Nhân Quả. Người thuyết minh có nêu ra trường hợp Chùa rất đông người tới cầu nguyện, họ đều bỏ dép bên ngoài, nhưng dù giày dép mắc bao nhiêu cũng không hề bị mất, để kết luận: “đất nước nào có sự giáo hóa của Đạo Phật thì người dân sống tốt đẹp, không gian tham”. Trên thực tế, chưa hẳn chỉ những nước chịu sự giáo hóa của Đạo Phật mới không gian tham. Ở nước Mỹ đâu có bao nhiêu người theo Đạo Phật, nhưng nhân viên Bưu Điện vẫn thường phát bưu kiện bằng cách để ngay cửa của địa chỉ nhận thư. Họ tới nhà, bấm chuông, chẳng cần biết nhà có người ra nhận hay không, cũng để ngay cửa rồi đi. Chủ nhà đi làm về thấy bưu kiện để ngay cửa là chuyện bình thường. Nếu hiện tượng bị lấy mất thường xuyên diễn ra chắc là họ phải thay đổi cách phát rồi! Nhiều nước còn có cả một trung tâm tiếp nhận hàng bị thất lạc, chờ chủ tới nhận. Vì vậy, theo tôi, nếu chúng ta chỉ giáo dục con người có đạo đức, không gian tham, mà đất nước vẫn còn lạc hậu, người dân vẫn còn nghèo đói thì không có gì đáng để hãnh diện. Đạo Phật đâu có khuyến khích nghèo đói. Kinh DUY MA CẬT mô tả ngài là một trưởng giả, của cải nhiều vô số, làm ăn, quen biết lớn để có cơ hội tiếp xúc mà giáo hóa mọi người. Con người phải làm ra của cải, phải làm giàu cho đất nước, tạo điều kiện cho nhiều người nghèo có công ăn, việc làm, miễn là không gian tham, lừa đảo, tàn sát lẫn nhau.

Phải chăng nghĩa của PHẬT, BỒ TÁT là cứu khổ, ban vui cho chúng sinh? Do chúng ta quen nghĩ rằng chỉ những vị được nêu tên trong Kinh như Ngài Quán Thế Âm, Địa Tạng, Phổ Hiền vv… mới là Bồ Tát, không biết rằng những ai quên mình, giúp đỡ, cứu khổ, ban vui cho người khác thì rõ ràng là đang hành “Hạnh Bồ Tát”? Như vậy họ chẳng phải Bồ Tát là gì? Như thế, nhìn vào hiện đời có biết bao nhiêu là Bồ Tát đang hành nguyện. Đó là những người trực tiếp hay gián tiếp, cách này, cách khác, san sẻ những lo âu, phiền muộn, đau khổ cho con người. Giúp cho con người tiến bộ hơn, hạnh phúc hơn. Đó mới thật sự là Đạo Phật đi vào hành dụng. Cần gì phải Quy Y? Cần gì phải có sắc phục? Cũng đâu cần phân biệt tôn giáo, dân tộc, hay trình độ nào?

Đạo Phật đâu chỉ dạy cho con người bỏ Tham, Sân, Si đi, để sống hòa bình với nhau, mà còn dạy Nhân Quả, tức là phải gieo Nhân Thiện để gặt Quả Lành cho bản thân, đồng thời qua đó cũng góp phần làm ích lợi cho cộng đồng, cho xã hội. Trong khi xã hội còn cần biết bao nhiêu bàn tay đóng góp, xây dựng các mặt. Mọi người tùy tài, sức mà tham gia. Nếu ta đang tuổi thanh xuân, sức khỏe dồi dào, thể lực cường tráng mà lại nhân danh con đường tu hành, rồi ngồi yên, sống thụ động, cả suy nghĩ cũng không dám, vì sợ thất niệm thì rõ ràng ta đã hiểu sai cách thức tu hành. Lục Tổ Huệ Năng dạy:

“Có tình hiểu biết đương nhiên động
Không động là loài chẳng có tình
Học đạo nếu tu hạnh chẳng động
Giống loài chẳng động tức không tình”

Do đó, Ngài dạy:

Muốn tìm cảnh thiệt Tâm không động
Trong lúc động mà Tánh chẳng lay.
Chẳng động, thiệt ròng tâm chẳng động.
Không tình đâu có giống Như Lai”

Hiểu cho rõ, để hành cho đúng. Việc người tu cần làm là Xả bỏ Ngã Chấp, Pháp Chấp để Hết Khổ. Việc Xả đó đâu nhất thiết phải ngồi yên, bất động, không được suy nghĩ gì hết thì mới làm được? Nếu có đọc Kinh thì ta phải thấy là Ngài Huệ Năng được Truyền Y Bát trong khi chưa hề Xuất Gia, Cạo Tóc, Đắp Y… và cả ngày phải làm việc chẻ củi, giã gạo. Mãi sau 15 năm trốn lánh, ở chung với đám thợ săn, khi cần phổ biến Chánh Pháp mới vô Chùa xuống tóc, thọ Giới với Pháp Sư Ấn Tông. Người tu cũng không phải bỏ việc đời để mơ màng Tây Phương, Đông Phương, vì những cõi đó là ở trong Tâm của mỗi người, được Phật phương tiện diễn tả nhằm dẫn dụ cho con người vì ham được về đó mà cải ác, hành thiện, để cuộc sống được tốt đẹp hơn mà thôi.

Cuộc sống dù cho là giả tạm nhưng cũng kéo dài cả trăm năm. Thời gian tồn tại mọi người đều hưởng dụng thành quả của người khác, vì vậy mỗi người phải có nhiệm vụ đóng góp cho xã hội, để vừa đáp đền Tứ Ân, vừa trả nợ cuộc đời, nhưng nhờ học hỏi, thực hành theo Giáo Pháp của Đạo Phật mà được Thoát Phiền Não, được như Hoa Sen mà Đạo Phật dùng làm biểu tượng. Như thế mới thực sự là mục đích mà Đạo Phật muốn mọi người đạt tới. Nếu bỏ đời, trốn đời, xây tường rào để các pháp không chạm tới được thì Giải Thoát đâu còn ý nghĩa gì nữa!

Nếu chỉ cuốn theo công việc mưu sinh, nhìn thấy mọi việc trước mắt thì không bao giờ chúng ta có thể nghỉ ngơi được. Nếu ngày tháng cứ trôi tuột đi, không có điểm dừng như ngày Tết, hẳn là mọi người sẽ quay cuồng trong vòng quay bất tận. Vì vậy, Giao Thừa là khoảnh khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới, là lúc ta buông bỏ mọi bon chen, tính toán để có thể nhìn lại nhiều thứ. Cắm cúi làm, vắt hết sức kiếm tiền rồi sẽ đi tới đâu? “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử”. Câu nói này cũng nhắc nhở được một số người mải mê xông pha vào vòng danh lợi để giật mình mà sắp xếp cuộc sống sao cho vừa phải. Cái Thân Vô Thường, biết nó có sống chờ đến lúc ta về hưu chăng? Hay quan chưa tha thì ma đã bắt?

Có một đoạn trong quyển “Người bán hàng vĩ đại nhất thế giới”, là một best seller của tác giả Og Mandino mà tôi rất tâm đắc: “Tôi sẽ sống hôm nay như là ngày cuối cùng của đời tôi. Tôi sẽ ôm hôn vợ tôi, nâng niu các con tôi khi chúng còn trẻ dại và đang còn ở cạnh tôi. Ngày mai chúng sẽ lớn lên và đi mất, tôi đâu còn có thể ve vuốt chúng nữa. Tôi sẽ giúp đỡ bạn bè khi họ cần, vì ngày mai họ sẽ không còn cần đến sự trợ giúp của tôi, và tôi cũng không còn nghe tiếng họ cầu cứu nữa. Họ sẽ ra đi, và tôi cũng thế…”.

Mọi người quen nhìn Phật Pháp như những gì xa xôi, tưởng như mang đầy tính chất huyền bí, nên không thấy liên quan, không thấy dính dáng gì đến đời thường, trong khi Vô Thường đã tác động trên mọi lãnh vực, mọi khía cạnh của cuộc đời và luôn diễn ra trước mắt chúng ta: Một đóa hoa nở rồi tàn. Một chiếc lá rơi. Bình minh lên. Hoàng hôn xuống. Mùa Đông qua. Mùa Xuân lại. Con người trẻ rồi già. Năm rồi người thân chúng ta còn sum họp với gia đinh. Năm nay đã ra người thiên cổ…

Chính vì không nghĩ đến Vô Thường sẽ mang ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, ngay cả bản thân ta đi bất cứ giờ phút nào, nên chúng ta đã sống hờ hững bên mọi người. Thiếu sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc, đợi đến lúc họ ra đi mới giật mình, hối tiếc, rồi có khóc lóc, kể lể thì cũng chẳng làm được gì nữa! Cũng chính vì không nghĩ đến Vô Thường, không nghĩ rằng có một ngày mình sẽ ra đi, bỏ lại tất cả nên mọi người đã tranh giành với nhau. Nước này với nước khác. Nhóm này với nhóm nọ. Cá nhân này với cá nhân kia. Chỉ cần nghĩ rằng hôm nay là ngày cuối của đời mình, tôi tin rằng thế giới sẽ có hòa bình ngay lập tức. Sẽ không còn ai khuyến khích đánh giết nhau. Vì đánh nhau, tranh giành tài nguyên, đất cát để lại cho ai? Mọi người sẽ thôi không còn tìm cách để tiêu diệt đối thủ nữa, mà buông vũ khí chạy ngay về nhà để gần gũi, thương yêu vợ con. Người giàu sẽ chia bớt của cải cho người nghèo, vì ngày mai chết đi họ cũng đâu có mang theo được. Vợ chồng sẽ yêu nhau thắm thiết hơn bao giờ hết, vì họ biết rằng chỉ ngày mai thôi, là sẽ mất nhau vĩnh viễn. Anh em cũng thôi xâu xé nhau vì chút gia tài. Con cái quan tâm chăm sóc cha mẹ hơn. Cha mẹ cũng thôi lo mê mải kiếm tiền, để cận kề, yêu thương con cái, biết quý trọng những ngày tháng còn sống bên nhau. Những người chủ gia đình sẽ không còn khề khà bên bia, rượu, mà tích cực làm ăn để rủi ngày mai mình ra đi thì không còn ai lo cho họ…

Trong ngày Xuân được hưởng bầu không khí ấp áp, tốt đẹp, an lành, sum vầy bên gia đình, chúng ta không thể không tri ân rất nhiều người. Từ những bậc tiền nhân đã dựng nước, bảo tồn đến nay đến ông bà, cha mẹ, thầy, cô. Người làm ra hạt gạo, củ khoai, rau, trái để cho ta bồi dưỡng, duy trì tấm thân. Người thầy thuốc, miệt mài tìm những phương thức mới để giúp con người giữ được sức khỏe. Đấu tranh, dành lại mạng sống của con người khi bị đe dọa. Người lao động bỏ công sức, mồ hôi để ta có được nhà cửa kiên cố, quần áo tốt đẹp, vật dụng, phương tiện ngày càng tinh xảo… Thậm chí, Đạo Phật còn dạy cho ta biết ân những nghịch pháp, vì đã làm cho ta trưởng thành hơn. Để có được một thân người toàn vẹn, thoát qua bao nhiêu ách nạn như hôm nay, chúng ta thọ ân biết bao nhiêu người. Vì thế, còn một ngày sống là còn một ngày trả nợ cho đời, cần sống cho xứng đáng. Rồi nếu có nhìn ra thế giới chúng ta sẽ thấy: Trong khi hiện tại nhiều nước đang còn chiến tranh, khủng bố, tật ách, tai họa thiên nhiên giáng xuống, nhiều nơi thậm chí nước không có đủ mà dùng, thì chúng ta được sống trong hòa bình. Mưa thuận, gió hòa. Mọi người yên ổn làm ăn. Đó là cái phước rất lớn, chúng ta nên trân trọng giữ gìn, vì theo Kinh viết thì phải là người tu nhiều kiếp mới được sinh ra trong thời thái bình, không bị thiên tai, nhân tai làm cho điêu đứng khốn đốn.

Ngày Mồng Một Tết theo các Chùa thì đó là lễ Vía Đức Di Lặc. Theo truyền thuyết thì Đức Thích Ca có nói rằng thời sau sẽ có Đức Di Lặc hạ sanh để cứu đời, cho nên nhiều Giáo Phái cũng dựa theo đó để mong đợi một ngày Đức Di Lặc sẽ từ trên trời hay ở nước nào đó ra đời để cứu độ chúng sinh. Lời Đức Phật Thích Ca có rất nhiều ẩn dụ, nếu ta không hiểu rõ có khi trở thành Nhị Thừa, mong đợi sự cứu độ của ngoại Phật. Trong khi đó, theo chính Kinh giải thích thì PHẬT không phải là Ông Phật - theo nghĩa là một vị Thần linh - mà đó là nói về tình trạng Giải Thoát khỏi Phiền Não. Người giải thoát khỏi Phiền Não thì được gọi là Phật. Nếu nói về cứu độ thì ngay cả con của Đức Phật Thích Ca là La Hầu La cũng phải tự tu để Tự Độ. Lẽ nào Ngài lại cứu độ cho ta? Nếu Phật cứu độ được thì nhân loại hẳn không còn chiến tranh, tật ách, đói nghèo, mà được hưởng hòa bình, an lạc từ lâu rồi. Lẽ nào tới thời này chúng ta còn chưa nhận ra điều đó?

Nhiều người thắc mắc không biết đến bao giờ thì Chánh Pháp hay Phật Di Lặc ra đời? Kinh dạy: Những người quay vô, năng tịnh, tự điều phục Lục Căn của mình, để Lục Tặc biến thành Lục Hộ Pháp. Tham Sân Si biến thành Giới, Định, Huệ. Phiền Não biến thành Giải Thoát. Địa Ngục biến thành Ao Sen. Lúc đó cái Tâm của họ đã được thanh tịnh, an vui, được Đức Thích Ca phương tiện gọi là Đức Di Lặc ra đời. Do đó, đâu cần ngóng lên trời hay hành hương sang nước nọ nước kia mong gặp được Phật? Đức Thích Ca và Chư Vị Giác Ngộ cũng là những con người bình thường như tất cả chúng ta. Do vậy, những gì các Ngài đã thực hành, đã thành tựu được thì chúng ta cũng sẽ làm được. Mấy ngàn năm về trước hay vô lượng đời sau cũng giống nhau. Vì vậy, thay vì quay ra, tìm ngoài, chờ đợi Phật nào bên ngoài sẽ đến để cứu độ, là điều không thể có, thì mọi người cứ quay vô Tâm mình. Chuyển hóa nó. Dùng 32 Tướng Tốt để hình thành vị Phật của mình. Không cần tìm kiếm đâu xa. Không cần quỳ lạy Phật nào, tượng nào. Tổ Đạt Ma dạy: “Đừng mang Phật ra mà lạy Phật”. Lục Tổ Huệ Năng thì dạy: “Muốn kiếm Phật phải ngó trong Tánh mình mà tìm. Đừng ngó ra ngoài thân mà kiếm”. Vậy tại sao ta không áp dụng theo lời các Ngài mà tìm đâu cho xa vời? Theo những gì tôi đọc được trong Chính Kinh, thì không cần phải đợi đến 3.000 năm, mà bất cứ thời điểm nào, nếu nơi Tâm của ai đã trừ hết Phiền Não, được Giải Thoát, thì Chánh Pháp hay Phật Di Lặc đã ra đời nơi quốc độ đó vậy.

Tháng 1/2015



VVM.30.1.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .