1.
Trong truyện Kiều, khi đề cập đến một nhân vật xấu – điển hình cho phe phản diện – là Tú bà, mụ chủ lầu xanh chuyên buôn bán gái tơ, thì chỉ với vài nét chấm phá, thi hào Nguyễn Du đã vạch ra một diện mạo xấu xí, đầy phản cảm, thật phù hợp với nghề nghiệp xấu xa của mụ ta: “Thoắt trông nhờn nhợt màu da”. Ngược lại, khi giới thiệu một nhân vật tốt – điển hình cho phe chính diện – là Từ Hải, lãnh tụ quân khởi nghĩa, Nguyễn Du cũng chỉ cần chấm phá gẫy gọn “Râu hùm, hàm én, mày ngài” mà nên diện mạo đẹp sáng, đầy oai phong của vị “khách biên đình”.
Đáng chú ý là trong cả hai trường hợp, thi hào Nguyễn Du đã mô tả trước cho độc giả chúng ta thấy diện mạo của nhân vật cái đã, sau đó ông mới cho biết về tên tuổi và sơ nét về tánh khí, nhân cách, nghề nghiệp… của nhân vật đang “diễn xuất” trong mạch truyện. Như về trường hợp Từ Hải, nhân vật tốt, khi đọc câu thơ thứ 2165 trong truyện “Râu hùm, hàm én, mày ngài”, người đọc có thể mường tượng ra ngay một con người tốt, trong sáng, lành mạnh… Và khi đọc đến các câu 2172, 2173 và 2174: “Họ Từ tên Hải, vốn người Việt Đông / Giang hồ quen thú vẫy vùng/ Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”, tức được tác giả cho biết thêm cụ thể một phần “sơ yếu lý lịch” của nhân vật oai hùng này, nhiều người trong chúng ta không khỏi hài lòng, thú vị về trực giác hay sự mường tượng chính xác đã có của mình.
Đó là trong truyện, tức trong tác phẩm văn học có hư cấu. Còn trong thực tế đời sống xưa nay, thì không cứ phải là thầy bói, thầy xem tướng, nhân viên điều tra hình sự hay chuyên gia tâm lý…, ngay ở lần đâu mới làm quen, đối diện với một người lạ, ai trong chúng ta thường cũng đều rất sớm - dù ít dù nhiều - có một số cảm nhận, mường tượng sơ khởi trong đầu về tính khí, nhân cách người đó, hay cũng có thể dự đoán ngay mà không sai cả về nghề nghiệp của người lạ ấy.
Trên đường phố, trong đám đông, cả trên màn ảnh truyền hình tại nhà, lúc nào người ta cũng có dịp diện kiến – nói nôm na là thấy mặt – vô số những khuôn mặt, nét mặt, vẻ mặt, kiểu mặt … khác nhau của người này, người nọ. Trong ngôn ngữ thường ngày, với từ ‘cái mặt’; hay ‘mặt’ thôi cho ngắn gọn, có thể kể: (cái) mặt con buôn, (cái) mặt võ biền,, (cái) mặt nhà báo, (cái) mặt trí thức, (cái) mặt chính khách, (cái) mặt thầy bói, (cái) mặt chữ nghĩa, (cái) mặt dân chợ trời, (cái) mặt dân chạy chọt, (cái) mặt dân anh chị.v.v…
Nay xin đi sâu vào một kiểu mặt xưa nay rất phổ biến trong cuộc sống – đặc biệt là cuộc sống nhiễu nhương, vàng thau lẫn lộn sau tháng 4-75 trong nước. Đó là, thật là một điều trái khoáy lạ lùng trong cuộc sống người Việt khi các giá trị tinh thần, đạo đức càng bị xuống cấp trước xu hướng hưởng thụ tiện nghi vật chất tràn lấn, tưởng mọi người sẽ trở nên duy lý, thực dụng, chỉ tin cái gì thực tế, kiểm chứng được… thì ngược lại, tâm lý mê tín dị đoan hay tà ma ngoại đạo (so với các giáo lý, tín ngưỡng truyền thống, như Phật giáo, Thiên Chúa giáo), đi tin những điều hư ảo, vô căn cứ… lại càng phát triển, ngay cả trong giới trí thức. Có thể xem kiểu mặt sắp được bàn ở đây được khái quát lên từ kiểu mặt thầy bói và mặt của những loại thầy tương tự khác, thành một thứ tạm gọi là kiểu mặt tâm linh, hay kiểu mặt thông linh nếu nhìn theo góc độ hướng ngoại của người mang kiểu mặt này.
2.
Thoạt nghe cái tính từ tâm linh đầy vẻ cao đạo, người ta dễ nghĩ ngay rằng người mang kiểu mặt tâm linh như thế hẳn phải thuộc về giới đạo gia, tu sĩ, tín đồ sùng đạo, giới nghiên cứu và hành đạo thuộc các tôn giáo chính thống hay tín ngưỡng dân gian, cả những đạo rất cao sâu, kín ẩn như Mật tông Tây Tạng, Uế tích kim cang, Khoa học giáo… Hay mặt khác, từ tâm linh có thể dùng để nói đến loại người sống hướng nội, có sinh hoạt nội tâm phong phú hoặc phức tạp, bao gồm cả mẫu người bay bổng, đa sầu, đa cảm thường thấy trong giới văn học, nghệ thuật.
Xưa nay, thực tế đời sống đã cho thấy những người đeo đẳng công việc suy nghiệm, đau đáu trầm tư mặc tưởng, đặc biệt là các triết gia, đạo gia, nhà triết học, nhà tư tưởng…, như các tên tuổi thuộc các hệ phái duy tâm/duy linh trong giới triết học, thần học Tây phương các thế kỷ trước, là Platon, Descartes, Nietzsche, Marx… thì dù thường là râu xồm xoàm và tóc dài thậm thượt nhưng gương mặt họ vẫn lộ rõ nét thông minh, trí thức; còn về những bậc hiền triết cổ xưa của đạo học Đông phương cùng hàng đạo gia, nho sĩ các đời sau, cũng đạo mạo, thướt tha áo dài khăn đóng, cùng trầm lặng tôn vinh thực tại tâm linh hơn thực tại vật chất, thì chân dung “quí tướng” của họ được đời sau vẽ lại, có thể cũng râu tóc xồm xoàm, dài thượt nhưng vẫn toát lên vẻ cao quý, bệ vệ, mà điển hình là chân dung Lão tử, Khổng tử, Bồ Đề Đạt Ma, Hải Thượng Lãn Ông…
Còn kiểu mặt tâm linh – hay còn có thể gọi thông linh – muốn nói ở đây thì khác hẳn những nét có nơi chân dung của những những nhân vật thượng đẳng về lãnh vực tâm linh, tư tưởng, trí thức của nhân loại nêu trên. Kiểu mặt tâm linh muốn nói ở đây không khác thường, không mắc mỏ, cao siêu gì cho lắm, vì tự thân kiểu mặt này không phải kén chọn người muốn đeo mang nó. Kiểu mặt này lại càng không hề là thần thái cao quý tự nhiên, tất yếu lộ ra nơi những người có nhân cách phi phàm, thân tâm đã đạt đến cảnh giới thực sự “đạo cao, đức trọng” như Descartes, Nietzsche, Khổng tử, Bồ Đề Đạt Ma…
Rõ hơn, kiểu mặt tâm linh hiện ra trong hai trường hợp, một là do người ta muốn làm dáng, hai là bộc lộ như hệ quả của một kiểu cách sinh hoạt đã kéo dài lâu ngày chày tháng về mặt tinh thần và xã hội.
Đặc trưng của kiểu mặt tâm linh là vài nét gì đó u uất, khép kín, có vẻ bí ẩn, có thể thấy nơi những người không hiểu sao nhân gian thường dễ dãi gọi gom chung là “thầy”, như: thầy bùa, thầy ngãi, thầy tụng đám ma, thầy tế, thầy cúng, thầy coi tướng số/chỉ tay, thầy chấm tử vi, thầy xem phong thủy, thầy lang vườn chữa bệnh bằng thuốc Nam…, tức gồm hết những quí thầy có thể hành nghề chuyên nghiệp, thường xuyên, cũng có thể chỉ là bán chuyên nghiệp, làm “nghề” chút đỉnh giúp bà con lối xóm trong lúc thầy thất nghiệp hay chưa có việc làm ổn định.
Lại có loại người khác, rất bình thường trong đám đông, vốn cũng thất nghiệp hay ít khi có việc làm ổn định như quý thầy nêu trên, nhưng khổ cái là họ lại chẳng có gì đặc biệt để được người khác gọi là ‘thầy’. Có điều là hể mở miệng ra là họ chuyên nói dông dài theo cách gần như dành quyền dạy người khác về toàn những đề tài ‘tâm linh’, như: sống ở đời phải tin tưởng Phật Trời cùng thần thánh, quỹ ma các loại, tin luôn cả những chuyện thần bí, lời đồn thổi huyền hoặc xưa nay thường lưu truyền trong dân gian, từ chuyện “hội Long Hoa” tái diễn cho đến “sấm Trạng Trình” linh ứng… Họ cũng sẵn sàng bấm quẻ trên ngón tay để xem vận hạn miển phí của người mời họ ly cà phê, hay dự báo cũng miễn phí cả cái số ‘giàu tới nơi’ của anh bán vé số quen mặt ở quán; hoặc mở rộng ra thế giới, họ đoán Trump trước sau gì cũng phải đánh Ủn, dù chỉ là một cuộc chiến 48 tiếng đồng hồ thôi là kết thúc, bởi lá số của Trump có sao này, sao khác tùm lum!
Một cách có chủ ý, loại người hay nhắc đến Trời Phật, ma quỹ này lúc nào cũng cố gắng tự bày dọn kiểu mặt tâm linh để minh họa cho kiểu ăn nói nửa bí ẩn nửa chán đời, khinh thường cuộc sống của mình.
Nổi bật trong đám người hay rao giảng về cõi siêu hình nói trên là những người một mực kính tín, có khi cuồng tín trong đức tin của riêng mình, siêng năng giảng đạo, ‘nói pháp’ y như những bậc đại sư, những nhà thuyết giáo chính danh. Rồi họ cũng hay thường xuyên tình nguyện làm công quả ở cửa chùa, cửa đền, cửa phủ; tự đi hay hô hào bá tánh đi hành hương đây đó, nhân tiện nhớ thỉnh về thờ ảnh, tượng rất ‘linh’ này nọ, cũng như hay phát tán những tin tức về phép lạ như Đức Mẹ khóc, Quan Âm đứng trên mây chỉ tay.v.v..
Mặt khác, những người có kiểu mặt tâm linh thường tuyên bố ồn ào hay ngược lại là thầm lặng tập tành một mình các môn Thiền đạo, Yoga, Pháp luân công, Khí công…tại nhà sáng tối. Hay ngược lại, không hề kén chọn người nghe, họ hăng hái ca ngợi tất cả mọi phương pháp, kỹ thuật rèn luyện tâm linh/tâm thể, như: chuyển pháp luân, thiền định, vận khí, trì chú, quán tưởng, điều tức, buông xả, xuất hồn, ngưng thở giả chết, tiết thực .v.v… ngay tại quán cà phê hay tại bàn nhậu.
Cũng nét mặt đó, nhưng bay mùi Âm khí một cách dân dã, đại chúng, là nơi những người thuộc giới đồng bóng, xác phàm thường ăn-ở-không mà chờ chực thần linh nhập vào mình, cả nơi những người bán nhang đèn, giấy tiền vàng bạc, hàng mã, áo mão mặc cho tượng thần linh.v.v…
Đặc biệt có lối tích tụ Âm khí một cách có vẻ cao đạo, trí tuệ hơn, đó là nơi những nhà ngoại cảm học, ngoại chất học khá hiếm hoi, chuyên nghề dẫn đường chỉ lối cho những ai cần tìm mồ mã, hài cốt người thân đã mất tích, thất tung.
Nói chung, kiểu mặt tâm linh có ít nhiều, hơn kém nơi những người, một mặt vẫn hằng ngày sống thở bình thường với nhu cầu vật chất thực tế cơm-áo-gạo-tiền, nhưng mặt khác, tự họ cảm thấy mình – đặc biệt hơn người khác – được hòa bản thân vào một tuyến liên lạc huyền bí với ai đó ở cõi vô hình, siêu hình mà họ gọi là cõi Trên, cõi Âm, cõi của người khuất mày khuất mặt…
Để rồi với gương mặt tỏ ra đầy vẻ tâm linh hay năng lực thông linh, họ tự phong, tự giới thiệu là họ có khả năng thông tin hai chiều với thế giới siêu linh, y các bạn trẻ lên net để chơi game online hay trao đổi, mua bán với E.trade vậy.
Hẳn là nhờ online với thế giới siêu linh, thầy bói mới có cơ sở tin tức, tư liệu phi-vật-thể gì đó để “tiết lậu thiên cơ” mà thu tiền quẻ. Và thầy bùa mới có nguồn cảm hứng để thiết kế ra đuợc bùa Năm Ông hay bùa Lỗ Ban. Và thợ mộc/thợ hồ mới có thủ thuật phù phép vào giàn cột kèo ở những căn nhà mới cất, sau này có thể gây nên hiện tượng “mộc đè” gia chủ. Và các xác phàm mới bỗng nhiên nói năng bằng cái giọng lạ hoắc, khó nghe của các Cậu , các Cô từ cõi Trên nào đó. Hay người tập Thiền lâu năm mới tuyên bố là mình nhắm mắt vẫn thấy được mây ngũ sắc giăng đầy trời hay đúng ra chỉ là một cõi trống không, hư vô… Vấn đề nằm ở chỗ các thầy, thợ, thiền giả… có thành thật khi tiết lộ những điều dị thường nói trên không, hay chỉ là tô vẻ, ngụy xưng về khả năng ‘online’ với ngoại giới của mình.
3.
Đối với riêng tôi, có thể gọi là kinh nghiệm thiết thân, cung cấp thêm ý tứ cho bài tản văn này là chính tại nhà mình, tôi đã có một cơ hội đặc biệt – giới mang kiểu mặt tâm linh thường gọi là có duyên, gặp duyên – để hầu tiếp một phụ nữ chuyên nghề xem phong thủy, coi hướng bếp, hướng đặt giường ngủ…
Lần đó, căn bếp nhà tôi cần sửa chữa thì vợ tôi, muốn kê hướng bếp cho đúng bài bản tin tưởng, đã nhờ người thân tìm cho kỳ được chị Bảy Lý, người chuyên xem phong thủy làm phước (miễn phí) ở tận miệt Long Điền (Bà Rịa), để dẫn chị Bảy đến nhà tôi ở Sài Gòn. Chỉ có thế thôi nhưng tại nhà tôi, nhà phong thủy này biểu lộ một phong cách rất kỳ lạ, nặng trình diễn, như: vẻ mặt dửng dưng, cao ngạo, không bao giờ nhìn vào mắt người tiếp chuyện; mời trà nước, bánh trái thì không đụng tới cũng không thèm nói cám ơn cho phải phép… Và trên hết là chị ta chuyên dẫn dắt mọi người đến những đề tài huyền hoặc, vô căn cứ, như: “Gia chủ có nghe tiếng gì không? Không phải gió đâu! Tiếng của hồn đó! Cuộc đất này hồi xưa có nhiều hồn chết oan lắm, lo cúng đi!” , hay “Gia chủ cũng có phước đức và chút duyên nên mới gặp được tui bữa nay. Tôi làm phước, chỉ không cho cái hướng bếp, phải nghe lời, kê cho đúng nghe. Hồi trước nghe lời thầy nào mà kê bậy bạ vậy?”….
Qua tiếp xúc với một số người có kiểu mặt tâm linh khác, nhiều lần tôi cũng lại bị biến thành nạn nhân của chứng tự hãnh, tự phong nhảm nhí của họ, nhất là khi họ tỏ ý sẵn sàng làm phước (lại làm phước!), rằng nếu tôi chịu thụ giáo, theo họ tu luyện, tập tành… thì sẽ thu thập được nhiều chứng quả phi thường hay cái thân còm nhom của tôi sẽ có được những năng lực, khí công, pháp luân ghê gớm, vân vân và vân vân!
(Sydney, tháng chạp…)