N gày cuối năm. Rừng chiều xao xác lá rơi. Tiếng chim lảnh lót đều đều “bắt cô trói cột”…“bắt cô trói cột” như tiếng người, làm cho chàng bớt cảm giác vắng lặng.
Rừng im phăng phắc. Gió hoang vu miên man vờn mái tóc phong sương của chàng . Bỗng có tiếng chân lao xao rất nhẹ trên lối nhỏ đầy lá khô. Tiếng bước chân như đang nhảy múa, uyển chuyển tiến gần về phía chàng. Nhanh như con sóc, chàng leo lên chòi gác, giương súng ngắm.
Chàng hướng tầm ngắm về phía tiếng bước chân. Xoay đi xoay lại một lúc, nòng súng hiện ra một cô gái. Thiếu nữ mười sáu, dáng thanh mảnh, mái tóc đen dài buông dưới lưng ong. Nàng nhởn nhơ đi một mình trong rừng. Chiều không buông nắng. Nàng tiến sâu vào tầm ngắm của chàng. Tưởng rừng không người, nàng ngẫu hứng hát: “Anh đi đường ấy xa xa/ Để em ôm bóng trăng tà năm canh/ Nước non một gánh chung tình/ Nhớ ai ai có nhớ mình hay chăng?”.
Giọng hát dân ca trong như tiếng nước chảy, suối reo của nàng khiến chàng ngây ngất. Chàng từ từ buông súng và nhảy xuống đất.
Đợi nàng đến gần, chàng nhô ra khỏi bụi cây, gọi khẽ:
- Này cô em. Sao dám đi một mình vào rừng rậm. Không sợ cọp hổ báo, rắn sao?
Bất ngờ gặp một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, da xém nắng nơi rừng sâu, dây leo chằng chịt, nàng hơi đỏ mặt, trả lời nhỏ nhẹ:
- Anh ở rừng này à? Anh trông nom bọn hổ báo chăng?
- Đấy là việc của đàn ông. Cô là ai? Cô đến đây làm gì?
- Em tên là Xuân. Hương Xuân. Em ở rừng thông bên kia, mải kiếm củi khô, lỡ bước vọt qua khu rừng của anh lúc nào, em chẳng biết.
- Cô ngây thơ, dại khờ thế. Đi vào rừng phải có la bàn chỉ hướng chứ?
- Em chẳng sợ. Ở rừng quen rồi, nhìn bóng nắng là biết hướng. Nhỡ lạc đường em hú gọi, sẽ có người đến cứu.
- Cô có vẻ tự tin gớm nhỉ?
- Em có làm gì nên tội mà sợ hãi.
- Đi lạc đường ắt gặp hiểm nguy. Cô không biết à?
- Lòng tốt và sự trong sạch sẽ cứu em. Không ai nỡ giết một con người vô sự với tạo hóa.
- Cô nói chuyện cũng hay đấy. Nào cô em, ngồi xích lại gần tôi chút nữa, mình trò chuyện thân mật với nhau hơn. Đêm nay ta cùng đón Xuân ở rừng nhé. Nhìn kìa em, cây già trụi lá, mầm non xanh đang nhú ra từ thân cành của nó, xua mùa Đông lạnh giá. Cô em ơi! Anh gọi em là em, không xưng hô lạnh lùng, cô cô tôi tôi nữa. Mùa Xuân đến rồi đấy, ăn nói dịu dàng với nhau dễ chịu hơn dùi đục chấm mắm cáy.
- Em ngu ngơ khờ dại , biết nói chuyện gì với anh?
- Thì cứ nhấm nhẳng như thế cũng được.
- Vâng.
- Anh có quê hương không?
- Sao lại không. Người Việt dù đi năm châu bốn biển vẫn khôn nguôi nhớ về ngôi làng, nơi cha sinh mẹ đẻ ra mình.
- Mỗi lúc nhớ về làng, anh nhớ những gì?
- Anh nhớ đồi cọ xanh xòe ô xanh ôm lấy những người dân hiền lành, lam lũ. Rừng cọ gọi gió thơm từ cánh đồng vàng lúa trĩu bông, ru hồn người. Anh nhớ giếng làng sâu thăm thẳm màu mây, nắng, trăng sao. Nước giếng trong vắt, ngọt ngào, sớm tối người quê chân đất, mang gầu thả dây xuống múc nước, uống được luôn.
- Ai lại uống nước lã thế. Bố em dạy bọn em không được ăn quả xanh, uống nước lã.
- Ngốc ơi! Nước giếng làng rất sạch, không có vi trùng. Nó là nước trong nguồn chảy ra. Sạch thơm mát như Tình Mẹ.
- Thích nhỉ? Quê anh đẹp thế, trong lành thế. Khi nào rảnh anh cho em về quê anh chơi nhé.
- Cũng có thể… Nhưng anh còn công việc của anh. Anh còn phải đền trả nợ nước non. Chẳng lúc nào anh được rời tay súng em ạ.
- Anh ngủ cùng với súng à?
- Đúng rồi em. Anh không được phép rời súng.
- Thế sao từ lúc gặp em, anh quăng súng vào bụi cây? Anh liều thế!
- Em biết anh quăng súng à?
- Vâng. Em biết. Vì thế em mới dám ngồi lại gần anh để nói chuyện nhăng nhít.
- Anh là Con Người mà em. Trước gương mặt Thánh Thiện, súng đạn vô dụng em ạ.
- Thế súng của anh để bắn ai?
- Bắn những kẻ tử tù. -
- Tội quá anh ạ. Em biết có kẻ tử tù là con người dám hành động cho lẽ sống mà nó lựa chọn, nhưng không hợp thời. Em yêu cả kẻ tử tù. Em muốn cứu tử tù. Anh nghĩ sao?
- Em ngây thơ thế. Em không sợ bị liên lụy à?
- Có sợ một chút thôi. Nhưng nghĩ sâu hơn, em thấy hết sợ. Cứu một người phúc đẳng hà sa. Lúc nào cứu được là em cứu. Một khi không cứu được, em sẽ dâng tín hiệu cho tử tù biết được rằng, cõi Người còn có một Con Người biết yêu thương, trước khi linh hồn người tử tù rời khỏi thân xác…
Im lặng mênh mông ngập rừng chiều.
Chàng sững sờ trước một bông hoa rừng thơm hương quả thông. Nàng đẹp giản dị đến bất ngờ, thầm tỏa hương ngan ngát vị cay nồng của cây rừng mọc lên từ sỏi cát. Chàng muốn khóc. Chàng nhìn về phía trái khu rừng rậm rạp, gai nhọn xuyên lủa tủa, trong hang đá, một kẻ tử tù đang khắc khoải đợi mùa Xuân.
Chàng quay lại nhìn sâu vào đôi mắt mở to đăm đăm của nàng, thầm đọc một câu thơ bẻ đôi: “Đôi mắt em buồn đến nỗi anh nhìn thấy những tháng năm chiến tranh, chia ly, chết chóc đang gầm thét hiện về… hiện về… hiện về…”
Nàng ngỡ ngàng trước đôi mắt thao thiết nhìn mình dịu dàng đến xôn xao, nàng lúng túng:
- Anh đang nghĩ gì vậy?
- Anh đọc thơ.
- Ai lại đọc thơ thầm chán chết. Anh đọc to lên cho em nghe được không?
- Ừ. Anh tặng em những câu thơ bị bẻ đôi này. Giữ nằm lòng nghe em: “Anh nói với em một điều giản đơn/ Xin em đừng tin những điều lải nhải quanh em/ Hãy cúi xuống tin vào đôi bàn chân em đang bước đi/ Hãy ngẩng lên tin vào tiếng đập trái tim ngực em/ Và nếu có thể, xin em hãy tin vào tình yêu tôi dành tặng cho em hôm nay/ Khi tâm hồn tôi cũng đã khoác ba lô lên đường/ Bỏ lại những tháng ngày đớn hèn chật chội đời tôi…”
*
Rừng chiều. Im lặng. Nước mắt thầm rơi, thấm lá khô rừng chiều. Bầy chim rừng cất tiếng hòa ca.
Nàng nghẹn ngào nắm đôi bàn tay chai sần vì cầm súng của chàng.
Chàng khẽ nói với nàng giọng buồn dịu dàng:
- Em hát cho anh nghe đi.
- Anh muốn em hát dân ca, hay hát ru tử tù?
- Hát ru tử tù em ạ.
- Ở đây làm gì có tử tù mà hát ru?
- Em cứ hát cho anh nghe đi, em tưởng tượng như đang đứng trước kẻ tử tù mà em yêu… và em hát.
- Vâng.
Rừng chiều im lặng.
Ngọn gió hoang đệm đàn nâng tiếng hát của nàng bay cao, bay xa, vút lên các tầng trời: “Em gửi tặng anh những bông hoa ngoài bãi sông/ Những bông hoa không có tên/ Những bông hoa có mùi của đất bùn/ Có mùi của nắng/ Có mùi của những cơn gió không hề biết do dự/ Những bông hoa có cuộc đời ngắn ngắn ngủi ngủi quyết liệt/ Chúng chỉ sống có một ngày/ Chúng chỉ nổ tung cánh vào lúc bình minh/ Khi Đất- Trời rạng sáng/ Và chúng rụng cánh tả tơi tàn lụi khi mặt trời lặn xuống…”
Những ngọn gió hoang hân hoan, rạo rực chở tiếng hát của nàng bay khắp rừng già, bay về những mái lều đồng xa xơ xác, bay xuống ruộng lúa non đang rét cóng đợi mưa Xuân…
Rừng chiều chuyện động hòa ca cùng tiếng hát của nàng. Cây khô nẩy mầm xanh. Rừng chiều chuyển mùa Xuân.
Chàng và nàng nắm tay nhau đi giữa Rừng Xuân như hai đứa trẻ mải mê đố lá tìm hoa.
* Thơ Nguyễn Đình Chính