ĐÔI HÀNG VỀ HỒ THIÊN NGA
của
P.I. TCHAÏKOVSKI
M ùa hè năm 1875 Giám đốc nhà hát hoàng gia Nga tại Moscow, Vladimir Petrovich Begichev, yêu cầu Tchaikovsky (1840-1893 ) viết cho nhà hát một vũ kịch ba lê. Công việc này là một công việc hoàn toàn đổi mới bởi vì loại nhạc này , cho đến nay chỉ dành riêng cho các chuyên gia soạn ballet như nhạc gia Minkus (1826-1917) người Áo hoặc người Pháp như Léo Delibes (1836-1891), lần đầu tiên lại giao cho một nhà soạn nhạc giao hưởng .
Sau này Tchaïkovski đã thuật chuyện lại với Rimsky Korsakov (1844-1908) là ông chấp nhận sự yêu cầu đó một cách dễ dàng " trước hết là vì cần tiền " thứ đến "bởi vì từ lâu tôi cũng muốn thử sáng tác về thể loại nhạc này . "
Thực vậy, Tchaikovsky, mùa hè năm 1872, Tchaïkovski đến Kamenka - Ukraine trong trang trại của gia đình cô em gái ông, Alexandra Davidova, để giải trí cho mình và cho các cháu ông đã tưởng tượng và viết ra một vở ballet nho nhỏ đó là vở ballet " The Swan Song" , nguồn chính cho vở múa ba lê lớn 4 năm sau ...
Câu chuyện về một cái hồ mà hình như Begichev (1874-1927) và Tchaïkovski đã có ý tưởng trong một cuộc họp mặt của nhóm nghệ thuật Salon Shihouskaya mà cả hai cùng tham gia tuy nhiên về gốc gác và ai thực sự là tác giả kịch bản lại khá rắc rối cho tới ngày nay vẫn còn được tranh cãi.
Theo Fyodor Lopukhov (1886–1973) , một người rất có uy tín trong vũ kịch ba lê Nga gọi là Swan Lake một vở "ba-lê của nước Nga" vì lẽ theo ông thì những con thiên nga đã được đề cập rất nhiều trong các chuyện kể lãng mạn Nga và vũ đạo của ballet thường bắt chước các động tác của điệu vũ Slavơ ( cụ thể các điệu vũ trong một vòng tròn ).
Cũng theo ông thì dù cho câu chuyện có diễn ra ở Đức hình ảnh của con thiên nga và chủ đề của một tình yêu trung thành vẫn chủ yếu là Nga. Nền tảng của tiết tấu bắt cảm hứng từ câu chuyện Le Voile Dérobé (Der geraubte Schleier) trong bộ sách 5 tập truyện hoang đường Đức Volksmährchen der Deutschen. Chuyện hoang đường dân gian Nga Chú Vịt Trắng (Le Canard Blanc) là một nguồn khác. Những người đương thời với cũng lại nhận ra một sự quan tâm đặc biệt của Tchaïkovski về vua Louis II de Bavière (1845-1886) mà sự kết thúc bi thảm cuộc đời của ông vua này thường tượng trưng bằng chú thiên nga , có ý thức hay không, được chọn lựa như một nguyên mẫu của hoàng tử Siegfried mơ mộng ! .
Thường thì người ta đồng ý rằng kịch bản là do Begichev viết.
Tchaïkovski hoàn tất nhạc cho Swan Lake vào tháng 8 năm 1875, ba tháng sau ngày nhận lời với giá tiền thù lao thực khiêm tốn là 800 roubles .
V.P. Begichev trao cho Julius Wenzel Reisinger (1828-1872), người biên đạo chính của nhà hát Bolchoï , một sự chọn lựa rất đáng để bàn cãi nếu nhìn qua kết quả mà người biên đạo này đã đạt được cho tới lúc này …qua nhiều vũ kịch của Julius Reisinger như Kashchei (1873) và Stella (1875) … hầu như tất cả đều bị chỉ trích kịch liệt và bị đánh giá khá năng qúa tầm thường của Reisinger. Chỉ một sự thành công duy nhất mà Reisinger đạt được qua vở vũ kịch La Pantoufle de verre khi ông ta vừa … mới tới làm việc cho nhà hát Bolchoï.
Rất truyền thống chủ nghĩa , Reisinger đã từ chối hợp tác với Tchaïkovski và tự lâm vào một tình huống khó khăn với phần âm nhạc nên đã tự ý cắt bỏ hoặc dàn xếp theo ý ông ta ngoài ra Reisinger còn thêm thắt vào đó những khúc nhạc của nhiều nhạc sĩ khác nữa vì vậy Tchaïkovski đã giận dữ , không còn tài nào chịu đựng được người biên đạo này nữa.
Phần trang hoàng cảnh trí do Changine, Gropius và Valts chịu trách nhiệm cũng qúa tầm thường . Dàn nhạc được điều khiển bởi Stépan Riabov - một nhạc trưởng « tài tử » theo lời thuật lại của Modeste, em của Tchaïkovski và phần diễn viên múa: Cô Odette-Odile thứ nhất với Pelageïa Karpakova, không thể có tầm vóc nghệ thuật của một nữ diễn viên ba lê . Cô ta được thay thế bởi Anna Sobeshchanskaïa , 34 tuổi ...Cả hai đều không thể có khả năng thủ diễn những vai chính yếu và không hiểu rằng họ phải thủ diễn trong một thảm kịch mà không phải chỉ để mình trong những thế nhảy đập chân mà họ thích. Trong khi đó thì biện đạo chính Julius Reisinger chỉ ở khả năng sắp xếp những thực hành về thể dục thể thao.
Những chi tiết này là chắc chắn không ngạc nhiên với kết qủa : ngày 4 tháng 3 năm 1877 buổi ra mắt đầu tiên vở ballet Swan Lake tại Nhà hát Bolshoi là một ngày hoàn toàn thất bại vì công chúng vào thời gian này ít hiểu về nhạc giao hưởng dành cho ballet nên không nhận định ra được sự phong phú của phần dàn bè và theo chính lời than thở của Tchaïkovski thì đó là " một thất bại nhục nhã " và vở ba lê sau cùng đã bị gỡ bỏ khỏi bảng quảng cáo.
Phải đợi tới khi Tchaïkovski qua đời để vở Swan Lake hồi sinh với Marius Petipa (1818-1910) vào năm 1894. Người ta có thể đọc những hàng chữ của M.Petipa viết trong hồi ký của ông :
“Tôi đến nhà giám đốc của nhà hát Mariinsky để nói với ông ấy rằng tôi khó có thể nhìn nhận được rằng âm nhạc của Tchaïkovski là dở. Theo quan niệm của tôi thì tác phẩm bị thất bại là do sự dàn dựng và về vũ đạo. Tôi yêu cầu ông ấy cho phép tôi xử dụng theo cung cách của riêng tôi về tác phẩm của Tchaïkovski để dựng lại tại St-Peterbourg, và ông Vsevolojski đã chấp thuận một cách thật nhiệt tình”.
Marius Petipa và Lev Ivanov (1834-1901) đã làm lại hoàn toàn phần biên đạo của ballet, Petipa tự đảm trách phần vũ của hồi thứ 1 và thứ 3, Ivanov phần “vũ ballet trắng”. Ricardo Drigo, nhạc trưởng nhà hát Mariinsky, chỉnh đốn lại phần dàn bè .
Tóm tắt phiên bản Swan Lake của Marius Petipa :
Hoàng tử Siegfried và Wolfgang , vị gia sư , đang vui chơi tiệc tùng thì một sứ gỉa của Hoàng Hậu cho họ biết tin là Hoàng hậu sắp tới . Đã từ lâu Hoàng hậu muốn tìm một người vợ cho Hoàng tử Siegfried dù rằng hoàng tử không muốn . Tức chí, mọi người bỏ di vào rừng săn bắn.
Ngay cạnh bờ một chiếc hồ, trong khoảng khắc cô đơn, Siegfried rơi vào một bầy thiên nga tự biến hình thành những người con gái; một trong số các cô, Công chúa Odette, được Hoàng tử chú ý tới , bị phù thủy Rotbart trù ếm : làm một con thiên nga ban ngày, biến thành một người đàn bà vào ban đêm, Công chúa phải sống như thế cho tới ngày sự phù phép này mất hiệu lực bởi một cuộc hôn nhân.
Cảnh tượng buổi khiêu vũ do Nữ Hoàng tổ chức, buổi khiêu vũ cho phép Hoàng tử Siegfried tìm ra được một người mà chàng sẽ lấy làm vợ. Hoàng hậu cho giới thiệu với Siegfried sáu người con gái có thể có hy vọng vừa lòng Hoàng tử nhưng Siegfried đều từ chối.
Rothbart, phù thuỷ, đến với con gái ông ta, Odile, cải trang thành Odette. Hoàng tử rơi vào bãy và tuyên bố chính thức hứa hôn với Odile. Phù thủy Rotbard rất hài lòng vì đã đánh lừa được tất cả, bỏ đi trong chiến thắng trong khi đó thì Hoàng tử chợt nhận ra một cách rất ngắn ngủi thiên nga Odette trong tình trạng vô cùng tuyệt vọng.
Thế là Siegfried bỏ chạy tới hồ trong một đêm giông bão để xin được tha thứ. Odette tuyệt vọng chết trong vòng tay hoàng tử. Điên cuồng vì đớn đau, hoàng tử quẳng chiếc vương miện vào hồ trong lúc nước hồ dâng lên lôi theo cặp tình nhân vào lòng hồ. Sự tĩnh lặng trở lại và những con thiên nga lại tung tăng trên mặt nước hồ như để xoá tan đi nếp nhăn trên mặt nước.
Với phiên bản này, Petipa cho trình diễn, lần đầu tiên, vào ngày 15 tháng 1 năm 1895 và đã gặt hái được một sự thành công vô cùng rực rỡ.
Cũng như như La Belle au Bois Dormant hay Casse noisette (The Nutcracker) , Swan Lake vẫn còn phải kéo dài một thời gian trước khi những nước phương Tây và trên thế giới biết đến . Năm 1911 tại London Anh quốc, những vũ nữ ballet Nga của Diaghilev , lần đầu tiên trình diễn phiên bản của Petipa và Ivanov , được Fokine xét duyệt lại , với Mathilda Kschessinska và Vaslav Nijinsky .
Hiện nay có khoảng hơn hai mươi phiên bản của Swan Lake trong đó chúng ta cần phải kể tới phiên bản của Serge Lifar ( năm1936 tại Paris), của George Balanchine ( năm1951 tại New York), hoặc của Nureyev ( năm1984 ở Paris).
Swan Lake không được sắp xếp vào danh mục trình diễn tại Opéra Paris cho tới năm 1960, trong phiên bản dài do Bourmeister xếp đặt dựa theo bản dàn bè ban đầu của Tchaikovsky, lấy lại theo thứ tự và phục hồi cho vở ballet 4 hồi nguyên gốc, đã bị rút ngắn lại còn 3 trong phiên bản của Petipa.
Tuy nhiên trong số tất cả những phiên bản đã được cải biên thì phiên bản của Matthew Bourne trình diễn tại London năm 1985 là ít “chính thống” nhất trong đó người ta ngạc nhiên khám phá một ballet SwanLake với những con thiên nga nhẩy múa với sức mạnh của những nam diễn viên .
Có 4 màn kết thúc khác nhau của vở hát:
1. Tình yêu chân thực của Odette và Siegfried đã đánh bại Von Rothbart, hoàng tử đã cắt được một chiếc cánh của phù thủy và Rotbard chết.
2. Siegfried tuyên bố tình yêu của mình với Odile mà chính hoàng tử không biết rằng làm như thế là đã kết án người yêu cuả mình, Odette vẫn phải vĩnh viễn là một con thiên nga . Nhận ra rằng đây là những giây phút cuối cùng của mình trong vóc dáng một con người, cô tự tử bằng cách nhảy xuống hồ. Hoàng tử cũng nhẩy theo . Hành động của tình yêu và sự hy sinh của đôi tình nhân đã phá hủy mọi khả năng phù phép của Rothbart và đôi tình nhân được phong thánh đã bay bổng lên thiên đường ;
3. Siegfried chạy ra hồ , cầu xin Odette tha thứ cho mình. Hoàng tử ôm Odette trong vòng tay , nhưng Odette chết. Nước hồ dâng lên cuốn theo đôi tình nhân.
4. Siegfried đã tuyên bố tình yêu với Odile, hoàng tử đã tự kết án mà không biết, Odette vẫn chỉ mẵi mãi là một con thiên nga . Odette bay lên dưới hình thể một con thiên nga . Siegfried rơi lại trong đau khổ, tuyệt vọng .
Một công trình huyền thoại, Swan Lake là viên ngọc quý của truyền thống lãng mạn , hoan nghênh trên toàn thế giới nơi mà cảm xúc luôn giống nhau mỗi khi màn nhung vừa hạ xuống với sự kỳ diệu của vũ đạo , một vũ đạo đã biết làm cách nào để chuyển dịch tình cảm mà ngôn từ không thể diễn tả nổi.
"Que le vent qui gémit,le roseau qui soupire
Que les parfums légers de ton air embaumé,
Que tout ce qu'on entend, l'on voit et l'on respire
Tout dise: ils ont aimé!"
A. de Lamartine - Le Lac (1820)
Tạm dịch :
" Hãy để cho gió rên rỉ, cây sậy thở dài
Để mùi thơm nhẹ ấp đãm không gian ,
Để tất cả mọi thứ ta nghe, ta thấy và ta hít thở
Tất cả đều nói rằng : Họ đã yêu nhau ! "
A. Lamartine – Chiếc Hồ (1820 )
Chiếc «hồ Thiên Nga của Tchaïkovski» chắc chắn rằng sẽ khó có thể, không bao giờ có thể cạn được nước .
Ghi Chú :
A.de Lamartine tên thật là Alphonse Marie Louis de Prat de Lamartine sinh ngày 21 tháng 10 năm 1790 và qua đời ngày 28 tháng 2 năm 1869 là một nhà thơ, nhà văn theo trường phái lãng mạn nổi tiếng của nước Pháp.