Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

“TIẾNG GÕ CỬA ĐÊM”,

TIẾNG GỌI YÊU THƯƠNG MÃI CÒN VANG VỌNG





T “iếng Gõ Cửa Đêm”, là tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Mây, sách dày 160 trang, vẽ bìa Hồng Xuyến, trình bày Dũng Nhân , do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành - 2012.

“Tiếng Gõ Cửa Đêm” gồm 15 truyện ngắn, là 15 tâm sự thao thiết về những mảnh đời bất hạnh, những ưu tư, khát vọng hiến dâng, ước mơ làm đẹp đời sống mà tác giả đã bao phen trăn trở - đó là “tiếng gọi yêu thương mãi còn vang vọng”, trong đời sống của mỗi chúng ta.

“Tiếng Gõ Cửa”, là tiếng gõ từ hai thanh gỗ “cắc cắc cụp, cắc cắc cụp” gọi mời khách mua phở đêm của một cô gái thay mẹ bị bệnh đẩy chiếc xe phở bán dạo giữa phố khuya vắng, nhiều nhà đã đóng cửa ngủ say!. Tiếng gõ buồn bã, đơn điệu hằng đêm đã trở thành quen thuộc với những người đang yên ấm, trong dãy phố im lìm kia, gọi mời những người thích ăn khuya “mở cửa”.

Mấy ngày đầu thay mẹ đẩy xe phở, A Lành nơm nớp lo sợ. Giữa phố khuya, sự vắng vẻ yên tĩnh đã làm cô cảm thấy chung quanh như có sự bất trắc. Nhất là những tiếng cười cợt khiếm nhã, hay những cử chỉ đồi bại của những gã sàm sỡ, phát mông, bẹo má, làm cô kinh hãi.

Lâu dần rồi cô cũng phải quen, cô nghĩ, họ thật tham lam, bỏ ra một ít tiền nhưng muốn được nhiều thứ. Và rồi, đôi khi cô không hiểu vì sao má cô chọn nghề này? Cái nghề mà, “Đêm đêm, khi mọi người quây quần trong căn phòng ấm cúng để xem ti vi, hoặc cuộn người trong chăn ấm nệm êm thì má cô phải lê chân dọc hè phố. Chốc chốc má dừng xe lại gõ những tiếng cắc cắc cụp, cắc cắc cụp… thay cho tiếng gõ cửa mời khách. Những đêm trời trong, gió mát, má lại không thích bằng những đêm mưa dầm lạnh buốt. Thời điểm đó, má bán đắt hơn. Giá rét làm cho người ta chóng đói, thèm một bát phở nóng bốc khói. Những đêm như thế, má về nhà sớm hơn. Tay chân run lẩy bẩy nhưng ánh mắt má ngời lên những tia sáng ấm áp, tin yêu”. (Tiếng Gõ Cửa Đêm - trang 8).

Lành thương má đã khổ cực dầm mưa đẩy xe trong giá rét. Cô sợ những đêm mưa dai dẳng, buồn hiu ấy, nên có lần bàn với má kiếm một chỗ bán trong chợ. Nhưng má bảo rằng, phải sắm dù, sắm lộng để che nắng che mưa, phải sắm bàn ghế cho khách ngồi, rồi còn phải tranh giành chỗ ngồi, tranh khách với người ta nữa. Giọng má trầm buồn: “Muốn kiếm tiền đâu phải dễ. Nhất là những đồng tiền lương thiện. Phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, con ơi”.

Thương má bao nhiêu, Lành càng ghét tía mình bấy nhiêu. “Người đàn ông có một bầy con rơi. Tía cô là một tài công của một chiếc đò máy đưa rước khách. Cứ mỗi bến sông, nơi đò ghé lại tía quan hệ lăng nhăng với một người đàn bà. Tía gọi đó là tình lẻ. Mỗi mối tình lẻ cho ra đời một đứa con và lần lượt chúng được tía gom lại đem về giao cho mối tình lớn nuôi nấng. Thằng A Chẩy, con A Muối, con A Duồn và bé Xung Xung, chúng tụ về làm con má. Tía lại theo đò trôi nổi trên sông, năm thì mười họa mới quay về. Ở nhà ăn ngủ dăm ba hôm rồi lại đi. Chưa bao giờ A Lành thấy tía đưa tiền cho má”. (Tiếng Gõ Cửa Đêm - trang 9).

A Lành thấy cuộc đời sao mà héo hắt, bạc bẽo đến vậy. Nhìn má ngày càng gầy rạc, ho khan, cơn ho kéo dài làm má run người, khiến cô thêm đau xót. Phở “ế” luôn còn nhiều, tiền kiếm được không đủ mua gạo, các em phải nhịn đói nhiều ngày; nên cô nghỉ học, thay má đi bán phở.

Lần đầu, A Lành bỡ ngỡ, lúng túng, chỉ làm mấy bát phở mà trông cô thật khó khăn, mồ hôi dầm dề. Mấy bà khách lại khó tính, khen chê đủ điều. Khách đàn ông thì trêu chọc, bẹo má, nắm tay, vuốt tóc. Cô cảm thấy tủi thân, buồn cho phận mình, muốn chết quách cho xong. Nhưng rồi, cô nghĩ thương má, mới đi bán có một buổi mà biết bao ê chề, cay đắng, so với má bao năm dài đằng đẵng giữa trời đêm thì cô có nghĩa lý gì. Lành nghĩ thương lũ em khờ, bây giờ chúng biết trông chờ vào ai? Cô tự an ủi. “Kể từ nay, mình là chỗ dựa của cả nhà. Nếu phải hy sinh tương lai của mình cho gia đình thì cuộc sống cũng có ý nghĩa lắm rồi. và A Lành cảm thấy hạnh phúc vô cùng”. (Tiếng Gõ Cửa Đêm - trang 12).

A Lành đẩy xe về tới ngõ đã thấy đèn điện sáng choang, khác với những ngày thường. Cô ngạc nhiên, vội đẩy xe nhanh hơn vào ngõ. Cô mừng rỡ khi thấy tía về, nhưng rồi niềm vui biến mất khi nghe tiếng khóc “tu oa” của trẻ từ mớ chăn gối chỗ má nằm nghỉ. Cô vội chạy đến bên giường, má quay mặt vào vách cố nuốt cay đắng. “Cô lớn tiếng hỏi: “tại sao thế này hả tía?”. Tía cô thản nhiên đáp: “Ờ, em mày đó. Mẹ nó không chịu nuôi giao cho tao, tao đem về đây”. A Lành kêu lên: “Trời ơi! Má bệnh không tiền thang thuốc. Tía không giúp thì thôi, còn nỡ đem của nợ về giao cho má”. A Lành bật khóc. Chẳng biết bao giờ má mới được yên. Bất ngờ trước phản ứng của Lành, nhưng ông vẫn điềm tĩnh: “Má mầy không đẻ được, tao đem con về cho nhờ lúc về già, đòi gì nữa. Phải bỏ công mới được hưởng chứ. Đó, chưa gì bà ấy đã nhờ mầy rồi. Con nuôi như vậy thôi chứ. Còn muốn gì nữa”. (Tiếng Gõ Cửa Đêm - trang 13).

Má cô hốt hoảng ngồi bật dậy, nhìn cô nghẹn ngào. Cô chợt hiểu, lòng xúc động - thảng thốt. Câu nói của tía cô: “Má mầy không đẻ được, tao đem con về cho nhờ lúc về già, đòi gì nữa. Phải bỏ công mới được hưởng chứ. Đó, chưa gì bà ấy đã nhờ mầy rồi, con nuôi như vậy thôi chứ” vang dội trong chiếc đầu nóng ran, khiến cô chới với. Thương má, cô chẳng nói nên lời, nghẹn lòng, chua xót. Cô nghĩ, má cô là người phụ nữ nhân hậu, luôn yêu thương người, nhưng sao phải chịu nhiều cay đắng như thế?

Ngoài sân, gió đông vẫn thổi, nhưng cô cảm thấy ấm áp, yêu thương, như mùa xuân đang về, trổi dậy đâu đây. Cô bật lên: “Má! Má của con”, với lòng kính yêu tuôn tràn, như sợ mình không được làm con của má nữa.

Bằng lời văn giản dị, trong sáng, với phong cách biểu cảm riêng, nhà văn Nguyễn Thị Mây đã tạo cho người đọc sự đồng cảm cao độ, dào dạt xúc động, thương cảm - nhất là sự bất ngờ của tình huống phần cuối truyện, khiến người đọc ứa nước mắt, khi biết A Lành là một đứa con nuôi trước khi khép lại “tiếng gõ cửa đêm”. Nhưng tiếng “gõ cửa đêm” luôn âm vang, xói vào lòng người đọc một nỗi đau, nỗi day dứt, về thân phận người phụ nữ vô sinh, bị chồng ruồng bỏ, rẻ rúng - một người vợ, người mẹ đảm đang, nhân hậu, luôn yêu thương rộng mở; dù phải hy sinh bản thân, chịu bao đắng cay, khổ nhọc để nuôi những đứa con chồng; một người con luôn cảm thông, chia sẻ với mẹ, chí hiếu.

Bên “Tiếng Gõ Cửa Đêm”, còn có “Ruộng Đồng Thầm Lặng”, với những cơn mưa trắng trời, đất nhão mềm, người thì buồn se thắt. Người mẹ lầm lũi bước trong mưa, ra đồng lấy cá người chồng câu được mang về chợ bán. Mỗi lần mang cá về, mẹ trút ngược giỏ cá vào trong thau, rồi phân làm hai loại. Cá lớn đêm bán, cá nhỏ để ăn; bởi cá lớn bán được tiền, còn mua gạo, mắm, sách vở, và bao thứ linh tinh khác. Của ngon dành cho người, còn gia đình chỉ là phần “cá vụn” qua ngày! Một nỗi đau thầm lặng, nhưng đã trở nên “quen thuộc” với người đàn bà miền sông nước nghèo khó!

Ngoài việc bếp núc, heo gà, bán cá, người mẹ còn bán hàng rong, nào khoai lang luộc, chuối luộc, kiếm thêm tiền để dành, chắt mót cho Quỳnh - đứa con gái đầu lòng, sửa soạn chiếc áo, chiếc quần, bằng chúng bạn. Quỳnh học giỏi, lại xinh đẹp, như một loài hoa hiếm quí, kiêu sa. Năm nào cô cũng đứng nhất, làm ba mẹ hãnh diện vô cùng. Mỗi lần Quỳnh ôm phần thưởng về, ba má cô vui bao nhiêu thì bà nội cô lo lắng bấy nhiêu, bà bảo: “Con gái học ít thôi, lo kiếm ruộng rẫy mà làm để có cái ăn. Người ta lấy thúng đong gạo, chớ ai lấy thúng đong chữ đâu”. Ba gạt phắt “Mẹ thì chỉ biết có vậy! Đó, mẹ bám ruộng, bám vườn một đời. Có bao giờ đủ gạo để đong bằng thúng không?. Quay sang chúng tôi ba nói: “Các con phải ráng học để sau này đỡ vất vả tấm thân”. Bà quay đi, len lén lau nước mắt”. (Ruộng Đồng Thầm Lặng - trang 17).

Học hết trường làng, Quỳnh chuyển sang trường tỉnh, rồi lên thành phố. Mới đầu mỗi tuần về một lần, rồi dần dà cô quen, ít khi về thăm nhà. Hôm đỗ vào đại học, cô về thăm nhà dắt theo một người bạn trai sang trọng. Nhìn cảnh nhà cô, có lẽ anh buồn.

Ba mang giỏ cá về, thấy có khách, ông ngỡ ngàng đôi chút, rồi chọn những con cá to nhất để má nấu canh chua, kho tộ đãi khách. Bữa cơm thịnh soạn được dọn lên trên chiếc bàn đặt giữa nhà, có phủ khăn như ngày tết.“Mùi thức ăn thơm lừng. Nước bọt tràn ra hai bên khóe miệng nhưng chẳng đứa nào dám hối vì có khách. Đến lúc lên mâm, chúng tôi lại e dè vì những cái liếc mắt sắc như dao cau của chị Quỳnh ném cho từng đứa mỗi khi kê đũa. Thằng Út lấm lét và miếng cơm không, con Quyên húp vội miếng nước mắm. Còn tôi, tôi chẳng sợ ai hết nhưng cảm thấy khó nuốt vì câu nói của người ta: “Loại cá này mẹ tôi thường chiên xù, ăn ngon lắm hoặc hấp rồi gói bánh tráng, rau sống chấm mắm nêm, nếu có cả bia thì nhất đời”. Không ai bàn bạc gì thêm, cả nhà ăn qua quít cho xong. Bữa cơm tẻ nhạt vô cùng”. (Ruộng Đồng Thầm Lặng - trang 18).

Thấy cô quấn quýt bên chàng trai, nội cô không nén được nỗi lo sợ, bà bảo: “Cháu ơi! Là gái phải biết giữ gìn, kẻo khổ. Lên trên đó đừng tự do quá trớn, người ta coi rẻ”. Cô sừng sộ: “Bà cổ lỗ quá! Không ai khiến bà phải lo”. Lời nói của Quỳnh “ Bà cổ lỗ quá, không ai khiến bà phải lo” khiến cả nhả thất vọng, khi cô là người cả nhà kỳ vọng, bao nhiêu tình thương yêu, lo lắng, chăm chút đều dành cho cô, để rồi chưa gì cô đã “không ai khiến bà phải lo”! Không có sự vong ơn, bạc nghĩa nào lớn hơn lời nói trịch thượng ấy cả!. Biết bao cô gái ưa chuộng hình thức, chỉ biết làm theo đòi hỏi vật chất tạm thời cho bản thân mình, mà không hề nghĩ đến phẩm cách, tương lai dài lâu, hạnh phúc đích thực của đời người, nhất là không quan tâm đến người thân đang buồn lo?.

Ngày Quỳnh tốt nghiệp đại học, cô về báo tin rằng đã nhận công tác tại thành phố. Vừa nghe, nội cô khóc òa: “Cháu ơi! Sao cháu dại thế? Không ai yêu thương mình bằng ông bà, cha mẹ, láng giềng. Không nơi nào rộng mở, nhân từ bằng mảnh đất ông cha, sao cháu lại bỏ xứ mà đi!”. Ba không nói gì, bỏ ra sân hút thuốc, nhả khói. Mẹ đi nhanh xuống bếp, ngồi bệt ở góc nhà. Ánh lửa bập bùng, soi rõ dáng mẹ co ro, chịu đựng”. (Ruộng Đồng Thầm Lặng - trang 19). Nhưng cô vẫn thản nhiên, với những gì mình thích, không một chút phân vân, áy náy.

Trái với Quỳnh, người em gái của cô (nhân vật tôi) thì ngược lại. Cô ấy không xinh đẹp, nghĩ mình là “tác phẩm vụng về của tạo hóa”; luôn “bám lấy mảnh đất bạc màu như bị buộc chặt”. Cô ấy lớn lên trong chật vật, nhưng cứng cỏi, quả quyết. “Tôi tự biết mùi bưng phèn bám đầy người, không cạo rửa được. Nó đã thấm đẫm vào máu và trở thành mạch sống. Những ánh đèn màu nơi đô thành hoa lệ không quyến rũ tôi bằng những đốm sáng chập chờn của đàn đom đóm. Tiếng ngắt ngang ngoài lùm cây, bờ bụi vọng vào, não nuột lòng một cách quen thuộc, thân thương. Tôi cảm thấy an tâm hơn bao giờ hết nếu được ngủ trong mái ấm gia đình, giữa những người ruột thịt. và chẳng biết tôi có ngu ngốc không khi bảo rằng những ơ cá lòng tong kho khô, canh bình bát và cháo cua đồng là những món tôi thích nhất”. (Ruộng Đồng Thầm Lặng - trang 20).

Quỳnh lấy chồng, ở luôn trên thành phố, cô ấy thành con gái lớn trong nhà. Cô ấy học không giỏi bằng chị, nhưng cũng tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Cô quyết định xin về dạy ở quê nhà, làm cả nhà mừng vui đến nghẹn ngào. Bà cô nói: “nhưng ở đây đồng chua nước mặn phí một đời cháu ạ”. Cô hỏi lại bà : “Thế sao bà sống ở đây được?”. Bà khóc: “Ơ… vì bà dốt, chỉ biết ruộng vườn, còn cháu…” Tôi cướp lời bà: “bà ơi, người có học càng phải biết yêu quí, trân trọng quê hương, nơi đã nuôi mình lớn lên, cho mình đôi cánh để bay cao”. (Ruộng Đồng Thầm Lặng - trang 22).

Tóc ba đã bạc nhiều. Mẹ thì đầy nếp nhăn trên mặt, đôi mắt thẩn thờ, u uẩn; có lẽ, mẹ nhớ chị Quỳnh, nên thường tẩn mẩn trước cái rương cũ của Quỳnh để lại. “Trong đó, những khúc vải đắt tiền, một xấp giấy bạc mới toanh, không nhỏ của chị Quỳnh gởi về giúp gia đình. Mẹ không dùng đến, bà cất kỹ, lâu lâu lấy ra nhìn, khóc rồi lại cất vào rương. Mỗi lần như vậy ba quát:“Ai chết mà bà khóc”. (Ruộng Đồng Thầm Lặng - trang 21). Dường như bà mẹ nào cũng thế! Luôn vì con, yêu thương con, con là tất cả! - dù đứa con ấy có ngỗ nghịch, không như ý cha mẹ!

Cô ấy yêu quý nơi mình sinh ra và lớn lên - nơi mà mọi người gọi là “đồng chua, nước mặn”, mưa một chút là đất mềm, nhão nhẹt. Ở đó, có người cha co ro ngồi câu với đôi bàn tay lạnh cóng; có người mẹ một đời nhọc nhằn, vất vả, thương yêu; có người bà luôn nhắc nhở, lo lắng. Cô thầm cảm ơn cha mẹ, ông bà, và mảnh đất đã cho cô lớn lên - cô nói với ba, khi ông đùa “Đủ lông đủ cánh rồi, con không bay xa à?” rằng: “Con đã bay xa rồi và đang vòng lại. Không phải ai có cánh rồi cũng tìm chân trời mới đâu ba. Con thích đậu lại nơi nào cần cặp cánh của con. Làm một người tầm thường mà hữu ích cho mọi người dù chỉ đối với gia đình ta, con cũng mãn nguyện”.

Qua “Ruộng Đồng Thầm Lặng”, nhà văn Nguyễn Thị Mây đã gởi gắm những ưu tư, ước mơ, hy vọng, từ những chuyện nhỏ tưởng bình thường quanh đời sống, nhưng không tầm thường chút nào. Ước mơ còn đó, mãi còn vang vọng yêu thương - mong rằng lớp trí thức trẻ ngày nay, sẽ có cái nhìn sâu sắc, thoáng hơn, rộng hơn - với ước mơ, được cống hiến cho quê nhà dù còn bao nhiêu nỗi khó khăn, nghèo khó. Và bài học cần thiết nhất để người đọc suy gẫm là phải biết trân quý và yêu thương nơi ta đã sinh ra và lớn lên, biết tri ân ông bà cha mẹ - những con người đã cho ta sự sống. Không nên sống đua đòi, “mất gốc”, vô ơn như Quỳnh.

Bên cạnh những lo toan, trăn trở về đời sống bề bộn, phức tạp; nhà văn Nguyễn Thị Mây cũng đã chia sẻ quan niệm về tình yêu qua “Khi tình yêu đến”.

Khi tình yêu đến sẽ như thế nào?

-Ầm ào hay nhẹ nhàng, hời hợt hay sâu lắng?

Mỗi người có một cảm nhận, quan niệm, “tư chất” khác nhau. Theo tôi, nó len lỏi, từ tốn, nhẹ nhàng theo dòng nhân duyên, làm ta bâng khuâng, say đắm mà không thể ngờ - tự nó đến, không nhọc lòng tìm kiếm, và cũng tự nó ra đi, không nên níu kéo, van cầu.

Ở đây, nhân vật “tôi” trong “Khi Tình Yêu Đến”, tình yêu đến với anh như một cơn lốc - nó ào ào đến bất ngờ, khi anh gặp Thoa (một đồng nghiệp mới về trường). “Trống ngực anh đánh liên hồi, máu chảy rần rật trên thái dương, và không gian ấm hẳn”, dù trời đang mưa gió. Thoa mỉm cười, nụ cười hớp cả hồn anh, khiến anh ấp úng, không mở nổi một lời - rồi, anh thấy mình thật vô duyên khi hỏi: “Cô muốn gì?”. Thoa trả lời: “Thưa thầy hiệu trưởng, em tới trình diện”.

“Có lẽ em thấy cái bảng kê chữ Hiệu trưởng ngay trước mặt tôi nên em lầm. Được dịp tôi lên giọng:

-Vậy sao! Đâu, đưa quyết định coi!

Em lấm lét đưa tờ giấy bằng hai tay. Trước khi đọc, tôi đảo một vòng oai vệ khiến em phát khiếp, siết chặt cái túi xách vào lòng. Nét mặt lộ vẻ bất mãn. Tôi làm tỉnh nhướng mắt:

-Được rồi! Bây giờ em qua lớp kế bên dạy thử đi.

Thấy cô bé cứ chần chờ chưa chịu dời chân, tôi ra lệnh:

-Sao chưa chịu đi, còn chờ gì nữa?

Em ấp úng:

-Nhưng khi không vào lớp mà không có ai giới thiệu, kỳ quá hà!

-Lên lớp chớ bộ trình diễn văn nghệ sao mà phải giới thiệu.

Đỏ mặt! Cô bé quày quả bỏ đi vào lớp. Tôi thích chí úp mặt vào lòng bàn tay cười một mình, nhủ thầm:

-Có thế chứ! Xem ra mình cũng oai… như hiệu trưởng chứ bộ”.

(Khi Tình Yêu Đến - trang 144-145).

Anh hài lòng mỉm cười vì đã làm cô bé sợ sệt. Nhưng từ ngày ấy, anh siêng năng lạ lùng, không đợi ai nhắc mà tóc chải láng mượt, quần áo chỉnh tề, đến trường thật sớm. Ai cũng thấy lạ, trừ Thoa. Anh lạng qua, lạng lại trước mặt cô, nhưng cô chẳng chịu nhìn. Anh tìm mọi cách để lấy lòng mọi người trong gia đình cô, nhưng có lẽ vì anh đã “ghẹo” cô, hôm đến trường nhận nhiệm sở, nên cô cứ phớt lờ. Anh buồn tình, cảm thấy cô càng xa lánh anh, anh càng yêu cô tha thiết và càng đau khổ. Anh muốn bỏ đi thật xa để tìm quên. Thế rồi cả trường ngạc nhiên khi hay anh nộp đơn xin nghỉ dạy. Mỗi người một câu, mặc ai nói gì, anh cũng: “Kệ tôi! Hãy để tôi yên”.

“Thoa vào văn phòng tự bao giờ. Trái với lệ thường, em đang ngồi bên cửa sổ, mắt nhìn tôi đăm đắm. Sượng sùng, tôi đưa tay gãi đầu. Mấy sợi tóc rối bời được dịp bù xù. Thầy hiệu trưởng góp ý:

-Thầy Tuấn khuyên cậu đúng lắm. Chẳng lẽ mỗi lần yêu không thành là bỏ việc. Nếu ai cũng như cậu thì chắc chẳng còn mấy người lao động. Ở đây, ai cũng quý mến cậu. Đi nơi khác liệu hoàn cảnh có tốt hơn không? Hay cứ đi đến cùng trời cuối đất để tìm kiếm tình yêu. Cậu không nghĩ là mình có thể tạo được nó hay sao?

Thoa bỗng chen vào:

-Sao anh không tìm hiểu tại sao người ta sợ mình? Để tìm cách làm cho người ta thích mình. Chưa chi đã…”.

(Khi Tình Yêu Đến - trang 148).

Anh chợt hiểu ra, thấy mình thật khờ khạo. “Tình yêu là một cái gì rất riêng tư, thiêng liêng”, chứ không phải vồ vập như “trẻ con háu đói”. Bỗng dưng, anh thấy vui, và cảm ơn những bạn đồng nghiệp đã giúp anh nhận ra. Và anh thấy Thoa thật đáng yêu! Tình yêu đến với anh như một ánh chớp, nên dễ mất chăng? Điều gì dễ có, cũng dễ mất? Đây cũng là một kinh nghiệm sống cho những ai bắt đầu yêu và đang yêu. Câu chuyện tuy có phần đơn giản, sự “hư cấu” nhân vật “tôi” cũng chưa “sống thực”; nhưng đã có sự lôi cuốn, chia sẻ được đôi điều về Tình yêu, mà mọi người quan tâm.

Nhà văn Nguyễn Thị Mây đã gợi cho người đọc cảm xúc thực tế, sâu lắng “khi tình yêu đến”. Tuy là một trong những mẫu chuyện nhỏ nhặt quanh đời, nhưng cũng là bài học cần thiết, một ước mơ chung của nhiều người, bời vì Tình Yêu là một chiếc thang đưa chúng ta đến Hạnh phúc đích thực trong cuộc sống.

Với lời văn nhẹ nhàng, giản dị, bằng lối kể chuyện mạch lạc, hấp dẫn, với những kinh nghiệm tinh tế đã bao lần trăn trở, ưu tư qua những tháng năm thực chứng, tuy rằng đôi khi có vài chi tiết “sáng tạo” hơi xa thực tế, chưa sâu, thiếu thuyết phục, hay quá “đặc biệt” có thể hạn chế cảm xúc; nhưng nhà văn Nguyễn Thị Mây đã chia sẻ những ghi nhận thật chân tình, nhạy cảm về đời sống của một người cầm bút tâm huyết. Do vậy,“Tiếng Gõ Cửa Đêm” là tiếng vọng yêu thương, mãi mãi còn vang vọng quanh đời!

Nha Trang, 9/2019

TIỂU SỬ NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ MÂY

-Tên thật: UÔNG NGỌC VÂN
-Bút danh:  NGUYỄN THỊ MÂY - ĐỖ QUYÊN
-Năm sinh:  03.05.1953
-Quê quán:  Long Đức, Trà Vinh.
-Đại học ngành Tâm lý - Giáo dục.
-Nghề nghiệp: Giáo viên (Đã nghỉ hưu)
-Hiện là Chủ tịch Cựu giáo chức Thành phố Trà Vinh.
-Nơi công tác: Phòng Giáo dục - Đào tạo TP Trà Vinh.
-Hiện sống - làm việc tại: 196, Nguyễn Thị Minh Khai, TpTV.

  TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:

- TIẾNG GÕ CỦA ĐÊM (Tập truyện - Nhà XB Hội Nhà Văn/ 2012)
Bà có thơ, truyện đăng trên các báo, tạp chí TW, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh.
Có nhiều truyện ngắn được giải thường: - Chim Mỗi Ngày Ấy (Giải A - Tâm Hồn Cao Thượng, báo Tuổi Trẻ) - Khuấy Động Cõi Chết (Giải nhất - UBDS KHH GĐ TV - 1996) - Ruộng Đồng Thầm Lặng (Giải nhì , báo Cần Thơ -1998) - Người Thắp Lửa (Giải 3, UBBVCSTE VN - 2000) - Cảm Ơn Bác Sĩ (Giải 3, UBBVCSTE VN -2000) - Khoảnh Khắc Mùa Xuân (Giải nhất, Báo Tuổi Trẻ Online 2009).