CON BỊ BẮT NẠT Ở TRƯỜNG,
BỐ MẸ XỬ LÝ THẾ NÀO ?
H ôm trước thấy 1 stt bạn nào đó hỏi về cách xử lý khi con bị bạn ở lớp bắt nạt đăng trên Uwaga hay CĐNVN tại BL. Tìm mãi để com. tiếp mà không thấy nên mình đành viết luôn thành bài vậy. Dù sao cũng nên viết để nhiều người đọc hơn vì mình nghĩ chuyện trẻ con bị bắt nạt là rất phổ biến.
Không nhớ chính xác mình viết gì trong com. nhưng đại khái là khuyên bạn ấy dạy con tự phản ứng lại theo các cấp độ tăng dần tùy theo thực tế, không thể lúc nào cũng dựa vào can thiệp của thầy cô và gia đình.Tuy nhiên, nghĩ kỹ lại mình thấy lời khuyên đó rất chung chung, nó không giúp được con bạn nhiều.
Mỗi đứa trẻ có một khả năng ứng biến, bản lĩnh khác nhau, trẻ thì cứng rắn, mạnh mẽ đứa lại yếu đuối, chậm chạp. Tôi không chắc bạn sẽ thấy lời khuyên thô sơ như trên là hữu ích vì mọi chuyện đâu phải dễ, đâu phải cứ nói „con hãy mạnh mẽ lên, nói to với bạn abc” „nó đánh con con đánh lại…..”, v..v… là ngày hôm sau con bạn sẽ dõng dạc đứng hiên ngang và thoát khỏi việc bị bắt nạt.
Nhiều trẻ biết chơi với bạn bè một cách linh hoạt, nhưng cũng nhiều trẻ không giỏi trong giao tiếp và dần trở thành mục tiêu bị bắt nạt. Con trai đầu của mình rơi vào trường hợp sau khi nó học những năm đầu cấp 1. Do lúc đi học mẫu giáo con trai mình có đôi lần giành nhau đồ chơi nên đánh bạn, cho dù cô giáo đã nói là bọn trẻ giành nhau, đánh nhau là chuyện bình thường ở tuổi bé như thế nhưng bọn mình muốn con không lặp lại lỗi nên đã rất kỹ càng dạy con về việc không được làm ai đau và thật thành công là thằng con rất sợ va chạm.
Vào lớp 1, do con thuộc nhóm phổ tự kỷ nên chậm hơn các bạn nhiều trong học và giao tiếp. Trong lớp có 1 cậu bạn ngổ ngáo ban đầu khá thích con trai mình nhưng sau nó nhận ra thằng bé ngố có thể là 1 trò hay để thể hiện và bắt đầu một chuỗi những cuộc lôi kéo, bắt nạt. Con mình khi đó chỉ toàn mách cô, mách mẹ nhưng càng làm cậu bạn ghê gớm kia ghét và tìm cách trêu chọc, giấu đồ, có cả đánh nữa. Ban đầu ở nhà bọn mình một mực dạy con tự chống lại, không mách cô nhưng với một đứa vốn mạnh dạn, đáo để thì chả phải dạy còn một đứa không dám đánh ai, sợ va chạm thì lời khuyên đơn thuần như thế chẳng giúp gì cho nó, trái lại còn đẩy nó vào chỗ bơ vơ, không biết dựa vào ai như một cái cây mảnh dẻ đứng 1 mình trong gió bão. May mình sớm nhận ra điều đó. Nhân chuyện là cậu bé kia vứt cả hộp bút chì màu của con vào sọt rác, mình đến trường, giờ ra chơi mình đến ngồi đối mặt với cậu bạn, có cô giáo ngồi gần mình đã đề nghị cô tránh chỗ khác để nói chuyện với bạn ấy. Không dọa dẫm, không nịnh nọt, mình nói như nói chuyện với người lớn, không nhớ chính xác nhưng đại ý là:
1. Tôi sẽ không nói chuyện cậu vứt đồ của L vào sọt rác với cô hay mẹ cậu.
2. L khá khỏe để có thể đánh lại cậu nhưng bạn ấy được dạy không được làm ai đau nên đã rất tránh né và trở nên sợ sệt nhất là khi cậu còn có cả nhóm hùa theo. Thằng bé có vẻ hiểu ra, thái độ nó khá nghiêm túc (mình nói tiếng Pl không tốt nhưng nói với trẻ con những vấn đề dễ hiểu thì cũng ổn). Hôm sau mẹ nó mang một hộp bút chì màu rất xịn đến xin lỗi.
Tuy nhiên, cuộc đời không như phim ảnh, nó không có cái kết. Một thắng lợi như thế không quyết định sự thay đổi kiểu „….từ đó họ sống bên nhau mãi mãi hạnh phúc”. Vì con trai mình vẫn là chính nó, bóng dáng của bà mẹ và cuộc nói chuyện tay bo chỉ hữu dụng trong 1 thời gian thôi.
Ở nhà bọn mình vẫn tiếp tục nói chuyện, dạy kỹ đến những điều cụ thể nhất có thể:
1. Khi bạn bắt nạt ở chỗ đông các bạn (thường bao giờ cũng là chỗ đông vì khi đối tượng là trẻ chậm chạp thì bọn bắt nạt sẽ được phô diễn tối đa vai trò của chúng, với trẻ gan dạ, máu chiến thì bọn bắt nạt sẽ chọn điểm vắng và khi con chỉ có 1 để chúng thỏa mãn sự ghét mà không sợ bị bẽ mặt) con nói thật to đủ để tất cả nghe thấy: Mày dừng ngay lại / tao không thích, mày tránh ra khỏi tao/ bỏ tay ra khỏi người tao ngay…vv… ngắn gọn, dõng dạc nhưng không phải là la hét.
2. Khi bị bạn đánh, con giơ cánh tay của con lên đỡ như là đấu sĩ chứ không được như là che đỡ kiểu sợ hãi. Ox làm động tác rất rõ cho con thấy sự khác nhau.
3. Dạy con đánh lại là khó nhất, phải thường xuyên tập với bố, coi như bố là cậu bạn, con đánh vào đâu để không gây nguy hiểm cho bạn. Tạo cho con tâm lý tự tin là mình rất khỏe thừa sức đánh lại kẻ bắt nạt bằng cách: Bố bị đánh phải kêu đau, khen tay con rắn khen sự mạnh mẽ, khéo léo của con. Cùng với tạo tâm lý tự tin, bọn mình cũng giúp con tập luyện để nó khỏe thật sự chứ không phải chỉ tin là mình khỏe.
4. Cho con hiểu con càng dựa vào người lớn để giải quyết con sẽ càng bị bắt nạt, hãy nhớ khi mình bé những bạn hay mách thường bị gọi là hớt lẻo. Tuy nhiên lại phải dặn con mọi chuyện hãy kể cho bố mẹ, để bố mẹ trao đổi, tâm sự, khuyên chứ không phải để bố mẹ đến trường can thiệp. Và dù hạn chế mách cô nhưng nếu trong trường hợp bị ép quá mức mà không thể làm gì thì cô giáo vẫn là nơi có thể trợ giúp con. Đừng vì mấy lời khuyên về sự mạnh mẽ mà đẩy con bạn vào chỗ bơ vơ.
5. Dạy con không được trốn khi đã vào tình thế thì phải tìm cách đối đầu, nếu cứ trốn tránh thì luôn bị nỗi sợ đè nặng. So sánh 2 lựa chọn : Bạn và Nỗi Sợ. Nếu trốn tránh thì thoát được bạn nhưng nỗi sợ lại làm mình mệt mỏi hơn.
Trên đây là những gì mình nhớ lại. Mọi thứ nghe có vẻ đơn giản nhưng để làm được thì cần kiên nhẫn, không có gì hiệu quả ngay đâu và bạn hãy nhớ
mỗi gia đình một khác, mỗi đứa trẻ một khác. Mọi lời khuyên chỉ là để bạn có thêm chút kinh nghiệm, tự bạn phải tìm cách cụ thể cho đứa con
của mình. Chúc cháu sớm trở thành đứa trẻ cứng cáp, bản lĩnh không chỉ để đối phó với sự bắt nạt từ bạn bè mà để sau này khi trưởng thành
cũng bình tĩnh đối mặt với mọi gai góc từ cuộc sống.
(Ngày 24/11/2019 - Warsaw)