Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

“Rừng Xưa Đã Khép / Closed-wildfire” tranh của Võ Công Liêm





VĂN CHƯƠNG

DƯỚI MẮT CỦA NIỀM TIN





K hởi từ khi có văn tự là có văn chương. Văn chương đã tìm thấy trên núi đá qua hình vẽ người và thú hoặc có khi chạm trổ hoa văn, khắc đục chữ trên đá, gỗ hay sắp xếp hình dáng vật thể theo trí tưởng để tạo ‘con chữ’. Ngữ ngôn của văn chương có từ cổ Ai Cập và dạng chữ biểu hiện qua lối tạo hình để thành văn ở Trung Hoa vào những thế kỷ đầu và các nước cận đông; từ nhịp thở đó ngữ ngôn văn chương sống dậy qua trí năng để phát biểu những sự lý cuộc đời hay còn gọi là lý thuyết thuộc về văn chương (theoretical) với những sáng tạo để có một ngữ văn độc lập phù hợp với tiếng nói mà từ xưa coi như một thứ ngữ ngôn chết (dead-language) một thứ ngữ ngôn không nói ra được, tức bất thành văn, trái lại; ngày nay coi như là một ngữ ngôn sống (living-language) trong đời thường của con người. Thành ra ngữ ngôn văn chương mỗi lúc thêm phong phú và đa dạng mang lại tính sáng tạo và đả thông tư tưởng giữa người viết và người đọc. Nói đến văn chương là nói đến một tổng hợp rộng lớn, bao hàm những gì tri nhận nơi con người, là ‘biển chữ’ nó bao la vi diệu, chứa đựng một tư duy trong sáng và phát huy, nó tiềm tàng trong một trí tuệ siêu việt để thành hình cho một ngữ ngôn văn chương (The Language of Literature). Vì vậy; văn chương không thể đứng riêng một cõi của mình mà là một truyền thông đại chúng; hợp tình hợp lý để thừa nhận cho một văn phong đúng đắng. Văn chương không buộc phải nêu ra mà tự nó đã được nêu ra và tìm thấy. Chữ nghĩa là phát tiết của tư duy, nhưng phải biết vận dụng ngữ ngôn để không lệch hướng, nghĩa là nghĩ một đằng viết một nẻo làm cho văn chương có một sự giả thiết hơn là chứng thực. Đó là lý do tìm thấy ở trình độ kiến thức nhận biết đã phản ảnh qua ngữ ngôn. Văn chương là tiếng nói xác định bản vị của con người là sáng tạo và hiện thân (Creation and Incanation). Bởi; văn tức là người ngay cả thi ca, hội họa hay kịch dù là trường phái hay khuynh hướng khác nhau đi nữa nó vẫn chứa một ‘hồn thiêng’ trong đó; ở dạng này nó trở nên đông cứng và cục bộ (concreted) trong não thức, có thể là bẩm sinh, có thể là thói tính du nhập vào hồn; kết tụ trong tế bào máu mà sinh ra biến chứng khó thanh tẩy (brain-wash). Nói ra có tính phân tích thuộc tâm sinh lý học, nhưng; thực tế nó là một tồn tại cố hữu; có thể do từ chủ quan hay do từ cái ‘ta’ mà phát sinh những luồng tư tưởng cố vị. Điều này không lấy làm lạ cho những ai mượn tiếng văn chương để phô diễn hơn là mô tả dù là chuyện kể cho một ký sự, thậm chí viết hồi ký hay tùy bút không chuộng vào ngữ văn mà chuộng vào sự hiện diện cá thể cho một bản ngã tự tại; thì đó đâu phải là văn chương chứng thực mà đưa văn chương vào ngõ cụt. Văn chương là khai sáng từ tâm thức của con người, mở đường cho một triết lý nhân sinh gần như giáo điều tôn chỉ có qui cách hướng tới luân lý đạo đức hơn là dựa vào văn chương để trở nên ‘đạo văn’. Cơ bản của văn chương là đi vào mắt để có niềm tin trung thực của nó –Literature Through the Eyes of Faith; đấy là văn chương chân chính của người viết và người đọc. Không thể nghĩ khác hơn mà làm suy thoái nền văn học hiện đại hay là mượn chữ nghĩa để công kích văn chương (?).

Rứa thì văn chương là cái chi? -Trong văn chương; con người là một trải nghiệm qua ý nghĩ –In literature; people try out ideas. Có một vài câu hỏi đưa ra để nhận thấy những gì có trong văn chương? Những gì mà người đọc cảm nhận được trong đường lối của văn chương. Hay đây là viễn cảnh cuộc đời mang một ý nghĩa thâm hậu của cuộc sống? Hay chỉ là ngữ ngôn hấp dẫn, đẹp đẽ, gợi ý mà tác giả sắp đặc vào nhau như một định hướng? Rứa thì răng ! -Khi đọc một văn bản chính yếu là đưa chúng ta vào một thế giới hiện thực –Reading bring us into the real world. Ngữ ngôn đó thuộc về văn chương sáng tác có văn bản không tùy thuộc vào độc quyền cố vị để đưa đến một lãnh vực không sống thực. Mà ở đây đòi hỏi một ý nghĩa trọn vẹn và chứng thực. Là những lúc; chúng ta đọc để tìm thấy một sự gì đặc biệt trong cuộc đời như chúng ta nhận biết qua cấu trúc, thiết kế, dàn dựng của lối hành văn, một giao thông chuyển tải qua lối diễn giải (interpret) với một kinh nghiệm truyền thông những gì chân lý của sự thật. Văn bản thuộc về văn chương là không đơn thuần chỉ vào một sự sáng tạo trong hư cấu, nhưng; ở đó cũng được coi là phương tiện, một điều động vào nhau của ngữ ngôn, cái mà chúng ta thường được dùng để thực hiện như một tác động cụ thể và tích cực: khi đưa ra vấn đề xã hội, vấn đề luân lý hoặc từng cảm nhận nơi con người. Bài viết là một công cụ cho tác động –A piece of writing is a tool for action, Và; chính trong tác động (của người viết) đã đem lại những suy nghĩ khác biệt về đời sống, có thể giữa tác giả và độc giả. Thành ra viết văn là phản ảnh và đi đúng đường lối chủ nghĩa của ngữ ngôn văn chương.Phải thực mới vực được đạo còn bằng không chỉ là đùa với chữ, chẳng để lại gì cho văn chương. Nói thực thì mất lòng, bởi; tư duy chủ quan, phát tiết hỗn độn, nghĩ sao viết vậy theo lối ăn chắc mặc bền mà vẫn cho đó là văn, thứ văn đó là dạng thức của hùm-bà-lằn, bầu cua cá cọp, ta bà thế giới; tạo thêm gò đống ngổn ngang thời không thực để vực được đạo. Nguy hiểm và thương tổn đến văn chương. Xưa nay đều thế; văn có niêm luật như thơ, nghĩa là có phẩm trật của nó, có đầu có đuôi, có mệnh đề (tức nhập đề, thân bài và kết luận) chuẩn mực mới thành văn. Văn chương ngày nay theo lối phóng tác hơn là sáng tác. Nghĩa là dựa vào sự kiện để diễn giải qua một ngôn từ không có ‘bản lề’, thậm chí pha tục hay xử dụng từ điển cố, điển tích không đúng chỗ làm mất duyên cho câu văn. Thời nay gọi văn hoa hơn: ‘văn-chương-vi-tính’ ý gián tiếp nói đến văn chương thời đại hay còn gọi là văn chương mới (nouveau litérature); nghĩ sao viết vậy để tạo hiện tượng chữ nghĩa cho nên chi lên xuống bất thường không tạo nên cảm thức giữa người viết và người đọc.Vi tính có cái lợi ích của nó nhưng đừng lạm dụng để bẻ cong ‘ngòi bút’ hùa nhau để ‘gõ’ cho kịp thời sự và nhai lại những ngữ ngôn phường chèo, không thấy đâu là lý thuyết văn chương mà chẳng thấy đâu là lý sự vấn đề, để rồi bế môn tỏa cảng, lạc lối về, lung tung chi điạ. Bất quá; quên luôn cả chính tả hay văn phạm; đến nổi những bản văn như: ký sự, ghi chép, truyện kể, dịch văn trật cả ngày tháng và chủ đề muốn nêu ra; thế mà văn chương vẫn chấp nạp. Vi tính có cái bất lợi ở chỗ đó. Răng rứa? -Vì; đón nhận dễ dàng hay phong tỏa bởi một hoàn cảnh nào đó. Để rồi đưa tới lạm phát tư tưởng, ngữ ngôn và văn phong. Văn chương là con đường đi tới thực chứng, một thực chứng dành cho lịch sử là vai trò đại diện rốt ráo nền văn học hôm nay và mai sau. Người ta dựa vào văn chương như một chứng tích để xác thực sự hiện diện của tồn lưu nhân thế, tồn lại thế gian và tồn lập muôn thuở. Đánh giá văn chương không phải là giá trị sản lượng mà giá trị thành phẩm, tức nói lên cái cốt tủy chân lý của nó. Do đó; người viết văn hay người làm thơ chưa hẳn đó là một xác định chân lý cho một lý thuyết nêu ra mà phải kinh qua một kinh nghiệm dài lâu mới mong xác nhận đó là văn gia hay thi gia. Chớ ngang xương mà cho mình là nhà văn, nhà thơ thì quả là hàm hồ, vô căn cớ không đúng chủ trương đường lối xã hội chủ nghĩa văn chương mà đi ngược trào lưu nhân thế. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ lớn trên thế giới ít khi nhận mình là văn sĩ, thi sĩ; mà chỉ có đời tuyên dương họ, thời đó là lý tưởng và nghĩa vụ làm nên sự nghiệp cho mình; dù chỉ một tác phẩm mà thôi!

Chúng ta sẽ suy lý ra rằng viết và đọc của văn chương là thể thức tác động về con người, như vậy thì; nó có một khả năng nói lên những gì tốt và xấu trong mọi tác động của chúng ta. Văn chương, nghệ thuật, âm nhạc lớn lao, vĩ đại điều đó chưa hẳn phải bảo đảm cho một xác định mà đó là những gì người ta chiêm nghiệm để đánh giá và có thể cho đó là một tác động làm nên; dù cho xưa nay đã được đề cao hay xưng tụng. Ở đây; chúng ta vận dụng vào tiềm năng nơi con người để khám phá giá trị của nó cũng như những gì có lợi ích, thích thú đập vào mắt người đọc do từ tư duy vận động của người viết. Nhưng; chúng ta cũng không thỉnh cầu văn chương biểu hiện vẻ đẹp thẩm mỹ và lòng khoan nhượng vị tha trong cái sự độc hữu đưa tới ở chính nó (unto itself). Tác phẩm của văn chương là một dự phần của lịch sử. –Like all human action; words of literature are a part of history. Tất cả là tác động con người đều được ghi nhận như lịch sử tính; đưa tới những chuyện thê thảm và hãi hùng khốc liệt mà đó là sự thật được kể lại một cách đẹp đẽ và hào hứng. Từ chỗ đó vai trò của văn chương là chứng nhân (dù là hư cấu) phải thực như ý tưởng, nghĩa là để lại dưới mắt người đọc một sự lý thuần nhất dựa vào lịch sử mà tạo thành. Văn chương tự nó đã có lịch sử, qua tư duy về những gì biến động, thảm họa hay bi thương của từng thế kỷ; không thể cho văn chương chỉ để viết thành văn qua diễn tả sự tình hay hư cấu sự tình và định nghĩa một cách đơn thuần mà trong mọi suy diễn đều đưa tới một chứng thực của con người qua từng đối tượng cũng như thời gian là tư liệu để xây dựng cho một cấu trúc thành văn giữa người và vật. Khi nêu ra như thế tức đặc câu hỏi trước vấn đề. Rứa thì; văn chương là cái chi? và tại sao phải để mắt vào viết và đọc? Bởi; có những biến đổi khác nhau qua thời gian không thể bỏ qua được mà phải lấy văn chương để nói nên lời và phải hiểu một vài điều của lịch sử, của những ý nghĩ hiện đại về nó –ought to understand something of the history of modern ideas about it. Đấy là sự cớ đặc biệt quan trọng cho những khi thảo luận, đối chất giữa viết và đọc mà như thể là hình thức tác động của con người. Lý lẽ này có đưa chúng ta đến gần với văn chương? Hay đây chỉ là vấn đề đặc ra? Sự thật của văn chương là ở thế phòng thủ (Literature on the Defensive). Bởi; trong lịch sử văn chương mới đây thường bắt gặp ở tự nó một sự đối kháng đến khoa học mà phải có một thẩm quan hiện đại văn chương là những gì chúng ta phải thừa nhận để chế ngự những gì của khoa học nằm trong văn hóa của chúng ta. Nói như rứa có võ đoán cho một dự phóng giữa văn chương và khoa học? Không! nền khoa học tiến bộ gần như áp đảo vào một nền văn hóa không có tính thực tiển; khoa học đặc vào đó một tiêu chuẩn của sự thật trên căn bản của khoa học kỹ thuật hơn những gì thuộc văn hóa dự tưởng là những gì không còn là siêu lý quan trọng cho xã hội hiện đại. Hiện diện của khoa học hiện đại có từ tk. thứ mười bảy và tk. mười tám. Cái đó là cái nhìn thực thể hiện đại chớ thực ra nền văn hóa (văn chương) đã hiện đại hóa trong quá trình dài lâu; có văn hóa mới có khoa học chớ không phải khoa học tạo tác ra văn hóa. Văn chương nói chung là đương nhiệm của sự thật. Giả tưởng của J. Verne là một dự phóng vào tương lai. Thi ca Nguyễn Du là phản ảnh trung thực có tính khách quan của khoa học nhân văn là lý thuyết chính đáng. Không thể cho đó là tư duy giả tưởng. Đó là thứ văn chương ẩn dụ; một siêu hình của ngữ ngôn văn chương. Nhớ cho! Trở lại ‘cái rứa thì’ của văn chương? -Là viễn cảnh cuộc đời có ý nghĩa cho đời người với những tuyệt tác để đời trong khi người viết đã đưa vào đó một đường lối cụ thể chân chính và mang lại một tri nhận sâu xa giữa con người với con người, giữa tác phẩm và tác giả. Viết là miêu tả sự thật dù là hư cấu nhưng phải chứng thực và đặc vào đó một thế giới trung thực hơn là ảo tưởng. Dưới con mắt người đọc nhìn nhận hư cấu không còn là hư cấu mà chính sự thật là do hư cấu làm nên. Ngọn bút phóng khoáng hay không là do tâm địa của người viết. Định hướng của văn chương là phơi mở và chứng nhân sự thật.

Ở phần trên chúng ta có nói đến ‘Ngữ ngôn của Văn chương’ là phát biểu bởi tư duy, là tiếng nói của tâm thức qua văn chương. Sự lý này nghe ra mơ hồ trừu tượng. Nhưng thực tế những tác phẩm liên can tới văn chương là thái độ tùy nghi được diễn giải theo ý mình với những dữ kiện khác nhau, xuyên qua những gì mà tác giả dùng như phép ẩn dụ hoặc một kiểu cách phóng túng về lối diễn tả. Ở thi ca và tiểu thuyết hay kịch; người viết tuồng như nhận thấy với chữ nghĩa có vài điều khó tránh được mà cho đó là lối hành văn của chữ nghĩa tạo thành và không thể làm gì hơn trong ngữ cảnh (contexts) mà cốt hành văn cho thêm phần trong sáng. Ngữ ngôn văn chương dính dáng tới óc tưởng tượng thường được coi đó ngôn ngữ của dự phóng, một ẩn dụ do cảm nhận cho một đặc quyền ở thể loại ngữ ngôn này –The imagination use of a language of metaphor and feeling and has special rights to this kind of lanuage. Nhưng tất cả những gì đều được vẽ lên trong văn chương bởi những gì xác nhận là có dính chùm trong một ngữ ngôn đặc thù. Ngữ ngôn văn chương tuồng như một thứ bí truyền (esoteric) và không thích nghi (irrelevant) trong đời sống. Đôi khi cảm nhận của người viết khác cảm nhận của người đọc là lẽ thường.Thí dụ: Người đàn bà có cái bớt nơi mặt thường cho là người đàn bà xấu (vì cái bớt đã chế ngự toàn thể cái đẹp) ngược lại nhờ cái bớt mà làm cho người đàn bà đẹp và thêm duyên. Đây là sự phân biệt giữa thích hợp và hình ảnh ngữ ngôn; cái đó cũng là giả thiết hoặc sau đó có nhiều lý lẽ khác nhau để cho chúng ta đặc niềm tin về những gì tự nhiên của ngữ ngôn văn chương. Quan trọng ở chỗ là phải thực mới vực được đạo; còn bày đặc, kê khai những điều không thực hoặc lý giải vớ vẩn, đặc điều hoàn cảnh xã hội hay nhân tình thế thái vào trạng huống bi thảm, pha tính đùa cợt những thứ đó phải xét lại một cách chỉnh đốn mới thành văn, chớ hô sảng cho đó là truyện ngắn, truyện dài, ký với tản làm mất danh dự cho văn chương. Điều này đã thấy trên một số báo mạng và giấy (hay tại văn-chương-vi-tính lấn áp) mà một số văn nhân trẻ ngày nay thường xử sự lối viết như thế một cách vô tư. Sự cớ đó đẩy văn chương vào vũng tối thuộc lãnh vực văn hóa. Nhưng; không thể tránh được dưới con mắt của người đọc, bởi; văn tức là người nó hiện nguyên hình nhân cách của người viết. Thí dụ khác: Anh A học hành chưa tới nơi nhảy ngang qua học vẽ, học vời. Anh B lỡ ông, lỡ thằng, lắm bon chen như anh A, đâm ra viết văn làm thơ: thơ thì ù lì, văn thì ba chớp. Đọc những đoạn ký sự nửa như kể lể nửa như bình giải (thơ) lung tung chi điạ; cả hai anh không đi đúng qui trình của văn chương thì làm răng gọi là văn chương bác học. Anh C học có bằng cấp, chứng chỉ mà viết về văn chương bình dân vẫn chưa rành rọt và cường điệu đúng ngữ ngôn văn chương. Hai dẫn dụ trên là một chứng minh bi thảm cho trào lưu văn chương đương đại; nhưng giữa A B C có sự khác biệt về tư duy, một đằng do bẩm sinh hay thiên tính, một đằng ‘nói cho lắm tắm ở lỗ’ là chỗ đó. Thành ra đối với văn chương phải có con mắt xuyên thủng để đặc niềm tin. Phải rốt ráo trong cụm từ: tư-tưởng, ngữ-ngôn và văn-phong mới đánh giá được thế nào là văn chương và không văn chương. Qua nhận xét trên cho chúng ta một xác định cụ thể vai trò của văn chương phải có ‘phép tắc’, lề lối, một diễn trình đưa tới thực chứng của lịch sử và nhân văn dù viết dưới dạng thức nào đều thể hiện được đặc chất của nó. Mà đây là một ý niệm phù hợp chung, giữa cái từ ‘đích thực, hợp lý/proper’ là một bày tỏ sự thật trong dạng thức sự kiện và cái từ ‘bóng bẩy, đỏm dáng/figurative’ là một bày tỏ cảm nhận riêng tư thay vì phản ảnh đúng vị trí chức năng của ngữ ngôn văn chương. Giữa hai cái từ này đều là giả thiết cho một ngữ ngôn văn chương mà thôi. Như thế là hậu quả của những gì nhận xét bén nhạy, khác biệt giữa hai thể loại của ngữ ngôn –As a consequence of this sharp distinction between two types of language. Đó là những gì xẩy ra mà chúng ta đang sống trong thế giới hiện đại, một thế giới tân kỳ của từng bộ môn, nó không đóng khung trong một tư duy chật hẹp, vẩn đục hay cổ lỗ sĩ đề rồi đưa văn chương dậm chân tại chỗ không cải tổ hoặc không làm mới cho ngữ ngôn văn chương. Hình thức đó là giết văn chương không gươm dao; chớ đừng nói: ‘vì văn chương mà ‘tôi’ phải sưu tập, bảo tồn không thời bị lãng quên’. Nhận xét như thế là bi quan trước thời cuộc, đi ngược với thời gian hiện đại.Văn chương tự nó đã có và tìm thấy. Đấy là nguyên nhân đưa tới ‘văn-chương-vi-tính’ là điều không thể chịu đựng được cái tàn tích cố cựu mà buộc lòng phải khởi nghĩa qua một ngữ ngôn ‘phóng đãng’ hơn. Rứa thì thế giới văn chương hiện đại làm cái chi? -Làm cho tinh vi hơn, biểu lộ một thói quen thường tách xa những gì thuộc ngữ ngôn ẩn dụ (chính trong văn chương đã hiện ra điều này) và từ những cái đó chúng ta suy ngẫm ra sự thật của cuộc đời; mà coi đây là nghĩa cử của miêu tả hoặc lối đối xử đặc biệt đầy hiện thực của đời người. Ngược lại; cái thứ ngữ ngôn đỏm dáng chỉ giúp vào đó một sự thiếu khả năng thê thảm, tệ hại mà thôi –Figurative language is held to be woefully inadequate. Tuy nhiên; không vin vào đó để xác quyết thế nào là đích thực, thế nào là đỏm dáng. Văn chương đòi hỏi thực chứng cho dẫu là sự kiện trong hư cấu. Mà phải thực sự. Dĩ nhiên; văn chương là óc tưởng tượng phong phú không phải điều đặc biệt để dùng như một ẩn dụ và chúng ta có thể trắc nghiệm sự phát triển này có thể có ở những nhà thơ (việc ẩn dụ ngữ ngôn thường xẩy đến), nhưng khác với ngữ ngôn văn chương là khai phá vào đó để nhận biết về vai trò ẩn dụ trong văn chương; có thể chất chứa một sự gì sâu thẳm qua nhận thức của chúng ta về diện mạo của nó và chức năng trong tất cả thuật ngữ của ngữ ngôn văn chương. Những sự lý nêu trên biểu lộ sự trung thực của văn chương giữa viết và đọc. Nói rút lại chúng ta tiếp tục giữ gìn văn chương trong một viễn cảnh, bởi; văn chương có một hạn hữu của nó –Literature has its limites and we need to keep its value in perspective. Là suy xét hai điều thật rõ rệt để hiểu được những dữ kiện nghịch lý trong đó. Thứ nhất; rất ít người đọc một cách thấu đáo tác phẩm đã dựng nên trong lý lẽ văn chương mà đọc như một tác động hạn chế, họ không đọc văn chương như một giảo nghiệm. Thứ hai; cho dù những nhà văn thơ lớn đã để lại những tác phẩm độc đáo người ta chỉ đọc trong sự thỏa mãn hoặc đưa tới khoái cảm mà người ta đang sống hoặc coi đó như tác phẩm dành cho nghệ thuật. Trong lúc có một thứ văn hóa khác không thể viết thành văn những thứ đó chỉ có ở tác phẩm nghệ thuật (họa và điêu khắc…) những vật thể đó chỉ tùy vào ý niệm của ý nghĩa và sự giải bày –all cultures produce works of art that depend on the concepts of meaning and interpretation. Những tác phẩm như thế trú ngụ trong trí tuệ hay trong ký ức hơn là viết thành văn để sản xuất và tiêu dùng cho những gì thuộc ngữ cảnh của văn chương; mà là những gì thuộc hiện tượng vũ trụ. Hiểu được giá trị của văn chương và nhiều đường lối quan trọng khác thì đó là điều tạo ra sự khác biệt trong đời sống của chúng ta và tiếp tục giữ trong trí tuệ của chúng ta về hai bề mặt nhận thức và hiểu biết cho một tổng thể phổ quát của văn chương (the universality of literature) là nơi ngự trị trong tâm hồn người viết và chắc chắn là thể loại để viết thành văn trong mọi hoàn cảnh, thời gian và nơi chốn qua các thời kỳ của tiền hiện đại văn chương hay hậu hiện đại văn chương. Đấy là niềm tin xuyên qua mắt người đọc ./.

(ca.ab.yyc. đầu tháng 12/2016)

ĐỌC THÊM: -“Phân tích trong Văn chương”/ -“Viễn cảnh Hậu Hiện Đại”/ -“Ý thức mới trong VHNT”/ -“ Mạch văn Cấu trúc và Phân tích trong Ngữ ngôn Văn chương”/ -“Văn chương và Con người” / -‘Văn chương Hiện đại’ / -‘Văn chương là gì?’ /-‘Văn chương là gì (2) / -‘Văn chương và Nghệ thuật’ / -“Văn chương Vượt thoát’. Những bài trên của võcôngliêm hiện có ở một số báo mạng và giấy trong và ngoài nước hoặc l/l theo điạ chỉ email.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ Calgary Canada .