Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



BÌNH GIẢNG VĂN HỌC và DẤU CÂU

  


     T hông thường, ai cũng biết các dấu câu là rất cần thiết. Ngày trước, trước Cách mạng, chẳng những sách giáo khoa quốc ngữ chú trọng mà những sách, báo tiếng Việt nghiêm chỉnh cũng không lơ là.

Dấu câu rõ ràng là ảnh hưởng đến sự hiểu câu văn, bài văn; hơn nữa, đến sự cảm thụ, sự thẩm định. Đã có không ít "sự cố" đáng tiếc, nhất là trong lĩnh vực bình giảng. Xin kể mấy mẩu chuyện:

I. Trong bài Nguyệt cầm của Xuân Diệu có câu:

Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi!

Nhiều bản in trên sách, báo đã "bỏ quên" dấu phẩy sau từ "nước" (ngay cả tờ Khuyến học - số 21/1998!). Người ta hào hứng bình: "Đàn ghê như nước lạnh", nghe tiếng đàn tưởng chừng như đang mùa giá rét mà dúng vào nước buốt, v.v...

Chí ít cũng làm hỏng mất cái khí vị của câu thơ. Trong cảnh "thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời" tiếng "đàn ghê như nước" gây cảm xúc "lạnh" thể xác và tâm hồn,... Biết bao điều có thể khai thác để bình! Bỏ mất dấu phẩy ấy, câu thơ yếu hẳn đi, bị mất đi nhịp điệu, ý nghĩa, cũng như sức gợi vốn có.

2. Gần cuối bài Tì bà của Bích Khê có câu:

Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng

Câu này nhiều lần bị cải biên thành "Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng" không chỉ trên sách, báo (như trong cuốn "Thơ tình tiền chiến" - NXB Đồng Nai, 1994), còn công khai trên truyền hình (Trên VTV3, năm 1999, trong một lần hướng dẫn "Bẩy sắc cầu vồng" cô T.B.L. đã bảo: "Ô hay! Buồn vương cây..." cũng được, mà "Ô! Hay buồn vương..." cũng được. Còn trên VTV2, trong mục "Em yêu văn học" tháng 8/2005, thầy, trò và cô hướng dẫn đều đọc câu thơ này theo cách ngắt câu: "Ô hay / Buồn vương...").

Người ta bình - câu thơ đã bị cải biên - rằng: "Nhà thơ thốt lên kinh ngạc trước sắc vàng mùa thu vương buồn trên cây ngô đồng, v.v..." và "Câu thơ toàn thanh bằng, một sáng tạo của nhà thơ thoát khỏi sự chi phối của con đường mòn luật bằng trắc, mới diễn tả nổi cảm hứng này".

Trước hết, trong khổ thơ cuối của bài "Tì bà", hai câu đầu là:

Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân

Tác giả đang nói về "buồn" nên viết tiếp câu ba "Ô! Hay buồn vương...". Cũng là tiếng kêu, nhưng là tiếng kêu nghi vấn mang ý nghĩa phát hiện.

Còn chuyện "sáng tạo" ra những câu "toàn thanh bằng" thì chẳng phải do Bích Khê. Trước đó, quãng năm 1937, Xuân Diệu trong bài Nhị hồ đăng trên báo Ngày Nay của Tự-lực văn đoàn đã có hai câu nổi tiếng:

Sương nương theo trăng ngừng lưng trời,
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi...

Chừng một năm sau, trên Tiểu thuyết thứ Năm của Lê Tràng Kiều mới đăng bài Tì bà, gồm những câu toàn thanh bằng, cùng một chùm với bài Nhị hồ và bài Buồn xưa (của Nguyễn Xuân Sanh) với dòng quảng cáo đậm, trang trọng, ở ngoài bìa: "Ba bài thơ, ba tác phẩm của Lê Mộng Thu, Xuân Sanh, Xuân Diệu" (Lê Mộng Thu cũng là Bích Khê). Báo Ngày Nay bèn viết bài chế diễu: Thấy Xuân Diệu làm hai câu toàn thanh bằng hay quá, người ta làm hẳn một bài toàn thanh bằng đem đăng ghép với bài của hai thi sĩ khác để được nâng lên hàng tác phẩm. Lời chế diễu chua cay hơi quá (đúng điệu báo Ngày Nay), song quả thật bài Tì bà chỉ đặc biệt ở chỗ "toàn thanh bằng". Các tác giả Thi nhân Việt Nam rất khen hai câu cuối mà chẳng đả động gì đến bài thơ. Công "sáng tạo" ra những câu thơ toàn thanh bằng có lẽ thuộc về Xuân Diệu. Làm cả bài thơ toàn thanh bằng quả là độc đáo. Song, để được là sáng tạo thì độc đáo chưa đủ. Đưa ra những lời đánh giá có dính dáng (hoặc mang tính) văn học sử càng cần phải thận trọng để tránh "gây nhiễu" không chỉ cho mai sau mà cho cả ngày nay.

Mấy lâu, dấu câu không chỉ là không được coi trọng trong "bút pháp hiện đại". Giở nhiều trang sách, báo thông thường thấy người viết (người biên tập, người sửa bản in) cũng khá là coi nhẹ. (Chưa nói có những dấu bị dùng rất tuỳ tiện như các dấu (!), (?), (?!), chẳng hạn). Có lẽ ở ta thiếu một "ông chức năng" có đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm.

Ngày trước, thời thi cử bằng chữ nho, trong bài văn mà tự đánh dấu câu là coi thường người đọc (thầy giáo, giám khảo, ...)(*). Thời nay, với người thường chúng ta thì chểnh mảng dấu câu mới là coi thường người đọc.

Còn trong chuyện bình giảng văn chương, cả trong chuyện thẩm văn thơ nói chung, dấu câu nhiều khi "thắt, mở" lắm lắm. -./.

-------------------------------
(*) Do thí sinh không được tự đánh dấu câu trong bài làm của mình nên có những chuyện “cười ra nước mắt” như chuyện sau đây:
Hai cha con nhà nọ đều học giỏi, nhưng con đă đậu tiến sĩ rồi mà cha thì vẫn lận đận chốn trường thi hoài. Lần ấy, ông con được cử về làm giám khẩo khoa thi hương. Xong việc, ông ta ghé về quê thăm cha. Hai cha con hàn huyên bên mâm rượu. Người cha hỏi chuyện chấm thi có gì hay ho không, người con nói: “Có một chuyện rất đáng tiếc. Một bài văn ở kì “tam trường” (kì thứ ba, có lọt kì này mới có cơ được lấy đỗ cử nhân) viết rất hay song lại để chen một câu rất dở làm hỏng cả bài”. Người cha hỏi câu như thế nào, người con bèn đọc lên. Nghe xong, người cha lẳng lặng đứng dậy lấy một tờ giấy trắng viết trang trọng hai chữ “tiến sĩ” đặt lên bàn thờ khấu đầu vái bốn vái, rồi lấy ra một cây roi bảo ông con nằm xuống: “Anh dốt như thế mà dám đi chấm thi, không biết đã hại bao người rồi. Câu ấy trong mạch văn của bài mà anh đi ngắt câu như vậy lảm hỏng cả ý của người ta. Tôi đã “thỉnh” cái tiến sĩ vua ban cho anh lên kia, bây giờ tôi phải dạy con tôi”.
Thì́ ra bài văn ấy là của chính người cha.




VVM.20.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .