Q uê hương vùng đồng bằng sông Cửu Long miền Tây Nam Bộ có nhiều sông rạch chằng chịt. Những dòng sông cuồn cuộn phù sa nuôi dưỡng cây lúa cây trái miệt vườn, là môi trường để các loài cá tôm sinh sôi nẩy nở nuôi sống con người. Dòng sông còn là con đường thủy giao thương để người dân chuyên chở hàng hóa buôn bán từ miền này sang miền khác.
Trên những nẻo đường quê hương một dòng sông, một bến đò, một con đường đều gợi lên tình yêu quê hương gắn bó. Ca dao là tiếng nói trữ tình thể hiện được tất cả những sinh hoạt hàng ngày của người dân lao động, cuộc sống hòa quyện trong thiên nhiên, chuyển tải tình cảm thủy chung của con người.
Hình ảnh con đường quê cùng với sự khao khát của con người mong muốn ra đi cho biết đó biết đây:
“Đưa chân anh một đỗi đường
Nhớ nhau chẳng biết có thường cho không”
“Mưa dầm gió lạnh bên ngoài
Đường lên quan ải có dài không anh”
“Đường cái là đường cái quan
Chân em ra chợ làm tan chợ rồi”
“Đi cho biết đó biết đây
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”
“Ra đi mẹ có dặn dò
Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ đi”
Đã rời quê hương ra đi đến một vùng đất xa lạ trong lòng mỗi người ngổn ngang lo lắng, nhìn cảnh vật thiên nhiên muông thú đều sinh động mới lạ.
“Tới đây đất nước lạ lùng
Chim kêu cũng sợ, cá vàng cũng kiêng”
“Tới đây đất khách quê người
Cái thương cũng sợ, cái cười cũng ghê”
Dù đi đến đâu trong lòng mỗi người vẫn mang nặng tình yêu quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình, nhớ nhung quê nhà. Mượn lời ca dao than thở tỏ bày tâm trạng, trách cứ lẫn nhau
“Say mê cát bụi đô thành
Quê hương nỡ để tan tành sao anh ?”
“Ai đem em tới Sài thành
Phồn hoa ai khéo dỗ dành hả em”
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”
Nỗi nhớ quê nhà của người đi xa, còn gắn liền với những dòng sông con thuyền là những hình ảnh ẩn dụ cho tình cảm của con người trong cuộc sống trong lao động:
“Long đong sóng vỗ mạn thuyền
Thuyền trôi theo nước thề nguyền cũng trôi”
“Sông sâu nước đục lờ đờ
Cắm sào đợi nước bao giờ cho trong”
“Thuyền ngược ta khấn gió Nam
Thuyền xuôi ta khấn mưa nguồn gió may”
“Sa cơ nên phải lụy đò
Thuyền buôn lỡ chuyến, lửng lơ đầu ghềnh”
Dòng sông, con thuyền qua ca dao là những câu hát sâu nặng nghĩa tình của đôi lứa chung sức chung lòng trước sóng gió của thiên nhiên:
“Đôi ta cố sức lên ghềnh
Em ra đứng mũi cho anh chịu sào”
“Anh ơi sóng gió liên miên
Ra công bát cạy cho thuyền tới nơi”
“Thuyền anh mỏng ván bóng láng nhẹ chèo
Xin anh bớt ngọn thả lèo chở em”
“Xin anh hãy nhẹ mái chèo
Thuyền em rã ván nát lèo như chơi”
Bên cạnh những dòng sông có những bến nước bến đò là nơi hò hẹn đưa tiễn nhau của những chàng trai cô gái, của đôi vợ chồng chung thủy sắt son. Câu ca dao buồn da diết trước cảnh chia ly, thương nhớ khôn nguôi:
“Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”
“Trăm năm đành lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa”
“Ẵm con ra tựa bến tàu
Còi tu tu thổi dạ em sầu biết bao”
“Cây đa bến cũ đò xưa
Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ”
“Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về”
Dù đi đâu sống ở đâu, có lẽ trong lòng mỗi con người xa quê vẫn cảm thấy đâu đó một miền quê xưa cũ của mình, không xa khỏi dòng sông con thuyền bến nước đã ghi sâu vào ký ức qua dân ca, ca dao trữ tình đối với tình cảm quê hương. Xa và nhớ! Chờ đợi ngày trở về. Về với đất.-./.