Khi con gái tôi còn nhỏ, tôi vẫn thường đưa con đến chùa lễ Phật, học tiếng Việt, sinh hoạt văn hóa Việt… Nhưng từ khi lên bậc trung học thì cô bé không còn thích đến chùa nữa, bậy giờ cô bé đã có nhận thức và lập trường riêng, không còn quyến luyến theo cha mẹ, thỉnh thoảng cũng đến chùa với cha me, cái may là vẫn còn nhớ những cách lễ lạy đã thực hành lúc nhỏ. Thực tình mà nói, nhiều đứa trẻ đến chùa chỉ là vì theo cha mẹ chứ không phải vì thích, đến chùa làm các em chán vì không hiểu những gì người lớn đọc tụng kinh, hình thức tu truyền thống không hấp dẫn các em, ấy là chưa nói đến kinh điển thì các em hoàn toàn không biết, không hiểu gì, ngay cả những bài tán hương, tán Phật ngắn nhất.
Tôi nhận thấy con gái mình cũng như những đứa trẻ Việt khác đều như thế, một ngày kia tôi chợt nảy ra ý nghĩ vận dụng kiến thức Phật pháp nghèo nàn và vốn tiếng Anh ba rọi để viết những bài văn ngắn về Phật pháp, về giáo lý căn bản… Rồi tôi đưa cho con bé, bảo nó sửa lỗi chính tả và câu cú giúp cho. Con bé vui vẻ đọc và chỉnh sửa, gặp những thuật ngữ Phật giáo hay những đoạn không hiểu thì cô ta hỏi lại và tôi giải thích. Đôi khi tôi cố khơi gợi những ý cho cô bé hỏi… Thế là hai cha con cùng thảo luận vui vẻ và lý thú. Thông qua việc đọc văn bản để sửa lỗi chính tả, cô bé vô tình đã nhận biết và hiểu được chút ít căn bản giáo lý Phật đà.
Cứ vào mỗi bữa ăn tối, thường chỉ có hai cha con với nhau. Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện về đạo Phật, có khi xem phim hay lướt mạng xã hội. Cô bé hỏi nhiều vấn đề về Phật pháp tỉ như:’ Tại sao phải quy y? Tại sao phải thọ năm giới?…: những vần đề này tương đối dễ nên tôi đáp cũng trôi chảy. Có khi cô bé hiểu một cách máy móc chẳng hạn như:” Sao ba thọ năm giới mà lại còn uống bia?” Tôi biết cũng khá nhiều người hiểu máy móc như thế nên bảo:” Phật chế giới uống rượu là để ngăn ngừa sự lạm dụng say sưa đến mất lý trí, nhân cách… chứ không phải cấm ngặt đến độ không được uống”. Cứ như thế hai cha con vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ chuyện đời và tôi cố ý hướng thêm chuyện đạo. Sau này tôi bắt đầu viết về từ diệu đế, bát chánh đạo đưa cho con bé xem và bảo nó sửa văn giúp. Con bé đọc qua và lĩnh hội chút ít, với cách này tôi vừa ôn lại giáo lý vừa ngầm truyền cho con bé, cả hai đều cùng được lợi ích. Với cách học Phật gián tiếp như thế này, con gái tôi đạt được hiệu quả nhiều hơn là đến chùa nghe kinh mà không hiểu gì. Cách học này vừa thoải mái và vui vì con bé nghĩ đã giúp cha nó và tôi vui vì con đọc được giáo lý Phật đà.
Con gái tôi đã có nhận thức và chút ít kiến thức về Phật học, có lần cô ta so sánh đức Phật với thượng đế các tôn giáo khác. Cô ta nhận biết đức Phật là bậc giác ngộ, là vị thầy chỉ đường tu cho mọi người. Đức Phật không dùng phép tắc và không có ban phước giáng họa như thượng đế. Thượng đế sáng tạo ra đủ thứ, có quyền năng… còn đức Phật không có nói thế bao giờ. Cô bé thắc mắc :” Sao tượng và tranh Phật thì có tóc mà các thầy và cô ở chùa không có tóc?” Tôi bảo đấy là do người tạc tượng vẽ tranh làm thế, kinh Phật có nói về “nhục kế” trên đầu Phật, đó là biểu tượng của trí huệ tối thượng của Phật. Cô bé chỉ biết ứng hóa thân của Phật, tức đức Phật lịch sử, tức từ ông hoàng ở Ấn Độ cổ đại tu hành và giác ngộ, còn pháp thân hay báo thân thì không thể biết và tôi cũng mù mờ không thể giải thích được, đành gác lại.
Với cách này, con gái tôi đã biết chút ít về căn bản Phật pháp, nếu cứ theo lối cũ, lạy Phật, cố ngồi nghe những buổi thuyết pháp tràng giang đại hải thì… không hiệu quả, từ đó tôi có ý kiến rằng: Nếu quý Phật tử có con hay cháu nhỏ tuổi, hãy cố gắng viết hay soạn những bài thật ngắn về căn bản giáo lý cho con cháu mình đọc, dĩ nhiên là tiếng Anh vì bọn trẻ đâu đọc được tiếng Việt, đừng đưa cho các cháu bài dài hay sách, chúng thấy ngán nên không đọc đâu. Quý vị trình bày vài vấn đề căn bản rồi nhờ các cháu sửa lỗi chính tả hay câu văn… như thế là các cháu đọc và tự nhiên sẽ thẩm thấu chút chút vào trong tâm thức của các cháu. Những gì các cháu không hiểu thì mình giải thích, như thế là các cháu tự nhiên “học Phật” rất dễ mà không cầu cưỡng ép ( vì những điều ấy tự động ghi vào tạng thức dù ít dù nhiều). Với cách này thì cả ông bà cha mẹ và các cháu cùng vui vẻ học Phật. Với cách này thì tiếp cận đạo Phật thoải mái không gây nhàm chán cho các cháu, không có sự ngăn cách của hai thế hệ, không bị cản trở về nhận thức và quan điểm của trẻ và già…
Con em người Việt ở hải ngoại có phước lớn được sống trong sự sung túc vật chất, thụ hưởng những phương tiện văn minh, kỹ thuật cao, được học hành bởi một nền giáo dục hữu hiệu, tân tiến, khai phóng...Mặc trái của vấn đề là các em không còn đọc và viết được tiếng Việt, dĩ nhiên là văn hóa truyền thống cũng phai nhạt, việc duy trì đức tin Phật giáo và thực hành cũng không thể như trẻ em ở trong nước, vì thế các em không hiểu và nhàm chán dễ xa rời và dễ đi đến mất gốc. Có một thức tế là các tôn giáo khác ở hải ngoại họ rất tích cực tiếp cận với chúng ta và con em chúng ta. Họ năng nổ và dùng mọi chiêu thức để chiêu dụ. Mỗi sáng chủ nhật ( có khi cả ngày thường) họ cho những thiện nguyện viên ( đã qua huấn luyện) đi đến từng nhà, gặp từng người để xin nói chuyện, hướng dẫn, tặng tài liệu… thậm chí dùng phương tiện vật chất để chiêu dụ. Họ trổ tài hùng biện để mọi người đi theo đức tin của họ. Mà tôn giáo của họ và văn hóa phương tây lại khá thoải mái, khác với nghi thức gò bó của truyền thống đạo Phật, điều này rất dễ lôi kéo các em, điều này có nghĩa là chúng ta rất dễ “ mất” các em. Vì thế chúng ta hãy cố gắng truyền niềm tin Phật pháp và giáo lý căn bản cho con em chúng ta. Quý Phật tử có con cháu nhỏ tuổi hãy thử cách mà tôi vừa trình bày thử xem, khá dễ dàng thoải mái nhưng lại hiệu quả. Quý Phật tử có thể dùng bất cứ phương tiện nào có thể, miễn là giúp con em chúng ta hiểu Phật, biết căn bản giáo lý từ đó mới có thể vững tin vào đạo Phật.
Thời gian dần trôi qua, tôi dần già đi thì con gái cũng trưởng thành. Con bé vào đại học, ngoài những buổi học còn xin làm bán thời gian ở trung tâm sinh hoạt cộng đồng của trường. Những ngày trước thì hai cha con thường ăn cơm chiều với nhau, giờ con bé đi làm ngoài giờ thì buổi cơm chiều còn lại mình tôi. Tôi cảm thấy buồn, thấy nhớ, thấy thấm thía thế nào là vô thường, sự vô thường là thế, mọi vật, mọi việc ở thế gian này thay đổi liên lỉ trong từng phút giây. Tất cả quay vùn vụt trong cái vòng quay vô hình, sinh ra lớn lên rồi già đi và sẽ đến cái chết rồi lại tái sinh. Con người vì duyên mà gặp nhau để làm ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái… rồi cũng vì duyên mà sẽ chia ly, sẽ vĩnh biệt. Nhà phật bảo:” các pháp do duyên sanh thì cũng sẽ do duyên mà diệt”. Hoặc như:” Oán tắng hội khổ, ái biệt ly khổ”...Ở đây, con gái chỉ mới là bước đầu tạm xa trong bữa cơm nhưng là dấu hiệu để biết những tah1ng năm tới đây sẽ dần xa hơn và nhìn thật kỹ hơn nữa thì ắt sẽ thấy đến lúc con gái ra riêng, có cuộc sống riêng, thậm chí thấy cái tử biệt sanh ly ở cuối con đường.
Những ngày nghỉ cuối năm nằm nhà buồn tênh, cái buồn như thẩm thấu vào từng tế bào, đi ra đi vào căn nhà lạnh lẽo vắng tanh. Đã mười mấy năm nay, cha con quấn quýt thủ thỉ với nhau, giờ con gái đủ lớn và bắt đầu đi làm thêm sau giờ học. Tôi thấy buồn chông chênh và trống trải lạ thường, mới ngày đầu tiên vắng mặt con gái mà cứ ngỡ như cách xa lâu lắm, hai cha con liên tục gởi tin nhắn cho nhau.Tuy là ngày đầu tiên nhưng đây là dấu hiệu báo trước cho những ngày tháng sắp tới, mối dây ràng buộc giữa cha và con dần dần lơi lỏng. Con gái trưởng thành sẽ có tình cảm riêng, đời sống riêng của nó và tôi sẽ lui dần vào dĩ vãng cho đến một ngày nào đó thì...
Thế gian này mọi vật, mọi việc thay đổi liên lỉ trong từng phút giây, chẳng có gì bền vững chắc chắn cả, chẳng có gì để gọi là tuyệt đối, vô thường chính là thường!
Ngày xưa mình cũng đã từng thế, lúc nhỏ quấn quýt bên cha mẹ, lớn lên đi học, đi làm, rồi có vợ con và có cuộc sống riêng. Tình thương ngày trước dành cho cha mẹ sau phải san sẻ cho vợ con, thậm chí còn lấn lướt hơn phần dành cho cha mẹ. Giờ con gái trưởng thành và bắt đầu từng bước định hình để có cuộc sống riêng. Rồi mai đây đến lượt con của con gái cũng sẽ như thế,cả thế gian này rồi ai cũng phải như thế! Từng đời, từng đời nối tiếp nhau, từng thế hệ sum họp rồi chia xa. Cái vòng luân hồi miên viễn bất tận, dòng sanh tử chưa từng dừng lại bao giờ, cái bóng dáng của thành- trụ- dị- diệt cứ hiển hiện trong từng sát na. Lý thuyết là thế, sự thật cũng như thế! Làm người thì tránh sao được nỗi buồn này? Con người nào có phải là gỗ đá trơ trơ.
Giai thoại nhà thiền có câu chuyện thế này: Có một bà lão hơn hai mươi năm chăm lo vật thực cho một vị thiền sư tịnh tu trên non. Một ngày kia bà bảo một cô gái trẻ đẹp đến ve vãn thiền sư để xem công phu tu hành đạt đến mức độ nào. Cô gái làm theo lời bà lão và về nói lại lời của vị thiền sư ấy:” Lòng ta như cây khô trên núi tuyết”. Bà lão lập tức đến đốt ngay thảo am của vị thiền sư nọ và nói:” Uổng công ta cung phụng hai mươi năm nay cho lão già này! Lão không cần nhưng chí ít lão cũng phải để tâm đến cô gái mới phải”, thế đấy! Con người mà, sao có thể trơ như gỗ đá được! Học Phật nào phải để trơ như gỗ đá, giải thoát không có nghĩa là trơ như gỗ đá!
Ngày xưa khi ta dần lớn lên thì cha mẹ ta dần già đi, nay con gái ta lớn lên thì ta lại đi vào lão hóa. Sanh- lão- bệnh- tử là quy luật tự nhiên, không ai tránh khỏi. Kinh Phật từng dụ dù có trốn trên mây, núi cao, hang thẳm, đáy biển… cũng không thể tránh khỏi được cái già, cái bệnh, cái chết! Khi sanh ra là đã có ngay cái già, cái bệnh, cái chết. Cái già, cái bệnh, cái chết nó song hành với cái sanh, không thể nào tách ra được! Đã không già, không bệnh, thì cũng không sanh; chiều ngược lại cũng thế, môt khi không sanh thì ắt chẳng có cái già, cái bệnh, cái chết.
Con gái dần dần lớn lên, tình cảm cha con dần dần lơi lỏng, vì con gái còn có tình riêng của nó. Có những người cha đã rơi lệ trong ngày vu quy của con gái, giọt lệ hạnh phúc mừng con gái trưởng thành yên bề gia thất, nhưng giọt lệ ấy cũng chất chứa nỗi buồn tình cha con dần nhạt nhòa đi. Ông bà đã trải qua, cha mẹ đã từng, rồi đến lượt mình cũng thế, sau này con của con mình lại tiếp tục. Rồi ai cũng phải thế! Xem ra cái sự việc phải như thế này rất là “Như thị”, không thể nào khác đi được! Cái sự việc phải như thế này nó đúng với cái nhìn tục tế, hợp với thế gian này.
Sum họp vui, chia ly buồn, sanh vui, tử khổ… Con người vì thất tình lục dục mà khổ. Bởi thế Phật mới chỉ ra con đường thoát khổ, phải ly gia đoạn dục, cắt ái từ thân, phải tu tập để chứng đắc niết bàn ( dù là hữu dư hoặc vô dư) thì mới vắng bặt hết khổ, phiền não. Tuy nhiên thế gian này mấy ai làm được? người xuất gia tuy nhiều nhưng dễ đâu chứng đắc. Người tại gia thì càng không phải nói nữa. Bởi thế cái khổ vẫn song hành với sanh tử, vẫn hiện diện trong mỗi phút giây. Ngày những người xuất gia từ biệt cha mẹ và gia đình để đi tu cũng buồn lắm chứ, bao nhiêu giọt lệ rơi. Cái buồn tử biệt sanh ly, cho dù chỉ ly biệt tạm thời.
Đời kế tiếp đời, hợp tan tái diễn, tử sanh không ngừng, việc tái sanh và gặp lại cha mẹ, con cái trong một nhà là việc vô cùng mong manh hy hữu. Làm sao có thể gặp lại được khi mà mỗi người tạo một cái nghiệp khác nhau? Làm sao có thể sum họp với người cũ được khi mà thân người chưa chắc được? Phật nói được lại thân người khó như rùa mù ngoài biển khơi, cứ mỗi trăm năm mới nổi lên một lần sao cho cái đầu lọt vào cái lỗ của miếng gỗ bập bềnh trôi trên sóng nước.
Tình cảm là sợ dây ràng buộc chắc chắn hơn bất cứ xiềng xích nào, tình cảm xa cách thì buồn đau thương nhớ! Ấy là nỗi khổ của đời người, nhưng rồi ai cũng phải thế thôi! Ngày xưa khi thái tử Tất Đạt Đa quyết chí xuất gia, ngài cũng buồn đau, cũng khổ lắm chứ khi nhìn vợ con lần cuối trước khi ra đi. Tuy nhiên bậc dõng mãnh khác với phàm phu, thà khổ một lần để rồi hết khổ. Ngài đã tìm ra con đường giải thoát cho chính mình và cho nhân loại. Khi ngài chứng đắc tam minh lục thông, trí huệ bừng lên ngài tuyên bố:” Hỡi kẻ làm nhà kia, từ đây thôi nhé! Cột, kèo, ruôi, mè… đã gãy tan”. Ngài chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác. Ngài không còn sanh tử luân hồi nữa. Ngài đã mở ra con đường thoát khổ cho loài người ở thế gian này. Ngài là đạo sư của cả chư thiên, nhân và phi nhân.
Đạo Phật do ngài khai sáng vạch ra con đường đi, phương pháp hành cho mọi người. Với người đủ duyên, đủ bản lãnh thì một lần cắt ái từ thân, ly gia đoạn dục để dõng mãnh lên đường. Với đại đa số người chưa làm nổi thì cũng biết sống và học theo những chỉ dẫn của ngài để cuộc sống bớt khổ. Cụ thể như giảm ham muốn ( biết đủ), bớt ràng buộc, buông bớt… càng giảm, càng buông được bao nhiêu thì đỡ khổ bấy nhiêu.Tình cảm con người cũng có nhiều loại và nhiều mức độ khác nhau, tuy nhiên cao quý và thiêng liêng nhất vẫn là tình cảm cha mẹ và con cái. Khi chưa thể cắt ái từ thân được thì cũng cố gắng làm những điều lành, điều phước thiện nhất cho cha mẹ, con cái và những người thân. Một người nặng thương yêu có thể làm tất cả vì cha mẹ hay cho con cái nhưng tuyệt đối không vì thương mà mê muội chấp nhận làm những điều sai trái tổn hại phước đức của chính mình hay của cha mẹ, con cái mình. Cái điều thiện – ác của thế gian cũng rất hàm hồ và sai lệch, phải có chánh kiến để nhận biết thiện – ác để làm theo, cứ căn cứ theo tứ diệu đế và bát chánh đạo để biện biệt thiện - ác thì ắt sẽ đúng. Phàm những gì lợi người, lợi vật là thiện, bằng như ngược lại là ác. Phàm những gì làm cho người thức tỉnh thì là thiện còn như làm cho người mê muội thì là ác. Nhà Phật dạy:
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo
Rất đơn giản, rõ ràng nhưng cũng chẳng phải dễ, vì không phải dễ mà đã vô lượng kiếp rồi vẫn còn loay hoay tử biệt sanh ly chẳng trọn. Tử sanh vẫn cứ vần xoay chẳng biết đến bao giờ.
Con gái đến tuổi trưởng thành, ngày đầu tiên đi làm thêm. Tôi ở nhà thấy buồn và trống trải vô hạn, vào ra một mình, quay vào trong thấy tôn tượng Thế Tôn ngồi an nhiên, thanh thoát; quay ra ngoài thì đụng bao nhiêu dụ hoặc của ngũ dục lục trần, lòng cứ phân vân, tiến lui chẳng đặng. Lại chợt nhớ cha mẹ già ở phương trời cố quận xa xôi, nhớ con gái mới ngày nào còn lẫm chẫm lòng trào dâng niềm cảm khái khôn cùng buộc miệng thành lời:” Rồi ai cũng phải thế!”