Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



ĐÔI ĐIỀU VỀ ĐỊNH DANH
“NHÓM ĐỀN THÁP PÔ SHA INƯ”

  


T rên  đường từ trung tâm thành phố Phan Thiết đến Mũi Né, đi chừng 7 km, ta thấy về phía bên phải, một hình ảnh khiến ta không thể không chú ý.  Đó là Tháp Chăm Phố Hài, nằm sừng sửng trên ngọn đồi Bà Nài. Đặt ngay đầu con đường rẽ phải vào Tháp là một tấm pa- nô bằng bê- tông, như là bia địa danh, trên đó ghi hàng chữ “Nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư (Phố Hài)”. Bên dưới  cái tên đó, người ta còn ghi thêm “công trình kiến trúc và nghệ thuật được xếp hạng di tích cấp quốc gia”. Tên hơi dài, do vậy hiện nay, theo quy luật rút gọn của ngôn ngữ, người ta (kể cả báo chí) thường gọi đơn giản là “Tháp Pô Sah Inư”. Thực ra, làm gì có cái tháp nào ở khu vực này tên là “Pô Sah Inư”. Có đôi điều cần phải phân giải về định danh này…

Đồi Bà Nài và khu vực chung quanh lâu đài của công tước De Monpensier được gọi tên chung là Lầu Ông Hoàng. Lầu Ông Hoàng không phải là một địa danh được xác định bởi một văn bản có tính chất pháp lí của nhà nước, kể cả trong chế độ cũ và hiện giờ. Đó chỉ là cách gọi của dân gian, lâu dần thành quen, ai cũng biết, cũng nhớ và không ai thắc mắc gì về tên gọi đó đúng hay sai. Tuy nhiên, việc cơ quan có chức năng đã đặt tên mới cho Tháp Chăm Phố Hài và cái tên đó được chép rành rành trong các văn bản hành chính nhà nước, thì thật là… chưa chính danh cho lắm!?        

Theo các tài liệu viết về tháp Chăm ở Việt Nam, từ trước thế kỉ XX, tháp này có tên gọi là Tháp Chăm Phố Hài, được xác định niên đại xây dựng vào khoảng thế kỉ thứ VIII- IX. Tháp thờ thần Shiva, theo Ấn Độ giáo. Năm 1991, Tháp được công nhận di tích cấp quốc gia. Từ năm 1992 đến 1995, công cuộc khai quật quanh tháp phát lộ ra một đền thờ đã bị chôn vùi dưới mặt đất. Đền thờ này được xây dựng vào thế kỉ XV, thờ công chúa Chăm Pô Sah Inư, người có công lớn với dân tộc mình. Từ đó, ngành quản lí văn hóa của tỉnh cho đổi tên “Tháp Chăm  Phố Hài” thành “Nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư”. Xin mở ngoặc lưu ý là vào thời điểm Tháp Chăm Phố Hài được công nhận di tích cấp quốc gia thì di chỉ đền Pô Sah Inư chưa được phát hiện.

Có lí do thật xác đáng nào để xoá tên “Tháp Chăm Phố Hài” và lấy tên của một ngôi đền đã trở thành di chỉ làm tên đại diện cho cả cụm di tích Chăm nằm trên đồi Bà Nài này chăng? Có điều gì đó bên trong khó nói ở đây không? Bài viết này chỉ đưa ra một số ý kiến lý giải mà không có câu trả lời như một kết luận cụ thể; bởi tác giả mong muốn dành một khoảng trống cho những ai quan tâm, để cùng suy nghĩ, cùng tìm hiểu thêm một chút ngỏ hầu cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề định danh trên…  

Về mặt niên đại, Tháp Chăm Phố Hài được xây dựng trước đền thờ Pô Sah Inư hơn sáu thế kỉ. Điều đặc biệt là tháp này hiện đang còn đứng sừng sững với đất trời. Trong khi đền thờ Pô Sah Inư đã sụp đổ và bị chôn vùi hoàn toàn hàng mấy trăm năm, nay chỉ được biết đến qua dấu vết khai quật mà chỉ có những người khảo cổ mới biết được mà thôi. Trong cụm từ định danh “Nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư” trên, nếu chịu khó phân tích một chút về kết cấu ngữ nghĩa, ta sẽ thấy: đứng trước từ “đền” không có từ nào để chỉ định tình trạng tồn tại hiện thời của đền (ví dụ: “di tích đền Hùng”, “phế tích Lầu Ông Hoàng”, “di chỉ thành Thăng Long”…) cũng có nghĩa là mặc nhiên xác nhận ngôi đền đó còn đang hiện hữu, vẫn còn giữ nguyên kiến trúc cơ bản ban đầu của nó, như Tháp Chăm Phố Hài vậy. Điều này là không đúng với thực tế. Vì hiện nay, “đền” chỉ còn là di chỉ dưới lòng đất.

Tôi cho rằng, cũng tương tự như việc trên đây, không ai có quyền lấy tên của của một ngôi đền hoặc tháp nào đó (hẵn nhiên là phải đang tồn tại như di tích còn nhìn thấy được trên mặt đất, chứ không phải là di chỉ) trong quần thể di tích thánh địa Mỹ Sơn- di sản văn hoá thế giới, để làm tên chính thức thay cho tên Mỹ Sơn được. Nếu bên cạnh Tháp Chăm Phố Hài, ta biết thêm một di chỉ là đền Phô Sha Inư, thì cần phải có một tên gọi riêng của đền và nếu cần đặt tên mới chung cho cả cụm di tích thì phải cân nhắc chọn tên nào phù hợp có nhiều tính đại diện nhất. Mặt khác, nếu vì lí do “quan trọng” chẳng đặng đừng nào đó mà cần lấy tên một di tích khác để làm tên đại diện cho quần thể di tích, thì di tích được chọn lấy tên đó phải thật tiêu biểu về nhiều mặt so với cả quần thể, như về: niên đại, kiến trúc, nghệ thuật, hiện trạng công trình.v.v…

“Nhóm đền tháp Chăm Pô sha Inư”, là một cụm từ định danh có tính chất thông báo, nên từ “nhóm” cũng không cần thiết phải nằm trước cụm từ cố định đó nữa. Vì từ “nhóm” thường liên kết với các nhóm từ khác nhau, trong đó có từ chỉ vật hoặc hành động, xuất hiện trong các trường hợp tạo nên cụm từ có tính so sánh, phân biệt (ví dụ: “nhóm gỗ”, “nhóm chạy, nhóm bắn súng”, “nhóm các nhà nghiên cứu về H5N1”, “nhóm cháo, nhóm cơm nát”, “nhóm công trình kiến trúc thế kỉ 15”…). Riêng đối với trường hợp từ “nhóm” đặt trong cụm từ “Nhóm đền tháp Chăm Pô Sha Inư” trên đây chỉ mang tính gộp các sự vật mà không thực hiện được chức năng so sánh. Vì muốn thành nhóm để so sánh, trước hết, các sự vật được gộp chung vào nhóm phải đồng nhất hoặc đồng chất, đồng đẳng, đồng đại..., tức là phải giống nhau về các yếu tố cơ bản. Trong khi tháp thờ thần Shiva khác xa với đền thờ Pô Sha Inư từ ý nghĩa tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật đến niên đại xây dựng và hiện trạng di tích…

Còn nếu vẫn muốn giữ lại từ có tính gộp đứng trước “đền tháp”, thì nên thay vào vị trí đó bằng một từ hợp lí hơn từ “nhóm”. Bởi vì, đối với người am hiểu về tiếng Việt, chỉ cần chú ý một chút về tính chất khu biệt trong liên kết từ của tiếng Việt trong cụm từ “Nhóm đền tháp Chăm Pô Sha Inư”, sẽ phát hiện ngay việc chọn từ “nhóm” để liên kết với cụm từ “đền tháp” là không được thuận cho lắm. Thông thường, nếu chọn một trong các từ gần nhau về mặt ngữ nghĩa như: “nhóm”, “khu”, “cụm”… để đặt trước cụm từ “đền tháp…” nhằm thông báo về số nhiều, thì hợp lí nhất là chọn từ “cụm” hoặc “khu”; vì khi nó liên kết với “đền tháp” sẽ mang tính khu biệt nhiều hơn, làm cho nghĩa của cả cụm từ liên kết đó sáng rõ hơn cả. Từ “khu” hoặc “cụm” vốn chỉ dùng để liên kết sau nó với những từ chỉ vật mà thôi (như “khu nhà ổ chuột”, “cụm lô cốt”, “cụm đền tháp”…), không liên kết với từ chỉ người (không ai nói “cụm người”, “cụm trẻ em”...). Trong khi những từ có khả năng liên kết sau từ “nhóm” thường là những từ chỉ người nhiều hơn là chỉ vật. Ví dụ: “nhóm trẻ”, “nhóm người”, “nhóm học sinh”…

Nếu phân tích thêm hàng chữ : “Di tích kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng cấp quốc gia ” được viết thêm vào bên dưới tên “Nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư” trên bia địa danh được đặt ngay đầu đường rẽ vào cụm di tích, thì càng làm cho ta phân vân hơn nữa. Vì đó chính là nội dung xác nhận ở cấp cao nhất- cấp nhà nước về loại hình kiến trúc và phong cách nghệ thuật của di tích. Ta thử đặt câu hỏi: “Di chỉ đền Pô Sha Inư thuộc thể loại kiến trúc nào và với phong cách nghệ thuật gì?” Câu hỏi này không dễ trả lời, nếu không muốn nói là không thể, vì ngôi đền đã hoàn toàn biến mất vài trăm năm nay, không còn dấu vết trên mặt đất; lấy cơ sở đầy đủ nào để có thể xác định thể loại kiến trúc và phong cách nghệ thuật. Ta thử đặt thêm một câu hỏi nữa: “Vậy thì cấp có thẩm quyền căn cứ vào đâu để gộp di chỉ đền Pô Sha Inư vào cùng với tháp Chăm Phố Hài để gọi chung là di tích kiến trúc nghệ thuật được công nhận cấp quốc gia?” Hỏi cũng tức là trả lời…

Tôi  đã tham khảo ý kiến của một số trí thức (cả người Chăm và người Kinh) đáng kính trọng, có tâm huyết, trung thực và khách quan ở địa phương về vấn đề trên. Họ đều có cùng nhận xét về cách gọi tên “Nhóm đền tháp Chăm Pô sha Inư (Phố Hài)” của ngành quản lí văn hóa hiện nay là không ổn. Do đó, cho rằng tên gọi của quần thể di tích này, chỉ cần thêm từ “đền” vào trong tên cũ “Tháp Chăm Phố Hài” thành “Đền tháp Chăm Phố Hài”. Còn nếu muốn rạch ròi hơn thì dùng cụm từ: “Tháp Phố Hài và di chỉ đền Pô Sah Inư ”. Hoặc cứ gọi theo tên cũ là Tháp Chăm Phố Hài, di tích được nhà nước công nhận.

Những việc làm nêu trên đây của nhà chức trách, vô tình (hay hữu ý?) đã “hô biến” mất tên Tháp Chăm Phố Hài; một cái tên đã tồn tại trang trọng hàng trăm năm trên sách vở (trong nước và thế giới) và trong kí ức của nhiều thế hệ. Cái tên đó chưa hề làm tổn hại gì đến lịch sử văn hoá của đất nước nói chung và dân tộc Chăm nói riêng, cũng không làm giảm thanh danh của những nhà quản lí văn hoá ở địa phương. Tôi tin rằng, những nhà quản lí văn hoá đó, họ biết rất rõ lí do tại sao lại có sự “hô biến” như vậy(5).

Trong việc đặt tên cho di tích văn hoá, theo tôi, có  một điều cơ bản cần hết sức lưu ý  là phải đặt tính văn hoá và tính lịch sử lên hàng đầu; không để phụ thuộc vào yếu tố chủ quan về chính trị hoặc tính dân tộc cực đoan mà làm giảm đi ý nghĩa văn hoá của di tích. Di tích văn hoá là riêng của một dân tộc, một quốc gia cụ thể; nhưng nó còn là tài sản văn hoá của nhân loại… 




VVM.17.10.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .